Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam, thủ đoạn phạm tội và dự báo

01/08/2015

CAO ANH ĐỨC

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPCNC) là một trong những loại tội phạm mới xuất hiện ở nước ta. Tuy chỉ mới xuất hiện trong khoảng một thập kỷ gần đây, nhưng do sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng Internet, đã làm nảy sinh, tồn tại và phát triển nhanh chóng loại tội phạm này tại Việt Nam. Hiện tại, tình hình TPCNC đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Các thế lực thù địch và bọn phản động sẽ tiếp tục lợi dụng internet để tuyên truyền xuyên tạc và tập hợp lực lượng thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng, nhất là nguy cơ bị tấn công, lây nhiễm virus trong hệ thống thông tin dẫn đến lộ bí mật quốc gia, đe dọa an ninh quốc phòng. Các ổ nhóm, đường dây TPCNC sau khi bị phát hiện, xử lý mạnh trong thời gian qua đã nhanh chóng thay đổi phương thức, thủ đoạn mới nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Hoạt động của TPCNC tại Việt Nam ngày càng mang đậm tính chất của tội phạm có tổ chức và tội phạm xuyên quốc gia.
1. Tính chất của tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam
1.1. Khái niệm về tội phạm sử dụng công nghệ cao  
Luật Công nghệ cao năm 2008 của Việt Nam định nghĩa: “Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, trị giá gia tăng cao và thân thiện với môi trường; đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa, công nghiệp hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có”. Nghị định số 25/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm khác có sử dụng công nghệ cao, quy định: “Tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao”.
Theo chúng tôi, khái niệm tội phạm sử dụng công nghệ cao nên được định nghĩa như sau: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm sử dụng những thành tựu công nghệ cao làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội”.
Những hành vi được quy định là TPCNC quy định tại các Điều 125, 224, 225, 226, 226a, 226b Bộ luật Hình sự (BLHS).
1.2. Một số đặc điểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao  
a) Phân biệt tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm truyền thống
Cũng giống như tất cả các loại tội phạm, hầu hết TPCNC đều nhằm mục đích tư lợi, chiếm hưởng trái phép tài sản của người khác. Thủ đoạn của TPCNC đều là thủ đoạn gian dối. Tuy nhiên, qua thực tiễn điều tra khám phá tội phạm cho thấy, có một điểm căn bản, tạo ra sự khác biệt giữa TPCNC và tội phạm truyền thống chính là công cụ, phương tiện phạm tội. Tội phạm thường sử dụng sự tiến bộ của CNTT để thực hiện hành vi phạm tội. Sự khác biệt về công cụ, phương tiện phạm tội đã khiến cho TPCNC thực hiện được những hành vi phạm tội mà tội phạm truyền thống không thể làm được, như đang ở Việt Nam nhưng có thể trộm cắp được tiền của một người nào đó đang ở nước ngoài. Do sử dụng CNTT nên hành vi của TPCNC có cách thức khác nhiều so với tội phạm thông thường, như: tấn công trái phép vào Website để lấy đi những thông tin bí mật, lấy cắp thông tin tài khoản cá nhân, tổ chức, làm thẻ ATM giả ...
