Khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự và kiến nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

01/11/2015

TS. VŨ THỊ HỒNG YẾN

Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Tài sản và đặc điểm pháp lý của tài sản
Trong cuốn Deluxe Back’s Law Dictionary, tài sản được giải nghĩa là một từ được sử dụng chung để chỉ mọi thứ là đối tượng của quyền sở hữu, hoặc hữu hình hoặc vô hình, hoặc động sản hoặc bất động sản. Như vậy, nếu xét dưới góc độ luật học thì khái niệm tài sản được nhìn nhận trong mối quan hệ với quyền sở hữu và được xem xét dưới các khía cạnh đa dạng như tài sản hữu hình, tài sản vô hình, động sản và bất động sản.
Nghiên cứu về khái niệm tài sản, không thể không tìm hiểu về khái niệm này từ các học giả thời La Mã cổ đại. Theo luật La Mã, tài sản bao gồm các vật và quyền tài sản. Vật là những đối tượng hữu hình đơn lẻ, phân biệt được, có tính độc lập mà con người có thể cầm nắm, khai thác lợi ích kinh tế và có giá trị vật chất. Các nước theo hệ thống luật Civil Law như Pháp, Nhật Bản, Queebec (Canada) đều không có định nghĩa về tài sản trong các BLDS mà chỉ quy định về tài sản thông qua việc phân loại chúng. Phân loại tài sản cũng là một kỹ thuật pháp lý để làm rõ các khía cạnh của tài sản và để xây dựng các quy chế pháp lý điều chỉnh chúng cho phù hợp. Theo BLDS Pháp, tài sản bao gồm động sản và bất động sản (Điều 516); tài sản có thể là động sản do tính chất hoặc do pháp luật quy định (Điều 527). Như vậy, tài sản được nhận diện thông qua các khái niệm như vật (mang tính hữu hình) và quyền (mang tính vô hình), động sản và bất động sản.
Các học giả Common Law lại thể hiện quan niệm tài sản là các mối quan hệ giữa người với người liên quan đến vật, hơn là nhấn mạnh đến các đặc tính vật lý hay chất liệu như các học giả Civil Law, theo đó tài sản được hiểu là một mớ quyền (abundle of rights): tài sản bao gồm bất kể những gì có khả năng sở hữu hoặc bởi cá nhân, tập thể hoặc cho lợi ích của người khác[2].
Như vậy, các quan niệm về tài sản trong BLDS ở một số nước tiêu biểu cho hệ thống pháp luật trên thế giới đều đi theo hai cách tiếp cận cơ bản, đó là tài sản được tiếp cận dưới góc độ vật hay dưới góc độ quyền. Dưới góc độ vật: theo tiêu chí vật lý thì những vật mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan tiếp xúc là vật hữu hình, còn ngược lại là vật vô hình. Vật vô hình chính là các quyền tài sản. Như vậy, tài sản gồm có vật và quyền, có tính hữu hình và vô hình. Dưới góc độ quyền: cơ sở xuất phát điểm của cách tiếp cận này là sự thừa nhận vật có tính chất hữu hình, độc lập, có thể cầm nắm được. Việc tiếp theo của các nhà làm luật là xác định các quyền lợi của các chủ thể xoay quanh vật hữu hình đó. Nếu các quyền được thực hiện một cách trực tiếp trên vật hữu hình mà không cần có sự hỗ trợ của bất kỳ chủ thể nào khác thì được gọi là quyền đối vật hay còn gọi là vật quyền. Trong quyền đối vật có quyền đối vật tuyệt đối là quyền sở hữu và quyền đối vật phụ thuộc là các quyền hưởng dụng, quyền địa dịch, quyền bề mặt, quyền của bên nhận cầm cố, thế chấp đối với vật. Ngược lại với quyền đối vật là quyền đối nhân. Quyền đối nhân là quyền được thực hiện trên vật một cách gián tiếp thông qua hành vi của chủ thể mang nghĩa vụ hay còn được gọi là trái quyền. Bên cạnh đó còn một loại quyền đặc biệt không được thực hiện trực tiếp trên vật cũng không phải thông qua hành vi của người khác mà tồn tại theo quy định của pháp luật được gọi là quyền vô hình tuyệt đối, đó là quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật dân sự Nhật Bản đã đi theo hướng tiếp cận này. Trong BLDS Nhật Bản không có khái niệm cụ thể về tài sản mà khái niệm tài sản được ẩn chứa trong các quy định về vật (chương 3, quyển 1), vật quyền (quyển 2) và trái vụ (quyển 3).
