Bản chất, vai trò của hoạt động thu hồi đất trong điều kiện kinh tế thị trường

01/08/2015

TS. LƯU QUỐC THÁI

Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

Thu hồi đất được quy định ngay từ trước khi chế độ sở hữu toàn dân đối với toàn bộ đất đai được xác lập[1]. Các Luật Đất đai qua các thời kỳ, kể từ khi Hiến pháp 1980 được ban hành đến nay, đều quy định về hoạt động thu hồi đất như là một công cụ quản lý nhà nước và cũng nhằm để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước đối với đất đai[2]. Trong điều kiện kinh tế thị trường, thu hồi đất còn được xem như là một “khâu” của quá trình “điều phối” đất đai[3]. Cùng với quá trình phát triển của pháp luật đất đai, chế định thu hồi đất cũng dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, những đổi mới của nó vẫn chưa đủ sức đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội về nhiều mặt, như: sự công bằng, tính hiệu quả... Thậm chí thu hồi đất trong một số trường hợp còn gây ra nhiều bất ổn trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Nguyên nhân chính của những hạn chế này là do bản chất, vai trò của thu hồi đất chưa được nhận thức đầy đủ. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng làm rõ các vấn đề vừa nêu và đưa ra một số đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến chế định thu hồi đất, trong mối quan hệ giữa Nhà nước (với tư cách đại diện chủ sở hữu đất) và người sử dụng đất (NSDĐ) - “khách hàng” của Nhà nước.
Untitled_213.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Bản chất, vai trò của thu hồi đất
Mặc dù được quy định và áp dụng từ khá lâu nhưng mãi đến khi Luật Đất đai 2003 được ban hành, thu hồi đất mới được định nghĩa chính thức. Theo khoản 5 Điều 4 của Luật này thì: “Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của Luật này”. Sau đó, Luật Đất đai 2013 có quy định: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại QSDĐ của người được Nhà nước trao QSDĐ hoặc thu lại đất của NSDĐ vi phạm pháp luật về đất đai” (khoản 11 Điều 3).
Như vậy, mặc dù có những khác biệt nhất định trong định nghĩa của các Luật Đất đai nhưng thu hồi đất có một điểm chung là dẫn đến hậu quả pháp lý chấm dứt QSDĐ của NSDĐ hoặc quyền quản lý đất đai của các chủ thể được Nhà nước giao đất để quản lý (không phải là NSDĐ). Chúng tôi chỉ bàn về trường hợp Nhà nước thu hồi đất của NSDĐ mà không đề cập đến việc thu hồi đất đối với các chủ thể khác.
Xét trong mối quan hệ giữa Nhà nước và NSDĐ, thu hồi đất là một quá trình “ngược” so với hoạt động giao đất, cho thuê đất. Khi bị thu hồi đất, NSDĐ không còn QSDĐ với đất bị thu hồi và đương nhiên không còn quyền “chiếm hữu”, tác động vào diện tích đất đó nữa. Do đó, việc thu hồi đất trước hết có tác dụng bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai vì nó sẽ làm chấm dứt hành vi xâm hại đất đai của những chủ thể vi phạm pháp luật đất đai. Thu hồi đất là một “khâu” quan trọng  của quá trình điều phối đất đai. Là một quốc gia đang phát triển, việc “luân chuyển” đất đai từ chủ thể này sang chủ thể khác, từ mục đích này sang mục đích khác rất thường xuyên xảy ra[4]. Do đó, thu hồi đất là hoạt động hỗ trợ đắc lực nhất cho Nhà nước để thực hiện quá trình này.
2. Thu hồi đất trong điều kiện kinh tế thị trường
Trong điều kiện kinh tế thị trường, QSDĐ được coi như là một tài sản, một loại hàng hóa đặc biệt[5]. Việc chuyển giao đất từ Nhà nước đến NSDĐ thông qua các hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất có thể coi là một loại “giao dịch” - thực chất nó là quan hệ của thị trường đất đai sơ cấp (primary market) - mà ở đó, NSDĐ phải trả tiền cho Nhà nước mới được sử dụng đất[6]. Khi Nhà nước thu hồi đất từ NSDĐ thì bản chất “tài sản”, “hàng hóa” của QSDĐ cũng không thay đổi. Đây là lý do tại sao mà Luật Đất đai có chế định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Bản thân đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có liên quan đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh nên đất đai phải được lưu chuyển linh hoạt, thường xuyên theo nhu cầu xã hội. Thu hồi đất chính là một công cụ đặc biệt có thể giúp Nhà nước thực hiện điều này. Muốn vậy, các quy định về thu hồi đất phải thực sự phù hợp. Cụ thể:
(i) Thu hồi đất phải được xem là một loại “giao dịch”
