Một số ý kiến về Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

01/11/2015

TS. LÊ XUÂN THÂN

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) sau khi được ban hành được xem là công cụ pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Dự thảo Luật[1] gồm có 5 chương, 92 điều đang được các cơ quan, tổ chức triển khai lấy ý kiến rộng rãi. Với mong muốn Dự thảo Luật sẽ được hoàn chỉnh hơn, chúng tôi xin có một số góp ý sau:
Untitled_179.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Về tên gọi của Luật
Theo khoản 2 Điều 3 của Dự thảo, giám sát "là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý". Định nghĩa này đã kế thừa khái niệm giám sát được ghi nhận ở khoản 1 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003.
Hiến pháp năm 2013 quy định "Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước" (Điều 69), "HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do Luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện Nghị quyết của HĐND" (Khoản 2 Điều 113 Hiến pháp năm 2013". Từ đó, có thể xác định rằng, bản thân giám sát đã là một hoạt động của chủ thể giám sát (bao gồm việc theo dõi, xem xét và đánh giá) đối với đối tượng được giám sát về những vấn đề chung hay những chuyên đề trong công tác quản lý nhà nước đối với đời sống xã hội. Từ điển Tiếng Việt - Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa (2014) xác định: Giám sát là một động từ dùng để chỉ việc "cai quản, xem xét". Toàn văn Dự thảo Luật đề cập đến các nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, cách thức tiến hành giám sát v.v.. của chủ thể giám sát là Quốc hội và HĐND, do đó, tên của Luật nên chăng chỉ cần ghi là "Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND" là đã đầy đủ và chính xác.
2. Cần nắm vững các quy định của pháp luật và sâu sát thực tiễn thì giám sát mới có hiệu quả
Điều 7 Dự thảo Luật quy định về "Trách nhiệm của các chủ thể giám sát" quy định 11 khoản đối với 11 chủ thể giám sát đều có chung một câu là "chịu trách nhiệm và báo cáo...". Đặc biệt, quy định về Đoàn giám sát chuyên đề (khoản 2 Điều 17 Dự thảo đối với Quốc hội và khoản 2 Điều 64 Dự thảo đối với HĐND) chưa có nội dung quy định bắt buộc: Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát phải nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật và nội dung cần giám sát.
Việc Đoàn giám sát nắm vững các quy định của pháp luật khi tiến hành giám sát là một yêu cầu không thể thiếu được và là trách nhiệm pháp lý của Đoàn giám sát và từng thành viên của Đoàn giám sát. Giám sát là việc chủ thể giám sát căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật để xem xét, đánh giá tính có căn cứ, tính hợp pháp trong hành vi của đối tượng được giám sát. Đi giám sát mà không biết pháp luật quy định như thế nào về vấn đề cần giám sát thì chỉ có thể đặt các câu hỏi để thu thập thông tin kiểu "hỏi để biết" và kết quả bản báo cáo giám sát như vậy chỉ dừng lại ở mức độ khảo sát thực tiễn và kiến nghị chung chung, không hiệu quả. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Đoàn giám sát, thành viên Đoàn giám sát là phải nắm vững các quy định của pháp luật về nội dung tiến hành giám sát. Về nội dung này, có thể ai cũng hiểu như vậy, nhưng Luật lại không ghi nhận thì khó lòng nâng cao hiệu quả của việc giám sát.
Sự sâu sát thực tiễn khi giám sát, đến tận nơi, xem xét tại chỗ, hỏi trực tiếp người dân, các đối tượng tác động của chính sách, các quy định của pháp luật... là một nội dung không thể thiếu được để khắc phục tình trạng "báo cáo giám sát được sản xuất tại phòng máy lạnh". Hoặc cũng là đi cơ sở nhưng không hiểu thực tiễn. Đến tận xã nhưng cũng chỉ ở tại phòng họp Ủy ban nhân dân xã, nghe đọc báo cáo đã chuẩn bị sẵn và hỏi một số câu hỏi rồi tổng hợp, báo cáo kết quả... giống như cách làm việc tại ngay cơ quan giám sát. Để khắc phục tình trạng này, rất cần có quy định về vấn đề sâu sát thực tiễn cụ thể ngay trong Luật.