Để nhận diện về tài sản thì nhất thiết phải chỉ ra được các đặc điểm pháp lý của chúng. Trên cơ sở tìm hiểu các quy định của pháp luật dân sự truyền thống và hiện đại, chúng tôi cho rằng, tài sản có những đặc điểm pháp lý cơ bản sau:
Thứ nhất, tài sản là những đối tượng mà con người có thể sở hữu được. Nếu tài sản là vật hữu hình thì con người có thể nắm giữ hoặc chiếm giữ được thông qua các giác quan tiếp xúc; nếu tài sản là vật vô hình thì con người phải có cách thức để quản lý và kiểm soát sự tồn tại của chúng, ví dụ: các tài sản trí tuệ phải được thể hiện trên những "vật mang" nhất định để con người có thể nhận biết được[3] và chủ thể sáng tạo có thể đăng ký xác lập quyền của mình tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, tài sản phải mang lại những lợi ích nhất định cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền. Ở đây, cần có sự phân biệt giữa yếu tố giá trị và trị giá được thành tiền của tài sản. Tài sản có giá trị được hiểu là tài sản đó có ý nghĩa về mặt tinh thần hay có giá trị sử dụng cụ thể nào đó với mỗi chủ thể khác nhau. Ví dụ, một bức ảnh đã cũ từ thời thơ ấu vô cùng có giá trị đối với một người nhưng để định giá được bức ảnh đó có giá trị bao nhiêu tiền thì phải có căn cứ như thông qua bán đấu giá hay căn cứ vào sự thoả thuận của các bên để xác định nó trị giá bao nhiêu tiền hoặc có thể chẳng ai trả giá cho bức ảnh đó. Như vậy, không phải mọi tài sản có giá trị thì đều có thể trị giá được thành tiền. Tuy nhiên, nếu như có chủ thể xâm phạm đến bức ảnh đó, như đốt hay xé bỏ nó thì chủ sở hữu của bức ảnh vẫn có quyền kiện đòi bồi thường khi tài sản bị xâm phạm và Tòa án phải thụ lý để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu. Và để xác định được mức bồi thường thì cần định giá cho bức ảnh đó - đây là câu chuyện không đơn giản cho Tòa án khi đó không phải là hàng hóa có giá trên thị trường.
Chúng tôi cũng xin được bàn luận về quy định sau của BLDS 2005 và đã có nhiều quan điểm cho rằng, tài sản còn phải thỏa mãn một đặc điểm là có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự hay phải là đối tượng của các giao dịch dân sự. Cụ thể: Điều 181 BLDS 2005 có định nghĩa: "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao lưu dân sự".Về nguyên tắc, quyền tài sản có thể chuyển giao trong các giao lưu dân sự phụ thuộc vào bản chất của chúng có hay không có "gắn với yếu tố nhân thân" và quy chế pháp lý được dành riêng cho chúng như chúng không thuộc loại tài sản pháp luật quy định là loại tài sản bị cấm lưu thông. Ví dụ: quyền đòi nợ là quyền tài sản không gắn với nhân thân nhưng quyền yêu cầu cấp dưỡng hay quyền được hưởng lương hưu… là những quyền tài sản gắn với nhân thân. Về nguyên tắc, các giá trị nhân thân chỉ thuộc về một chủ thể nhất định, không thể chuyển giao cho người khác. Do vậy, ngoài các đặc điểm pháp lý như: có thể sở hữu được, mang lại lợi ích cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền thì tài sản cần có thêm đặc điểm pháp lý của quyền tài sản là "có thể chuyển giao trong các giao lưu dân sự" hay không? Chúng tôi cho rằng, đặc điểm pháp lý này chỉ dành cho tài sảnkhi chúng được nhìn nhận dưới góc độ là đối tượng của các giao dịch dân sự mà không thể áp đặt chúng thành các tiêu chí để nhận diện về tài sản. Do vậy, đặc điểm "có thể chuyển giao trong các giao lưu dân sự" không phải là một yếu tố thuộc về khái niệm tài sản.