Trong điều kiện kinh tế thị trường, nếu việc chuyển giao đất từ Nhà nước đến NSDĐ là một “giao dịch” thì việc thu hồi đất để phục vụ cho nhu cầu của Nhà nước (loại trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất do NSDĐ vi phạm pháp luật) cũng phải được coi là “giao dịch” tương tự. Rõ ràng, trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, việc chuyển giao QSDĐ xuất phát từ nhu cầu của NSDĐ; còn ở trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc dịch chuyển QSDĐ lại xuất phát từ nhu cầu của Nhà nước. Nếu như trong mối quan hệ thứ nhất NSDĐ phải trả tiền (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) cho Nhà nước thì trong mối quan hệ thứ hai, Nhà nước phải trả tiền (bồi thường) cho NSDĐ (người bị thu hồi đất). Từ đây có thể khẳng định, thu hồi đất là một quan hệ của thị trường bất động sản. Vì thế, để đảm bảo tính thị trường của quan hệ đất đai, quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất và của các chủ thể có liên quan cần phải được đảm bảo một cách “sòng phẳng”. Yêu cầu nêu trên, đến nay, vẫn chưa được pháp luật đất đai giải quyết một cách thỏa đáng bởi các lý do:
- Cơ chế xác định giá đất tính tiền bồi thường chưa phù hợp
Trước Luật Đất đai 2013, việc xác định giá đất tính tiền bồi thường thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006, Điều 11 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, giá đất tính tiền bồi thường là giá đất do Nhà nước quy định (UBND cấp tỉnh quy định trong bảng giá) theo mục đích sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất; trường hợp giá này chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh sẽ quyết định giá đất tính tiền bồi thường cho phù hợp. Sau đó, Luật Đất đai 2013 quy định giá đất tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định đối với từng trường hợp mà không dựa vào giá đất trong bảng giá như trước đây (Điều 114).
Như vậy, từ Luật Đất đai 2003 đến nay, giá đất tính tiền bồi thường đều là giá của Nhà nước, dù cơ chế hình thành có khác nhau qua từng giai đoạn. Mặc dù các quy định nói trên đã “cố gắng” tạo điều kiện cho giá đất bồi thường “sát” với giá thị trường nhưng chắc chắn giá đất này sẽ bị chi phối bởi ý chí chủ quan của Nhà nước do người quyết định cuối cùng là “Chủ tịch UBND cấp tỉnh” nơi có đất. Ý chí chủ quan này lại chịu sự chi phối bởi địa vị, quyền lực nhà nước trong quan hệ đất đai. Xu hướng phổ biến là cơ quan nhà nước sẽ quyết định mức giá bồi thường thấp hơn giá thị trường thực sự. Hậu quả là lợi ích của người bị thu hồi đất khó mà được đảm bảo sòng phẳng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều công trình hạ tầng của Nhà nước và các dự án đầu tư khác không thể thực hiện đúng tiến độ do người có đất bị thu hồi không thể chấp nhận được mức giá đất bồi thường mà cơ quan Nhà nước đưa ra.
Vì vậy, để tránh tình trạng trên tiếp diễn, việc xác định giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không nên “độc quyền” thuộc về Nhà nước nữa. Giá đất này phải hình thành trên cơ sở thương lượng giữa hai bên, có sự tham khảo thực tế và giá đất đưa ra của các tổ chức dịch vụ về tư vấn giá đất. Điều này hiện nay đã có thể thực hiện được bởi cơ chế pháp lý đầy đủ cho các tổ chức trung gian này hình thành và hoạt động đã được quy định[7].
- Trách nhiệm bồi thường chưa được quy định hợp lý
Như đã phân tích trong phần giao đất, cho thuê đất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc thu hồi đất vốn thuộc về Nhà nước nhưng Nhà nước lại thường “không trực tiếp” thực hiện. Theo khoản 4 Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP thì: “Người được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai nếu tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được ngân sách nhà nước hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Mức được trừ không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; số tiền còn lại (nếu có) được tính vào vốn đầu tư của dự án”[8].
Quy định trên là không công bằng cho người được giao, cho thuê đất bởi tiền “khấu trừ” của Nhà nước có thể thấp hơn tiền ứng trước của những chủ đầu tư nói trên. Sự bất công này có thể khiến nhà đầu tư phải tìm cách nào đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không loại trừ khả năng “bắt tay” với cán bộ nhà nước để “ép giá” bồi thường đối với người bị thu hồi đất. Nếu khả năng này không xảy ra, “số tiền còn lại (nếu có) sẽ được tính vào vốn đầu tư của dự án”. Hệ quả này chẳng những gây bất công cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Chi phí đầu tư tăng sẽ khiến giá thành hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Từ đó, đời sống kinh tế - xã hội sẽ khó khăn hơn, khả năng thu hút đầu tư cũng sẽ bị hạn chế do chi phí tiếp cận đất đai cao hơn giá trị thực của nó.
