Quyền của người được đại diện trong việc xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi của người đại diện

13/04/2023

GS. TS. ĐỖ VĂN ĐẠI

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt. Trong trường hợp đại diện, người được đại diện có còn quyền tự xác lập, thực hiện giao dịch hay không thì văn bản ở nước ta chưa rõ ràng và thực tiễn thể hiện sự lúng túng. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng pháp luật Việt Nam cũng như kinh nghiệm của Pháp để đưa ra hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền của người được đại diện đối với giao dịch thuộc phạm vi của người đại diện.
Từ khóa: Đại diện, người đại diện, người được đại diện, quyền của người được đại diện, đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền.
Abstract: In the case of a representation, our legal documents do not make clear and the practical enforcement also shows confusion of whether the principal possesses the right to establish and perform transactions on his own. Under this article, the author provides an analysis of the current state of Vietnamese law and the experience of France as well to give out a number of recommendation for further improvement of the Vietnamese law on the rights of the principal for transactions within the scope of the representative.
Keywords: Representation; the representative; the principal; rights of the principal, legal representative; authorized representative.
 QUYỀN-CỦA-NGƯỜI-ĐẠI-DIỆN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Ở đây, chúng ta có hai chủ thể là người đại diện và người được đại diện.
Đối với giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện, người đại diện được quyền xác lập, thực hiện; và khoản 1 Điều 141 BLDS năm 2015 khẳng định rõ điều này với nội dung người đại diện “được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”. Đối với giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện như vừa nêu, người được đại diện có còn quyền tự xác lập, thực hiện không? Nói cách khác, quyền xác lập, thực hiện giao dịch của người đại diện có loại trừ khả năng tự xác lập, thực hiện giao dịch của người được đại diện không? Đây là vấn đề chưa được quan tâm ở Việt Nam[1] và thực tiễn đã có sự lúng túng, nhất là đối với đại diện theo ủy quyền.
1. Đối với đại diện theo pháp luật
Nhận diện đại diện theo pháp luật: Điều 135 BLDS năm 2015 quy định “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật)”. Ở đây, đại diện theo pháp luật khác với đại diện theo ủy quyền (được phân tích ở phần sau) và bao gồm đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như theo quyết định của Tòa án, theo điều lệ của pháp nhân như “người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ” (điểm a khoản 1 Điều 137 BLDS năm 2015) hay theo quy định của pháp luật như “Cha, mẹ đối với con chưa thành niên” và “Người giám hộ đối với người được giám hộ” (khoản 1 và 2 Điều 136 BLDS năm 2015) là người đại diện theo pháp luật.
Ở Pháp, BLDS ghi nhận ba dạng đại diện là “đại diện theo luật, đại diện tư pháp hay đại diện theo thỏa thuận” (Điều 1153 sau sửa đổi năm 2016). Ở đây, đại diện theo luật là trường hợp người đại diện có quyền đại diện “từ luật. Chẳng hạn, đó là trường hợp của cha và mẹ, người quản lý theo pháp luật đối với tài sản của con chưa thành niên hay trường hợp của người giám hộ. Đó còn là trường hợp thẩm quyền đại diện của nhiều cơ quan trong doanh nghiệp trong lĩnh vực doanh nghiệp”[2]. Đại diện tư pháp là trường hợp người đại diện “được trao quyền trên cơ sở quyết định của Tòa án (…). Chẳng hạn, khi người vợ hay chồng hay đồng sở hữu không thể trong tình trạng thể hiện được ý chí của mình hay khi một người bị biệt tích”[3].
1.1. Kinh nghiệm của Pháp
Người được đại diện không có/còn quyền: Trước sửa đổi BLDS năm 2016, BLDS Pháp chưa thực sự rõ ràng về khả năng tự xác lập, thực hiện giao dịch của người được đại diện trong đại diện theo pháp luật.
Với cải cách năm 2016, đã có “những thay đổi về đại diện”[4] và Điều 1159 BLDS của Pháp ngày nay quy định “Trong trường hợp thẩm quyền đại diện được xác lập theo luật hoặc theo quyết định của tòa án thì trong thời hạn đại diện, người được đại diện không có các quyền hạn đã được trao cho người đại diện”. Với quy định này, “khi đại diện theo luật hay tư pháp được triển khai, người được đại diện không có/còn quyền hạn đã được trao cho người đại diện trong toàn bộ thời gian đại diện”[5], “người được đại diện không còn có thể tự tiến hành các giao dịch mà người đại diện theo luật hay tư pháp đã được trao quyền triển khai”[6]. Với nội dung nêu trên, “do luật không phân biệt, việc không có/còn quyền này áp dụng cho giao dịch về quản lý cũng như cho giao dịch về định đoạt tài sản”[7].