Một điểm đặc thù trong khái niệm tài sản là: Tài sản là một khái niệm động mang nội dung kinh tế, xã hội và nội dung pháp lý nhằm mục đích đáp ứng cho các nhu cầu của con người trong cuộc sống. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sự đa dạng hóa các loại hợp đồng ... đã làm phát sinh những loại tài sản mới đa dạng, phức tạp và tất yếu kéo theo tư duy mới về tài sản. Những khái niệm có tính truyền thống, cổ điển về tài sản đã trở nên quá chật hẹp so với sự phát triển đa dạng và phức tạp của các loại hình tài sản mới như tiền ảo (bitcoin), tài sản trong các trò chơi game online, tên miền, các dự án, tài sản sẽ có trong tương lai, các quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng như quyền thu phí đường bộ, quyền thuê bất động sản mà đã trả tiền thuê trước cho cả thời hạn thuê... Tính mới của các loại tài sản hiện nay sẽ tạo nên bước đột phá mới trong tư duy của các nhà làm luật về việc xác định các loại tài sản mới.
Cũng vì vây, cách định nghĩa theo kiểu liệt kê các loại tài sản của Điều 163 BLDS năm 2005: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản" dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót những dạng tài sản khác và không làm rõ được các đặc tính pháp lý cơ bản để nhận diện về tài sản. Như vậy, chúng ta sẽ không tìm thấy các yếu tố đặc trưng cơ bản của tài sản trong định nghĩa trên.
2. Mối quan hệ giữa tài sản, vật và quyền tài sản
Để có thể nhận diện được bản chất pháp lý của tài sản, có lẽ cần phân tích và làm rõ mối quan hệ giữa các khái niệm tài sản, vật và quyền tài sản dưới các khía cạnh pháp lý sau:
Thứ nhất, xét dưới góc độ bản thể vật lý tồn tại của tài sản, vật, quyền tài sản thì mối quan hệ giữa chúng được xác định:
Vật được hiểu là đối tượng hữu hình, chiếm một phần của không gian và con người có thể biết được thông qua các giác quan tiếp xúc như cầm, nắm, nhìn, sờ thấy chúng.  
Quyền được hiểu là lợi ích mà các chủ thể đã xác lập trên vật. Quyền trên vật có thể được phân thành quyền tuyệt đối và quyền tương đối. Quyền tương đối là quyền thực hiện một cách gián tiếp đối với vật thông qua chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Hay nói cách khác, chủ thể có quyền tương đối chỉ có thể thỏa mãn quyền của mình trên vật thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của một chủ thể khác (chủ thể mang nghĩa vụ luôn được xác định cụ thể) - còn được gọi là trái quyền. Đó có thể là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ hợp đồng, các nguồn thu. Quyền tuyệt đối là quyền đối với vật và quyền này có hiệu lực với tất cả mọi người còn lại trong xã hội. Có thể giải thích theo cách khác là, chủ thể nắm giữ quyền tuyệt đối chỉ có thể đạt được quyền của mình thông qua việc khai thác giá trị của vật mà không phụ thuộc vào chủ thể mang nghĩa vụ (bởi chủ thể mang nghĩa vụ tồn tại dưới dạng "ẩn" - không xác định cụ thể). Nếu đối tượng của quyền là vật hữu hình thì hệ quả sẽ làm phát sinh vật quyền - có thể được hiểu là quyền sở hữu vật. Nếu đối tượng của quyền là tài sản trí tuệ (loại tài sản vô hình) thì hệ quả sẽ là quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí…)[4]. Quyền sở hữu trí tuệ thường được phân biệt thành một loại quyền riêng biệt phụ thuộc vào pháp luật. Thực chất nó không hoàn toàn là quyền đối vật và cũng không phải là quyền đối nhân.
Như vậy, chúng ta thấy vật là yếu tố đầu tiên cần được nhận diện; sau đó là các quyền được xác lập trên vật tạo thành các loại vật quyền, trái quyền, quyền sở hữu trí tuệ. Vậy quyền tài sản là gì? Theo tư duy logic có quyền trên vật thì cũng có quyền trên tài sản, trong khi tài sản bao gồm vật và quyền thì và sẽ dẫn đến hệ quả: quyền trên vật và cả quyền trên quyền.
Đối với quyền trên vật thì cách tư duy này lại trở về vị trí xuất phát điểm là vật, giá trị của quyền không tách rời giá trị của vật - theo đó có sự hỗn nhập giữa vật và vật quyền, và không thể đồng thời cùng một lúc có nhiều vật quyền trùng nhau cùng tồn tại trên vật. Các vật quyền sau này được hình thành, được hiểu là các chi phân, các nhánh của quyền sở hữu, phụ thuộc vào quyền sở hữu (vốn được coi là vật quyền chính yếu và tuyệt đối).
