Một số lý thuyết đương đại về pháp luật và việc áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay

08/05/2023

PGS.TS. NGUYỄN MINH TUẤN

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả bước đầu làm rõ nội dung một số lý thuyết pháp luật đương đại trên thế giới, trong đó có lý thuyết pháp luật của Lon Luvois Fuller (1902 – 1978), John Finnis (sinh năm 1940), Jeremy Bentham (1748 – 1832), John Austin (1790 – 1859), Hans Kelsen (1881 – 1973), Herbert Lionel Adolphus Hart (1907-1992), Ronald Myles Dworkin (1931 - 2013)… Từ việc nghiên cứu những lý thuyết pháp luật này, tác giả có sự liên hệ với việc áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Lý thuyết pháp luật, pháp luật thực chứng, pháp luật tự nhiên.
Abstract: Under this article, the author gives out initial clarification of the content of a number of contemporary legal theories in the world, including legal theory of Lon Luvois Fuller (1902 - 1978), John Finnis (born 1940), Jeremy Bentham (1748 - 1832), John Austin (1790 - 1859), Hans Kelsen (1881 - 1973), Herbert Lionel Adolphus Hart (1907-1992), Ronald Myles Dworkin (1931 - 2013)… Based on his studies of these theories, the author also gives out a number of implication to application in practice in Vietnam.
Keywords: Legal theory; positivist law; natural law.
 PHÁP-LÝ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Một số lý thuyết đương đại về pháp luật trên thế giới
1.1. Một số lý thuyết pháp luật tự nhiên đương đại
Trường phái pháp luật tự nhiên được hình thành từ thời cổ đại và phát triển cho đến ngày nay. Trường phái pháp luật tự nhiên có nhiều đóng góp quan trọng, trong đó có đóng góp về những ý tưởng về công lý tự nhiên, quyền con người và tự do. Luật tự nhiên được sử dụng để phán xét về tính đúng đắn hay không của các cuộc cách mạng với lập luận: luật đang tồn tại có xâm phạm các quyền tự nhiên của cá nhân con người hay không. Ngoài ra, luật tự nhiên còn đóng góp trong việc phát triển lĩnh vực luật công, phân biệt với luật tư. Dưới đây là một số lý thuyết pháp luật tự nhiên đương đại tiêu biểu.
Lý thuyết pháp luật của Lon Luvois Fuller (1902 – 1978) 
Lon Fuller là giáo sư luật tại Đại học Harvard. Ông có các tác phẩm chính như: Các vấn đề về luật học (1947), Giải thích pháp luật (1968) hoặc Nguyên tắc trật tự xã hội (1981), nổi tiếng nhất là cuốn Đạo đức của Pháp luật (1964). Fuller đặt ra khái niệm đạo đức thủ tục tự nhiên: ông tin rằng pháp luật nhất thiết phải tuân theo đạo đức mang tính thủ tục, mà ông gọi là "internal morality". Theo ông “đạo đức ẩn chứa bên trong của luật chính là thủ tục của luật tự nhiên. Không phải nội dung, mà là cách thức mà một hệ thống các quy tắc điều chỉnh hành vi con người phải tuân theo một cách nhất quán”[1].
Fuller cho rằng chức năng thiết yếu của luật là định hướng cho hành vi nếu nó tuân thủ tám quy tắc sau đây: “1. Tính tổng quát (quy phạm phổ biến); 2. Được ban hành rộng rãi; 3. Không hồi tố; 4. Ngôn ngữ dễ hiểu, minh bạch; 5. Nhất quán, không mâu thuẫn (không trái với các quy định khác); 6. Không vi phạm về thẩm quyền, thủ tục hay hình thức (khả năng tuân phục); 7. Không thay đổi đột ngột (tính bền vững); 8. Phải được thực thi nghiêm túc (phù hợp giữa quy tắc được công bố và hành động của chính quyền)”[2].
Có thể thấy rằng Fuller đã phát triển cách tiếp cận luật tự nhiên, coi luật pháp như là một đạo lý tiềm ẩn. Theo đó, một hệ thống pháp lý có mục tiêu ràng buộc con người phải chịu sự kiểm soát của các quy tắc trong việc cư xử. Theo Fuller, trong bất kỳ một cộng đồng nào có pháp luật, nếu không tuân thủ những nguyên tắc trên thì ở đó không thực sự có pháp luật.
Lý thuyết pháp luật của John Finnis (sinh năm 1940)
John Finnis là Giáo sư Đại học Oxford. Ông nổi tiếng với tác phẩm Natural Law and Natural Rights [Luật tự nhiên và quyền tự nhiên]. Finnis đưa ra 7 loại hình cơ bản trong cuộc sống con người nhằm tạo nên một cuộc sống viên mãn, chi phối mọi xã hội, mọi thời đại (7 human goods): “1. Đời sống; 2. Kiến thức; 3. Vui chơi; 4. Cảm nghiệm về thẩm mỹ; 5. Hoà đồng (thân thiện); 6. Có lý lẽ thực tiễn; 7. Tín ngưỡng (nhu cầu cảm nghiệm tâm linh)”[3].