Ở đây, “khi không có/còn quyền, người được đại diện không còn có thể tự tiến hành các giao dịch mà người đại diện theo luật hay tư pháp được trao quyền. Người được đại diện bị loại bỏ việc thực hiện các quyền của mình trong toàn bộ thời gian đại diện. Người được đại diện bị loại bỏ quyền trong trường hợp này rơi vào hoàn cảnh tương đồng với hoàn cảnh của người không có năng lực”[8].
Cở sở của việc không có/còn quyền: Như đã nêu “trong đại diện theo luật hay tư pháp, có việc chuyển giao mang tính áp đặt quyền hạn của người được đại diện cho người đại diện mà luật hay tòa án buộc họ phải theo”[9]. Khi đưa ra hướng này, nội tại Điều 1159 BLDS Pháp chưa cho biết lý do vì sao người được đại diện không có hay không còn quyền tự xác lập, thực hiện các giao dịch được trao cho người đại diện.
Theo các tác giả Pháp, “đại diện theo luật hay tư pháp được triển khai để bảo vệ người được đại diện hay người thứ ba đối với giao dịch mà người được đại diện có thể thực hiện nên người được đại diện không có khả năng thực hiện các giao dịch đó là chính đáng”[10]. Ở đây, “đại diện có mục đích bảo vệ hay trừng phạt người được đại diện nên việc không còn cho họ quyền xác lập, thực hiện giao dịch là cần thiết”[11]. Trong trường hợp đại diện theo luật hay tư pháp, lý do cho việc chuyển giao quyền xác lập, thực hiện giao dịch được lý giải bởi nhu cầu bảo vệ hay nhu cầu trừng phạt người được đại diện. Người được đại diện không còn quyền nữa vì cần bảo vệ họ hay do họ bị trừng phạt. Nói cách khác, “chính vì đại diện theo luật hay tư pháp được áp đặt cho người được đại diện với vai trò trừng phạt hay bảo vệ mà đại diện theo luật hay tư pháp làm mất quyền của người được đại diện”[12].
Bên cạnh đó, còn lý do nữa cho hướng giải quyết nêu trên là “việc không còn cho phép người được đại diện còn quyền đối với giao dịch có chức năng chính yếu là tránh những xung đột về giao dịch giữa người được đại diện và người đại diện”[13].
Phạm vi không có/còn quyền: Với quy định trên, người được đại diện không có/còn quyền đối với giao dịch thuộc thẩm quyền đã được trao cho người đại diện. Điều đó có nghĩa là phạm vi không có/còn quyền của người được đại diện lệ thuộc vào mức độ, phạm vi quyền được trao cho người đại diện.
Ở đây, “điều luật chỉ điều chỉnh việc không có/còn quyền thông qua đối tượng của nó. Cụ thể, việc không có/còn quyền được triển khai đối với quyền được trao cho người đại diện. Nó có tính hình học biến vì phụ thuộc vào phạm vi thẩm quyền được trao cho người đại diện. Thực tế, người đại diện có thể được trao quyền thực hiện một giao dịch hay một loạt các giao dịch (…). Vì thế, người được đại diện tiếp tục được triển khai các giao dịch và thực hiện các quyền của mình không nằm trong nhiệm vụ của người đại diện”[14].
Với nội dung trên, chúng ta hiểu rằng, phạm vi không có/còn quyền của người được đại diện lệ thuộc phạm vi thẩm quyền được trao cho người đại diện. Thẩm quyền của người đại diện càng lớn, việc không có/còn quyền của người được đại diện càng cao nên khả năng tự triển khai các giao dịch của người đại diện càng nhỏ.
1.2. Thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Đối với pháp nhân: “Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án” (khoản 1 Điều 137 BLDS năm 2015). Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định tương tự như Pháp theo hướng khi có đại diện theo pháp luật thì người được đại diện không có tự quyền xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật.
