Mô hình tố tụng hình sự với yêu cầu cải cách tư pháp

01/08/2015

PGS, TS. ĐOÀN ĐỨC LƯƠNG

Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Huế

NGUYỄN NGỌC KIỆN

Giảng viên Khoa Luật, Đại học Huế

1. Các mô hình tố tụng hình sự trên thế giới
Trên thế giới hiện nay có hai dạng mô hình tố tụng hình sự (TTHS) cơ bản là: mô hình TTHS thẩm vấn và mô hình TTHS tranh tụng.            
Mô hình TTHS thẩm vấn có nguồn gốc từ La Mã cổ đại, được hình thành từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên bởi Hoàng đế Justinian; sau này được các luật gia Pháp và Đức hoàn thiện và phát triển[1]. Mô hình TTHS thẩm vấn coi trọng kiểm soát và trấn áp tội phạm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tìm ra chân lý vụ án. Tiến trình giải quyết vụ án hình sự xem nặng phương pháp thẩm vấn. Tại phiên tòa, thẩm phán đặt ra những câu hỏi để kiểm tra, đánh giá chứng cứ, bị cáo và người tham gia tố tụng có nghĩa vụ phải trả lời. Sự thật của vụ án có thể tìm thấy trong quá trình thẩm vấn. Toà án nắm giữ nhiều trách nhiệm trong việc định hướng điều tra, có thiên hướng tìm kiếm chứng cứ buộc tội nhiều hơn là gỡ tội. Chứng cứ được thu thập trước khi mở phiên toà đòi hỏi phải trọn vẹn, nếu không thẩm phán sẽ hoãn phiên toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Mô hình tố tụng thẩm vấn có ưu điểm là nhà nước kiểm soát, tránh bỏ lọt tội phạm một cách có hiệu quả nhất.  
Chính vì công việc chứng minh tội phạm được nhà nước ủy nhiệm phần lớn cho các cơ quan tư pháp (đặc biệt là Tòa án), với hy vọng họ sẽ nhanh chóng khám phá vụ án, bảo vệ công lý mà không chú trọng đến việc tạo lập cho bị cáo các quyền để họ tự bảo vệ mình, nên dẫn đến một hệ quả tất yếu là các chức năng tố tụng (buộc tội, bào chữa, xét xử) không được phân định rạch ròi, địa vị pháp lý của các chủ thể tham gia tố tụng không bình đẳng thực sự, quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự dễ bị xâm hại. Dường như những đặc điểm hạn chế đó của mô hình tố tụng thẩm vấn là không thể tránh khỏi, vì nó tồn tại mang tính quy luật khách quan.
Mô hình TTHS tranh tụng được áp dụng ở Hy Lạp cổ đại, sau đó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục” (Procédure des questions perpétuelle)[2]. Ở nước Anh, lần đầu tiên thủ tục này xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10 - 13, trên cơ sở hai bên đương sự tố cáo ra trước phiên tòa và được pháp luật ghi nhận bình đẳng cho hai bên bằng việc tòa án đóng vai trò là trọng tài quan sát và phân xử[3]. Sau đó, mô hình tố tụng này được phát triển ở các nước như Mỹ, Canada, Úc… và tồn tại cho đến ngày nay.
Nếu như ở mô hình tố tụng thẩm vấn, trách nhiệm chứng minh tội phạm do nhà nước đảm trách để kiểm soát tình hình tội phạm, thì trong mô hình tranh tụng, trách nhiệm đó được chia sẻ cho các bên buộc tội và bên bào chữa. Mọi thông tin thu được trong quá trình điều tra đều chưa được xem xét cho đến khi được trình bày trước toà. Mỗi bên sẽ trình toà “sự thật của mình” và thẩm phán cùng với bồi thẩm đoàn sẽ quyết định xem “sự thật” nào có tính thuyết phục hơn”[4].