(ii) Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội phải được quy định hợp lý
Sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế là việc sử dụng đất nhằm thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh cụ thể hoặc các dự án hỗ trợ cho việc thực hiện các dự án này và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Theo quy định tại các Điều 40, 41 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 (quy định thi hành Luật Đất đai 2003) thì phạm vi thu hồi đất để phát triển kinh tế khá rộng, chỉ cần khu đất mà nhà đầu tư muốn sử dụng thực hiện dự án đã có quy hoạch sử dụng đất, hoặc quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt[9].
Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất để phát triển kinh tế nhưng quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất không được giải quyết thỏa đáng[10], nên dẫn đến khiếu kiện. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thu hồi đất để phát triển kinh tế chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên[11]. Chính vì vậy, Luật Đất đai 2013 đã giảm thiểu các trường hợp thu hồi đất này. Theo Điều 62 Luật này thì Nhà nước chỉ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
“1. Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;
2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:
a) Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
b) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;
c) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:
a) Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;
b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
c) Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
đ) Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản”.
Như vậy, phần lớn các dự án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ không được Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất như trước đây. Quy định này của Luật Đất đai 2013 chưa có thực tiễn để đánh giá tác động, nhưng nếu dựa vào thực tiễn trước đây cũng có thể đoán được các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận đất đai. Ngay trong giai đoạn Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, nhiều dự án đầu tư cũng phải bị đình trệ do NSDĐ trong dự án “làm khó” nhà đầu tư. Vụ việc của Công ty Cổ phần Thế kỷ 21 tại Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh) là một điển hình. Do những hộ dân có đất trong dự án này đưa ra những đòi hòi bất hợp lý khiến dự án của Công ty này bị ngưng trệ nhiều năm, dẫn đến những xung đột và phát sinh vụ án hình sự[12].
Vụ việc này cho thấy, bảo vệ lợi ích của người có đất bị thu hồi không có nghĩa là “bỏ mặc” nhà đầu tư tự xoay xở. Chúng ta cần xem xét lại: Lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi không được đảm bảo có phải do bản thân hoạt động thu hồi đất cho phát triển kinh tế gây ra hay là vì cách giải quyết không thỏa đáng của người có chức trách trong bộ máy nhà nước và quy định của pháp luật chưa phù hợp? Có một điều chắc chắn rằng, sự phát triển của các doanh nghiệp có sự ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước. Ngoài việc tạo nguồn thu cho ngân sách thông qua các khoản thuế, hoạt động của doanh nghiệp còn góp phần giải quyết việc làm cho xã hội. Nếu bảo vệ tuyệt đối người đang sử dụng đất trong các khu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bằng mọi giá thì hậu quả sẽ ra sao? Chắc chắn kinh tế sẽ khó phát triển, đất đai sẽ bị lãng phí do quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội khó có thể thực hiện có hiệu quả. Khi đó, bộ mặt, cảnh quan đô thị sẽ ngày càng xấu xí khi người đang sử dụng sẽ “muốn làm gì thì làm” cho đến khi nhà đầu tư chấp nhận thương lượng theo “yêu sách” của họ.
(iii) Phải có cơ chế giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của các chủ thể liên quan đến các dự án đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất
Trong điều kiện kinh tế thị trường, việc thu hồi đất đối với những nhà đầu tư có vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng đất là điều khó tránh khỏi, chẳng hạn như trường hợp phổ biến: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng”[13]. Đây là quy định cần thiết nhằm xóa bỏ những “Dự án treo” để nhanh chóng đưa đất đai vào sử dụng một cách có hiệu quả[14].