Thực ra, pháp nhân là một chủ thể pháp luật do con người tạo ra, tự thân pháp nhân không thể tự xác lập, thực hiện giao dịch với người khác. Do là chủ thể hư cấu (do con người tưởng tượng ra), pháp nhân không thể tự xác lập, thực hiện giao dịch cho mình khi dù có đại theo pháp luật hay không có đại diện theo pháp luật. Đó là nguyên lý chung của pháp nhân, không là điểm đặc thù riêng biệt của pháp nhân Việt Nam, “dù có bị loại bỏ quyền hay không bị loại bỏ quyền của mình, pháp nhân không thể tự thực hiện quyền của mình”[15].
Do đó, pháp nhân không thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch nên dù không có quy định như Pháp nêu trên, kết quả vẫn như nhau là khi có đại diện theo pháp luật, pháp nhân (người được đại diện) không thể tự thực hiện các giao dịch thuộc về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Đối với cá nhân: Nếu pháp nhân luôn cần có người đại diện do không thể tự xác lập, thực hiện các giao dịch thì cá nhân có thể cần người đại diện nhưng cũng có thể không cần người đại diện mà tùy vào hoàn cảnh. Có trường hợp cá nhân cần có người đại diện theo pháp luật như trường hợp của người mất năng lực hành vi dân sự (người đại diện có cả vai trò là người giám hộ theo khoản 2 Điều 136 BLDS năm 2015). Trong trường hợp này, pháp luật Việt Nam chưa có quy định như Pháp đã được nêu ở trên nhưng có quy định hướng tới kết quả gần tương tự. Bởi lẽ, BLDS năm 2015 có quy định, theo đó “Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện” (khoản 2 Điều 22) và “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý” (khoản 1 Điều 125). Ở đây, BLDS của chúng ta không có quy định như của Pháp đã đươc nêu ở trên nhưng, với những quy định như vừa nêu, chúng ta có kết quả tương đồng: Người được đại diện (là người mất năng lực hành vi dân sự) không thể tự xác lập, thực hiện giao dịch vì nếu họ tự xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch của họ rơi vào trường hợp vô hiệu theo yêu cầu của người đại diện.
Tuy nhiên, có trường hợp cá nhân có người đại diện theo pháp luật nhưng chúng ta lại chưa rõ là người được đại diện có thể tự xác lập, thực hiện giao dịch hay không. Chẳng hạn, đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì Tòa án “chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ” (khoản 1 Điều 23 BLDS năm 2015) như sau: khi quyết định tuyên bố bà E “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”, Tòa án quyết định “chỉ định bà A là người giám hộ của bà E. Bà A thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ theo quy định tại Điều 57, 58 Bộ luật Dân sự và thực hiện quản lý tài sản của người được giám hộ theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự”[16]. Ở đây, chúng ta biết người giám hộ (bà A) có quyền đại diện cho người được giám hộ (bà E) theo điểm b khoản 1 Điều 57 BLDS năm 2015, nhưng chúng ta chưa rõ là người được giám hộ (bà E) có bị loại trừ khả năng tự xác lập, thực hiện giao dịch hay không và cũng không chắc chắn về khả năng áp dụng khoản 1 Điều 125 nêu trên, do chưa rõ đây có phải là giao dịch “phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý”. Nói cách khác, đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì chúng ta chưa thực sự rõ là việc có đại diện theo pháp luật có làm mất quyền tự xác lập, thực hiện giao dịch của họ hay không.
Tương tự, BLDS năm 2015 có quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích (chưa bị coi là đã chết) tại Điều 69 theo hướng áp dụng các quy định tại Điều 66 và 67 của cùng Bộ luật, trong đó người quản lý có việc “Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng”, “Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án”. Ở đây, người quản lý được trao quyền xác lập một số giao dịch và đây là giao dịch trên danh nghĩa của người bị tuyên bố mất tích nhưng BLDS vẫn chưa cho biết người bị tuyên bố (chưa bị coi là chết) có quyền tự tiến hành các giao dịch này hay không.
Nên có quy định khái quát: Phần trên cho thấy, Pháp đã có quy định khái quát, theo đó, trong trường hợp có đại diện theo luật hay tư pháp, người được đại diện không có quyền tự xác lập, thực hiện các giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định tương tự. Đối với một số trường hợp như pháp nhân hay người mất năng lực hành vi dân sự, mặc dù Việt Nam chưa có quy định tương tự như Pháp đã được nêu ở trên nhưng chúng ta có kết quả gần tương tự thông qua một số quy định cụ thể. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể có kết quả tương tự đối với trường hợp đại diện theo pháp luật.
