Giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài theo phụ lục VII - Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982

01/09/2015

TS. NGÔ HỮU PHƯỚC

Trưởng Bộ môn luật quốc tế Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Bài viết phân tích phương thức lựa chọn, chức năng, thủ tục tố tụng và giá trị pháp lý của phán quyết của Trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS quốc tế của Liên hợp quốc về Luật biển. Đồng thời, phân tích xu hướng lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp biển của các quốc gia trên thế giới hiện nay và quan điểm của Việt Nam về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. 
Untitled_204.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Dẫn nhập
Ngày 30/4/1982, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã được thông qua tại New York và mở cho các quốc gia ký tại Montego Bay-Jamaica ngày 10/12/1982 sau 5 năm trù bị (1968 -1973) và 09 năm đàm phán chính thức (1973-1982) với 11 khóa họp. UNCLOS chính thức có hiệu lực vào ngày 16/11/1994[1]. Với 320 điều và 9 phụ lục, có thể khẳng định rằng, cho đến nay, UNCLOS là điều ước quốc tế đồ sộ nhất của luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Về nội dung, UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất giúp các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển cũng như quản lý, khai thác, sử dụng biển và đại dương một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, UNCLOS đã dành một vị trí rất quan trọng quy định các vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp. Cụ thể, UNCLOS đã dành 27/320 Điều (21 điều trong Phần XV và 6 điều trong Mục 5 của Phần XI) và 4 Phụ lục[2], trực tiếp quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, nếu so sánh số lượng các điều trong 9 Phụ lục của UNCLOS thì có 4 Phụ lục liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấpgồm 74 điều, trong khi 5 Phụ lục còn lại chỉ có 44 điều. Với các quy định cụ thể và chi tiết, UNCLOS đã thiết lập một hệ thống riêng biệt và hoàn toàn mới các quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS.
Các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS. Bởi lẽ, UNCLOS quy định hệ thống các biện pháp giải quyết tranh chấp đa dạng bao gồm các biện pháp ngoại giao (đàm phán, thương lượng, hòa giải) và các biện pháp tài phán quốc tế (Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế, Trọng tài quốc tế và Trọng tài đặc biệt về luật biển). Trong đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, đặc biệt là trọng tài quốc tế về luật biển là biện pháp giải quyết tranh chấp rất mềm dẻo, linh hoạt và được ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS.
Từ thực tiễn pháp lý đó, chúng tôi phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài và trọng tài đặc biệt về luật biển - hai trong số bốn cơ quan tài phán quốc tế có chức năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS.
2. Trọng tài quốc tế về luật biển
2.1. Thành lập trọng tài quốc tế về luật biển (phần này gọi tắt là trọng tài)
Theo quy định tại Phần XV, Mục I của UNCLOS về giải quyết các tranh chấp bằng các thủ tục bắt buộc dẫn đến các quyết định bắt buộc, thủ tục trọng tài sẽ được sử dụng nếu các bên tranh chấp đã tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp và đã tiến hành trao đổi quan điểm, thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác nhưng tranh chấp vẫn không được giải quyết[3]. Trong trường hợp thủ tục trọng tài được chọn để giải quyết tranh chấp thì một hoặc các bên tranh chấp sẽ tiến hành các thủ tục để thành lập trọng tài. Vận dụng các quy định này, ngày 22/01/2013, Philippines đã gửi Thông báo và tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Trong văn bản này, Philippines đã nêu rõ rằng, Philippines đã tiến hành trao đổi quan điểm, đàm phán với Trung Quốc nhưng tranh chấp không thể giải quyết được. Do vậy, Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS[4]. Theo quy định của Điều 3, Phụ lục VII về trọng tài, trọng tài gồm 5 thành viên, trừ khi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác. Có nghĩa là, nếu các bên tranh chấp thỏa thuận thì cơ cấu của trọng tài có thể nhiều hơn 5 thành viên nhưng phải là số lẻ để trọng tài có thể ra phán quyết theo đa số. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu vụ tranh chấp có nhiều bên tham gia thì các bên cùng một phía sẽ cùng nhau thỏa thuận cử một thành viên đại diện. Trong đó, nguyên đơn sẽ chọn và đề cử một thành viên từ danh sách trọng tài viên, người này có thể là công dân của mình[5]. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của nguyên đơn, bị đơn trong vụ tranh chấp sẽ chọn một trọng tài viên từ danh sách trọng tài, người này có thể là công dân của quốc gia mình. Trong thời hạn này, nếu bị đơn không cử trọng tài viên đại diện cho mình thì nguyên đơn có thể yêu cầu tiến hành việc cử thành viên đó trong vòng hai tuần sau khi hết thời hạn 30 ngày. Sau đó, các bên sẽ thỏa thuận cử ba trọng tài viên còn lại. Ba thành viên này được các bên lựa chọn trong danh sách trọng tài viên và phải là công dân của nước thứ ba, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Chánh tòa trọng tài sẽ được các bên cử ra trong số ba thành viên đó.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của nguyên đơn, nếu các bên tranh chấp không thể thỏa thuận về việc chỉ định một hay nhiều thành viên của trọng tài mà họ phải cử theo thỏa thuận chung hay liên quan đến việc cử Chánh tòa, thì theo yêu cầu của bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp, Chánh án Tòa án quốc tế về luật biển sẽ thực hiện công việc này, trừ khi các bên tranh chấp thỏa thuận giao cho một người hoặc một nước thứ ba thực hiện. Nếu Chánh án Tòa án quốc tế về luật biển bận công tác khác hoặc là công dân của một trong các bên tranh chấp, thì việc cử trọng tài viên sẽ do thẩm phán có thâm niên cao nhất của Tòa án quốc tế về luật biển thực hiện. Các trọng tài viên được cử phải có quốc tịch khác nhau, không được làm việc cho một bên nào trong vụ tranh chấp và không phải là công dân của một trong các bên tranh chấp, không có nơi thường trú trên lãnh thổ của nước liên quan đến vụ tranh chấp[6]. Quy định này nhằm bảo đảm tính khách quan, vô tư và công bằng của trọng tài trong quá trình giải quyết vụ việc.
2.2. Chức năng của trọng tài, giới hạn và ngoại lệ của việc áp dụng thủ tục trọng tài
Theo quy định tại Điều 4, Phụ lục VII của UNCLOS, trọng tài thi hành các chức năng theo đúng Phụ lục VII và các quy định khác của UNCLOS. Như vậy, từ quy định của UNCLOS và Phụ lục VII, trọng tài có chức năng giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS khi:
(1) “Một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn hiệu lực bảo vệ thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài”[7]. Có nghĩa là, vào thời điểm ký, phê chuẩn hoặc tham gia UNCLOS, nếu không tuyên bố lựa chọn phương thức, thủ tục giải quyết tranh chấp nào theo quy định tại khoản 1 Điều 287 thì coi như quốc gia đó đã chấp nhận giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài[8]. Quy định này đã được Philippines vận dụng triệt để để khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài vào ngày 22/01/2013. Cụ thể, với lập luận rằng, vì cả Philippines và Trung Quốc đều không đưa ra tuyên bố về việc lựa chọn thủ tục nào trong bốn thủ tục đã được UNCLOS trù định nên trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Philippines đã quyết định khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài.
(2) “Nếu các bên không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó sẽ được giải quyết theo thủ tục trọng tài”[9]. Theo các quy định trên, các bên tranh chấp “đương nhiên” được cho là đã lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp nếu các bên đã lựa chọn các thủ tục giải quyết tranh chấp khác nhau. Có nghĩa là, sẽ không có một biện pháp nào khác có thể thay thế trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Theo chúng tôi, đây là quy định mang tính bắt buộc, có phần “gượng ép”, trái với sự tự nguyện trong việc thỏa thuận lựa chọn biện pháp để giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc. Chính vì vậy, trong trường hợp bị đơn (đặc biệt là các cường quốc) không chấp nhận giải quyết bằng trọng tài thì việc giải quyết và thi hành phán quyết của trọng tài sẽ rất khó khăn và hầu như không thể thực hiện được trên thực tế. Bởi lẽ, sự đồng thuận của các bên trong việc lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết để các cơ quan tài phán quốc tế nói chung và trọng tài quốc tế về luật biển nói riêng giải quyết có hiệu quả các tranh chấp quốc tế.
