Triển vọng thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội Việt Nam 2008

01/11/2008

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Viện Nghiên cứu phát triển KT_XH Hà Nội

Có thể nói, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2008 có nhiều động thái mới, phức tạp và khó khăn hơn hẳn 15 năm trở lại đây, với những khoảng tối nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể; tốc độ lạm phát cao vọt và sự bùng phát nhiều lốc xoáy trên thị trường USD, vàng, xăng dầu, cũng như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; mức nhập siêu cao nhất trong nhiều năm qua (trong đó có một số khuynh hướng đáng lo ngại mà chúng ta ít để ý, đó là nhập và sẽ nhập cả những mặt hàng tưởng như là thế mạnh xuất khẩu, như nguyên liệu thủy sản, than, muối, gạo, ngô, gà, lợn, gỗ, thậm chí cả tăm tre, chiếu trúc); môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh bị nhiễu và giảm sức cạnh tranh bởi các động thái phi thị trường lành mạnh; đời sống của đa số người dân trở nên khó khăn hơn và các vấn đề xã hội gia tăng áp lực (cuối tháng 5/2008 số hộ và lượng người nghèo tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, nếu tính chỉ tiêu nghèo theo chuẩn nghèo mới thì lượng người nghèo trên thực tế còn nhiều hơn nữa, tuy trong tháng 7/2008, số hộ thiếu đói trên toàn quốc giảm 57,3%so với tháng trước đó, cả nước có 43.700 hộ với 198.000 nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,38% tổng số hộ nông nghiệp và 0,39% tổng số nhân khẩu nông nghiệp. Các hộ thiếu đói chủ yếu là vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên)…
      Tuy nhiên, từ những tháng nửa cuối năm 2008, đã và đang xuất hiện một số dấu hiệu mới tích cực cho phép cảm nhận về sự chuyển sáng dần của bức tranh kinh tế nước ta trong thời gian tới, nổi bật là :
          Thứ nhất, đang có sự cải thiện dần các chỉ số lạm phát và thâm hụt thương mại, mối lo về cuộc khủng hoảng tiền tệ đã dịu đi: Từ tháng 6-7/2008 trở lại đây, tốc độ tăng CPI trên thị trường trong nước đã chững lại khá rõ rệt. Chỉ số CPI cả nước trong tháng 8/2008 chỉ tăng1,56% so với tháng trước (giá tiêu dùng các tháng 1-7/2008 so với tháng trước lần lượt tăng: 2,38%; 3,56%; 2,99%; 2,2%; 3,91%; 2,14% và 1,13%); thanh toán quốc tế vẫn được duy trì ổn định, sự căng thẳng thâm hụt trong cán cân thanh toán đang dần được cải thiện, dự trữ ngoại tệ được bảo tồn và tăng thêm; thị trường nội tệ và ngoại tệ đã có sự ổn định trở lại, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ trên thị trường chợ đen đã giảm sâu; thâm hụt thương mại được cải thiện rõ rệt trong hai tháng 6 và 7 do kim ngạch xuất khẩu tăng 53,7% và 46,1% lần lượt so với cùng kỳ năm trước, và đây là lần đầu tiền kể từ tháng 11/2006, kim ngạch xuất khẩu vượt quá kim ngạch nhập khẩu.
          Thứ hai, các khu vực kinh tế lấy lại đà tăng trưởng khá ổn định, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang cho thấy có sự phục hồi dần, tuy chậm, nhưng khá vững chắc: Lòng tin và nụ cười đã trở lại với giới đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thị trường bất động sản đang dần ấm lên, nhất là ở khu vực phía Bắc và các đô thị mới mở rộng; có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có những khởi sắc đáng kể ở những phân khúc thị trường tiềm năng, như thị trường nhà cho người thu nhập thấp, thị trường nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thị trường nhà văn phòng cho thuê.
       Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện vẫn thuộc hàng dẫn đầu các nước khu vực. Sự mở rộng các mặt hàng sản xuất xuất khẩu là rất ấn tượng. Trong khi thế giới đang vật lộn với khủng hoảng dầu và lương thực, thì Việt Nam tăng được lượng tìm thấy và sản lượng khai thác xuất khẩu dầu mỏ; đồng thời ngành nông nghiệp được mùa lớn và có nhiều khả năng vượt kế hoạch, nhất là xuất khẩu. Tính đến giữa tháng 8/2008, cả nước đã xuất khẩu được gần 2,86 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 1,67 tỷ USD trong kế hoạch mục tiêu xuất 3 tỷ USD cả năm 2008 (theo dự kiến, tổng sản lượng lúa cả năm 2008 sẽ đạt khoảng 37 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2007 và Việt Nam có thể nâng sản lượng gạo xuất khẩu lên 4,5 triệu tấn trong năm 2008). Xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng đầu năm 2008 tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, giày dép tăng 18%, máy tính và thiết bị điện tử tăng 30%. Hiện Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê hạt và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo; Việt Nam đã vượt ấn Độ, trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ (sau Trung Quốc). Năm 2008, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ dự báo sẽ trên 12 tỷ USD.   