Theo Finnis, con người có những lợi ích cơ bản [quyền được sống, được yêu thương, được trân trọng, được ghi nhận, được hưởng thụ, được tiếp nhận tri thức…] mà muốn có nó phải chặn đứng sự bất công [Con người không thể bị tra tấn, không bị lấy đi sinh mạng, không bị lừa dối, không bị kết án vì những cáo buộc dối trá cố ý…].
Về nhu cầu tín ngưỡng, Finnis muốn nói đến nhu cầu cảm nghiệm tâm linh hơn là một tôn giáo có tính tổ chức. Tương ứng với bảy lợi ích cơ bản trên, Finnis đã đưa ra chín đòi hỏi về sự hợp lý thực tiễn như sau (9 requirements of practical reasonableness): “1. Sự theo đuổi tích cực về những lợi ích; 2. Một kế hoạch nhất quán về cuộc sống; 3. Không có sự thiên vị tuỳ tiện giữa các giá trị; 4. Không có sự thiên vị tuỳ tiện giữa các con người; 5. Tính độc lập và tận tâm; 6. Sự thích ứng với những hậu quả: hiệu năng trong phạm vi hợp lý; 7. Tôn trọng mọi giá trị cơ bản trong mọi hành vi; 8. Những đòi hỏi của lợi ích chung; 9. Theo lương tâm của mình”[4].
Bảy lợi ích cơ bản và chín đòi hỏi về sự hợp lý thực tiễn hợp lại thành những nguyên tắc phổ quát và không thể thay đổi của Luật tự nhiên theo quan điểm của Finnis. Ông giải thích những lợi ích khách quan này là hiển nhiên, chúng phản ánh đúng bản chất của con người.
Finnis đưa ra khái niệm lợi ích chung và công lý. Lợi ích chung ở đây được hiểu là lợi ích của cộng đồng, của tất cả mọi người. Quyền hành của người lãnh đạo có được là từ cộng đồng. Người lãnh đạo thực chất là người phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nếu người lãnh đạo ban hành những luật lệ bất công thì những luật lệ đó không có cơ sở đạo đức để buộc mọi người phải tuân theo.
Finnis cho rằng khái niệm lợi ích chung và khái niệm công lý có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Công lý là sự đòi hỏi mọi người phải thúc đẩy lợi ích chung cho chính cộng đồng của mình, phải ngăn chặn tất cả các biểu hiện của sự bất công.
1.2. Một số lý thuyết pháp luật thực chứng đương đại
Về truyền thống, các lý thuyết của trường phái pháp luật thực chứng cho rằng chỉ có luật thực định (positum/positive law) – tức luật đang có hiệu lực, do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện - là luật. Luật thực định không liên quan gì đến việc nó có mang giá trị đạo đức hay không. Luật thực định tách hoàn toàn với luật của Giáo hội. Do đó, trường phái này khuyến khích mọi người nên tuân thủ luật, vì không tuân thủ là phải chịu hình phạt. Dưới đây là những lý thuyết pháp luật thực chứng đương đại tiêu biểu.
Lý thuyết pháp luật của Jeremy Bentham (1748 – 1832)
Jeremy Bentham, nhà luật học người Anh, nhà triết học, nhà cải cách pháp lý và xã hội, là một trong những người có ảnh hưởng nhất của trường phái thực chứng pháp luật. Ông đưa ra lý thuyết tối ưu hoá hạnh phúc trong tác phẩm The Principles of Morals and Legislation, xuất bản năm 1789 như sau: “Tự nhiên đã đặt loài người dưới sự phụ thuộc của hai yếu tố sự khổ đau và hạnh phúc. Đây là hai thứ dẫn dụ chúng ta nên làm gì và không nên làm gì. Một mặt, đó là tiêu chuẩn của đúng và sai, mặt khác, đó là mối liên hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Hai điều này chi phối chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm, trong tất cả những gì chúng ta nói, trong tất cả những gì chúng ta nghĩ”[5].
Theo Bentham, Luật học gồm có Luật học mô tả điều hiện là (SEIN) và luật học mô tả cái nên là (SOLLEN)[6]. Theo Bentham, luật có 3 yếu tố là: 1) những mệnh lệnh (commands), 2) do nhà nước ban hành (sovereign), có phạm vi áp dụng rõ ràng và 3) được hậu thuẫn bởi những chế tài (punishments)[7].
