Kiến nghị sửa đổi các quy định về quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

01/11/2013

YOSHIMI NISHINO

PHẠM THỊ LAN

 

Ngày 12/9/2013, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF, đã đồng tổ chức Hội thảo “Những nội dung về quyền trẻ em cần được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”. 
 Các đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đại diện các Trường đại học, Viện nghiên cứu, các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu Lập pháp đã tham gia Hội thảo. Đại diện của Tổ chức UNICEF, các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam đã cùng trao đổi, thảo luận tập trung về nội dung quyền trẻ em cần được quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và đưa ra các kiến nghị lập pháp. Dưới đây là một số kết quả chính rút ra từ Hội thảo.
Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có nhiều điểm mới tiến bộ, đặc biệt là trong các quy định về phát huy dân chủ và chủ quyền nhân dân, đảm bảo quyền con người và quyền công dân. Trong lĩnh vực trẻ em, tinh thần Quyền trẻ em đã được thể hiện trong một số quy định thuộc Chương II và các điều khoản trong Chương III về Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Dự thảo đã khẳng định rõ là “trẻ em có quyền”, trẻ em dù nhỏ tuổi nhưng cũng có những quyền cơ bản của con người, có các quyền công dân của người chưa trưởng thành và đòi hỏi Nhà nước, gia đình và xã hội công nhận và đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, các nội dung này vẫn cần được nghiên cứu, điều chỉnh và hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn đời sống, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia,  trong đó có Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em (Công ước Quyền trẻ em). Qua đó, Việt Nam sẽ tạo lập được khuôn khổ luật pháp đảm bảo được sự gắn kết và tương thích với các quy chuẩn quốc tế về quyền trẻ em.
1. Những điểm cần hoàn thiện trong các quy định về quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Mặc dù quyền trẻ em đã được thể hiện trong các điều khoản khác nhau của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Dự thảo vẫn dành riêng một điều riêng quy định về quyền trẻ em - Điều 37. Về nguyên tắc, Điều này phải thể hiện cụ thể và rõ ràng những quyền cơ bản của trẻ em và đó phải là những nội dung không thể lồng ghép vào các quy định khác trong Hiến pháp. Nhưng Điều 37 của Dự thảo - cũng như nội dung của một số điều có liên quan - còn những khoảng trống/những điểm chưa hợp lý, so với các chuẩn mực quốc tế đã được nêu trong Công ước Quyền Trẻ em và một số văn bản pháp quy quốc tế khác.
1.1. Những điểm cần hoàn thiện trong Điều 37
Là điều khoản quan trọng nhất có liên quan trực tiếp đến trẻ em, Điều 37 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần đưa ra khuôn khổ chung để định hướng xây dựng chính sách và pháp luật về trẻ em cho Việt Nam.  
Thứ nhất, phải công nhận trẻ em có các quyền cơ bản của mình, như đã được quy định trong Công ước Quyền trẻ em và một số công ước khác. Nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay mới chỉ đề cập “trẻ em có quyền được bảo vệ, chăm sóc, và giáo dục”, như vậy, mới chỉ giới hạn trong một số quyền của trẻ.
Thứ hai, Điều 37 phải thể hiện các nguyên tắc cơ bản về quyền trẻ em một cách có ý nghĩa. Các nguyên tắc cơ bản của quyền trẻ em gồm: a) không phân biệt đối xử; b) vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; c) quyền được sinh tồn và phát triển; d) tôn trọng ý kiến của trẻ em. Bốn nguyên tắc cơ bản này có mối quan hệ mật thiết với nhau và là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các quyền của trẻ em. Đồng thời, đó cũng là nền tảng để Nhà nước cụ thể hóa các cam kết của mình đối với quyền trẻ em. Thuật ngữ “quyền được chăm sóc và giáo dục” trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa nêu bật được hết ý nghĩa của “nguyên tắc sinh tồn và phát triển”. Nguyên tắc này bao hàm rất nhiều quyền như quyền được học hành, chăm sóc y tế, dinh dưỡng và vệ sinh phù hợp, bảo vệ khỏi bạo lực. Bên cạnh đó, việc không đề cập “nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” trong bản Dự thảo sẽ gây khó khăn cho việc hướng dẫn các hành động phù hợp vì trẻ em.  