Về giới hạn áp dụng, theo Điều 297 của UNCLOS, việc giải quyết tranh chấp theo các thủ tục đã được trù định ở Mục 2 - các thủ tục bắt buộc dẫn đến các quyết định bắt buộc trong đó có thủ tục trọng tài được quy định khá chi tiết. Theo đó, đối với các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng UNCLOS về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển sẽ được giải quyết trong ba trường hợp sau đây:
(i) Khi thấy rằng, quốc gia ven biển đã không tuân thủ các quy định của UNCLOS liên quan đến tự do và quyền hàng hải, hàng không hoặc tự do và quyền đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, cũng như đến việc sử dụng biển vào các mục đích khác mà quốc tế thừa nhận đã nêu ở Điều 58 (các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế);
(ii) Khi thấy rằng, việc thi hành các tự do hoặc việc sử dụng các quyền này, một quốc gia đã không tuân theo UNCLOS hay các luật hoặc các quy định do quốc gia ven biển đề ra phù hợp với các quy định của UNCLOS và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế không trái với UNCLOS;
(iii) Khi thấy rằng, quốc gia ven biển đã không tuân thủ các quy tắc hay quy phạm quốc tế đã được xác định nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường biển có thể áp dụng cho quốc gia này và đã được UNCLOS đặt ra, hay được đặt ra thông qua một tổ chức quốc tế có thẩm quyền hay một hội nghị ngoại giao hành động phù hợp với UNCLOS[10].
Đối với các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của UNCLOS về việc nghiên cứu khoa học biểnsẽ được giải quyết theo thủ tục trọng tài và các thủ tục khác được trù định tại Điều 287 của UNCLOS, trừ hai trường hợp (i) quốc gia ven biển không chấp nhận cách giải quyết như vậy đối với một vụ tranh chấp phát sinh từ việc quốc gia này thi hành một quyền tùy ý quyết định theo đúng Điều 246 (việc nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); (ii) quyết định của quốc gia này ra lệnh đình chỉ hoặc chấm dứt tiến hành một dự án nghiên cứu theo đúng quy định của UNCLOS tại Điều 253 (việc đình chỉ hoặc chấm dứt công việc nghiên cứu khoa học biển).
Đối với các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của UNCLOS về đánh bắt hải sản sẽ được giải quyết theo thủ tục trọng tài quốc tế và các thủ tục khác được trù định tại Điều 287 của UNCLOS, trừ khi quốc gia ven biển không chịu chấp nhận cách giải quyết như vậy về một vụ tranh chấp liên quan đến các quyền thuộc chủ quyền của mình đối với các tài nguyên sinh vật thuộc vùng đặc quyền về kinh tế của mình, hay liên quan đến việc thi hành các quyền này, kể cả quyền tùy ý quy định khối lượng đánh bắt có thể chấp nhận được và khả năng đánh bắt của mình, phân phối số dư ra giữa các quốc gia khác, quyết định các thể thức, điều kiện đặt ra trong các luật và quy định của mình về bảo vệ và quản lý.
Về ngoại lệ của thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và các thủ tục tài phán khác theo quy định của Phần XV, Mục 2, Điều 298 của UNCLOS quy định, khi ký kết, phê chuẩn hay tham gia UNCLOS hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ Mục 1 (các quy định chung về giải quyết tranh chấp), một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng, họ không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp đã được trù định ở Mục 2 có liên quan đến một hay bốn loại tranh chấp sau đây:
(1) Giải thích hay áp dụng Điều 15 (phân định lãnh hải), Điều 74 (phân định vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 83 (phân định thềm lục địa) hay các tranh chấp về các vịnh hay danh nghĩa lịch sử;
(2) Hoạch định ranh giới các vùng biển đã được một thỏa thuận giữa các bên giải quyết dứt khoát, cũng như đối với các vụ tranh chấp phải được giải quyết theo đúng thỏa thuận song phương hoặc đa phương có tính chất ràng buộc các bên;
(3) Hoạt động quân sự, kể cả hoạt động quân sự của tàu thuyền và phương tiện bay nhà nước được sử dụng cho một dịch vụ phi thương mại và các vụ tranh chấp liên quan đến các hành động bắt buộc chấp hành, đã được thực hiện trong việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hoặc quyền tài phán mà khoản 2 và 3 Điều 297 đã loại trừ khỏi thẩm quyền của một Tòa án;
(4) Các vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm giải quyết, trừ phi Hội đồng Bảo an quyết định xóa vấn đề đó trong chương trình nghị sự của mình hay yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết tranh chấp đó bằng các biện pháp đã được quy định trong UNCLOS.