Lý thuyết pháp luật của John Austin (1790 – 1859)
John Austin là học trò của Bentham, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Bentham. Ông là giáo sư luật học đầu tiên khi Đại học Luân đôn ở Anh được thành lập năm 1826. Trước đó ông đã học tập ở Bonn, Đức.John Austin là nhà tư tưởng pháp luật nổi tiếng với tác phẩm The province of Jurisprudence Determined [Lĩnh vực luật học được xác định], được xuất bản năm 1832.
Theo Austin, luật có hai loại đó là Luật của Thượng đế và Luật của con người. Luật của con người được chia thành 2 loại đó là luật thực chứng (được đặt ra bởi những người có quyền lực) và luật được đặt ra bởi những người không phải là cấp trên về chính trị hoặc không mưu cầu quyền hành. Chỉ có luật thực chứng mới là đối tượng đích thực của luật học[8].
Austin cũng giống như người thầy của mình là Bentham yêu cầu tách biệt giữa luật học minh giải (điều hiện là) và luật học phê duyệt (điều nên là). Theo ông, Luật được làm ra bởi nhà nước, không phải dựa trên thần thánh nào cả. [Bất cứ điều gì không phải là một mệnh lệnh thì không phải luật].Nếu con người không chấp hành luật, anh ta phải chịu chế tài. Nhà nước tạo ra luật, con người chỉ có tuân theo, không phụ thuộc vào luật đó có đạo đức, công bằng hay không[9]. Tiếp tục làm rõ quan điểm của Bentham, Austin cho rằng mệnh lệnh có 4 đặc trưng: ý muốn [chính sách, tư tưởng]; sự trừng phạt; sự bày tỏ một ý muốn [luật]; tính tổng quát[10].
Lý thuyết pháp luật của Hans Kelsen (1881 – 1973)
Hans Kelsen là một nhà lý luận pháp luật có ảnh hưởng người Áo, là giáo sư luật công và luật hành chính ở Đại học Viên, Áo. Những công trình của ông có ảnh hưởng quan trọng đến khoa học pháp lý cũng như luật quốc tế.
Năm 1934 ông xuất bản cuốn sách Lý thuyết pháp luật thuần tuý (Reine Rechtslehre). Đây là cuốn sách chứa đựng nhiều tư tưởng pháp luật độc đáo của Kelsen. Hans Kelsen còn là người sáng lập ra mô hình bảo hiến Châu Âu hiện đại, là một trong những tác giả của dự thảo Hiến pháp Áo sau thế chiến thứ nhất.
Về tư tưởng pháp luật, Hans Kelsen xây dựng ý tưởng về quy phạm cơ bản (Grundnorm), một quy phạm có tính giả định mà trong đó tất cả các cấp độ phụ thuộc của hệ thống pháp luật phải dựa trên đó (luật hiến pháp). Theo Kelsen một quy phạm có hiệu lực nếu nó được ban hành theo một quy phạm khác có hiệu lực cao hơn (a higher norm) mà ông gọi là “Grundnorm”[11].
Theo ông, lý thuyết pháp luật thuần tuý có nghĩa là nhìn luật pháp như một hệ thống cụ thể không phụ thuộc vào các quy luật đạo đức (the law as a specific system, independent of the moral law), không phụ thuộc vào tâm lý, xã hội học hay chính trị học. Luật pháp chỉ có một mục đích duy nhất: Độc quyền hoá về quyền lực. Nếu một cách cư xử X được thực hiện, thì hình phạt Y sẽ áp dụng với kẻ vi phạm[12]. Hans Kelsen quan niệm chuẩn mực pháp lý khác với các chuẩn mực khác là chúng quy định một hình phạt (có tính khách quan, hiệu lực, hiệu quả). Điều này phân biệt người thu thuế với tên ăn cướp.
Xác định giới hạn của những hình phạt, ông khẳng định: “Những hành vi có tính ép buộc cần phải được thực hiện theo những điều kiện và cách thức mà Hiến pháp và những chuẩn mực được tạo ra phù hợp với nó quy định”[13].
Lý thuyết pháp luật của Herbert Lionel Adolphus Hart (1907-1992)
H.L.A. Hart là nhà triết học người Anh, giáo sư luật ở Đại học Oxford, có tư tưởng thực chứng “mềm dẻo”. Ông nổi tiếng với cuốn sách The Concept of Law.
Trong cuốn sách này, ông đưa ra cách tiếp cận mới về luật, giải quyết một loạt các khái niệm như bản chất của công lý, nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý, luật tự nhiên[14]. Hart được chú ý khi đưa ra quan điểm phản đối Austin. Ông đặt ra câu hỏi: “Mệnh lệnh của kẻ cướp ngân hàng và luật có gì khác nhau? Theo ông khác về nội dung, nguồn gốc, phạm vi [“bị bắt buộc” hay “có nghĩa vụ”…]”. Theo ông, Luật mà chúng ta biết đến không phải tất cả là các mệnh lệnh và kèm theo nó là chế tài.