Chính vì vậy mà thẩm phán giữ vai trò trung lập, là người trọng tài trong việc tranh tụng. Tại phiên toà, thẩm phán làm nhiệm vụ điều khiển phiên toà, không tham gia thẩm vấn, điều tra hoặc chỉ tham gia một cách mờ nhạt. Mô hình tranh tụng cho rằng, chân lý vụ án sẽ được mở ra qua sự tranh luận cởi mở, bình đẳng của các chủ thể tại phiên toà. Đó là những cuộc “tranh đấu” trong việc lập luận và đưa ra chứng cứ từ phía buộc tội và phía bào chữa, do đó các phiên toà diễn ra dân chủ, sinh động. Trách nhiệm đưa ra chứng cứ buộc tội thuộc về công tố viên, và bên bào chữa có trách nhiệm chứng minh là mình vô tội. Các chức năng tố tụng cơ bản trong mô hình tranh tụng được phân định rạch ròi, toà án có vị trí trung tâm thực hiện chức năng xét xử. Vì thế mà vị trí và vai trò của thẩm phán, công tố viên và phía bào chữa được bình đẳng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ do pháp luật quy định, đặc biệt là quyền đưa ra chứng cứ để chứng minh. Hoạt động xét xử của thẩm phán có tính độc lập cao, không thể bị can thiệp từ phía cơ quan nhà nước khác. Pháp luật cũng hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào lợi ích hợp pháp của công dân nhằm tránh sự xâm hại. Điều đó cho thấy sự tương xứng và bình đẳng trong việc chứng minh tội phạm tại phiên toà; cũng như quyền con người được nhà nước bảo đảm. Qua đó còn cho thấy ưu điểm ở mô hình tranh tụng, đó là sự đánh giá chứng cứ của thẩm phán mang tính khách quan; hình thức tố tụng phải được đáp ứng đầy đủ và coi trọng; tránh được sự xâm hại trái pháp luật và sự lạm quyền từ cán bộ tư pháp.
Tuy nhiên, mô hình tranh tụng bộc lộ hạn chế cơ bản nhất là phía nhà nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình hình tội phạm, nghĩa là tội phạm có thể bị bỏ lọt. Đồng thời, nhà nước phải tiêu tốn nhiều hơn chi phí tố tụng do phải thiết lập một hệ thống cơ chế giám sát hoạt động tố tụng nhằm kiểm soát những sai phạm từ các hoạt động tố tụng và do phiên tòa trong hệ tranh tụng thường kéo dài vì phải trải qua nhiều phiên tranh tụng.   
Mô hình TTHS phản ánh cách thức tổ chức hoạt động tố tụng. Chính việc quy định các thủ tục TTHS nói chung, thủ tục xét hỏi và tranh luận nói riêng đã làm nên những đặc trưng cơ bản của mô hình TTHS. Phiên tòa trong mô hình tố tụng nào thì thể hiện đặc điểm, mục đích của mô hình tố tụng đó. Phiên tòa trong tố tụng thẩm vấn không phải là sự đối tụng nhau giữa hai bên buộc tội và gỡ tội mà là sự tiếp tục điều tra công khai nhằm làm rõ sự thật của thẩm phán. Thậm chí là không bao gồm phần tranh tụng của các bên, hoặc là rất mờ nhạt. Vì lo ngại cơ quan thực thi quyền điều tra, truy tố và người tham gia tố tụng che giấu sự thật nên các thẩm phán sẽ kiểm tra tích cực chứng cứ, kiểm tra nhân chứng, cho dù việc này thuộc về chức năng buộc tội của công tố viên. Vì thế, thẩm phán tại phiên tòa theo hệ thẩm vấn được trao quyền hạn rất lớn. Việc thu thập chứng cứ trước khi xét xử chỉ được giao cho cơ quan điều tra và cơ quan truy tố, phía bị buộc tội và người bào chữa tham gia rất mờ nhạt. Chứng cứ được tập hợp đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Chính vì vậy, phiên tòa thuộc hệ thẩm vấn thường ngắn hơn và kém sinh động, thiếu tính tranh tụng và khó phân biệt rành mạch giữa các chức năng tại phiên tòa; bị cáo thường nhanh chóng nhận tội và chấp nhận hình phạt. Phiên tòa trong tố tụng tranh tụng thì khác, ở đây là một cuộc tranh đấu qua việc tranh luận tự do giữa một bên buộc tội và một bên là người bào chữa và bị cáo. Vai trò của thẩm phán là làm trọng tài phán xét cho cuộc đấu tụng. Bị cáo có quyền được im lặng, việc nhận tội hay không của họ rất được coi trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình tố tụng tiếp theo. Trong phiên tòa theo hệ tranh tụng, các bên được bình đẳng trong việc thu thập và đưa ra chứng cứ và bị chi phối bởi thủ tục “mặc cả nhận tội” - điều này hoàn toàn khác biệt với phiên tòa theo lối thẩm vấn. Địa vị pháp lý của các chủ thể hoạt động tố tụng như công tố viên, luật sư, thẩm phán, bồi thẩm được chia sẻ quyền lực và có tính đối trọng chứ không nghiêng hẳn về bên nào đó.            