Vận dụng các quy định trên rất linh hoạt, Philippines đã quyết định khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài ngay cả khi Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào được quy định tại Mục 2 Phần XV của UNCLOS đối với tất cả các loại tranh chấp nói trên. Cụ thể, tại điểm 40 của Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của mình, Philippines đã khẳng định,“Đơn kiện của Philippines không nằm trong phạm vi của Tuyên bố ngày 25/8/2006 của Trung Quốc vì chúng không liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, 74, 83 liên quan đến phân định ranh giới biển; hay liên quan đến vịnh hay danh nghĩa lịch sử hiểu theo các quy định liên quan của UNCLOS; hay liên quan đến các hoạt động quân sự hoặc thực thi pháp luật; hay liên quan đến những vấn đề mà Hội đồng Bảo an đang thực thi các chức năng được trao theo Hiến chương Liên hợp quốc”[11]
Tuy nhiên, theo Điều 299 của UNCLOS, bất kỳ tranh chấp nào đã bị loại khỏi các thủ tục giải quyết các tranh chấp được trù định ở Mục 2, Điều 297 hoặc bằng một tuyên bố theo đúng Điều 298, thì tranh chấp đó chỉ có thể đưa ra giải quyết theo các thủ tục bắt buộc dẫn đến các quyết định bắt buộc thông qua sự thỏa thuận của các bên liên quan và không một quy định nào của mục này đụng chạm đến quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong việc thỏa thuận sử dụng một thủ tục khác để giải quyết vụ tranh chấp đó. Như vậy, nếu không có sự thỏa thuận của các quốc gia trong vụ tranh chấp, thì trọng tài cũng như các thủ tục tài phán quốc tế khác sẽ không thể xem xét một vụ tranh chấp nào liên quan đến chủ quyền và các quyền khác trên lãnh thổ đất liền, đảo hay quần đảo của các quốc gia.
2.3. Thủ tục tố tụng và giá trị pháp lý của phán quyết của trọng tài
Thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được bắt đầu bằng Thông báo bằng văn bản của nguyên đơn gửi tới bị đơn. Thông báo phải kèm theo bản trình bày các yêu sách và lý do làm căn cứ cho các yêu sách đó. Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trọng tài sẽ tự quy định thủ tục giải quyết bằng cách tạo điều kiện cho mỗi bên có khả năng bảo vệ quyền và trình bày các căn cứ của mình tại Tòa[12].
Nhằm giúp trọng tài giải quyết hiệu quả các vụ tranh chấp, theo quy định của UNCLOS, các bên liên quan có nghĩa vụ cung cấp cho trọng tài mọi tài liệu, các điều kiện thuận lợi, sự chỉ dẫn thích đáng và khả năng, nếu điều đó là cần thiết, dẫn đến và nghe các nhân chứng, hoặc chuyên gia tại phiên tòa. Nếu một trong số các bên tranh chấp không ra Tòa hoặc không trình bày các lý lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu Tòa tiếp tục trình tự tố tụng và phán quyết. Do vậy, việc một bên vắng mặt hoặc không trình bày các lý lẽ của mình cũng không cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp tại Tòa trọng tài[13]. Trước khi ra phán quyết, Tòa trọng tài cần phải chắc chắn rằng, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa và đơn kiện là có cơ sở về  mặt thực tế và pháp lý.
Phán quyết của Tòa trọng tài được thông qua theo đa số. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau thì phiếu của Chánh tòa có giá trị quyết định. Về nội dung, phán quyết trọng tài chỉ giới hạn trong phạm vi nội dung của vụ tranh chấp và phải nêu rõ căn cứ mà trọng tài dựa vào để đưa ra phán quyết. Về hình thức, phán quyết của Tòa trọng tài phải nêu tên các thành viên của Tòa đã tham gia giải quyết và thời gian ra quyết định. Bất kỳ thành viên nào của Tòa cũng có thể đính kèm vào phán quyết ý kiến riêng hoặc bất đồng của mình. Về nguyên tắc, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không được kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận về thủ tục này. Nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trước về việc kháng cáo thì vụ việc có thể được xem xét lại. Tất cả các bên tranh chấp phải tuân theo quyết định của trọng tài. Bất kỳ tranh cãi nào có thể xảy ra giữa các bên liên quan đến việc giải thích hay thực hiện phán quyết của trọng tài thì bên nào cũng có quyền đưa ra trọng tài đã giải quyết để quyết định. Ngoài ra, nếu tất cả các bên trong vụ tranh chấp thỏa thuận, thì các tranh chấp về giải thích và thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài có thể được đưa ra bất kỳ Tòa án nào theo Điều 287 của UNCLOS để giải quyết(Tòa án Công lý quốc tế hoặc Tòa án quốc tế về luật biển).