Trong bài luận của mình, Laws as a Union of Primary and Secondary Rules, Hart chỉ trích lý thuyết của Austin về luật như mệnh lệnh và tranh luận về một khuôn khổ mới mô tả luật như quy tắc. Hart, giống như Austin, là một người theo chủ nghĩa thực chứng và muốn tách biệt câu hỏi mang tính mô tả về luật là gì với câu hỏi mang tính quy định về luật nên là gì. Tuy nhiên, Hart tin rằng có một khía cạnh chuẩn mực đối với luật pháp, điều này được phản ánh trong nghĩa vụ mà chúng ta cảm thấy phải tuân theo nó. Trong phân tích của mình, Hart phân biệt hai loại quy tắc (chính và phụ). Việc tách các quy tắc thành hai loại khác nhau này cho phép chúng ta thiết lập một phương pháp để xác định hiệu lực của luật, đó là yếu tố quyết định liệu nó có tạo ra nghĩa vụ giữa các công dân trong xã hội hay không. Theo định nghĩa của Hart, quy tắc chính (primary rules) đặt ra điều cấm hoặc yêu cầu một số hành động nhất định và có thể tạo ra nhiệm vụ hoặc nghĩa vụ[15] Một primary rules có thể là luật cấm đi ra khỏi cửa hàng bán điện thoại với chiếc điện thoại mà không trả tiền hoặc luật yêu cầu bạn dừng đèn đỏ. Quy tắc thứ cấp/phụ (Secondary rules) được hiểu là các thủ tục mà thông qua đó các primary rules có thể được đưa ra, sửa đổi hoặc thực thi. Quy tắc thứ cấp có thể được coi là quy tắc về các quy tắc[16].
Quy tắc thứ cấp trao quyền hạn và chúng quy định rằng con người có thể bằng cách làm hoặc bằng cách nói những điều nhất định đưa ra các quy tắc mới, hủy bỏ hoặc sửa đổi các quy luật cũ và kiểm soát hoạt động của nó. Quy tắc thứ cấp được đặt ra để hạn chế 3 điểm yếu của luật đó là không chắc chắn, tĩnh, không hiệu quả (uncertainty, static, inefficiency)[17].
Theo Hart, có 3 loại quy tắc thứ cấp bao gồm: quy tắc thứ cấp liên quan đến sự công nhận, quy tắc về sự thay đổi và quy tắc điều chỉnh (rules of recognition, rules of change, and rules of adjudication). Trong số ba quy tắc phụ này, Hart tin rằng quy tắc công nhận là quan trọng nhất. Quy luật công nhận cho ta biết cách nhận biết một quy luật. Trong các hệ thống hiện đại có nhiều nguồn luật, quy tắc công nhận là cho phép chúng ta xác định tính hợp lệ của một quy tắc.Theo Hart, quy tắc công nhận thực hiện các chức năng sau: Để thiết lập một thử nghiệm về tính hợp lệ của luật trong một hệ thống pháp luật hiện hành; Để trao hiệu lực cho mọi thứ khác trong hệ thống pháp luật hiện hành; Để thống nhất tất cả các luật trong hệ thống pháp luật hiện hành[18].
Lý thuyết pháp luật của Ronald Myles Dworkin(1931 - 2013)
Dworkin là giáo sư Đại học Oxford Mỹ, đưa ra lý thuyết giải thích luật mang tính xây dung (constructive interpretation). Ông cũng đưa ra khái niệm “law as integrity” (luật như là sự toàn vẹn): theo đó, thẩm phán giải thích luật theo những nguyên tắc đạo đức, công lý và sự vô tư[19].
Dworkin tranh cãi với Hart: việc chỉ coi luật như là những nguyên tắc có sẵn là không phù hợp. Trong những vụ án phức tạp, thẩm phán phải dựa trên những chính sách và hành động như một nhà làm luật thực sự, thẩm phán phải tạo ra một quy tắc pháp lý mới trên nền tảng chính sách pháp luật[20]. Quy tắc pháp lý mà Dworkin nói đến phải phù hợp với chính sách và các nguyên tắc (policies and principles) mà Tòa án đang theo đuổi, phù hợp với các quyền cơ bản của con người (rights)[21].
Ông tranh luận về nhiều tình huống, trong đó có nhắc lại án lệ Donogue vs. Stevenson, một án lệ tạo cơ sở cho chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng[22] và đặc biệt là hai tình huống: 1. Một người được thừa hưởng theo di chúc thiếu kiên nhẫn đã sát hại người để lại di chúc. Có nên cho ông ta được phép thừa kế không? (Xem phán quyết vụ Riggs vs. Palmer năm 1899); 2. Một đại kiện tướng cờ vua làm đối thủ có thể mất tập trung bằng cách liên tục mỉm cười với anh ta. Đối thủ phản đối. Việc mỉm cười có vi phạm những quy tắc của cờ vua không?
