Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

01/09/2008

TS. ĐẶNG NGỌC LỢI

Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN VĂN HÙNG

Viện Nghiên cứu, Đào tạo Kinh tế _ Tài chính

Trong những nhân tố đóng góp vào thành quả tăng trưởng và phát triển kinh tế đáng khích lệ của đất nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng như hiện nay, các doanh nhân - lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế - đóng vai rất quan trọng. Có lẽ đây cũng là một trong lý do mà Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm (bắt đầu từ năm 2004) là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, xua đi những ngờ vực, những băn khoăn trước một lực lượng đang lớn mạnh, một đội quân tiên phong trên mặt trận kinh tế làm giàu cho đất nước, cho xã hội. Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ khuyến khích giới doanh nhân ở nước ta mà còn khích lệ toàn xã hội vươn lên làm giàu một cách chính đáng với nhiều tấm gương vượt lên số phận, góp phần xoá đói giảm nghèo cho chính mình và cho mọi người. Đặc biệt, nó còn khơi dậy tinh thần kinh doanh đối với lớp trẻ, những người khát khao làm giàu chính đáng và mong muốn trở thành doanh nhân thành đạt; định ra một hướng đi đúng đắn cho các thế hệ thanh niên Việt Nam.  
Tuy nhiên có thể nói, đến nay chúng ta vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu về doanh nhân và còn nhiều vấn đề đang đặt ra chưa được giải quyết thỏa đáng như: chưa có một quan niệm thống nhất, định nghĩa chuẩn mực về doanh nhân; doanh nhân cần phải có những tố chất gì; doanh nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nhưng tại sao họ vẫn chưa được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của mình; đâu là những khó khăn và thách thức mà doanh nhân đang phải đối mặt; cần phải có những giải pháp gì để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam... Rõ ràng đây là những vấn đề lớn cần được nghiên cứu thấu đáo, đáp ứng yêu cầu bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội. Chúng tôi không có tham vọng giải quyết được các vấn đề nêu trên qua một công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, việc chỉ ra các vấn đề hiện nay đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam và nêu các kiến nghị nhằm phát triển hơn nữa đội ngũ doanh nhân là một bước đi theo hướng này.
1. Một số vấn đề đang đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam
Có thể nói rằng, cho đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, nước ta chưa thực sự có một tầng lớp doanh nhân Việt Nam đúng nghĩa. Những năm sau đó cho đến trước khi đổi mới, quy luật khắc nghiệt của thời chiến và sự khủng hoảng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội những năm sau ngày thống nhất đất nước cũng đã không tạo điều kiện cho giới doanh nhân phát triển. ở miền Bắc, chúng ta không nhắc đến giới doanh nhân, hay nói đúng hơn, là đặt giới doanh nhân ra ngoài quỹ đạo phát triển của đất nước. Ngay cả trong từ điển tiếng Việt, hai chữ doanh nhân cũng chưa được các nhà ngôn ngữ học đề cập đến.
Chỉ đến khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam mới thực sự có bước phát triển. Từ chỗ chỉ có trên 11.000 doanh nghiệp nhà nước vào đầu những năm 90, đến nay, nước ta đã có trên 200.000 doanh nghiệp, trên 5.000 hợp tác xã phi nông nghiệp và gần 3 triệu hộ kinh doanh có đăng ký với hàng triệu doanh nhân và hàng chục triệu người lao động[1]. Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đông đảo đó đang đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, trong việc tạo ra tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và là lực lượng chủ lực xung kích trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Họ đã góp phần thay đổi nhận thức của cả xã hội, tinh thần kinh doanh trong xã hội cũng bắt đầu được đẩy lên[2].
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường đổi mới và phát triển, nhưng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta còn chưa mạnh. Giới doanh nhân Việt Nam có truyền thống yêu nước, nhưng thực sự chưa có được một truyền thống kinh doanh. Họ đang là một lực lượng xã hội non trẻ, còn nhiều mặt hạn chế.
Đa số doanh nhân Việt Nam trưởng thành từ  thực tiễn trong kinh doanh, ít người được đào tạo bài bản, đúng nghĩa là một doanh nhân đủ tầm, đủ kinh nghiệm để khẳng định mình, nhất là có sự tự tin cần thiết trong kinh doanh, trong việc đàm phán, ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài. Vì vậy, doanh nhân Việt Nam gặp không ít khó khăn khi “bơi ra biển lớn” của nền kinh tế toàn cầu. Đó là chưa nói đến không ít doanh nhân nắm giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, do yếu kém về quản lý, thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu kiến thức dẫn đến tình trạng đầu tư kém hiệu quả; dung túng, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng làm thất thoát nhiều tiền của của Nhà nước. Đó là những vụ việc làm mất lòng tin giữa doanh nhân với doanh nhân và với xã hội[3].