Có thể nói rằng, từ khi UNCLOS có hiệu lực, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là thủ tục được các quốc gia ưu tiên lựa chọn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS[14]. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, trọng tài quốc tế về luật biển đã và đang giải quyết một số vụ tranh chấp điển hình sau đây:
(1) Vụ Bangladesh kiện Ấn Độ về việc phân định biên giới biển giữa hai nước theo Điều 287, Phụ lục VII của UNCLOS vào tháng 10 năm 2009. Ngày 7/7/2014, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết về biên giới trên biển giữa Bangladesh và Ấn Độ trong vịnh Bengal. Điều này đã giúp giải quyết một tranh chấp kéo dài giữa hai bên và sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý mang tính hợp tác về vịnh này cũng như các nguồn tài nguyên của nó. Phán quyết này là quan trọng do bên cạnh sự phụ thuộc của quốc gia ven biển vào nguồn cá của vịnh, khu vực này được cho là có trữ lượng phong phú về dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Phán quyết này là diễn biến tích cực đối với an ninh biển ở khu vực, giải quyết căng thẳng trong vịnh Bengal và mở đường cho sự hợp tác hiệu quả hơn trong việc quản lý vịnh cũng như các nguồn tài nguyên của nó. Phán quyết này đưa đến một kết quả “cùng thắng” cho tất cả các bên. Thiện chí giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và sẵn sàng chấp nhận phán quyết của trọng tài đã nâng cao uy tín của Ấn Độ với tư cách là cường quốc ở Nam Á. Đây là một ví dụ mà Việt Nam, Philipines và các bên liên quan có tranh chấp, yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, tham khảo. Thay vì phủ nhận sự tồn tại của các tranh chấp, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc nên chấp nhận giải quyết hòa bình các tranh chấp trong đó có thủ tục trọng tài. Ngoài ra, phán quyết này đã chứng minh rằng, với ý chí chính trị và quyết tâm của mình, các tranh chấp biển có thể được giải quyết một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
(2) Vụ Irlande kiện Vương quốc Anh liên quan đến nhà máy MOX tháng 11 năm 2011.  Hiện nay vụ việc này đang được tiến hành;
(3) Vụ Malaysia kiện Singapore liên quan đến khai thác và sử dụng biển vào tháng 7 năm 2003. Vụ việc này đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 01/9/2005;
(4) Vụ Barbados kiện Trinidad và Tobago về việc phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tháng 02/2004. Vụ việc này đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 11/4/2006;
(5) Vụ Guyana kiện Suriname liên quan đến việc phân định biên giới trên biển giữa hai nước ngày 24/02/2004. Vụ việc này đã được giải quyết bằng phán quyết của Tòa trọng tài ngày 17/9/2007.
(6) Vụ Mauritius kiện Vương quốc Anh về khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Chagos vào ngày 20/9/2010. Vụ việc này đang được giải quyết[15].
(7) Vụ Philippines kiện Trung Quốc về các yêu sách về chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông (đặc biệt là đường chữ U chín đoạn) ngày 22/01/2013. Ngày 25/6/2013, 5 trọng tài tham gia giải quyết vụ kiện đã được lựa chọn gồm: Jean-Pierre Cot người Pháp, Alfred Soons người Hà Lan, Thomas Mensah người Ghana - Chủ tịch Trọng tài (thay thế thẩm phán Chris Pinto người Sri Lanka người được chọn vào tháng 4/2013 nhưng đã xin rút vì có vợ là người Philippines nhằm bảo đảm tính khách quan cho việc giải quyết vụ kiện), Rudiger Wolfrum người Đức và ông Stanislaw Pawlak. Từ ngày 17/7/2013 Hội đồng trọng tài đã tiến hành các thủ tục để xem xét đơn kiện của Philippines. Theo lịch trình và kế hoạch làm việc, dự kiến Tòa sẽ có phán quyết thứ nhất trong phiên tranh luận diễn ra từ ngày 7-13/7/2015 về việc Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này hay không. Tuy nhiên, theo tiến trình làm việc dự kiến của Tòa thì khả năng Tòa sẽ đưa ra phán quyết này vào cuối năm 2015. Hy vọng rằng, Tòa sẽ khẳng định, trọng tài có thẩm quyền giải quyết và ra phán quyết công bằng, khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng. Về phương diện chính trị, pháp lý quốc tế, một phán quyết như vậy sẽ là bàn đạp lý tưởng để các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam lựa chon thủ tục trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS trong tương lai.  