b) Phân nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thực tiễn cho thấy, TPCNC có hai nhóm sau (phân nhóm theo khách thể của tội phạm):
Nhóm thứ nhất:Khách thể của tội phạm là sự toàn vẹn dữ liệu, là sự hoạt động ổn định của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, các thiết bị kỹ thuật số của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tội phạm sử dụng kiến thức tin học để thực hiện các hành vi phạm tội, như: tạo ra, lan truyền, phát tán các chương trình virus vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet gây rối loạn hoạt động của các mạng này; sử dụng mạng máy tính, mạng Internet để gây rối loạn hoạt động của các mạng này, phong toả hoặc làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu của máy tính; truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet nhằm khai thác, sử dụng thông tin trái phép trên máy tính... (theo các Điều 125, 224, 225, 226, 226a, 226b BLHS)
Nhóm thứ hai:Khách thể của tội phạm là hầu hết những khách thể mà BLHS bảo vệ, đó là khách thể trong các nhóm sau: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; chế độ chính trị; chế độ kinh tế; nền văn hoá, quốc phòng, an ninh; trật tự, an toàn xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân…
Sử dụng số liệu thống kê tội phạm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao[1], nghiên cứu 156 bản án xét xử 612 bị cáo là TPCNC đã thực hiện hành vi phạm tội trong giai đoạn 2010-2014[2], cho thấy:
1.3. Tính chất của tình hình tội phạm do tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2014
Tính chất của tình hình tội phạm (THTP) phản ánh mức độ nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng khác nhau của THTP ở từng thời gian và không gian khác nhau thông qua tương quan và tỷ lệ giữa các thành phần tạo nên cơ cấu thành phần tội phạm. Tính chất của THTP được thể hiện ở các tiêu chí sau: số lượng tội phạm và số bị cáo; diễn biến của THTP; phương thức, thủ đoạn phạm tội; mức độ nghiêm trọng của tội phạm; tỷ lệ tái phạm và đặc điểm nhân thân người phạm tội; thiệt hại gây ra do hành vi phạm tội. Trên cơ sở nghiên cứu về mức độ, cơ cấu và diễn biến của THTP do TPCNC thực hiện cho phép đánh giá tính chất của THTP do TPCNC thực hiện như sau:
- Căn cứ mức độ THTP do TPCNC thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2010-2014, cho thấy: Tổng số vụ và bị cáo TPCNC là 156 vụ với 612 bị cáo, với tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt hơn 859 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam xảy ra 31 vụ án với 122 bị cáo là TPCNC, mỗi vụ án có khoảng 4 bị cáo tham gia và số tiền bị TPCNC chiếm đoạt mỗi năm là 172 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 1.000 bị cáo tòa án xét xử thì có 01 bị cáo là TPCNC; tỷ lệ trên là không lớn nhưng do TPCNC có sự gia tăng rất nhanh về số lượng, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội nên đã gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm, do đó phần ẩn của tội phạm này là rất lớn, nên mức độ nguy hiểm và hậu quả của tội phạm gây ra thực sự chưa thể thống kê, đánh giá xác đáng được.
- Diễn biến của tình hình TPCNC, qua so sánh định gốc cho thấy xu hướng tăng mạnh của THTP do TPCNC thực hiện trong những năm qua, nếu lấy năm 2010 là năm định gốc thì đến năm 2014 TPCNC tăng 269% số vụ và tăng 729% số bị cáo. Dùng phương pháp so sánh liên kế thấy rõ xu hướng gia tăng liên tục số lượng bị cáo TPCNC hàng năm trung bình gia tăng so với năm trước là 71,16%.
- Cấp độ nguy hiểm của THTP do TPCNC gây ra tại Việt Nam, xác định được Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có cấp độ nguy hiểm lớn nhất cả nước; thấp nhất cả nước là Gia Lai, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bến Tre và Quảng Nam. Điều này cho thấy, ở đâu có hạ tầng CNTT phát triển, có mật độ dân cư cao, tốc độ kinh tế phát triển, có nhiều người sử dụng Internet, tốc độ phân hóa giàu nghèo cao... nơi ấy TPCNC sẽ gia tăng nhanh.
- Tính chất phức tạp, nguy hiểm của THTP do TPCNC gây ra được thể hiện qua phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm. Phương thức TPCNC thực hiện trong giai đoạn 2010 đến 2014 cho thấy, tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm chiếm 48,18%, phạm tội có tổ chức chiếm 44,87%, đây là tỷ lệ rất cao so với các loại tội phạm thông thường. TPCNC thường sử dụng các thủ đoạn sau: tạo, phát tán vi rút tin học, phần mềm tin học độc hại; sử dụng thẻ ATM giả thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa; mua thông tin thẻ tín dụng bị harker chiếm đoạt rao bán trên các trang web, để sử dụng đặt mua hàng trực tuyến chuyển về Việt Nam tiêu thụ (ship hàng); truy cập trái phép mạng viễn thông để nối ghép lập trạm thu phát tín hiệu trái phép, nhằm ăn cắp cước phí viễn thông; tấn công email của cá nhân, doanh nghiệp, sử dụng thông tin của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản; lập trang web mua bán trực tuyến để chiếm đoạt tài sản; lập trang web để lừa đảo bán các gian hàng ảo này dưới hình thức bán hàng đa cấp; sử dụng nick chát của người khác để lừa đảo lấy tiền; làm quen qua chat rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản; lợi dụng chat để thực hiện các hành vi đồi bại, cưỡng đoạt tài sản, mại dâm, mua bán người; đưa thông tin lên mạng Internet để truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; mua bán mại dâm; mua bán chất ma túy; mua bán phụ nữ, trẻ em; đánh bạc; tổ chức đánh bạc; tài trợ cho khủng bố, rửa tiền; sử dụng mạng máy tính, mạng Internet tuyên truyền tư tưởng chống phá Nhà nước, chính quyền nhân dân; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet đưa thông tin lên mạng để thực hiện các hoạt động tống tiền; xâm phạm nhân phẩm, tự do cá nhân khác.     