Cả hai tình huống này, không vụ tình huống nào có được một quy tắc định rõ để giải quyết.
Ở tình huống thứ nhất, Luật quy định những quy tắc thừa kế theo di chúc không cung cấp ngoại lệ nào. Nếu theo đúng luật, tên sát nhân được hưởng thừa kế. Toà án đã đưa ra chính sách: “Không người nào được hưởng lợi từ sự sai trái của mình”. Chính sách là một quy tắc pháp lý mới. Kết quả: Tên sát nhân không được hưởng thừa kế.
Ở tình huống thứ hai, theo luật cờ vua, các quy tắc không cấm người chơi cờ mỉm cười. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đó sẽ không thể tạo ra một chính sách khuyến khích việc thiện chí, trung thực và “fair play” trong các trò chơi. Cuối cùng, Toà phán quyết: “Sự hù doạ về tâm lý được coi là điều cấm trong chơi cờ”. Rõ ràng đây là một quy tắc pháp lý mới do Tòa án đặt ra.
Dworkin ủng hộ cách giải quyết này khi ông khẳng định: Trong một vụ án khó, quan toà dựa vào những nguyên tắc, bao gồm quan niệm của chính ông ta về việc diễn giải tốt nhất về hệ thống của những thể chế chính trị và những phán quyết của cộng đồng của ông ta[23].
Bảo vệ quyền con người, Dworkin cho rằng quyền của mỗi người được thừa nhận như một thành phần của luật pháp. Đạo lý chính quyền bao gồm công lý, sự công bằng, thủ tục pháp lý thích đáng. Công lý là quyền con người được quan tâm, tôn trọng ngang nhau; Công bằng về thủ tục như nhau trong những quyết định tác động đến họ; Thủ tục pháp lý thích đáng là những thủ tục đúng đắn xác định một công dân có phạm luật không[24].
2. Áp dụng các lý thuyết pháp luật đương đại trong thực tiễn Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, các tư tưởng pháp luật, các lý thuyết pháp luật có sự thay đổi rất lớn, nhiều quan niệm, quan điểm pháp luật được hình thành và phát triển đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của đất nước trong điều kiện mới. Một mặt, ở Việt Nam vẫn kiên trì, củng cố và phát triển những tư tưởng pháp luật dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mặt khác, có sự cởi mở trong việc nghiên cứu, trao đổi, tiếp nhận những lý thuyết pháp luật tiến bộ, phù hợp của nhân loại nói chung, phù hợp với với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam nói riêng[25].
Ở Việt Nam, một số tư tưởng pháp luật cũ đang mất dần, một số tư tưởng pháp luật mới đã và đang được nghiên cứu nhưng cũng chưa toàn diện, chưa được ổn định và chưa được ghi nhận, áp dụng rộng rãi.
Những lý thuyết pháp luật vừa phân tích ở trên có những giá trị tích cực, có thể vận dụng trong điều kiện ở Việt Nam, cụ thể như sau:
1) Chẳng hạn tám quy tắc Fuller đưa ra về chức năng thiết yếu của luật là định hướng cho hành vi nếu nó tuân thủ tám quy tắc sau đây: 1. Tính tổng quát (quy phạm phổ biến); 2. Được ban hành rộng rãi; 3. Không hồi tố; 4. Ngôn ngữ dễ hiểu, minh bạch; 5. Nhất quán, không mâu thuẫn (không trái với các quy định khác); 6. Không vi phạm về thẩm quyền, thủ tục hay hình thức (khả năng tuân phục); 7. Không thay đổi đột ngột (tính bền vững); 8. Phải được thực thi nghiêm túc (phù hợp giữa quy tắc được công bố và hành động của chính quyền)” rất đáng xem xét và kế thừa. Đây nên được xem là những tiêu chuẩn để bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới cũng nên tham chiếu trong việc xây dựng và hoàn thiện.
2) Hay tư tưởng của Fuller đã phát triển cách tiếp cận luật tự nhiên, ông coi “luật pháp như là một đạo lý tiềm ẩn”, pháp luật phải dựa trên cơ sở từ đạo đức là rất đúng đắn, phù hợp (Xem mục 1.1 ở trên). Về điều này, ở Việt Nam, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế cũng có rất nhiều đóng góp, trao đổi khi cho rằng: “Bản chất đích thực của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức suy cho cùng chính là vấn đề mang tính nguyên tắc: đạo đức là cơ sở của pháp luật. Cần phải nhận thức và thực hành trong cuộc sống về cơ sở đạo đức của pháp luật”[26]. Không những thế, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế còn chỉ rõ cách thức xử lý mối quan hệ này khi cho rằng: “Pháp luật về nguyên tắc phải phù hợp với đạo đức. Thiếu pháp luật phải vận dụng đạo đức để giải quyết. Khi mâu thuẫn giữa pháp luật và đạo đức thì phải lấy đạo đức để áp dụng. Phấn đấu không vi phạm pháp luật là cần thiết nhưng chưa đủ, mà còn phải giáo dục đạo đức và kiểm soát về phương diện đạo đức ở mọi nơi, mọi lúc”[27].
