Mô hình kinh tế và các thành phần kinh tế trong dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992

01/05/2013

PGS. TS. ĐINH DŨNG SỸ

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

1. Về mô hình kinh tế
1.1. Thực tiễn việc hiến định mô hình kinh tế trong Hiến pháp
Lịch sử lập hiến Việt Nam -  từ khi có Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên đến nay - đã có 4 bản hiến pháp. Trừ Hiến pháp năm 1946, các bản hiến pháp 1959, 1980 và 1992 đều nói về mô hình kinh tế, dù trong tất cả các bản hiến pháp này chưa có lần nào sử dụng thuật ngữ mô hình kinh tế.
Lần đầu tiên, vấn đề mô hình kinh tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959, tại Điều 9: “Phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội (CNXH), biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”. Còn tại Điều 10 cũng nói rõ đặc trưng của nền kinh tế đó là “Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất”.
Trong Hiến pháp 1980, chúng ta tiếp tục khẳng định mô hình kinh tế như đã được lựa chọn trong Hiến pháp 1959, nhưng rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn tại Điều 15: “…từ một xã hội mà nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”; về đặc trưng của mô hình kinh tế cũng được khẳng định ở nhiều điều sau đó với điểm nhấn quan trọng ở Điều 33 là “Nhà nước lãnh đạo nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch thống nhất”.
Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới. Tại thời điểm 1992, công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta mới diễn ra được 5 năm, các chính sách và định hướng đổi mới kinh tế ở thời điểm đó về cơ bản còn đang trong tình trạng dò dẫm, thử nghiệm. Đặc biệt, sự sụp đổ của mô hình kinh tế XHCN kiểu cũ đã đưa chúng ta vào một thời kỳ khủng hoảng về mô hình phát triển kinh tế. Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, chúng ta đã phải đứng trước những thách thức và sự lựa chọn cam go về mô hình kinh tế. Rõ ràng là không thể tiếp tục duy trì mô hình kinh tế kiểu Xô viết, nhưng cũng không thể đi theo con đường cải tổ như Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, là chuyển hẳn sang mô hình kinh tế tư bản.
Vậy mô hình phát triển kinh tế chúng ta đã lựa chọn là gì? Ở thời điểm đó, hai điểm mấu chốt nhất là phải làm thế nào để tháo gỡ và phát huy được mọi năng lực sản xuất, giải phóng sức lao động, làm cho sản xuất phải “bung ra”; thứ hai là tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, tức là phải gắn quyền lợi của người lao động với kết quả lao động của chính họ. Đảng ta đã lựa chọn con đường phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; kiên quyết đoạn tuyệt với cơ chế bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu.
Từ đó, Hiến pháp 1992 đã khẳng định mô hình kinh tế của chúng ta là “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế là: “Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” (Điều 15); “Nhà nước thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách” (Điều 26). Đến năm 2001, Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 1992 đã khẳng định rõ hơn mô hình kinh tế của chúng ta là “Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN”.
Như vậy, qua các bản Hiến pháp, trừ Hiến pháp 1946, tất cả các bản hiến pháp Việt Nam đều ghi nhận về mô hình phát triển kinh tế và những đặc trưng của mô hình đó. Đến đây có thể nói, việc thể hiện mô hình phát triển kinh tế trong hiến pháp Việt Nam là một vấn đề có tính truyền thống trong lịch sử lập hiến, việc sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp tục kế thừa truyền thống đó, hiến định về mô hình kinh tế như một sự tất yếu và cần thiết.
1.2. Quan điểm, đường lối về mô hình kinh tế hiện nay
Chắc chắn rằng, việc hiến định mô hình kinh tế phải dựa trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng. Nhiều văn kiện của Đại hội Đảng XI đã thể hiện rất rõ về mô hình kinh tế Việt Nam, đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước được bổ sung, phát triển năm 2011 (Cương lĩnh 2011) đã khẳng định rõ và nhất quán về mô hình kinh tế của chúng ta: Phát triển nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X tại Đại hội XI của Đảng đã cụ thể hóa thêm về mô hình kinh tế là: “Nền KTTT định hướng XHCN  ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước… Đây là một hình thái KTTT vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH”.