- TPCNC tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 18 đến 30 (chiếm 54,23%). So sánh với số liệu thống kê của Liên hiệp quốc thì TPCNC trên thế giới tập trung chủ yếu ở độ tuổi dưới 25 chiếm 45% tổng số TPCNC[3]; nhưng ở Việt Nam chiếm 55,27% tuổi từ 25 đến 35. Như vậy, so với thế giới, tuổi TPCNC của Việt Nam cao hơn với mặt bằng chung của thế giới từ 5 đến 10 tuổi. Về giới tính,  TPCNC là nam giới chiếm 95,51%; nữ giới chỉ có 4,49%, trong nhiều tội danh không có nữ giới tham gia. Về trình trình độ học vấn: Có 73,92% bị cáo trình độ văn hóa phổ thông trung học; tuy nhiên không phải TPCNC đều có trình độ học vấn cao, chỉ có 11,57% bị cáo tốt nghiệp đại học và có tới 4,09% bị cáo có văn hóa là tiểu học. 95,85% bị cáo TPCNC có quốc tịch Việt Nam, bị cáo có quốc tịch nước ngoài chiếm 4,15%, gồm: Malaysia, Hàn Quốc, Nigeria, Rumania, Pakistan. TPCNC chủ yếu là các đối tượng thất nghiệp, nghề nghiệp không ổn định, các đối tượng này chiếm 41,79% và mỗi năm trung bình tăng khoảng 50%. Tỷ lệ tái phạm, tái phạm nguy hiểm của TPCNC giai đoạn 2010-2014 so với loại tội phạm khác là thấp, chiếm 1,04% số bị cáo là TPCNC, tái phạm nguy hiểm chiếm 0,35%. Địa bàn thực hiện hành vi phạm tội của TPCNC trong những năm qua chủ yếu tại hai thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (chiếm 64,05%), còn lại là ở các thành phố lớn (22,39%), nông thôn (7,35%), huyện lỵ (4,09%), thị xã (2,12%).
- Kết quả nghiên cứu về đặc điểm bị hại của TPCNC cho thấy: chủ yếu bị hại là cá nhân, chiếm 97,28%; doanh nghiệp chỉ chiếm 2,72%. Bị hại và đối tượng phạm tội thường trước đó không quen biết nhau (61,22%), có mối quan hệ từ trước chỉ khoảng 9%. Một đặc điểm rất đáng lưu ý đối với bị hại là doanh nghiệp thì doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 41%; bị hại là doanh nghiệp thường là các ngân hàng thương mại, các tập đoàn bưu chính viễn thông[4].
2. Những hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam
Sau 17 năm Nhà nước quyết định cho hòa mạng với Internet thế giới, ban đầu chỉ vài chục thuê bao Internet và chủ yếu thuộc các đơn vị khoa học, nghiên cứu, đến nay đã tăng trưởng mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của internet Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về số người sử dụng Internet (khoảng 25% dân số). Đến năm 2014, số lượng tên miền tiếng Việt là 1.015.701 tên, số lượng tên miền “.vn” là 291.103 tên, tỷ lệ tăng trưởng là 13%, đứng đầu ở Đông Nam Á và đứng thứ 7 tại Châu Á. Tên miền “.vn” giữ được tốc độ tăng trưởng tốt ngay cả những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu cho năm 2015 sẽ trở thành một trong 20 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất thế giới. Các nhà chuyên môn cho rằng, tương lai của nền kinh tế internet Việt Nam đạt 17%-20% GDP vào năm 2015 và từ 20%-30% vào năm 2020[5]. Tuy đạt được một số thành tựu nêu trên nhưng TPCNC tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, có nhiều diễn biến phức tạp, cho thấy một số bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
THTP do TPCNC thực hiện trên thế giới có những diễn biến phức tạp, trong khi đó, đặc thù của loại tội phạm này là tính quốc tế và hội nhập nhanh, do đó, đã tác động mạnh đến THTP do TPCNC thực hiện tại Việt Nam. TPCNC ở các nước xâm nhập vào nước ta rất nhanh, thậm chí nhiều đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam để tổ chức hoạt động. Thực tế cho thấy, ý thức bảo vệ thông tin của các tổ chức và cá nhân khi tham gia vào các giao dịch qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông chưa cao; nhiều máy tính, thiết bị di động chưa được cài đặt các chương trình bảo vệ. Tình trạng sử dụng các phần mềm sao chép bất hợp pháp, không có bản quyền còn phổ biến do đó không thể cập nhật đầy đủ các bản vá lỗi của nhà cung cấp. Đây là những lỗ hổng để các đối tượng phạm tội có thể thâm nhập.
