Phiên họp thứ 23 của UBTVQH

01/10/2009

KHÁNH VÂN

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 9 đến 18 tháng 9 năm 2009 đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành nhiều thời gian để thảo luận và cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, phục vụ cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 20 tháng 10 (dự kiến bế mạc vào ngày 23 tháng 11 năm 2009). Dưới đây là một số nội dung của phiên họp:
 
Cho ý kiến dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: tiền đề cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Tờ trình số 28 /TTr- Chính phủ ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ tại phiên họp thứ 23 của UBTVQH khẳng định: Việt Nam là một nước được thiên nhiên ưu đãi, gần như hội đủ các nguồn tài nguyên năng lượng, nhưng khả năng khai thác, chế biến và sử dụng còn nhiều hạn chế. Dự báo với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay, các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ trở thành khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt trong vòng vài chục năm tới…Tình trạng lãng phí năng lượng hiện nay ở nước ta là rất lớn, đặc biệt trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải (Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp lại cao hơn nhiều so với các nước phát triển). Trong khi đó, các văn bản pháp luật hiện hành quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó quan trọng nhất là các văn bản: Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Năng lượng nguyên tử… đã bộc lộ không ít bất cập, như: hiệu lực pháp lý của nhiều văn bản chưa cao; các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không tập trung mà quy định rải rác trong nhiều văn bản, khó áp dụng; các biện pháp đề ra chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại trung ương và địa phương còn bất hợp lý, thiếu đồng bộ… Do đó, xây dựng và ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhu cầu cấp bách, kịp thời đáp ứng yêu cầu về quản lý và phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan thẩm tra dự án luật- cho rằng: Dự án luật cần hoàn thiện, xác định rõ  hơn về phạm vi điều chỉnh; đồng thời, nên giảm bớt những điều, khoản quy định quá chung chung (18 điều, khoản giao Chính phủ quy định hướng dẫn thực hiện) nhằm hạn chế tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản hướng dẫn. Đây cũng là hai nội dung được UBTVQH thảo luận sôi nổi nhất tại phiên họp.
Về phạm vi điều chỉnh, dự luật tập trung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng. Các hoạt động như khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và sản xuất ra năng lượng (chủ yếu là điện) đã được điều chỉnh bởi các luật về khoáng sản, điện lực, dầu khí và năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng: không thể quy định tách rời quá trình sản xuất với quá trình sử dụng năng lượng, bởi vì trên thực tế, “năng lượng” ở  khâu này có thể hiểu là sản phẩm của một quá trình sản xuất nhưng ở khâu khác lại trở thành một nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất. Nhất là những quy định về khai thác, sản xuất năng lượng hiện nay tại các luật chuyên ngành còn quá chung chung. Do đó, cần thiết phải đưa cả phần khai thác và sản xuất năng lượng vào luật này để hiểu toàn bộ khái niệm đang đề cập về mặt tiết kiệm năng lượng. Nhưng, cũng có ý kiến Ủy viên UBTVQH đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự án luật chỉ dừng ở quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng, như trong dự án mà Chính phủ đề xuất; đồng thời, với những quy định về khai thác, sản xuất năng lượng còn chung chung tại các luật chuyên ngành thì nên giải quyết bằng cách chỉnh sửa, bổ sung cho cụ thể hoặc cần thiết thì áp dụng một luật để sửa nhiều luật về vấn đề tiết kiệm và hiệu quả ở những khâu đầu của các loại năng lượng.
Vấn đề còn nhiều điều, khoản trong dự luật phải cần tới sự hướng dẫn của Nghị định, thông tư, các Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát lại các điều, khoản này để tránh tình trạng đưa ra các quy định chung chung, khó thực thi, chủ yếu mang tính chất vận động thực hiện nhưng lại bỏ sót các biện pháp sửa dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thiết thực; tiếp tục chỉnh sửa, cụ thể hóa hơn nữa những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; quy trình và thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ đó cần tham chiếu văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; điện lực; giao thông; xây dựng...  
Dự án Luật nuôi con nuôi: Cân nhắc lại hai hình thức nuôi con nuôi
Nuôi con nuôi là hiện tượng xã hội xảy ra ở các quốc gia và đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Ở nước ta, nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo sâu sắc, nhất là trong hoàn cảnh đất nước ta còn chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, mức thu nhập của nhân dân còn thấp.