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là hướng giải quyết các quyền và lợi ích liên quan đến dự án bị thu hồi đất chưa được quy định rõ ràng. Cụ thể:
- Giá trị tài sản mà nhà đầu tư bị thu hồi đất đã đầu tư vào đất;
- Quyền và lợi ích của tổ chức tín dụng nhận thế chấp chính QSDĐ của dự án bị thu hồi;
- Quyền và lợi ích của khách hàng (chẳng hạn người mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai của dự án) và của người tham gia hợp tác, góp vốn đầu tư vào dự án có đất bị thu hồi.
Vấn đề này trước đây được quy định tại Điều 65 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2014 (Quy định thi hành Luật Đất đai 2003). Quy định này có nhiều điểm không hợp lý và hiện cũng đã hết hiệu lực thi hành. Trong khi đó, các văn bản quy định thi hành Luật Đất đai 2013 cho đến thời điểm hiện tại hoàn toàn chưa đề cập đến. Nếu vấn đề này tiếp tục bị bỏ ngỏ thì quy định về thu hồi đất nói trên khó mà thực hiện được trên thực tế, công cụ thu hồi đất của Nhà nước trong việc lành mạnh hóa quan hệ đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ không có tác dụng.   
3. Kết luận và kiến nghị
 Thu hồi đất vừa là một hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai. Ở phương diện này, các quy định hiện hành về thu hồi đất có thể được coi là hợp lý.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, xét ở góc độ quản lý kinh tế, thu hồi đất là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều phối đất đai. Ở mặt này, thu hồi đất có thể được xem như một loại “giao dịch” của thị trường QSDĐ. Dù giao dịch này mang tính “cưỡng bức” nhưng vẫn có thể là một loại quan hệ “hàng hóa - tiền tệ”, khi mà NSDĐ được bồi thường những thiệt hại do việc thu hồi đất gây ra. Để thu hồi đất không còn là một sự “cản trở” đối với giao đất, cho thuê đất theo quy hoạch (đặc biệt là trường hợp sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội), các quy định về trường hợp thu hồi đất, bồi thường cho người có đất bị thu hồi phải được quy định phù hợp. Điều này pháp luật đất đai vẫn chưa làm được, ngay cả các quy định mới nhất trong Luật Đất đai 2013 và các văn bản quy định thi hành. Vì vậy, chúng tôi có những kiến nghị sau:
- Quy định hợp lý hơn về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Cụ thể là việc xác định giá đất tính tiền bồi thường phải do một tổ chức thẩm định giá độc lập xác định theo quy định của pháp luật về giá, không nên quy định thẩm quyền quyết định giá đất tính tiền bồi thường cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh vì như vậy sẽ thiếu khách quan (người có trách nhiệm về việc bồi thường lại quyết định giá bồi thường).
- Can thiệp khi nhà đầu tư không thể thỏa thuận với người đang sử dụng đất trong khu quy hoạch thực hiện dự án đầu tư. Đối với những trường hợp nhà đầu tư tự nguyện thương lượng với NSDĐ hoặc đất không thuộc trường hợp thu hồi và nhà đầu tư đã thỏa thuận nhận chuyển QSDĐ được với phần lớn NSDĐ (với tỷ lệ diện tích từ 80% diện tích đất của dự án trở lên), nếu phần còn lại không thương lượng và thực tế cho thấy có sự đòi hỏi bất hợp lý từ người đang sử dụng đất thì Nhà nước cần can thiệp bằng “giao dịch bắt buộc” - tức là thu hồi đất.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần sớm có quy định cụ thể về việc giải quyết các quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan đến dự án bị thu hồi đất do nhà đầu tư có vi phạm pháp luật như đã nêu ở trên. Theo chúng tôi, cách giải quyết công bằng và minh bạch nhất là Nhà nước sẽ đứng ra tổ chức đấu thầu để chọn một chủ đầu tư mới có năng lực thực sự để thay thế chủ đầu tư bị thu hồi đất. Các quyền, nghĩa vụ, lợi ích có liên quan đến dự án này sẽ do chủ đầu tư mới đảm nhận thực hiện.
Tóm lại, trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta không nên nhầm lẫn thu hồi đất chỉ là một công cụ hành chính thuần túy, mà phải nhận thấy được nó còn là một công cụ kinh tế quan trọng của chủ sở hữu Nhà nước. Sử dụng công cụ thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội một cách rộng rãi không có nghĩa là “lạm dụng” quyền lực nhà nước gây tổn hại đến quyền tài sản của NSDĐ. Lợi ích của người bị thu hồi đất là lợi ích riêng của từng chủ thể sử dụng đất, nhưng phát triển bền vững kinh tế - xã hội chính lại là lợi ích chung của xã hội. Chỉ khi nào Nhà nước có quy định phù hợp và vận dụng tốt công cụ thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội thì hai lợi ích này mới có thể hài hòa được./.

