Phiên họp thứ 24 của UBTVQH

01/10/2009

VŨ VĂN HUÂN

Tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 28 tháng 9 đến ngày 03 tháng 10 năm 2009), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó tập trung cho ý kiến đối với các dự án luật sẽ được trình ra Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa XII như : Dự án Luật Viễn thông; Dự án Luật Tần số vô tuyến điện Dự án Luật Người cao tuổi; Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Dự án Luật Dân quân tự vệ và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được thảo luận tại phiên họp.
Chưa-có-tên_27.png
Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Dự án Luật Viễn thông:

Sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH (tại phiên họp thứ 22) và các Đoàn  Đại biểu Quốc hội, dự thảo mới nhất của Luật Viễn thông đã  được bổ sung nhiều quy định nhằm hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mang tính đặc thù trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Trong số các quy định được chỉnh lý, bổ sung có việc yêu cầu các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện viễn thông thiết yếu, doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải thực hiện chế độ thống kê, kế toán riêng đối với dịch vụ thống lĩnh thị trường, xác định giá thành dịch vụ. Dự luật cũng quy định việc sở hữu chéo trong kinh doanh dịch vụ viễn thông. Theo đó, Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ vốn hoặc cổ phần tối đa mà một tổ chức, cá nhân được quyền nắm giữ trong hai hay nhiều doanh nghiệp viễn thông khác nhau cùng kinh doanh trên một thị trường dịch vụ viễn thông nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Tại phiên họp có ý kiến đề nghị nên quy định truyền hình cáp là đối tượng điều chỉnh của Luật này, song theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh và đa số ý kiến trong UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật đã điều chỉnh hoạt động viễn thông, trong đó có hoạt động quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông. “Khái niệm cơ sở hạ tầng viễn thông đã bao gồm có sở hạ tầng truyền hình cáp, vì vậy không cần bổ sung quy định về truyền hình cáp”.
2. Dự án Luật Tần số vô tuyến điện :
Cần phải quy định việc thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện trong Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện, đó là khẳng định của Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tại phiên họp. Mặc dù, trong quá trình góp ý sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị không nên thành lập Uỷ ban Tần số vô tuyến điện, mà giao chức năng này cho Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm. Tuy nhiên, tần số vô tuyến điện không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực dân sự mà một phần phổ tần số vô tuyến điện còn được sử dụng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Do đó, khi xây dựng các quy hoạch tần số vô tuyến điện cũng như trong quá trình sử dụng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan dân sự, an ninh và quốc phòng với nhau thông qua hoạt động của Uỷ ban Tần số vô tuyến điện. Về chức năng, nhiệm vụ, Uỷ ban tần số Vô tuyến điện được thành lập là để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xây dựng quy hoạch tần số liên quan đến quốc phòng an ninh và tổ chức phối hợp trong việc sử dụng tần số giữa các lĩnh vực này nhằm bảo đảm cho các hệ thống vô tuyến điện phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoạt động có hiệu quả.
3. Dự án Luật Người cao tuổi:
Đối với Dự án Luật này hiện chỉ còn có một vấn đề còn có ý kiến khác nhau đó là tuổi hưởng trợ cấp và mức hưởng trợ của người cao tuổi. Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự  án Luật Người cao tuổi trước UBTVQH, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, quy định về độ tuổi và mức được hưởng chính sách bảo trợ xã hội là vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính. Theo quy định hiện hành, người từ 85 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Dự thảo Luật Người cao tuổi dự kiến quy định, độ tuổi bắt đầu được hưởng loại trợ cấp xã hội này sẽ chỉ còn 80 tuổi. Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu quy định người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp và lấy mức chuẩn trợ cấp xã hội 180.000 đồng/người/tháng thì mỗi năm Nhà nước sẽ phải chi tới 2.376 tỉ đồng, do đó Bộ này đề nghị để cho Chính phủ quy định cụ thể về độ tuổi được hưởng bảo trợ xã hội. Về cơ bản các ý kiến của UBTVQH đều nhất trí với việc quy định độ tuổi ngay trong Dự thảo Luật là 80 tuổi và đề nghị để Chính phủ quy định mức trợ cấp cụ thể. 
4. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh được UBTVQH cho ý kiến lần này là lần thứ ba. Tại phiên họp lần này, UBTVQH tập trung cho ý kiến 02 vấn đề còn có ý kiến khác nhau là: Cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn hay cấp một lần và tăng cường thanh tra, kiểm tra; đối với việc được hành nghề của bác sỹ ở các bệnh viện công lập ngoài thời gian làm ở trong các cơ quan Nhà nước có thể tham gia vào việc khám chữa bệnh ngoài giờ.