Tờ trình số 125/TTr-CP ngày 17 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ nêu rõ, cho đến nay pháp luật về nuôi con nuôi và hoạt động quản lý nhà nước đối với việc nuôi con nuôi của nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật (như: Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch; các văn bản pháp luật về quốc tịch, về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...) dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, làm giảm hiệu lực áp dụng trong thực tế. Chính vì vậy, việc ban hành một đạo luật riêng nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em là hết sức cần thiết.
Do là lần đầu trình xin ý kiến UBTVQH, đồng thời nội dung mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc nên Dự án luật nhận được nhiều quan tâm của các thành viên UBTVQH, nhất là các vấn đề liên quan đến hình thức nuôi con nuôi, cơ quan có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài...
Về hình thức nuôi con nuôi, Điều 14 của dự án Luật quy định 02 hình thức nuôi con nuôi là “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”. Điểm khác biệt lớn nhất giữa 02 hình thức này là hệ quả pháp lý, theo đó hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” sẽ chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ đẻ; ngược lại, hình thức “nuôi con nuôi đơn giản” không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý này. Đa số ý kiến các thành viên của Ủy ban pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án- đề nghị cân nhắc về việc quy định hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” bởi cho rằng đây là một vấn đề mới, khác biệt với truyền thống pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta và pháp luật nhiều nước cũng không quy định về vấn đề này. Các quy định của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi thực chất không làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ đẻ. Cụ thể, con nuôi có thể được xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ đẻ (Điều 28 BLDS); con nuôi có thể nhận lại cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ đẻ có thể yêu cầu xác định là cha, mẹ đẻ của người đã được nhận làm con nuôi (Điều 43 BLDS); đặc biệt, người được nhận làm con nuôi vẫn được tiếp tục hưởng các quyền lợi như con đẻ trong mối quan hệ với cha, mẹ đẻ của mình, bao gồm cả quyền thừa kế, quyền tiếp tục hưởng mọi quyền lợi của con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng (Điều 74 Luật HN&GĐ, Điều 676 và Điều 678 BLDS).... Đồng tình với ý kiến của Ủy ban thẩm tra, các Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ xem xét lại việc có cần thiết phải chia ra hai hình thức nuôi con nuôi như trên không, nhất là, pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi thực chất không làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha mẹ đẻ và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập cũng không ràng buộc chúng ta phải bắt buộc quy định vấn đề này. Trong khi, việc nhận nuôi con nuôi xuất phát từ tình yêu thương, “lá lành đùm lá rách”, nên mặc dù được nhận làm con nuôi nhưng trẻ em vẫn không bị hạn chế (cả về nhận thức, đạo lý và pháp luật) cơ hội tiếp tục duy trì mối quan hệ với cha, mẹ đẻ và gia đình gốc. Do đó, xét về mặt pháp lý, và cả về đạo lý “lá rụng về cội”, giữ nét truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt Nam, UBTVQH đề nghị không quy định hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” như Điều 14 của Dự thảo luật.
Về vấn đề “cơ quan có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài”, Điều 36 của Dự thảo luật quy định Bộ tư pháp có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Tuy nhiên, UBTVQH đồng ý với ý kiến của Ủy ban thẩm tra cho rằng: với việc quy định Bộ Tư pháp trực tiếp tham gia một công đoạn trong quá trình nuôi con nuôi như vậy là không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của Bộ; Bộ Tư pháp cần tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước và là “người gác cổng” hiệu quả trong lĩnh vực này, còn việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện. Nếu trong trường hợp muốn có một cơ chế để giải quyết bất cập của vấn đề này hiện nay (cơ sở nuôi dưỡng vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm...), theo UBTVQH, Chính phủ có thể nghiên cứu phương án: tại các tỉnh thành lập một Hội đồng liên ngành do Giám đốc Sở Tư pháp làm trưởng Hội đồng (có đại diện của Sở lao động, thương binh và xã hội, đại diện của các đoàn thể, mặt trận, tổ chức phụ nữa…) giới thiệu hồ sơ xin trẻ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Bộ Tư pháp chỉ thẩm định lại hồ sơ xin trẻ.
Dự án Luật thuế nhà, đất: Còn nhiều quy định thiếu tính khả thi
Chính sách thuế nhà, đất đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 31/7/1992 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất ngày 19/5/1994, tuy nhiên đến nay đã bộc lộ một số hạn chế cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Dự án thuế nhà, đất đang được Chính phủ trình xin ý kiến được xây dựng nhằm khắc phục những mặt hạn chế, nâng cao tính pháp lý luật hiện hành về thuế nhà, đất. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, bởi vậy, các ý kiến thảo luận tại phiên họp đã chỉ ra không ít những quy định thiếu tính khả thi...