2. Định hướng hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự Việt Nam với yêu cầu cải cách tư pháp
Ở Việt Nam thời kỳ 1945 – 1975, mô hình TTHS được áp dụng khác nhau ở hai miền[5]. Miền Bắc áp dụng theo mô hình TTHS của Liên Xô, miền Nam áp dụng theo mô hình TTHS của Pháp. Bộ luật TTHS năm 1988 và năm 2003 ra đời, định hình chính thức mô hình TTHS của nước ta mang đặc trưng của TTHS thẩm vấn. Tuy nhiên, vẫn có một số quy phạm chứa đựng các yếu tố tranh tụng công bằng, nhưng còn mờ nhạt, đó là:
(1) Cho phép luật sư được tham gia từ giai đoạn trước khi mở phiên tòa và quy định mang tính chất nguyên tắc quyền bào chữa của bị can, bị cáo và của người tham gia tố tụng trong phiên toà xét xử công khai. Cụ thể đó là quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa - đây là một quyền mới trong Bộ luật TTHS năm 2003; cùng với quy định tại Điều 58 “Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa” (có mặt khi lấy lời khai, được hỏi người tạm giữ; thu thập chứng cứ từ người bị tạm giữ; gặp người bị tạm giữ), đã thể hiện sự tiến bộ về mặt lập pháp để chứng tỏ rằng quyền bào chữa có từ khi một người bị tạm giữ. Thực hiện quyền bào chữa không những bảo đảm quyền bình đẳng, quyền lợi cho bị cáo mà còn tạo vị thế cân bằng cho các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Tuy nhiên, quy định về quyền bào chữa vẫn còn nhiều hạn chế và mang tính hình thức (sự tham gia của người bào chữa ở giai đoạn trước khi xét xử không có tính khả thi; địa vị pháp lý của người bào chữa yếu thế hơn so với chủ thể thực hiện quyền buộc tội tại phiên tòa…).
(2) Một số quy định gián tiếp về nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội. Đó là việc ghi nhận nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 9), nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Điều 10), nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án (Điều 19). Theo đó, bị can, bị cáo không buộc phải chứng minh là mình vô tội mà trách nhiệm đó thuộc về Nhà nước. Cán bộ tư pháp không được định kiến có tội đối với một người chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, mọi nghi ngờ trong việc giải quyết vụ án phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, không làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Tuy nhiên, các nguyên tắc trên chưa được quy định độc lập, có tính hệ thống và chưa được bảo đảm bằng các quy phạm pháp luật khác. Do đó, trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng oan, sai, lạm quyền, xâm hại đến quyền của người tham gia tố tụng.
(3) Quy định việc tiến hành tố tụng đối với trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Điều 105). Nghĩa là công dân có quyền tự định đoạt trong việc yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố trước khi mở phiên tòa, chứ không phải hoàn toàn là ý chí từ phía Nhà nước. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng cho công dân trong quan hệ pháp luật TTHS. Tuy nhiên, luật còn quy định bó hẹp về quyền yêu cầu khởi tố của người bị hại (chỉ ở trường hợp một số ít tội phạm ở khung hình phạt thấp nhất - khung 1).
 (4) Quy định về trách nhiệm đối đáp của kiểm sát viên đối với lời buộc tội của người bào chữa tại phiên tòa hình sự. Theo đó, khi có ý kiến tranh luận của người bào chữa và của bị cáo thì kiểm sát viên phải có trách nhiệm đối đáp trở lại để làm rõ chứng cứ, tình tiết vụ án, làm rõ yêu cầu của người bị buộc tội. Đây là sự tiến bộ, có ý nghĩa tích cực đảm bảo dân chủ trong quá trình tranh tụng.
Hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, mô hình TTHS nước ta là mô hình TTHS pha trộn (hoặc còn gọi là mô hình TTHS kết hợp) và đề xuất hướng tới phải xây dựng mô hình TTHS pha trộn[6]. Có tác giả còn gọi mô hình TTHS Việt Nam là mô hình “bán tranh tụng”[7]… Vậy có mô hình TTHS “pha trộn” hay không? Trong cuốn “Chuyên đề về Tư pháp hình sự so sánh” do Bộ Tư pháp ấn hành năm 1999 đã dẫn chứng so sánh, phân tích rất tỉ mỉ các loại hình tố tụng được các quốc gia trên thế giới áp dụng, theo đó chỉ có hai loại hình tố tụng đặc trưng là mô hình tố tụng thẩm vấn (mô hình tố tụng kiểm soát tội phạm) và mô hình tố tụng tranh tụng (mô hình tố tụng công bằng) và cho rằng, hai loại hình tố tụng đó ảnh hưởng, tiếp thu lẫn nhau, mà không tồn tại mô hình tố tụng “pha trộn” có các đặc trưng riêng. Các chuyên khảo của các giáo sư luật nước ngoài cũng không cho rằng có đặc trưng riêng biệt của loại hình tố tụng “pha trộn”[8], mà chỉ tồn tại hai loại hình tố tụng như đã đề cập, nó có sự ảnh hưởng, tiếp thu, học hỏi lẫn nhau để tận dụng lợi thế của nhau mà thôi. Mặt khác, trong quá trình phát triển của pháp luật TTHS nước ta ở từng thời điểm khác nhau có sự tiếp thu một số quy định chứa đựng yếu tố tranh tụng, nhưng mô hình TTHS nước ta vẫn đậm nét là mô hình thẩm vấn, chứ không phải là mô hình TTHS “pha trộn” như rất nhiều nhà khoa học pháp lý trong nước đã nêu. Điều này cho phép chúng tôi đi đến kết luận rằng, chỉ tồn tại hai loại hình tố tụng thẩm vấn và tranh tụng trên thế giới mà thôi. Để chính xác thì chúng ta không thể gọi là “mô hình tố tụng pha trộn”. Và cũng không thể cho rằng, do có sự giao thoa giữa các nền pháp luật trên thế giới trong những năm gần đây đã làm xuất hiện mô hình tố tụng “hỗn hợp”. Điều này được minh chứng qua kết quả nghiên cứu của tác giả K. Ph. Gusencơ[9] (với cách nhìn khác về lịch sử pháp lý) khi cho rằng mô hình TTHS có sự ảnh hưởng, tiếp thu lẫn nhau xuất hiện từ năm 1808, với cơ sở pháp lý đầu tiên là Bộ luật TTHS Pháp năm 1808; sau đó phát triển rộng ra ở châu Âu lục địa là Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Nga, Hà Lan. Ở Đức được áp dụng từ năm 1848 bằng việc đưa vào chế độ hội thẩm (những người xét xử không chuyên nghiệp, không ăn lương nhưng họ có kiến thức pháp luật và mong muốn cống hiến cho pháp luật; có người trong số những người này chuyển sang làm thẩm phán chuyên nghiệp). Ở Nga, vào năm 1864, Nga Hoàng tiến hành một cuộc cải cách tư pháp rộng lớn, bắt đầu áp dụng mô hình TTHS có sự tiếp thu từ pháp luật Pháp. Đến năm 1917, chính quyền Xô-Viết thiết lập, dù tiếp tục phát triển mô hình tố tụng của mình nhưng theo đặc tính chủ nghĩa xã hội của chính quyền vô sản (có nhiều đặc điểm không còn giống mô hình TTHS Pháp và Đức).
Italia cũng là một minh chứng điển hình cho việc chuyển đổi mô hình tố tụng. Trước khi ban hành Bộ luật TTHS năm 1989, Italia áp dụng mô hình TTHS thẩm vấn. Ở đó, thẩm phán dẫn dắt sự phát triển của vụ việc, sự can dự của công tố viên và luật sư khi tham gia tranh tụng (như đưa ra câu hỏi và thẩm vấn) tại phiên tòa rất hạn chế. Các bên tham gia tranh tụng cố gắng tìm ra sự thật ngay tại phiên tòa và trong mô hình tố tụng thẩm vấn của Italia đã dựa trên “niềm tin nội tâm” của thẩm phán khi đưa ra các phán quyết hơn là chú trọng vào các lập luận của các bên tại phiên tòa. Nhận thấy những hạn chế lớn trong hoạt động TTHS (như tình trạng oan, sai và lạm quyền…) Italia đã đoạn tuyệt với mô hình tố tụng thẩm vấn, chuyển sang mô hình tố tụng tranh tụng với hy vọng nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân tốt hơn. Tuy nhiên, không lâu sau, quốc gia này nhận thấy sự yếu kém và vô cùng phức tạp trong hoạt động kiểm soát tội phạm, và trong việc vận dụng thủ tục tư pháp hình sự, đặc biệt là thủ tục xét xử. Vì vậy, Italia đã quyết định quay trở lại áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn, với việc sửa đổi nhiều thủ tục xét xử theo hướng tiếp thu các yếu tố hợp lý, tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng. Bộ luật TTHS mới của Italia năm 1989 (Nuovo codice di procedura penale - tiếng Anh: the New Criminal Procedure Code) là sự kết hợp chặt chẽ phương pháp đối tụng (adversarial) và phương thức thẩm vấn (inquiry). Như đánh giá của Julia Grace Mirabella[10], điều đó đã giúp cho nền pháp chế Italia là nền pháp chế dân luật (common law) tiệm cận với mô hình tranh tụng của Hoa Kỳ. Sự chuyển đổi mô hình tố tụng của Italia là một kinh nghiệm hay đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang soạn thảo Dự thảo sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003.