Quy định của Pháp nêu trên có yếu tố thuyết phục, làm cho hướng xử lý về quyền của người được đại diện rõ ràng hơn; người được đại diện cũng như người thứ ba trong giao dịch với người được đại diện biết rõ quyền hạn của mình hơn. Do đó, chúng ta nên có quy định khái quát tương tự như Pháp trong phần đại diện của BLDS; sự tồn tại của quy định như vậy trong phần chung về đại diện không những không mâu thuẫn với các quy định khác mà còn làm rõ quyền hạn của người được đại diện, điều cần thiết cho an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự.
2. Đối với đại diện theo ủy quyền
Nhận diện đại diện theo ủy quyền: Phần trên cho thấy BLDS Pháp ghi nhận đại theo theo “thỏa thuận” bên cạnh đại diện theo luật, đại diện tư pháp. Thực tế, đại diện theo thỏa thuận ở đây “là phổ biến nhất. Thông qua hợp đồng ủy quyền, người được đại diện hay người ủy quyền trao quyền đại diện cho người đại diện, người được ủy quyền để xác lập một hay nhiều giao dịch trên danh nghĩa của người được đại diện, người ủy quyền”[17].
Ở Việt Nam, BLDS năm 2015 quy định theo hướng “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền)” (Điều 135) nên đại diện theo ủy quyền khác với đại diện theo pháp luật ở việc đại diện theo ủy quyền được hình thành trên cơ sở ý chí của người được đại diện và, để đại diện có thể được thực hiện, việc ủy quyền này phải được người đại diện đồng ý. Do đó, đại diện theo ủy quyền ở Việt Nam thực chất là đại diện được hình thành trên cơ sở thỏa thuận.
Từ phân tích nêu trên, đại diện theo ủy quyền ở Việt Nam và đại diện theo thỏa thuận ở Pháp là tương đồng nhau.
2.1. Kinh nghiệm của Pháp
Người được đại diện có/còn quyền: Trước sửa đổi BLDS năm 2016, BLDS Pháp chưa thực sự rõ ràng về khả năng tự xác lập, thực hiện giao dịch của người được đại diện trong đại diện theo ủy quyền.
Với cải cách năm 2016, đã có “những thay đổi về đại diện”[18] và khoản 2 Điều 1159 BLDS ngày nay quy định liên quan đến đại diện theo thỏa thuận như sau: “trong trường hợp đại diện theo thỏa thuận, người được đại diện vẫn được thực hiện các quyền của mình”. Ở đây, cơ chế đại diện theo thỏa thuận “không loại trừ khả năng người được đại diện tự hành động”[19], “vẫn mở ra cho người ủy quyền khả năng hành động ở bất kỳ thời điểm nào”[20].
Trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, “các giao dịch thuộc nhiệm vụ của người được ủy quyền không bị cấm đối với người ủy quyền dù đó là giao dịch mang tính quản lý hay mang tính định đoạt tài sản, dù đó là giao dịch mang tính tài sản hay không mang tính tài sản”[21]. Nói cách khác, quy định trên được thiết lập theo hướng ủy quyền đại diện không làm cho người ủy quyền mất đi khả năng tự hành động; “người ủy quyền có thể thực hiện các giao dịch mà việc triển khai đã được trao cho người được ủy quyền. Có việc cạnh tranh quyền xác lập, thực hiện giao dịch”[22].
Cở sở của việc có/còn quyền: Đối với đại diện theo thỏa thuận, phần trên đã cho thấy BLDS Pháp quy định theo hướng “người được đại diện vẫn có thể thực hiện một cách hợp pháp các quyền của mình, giao dịch mà người được đại diện xác lập không bị vô hiệu vì người được đại diện vẫn giữ các quyền mà họ ủy quyền cho người khác việc thực hiện”[23].
Theo các chuyên gia Pháp, “so với đại diện theo pháp luật hay tư pháp, trong trường hợp của đại diện theo thỏa thuận thì người được đại diện vẫn còn khả năng thực hiện quyền của mình. Sự khác biệt được lý giải bởi việc đại diện theo luật hay tư pháp có mục đích bù đắp việc không có khả năng của người được đại diện trong việc thể hiện ý chí của mình còn đại diện theo thỏa thuận được thiết lập để tạo điều kiện cho việc xác lập giao dịch mà người được đại diện có thể tự xác lập”[24]. Ở đây, “đại diện theo thỏa thuận không làm cho người được đại diện không có hay không còn quyền. Người ủy quyền trao cho người đại diện quyền hành động ở vị trí và địa điểm của người được đại diện nhưng họ không bị mất quyền tự hành động. Đại diện theo thỏa thuận tạo ra nhân bản pháp lý không ảnh hưởng tới khả năng của bản gốc”[25].