3) John Finnis đưa ra bảy lợi ích cơ bản của con người và chín đòi hỏi về sự hợp lý thực tiễn là những nguyên tắc phổ quát của Luật tự nhiên rất đáng xem xét về con người thời hiện đại, rất phù hợp với bản chất của con người hiện đại. Xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật ở Việt Nam trong thời gian tới cũng cần quan tâm một cách toàn diện đến con người như quan điểm của John Finnis.
Ngoài ra, tư tưởng của Finnis về quyền lực cũng rất đáng kế thừa khi ông cho rằng: Quyền hành của người lãnh đạo có được là từ cộng đồng. Người lãnh đạo thực chất là người phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nếu người lãnh đạo ban hành những luật lệ bất công thì những luật lệ đó không có cơ sở đạo đức để buộc mọi người phải tuân theo. Lý thuyết pháp luật của Finnis đặt ra trách nhiệm của nhà nước trong việc phục vụ lợi ích của cộng đồng[28].
4) Hay sự phân loại của Hart thành: “primary rules” và “secondary rules” (quy tắc chính và quy tắc thứ cấp) cung cấp một khuôn khổ rất hữu ích để hiểu nguồn luật và cách chúng ta có thể phân biệt luật hợp lệ với luật không hợp lệ.
5) Lý thuyết của Kelsen về Grundnorm là lý thuyết mà chúng ta không mấy trích dẫn ở Việt Nam nhưng thực chất lâu nay vẫn đang kế thừa, áp dụng. Grundnorm chính là quy phạm của Hiến pháp. Kelsen cho rằng một quy phạm có hiệu lực nếu nó được ban hành theo và phù hợp một quy phạm khác có hiệu lực cao hơn (a higher norm) mà ông gọi là “Grundnorm”. Ở Việt Nam, khoản 1 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế bảo vệ hiến pháp phù hợp theo đúng mô hình lý thuyết mà Kelsen đưa ra, mặc dù ở khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Cơ chế bảo vệ hiến pháp do luật định”. Cần nhắc lại rằng Kelsen chính là người sáng lập ra mô hình bảo hiến đầu tiên ở Áo, sau mở rộng ra nhiều nước châu Âu hiện đại, ông cũng là tác giả của dự thảo Hiến pháp Áo sau thế chiến thứ nhất.
6) Lý thuyết pháp luật của Dworkin về giải thích pháp luật cũng đã và đang áp dụng ở Việt Nam. Lý thuyết giải thích luật mang tính xây dựng (constructive interpretation) thực chất ở Việt Nam đang kế thừa và áp dụng trong quá trình xây dựng và công bố án lệ thời gian qua. Tuy vậy, hiện nay, những công trình nghiên cứu sâu về lý thuyết của Dworkin chưa nhiều. Quan điểm của Dworkin về phán quyết của Tòa án đặt ra quy tắc pháp lý mới (a new rule) trong một vụ án khó, quan toà dựa vào những nguyên tắc, bao gồm quan niệm của chính ông ta về việc diễn giải tốt nhất về hệ thống của những thể chế chính trị và những phán quyết của cộng đồng của ông ta, dựa trên công lý, sự công bằng, thủ tục pháp lý thích đáng. Công lý là quyền con người được quan tâm, tôn trọng ngang nhau; Công bằng về thủ tục như nhau trong những quyết định tác động đến họ; Thủ tục pháp lý thích đáng là những thủ tục đúng đắn xác định một công dân có phạm luật không.