Mô hình tố tụng chúng ta áp dụng bên cạnh những ưu điểm trong việc phòng ngừa và trấn áp tội phạm, kiểm soát tội phạm để giữ vững an ninh, trật tự thì nó cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, biểu hiện như sự xâm hại từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội (tình trạng tiến hành tố tụng oan, sai và lạm quyền; việc lạm dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng). Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm khác là toà án thực hiện chức năng xét xử song vẫn đảm trách các hoạt động ngoài chức năng, tham gia củng cố chứng cứ buộc tội (làm thay chức năng của cơ quan công tố). Cụ thể, đó là các quy định cho phép tòa án khởi tố vụ án hình sự, tiến hành khám xét, yêu cầu viện kiểm sát khởi tố, hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung…. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa chiếm ưu thế trong hoạt động xét hỏi, tham gia xét hỏi tường tận mà đáng lẽ trách nhiệm đó thuộc về kiểm sát viên giữ quyền công tố buộc tội, chứ không phải là tòa án. Mặt khác, vị thế của người bào chữa, người bị buộc tội trong tố tụng không được bình đẳng. Đó là sự yếu thế của người bào chữa tại phiên tòa, cả về cơ sở pháp lý, cả về hình thức tổ chức phiên tòa (ví dụ trong quá trình tranh tụng, chủ tọa phiên tòa thường bênh vực kiểm sát viên và áp đặt ý chí lên người bào chữa). Ngoài ra, các quyền của bị cáo tại phiên tòa được quy định hết sức hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền của bên bị buộc tội theo chuẩn mực chung của quốc tế. Nguyên nhân những hạn chế của hoạt động TTHS ở nước ta là do mô hình TTHS thẩm vấn thể hiện rất nhiều bất cập, nhưng chúng ta chưa mạnh dạn cải cách,  sửa đổi thủ tục xét xử; chậm ghi nhận nguyên tắc tranh tụng và tạo ra cơ chế bảo đảm cho nó.  
Trong hoạt động áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự, quyền con người dễ bị ảnh hưởng và bị xâm hại do Nhà nước phải sử dụng sức mạnh cưỡng chế nghiêm khắc để xử lý tội phạm. Việc áp dụng một mô hình TTHS cho quốc gia đòi hỏi phải đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả, dựa vào truyền thống pháp lý dân tộc, bản chất nhà nước và phù hợp với xu thế thời đại. Hầu hết các quốc gia ngày càng quan tâm bảo vệ quyền con người; quyền lợi của nhà nước và quyền lợi của công dân ngày càng cân bằng hơn, nên xu hướng TTHS trên thế giới đi theo mô hình tố tụng có sự tiếp thu ưu điểm lẫn nhau, điều này dường như đã trở thành quy luật xã hội.     
Thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường tính tranh tụng trong hoạt động TTHS[11], đồng thời hiểu rõ mặt hạn chế của mô hình tố tụng thẩm vấn, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng, chúng ta đang hướng đến xây dựng một mô hình tố tụng chứa đựng nhiều yếu tố tranh tụng công bằng. Chúng tôi đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật TTHS ở các nội dung cơ bản như sau:
- Sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003 theo hướng cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 bằng việc ghi nhận nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội; phân định rành mạch các chức năng cơ bản của TTHS, loại bỏ các quy định cho phép toà án tham gia củng cố chứng cứ buộc tội, làm trái chức năng xét xử.