        Thứ ba, uy tín và thương hiệu Việt Nam đang ngày càng được củng cố trong sự  nhìn nhận và lựa chọn của thế giới; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang có những dấu hiệu rất tốt, đặc biệt, kết quả thu hút FDI chắc chắn vượt xa chỉ tiêu kế hoạch và đạt mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử: Tính đến 22/8/2008, tổng số vốn FDI đăng ký 46,3 tỷ USD (tuy giảm 20,8% về số dự án, nhưng tăng 416,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và bằng hơn 80% tổng cộng vốn FDI đăng ký từ 1988 đến hết năm 2005), nếu tính thêm 833,7 triệu USD vốn đăng ký bổ sung của 210 lượt dự án được cấp phép các năm trước, thì trong 8 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm trước, cả nước đã thu hút được 47,2 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 349,7%, vốn thực hiện ước đạt 7 tỷ USD, tăng 32,1%.Thực tế cho thấy đang và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều dự án FDI siêu lớn hàng chục tỷ USD, cũng như sẽ có sự gia tăng các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, tạo sự thay đổi về chất trong quá trình mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng phát triển tốt đẹp của nền kinh tế Việt Nam từ cộng đồng doanh nhân thế giới.  
      Dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại với 46 quỹ đầu tư nước ngoài chuyên đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu nhắm vào thị trường bất động sản và tài chính ngân hàng. Xu hướng đẩy mạnh mua vào cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đậm nét hơn (chỉ riêng tháng 8/2008, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam á Seabank đã chính thức bán 15% cổ phần cho một đối tác ngân hàng của Pháp; Techcombank đã nâng tỷ lệ sở hữu của HSBC tại ngân hàng lên 20%; Vpbank cũng bán lại 15% cổ phần cho ngân hàng OCBC của Singapore và sẽ đề nghị Chính phủ cho phép bán tiếp 5% vốn cho OCBC…). Tỷ trọng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang tăng dần và chiếm khoảng trên 20% thị phần thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, HSBC và Standard Chartered là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam vừa chính thức khai trương vào trung tuần tháng 9/2008. Có thể nói, từ nay, các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã bước sang giai đoạn tăng tốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.  
      Thế giới đang hiểu và xích gần Việt Nam hơn. Tổ chức tư vấn nổi tiếng thế giới AT Kearney và Tạp chí Ngoại giao (Foreign Policy Magazine) của Mỹ công bố chỉ số toàn cầu hóa (Globalisation Index 2007), trong đó Việt Nam xếp hạng thứ 48 trong số 72 nước trong danh sách đang được xét đến, trên cả các nước láng giềng như Thái Lan (thứ 53) và Indonesia (thứ 69). Trong đó, Việt Nam đứng thứ 10 về lĩnh vực thương mại, thứ 15 về lượng kiều hối, thứ 19 về tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập, thứ 33 về đầu tư trực tiếp nước ngoài... Tổ chức Phát triển và thương mại Liên hiệp quốc (UNCTAD) trong báo cáo cuối năm 2007 đã xếp Việt Nam trong top 10 nước (chỉ đứng sau Trung Quốc, ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil) được các công ty đa quốc gia vào đầu tư giai đoạn 2007-2009. Tổ chức Tư vấn và kiểm toán thế giới Price Water House Coopers xếp Việt Nam thứ nhất trong số 20 nền kinh tế đang lên và có sức hấp dẫn cao với các nhà đầu tư vào ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, trước tấm gương nhiều doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư, ngân hàng và tín dụng quốc tế, công ty đa quốc gia đã thành công khá rực rỡ trong những năm vừa qua, cả về tài chính cũng như củng cố địa vị tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đã có dấu hiệu di chuyển trung tâm điều hành đầu não từ các nước như Singapore, Thái Lan... sang Việt Nam. Tờ Singapore Business Time đã xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong việc thu hút đầu tư của Singapore ra nước ngoài "Việt Nam là một đất nước của tương lai. Việt Nam có tiềm lực phát triển phi thường xứng đáng với quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài" như sự khẳng định mạnh mẽ của Tổng thống Thụy Sỹ sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 4-6/8/2008. Đặc biệt, trong chuyến công tác tại Việt Nam trung tuần tháng 9/2008, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới James Adam nhận định: "Việt Nam đã có những bài học về điều hành kinh tế vĩ mô để kiềm chế, giảm lạm phát, qua đó duy trì tăng trưởng. Mọi khó khăn đang đượckhắc phục dần dần. Thách thức lớn nhất của Việt Nam vẫn là lạm phát, chứ không phải là môi trường cạnh tranh toàn cầu. Chính phủ đã hành động quyết liệt kiềm chế lạm phát và đã đạt được nhiều kết quả. Chính phủ Việt Nam đã có những quyết định thích hợp. Đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu rủi ro nào trong các quyết định. Việt Nam có thể sẽ thành nước có thu nhập trung bình, thoát khỏi danh sách các nước nghèo của WB trong vòng 3 năm tới" . Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Mai-cơn J.Pi-xơ đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và cho rằng, sức hút của thị trường Việt Nam được xây dựng trên nền tảng những kỳ vọng sáng sủa về tình hình kinh tế và chính trị ổn định và đây là yếu tố cơ bản khiến các doanh nghiệp Mỹ "ưa thích đầu tư ở Việt Nam hơn". Theo điều tra hằng năm của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), được tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu á, Việt Nam giữ vị trí cao trong các đánh giá về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Do vậy, về trung hạn, có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1 - 2 năm tới. Về dài hạn, trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu á. Tháng 5/2008, đoàn 50 quan chức cao cấp của 23 tập đoàn, công ty hàng đầu Mỹ (như General Electric, Boeing, Chevron, ConocoPhillips, The Dow Chemical Company, ExxonMobil, Fedex, Ford, Glaxo-Smith Kline, IBM, Johnson & Johnson, Qualcomm, UPS...) đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Trưởng đoàn, ông Matthew P.Daley, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean cho biết: "Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều thách thức lớn, nhưng các công ty của chúng tôi vẫn hết sức quan tâm đến Đông Nam á, nhất là Việt Nam. Những tập đoàn lớn của Mỹ có tầm nhìn dài hạn, chiến lược trong kinh doanh ở Việt Nam và rất nhiều công ty đã và đang tiến hành những chương trình lớn ở đây". Scot Alan Marciel, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Nam á và Thái Bình Dương, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2008 cũng khẳng định: "Nhìn về Châu á, Chính phủ Hoa Kỳ rất lạc quan về tương lai Việt Nam. Những vấn đề hai bên còn có cái nhìn khác biệt sẽ được tiếp tục bàn thảo để tìm ra cách giải quyết mang tính xây dựng". Đặc biệt khách quan, Thời báo Eo biển của Singapore số ra ngày 27/8/2008 kết luận: “Nền kinh tế Việt Nam đã có sự khởi sắc tích cực so với vài tháng trước đây, lạm phát tiếp tục được kiềm chế và ổn định trong những tháng cuối năm. Một lần nữa Việt Nam sẽ lại trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài". Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2008 diễn ra trong tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, quy tụ trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế, nhiều doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đã đánh giá Việt Nam như một con rồng kinh tế mới nhất, đang chuyển mình nhanh chóng và sẽ trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất và hứa hẹn nhất khu vực.
      ở một số khía cạnh cơ cấu khác của Việt Nam cũng đang có sự cải thiện khá ấn tượng. Theo xếp hạng của Mạng lưới trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên hợp quốc (UNPAN), chỉ số Chính phủ điện tử (bao gồm các chỉ số về web, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực) của Việt Nam năm 2008 đã tăng 16 bậc, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 91/182 quốc gia. Báo cáo Toàn cảnh công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam công bố tại Diễn đàn công nghệ thông tin Việt Nam 2008 (ICT Outlook 08) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/7/08 cho thấy trong khu vực, Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên vị trí thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Brunei. Các chỉ số khác, như chỉ số kinh tế tri thức (KI và KEI) do World Bank xếp hạng, chỉ số sẵn sàng về hạ tầng mạng (NRI), cũng có sự thăng hạng tương ứng 3 và 9 bậc. Theo đánh giá của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam hiện còn 85%, giảm 3% so với năm trước và khoảng 7% trong 3 năm gần đây. Như vậy, từ vị trí quốc gia dẫn đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm, Việt Nam nay đã ra khỏi top 9 quốc gia có tỷ lệ vi phạm cao nhất. Với gần 6 triệu thuê bao quy đổi và 23,5% dân số sử dụng internet (20 triệu người), Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng thuê bao internet của thế giới (16,9% dân số), xếp hạng 17 trong top 20 quốc gia về số người sử dụng internet. Ngoài ra, sự dân chủ, công bằng xã hội, đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân đang được cải thiện; một số thành tựu trong giáo dục và đào tạo, chăm lo bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phát triển văn hóa, thông tin và các hoạt động xã hội khác, đặc biệt công tác xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao.