Mặt khác, những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến THTP nói chung và THTP do TPCNC thực hiện nói riêng. Trong những năm qua, các ngành, các cấp do các lực lượng chuyên trách làm nòng cốt đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều nội dung, biện pháp đấu tranh phòng, chống TPCNC, thu được nhiều kết quả quan trọng, đã có hàng trăm vụ án TPCNC đã được phát hiện, điều tra, xử lý. Mặc dù vậy, THTP do TPCNC thực hiện vẫn diễn biến rất phức tạp, đang là một thách thức lớn. Nguyên nhân của tình hình trên, một phần là do những tác động tiêu cực xã hội nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; sự xuống cấp về đạo đức xã hội, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, làm ăn chụp giật,... nhưng chủ yếu vẫn là do những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội. Tổ chức bộ máy, phân công, phân cấp ở các cơ quan bảo vệ pháp luật và chuyên trách còn bất cập. Trình độ, năng lực tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện cũng như tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết tấn công TPCNC của một bộ phận cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, chiến sĩ lực lượng chuyên trách còn hạn chế. Điều kiện hậu cần - kỹ thuật bảo đảm cho công tác phòng, chống TPCNC còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống TPCNC trong tình hình mới. Chính sách đãi ngộ đối với lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống TPCNC còn chưa phù hợp.
Một trong những công cụ để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả TPCNC là hệ thống các quy định pháp luật, nhưng đến nay, hệ thống các quy định này vẫn chưa đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện các hành vi TPCNC thực hiện; nhiều điều khoản chưa đủ sức răn đe, thiếu hụt các văn bản hướng dẫn thi hành. BLHS năm 1999 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của BLHS 2009 mới chỉ có 6 điều luật quy định cụ thể những hành vi mà TPCNC có thể thực hiện. Có những quy định làm hạn chế khả năng xử lý các tội phạm như quy định tại các Điều 224, 225, 226 BLHS, là phải có hậu quả xảy ra. Thực tế, rất khó xác định được hậu quả nếu tội phạm không nhằm vào mục đích kinh tế và hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cách thức xác định hậu quả như thế nào, bằng cách nào. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện cũng chưa có quy định về chứng cứ điện tử, phương pháp thu thập, chuyển hóa chứng cứ. Cũng vì hạn chế này, từ khi BLHS 1999 ra đời đến nay, qua một số lần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhưng chỉ xử lý được rất ít, hoặc chưa xử lý được một trường hợp nào, ví dụ tội: “Phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính...”, “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số...”, quy định tại Điều 224, 225 BLHS, từ năm 2009 đến năm 2015 chưa xét xử được vụ án nào. Nhiều hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt, sử dụng, khai thác thông tin với những mục đích khác nhau, cho dù chưa có hậu quả xảy ra thì hầu hết các nước phát triển đã coi là hành vi tội phạm nhưng pháp luật Việt Nam hoặc là chưa coi là tội phạm hoặc là đòi hỏi phải có hậu quả nghiêm trọng xảy ra (gắn với bị hại). Hoặc cùng quy định là tội phạm nhưng chế tài răn đe lại chưa được nghiêm khắc. Ngoài ra, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này còn thiếu hoặc chưa nghiêm.
Những khuyết khiếm nêu trên đã gây khó khăn cho việc phòng chống TPCNC cũng như công tác phối hợp giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong việc chống tội phạm xuyên quốc gia. Đây cũng là điểm yếu để TPCNC trong nước và quốc tế lợi dụng liên kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội hoặc lựa chọn chính Việt Nam là nơi thực hiện hành vi phạm tội.