Theo kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong số 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh thành trong cả nước, số chủ doanh nghiệp có trình độ thạc sĩ trở lên chỉ chiếm có 2,9%; chủ doanh nghiệp có trình độ từ cấp 3 trở xuống chiếm tới 43,3%. Đành rằng tầm nhìn, nhận thức và năng lực điều hành doanh nghiệp không nhất thiết chỉ dựa vào sự đào tạo trong trường lớp, nhưng trình độ học vấn thấp của các doanh nhân nước ta đang là một khó khăn lớn của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, doanh nhân có tinh thần hợp tác tốt chỉ chiếm 12%, nhưng kém thì có tới 52%; doanh nhân có uy tín quốc tế chỉ là 4% và doanh nhân có khả năng cạnh tranh quốc tế là 8%[4].
Theo một điều tra khác của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương được tiến hành ở 452 doanh nghiệp trên 18 thành phố thì, trong 10 lĩnh vực về năng lực và hiểu biết của doanh nhân thì doanh nhân tự trả lời hiểu biết về huy động vốn và xuất khẩu là yếu nhất, tỷ lệ tự cho là có năng lực đều dưới 5%, không có doanh nhân điều hành hộ kinh tế cá thể nào được hỏi tự cho mình là có hiểu biết về xuất khẩu. Nếu kết hợp với những điều tra khác, ta thấy năng lực về ngoại ngữ, tiếp thị quốc tế và xuất khẩu là những yếu kém rất đáng lo ngại của doanh nhân chúng ta hiện nay[5].
Kết quả điều tra của Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (2005) cho thấy, doanh nhân rất thiếu thông tin về những diễn tiến mới của thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khoảng 80% doanh nhân được điều tra cho biết, họ thiếu thông tin hoặc biết rất mơ hồ về AFTA. Kết quả tương tự cũng được nhận thấy khi hỏi về Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, hay quá trình gia nhập WTO của Việt Nam. Kết quả điều tra này cũng phù hợp với kết quả điều tra được thực hiện bởi Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tham khảo sự hiểu biết của các cấp lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, doanh nghiệp, giảng viên đại học và nhà báo đối với tiến trình gia nhập WTO của thành phố, khi chỉ có 51% doanh nghiệp biết nên phải làm gì để chuẩn bị gia nhập WTO.
Đối với hệ thống pháp luật hiện nay cũng chưa tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ doanh nhân. Luật pháp của chúng ta hiện nay thực chất chỉ đang là công cụ để các cơ quan công quyền quản lý doanh nghiệp. Cái gì họ quản lý được thì cho phép, cái gì không quản lý được thì cấm. Vì vậy, pháp luật chưa phản ánh đúng nguyện vọng của doanh nhân và doanh nghiệp, chưa là tiếng nói của doanh nghiệp, chưa vì sự phát triển của doanh nghiệp. Cách thức làm luật hiện nay vẫn chủ yếu là các bộ chủ quản đưa ra dự thảo, các cơ quan hữu quan tham gia góp ý, Quốc hội xem xét thông qua. Cách làm này không tránh khỏi sự áp đặt của cơ quan chủ quản đối với doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng nhiều văn bản không đi vào cuộc sống và không tạo thuận lợi cho những người phải chấp hành[6].
Quan hệ giữa doanh nhân, doanh nghiệp với các nhà tài chính - ngân hàng hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cơ chế xin - cho trước đây, mang nặng tính ban ơn và hàm ơn, mặc dù cả hai bên đều là các nhà kinh doanh và đều có lợi. Các cuộc điều tra xã hội học cho thấy, hầu hết doanh nghiệp cần vay vốn đều không thể thỏa mãn các điều kiện thế chấp và các thủ tục hành chính hiện nay. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa thực sự đổi mới phương thức kinh doanh. Các thủ tục vay vốn hiện nay không hề tạo thuận lợi giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc vay vốn là một trong những sự phân biệt đối xử điển hình nhất, bởi đối với hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, việc vay vốn khá dễ dàng, trong khi các doanh nghiệp tư nhân, hầu hết làm ăn có lãi nhưng việc vay vốn không hề thuận lợi[7].
Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đang phải gánh vác trên vai những trọng trách nặng nề. Trước những đòi hỏi đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tỏ ra còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh những doanh nghiệp đã coi trọng vấn đề văn hóa trong phát triển, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi trọng thương hiệu và chữ tín trên thương trường, vẫn còn không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới được hình thành, có quy mô nhỏ, mục đích hoạt động mới chỉ dừng lại ở việc mưu sinh, kiếm sống; vì thế mục tiêu văn hóa, sự đóng góp đối với việc phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc chưa được quan tâm đến. Vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật, không hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng, đến cộng đồng và sự phát triển chung của đất nước.
2. Một số giải pháp nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay
Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực, xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 khóa IX lần đầu tiên đã nêu yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam bên cạnh nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân và nêu yêu cầu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Chính phủ nêu mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2010. Đây là những chủ trương, định hướng lớn về phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam. Để góp phần hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nhân, theo chúng tôi, trước hết cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:
Thứ nhất, cần xây dựng các chuẩn mực, các tiêu chí cụ thể phù hợp về doanh nhân chứ không nên dừng lại ở những tiêu chí chung chung mà hình như ai làm kinh doanh cũng có thể được coi là doanh nhân. Chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, không thể coi doanh nhân là con buôn, là tiểu thương, là tiểu chủ... Vì vậy, cần sớm tổ chức tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát để chính thức có các tiêu chí về doanh nhân ở nước ta. Tiêu chí để xác định doanh nhân có thể dựa trên tiêu chí kinh tế - xã hội để xác định. Dưới góc độ kinh tế - xã hội, đó là các tiêu chí như: vốn điều lệ, thị phần, nộp ngân sách nhà nước hằng năm, số lượng người lao động, chính sách trả lương, đãi ngộ, giáo dục - đào tạo, quan hệ với người lao động, thương hiệu của doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội, hoạt động tình nghĩa, mức độ ảnh hưởng của doanh nhân đối với xã hội... Chúng ta có thể phối hợp các tiêu chí trên để nhận diện doanh nhân. Sau khi đã xác định các tiêu chí về doanh nhân, cần phân loại doanh nhân. Gần đây, Ngân hàng Châu á có đưa ra 10 tiêu thức về  Doanh gia Châu á. Các tiêu thức này là rất cần thiết, chúng ta có thể tham khảo để xây dựng các chương trình đào tạo và đánh giá đội ngũ doanh nhân ở nước ta. Tất nhiên, thị trường vẫn là nơi sàng lọc và đánh giá đúng đắn nhất những doanh nhân thực sự có đức, có tài và mức độ đóng góp công sức, tiền của cho cộng đồng xã hội, cho đất nước.
Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt để rèn luyện một thế hệ doanh nhân “nòi” cho tương lai. Doanh nhân là một nghề nhưng cần được hiểu đó là một nghề đặc biệt, không phải ai qua đào tạo cũng đều trở thành doanh nhân, mà phải là những người có năng khiếu, có sự ham muốn, say mê nghề nghiệp mới có thể học để trở thành nhà kinh doanh giỏi. Nhân tài kinh doanh cũng giống như các nhân tài khác, không thể đào tạo hàng loạt chỉ qua các trường lớp. Vì vậy, cần phải áp dụng chương trình đạo tạo dài hơi, học đi đôi với hành, đồng thời người được đào tạo phải chứng minh được trên thực tế là có tố chất để trở thành doanh nhân.
Thứ ba, đổi mới tư duy trong hợp tác kinh doanh.Doanh nhân chúng ta cần phải chuyển cách suy nghĩ từ “ai thắng ai” sang “hai bên cùng thắng”. Thương trường tuy có thể hiểu là chiến trường nhưng nó có những quy luật rất khác so với chiến tranh một mất một còn bằng súng đạn. Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ nếp suy nghĩ phải thắng đối thủ bằng mọi giá để vừa hợp tác vừa cạnh tranh, tạo thêm thế mạnh cho mình. Và nếu cần, thì vẫn áp dụng chiến lược bắt tay với đối thủ để chia sẻ thị trường. Không nên tạo ra các đối thủ không cần thiết để tiêu phí sức lực trong thương trường. Với tư duy mới, các doanh nhân sẽ có thể hợp tác với những doanh nhân đủ mọi màu da, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, có tôn giáo và văn hóa khác nhau. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, doanh nhân cần phải tự trang bị cho mình năng lực giao tiếp, ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ càng cho các cuộc đàm phán, cho từng hợp đồng để không bị trả những học phí không đáng có.