3. Kết luận và kiến nghị
Theo quy định của UNCLOS, các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS có thể được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết theo các thủ tục tài phán tại Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về luật biển, Trọng tài quốc tế về luật biển và Trọng tài đặc biệt về luật biển. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia có xu hướng chọn trọng tài quốc tế về luật biển để giải quyết các tranh chấp liên quan. Bởi lẽ, với thủ tục tố tụng mềm dẻo và linh hoạt, các bên có thể thỏa thuận về số lượng trọng tài viên và trọng viên đại diện cho mình cũng như hiệu quả giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khác với các vụ việc do Tòa án quốc tế về luật biển hay Tòa án Công lý của Liên hợp quốc giải quyết, không có thủ tục nào cho phép bên thứ ba can dự vào tiến trình giải quyết của trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Do vậy, quan điểm cho rằng, Việt Nam nên chuẩn bị các tình huống, thủ tục, hồ sơ pháp lý cần thiết để xem xét và quyết định có thể can dự vào tiến trình giải quyết vụ kiện của Philippines đang kiện Trung Quốc nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong phiên điều trần đầu tiên để xem xét và trả lời câu hỏi “Tòa Trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS có thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không?”, Tòa trọng tài này đã thông báo, sau khi nhận được những đề nghị bằng văn bản của các nước và tham khảo ý kiến từ các bên, Tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến tham dự với tư cách là quan sát viên. Như vậy, Việt Nam không thể tham dự vào tiến trình giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc mà chỉ có thể tham gia với tư cách là quan sát viên để theo dõi, nắm bắt tiến trình giải quyết vụ tranh chấp này của Tòa trọng tài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Khi đó, Việt Nam cũng như các nước tham dự sẽ được chứng kiến toàn bộ tiến trình giải quyết vụ việc và nếu những có vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của mình thì chúng ta có thể lên tiếng bảo vệ ngay tại Tòa. Mặt khác, với tư cách “quan sát viên” Việt Nam sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ vụ kiện này của Philippines để vận dụng vào công cuộc đấu tranh bằng pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình trong tương lai.
Theo chúng tôi, đối với các tranh chấp trên biển Đông mà Việt Nam là một bên liên quan thì Việt Nam cần tiếp tục và kiên trì chính sách nhất quán của mình là “... sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”và “... giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa…”[16]. Chúng tôi cho rằng, đây là biện pháp hiệu quả và khả thi nhất trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông hiện nay. Bởi lẽ, đàm phán là cơ hội, là điều kiện thuận lợi nhất để các bên tranh chấp trực tiếp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề tranh chấp và cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết. Đồng thời, đàm phán sẽ loại trừ khả năng can thiệp của các bên thứ ba nhằm làm phức tạp thêm các vụ tranh chấp vốn đã rất căng thẳng và phức tạp hiện nay giữa các bên ở biển Đông. Mặt khác, các tranh chấp ở biển Đông mà Việt Nam là một bên liên quan bao gồm cả tranh chấp về chủ quyền (đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Trong khi đó, các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS chỉ áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS mà thôi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ pháp lý để có thể vận dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán, nhất là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. Đặc biệt, nếu Tòa trọng tài đang giải quyết vụ Philipines kiện Trung Quốc khẳng định có thẩm quyền giải quyết vụ kiện và ra một phán quyết công bằng, khách quan có lợi cho Philipines, bác bỏ các yêu sách vô lý và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, thì chúng ta có thể sử dụng thủ tục này trong trường hợp cần thiết. Chúng tôi cho rằng, với các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc như: tranh chấp liên quan đến tuyên bố của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn ngày 7/5/2009; tranh chấp liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; tranh chấp liên quan đến hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2014 đến nay Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, xây dựng với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Tư Nghĩa, Xu Bi, Vành Khăn mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988 đến nay (bãi Vành Khăn Trung Quốc chiếm từ năm 1995), chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài quốc tế về luật biển dựa trên 5 luận điểm cơ bản sau đây:
(1) Giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đang tồn tại tranh chấp
Mặc dù Trung Quốc đang cố tình né tránh, không thừa nhận có tranh chấp và luôn cho rằng, họ đang thực hiện các “quyền đương nhiên”, “lợi ích cốt lõi” của họ trên Biển Đông thì thực tế hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tồn tại tranh chấp liên quan đến việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS. Đó chính là cơ sở, điều kiện cơ bản, mang tính quyết định cả về thủ tục và nội dung để Việt Nam tiến hành một vụ kiện theo thủ tục trọng tài.