Cũng tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng XI, yếu tố thị trường và yếu tố định hướng XHCN được giải thích, làm rõ thêm một bước: “Trong nền KTTT định hướng XHCN, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân”. Đồng thời, “khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, tăng cường đồng thuận xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh yếu tố tự chủ, độc lập của nền kinh tế trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập quốc tế, đó là: “Phát triển KTTT, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời giữ vững, tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.
Như vậy, có thể nói từ năm 2001 chúng ta đã xác định rõ mô hình kinh tế của chúng ta là nền KTTT định hướng XHCN. Đến Cương lĩnh 2011 và các văn kiện của Đại hội XI đều khẳng định lại một cách nhất quán mô hình KTTT định hướng XHCN cũng như các đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế này.
1.3. Quy định về mô hình kinh tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và góp ý hoàn thiện
Theo tinh thần của Cương lĩnh 2011 và các văn kiện tại Đại hội XI, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định Điều 53 và Điều 54 về mô hình kinh tế nước ta như sau:
“Điều 53
Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.
“Điều 54.
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Chúng tôi xin được bình luận về 2 điều nói trên như sau:
- Về mặt hình thức, chúng tôi cho rằng, cách diễn đạt về mô hình kinh tế ở 2 điều 53, 54 nói trên (thậm chí là có ở cả Điều 55) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là chưa thực sự hợp lý, chưa logic, vì trong ba điều này còn có sự lẫn lộn, rời rạc, chưa thực sự rõ ràng về: mô hình kinh tế, các đặc trưng của mô hình kinh tế và cơ cấu các thành phần kinh tế. Theo chúng tôi, nên thể hiện lại Điều 53, Điều 54 và một phần của Điều 55 thành 2 điều rõ ràng và đầy đủ hơn, theo đó, Điều 53 nói về mô hình kinh tế và các đặc trưng của mô hình kinh tế, trong đó câu đầu tiên cần khẳng định về mô hình kinh tế là “Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN”; còn Điều 54 dành riêng để nói về cơ cấu các thành phần kinh tế.
- Về mặt nội dung, chúng tôi nhận thấy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định rõ mô hình kinh tế là: “nền KTTT định hướng XHCN”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, quy định trên của Dự thảo vẫn chưa làm rõ, chưa hiến định đầy đủ về các đặc trưng của mô hình kinh tế này. Cụ thể là chưa phản ánh hết được nội dung, ý tưởng của Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội XI về hai yếu tố đặc trưng của mô hình kinh tế của chúng ta là yếu tố thị trường và yếu tố định hướng XHCN. Do đó, chúng tôi đề nghị nên bổ sung và làm rõ hơn hai đặc trưng nói trên của mô hình kinh tế như Cương lĩnh 2011 và các văn kiện Đại hội XI đã chỉ rõ, đó là: bảo đảm xây dựng một hình thái KTTT vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH. Còn Nhà nước có vai trò là người cầm lái, định hướng để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào sức mình là chính, tích cực hội nhập quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 Điều 53 về mô hình kinh tế nên được viết như sau:
1. Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN, trong đó, các quy luật của KTTT được tôn trọng, các cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt; phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
2. Nhà nước định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Các thành phần kinh tế