Đối với quyền trên quyền: chẳng hạn quyền đòi nợ là trái quyền; quyền đòi nợ được dùng để thế chấp thì bên nhận thế chấp quyền đòi nợ sẽ có quyền tài sản: quyền đối với quyền đòi nợ. Chung quy của quyền trên quyền cũng là duy nhất một chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ: gọi là trái quyền cũng đúng và gọi là quyền tài sản cũng đúng. Tựu trung lại thì tài sản bao gồm có vật (vật quyền) và quyền tài sản (trái quyền). Quyền sở hữu trí tuệ sẽ được coi là một trường hợp đặc biệt được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành.
Thứ hai, dưới góc độ đối tượng của các giao dịch dân sự thì mối quan hệ giữa chúng được xác định:
Vật là cơ sở để hình thành các quyền tác động trực tiếp trên vật như quyền sở hữu hay quyền của các chủ thể khác đối với vật. Để thực hiện các quyền năng trên vật thì chủ thể đưa vật trở thành đối tượng trong các giao dịch dân sự, như để thực hiện quyền sử dụng thì chủ sở hữu có thể cho thuê vật, để thực hiện quyền định đoạt thì chủ sở hữu có thể bán, trao đổi, tặng cho vật… Khi đó, thay vì được quyền tác động trực tiếp trên vật thì chủ thể sẽ có quyền yêu cầu một chủ thể khác phải đáp ứng lợi ích cho mình bằng việc trả một khoản tiền hay vật hoặc thực hiện một công việc trị giá được bằng tiền - hay còn được gọi là trái quyền. Trên cơ sở xác lập các giao dịch liên quan đến vật, chủ sở hữu đang chuyển quyền của mình từ dạng vật quyền sang trái quyền. Vậy trái quyền có phải là quyền tài sản không? Quyền tài sản theo quy định tại Điều 181 BLDS năm 2005 là quyền trị giá được thành tiền và chuyển giao được trong các giao lưu dân sự. Xoay quanh việc nhìn nhận về bản chất của quyền tài sản, có những quan điểm cho rằng quyền tài sản bao gồm tất cả các quyền như vật quyền, trái quyền, quyền sở hữu trí tuệ; quan điểm khác lại cho rằng quyền tài sản chỉ là trái quyền (phát sinh từ hợp đồng và có thể chuyển giao được).
Nếu theo quan điểm thứ nhất, quyền tài sản bao gồm vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ thì chúng ta có thể hình dung về tình trạng hỗn nhập giữa các trạng thái của chúng như: đầu tiên là có vật - được coi là một loại tài sản; tiếp theo là quyền được xác lập trên vật: vật quyền và trái quyền - cũng được coi là một loại tài sản. Ví dụ, một chiếc xe máy là vật - là tài sản; quyền sở hữu chiếc xe máy (vật quyền) cũng được coi là tài sản; quyền yêu cầu thanh toán giá trị của chiếc xe máy (trái quyền) cũng là tài sản. Như vậy, tài sản chỉ tồn tại hoặc là vật (vật quyền được đồng nhất với vật trong giao dịch trên) hoặc là quyền yêu cầu thanh toán giá trị của vật - được hiểu là quyền tài sản. Theo đó, chúng tôi cho rằng vật và vật quyền luôn song hành hay không thể tách rời nếu xét dưới góc độ là đối tượng của giao dịch để xác định giá trị của vật (hoặc vật quyền). Hay nói cách khác, giá trị của vật quyền đồng nhất với giá trị của vật mà trên đó vật quyền được xác lập, bởi khi vật là đối tượng của giao dịch thì mục đích của giao dịch đó luôn được xác định: chủ thể dịch chuyển quyền gì: quyền sử dụng hay quyền định đoạt đối với vật? Sau khi vật và vật quyền được dịch chuyển cho người khác thì chủ thể sẽ có được quyền yêu cầu thanh toán giá trị của vật quyền đó. Do đó, xét dưới góc độ là đối tượng của giao dịch thì chúng tôi nhìn nhận vật và vật quyền (quyền sở hữu) là đồng nhất, bên cạnh trái quyền; và tài sản chỉ có thể tồn tại là vật (vật quyền) và là quyền tài sản (trái quyền). Trên cơ sở phân tích trên, dưới góc độ tài sản là đối tượng của các giao dịch, chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ hai, đó là quyền tài sản chỉ bao gồm trái quyền; còn vật quyền thì có sự hỗn nhập với vật.