(2) Việt Nam đã tích cực sử dụng các biện pháp chính trị - ngoại giao để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc nhưng Trung Quốc không hợp tác, tranh chấp không được giải quyết
Căn cứ vào Phần XV- về giải quyết tranh chấp, Mục 1- Các quy định chung từ Điều 280 đến Điều 285 của UNCLOS, đặc biệt là Điều 281 đã quy định, “1. Khi các quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng UNCLOS đã thỏa thuận tìm cách giải quyết tranh chấp này bằng một phương pháp hòa bình theo sự lựa chọn của mình, thì các thủ tục được trù định trong phần này chỉ được áp dụng nếu không đạt được một cách giải quyết bằng phương pháp này và nếu sự thỏa thuận giữa các bên không loại trừ khả năng tiến hành một thủ tục khác.  2. Nếu các bên cùng thỏa thuận về một thời hạn, thì khoản 1 chỉ được áp dụng kể từ khi kết thúc thời hạn này”. Theo các quy định trên, từ khi phát sinh các tranh chấp, Việt Nam đã tiến hành đàm phán, trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn không thiện chí để giải quyết và cũng không có bất kỳ thoả thuận nào với Việt Nam, tranh chấp không được giải quyết và ngày càng căng thẳng, phức tạp. Đây chính là căn cứ quan trọng để Việt Nam sử dụng biện pháp tài phán theo quy định tại Điều 287 của UNCLOS. Phần XV- Giải quyết tranh chấp, Mục 2- Các thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc trong đó có thủ tục trọng tài.
(3) Việt Nam và Trung Quốc không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ giải quyết tranh chấp cụ thể nào trong các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương
Cho đến nay, Việt Nam và Trung Quốc không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ giải quyết tranh chấp cụ thể nào từ các hiệp định chung, hiệp định khu vực hay hai bên nào theo Điều 282 của UNCLOS. Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc chỉ bị ràng buộc bởi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC); Hiệp ước thân thiện và hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á (TAC) năm 1976; Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1993 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển năm 2011. Tuy nhiên, các văn bản này không định bất kỳ biện pháp giải quyết tranh chấp cụ thể nào mà chỉ quy định chung về hòa bình giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế mà giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS là một biện pháp pháp lý, rất tiến bộ và hòa bình.
(4) Thủ tục trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII là thủ tục mặc nhiên
Như chúng tôi đã đề cập, UNCLOS mặc nhiên coi quốc gia là một bên tranh chấp đã chọn trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII nếu quốc gia đó không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ, thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài được trù định tại Phụ lục VII (khoản 2 Điều 287 UNCLOS). Cho đến nay, cả Việt Nam và Trung Quốc đều chưa có tuyên bố nào về lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng UNCLOS theo quy định tại khoản 1 Điều 287. Do vậy, chiếu theo khoản 3 Điều 287 thì Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên đã chọn Tòa trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS để giải quyết tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS.
(v) Về phạm vi và nội dung khởi kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) là không vi phạm giới hạn và các ngoại lệ theo quy định tại Điều 297 và Điều 298 của UNCLOS
Theo quy định tại Điều 297 - giới hạn áp dụng Mục 2 (giải quyết tranh chấp theo thủ tục bắt buộc dẫn tới các quyết định bắt buộc) của UNCLOS thì phạm vi và nội dung khởi kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) là hoàn toàn phù hợp (các vụ tranh chấp nói trên là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS về thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, về nghiên cứu khoa học biển và đánh bắt hải sản. Mặt khác, nội dung các vụ kiện của Việt Nam (nếu thực hiện) sẽ không vi phạm các quy định tại Điều 298 của UNCLOS về những ngoại lệ không bắt buộc giải quyết trước các cơ quan tài phán mà Trung Quốc đã tuyên bố bảo lưu.
