Hội nghị cộng tác viên phía bắc và Lễ phát hành cuốn sách “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới”

01/08/2014

KHÁNH VÂN

Sáng 05/9/2014 tại Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Viện nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Cộng tác viên phía Bắc năm 2014 và Lễ phát hành sách “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam - nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới”. PGS,TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp và TS. Phạm Văn Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đồng chủ trì Hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới tham dự, chỉ đạo hội nghị và có bài phát biểu quan trọng giới thiệu về Cuốn sách.
vu-mao-24914-440A1.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
 
Báo cáo công tác năm 2014: “Tạp chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”
Báo cáo về hoạt động chuyên môn của Tạp chí, TS. Phạm Văn Hùng - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã thông báo tình hình xuất bản của Tạp chí năm 2014 và định hướng năm 2015. Theo đó, từ đầu năm tới nay, tạp chí đã bám sát hoạt động của Quốc hội, chú trọng vào công tác tuyên truyền, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống. Tính đến hết tháng 8 năm 2014, Tạp chí NCLP đã nhận được hơn 300 bài nghiên cứu của các cộng tác viên gửi đến, tạo được lượng bài ổn định để đăng tải trên các số Tạp chí thường kỳ và bảo đảm có dự trữ cho các số Tạp chí tiếp sau.
Các bài viết trên ấn phẩm đặt trọng tâm vào tăng cường chất lượng thông tin nghiên cứu để hỗ trợ cho các đại biểu Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học trong công tác xây dựng, nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội, đáp ứng tiêu chí bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Định hướng chủ đề năm 2014 của Tạp chí. Đặc biệt, Từ tháng 01/2014, để tuyên truyền, phổ biến, khẳng định những giá trị tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, Tạp chí mở tiểu mục Bình luận về Hiến pháp, tạo một Diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học công bố, đăng tải những đánh giá, bình luận về các giá trị tiến bộ cũng như giá trị kế thừa phát triển của bản Hiến pháp mới, đưa ra những giải pháp thực hiện để đưa Hiến pháp vào cuộc sống.
Về định hướng năm 2015, TS. Phạm Văn Hùng nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng tạp chí thành Tạp chí nghiên cứu khoa học hàng đầu, là nơi cung cấp thông tin thiết thực cho các đại biểu Quốc hội và là diễn đàn tin cậy của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lập pháp, góp phần thiết thực phục vụ hoạt động của Quốc hội cũng như tuyên truyền phổ biến pháp luật. Trong đó, Tạp chí đặc biệt ưu tiên và chú trọng những bài viết có phân tích tác động đa chiều của các chính sách, những bài có tính ứng dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Tiếp tục tăng cường trao đổi, liện hệ đặt các bài viết theo định hướng hệ thống chủ đề, bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát năm 2015 của Quốc hội.
Phát biểu về hoạt động chuyên môn của Tạp chí trong năm qua, các cộng tác viên đều cho rằng, đến nay, Tạp chí NCLP đã có bước khởi sắc và phát triển rất mạnh mẽ, chất lượng bài viết ngày càng được nâng cao, vừa mang tính “hàn lâm” với chất lượng nghiên cứu khoa học tin cậy, vừa có giá trị thực tiễn thiết thực. Các cộng tác viên đều chia sẻ sự gắn kết lâu dài với Tạp chí bởi chất lượng chuyên môn truyền tải, những đóng góp hữu ích của Tạp chí đối với công tác xây dựng pháp luật, cả sự trân trọng, thân thiện các tác giả của cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí đối với bạn đọc, cộng tác viên. GS,TS. Nguyễn Đăng Dung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, với ông, Tạp chí NCLP rất gần gũi, thân thiện, những ý tưởng mới ông đều công bố trên Tạp chí và những bài nghiên cứu khoa học ông cũng luôn ưu tiên gửi đăng Tạp chí. Bởi theo GS, TS Nguyễn Đăng Dung, tuy không có tuổi đời “dày dặn” như nhiều Tạp chí khoa học khác, nhưng Tạp chí NCLP luôn trân trọng, nâng niu những ưu tư, trăn trở của các nhà khoa học, là nơi truyền tải những ý tưởng khoa học chân thực, thiết thực nhất. GS,TS. Thái Vĩnh Thắng (Đại Học Luật Hà Nội) khẳng định, Tạp chí NCLP là ấn phẩm có sức tác động nhiều nhất tới bạn đọc trong nước. Theo ông, Tạp chí không chỉ là tài liệu tham khảo quý báu của các đại biểu Quốc hội, của các nhà quản lý, nhà khoa học… mà hiện nay, Tạp chí còn như một cuốn giáo trình sinh động cho sinh viên các cơ sở luật học nghiên cứu, tham khảo, mức độ và tần suất sử dụng Tạp chí của sinh viên, giáo viên các cơ sở đào tạo luật rất cao. Đặc biệt, GS,TS. Thái Vĩnh Thắng đánh giá cao sự nhanh nhạy, kịp thời của Tạp chí khi hòa mình vào không khí sôi động của khoa học, đăng tải những góp ý,  bình luận về Hiến pháp sửa đổi và đã được thông qua.