Ở Việt Nam, theo quy định của Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, “án lệ được lựa chọn phải đáp ứng tiêu chí có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”. Thực tế các án lệ được công bố thời gian vừa qua chưa có nhiều án lệ “thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”, tức là đặt ra một quy tắc pháp lý hoàn toàn mới giống như lý thuyết mà Dworkin đưa ra, nhưng trong tương lai vấn đề này hoàn toàn có thể có và cần có những hướng dẫn rất cụ thể. Lý thuyết pháp luật giải thích pháp luật dựa trên chính sách, các nguyên tắc và bảo vệ các quyền con người mà Dworkin đưa ra rất đáng tiếp tục nghiên cứu và tham khảo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải tất cả các lý thuyết pháp luật đều chứa đựng duy nhất những điểm tích cực và cần kế thừa. Có thể chỉ ra một số lý thuyết pháp luật có những điểm không phù hợp với điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Việt Nam như sau:
1) Nhiều nhà tư tưởng thuộc trường phái pháp luật thực chứng cho rằng pháp luật và đạo đức không có mối liên hệ với nhau. Điều này theo tác giả bài viết là không phù hợp. Thực tế đã chứng minh pháp luật dưới thời cai trị của Hitler không mang những giá trị đạo đức, không hướng tới công lý, công bằng, bảo vệ quyền con người đã gây ra những đau thương ra sao[29]. Khi nói đến trường phái pháp luật thực chứng, người ta hướng đến sự rõ ràng, sự xác định điều này là đúng, nên khuyến khích, nhưng pháp luật không nên bị đồng nhất với hệ thống các quy phạm pháp luật hiện hành đơn thuần, vì pháp luật rộng hơn thế, pháp luật có mục đích hướng đến cái đúng, sự công bằng, nhân đạo, bảo vệ quyền con người.
2) Pháp luật thực chứng có nói đến chế tài như là một lý do quan trọng biện minh cho việc cần phải tuân thủ pháp luật. Tuy vậy, việc thực thi pháp luật trên thực tế không phải chỉ giản đơn là do người ta sợ chế tài. Một số nhà tư tưởng thuộc trường phái pháp luật thực chứng chưa chú trọng đến khía cạnh người ta thực thi pháp luật là do họ thấy pháp luật đúng, pháp luật công bằng, pháp luật chứa đựng những giá trị dựa vào đó mà họ tôn trọng và tuân theo. “Điều quan trọng là làm sao để có sự tôn trọng pháp luật trên cơ sở niềm tin nội tâm, sự tự ý thức của cá nhân chứ không phải là sự sợ hãi bị chế tài cưỡng chế”[30]. Không phải cứ xử phạt thật nặng, đưa ra nhiều chế tài là mọi người sẽ tuân thủ pháp luật. Ở khía cạnh này, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế cũng đưa ra giải pháp rằng: “Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho những hành vi hợp pháp, tích cực pháp luật trong cộng đồng là một trong những việc làm thường xuyên với những đầu tư thỏa đáng về tinh thần, vật chất và kỹ thuật”[31].
3) Một số lý thuyết thuộc trường phái pháp luật thực chứng quá nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước. Ví dụ, theo Bentham, luật có 3 yếu tố là: 1) những mệnh lệnh (commands), 2) do nhà nước ban hành (sovereign), có phạm vi áp dụng rõ ràng và 3) được hậu thuẫn bởi những chế tài (punishments). Thực tế, pháp luật không phải chỉ bao gồm những gì do nhà nước ban hành, mà còn bao gồm cả những thứ nhà nước thừa nhận, chẳng hạn ở Việt Nam hiện nay bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật còn có các nguồn pháp luật khác như điều ước quốc tế, tập quán, thỏa thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng dân sự, thương mại không vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội, án lệ, lẽ công bằng.
3. Kết luận
Tóm lại, các lý thuyết pháp luật không mang lại câu trả lời cụ thể giống như cho những câu hỏi ai đúng, ai sai, ai phạm tội, ai phải bồi thường trong một tình huống pháp lý phát sinh, mà lý thuyết pháp luật có giá trị soi đường, định hướng tư duy với những người thực hành luật khi nó khiến họ suy nghĩ về cơ sở của những gì họ đang làm là gì[32]. Lý thuyết pháp luật có vai trò rất quan trọng, cần thiết, là bệ đỡ, là nền tảng, là cơ sở cho mọi quy định pháp luật ra đời, tồn tại và phát huy vai trò điều chỉnh của nó[33]. Vai trò thực sự của lý thuyết pháp luật là dẫn dắt sự phát triển của các lập luận và lý lẽ trong pháp luật. Nó giúp chúng ta lan tỏa niềm tin, giá trị và quan niệm, dẫn dắt chúng ta trong tiến trình phát triển các lập luận đúng và các lý lẽ có trọng lượng[34]. Chúng ta cần khuyến khích và tiếp tục việc nghiên cứu các lý thuyết pháp luật, đặc biệt là khuyến khích tiếp tục làm rõ cơ sở của các lý thuyết, bối cảnh của lý thuyết, phạm vi áp dụng và tác động của các lý thuyết đó trên thực tế. Việc làm này vô cùng ý nghĩa, cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập toàn diện, trong đó có hội nhập về pháp luật./. 

 


[1] Fuller 1964,The Morality of Law, pp. 81-82.
[2] Fuller 1969, The Morality of Law, revised edn, p. 39.