Thứ tư, tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, doanh nhân. Việc hỗ trợ các doanh nhân thông tin là vấn đề quan trọng của Nhà nước trong quá trình quản lý nền kinh tế đất nước và rất cần thiết đối với các doanh nghiệp và doanh nhân. Việc hỗ trợ này không chỉ giúp các doanh nhân ra quyết định đúng mà còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, thực hiện các phương án kinh doanh hiệu quả hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu thị trường thế giới là một việc rất phức tạp đối với các doanh nghiệp bởi giới hạn về trình độ, khả năng ngoại ngữ, nguồn tài chính eo hẹp. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần phải phát triển mạnh hệ thống thông tin quốc gia bằng chi phí ngân sách với nhiều hình thức khai thác thông tin khác nhau để cung cấp cho doanh nghiệp và các doanh nhân. Tại các nước đang phát triển, nghiên cứu thị trường thế giới là việc phức tạp đối với các cơ quan Chính phủ bởi hầu hết họ chưa quen và chưa hề được chuẩn bị cho công việc này. Doanh nghiệp, doanh nhân rất khó khăn để tìm hiểu thông tin thế giới, cũng như thực hiện những hoạt động tiếp thị và cạnh tranh ra bên ngoài. Sự giới hạn về trình độ, khả năng ngoại ngữ, nguồn vốn là những trở ngại chính. Để giải quyết tình trạng này, không có cách nào khác là Chính phủ phải thực hiện ở tầm quốc gia, bằng chi phí của Nhà nước, những chính sách tiếp thị địa phương, tổng hợp, cung cấp thông tin thị trường, khách hàng và giá cả trong cũng như ngoài nước cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ năm, cần có sự đánh giá công bằng đối với doanh nhân.Ai cũng cần có sự công bằng, doanh nhân cũng vậy. Công bằng với doanh nhân trước hết là thái độ đối xử công bằng của Nhà nước, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của các nhà báo và của toàn xã hội khi đánh giá đúng sai, cái hay và chưa hay của đội ngũ doanh nhân. Một việc làm của một doanh nhân có thể được đánh giá khác nhau, nhưng yếu tố cốt lõi nhất, có tính bản chất nhất là doanh nhân đó có làm lợi cho dân, cho nước không? Đồng thời, cần phải khẳng định giá trị của doanh nhân trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay.  
Thứ sáu, thường xuyên giáo dục tinh thần kinh doanh cho doanh nhân. Tinh thần doanh nghiệp là một khái niệm đang được hiểu khác nhau nhưng có những khía cạnh chung như: dám chấp nhận rủi ro; có đầu óc sáng tạo; có tính độc lập. Với những khía cạnh chung này, chỉ có những doanh nhân có tinh thần doanh nghiệp mới có lòng tự tin vào năng lực bản thân, mới có bản lĩnh và quyết đoán; không cam chịu số phận và luôn muốn thay đổi hoàn cảnh; không bao giờ hài lòng với thực tại; chấp nhận rủi ro và có tinh thần sáng tạo cao. Đây là những phẩm chất và tính cách rất cần cho các doanh nhân. Nó không hoàn toàn là yếu tố có tính bẩm sinh mà cần phải thông qua đào tạo và huấn luyện mới hình thành được. Việc đào tạo các kiến thức kinh doanh và các kỹ năng cho các doanh nhân là một công việc phức tạp, nhưng có thể nói, so với đào tạo và huấn luyện tinh thần kinh doanh lại là một việc dễ dàng hơn. Hầu hết các trường đại học Âu - Mỹ có ngành kinh doanh đều tổ chức các khóa học về văn hóa doanh nghiệp và tinh thần kinh doanh cho những người đang học là những doanh nhân tương lai. Nhưng, đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc đào tạo về tinh thần doanh nghiệp cho các doanh nhân hiện đang còn là một lĩnh vực rất mới mẻ. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, giáo dục tinh thần kinh doanh cho doanh nhân là cái gốc để giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế và giáo dục. Chỉ thông qua giáo dục và giáo dục thường xuyên tinh thần kinh doanh cho doanh nghiêp thì mới hy vọng có được đội ngũ doanh nhân trẻ, sáng tạo, có phong cách ứng xử quốc tế, nhưng vẫn giữ được tính truyền thống và văn hóa của cha ông, cũng như có tinh thần vì cộng đồng. Giáo dục tinh thần doanh nghiệp là cái gốc để hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân thực thụ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, chúng ta cần phải thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng, đạo lý, triết lý làm giàu cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ để họ trở thành những doanh nhân thực thụ của Việt Nam có đủ năng lực và bản lĩnh để cạnh tranh với các doanh nhân trên thế giới.