Chúng tôi cho rằng, nếu Việt Nam chọn giải pháp pháp kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ có một số thuận lợi sau đây: 
- Toà trọng tài quốc tế về luật biển được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ giải quyết vụ kiện kể cả khi Trung Quốc không đồng ý;
- Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ vụ kiện của Philipines và các quốc gia đã giải quyết tại Tòa trọng tài quốc tế về luật biển như: Barbados, Trinidad và Tobago, Ireland, Anh, Guyna, Suriname, Ấn Độ, Banglades… trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và chiến thuật tranh tụng tại Tòa;
- Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ về quy trình, thủ tục, chọn trọng tài viên và các thủ tục pháp lý khác trên cơ sở Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Trọng tài quốc tế thường trực PCA ngày 23/6/2014;
- Nếu phán quyết trọng tài có lợi cho Việt Nam sẽ có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất lớn trong việc ngăn ngừa các hành động tiếp theo của Trung Quốc;
- Tạo niềm tin và nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo hiện nay.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, giải pháp khởi kiện Trung Quốc theo thủ tục trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS chỉ nên được sử dụng sau khi chúng ta đã vận dụng tất cả các biện pháp chính trị - ngoại giao nhưng không mang lại kết quả, và Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên Biển Đông./.

 


* TS, Trưởng Bộ môn luật quốc tế Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1] Theo quy định tại Điều 308 của UNCLOS, UNCLOS sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nước thứ 60 phê chuẩn. Việt Nam đã phê chuẩn UNCLOS vào ngày 23/6/1994 và nộp lưu chiểu Liên hợp quốc vào ngày 25/7/1994.
[2] Phụ lục V- Hòa giải; Phụ lục VI- Quy chế của Tòa án quốc tế về luật biển; Phụ lục VII Trọng tài; Phụ lục VIII- Trọng tài đặc biệt.
 
[3] Khoản 1 Điều 281, Điều 279 và Khoản 1 Điều 283 của UNCLOS.
[4]Xem toàn văn Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của Philippines tại địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/trung-tam-du-lieu-bien-dong/doc_details/744-thong-bao-va-tuyen-b-khi-kin-trung-quc-ca-philippines-ti-bin-ong.
[5] Xem Điều 2, Điều 3 Phụ lục VII của UNCLOS.
[6] Xem điểm d, điểm e Điều 3 Phụ lục VII của UNCLOS.
[7] Khoản 3 Điều 287  của UNCLOS.
[8] Xem danh sách và nội dung Tuyên bố của các quốc gia tại địa chỉ website: http://www.un.org/Depts/ los /convention_agreements/convention_declarations.htm.
[9] Khoản 5 Điều 287  UNCLOS.
[10] Khoản 1Điều 297 của UNCLOS.
[11]Xem toàn văn Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của Philippines tại địa chỉ website: http://nghiencuubiendong.vn/trung-tam-du-lieu-bien-dong/doc_details/744-thong-bao-va-tuyen-b-khi-kin-trung-quc-ca-philippines-ti-bin-ong và Tuyên bố của Trung Quốc ngày 25/8/2006 tại địa chỉ website: http://www.un.org/ Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm#China Upon ratification. Trong tuyên bố này  Trung Quốc khẳng định, “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục quy định tại Mục 2 Phần XV của UNCLOS đối với tất cả các loại tranh chấp quy định tại khoản 1 (a) (b) và (c) với Điều 298 của UNCLOS”.
[12] Xem Điều 1, Phụ lục VII của UNCLOS.
[13] Các quy định này đã được Hội đồng trọng tài được thành lập theo đơn kiện của Philippines kiện Trung Quốc ngày 22/01/2013 vận dụng triệt để. Trên thực tế, bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố bác bỏ vụ kiện thì việc chọn và chỉ định trọng tài viên, Chủ tịch Hội đồng trọng tài để xem xét đơn kiện của Philippines vẫn được tiến hành và chắc chắn trong thời gian tới phán quyết của Hội đồng trọng tài sẽ được ban hành ngay cả khi Trung Quốc không tham gia tiến trình tố tụng.
 
 
[14] Xem danh sách Tuyên bố chọn trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII để giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS tại địa chỉ website: http://www.un.org /Depts/los/ convention_ agreements/convention_declarations.htm.
[16] Xem Điểm 7 Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam về lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày 23/6/1994 phê chuẩn UNCLOS.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(297), tháng 9/2015)