[3] Nguyên văn: Life, Knowledge, Play, Aesthetic, Experience, Sociability, Practical Reasonableness, Religion. Xem: Finnis, John 2011, Natural Law and Natural Rights, 2nd edn, pp. 86-87.
[4] Nguyên văn: A Coherent plan of life, no arbitrary preferences among values, no arbitrary preferences amongst persons; detachment and commitment; the limited relevance of consequences: efficiency within reason; respect for every basic value in every act; the requirements of common good; and following one’s conscience, Xem: Finnis, John 2011, Natural Law and Natural Rights, 2nd edn, pp. 102-103.
[5] Bentham Jeremy 1789, The Principles of Morals and Legislation, p. 7.
[6] Bentham Jeremy 1945, The Limits of Jurisprudence Defined, republished as Of Laws in General, 1970, p. 9.
[7] Bentham Jeremy, The Limits of Jurisprudence Defined, Tlđd 1970, p. 12.
[8] Austin John 1832, The Province of Jurisprudence Determined, p. 134.
[9] Austin,John, Tlđd, p. 230.
[10] Austin John, Tlđd, 1832, p. 231.
[11] Nguyên văn: Grundnorm is the basic norm that constitutes the unity in the multitude of norms by representing the reasons for the validity of all norms that belongs to this order, Xem: Kelsen, Hans 1970, The Pure Theory of Law, translated by Knight, Max, p. 195.
[12] Kelsen Hans 1945, General Theory of Law and State, p. 1.
[13] Kelsen Hans, The Pure Theory of Law, translated by Knight, Max, 1970, p. 35.
[14] Hart H.L.A 1994, The Concept of Law, 2nd edn, p. 13.
[15] Hart, H.L.A 1994, The Concept of Law, 2nd edn, p. 74.
[16] Hart, H.L.A 1994, The Concept of Law, 2nd edn, p. 76.
[17] Nguyên văn: Secondary Rules confer powers and they provide that human being may by doing or by saying certain things introduce new rules, extinguish or modify old laws and control its operation.
[18] Hart, H.L.A 1994, Tlđd, p. 76-77.
[19] Dworkin, Ronald 1986, A Matter of Principle, p. 255.
[20] Dworkin, Ronald 1977, Is Law a System of Rules? in The Philosophy of Law.
[21] Dworkin, Ronald 1977, Is Law a System of Rules? in The Philosophy of Law, p. 43.
[22] Donogue vs. Stevenson [1932], AC 562.
[23] Dworkin, Ronald 1977, Is Law a System of Rules? in The Philosophy of Law, pp. 313-314.
[24] Dworkin, Ronald 1986, A Matter of Principle.
[25] Nguyễn Minh Đoan, Tư tưởng pháp luật, Tạp chí Luật học, Số 5/2010, tr.3-9.
[26] Hoàng Thị Kim Quế, Cơ sở đạo đức của pháp luật - nhận thức và thực hành, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 9/2017, tr. 3-8.
[27] Hoàng Thị Kim Quế, Bản chất đích thực của mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 1/2010, tr. 3-6.
[28] Xem thêm: Hoàng Thị Kim Quế, Trách nhiệm nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân: Nội dung cơ bản và cách thức quy định trong Hiến pháp, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 11/2012, tr. 3-8; Hoàng Thị Kim Quế, Trách nhiệm nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện pháp luật của công dân, Tạp chí Khoa học Pháp lý, Số 5/2015, tr. 3-7; Hoàng Thị Kim Quế, Vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong xã hội công nghệ thông tin, công nghệ số, cách mạng công nghiêp 4.0, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 3+4/ 2018, tr. 18-24.
[29] Võ Khánh Vinh, Về phương pháp luận của triết học pháp luật, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, Số 8/2014, tr. 3-17.
[30] Hoàng Thị Kim Quế, Hư vô pháp luật: Nhìn từ phương diện lý luận pháp luật và xã hội học pháp luật, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 9/2008, tr. 13-18.
[31] Như trên.
[32] Xem thêm: Nguyễn Văn Quân, Bàn về triết học pháp luật trong mối tương quan với lý luận chung về pháp luật, Tạp chí Khoa học, Số 3/2015, tr. 60-69.
[33] Xem thêm: Hoàng Thị Kim Quế, Các khoa học lý luận-lịch sử về nhà nước và pháp luật trong hệ thống các khoa học pháp lý và chương trình đào tạo luật học ở nước ta, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, Số 3/2004, tr. 18-28.
[34] Xem thêm: Bjarne Melkevik, Tại sao phải nghiên cứu triết học pháp luật? Một vài suy ngẫm về giảng dạy triết học pháp luật. Why have to study legal philosophy? A few thoughts on teaching legal philosophy, Tạp chí Khoa học (Luật học), Số 3/2018, tr. 26-32.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 1/2023.)