Như vậy, nếu cho rằng tài sản là một khái niệm bao trùm cả vật và quyền trên vật, thì quyền tài sản sẽ là khái niệm độc lập với quyền trên vật cũng như độc lập với khái niệm tài sản. Chúng tôi cho rằng, tài sản bao gồm vật (vật quyền) dưới góc độ hữu hình, quyền sở hữu trí tuệ dưới góc độ vô hình; còn quyền tài sản chính là trái quyền: quyền yêu cầu thanh toán phát sinh từ các hợp đồng. Hay nói cách khác, quyền tài sản là khả năng mà chủ thể có thể có quyền sở hữu tài sản; khả năng này phụ thuộc vào việc thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của chủ thể có nghĩa vụ. Vật và vật quyền là đồng nhất trong đối tượng của giao dịch, chỉ có vật và trái quyền mới là các đối tượng độc lập trong các giao dịch. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ của tài sản, vật, quyền tài sản như trên, một lần nữa chúng tôi muốn củng cố lại khái niệm về tài sản như đã phân tích ở trên: tài sản bao gồm vật (vật quyền - quyền sở hữu) và quyền tài sản (trái quyền) mà con người có thể sở hữu được, mang lại lợi ích cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền. Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình, có thể được quy định thêm trong các văn bản luật chuyên ngành.
3. Mối quan hệ giữa vật quyền và trái quyền
Như trên đã phân tích thì vật quyền là cơ sở để phát sinh trái quyền, cụ thể là chủ sở hữu có thể dịch chuyển một trong các quyền năng của mình như quyền sử dụng hay quyền định đoạt vật cho chủ thể khác thông qua các giao dịch. Các giao dịch này là cơ sở để hình thành trái quyền cho các chủ thể trong giao dịch đó. Và ngược lại, trái quyền lại là cơ sở để hình thành vật quyền nếu trái quyền đó đáp ứng được các yêu cầu của vật quyền theo như quy định của pháp luật. Nếu người mua vật, chiếm hữu vật thì sẽ hình thành một loại vật quyền là quyền chiếm hữu; nếu người mua đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với vật mua thì sẽ hình thành quyền sở hữu - một loại vật quyền chính yếu và tuyệt đối. Chính bởi vậy, trong lý thuyết về vật quyền có nguyên tắc trừu tượng và tách biệt, theo đó hiệu lực của trái quyền (hiệu lực của hợp đồng) có sự tách biệt với hiệu lực của vật quyền (thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với vật mua bán). Dưới góc độ các giao dịch bảo đảm thì các giao dịch bảo đảm có tính vật quyền có vị trí ưu tiên hơn so với các giao dịch bảo đảm có tính trái quyền.
4. Một số nhận xét và khuyến nghị đối với quy định của BLDS về tài sản
Thứ nhất, về quy định của Điều 163 BLDS năm 2005: Khái niệm tài sản được quy định tại Điều 163 BLDS năm 2005 không nêu được các đặc trưng pháp lý của tài sản nên đã gây ra sự nhầm lẫn giữa tài sản tồn tại dưới dạng quyền với các loại giấy tờ chứng minh cho quyền tài sản đó. Điều 163 liệt kê tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản. Điều chúng tôi muốn khuyến nghị ở đây là sự liệt kê tiền là một loại tài sản là không cần thiết, vì chức năng chủ yếu của tiền là công cụ định giá và thanh toán. Giấy tờ có giá cũng là những giấy tờ do cơ quan, tổ chức nhất định phát hành xác nhận quyền được yêu cầu thanh toán của chủ thể nắm giữ các loại giấy tờ đó. Do vậy, giấy tờ có giá cũng có chức năng để chứng minh cho quyền tài sản. Nếu ghi nhận cả giấy tờ có giá là một loại tài sản được xếp bên cạnh quyền tài sản sẽ gây ra sự nhầm lẫn giữa các loại tài sản. Có quan niệm chất liệu hoá tài sản vô hình, chẳng hạn: mặc dù có sự tách bạch giữa quyền với hình thức vật chất (giấy tờ) chứng minh nó như trong trường hợp đối với cổ phần hoặc trái phiếu, nhưng quan niệm này vẫn gộp nó vào các giấy tờ chứng minh sự tồn tại của nó[5].
Có 2 phương án liên quan đến vấn đề tài sản:
Phương án 1: Không quy định về tài sản. Các văn bản pháp luật hiện hành chỉ cần quy định về vật và quyền, đây là hai nhánh chính của tài sản; trên cơ sở đó cần có các quy định cụ thể về các dạng tồn tại của vật và quyền vì chúng sẽ là đối tượng trong các giao dịch dân sự. Còn khái niệm tài sản nên để cho các học giả chuyên ngành luật định nghĩa dưới khía cạnh lý luận bởi tài sản là một khái niệm có tính bao quát, trừu tượng và luôn thay đổi theo hoàn cảnh. Trên cơ sở đó, nên hạn chế dùng các cụm từ tài sản khi quy định về đối tượng trong các giao dịch trong BLDS.