Nhất trí với phương án cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, Chứng chỉ hành nghề y là ”dấu ấn” của Nhà nước thừa nhận một cá nhân được hành nghề liên quan đến con người – sức khỏe tính mạng của cộng đồng, việc cấp có thời hạn là đúng. Thời hạn là 05 năm hay 07 năm cần được nghiên cứu cho phù hợp, tránh tình trạng phiền hà trong các thủ tục hành chính khi cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, đa số thành viên của UBTVQH ủng hộ phương án cấp chứng chỉ một lần, hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sẽ được tăng cường để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh của cán bộ y tế. Đối với việc được hành nghề của bác sỹ ở các bệnh viện công lập ngoài thời gian làm ở trong các cơ quan Nhà nước có thể tham gia vào việc khám chữa bệnh ngoài giờ được Phó chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng kết luận là, cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Điều này phù hợp với Khoản 2, Điều 13 của Luật Doanh Nghiệp năm 2005 (cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp); đồng thời phải định hướng lộ  trình tiến tới việc tách bạch hành nghề khám chữa bệnh công, tư từ năm 2020 (lộ trình trong Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân là năm 2011).
5. Dự án Luật Dân quân tự vệ :
Dự án Luật Dân quân tự vệ được Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến lần đầu tiên tại Phiên họp này. Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh Dân quân tự vệ đã được triển khai thực hiện từ 12 năm, trên thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: các quy định của Pháp lệnh chưa điều chỉnh được hết các mối quan hệ xã hội về dân quân tự vệ; quyền và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Hiến pháp 1992 chưa được thể chế hóa và quy định một cách hệ thống trong pháp lệnh Dân quân tự vệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác; việc tổ chức lực lượng dân quân thường trực ở nhiều nơi chưa thống nhất, sử dụng không đúng chức năng; công tác xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn hạn chế; mô hình dân quân tự vệ biển chưa được xác định rõ, tổ chức còn mang tính hình thức; thời gian huấn luyện các đối tượng dân quân tự vệ quá ngắn nên chưa bảo đảm được chất lượng chuyên môn của chiến sỹ dân quân tự vệ; định mức về chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ còn thấp, chưa tương xứng với điều kiện kinh tế thị trường. Nhiều thành viên UBTVQH đề nghị không nên mở rộng quy định việc thành lập lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp. Trao cho cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp căn cứ trên tình hình cụ thể. Ngoài ra, trên tinh thần giảm gánh nặng đóng góp cho nhân dân, UBTVQH yêu cầu không đưa quy định lập Quỹ Quốc phòng - An ninh vào Luật này mà giao cho Chính phủ quyết định.
6. Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục:
Các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục. Việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Giáo dục cần phải có thời gian nghiên cứu công phu, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thật đầy đủ việc thi hành Luật Giáo dục, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 cũng như đề án tổng thể về cải cách giáo dục theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, lần thứ bảy và lần thứ chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. 
Về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục tại Điều 50, đa số ý kiến đều thống nhất là có hai bước. Bước một là quy định điều kiện thành lập nhà trường, theo tinh thần là quy định cụ thể hơn; bước thứ hai là đăng ký hoạt động giáo dục. Vấn đề thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập từng trường đại học, đa số thành viên của UBTVQH ủng hộ theo phương án phân cấp triệt để nhưng phải quy định rõ ràng cụ thể, chặt chẽ các điều kiện trong Luật về điều kiện thành lập trường.
Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, UBTVQH cơ bản nhất trí với Dự thảo luật, đồng ý quy định thời hạn tối đa đào tạo tiến sĩ là 4 năm, thạc sĩ tối đa là 2 đến 3 năm, nhưng trong những trường hợp đặc biệt thì có thể được kéo dài, những trường hợp đặc biệt có thể là ốm đau, đi công tác nhưng cũng có lý do khác nữa thì không biết nên quy định vào trong luật . Về thời hạn tối thiểu, có hai loại ý kiến, có loại ý kiến đề nghị  giảm 6 tháng, nhưng có loại ý kiến đề nghị  quy định 1 năm.
Về việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm, các ý kiến cho rằng, đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để đào tạo nguồn nhân lực và tập trung cho đào tạo cho nên phải có chính sách ưu tiên này, vì vậy nên giữ như quy định hiện hành hiện hành (miễn học phí cho sinh viên sư phạm)...
Bên cạnh công tác  xây dựng luật, tại phiên họp này, UBTVQH còn nghe báo cáo tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư như Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, Thủy điện Sơn La, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án Đường Hồ Chí Minh; cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu, về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009 và nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan…
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20(157), tháng 10/2009)