Thứ bảy, đổi mới tư duy về quản lý nhà nước. Mặc dù, hệ thống pháp luật của ta hiện nay tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tạo tâm lý không ổn định trong việc định hướng đầu tư của giới doanh nhân. Chúng ta không cầu toàn, nhất là với một đất nước đang trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhưng điều quan trọng là phải có cái nhìn và hướng giải quyết tích cực, từ nhiều phía. Một mặt chúng ta đòi hỏi đội ngũ doanh nhân phải vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt; song mặt khác, Đảng và Nhà nước cần phải hết sức cởi mở với doanh nhân, trước hết là về mặt cơ chế, chính sách và pháp luật. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính là chuyển quản lý nhà nước theo kiểu cai trị như trước đây sang phục vụ, lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, nhân dân là chính. Điều đó cũng có nghĩa là những gì khó thì các cơ quan quản lý nhà nước phải gánh trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Pháp luật chỉ qui định những cái gì không được làm, còn cái gì không cấm thì doanh nhân có thể làm. Đây cũng là cách thức quản lý phổ biến ở các nước phát triển.  
Thứ tám, cải cách thủ tục hành chính. Cải cách thủ tục hành chính là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách, nhưng làm sao để những thủ tục mới đó không chỉ là những quy định trên giấy tờ văn bản mà nó phải thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả thiết thực. Để thực hiện điều đó, các cơ quan nhà nước cần có tư duy sát thực hơn về hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân theo hướng trước hết đây vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của họ. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải quán triệt quan điểm phục vụ trong chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trung tâm, đơn giản hoá thủ tục hành chính tới mức cao nhất, đem lại thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, mọi thủ tục hành chính cần hướng vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân. Các thủ tục hành chính cần được thực hiện  với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất chứ không phải là theo cơ chế ''xin-cho'' như hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh thêm, thủ tục mới mà tư tưởng của đội ngũ cán bộ công chức không đổi mới kịp thời thì thủ tục dù có hay, có tốt đến đâu cũng không thể phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả như mong muốn. Trên thực tế, có những vấn đề đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng nhưng do nhận thức, thói quen nuối tiếc cơ chế xin - cho của một bộ phận cán bộ, công chức hành chính, nên việc triển khai thực hiện vẫn gặp khó khăn và ách tắc. Do đó, cần phải tạo được sự chuyển biến thực sự về tư duy và nhận thức của cán bộ, công chức hành chính. Để cải thiện thái độ phục vụ doanh nghiệp của các cán bộ nhà nước, một mặt cần cân nhắc vấn đề về chế độ đãi ngộ cho các nhân viên đang làm công tác phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp. Không thể phủ nhận được sự tương quan giữa tiền lương và thái độ phục vụ doanh nghiệp của các cán bộ nhà nước. Một khi đồng lương của họ không đủ để trang trải cuộc sống, việc cống hiến 100% sức lực vào công việc vì doanh nghiệp và người dân là một thách thức lớn. Mặt khác, cần đặt ra những kỷ luật nghiêm minh cũng như có chế tài mạnh khi vi phạm đối với cán bộ hành chính công.
Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO, để hội nhập và cạnh tranh thắng lợi, hơn bao giờ hết yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngang tầm khu vực và thế giới, cả về số lượng và chất lượng đang là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Do đó, phát triển lực lượng doanh nhân lớn mạnh về mọi mặt trong bối cảnh hiện nay, trước hết là trách nhiệm của chính các doanh nhân, nhưng yếu tố quan trọng không thể thiếu được, đó là vai trò bà đỡ của Nhà nước. Chúng ta tin tưởng rằng cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ tiếp tục được hoàn thiện; môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta ngày càng được cải thiện và mở ra những không gian mới cho doanh nhân phát triển./.  

 


[1] Vũ Tiến Lộc, VCCI, Phát biểu khai mạc Hội thảo Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ngày 12/10/2006.
[2] Tuấn Anh, Sức vươn của doanh nhân Việt Nam rất lớn, Diễn đàn doanh nghiệp online, 12/10/2007.
[3] Nguyễn Văn Nam, Cần trang bị kiến thức, Diễn đàn doanh nghiệp online, 08/10/2005.
[4] Mai Hương (2006), Hội thảo "Văn hóa Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập WTO".
[5] Lê Đăng Doanh (2006), Doanh nhân mới kết quả và thách thức, Tạp chí Tia sáng số.... thang../2006.
[6] Nguyễn Trần Khanh (2005), Doanh nghiệp, doanh nhân - Đôi điều trăn trở, Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 22/07/2005.
[7] Nguyễn Trần Khanh (2005), Doanh nghiệp, doanh nhân - Đôi điều trăn trở, Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 22/07/2005.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14, tháng 9/2008)


Thống kê truy cập

33934681

Tổng truy cập