Ngoài ra, mặc dù “nguyên tắc tham gia” đã được bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhưng “trẻ em có quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em” như đã đề cập trong bản Dự thảo là quy định khá trừu tượng. Quyền tham gia của trẻ em, theo Công ước Quyền trẻ em, phải được hiểu là quyền được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm đối với mọi vấn đề có ảnh hưởng tới các em, và quan điểm của các em, tùy theo độ tuổi và sự trưởng thành, phải được xem xét và ghi nhận một cách nghiêm túc. Quyền tham gia cũng bao hàm quyền tiếp cận với những thông tin quan trọng liên quan đến trẻ em. Do vậy, quy định của Hiến pháp phải giúp khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, internet tạo lập các chuyên mục cung cấp thông tin cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ ở khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và những trẻ từ các cộng đồng dân tộc thiểu số cũng có thể tiếp cận được.  
Thứ ba, Nhà nước phải đóng vai trò tiên phong để đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện. Mặc dù trách nhiệm của các chủ thể liên quan tới việc thực hiện quyền trẻ em đã được nêu trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vai trò của Nhà nước với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện quyền trẻ em thì vẫn chưa có được thể hiện rõ ràng. Điều 37 có quy định: “trẻ em có quyền được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Trên thực tế, trẻ em là một chủ thể đặc biệt, có các quyền riêng của mình nhưng không thể tự thực hiện các quyền đó. Do vậy, trách nhiệm ban đầu phải là của Nhà nước. Nhà nước sẽ chỉ đạo các chủ thể có liên quan thực hiện quyền trẻ em. Ở đây cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của mỗi công dân trong việc bảo vệ quyền trẻ em.
Thứ tư, Hiến pháp không cần phải quy định chi tiết các hành động vi phạm quyền trẻ em. Tuy nhiên, Dự thảo đã liệt kê chi tiết các hành động như nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Cách liệt kê như vậy sẽ dẫn đến việc bỏ sót những hành động hay vấn đề mới phát sinh. Là văn bản pháp lý mang tính nguyên tắc, nền tảng, Hiến pháp chỉ cần khẳng định rõ “nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em”, có nghĩa là cấm mọi hành động được xem là vi phạm quyền trẻ em.
1.2.   Những điểm cần hoàn thiện trong Điều 17
Điều 17 gồm những điều khoản về quốc tịch. Tuy vậy, Điều 17 chưa quan tâm đến quyền được đăng ký khai sinh của trẻ, mà đó lại là quyền có tầm quan trọng đặc biệt để trẻ có tư cách là công dân thực thụ. Không được đăng ký khai sinh kịp thời sẽ làm cho trẻ bị khước từ các quyền được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và bảo trợ cũng như các dịch vụ khác khi trẻ lớn lên. Do vậy, Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần quy định rõtrẻ em có quyền được đăng ký khai sinh ngay sau khi sinh.
1.3.   Những điểm cần hoàn thiện trong Điều 61
Điều 5 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có quy định “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Do vậy, Điều 61 quy định chính sách giáo dục cần nêu bật quyền được học bằng tiếng dân tộc của trẻ em dân tộc thiểu số, nhằm giữ gìn và bảo tồn vốn ngôn ngữ của dân tộc mình. Đối với nhóm trẻ này, quyền được học bằng tiếng dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt để các em có thể tiếp thu tốt nhất tiếng mẹ đẻ, giúp hình thành nền tảng kiến thức và ý thức sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình, đồng thời giúp các em có sự chuẩn bị tốt trước khi hòa nhập vào chương trình giáo dục quốc gia. Quy định như vậy sẽ góp phần cụ thể hóa nội dung Khoản 3, Điều 5 trong Dự thảo. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 61 có nêu lên định hướng ưu tiên của Nhà nước là “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề”, tuy nhiên, thuật ngữ “tạo điều kiện” chưa thực sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước.
2. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền trẻ em trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Sửa đổi Khoản 1 Điều 37:
1. Mọi trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình gồm: quyền sinh tồn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được nói lên ý kiến của mình đối với các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em. Nhà nước, gia đình, xã hội và mọi công dân có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để thực hiện quyền trẻ em. Trong mọi hành động, lợi ích tốt nhất của trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Bổ sung thêm một khoản, dưới Khoản 1 của Điều 17:  
Khoản...: Mọi trẻ em phải được đăng ký khai sinh ngay sau khi sinh và có quốc tịch theo những điều kiện luật định.
 Sửa đổi Khoản 3 Điều 61:
Khoản 3: Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khác, ưu tiên phát triển nhân tài; tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc được học tiếng dân tộc của mìnhở bậc mầm non và tiểu học; đảm bảo người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề phù hợp./.

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 21(253), tháng 11/2013)