3. Dự báo về tình hình tội phạm có sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới  
TPCNC ở Việt Nam trong những năm tới, không chỉ giới hạn ở cơ số hành vi phạm tộilà 12, với 12 tội danh đã thực hiện trong giai đoạn 2010-2014, mà sẽ mở rộng đến nhiều hành vi khác trong thời gian tới; không chỉ giới hạn tập trung vì động cơ vụ lợi mà sẽ mở rộng sang nhiều động cơ, mục đích khác nhau. Diễn biến của THTP do TPCNC thực hiện tại Việt Nam sẽ ngày càng phức tạp cả về số vụ, số đối tượng phạm tội; số vụ án TPCNC sẽ tăng liên tục hàng năm (trên 50% mỗi năm). Về cơ cấu tình hình tội phạm theo đơn vị hành chính, không chỉ xuất hiện, tập trung tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội mà sẽ còn rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác (giai đoạn 2010-2014 chỉ xuất hiện ở 26 tỉnh, thành phố)[6], mà sẽ mở rộng trên quy mô cả nước; cũng không chỉ tập trung ở các đô thị mà phát triển về các vùng thôn quê, huyện lỵ. Sự xuất hiện, gia tăng, phát triển của tội phạm có sử dụng công nghệ cao để phạm tội, theo quy luật: Ở đâu có hạ tầng CNTT phát triển, sự gia tăng mật độ dân cư, có tốc độ tăng trưởng về kinh tế, có số lượng người sử dụng Internet gia tăng, độ phân hóa giàu nghèo cao... nơi ấy sẽ xuất hiện TPCNC và sẽ có sự gia tăng nhanh đối với loại tội phạm này. Về cơ cấu theo phương thức, thủ đoạn phạm tội: số vụ án do TPCNC thực hiện dưới hình thức đồng phạm và đồng phạm có tổ chức sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hầu hết các vụ án TPCNC thực hiện dưới hình thức đồng phạm, phạm tội có tổ chức; xu thế hình thành ổ nhóm TPCNC hoạt động mang tính quốc tế, có sự phân công vai trò cụ thể, chặt chẽ sẽ ngày càng phổ biến.
- Về thủ đoạn phạm tội: TPCNC sẽ sử dụng một số thủ đoạn chính sau để thực hiện hành vi phạm tội:
+ Phát triển mạng Botnet để lấy cắp thông tin, tấn công các website của Chính phủ, ngân hàng, hàng không, lưới điện quốc gia; phát tán tin nhắn rác, quảng cáo.
+ Sử dụng phần mềm gián điệp, điều khiển từ xa để tấn công có mục đích chính trị và kinh tế vào các cơ quan chính phủ, ngân hàng và các doanh nghiệp lớn, với mục đích lấy cắp và phá hoại dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng.
+ Sử dụng blog cá nhân, mạng xã hội để hoạt động phạm pháp, như xâm phạm an ninh quốc gia, thành lập băng nhóm tội phạm, xâm phạm quyền riêng tư, phát tán virus...
+ Khai thác lỗ hổng bảo mật, ứng dụng điện toán đám mây (file sharing) để tấn công, lấy cắp thông tin, thay đổi, phá hoại thông tin, lấy cắp dữ liệu và thông tin thẻ tín dụng (Ví dụ: nhóm Anonymous lợi dụng điện toán đám mây của Amazon, khai thác lỗ hổng máy chủ, truy cập cơ sở dữ liệu, tấn công game trực tuyến Playstation Network; lấy cắp dữ liệu và thông tin thẻ tín dụng).
+ Lấy cắp thông tin dữ liệu cá nhân của smartphone để sử dụng cho các mục đích phạm tội khác nhau. DroidCleaner và SuperClean là các dòng virus đầu tiên đã có thể thực hiện hành vi lây chéo giữa máy tính và smartphone, xu hướng này sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, thậm chí bùng nổ bởi thị trường smartphone đang tăng lên nhanh chóng; xu hướng giả mạo phần mềm, ứng dụng để lây nhiễm virus trên điện thoại di động sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.
+ Tấn công qua truy cập qua VPN (Virtual Private Network, hệ thống mạng riêng ảo nhằm đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin, truy cập từ xa và tiết kiệm chi phí) để lấy cắp thông tin doanh nghiệp, thông tin cá nhân khi gia tăng ứng dụng truy cập qua VPN do các nhân viên thường xuyên phải làm việc ở ngoài văn phòng.