- Tạo cơ chế bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, cải tiến các thủ tục tố tụng tại phiên tòa để đảm bảo tranh tụng dân chủ, như: xác định vai trò xét hỏi phải do phía buộc tội là kiểm sát viên và người bào chữa đảm trách, hội đồng xét xử tập trung làm nhiệm vụ điều khiển phiên tòa và ra bản án, chỉ xét hỏi bổ sung khi cần thiết; mở rộng quyền trực tiếp xét hỏi cho bị cáo và người tham gia tố tụng.  
- Cho phép người bào chữa có nhiều quyền hạn hơn, tham gia bào chữa ngay từ khi vụ án khởi tố, điều tra. Đặc biệt cần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ về quyền thu thập chứng cứ và quyền lập hồ sơ của người bào chữa, loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người bào chữa.
- Mở rộng quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của người bị hại theo hướng linh hoạt hơn, đó là thêm các tội danh được yêu cầu và khung hình phạt (ở một số tội danh như các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, các tội xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của công dân, và một số tội xâm phạm sở hữu tài sản).
- Xác định lại chủ thể tham gia tố tụng đối với “người bị bắt, người bị tạm giữ” là người bị tình nghi, nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của họ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, phù hợp với việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội khi được ghi nhận chính thức.  
- Phân định hợp lý thẩm quyền tố tụng với thẩm quyền quản lý hành chính trong TTHS, đồng thời tăng thẩm quyền tiến hành TTHS cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để đảm bảo tính độc lập cao trong hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của họ (đây là điều tối cần thiết) nhằm thực hiện chủ trương tăng cường tính tranh tụng.
- Quy định bổ sung các quyền cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong TTHS, đặc biệt là quyền của bị cáo tại phiên tòa, đó là các quyền: quyền được tư vấn pháp luật, quyền thúc đẩy thông tin của người bị buộc tội, quyền có mặt và vắng mặt tại phiên tòa (chứ không phải chỉ là nghĩa vụ như quy định một chiều của Bộ luật TTHS hiện hành), quyền được lựa chọn hội thẩm xét xử hoặc chỉ xét xử bởi thẩm phán, quyền được bồi thường thiệt hại do bị bắt, bị giam, giữ oan sai, do tài sản, đồ vật, tài liệu hợp pháp của người tham gia tố tụng bị mất mát, hư hỏng./.  
 

* PGS, TS. Chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Huế
** Giảng viên Khoa Luật - Đại học Huế
[1] Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2012), Đề án mô hình TTHS Việt Nam.
[2] Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2012), Đề án mô hình TTHS Việt Nam.
[3] K. Ph. Gusencơ, Giáo trình luật TTHS, Nxb. Zer-can-lơ, M., 2000, tr. 19- 20, (bản tiếng Nga).    
[4] Bộ Tư pháp (1999), Chuyên đề về: Tư pháp hình sự so sánh,tr. 126.
[5]Tham khảo cuốn Bộ Hình sự - Tố tụng Việt Nam cộng hòa, Tối cao Pháp viện xuất bản năm 1973, in tại Sài Gòn Ấn Quán, 35 Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn. 
[6] Nguyễn Thái Phúc, Mô hình TTHS Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Khoa học pháp lý số 5/2007.
[7] Nguyễn Đức Mai, Đặc điểm của mô hình tố tụng tranh tụng và phương hướng hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân số 22/2009.
[8]Tham khảo tác giả Craig M. Bradley, Criminal Procedure A Worldwide Study, Carolina Academic Press, Durham- North Carolina, year 2007; tác giả Hiroshi Oda, Japanese Law, Oxpord University Press, New York 2009; tác giả Joseph D. Grano, Problems in Criminal Procedure, (second edition), ST. Paul, minn, West Publishing Co. 1981 (2nd Reprint-1988).v.v; tác giả Joseph D. Grano, Problems in Criminal Procedure, (second edition), ST. Paul, minn, West Publishing Co. 1981 (2nd Reprint-1988).v.v.
[9] K. Ph. Gusencơ, Giáo trình luật TTHS, Nxb. Zer-ca-lơ, Matxcơva, năm 2000, tr. 19- 20 (bản tiếng Nga).
[10] Julia Grace Mirabella (2012), Scales of justice: Assessing Italian criminal procedure through the Amanda Knox trial, International Law Journal, Boston University, American, no 30, p. 229- 260.
[11] Xem: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 20/5/2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng 2020.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(296), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

32793300

Tổng truy cập