             Trong bức tranh tổng quát kinh tế và lạm phát ở nước ta trong triển vọng trước mắt có một số điểm đáng chú ý lớn như sau :
       Một là, tốc độ tăng trưởng GDP đang trên đà sụt giảm (quý 1, tốc độ tăng trưởng đạt mức 7,43%, quý 2 còn 5,57%), nhưng mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 6,6% - 6,7%; vì vậy, bảo đảm GDP năm nay sẽ tăng và có thể vượt 7% - mức chỉ tiêu Quốc hội đã điều chỉnh - mặc dầu theo Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU, Anh) đưa ra mức tăng trưởng GDP năm 2008 của Việt Nam 6,2% cho năm 2008 và 5,9% cho năm 2009 (sẽ ở mức trên 8% trong giai đoạn từ 2010 2012); còn JP Morgan ước đoán ở mức 6,5%. Cơ sở chính cho dự báo của họ là sự suy giảm tốc độ đầu tư, cũng như tiêu dùng (số liệu kinh tế 8 tháng đầu năm 2008 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 6,4%, sự tăng trưởng công nghiệp có thể thấp hơn mong đợi vào các tháng cuối năm). Độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ lên đời sống kinh tế có khả năng bộc lộ từ tháng 10/2008. Điểm cần nhấn mạnh là khó khăn tới đây sẽ nặng nề hơn đối với khu vực doanh nghiệp và các ngân hàng, có liên quan trước hết đến các quá trình huy động vốn, vay và trả nợ vốn vay (ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất là khối kinh tế ngoài quốc doanh trong nước, bởi quy mô nhỏ, yếu về tài chính, lại kém thế ở khả năng tiếp cận nguồn vốn vay).
       Hai là, tốc độ tăng lạm phát tuy chậm lại, nhưng chưa thật chắc chắn, mặc dầu áp lực lạm phát tiền tệ có giảm bớt đáng kể, nhưng áp lực lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập có thể tăng mạnh hơn (trừ giá xăng dầu) sẽ gia tăng; chỉ số lạm phát cả năm có thể cao gấp hơn 2 lần so với 2007, đạt từ 25-27% và tiếp diễn với 2 chữ số có thể kéo dài đến cuối 2009. Về các lát cắt giá cả và thị trường, sẽ có 2 xu hướng nổi trội: xu hướng tăng hoặc ổn định ở mức cao với những hàng ngoại nhập, mang tính liên thông quốc tế và có tính chất độc quyền cao (xăng dầu, vàng, thuốc chữa bệnh); xu hướng giảm ở những mặt hàng cạnh tranh tự do và cạnh tranh thị trường đầy đủ, những mặt hàng giảm thuế theo WTO, những mặt hàng giảm theo xu hướng phát triển ngành, như công nghệ thông tin, sản phẩm điện tử. ở một số thị trường, như thị trường bất động sản, sẽ không đình trệ, không suy sụp, mà ổn định nhẹ và có tăng trưởng mạnh ở những phân khúc thị trường tiềm năng, ví dụ thị trường văn phòng cho thuê và nhà cho người thu nhập thấp (đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản hiện đạt 22,2 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn FDI đăng ký mới, chưa kể đến những dự án có quy mô từ hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD đang còn trong giai đoạn đăng ký, chưa được chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư). Thị trường dịch vụ cũng sẽ phát triển, vì đây là nơi đầu tư ít, phát triển nhanh và phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới và chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam. Còn thị trường các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao thì chuyển đổi rất lâu, đầu tư rất lớn nên chậm điều chỉnh hơn. Thị trường chứng khoán có sự nhúc nhích chứ không tăng vọt, nếu không có 2 yếu tố sau: một là, những động thái mới về hàng mới, hàng chất lượng cao, hai là, gia tăng mức độ tự do hóa tài chính, vốn nước ngoài đổ vào mạnh mẽ hơn. Còn không, các động thái trên thị trường này chỉ là sự du di cân đối nội bộ. Hiện nay và cả trước mắt, Việt Nam đang và còn tiếp tục giữ được vị trí là địa điểm hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, vượt qua ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Đánh giá thường niên về "các cơ hội mới cho các nhà bán lẻ" của AT Kearney, một công ty chuyên về tư vấn quản lý của Hoa Kỳ - đối với mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ tại 30 nền kinh tế mới nổi, cho thấy mặc dù khu vực thu hút nhiều nhất những nhà bán lẻ hiện nay là Trung Đông và Bắc Phi, song Việt Nam mới là thị trường bán lẻ "nóng" nhất (Việt Nam đã vượt qua ấn Độ, nước dẫn đầu trong ba năm liền).