Cụm từ tài sản được gắn vào sau hầu hết các hợp đồng quy định trong BLDS như hợp đồng mua bán, thuê, thế chấp, cầm cố… trong khi đó, tài sản lại bao gồm vật và quyền tài sản. Đối tượng của mỗi hợp đồng đều cần được xác định cụ thể theo thỏa thuận của các bên và theo bản chất của từng loại hợp đồng, nên khi gắn đối tượng của hợp đồng và tên của hợp đồng thì cần có sự chính xác, nếu không thì để cho chính các chủ thể lựa chọn. Ví dụ, pháp luật của Pháp, Nhật Bản đều đặt tên cho biện pháp thế chấp là thế chấp bất động sản, cầm cố động sản, thế chấp quyền đòi nợ… Phương án 1 này cũng là hướng đi của Nhật Bản, Đức: trong BLDS của các nước này chỉ quy định về vật, vật quyền, trái vụ mà không có quy định về tài sản.
Phương án 2: Xây dựng khái niệm về tài sản và có các điều khoản để giải thích cụ thể về các thuật ngữ chứa đựng trong khái niệm đó.
Điều 106 Dự thảo sửa đổi BLDS 2005 ngày 5/9/2005 có quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Tiếp theo, Điều 110 có định nghĩa về Vật và Điều 117 có định nghĩa về Quyền tài sản.
Với cách định nghĩa về tài sản theo Dự thảo trên, chúng tôi thấy dường như nhà làm luật còn lúng túng trong hướng đi hay chưa thống nhất trong cách tiếp cận. Bởi nếu quy định “tài sản là…” thì lẽ ra phải nêu nội hàm của khái niệm, phải chỉ ra các yếu tố để nhận diện về tài sản, nhưng nhà làm luật lại chỉ liệt kê tài sản bao gồm những hình thức tồn tại là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản; tiếp theo đến đoạn 2 của cùng điều luật lại quy định về tài sản dưới dạng liệt kê “tài sản bao gồm…”. Thêm nữa, cách định nghĩa của Điều 110 về vật và Điều 117 về quyền tài sản dường như chưa làm sáng tỏ được hệ quả pháp lý của những quy định này. Tại sao BLDS chỉ giải thích khái niệm vật và quyền tài sản, còn khái niệm tiền, giấy tờ có giá vốn nằm trong khái niệm về tài sản lại không được giải thích? Có thể suy đoán là nhà làm luật muốn để các luật chuyên ngành quy định nhưng cần lưu ý là, BLDS phải tạo khung cho luật chuyên ngành quy định, nếu không sẽ dẫn đến khả năng có sự mâu thuẫn hay chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Thực tế đã chứng minh, có một số luật chuyên ngành được ban hành và làm vô hiệu hóa các quy định của BLDS. Theo các văn bản pháp luật hiện hành thì cổ phiếu, trái phiếu là giấy tờ có giá nhưng cũng là những giấy tờ chứng minh cho quyền tài sản. Vậy chúng là một hay là hai loại tài sản độc lập, mối quan hệ giữa chúng như thế nào? Thiết nghĩ, những nhà làm luật cần thống nhất về bản chất pháp lý của tài sản theo những dấu hiệu, đặc điểm pháp lý của tài sản và thống nhất về cách tiếp cận (quy định tài sản dưới dạng vật lý hay quy định các quyền trên tài sản) như chúng tôi đã phân tích ở trên, để có thể xây dựng được khái niệm tài sản chuẩn xác, có tính ứng dụng cao và thúc đẩy cho các giao dịch dân sự, kinh tế ngày cảng phát triển./.
 

 
[1] Bản Dự thảo sửa đổi BLDS năm 2005 ngày 5/9/2015.
[2] Robert W. Emerson, John W. Hardwick, Business Law, Barron’s educational series Inc., USA, 1997, p.08
[3] Ví dụ, một tác phẩm văn học phải được thể hiện thông qua các ký tự, cuộc biểu diễn phải được định hình thông qua các bản ghi âm, ghi hình…
[4]. Xem thêm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
[5] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomery Publications Limited, Toronto, Canada, 1993, pp. 274- 275

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(301), tháng 11/2015)