Đồng ý với ý kiến của GS,TS. Thái Vĩnh Thắng, PGS, TS. Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội) khẳng định, cho đến thời điểm này Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiệm vụ lớn của dân tộc: Góp ý xây dựng Hiến pháp, tuyên truyền, phổ biến đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Với ông, tuy hiện nay có rất nhiều tạp chí khoa học nhưng Tạp chí NCLP vẫn có những bản sắc rất riêng, những ưu thế nhất định so với các Tạp chí khác, đặc biệt trong việc khẳng định vị trí cầu nối giữa nhà khoa học và nhà chính trị. Ông mong muốn, với vị trí là một Tạp chí gắn bó với các nhà lập pháp, Tạp chí NCLP có thể trở thành cầu nối giữa các nhà lập pháp và các nhà khoa học để các công trình nghiên cứu bám sát hơn với chính sách, pháp luật, tạo mối liên hệ mật thiết trong công tác lập pháp và nghiên cứu khoa học. 
Bên cạnh sự hài lòng về chất lượng chuyên môn, sự thân thiện, các cộng tác viên cũng chia sẻ thêm những kinh nghiệm để Tạp chí ngày một hoàn thiện hơn, đó là: Tạp chí cần chú trọng hơn nữa công tác biên tập và thẩm định bài viết để nâng cao hơn chất lượng bài viết, biên tập bài viết tránh để trích dẫn quá nhiều và phải yêu cầu tác giả làm rõ được những ý tưởng của cá nhân mình khi trích dẫn nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có sự trao đổi lại với các tác giả khi biên tập bài viết, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những giá trị tiến bộ của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đăng tải nhiều bài viết phục vụ trực tiếp hoạt động của Quốc hội, phục vụ các chức năng của Quốc hội (lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước), nghiên cứu mở thêm chuyên mục “đưa Hiến pháp vào cuộc sống”…
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tỏ rõ sự phấn khởi, vui mừng với những ý kiến đánh giá cao của các cộng tác viên về việc Tạp chí đã bám sát tôn chỉ, mục đích, thực sự là cơ quan ngôn luận, cơ quan nghiên cứu của Viện NCLP và của Quốc hội, phục vụ cho Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri của cả nước, đồng thời hữu ích cả trong công tác nghiên cứu giảng dạy học tập của các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo luật. Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định sự yên tâm của mình khi Tạp chí NCLP đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Tạp chí NCLP cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý của các bạn đọc, cộng tác viên để tiếp tục nâng cao nội dung, chất lượng các bài viết và hình thức trình bày ấn phẩm, nghiên cứu có thể mở thêm những chuyên mục gắn kết với nội dung hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là cử tri, bạn đọc ở các cơ quan tổ chức liên quan đến hoạt động của các cơ quan dân cử.
Phát hành sách “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới”
Cũng tại Hội nghị, Tạp chí NCLP đã công bố phát hành cuốn sách “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới”.
Trong bài phát biểu giới thiệu về cuốn sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc xuất bản cuốn sách “Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam – nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới” là việc làm thể hiện trách nhiệm cao trong triển khai thi hành Hiến pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Từ sự phân tích, so sánh, bình luận, các tác giả đã có những đề xuất cụ thể cho việc xây dựng, sửa đổi các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật khác theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013.
Cuốn sách trên 400 trang, gồm 3 phần chính, trong đó ở Phần thứ nhất là các bài viết đề cập đến một số vấn đề chung về Hiến pháp, phân tích và khẳng định những giá trị nền tảng và mục tiêu cơ bản của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bổ sung trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân... Các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách dân tộc; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; đường lối và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại... cũng được phân tích, làm rõ trong cuốn sách phát hành lần này, đặc biệt là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung.
Trong Phần thứ hai, cuốn sách tập trung phân tích nội dung Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 2013. Các bài viết nêu bật những điểm mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013. Lần đầu tiên xác định rõ và quy định ngay tại Điều 3 về Nhà nước có trách nhiệm "công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân".
Tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế hiến định độc lập được đề cập trong Phần thứ ba. Các bài viết trong phần này phân tích sâu rộng những bổ sung quan trọng mới của Hiến pháp đối với các thiết chế, theo đó: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Các thiết chế Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân đều có những điều chỉnh mới, quan trọng, phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Phân tích về vị trí, tính chất, nhiệm vụ của Chính quyền địa phương trong từng điều khoản, nhất là trong việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; Phân tích về Thiết chế Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước...
Cuốn sách là công trình có ý nghĩa quan trọng góp phần thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 – 06/01/2016). Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn và tin tưởng, cuốn sách sẽ hữu ích đối với ĐBQH, các nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc tuyên truyền về Hiến pháp.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18(274), tháng 9/2014)