 


 
 
[1]  Xem Mục I Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước.
[2] Khoản 4 Điều 9 Luật Đất đai 1987, khoản 4 Điều 13 Luật Đất đai 1993, Điều 5 Luật Đất đai 2013 và Điều 13 Luật Đất đai 2013.
[3] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Đất đai, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2012, tr 163.
[4] Trung bình trong 20 năm qua ở Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 100.000 ha đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, trong đó phần lớn là để thực hiện các dự án đầu tư. Xem Đặng Hùng Võ, Thu hồi đất cho ai?, http://vef.vn/2011-08-07-nha-nuoc-nen-thu-hoi-dat-cho-ai- (Diễn đàn kinh tế Việt Nam), truy cập lúc 20 giờ 45 ngày 14/11/2014.
[5] Trừ những trường hợp đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư không thu tiền sử dụng đất thì QSDĐ không được coi là hàng hóa. Xem các Điều 54, 174, 175, 179 Luật Đất đai 2013.
[6] Bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất.
[7] Xem Luật Giá 2012 và các văn bản quy định thi hành.
[8] Nội dung này trước đây được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP.
[9] Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007.
[10] Vụ thu hồi đất ở Văn Giang - Hưng Yên là một điển hình. Xem: “Hơn 160 hộ dân Văn Giang bị cưỡng chế thu hồi đất”, http://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/chu-de/88/hon-160-ho-dan-van-giang-bi-cuong-che-thu-hoi-dat/.
 
[11] Xem Báo điện tử Chính phủ, Thu hồi đất phải vì lợi ích quốc gia, http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-hoi-dat-phai-vi-loi-ich-quoc-gia/186553.vgp, truy cập lúc 21 giờ 5 phút ngày 18/11/2014.
[12] Các hộ này là Nguyễn Hữu Tấn, Võ Ngọc Huỳnh Hoa và Lê Minh Mẫn. Xem thêm Báo Tuổi trẻ ngày 27/02/2005, “Vụ Công ty thế kỷ 21 ra tòa: không có động cơ vụ lợi cá nhân”, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/115475/vu-cong-ty-the-ky-21-ra-toa-khong-co-dong-co-vu-loi-ca-nhan.html, truy cập lúc 21 giờ ngày 08/11/2014.
[13] Điểm I khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.
[14] Tính đến giữa năm 2014, UBND TP. Hồ Chí Minh đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho thuê đất của 536 dự án với tổng diện tích hơn 5.395 ha đối với các dự án chậm tiến độ. Xem: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Luật Đất đai 2013: tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân, http://www.qhkt.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-de/default.aspx?Source=/chuyen-de&Category=&ItemID=33&Mode=1, truy cập lúc 21 giờ ngày 14/11/2014.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(295), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

32830178

Tổng truy cập