    Ba là, kinh tế đối ngoại và khu vực kinh tế nước ngoài sẽ có sự phát triển và tạo xung lực tích cực mới cho phát triển, xuất khẩu sẽ có sự tiếp tục cải thiện và vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Tính đến cuối tháng 8, cả nước đã có 10 nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2007, là than đá và cao su). Cụ thể 10 nhóm mặt hàng này gồm dầu thô 7,88 tỷ USD; than đá đạt gần 1,02 tỷ USD; dệt may 6,04 tỷ USD; giày dép đạt 3,158 tỷ USD; điện tử và máy tính 1,66 tỷ USD; gạo 2,23 tỷ USD; cà phê 1,54 tỷ USD; cao su 1,04 tỷ USD; đồ gỗ 1,82 tỷ USD; thủy sản 2,89 tỷ USD. Theo Bộ Công thương, 4 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu sẽ ổn định và đạt khoảng 21-22 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 sẽ đạt khoảng 65 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2007. Với việc đã đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm 2008, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và đạt 53% kế hoạch của năm 2008, thì hy vọng hoàn thành kế hoạch năm của ngành du lịch Việt Nam là tương đối khả quan trong bối cảnh VND tiếp tục rẻ...Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững đi đôi với việc ổn định đời sống nhân dân trong những tháng cuối năm 2008, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và quyết liệt 8 nhóm giải pháp đã đề ra, trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp sau: Tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành để bảo đảm yêu cầu thanh khoản của nền kinh tế, bảo đảm vốn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh đầu tư, tập trung vốn cho các dự án, công trình có hiệu quả, các công trình sắp hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, nhất là các dự án, công trình lớn, tạo đà tăng trưởng cho các năm sau; thực hiện kiên quyết chủ trương tiết kiệm 10 % chi thường xuyên; Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định giá, chống đầu cơ, buôn lậu; bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hoá thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, không để thiếu hàng cục bộ; điều hành giá xăng dầu theo hướng tiếp cận cơ chế thị trường; Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội đã ban hành, đồng thời, chuẩn bị ban hành các chính sách mới, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc hiện nay; Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền để xây dựng niềm tin của nhân dân, tránh đưa những thông tin bất lợi, tạo dư luận xấu, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
       Về tổng quát, có thể nói, mặc dầu đã, đang và sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức cả cũ và mới không thể coi thường, song Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển, hướng đến một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn, đúng như  Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông á và Thái Bình Dương Crít-xtốp-phơ Hin khẳng định, Việt Nam đang là "đất nước có ảnh hưởng ngày càng lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam á (ASEAN) và Diễn đàn kinh tế Châu á - Thái Bình Dương (APEC)"; các nguồn vốn chủ chốt bù đắp cho cán cân thanh toán của Việt Nam (như FDI) không dễ gì chảy ngược ra khỏi Việt Nam một cách nhanh chóng... hoặc nói như ông Bơ-nơ-đích Bin-ham, Đại diện IMF tại Việt Nam "Chúng tôi cho rằng câu chuyện cải cách kinh tế thành công trong một giai đoạn dài của Việt Nam vẫn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài"; còn Bernama- Hãng Thông tấn quốc gia Ma-lai-xi-a - nhận định: Việt Nam chắc chắn sẽ vượt qua những khó khăn. Tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam đều có khả năng để phát triển hơn nữa và những lĩnh vực này có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài và duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao. Có thể nói, triển vọng kinh tế Việt Nam là rất khả quan. Đặc biệt, ông A-lanh Grin-xpen - nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, người được mệnh danh là "thầy phù thủy của kinh tế Mỹ" - cho rằng: Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc áp dụng 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều cốt lõi là mỗi quốc gia, mỗi Chính phủ phải có đủ dũng cảm để thực hiện một cách đầy đủ những quyết sách của mình.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tháng 11/2008)


Thống kê truy cập

33933396

Tổng truy cập