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội- cơ quan thẩm tra dự án luật- đưa ra những lý do cho rằng tính khả thi của dự án luật là chưa cao. Theo Điều 6 của dự thảo luật, căn cứ tính thuế là diện tích đất được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đối với đất không có GCNQSDĐ thì là diện tích thực tế sử dụng. Đối với người có nhiều nhà, nhiều đất thì căn cứ vào diện tích vượt hạn mức để áp dụng thuế suất lũy tiến. Thuế suất đối với đất ở sẽ được tính lũy tiến, trong đó diện tích trong hạn mức chịu mức thuế 0,03%/năm; phần diện tích vượt hạn mức chung không quá ba lần hạn mức chịu mức thuế 0,06%/năm; phần diện tích vượt trên ba lần hạn chung chịu mức thuế 0,09%/năm. Ðối với thuế nhà, áp dụng thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến từng phần trong đó áp dụng giá khởi điểm tính thuế đối với nhà ở là 500 triệu đồng, tức là nhà ở có giá tính thuế đến 500 triệu đồng thì không thu thuế; đối với phần hơn 500 triệu đồng chịu mức thuế 0,03%/năm. Giá tính thuế đối với đất ở và nhà được ổn định theo chu kỳ 5 năm kể từ năm đầu tiên luật có hiệu lực. Nhưng theo Ủy ban thẩm tra, tiến trình cấp GCNQSDĐ hiện rất chậm trễ; nhiều nhà, đất chưa được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu. Đối với nhà, đất không có GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà việc xác định diện tích sử dụng thực tế là rất phức tạp, khó khăn. Nếu dựa vào kê khai để làm căn cứ tính thuế thì phần lớn là không chính xác, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN; còn nếu Nhà nước tiến hành đo đạc, xác minh thì sẽ tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian.Đồng thời, để thu được thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà, nhiều đất ở nhiều địa bàn khác nhau thì đòi hỏi phải có cơ sở quản lý dữ liệu nhà, đất chặt chẽ, liên thông giữa các địa phương. Trong khi đó ở Việt Nam cơ sở này chưa đi vào vận hành. Bên cạnh đó, dự luật quy định đối với nhà, đất có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà. Nếu Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 (như Chính phủ đề nghị và Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2010) thì chỉ có 6 tháng để chuẩn bị triển khai thực hiện, một điều kiện khó khả thi. Đồng tình với nhiều quan điểm mà Ủy ban thẩm tra đưa ra, các Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại cách tính thuế, trong đó phải phân chia nhà, đất theo vùng, miền để áp thuế phù hợp, không nên áp dụng chung như đã thể hiện tại Dự thảo luật. Đồng thời, nên tiếp tục nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án tính thuế nhà, đất, căn cứ tính thuế… sao cho khả thi hơn để Quốc hội xem xét, quyết định.
Về đối tượng chịu thuế, nhiều ý kiến các Ủy viên UBTVQH đề nghị cân nhắc quy định đánh thuế đối với nhà ở. Ý kiến này cho rằng, Hiến pháp quy định công dân có quyền có nhà ở, khi xây dựng nhà ở người dân đã phải "gánh" thuế VAT đối với sắt thép, gạch, ximăng..., nay đánh thuế nhà nữa là “thuế chồng lên thuế”, rất bất hợp lý. Nếu vẫn đưa cả đất và nhà ở vào đối tượng chịu thuế thì phải tính toán đến hạn mức được sử dụng theo hướng là cải thiện và tiến bộ đối với những hộ và cá nhân có nhà ở gắn liền với đất ở.
Dự kiến, dự án Luật Thuế nhà, đất sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2010, có hiệu lực từ năm 2011.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH đã thảo luận về một số dự án luật nằm trong chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6: Luật thuế tài nguyên, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật thi hành án hình sự, Luật người tàn tật; Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII; Nghe báo cáo về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2009; Cho ý kiến về việc bổ sung biên chế của Kiểm toán Nhà nước các năm 2009 và 2010; Xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong các năm 2009 và 2010; cho ý kiến các báo cáo công tác năm 2009 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2009; Giám sát chuyên đề việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng như Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ công an, Thanh tra Chính phủ và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát./.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19(156), tháng 10/2009)