Điểm c khoản 2 Điều 17 Dự thảo Luật quy định: Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội có trách nhiệm "thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát, phân công các thành viên Đoàn giám sát tiến hành giám sát, khảo sát trực tiếp tại địa phương hoặc cơ quan, tổ chức". Trong khi đó, tại điểm d khoản 2 Điều 63 Dự thảo Luật quy định: Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND có trách nhiệm "xem xét, xác minh những vấn đề... mà Đoàn giám sát thấy cần thiết". Thiết nghĩ, việc sâu sát cơ sở, sâu sát thực tiễn đời sống các quy định của pháp luật đối với cuộc sống của người dân, không chỉ là yêu cầu đặt ra cho đại biểu Quốc hội mà còn cho cả đại biểu HĐND các cấp; không chỉ đặt ra cho Đoàn giám sát của Quốc hội mà còn cho cả Đoàn giám sát của HĐND, bởi vì ngoài việc xem xét, đánh giá chủ thể được giám sát đã tổ chức thi hành các quy định của pháp luật như thế nào thì việc xem xét, đánh giá các quy phạm pháp luật đã "sống" như thế nào trong đời sống xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giám sát.
3. Cần có những quy định cụ thể về Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân - chủ thể mới của giám sát
Khoản 4 Điều 18 và khoản 4 Điều 45 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định về việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Điều 87 và khoản 1 Điều 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã chính thức trao quyền giám sát cho Tổ đại biểu HĐND (Điều mà Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân trước đây chưa quy định). Đây là một chủ thể giám sát hoàn toàn mới đã được Luật chính thức quy định. Hiện nay, Tổ đại biểu HĐND thực hiện việc giám sát theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND ban hành theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nội dung công tác giám sát của Tổ đại biểu HĐND đã được khoản 1 Điều 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định khá rõ là "giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công". Tuy nhiên, việc quy định trong Dự thảo Luật về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND còn quá ít và đơn giản. Tại Chương III Dự thảo Luật đã dành Mục 1 gồm 9 Điều cho chủ thể HĐND; Mục 2 gồm 10 Điều cho chủ thể Thường trực HĐND; Mục 3 gồm 7 Điều cho chủ thể là các Ban của HĐND; nhưng tại Mục 4 chỉ thiết kế 5 điều chung cho cả hai chủ thể là Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND (trong đó khoản 2 Điều 85 và khoản 2 Điều 88 đề cập trực tiếp đến chủ thể Tổ đại biểu HĐND). Theo chúng tôi, nên tách riêng Mục 4 thành 2 Mục riêng cho chủ thể giám sát là Tổ đại biểu HĐND và chủ thể là đại biểu HĐND và quy định cụ thể, chi tiết hơn để tạo điều kiện cho Tổ đại biểu HĐND giám sát có hiệu quả.
Khác với việc hình thành các chủ thể khác qua con đường bầu cử, Tổ đại biểu HĐND được thành lập bằng một quyết định của Thường trực HĐND đối với các đại biểu được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử, nên hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND cần gắn liền với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và báo cáo với Thường trực HĐND, cơ quan đã có quyết định thành lập ra Tổ đại biểu HĐND.
4. Bảo đảm hiệu quả giám sát
Bảo đảm hiệu quả giám sát nên là tên của Chương 5 Dự thảo Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND. Bởi vì hiệu quả của giám sát là điều mà ai cũng hướng đến và mong muốn đạt được càng cao càng tốt. Hiệu quả giám sát được hình thành từ nhiều yếu tố như trách nhiệm và sự am hiểu pháp luật, sâu sát thực tiễn của các chủ thể giám sát; thủ tục tiến hành giám sát và kỷ luật, kỷ cương của chủ thể giám sát và chủ thể được giám sát; phương tiện, kinh phí, điều kiện cần thiết để tiến hành giám sát; kết luận giám sát và những việc cần làm của giai đoạn "hậu giám sát" v.v..
Theo Dự thảo Luật, giám sát không còn đơn thuần dừng lại ở việc "theo dõi, xem xét, đánh giá" mà chủ thể giám sát còn phải "xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý". Khoản 2 Điều 90 Dự thảo Luật quy định "Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, HĐND có giá trị pháp lý bắt buộc". Đó là điều tất nhiên. Vậy, các kết luận giám sát của các chủ thể khác thì sao? Nên quy định cụ thể hơn, "mạnh mẽ" hơn: Kết luận giám sát của các chủ thể giám sát có giá trị pháp lý bắt buộc đối với chủ thể được giám sát. Chủ thể được giám sát phải có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của kết luận giám sát. Ngược lại, các chủ thể giám sát phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám sát của mình (điều này đã được nêu ở phần đầu của bài viết)./.
 

 
[1] Dự thảo lần 4 ngày 21/9/2015

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(301), tháng 11/2015)