+ Sử dụng thông tin thẻ ATM để thanh toán dịch vụ, mua hàng hóa, rút tiền ngân hàng; mua bán thông tin thẻ ATM để hưởng lợi bất chính; tấn công email của cá nhân, doanh nghiệp lấy thông tin để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; truy cập trái phép mạng viễn thông để ăn cắp cước phí viễn thông.
+ Lập trang web mua bán hàng hóa trực tuyến, bán sản phẩm ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chat để thực hiện các hành vi đồi bại, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, mại dâm, mua bán người.
+ Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet, mạng xã hội đưa thông tin lên mạng với mục đích truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; mua bán mại dâm; mua bán chất ma túy; mua bán phụ nữ, trẻ em; bán giấy tờ giả; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc; tài trợ cho khủng bố, rửa tiền; tống tiền; xâm phạm nhân phẩm, tự do cá nhân; tuyên truyền tư tưởng chống phá Nhà nước, chính quyền nhân dân...
Ngoài phương thức nêu trên, TPCNC sẽ thường xuyên thay đổi phương pháp, thủ đoạn phạm tội, thủ đoạn càng ngày càng tinh vi, đa dạng hơn nhằm che giấu, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Tính chất nghiêm trọng của hành vi do TPCNC hiện yếu là hành vi nghiêm trọng (đến 7 năm tù), sẽ có xu hướng gia tăng, chuyển dần sang rất nghiêm trọng (đến 15 năm tù) và đặc biệt nghiêm trọng (trên 15 năm tù). Tuổi của người phạm tội có sử dụng công nghệ cao để phạm tội có xu hướng trẻ hóa nhanh, hiện tập trung ở lứa tuổi từ 18 đến 30 tuổi, sẽ chuyển dần sang từ 18 đến 25 tuổi. Người phạm tội có trình độ học vấn cao sẽ chiếm tỷ lệ cao, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, một số đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, việc làm không ổn định sẽ là những đối tượng phạm tội tiềm năng. Xu thế hình thành ổ nhóm TPCNC hoạt động mang tính quốc tế, có sự phân công vai trò cụ thể, chặt chẽ sẽ ngày càng phổ biến.
Do tính chất đặc biệt nguy hiểm của TPCNC, để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống TPCNC trong thời gian tới, dự báo khả năng phòng, chống TPCNC của các chủ thể tại Việt Nam như sau:
- Nhà nước sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng các cấp trong công tác phòng, chống TPCNC. Sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trách nhiệm phòng, chống TPCNC.
- Sẽ chú trọng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội. Coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, trong gia đình và ở cơ sở. Sẽ rà soát, đánh giá ảnh hưởng của các chính sách phát triển và quá trình thực hiện các chính sách phát triển có liên quan đến THTP do TPCNC, để đề xuất khắc phục hạn chế những sơ hở, thiếu sót, bất cập. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhất là truyền thông giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật nhằm chống suy thoái đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân và gia đình.
- Nhà nước từng bước nâng cao năng lực phòng, chống TPCNC của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các lực lượng chuyên trách. Ưu tiên đầu tư ngân sách, mua sắm, cung ứng vật tư, phương tiện một cách hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu hậu cần - kỹ thuật cho hoạt động của các cơ quan tư pháp và lực lượng chuyên trách.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống TPCNC, trong đó chú trọng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về các biện pháp phòng, chống TPCNC và một số đạo luật có liên quan khác. Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao./.
 
 
[1] Nguồn: Báo cáo về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra tại địa phương giai đoạn 2005 đến 2014, của 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, theo Công văn số 2176/VKSTC-V1 ngày 11/7/2014 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
[2] Nghiên cứu trực tiếp 156 bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân xét xử tội phạm sử dụng công nghệ cao từ năm 2010 - 2014
[3] Xem chuyên đề: Một số lý luận, thực tiễn và giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, của tập thể tác giả Mai Anh Thông, Cao Anh Đức và Nguyễn Việt Dũng, Hội đồng khoa học Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2010.
 
[4] Các số liệu nêu tại phần 1.3. này tham khảo từ: Số liệu thống kê công tác thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự từ 01/12/2009 đến 30/11/2014, Biểu số 4A-KSXXST, của Cục Thống kê tội phạm - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Ban hành theo Quyết định số 758 ngày 03/12/2008 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).
 
[5] Xem chuyên đề: Một số lý luận, thực tiễn và giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, Tlđd.
[6] Xem chuyên đề: Một số lý luận, thực tiễn và giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao, Tlđd.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(296), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

32794051

Tổng truy cập