Có thể nói, sau ¼ thế kỷ đổi mới - kể từ năm 1986, chúng ta đã có những thay đổi quan trọng về mặt nhận thức về các thành phần kinh tế. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận các thành phần kinh tế gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước. Đến Nghị quyết Quốc hội năm 2001 về sửa đổi Hiến pháp 1992 có sự thay đổi tương đối về các thành phần kinh tế, gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.Đến Cương lĩnh 2011 đã có sự thay đổi quan trọng trong nhận thức, quan điểm của chúng ta về các thành phần kinh tế. Cương lĩnh đã khẳng định phát triển nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Cương lĩnh cũng khẳng định rõ 4 thành phần kinh tế đó là: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bỏ cách gọi không chính xác hoặc không có đối với một số thành phần kinh tế như quy định của Hiến pháp 1992 đó là: kinh tế quốc doanh, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước.
Hiến pháp 1992 quy định rất rõ về các thành phần kinh tế cũng như vai trò của các thành phần kinh tế (có thể nói là từ Hiến pháp 1959 chúng ta đã có quy định về các thành phần kinh tế). Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không quy định về các thành phần kinh tế cụ thể mà chỉ quy định rất khái quát về vấn đề này tại Điều 54 như sau:
“1. Nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Như vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không nói cụ thể về một thành phần kinh tế nào, cũng không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, cũng không khẳng định vai trò nền tảng của sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Chúng tôi cho rằng, quy định như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là hợp lý, vì Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản pháp lý có tính tuyên ngôn, tồn tại lâu dài, đòi hỏi phải phản ánh đầy đủ nhưng rất ngắn gọn và khúc chiết những vấn đề cơ bản từ chế độ chính trị, kinh tế đến phát triển văn hoá, xã hội và an ninh, quốc phòng…, từ đó, các quy định của Hiến pháp sẽ tiếp tục được cụ thể hóa trong các đạo luật riêng của Quốc hội. Theo chúng tôi, điều cốt lõi nhất về các thành phần kinh tế cần phải khẳng định trong Hiến pháp đó là sự cùng tồn tại, phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Quy định tại Điều 54 trên đây cơ bản đã đạt được yêu cầu cốt yếu này.   
Mặt khác, với tính chất của một bản Hiến pháp - văn kiện có giá trị pháp lý cao nhất, tồn tại lâu dài với thời gian thì chỉ quy định những vấn đề đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nhận thức, cũng như đã đạt được độ chín cần thiết, có tính ổn định cao. Nhìn lại lịch sử các bản Hiến pháp Việt Nam chúng tôi thấy, bắt đầu từ Hiến pháp năm 1959 đã có sự quy định về các thành phần kinh tế, sau đó đến Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Nghị quyết của Quốc hội năm 2001 về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đều phải sửa đổi, bổ sung các quy định về các thành phần kinh tế. Như vậy, chứng tỏ đây là một vấn đề thường có những đổi mới về mặt nhận thức để phù hợp với thức tiễn trong từng thời kỳ. Do vậy, theo chúng tôi, việc Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không quy định cụ thể về các thành phần kinh tế cũng như vai trò của các thành phần kinh tế là hợp lý. Trên cơ sở quy định của Điều 54, các văn bản luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã và tới đây còn có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh… căn cứ vào từng thời kỳ vẫn hoàn toàn có đủ cơ sở để xác định vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc dân, nếu cần.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự chính xác về mặt pháp lý, thể hiện đúng bản chất của các quan hệ hợp tác, cạnh tranh, bình đẳng của các chủ thể kinh doanh trên thị trường, chúng tôi đề nghị chỉnh lý thêm về Điều 54, bổ sung thêm đoạn các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vì các thực thể của nền kinh tế và cũng là chủ thể pháp lý trong các quan hệ thị trường - nơi chúng cùng tồn tại, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh với nhau đó là các loại hình doanh nghiệp (các thực thể kinh tế) thuộc tất cả các thành phần kinh tế chứ không phải là bản thân các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế không phải là những chủ thể pháp lý, không phải là các thực thể kinh tế của thị trường. Theo đó, Điều 54 nên được viết như sau:
1. Trong nền KTTT định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
2. Các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số10(242), tháng 5/2013)


Thống kê truy cập

33009816

Tổng truy cập