Nói cách khác, đại diện theo thỏa thuận là sự lựa chọn mà người đại diện tiến hành, đó chỉ là một trong các cách thức mà người được đại diện thực hiện quyền nên họ không mất quyền tự hành động cho dù đã ủy quyền cho người khác. Ở đây, có việc ủy quyền chứ không có việc chuyển quyền nên người được đại diện vẫn còn quyền, vẫn có thể tự xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện.
Về khả năng thỏa thuận khác: Quy định trên được thiết lập theo hướng người được đại diện theo ủy quyền (theo thỏa thuận) vẫn có quyền thực hiện các giao dịch thuộc phạm vi trách nhiệm của người đại diện: “trong đại diện theo thỏa thuận, người được đại diện vẫn giữ các quyền năng của mình”[26].
Điều 1159 BLDS Pháp vẫn chưa cho biết các bên được thỏa thuận theo hướng khác hay không? Theo các chuyên gia Pháp, “quy định này không mang tính mệnh lệnh”[27] mà có tính chất “tùy nghi”[28] nên các bên có thể thỏa thuận khác như thỏa thuận chỉ bên đại diện được hành động đối với một số giao dịch cụ thể.
Với cách quy định theo hướng trên, có thể có “ủy quyền độc quyền”[29], tức chỉ người đại diện được hành động đối với giao dịch liên quan. Trong những trường hợp như vậy, “nếu giao dịch do người được đại diện xác lập vi phạm thỏa thuận giữa người được đại diện và người đại diện, giao dịch này có thể làm phát sinh trách nhiệm dân sự của người được đại diện đối với người đại diện và vẫn cho phép thực hiện thỏa thuận giữa người được đại diện và người đại diện như vẫn phải thanh toán thù lao cho người được ủy quyền”[30].
2.2. Thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Thực trạng văn bản: Phần trên cho thấy Pháp đã có quy định trong phần chung về đại diện, theo đó “trong trường hợp đại diện theo thỏa thuận, người được đại diện vẫn được thực hiện các quyền của mình”. Văn bản, cụ thể là BLDS của chúng ta lại chưa có quy định tương tự.
Ở đây, chúng ta có quy định theo hướng người đại diện theo ủy quyền có quyền xác lập, thực hiện giao dịch cho người đại diện như quy định, theo đó “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” (khoản 1 Điều 138 BLDS năm 2015) và người đại diện “được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện” (khoản 1 Điều 141 BLDS năm 2015).
Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có quy định cho biết là sau khi ủy quyền cho người đại diện, người được đại diện có được tự xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện hay không? Nói cách khác, chúng ta chưa có hướng xử lý rõ ràng như Pháp trong văn bản, chúng ta không có văn bản cho biết hướng xử lý rõ ràng về quyền của người được đại diện đối với giao dịch sau khi ủy quyền cho người khác.
Thực tiễn xét xử: Trước sự không rõ ràng của văn bản, thực tiễn xét xử đã thể hiện sự lúng túng trong việc xác định quyền của người được đại diện đối với giao dịch sau khi ủy quyền cho người khác.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta tham khảo nội dung sau đây của một quyết định giám đốc thẩm. Cụ thể, theo một quyết định giám đốc thẩm năm 2018, “Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm còn nhận định rằng vào ngày 09/9/2010, cụ Tư đã lập hợp đồng ủy quyền cho ông Tuấn toàn quyền sử dụng nhà đất với thời hạn 05 năm, trong khi hợp đồng ủy quyền chưa chấm dứt thì cụ Tư đã ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh là không đúng với Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Do cụ Tư là chủ sở hữu nhà đất nêu trên nên dù cụ Tư có ủy quyền cho ông Tuấn toàn quyền sử dụng thì cũng không làm hạn chế hoặc làm mất đi quyền về tài sản theo quy định pháp luật của cụ Tư. Do đó, nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng là không chính xác”[31].
Nội dung trên cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phân tích theo hướng một khi đã ủy quyền rồi thì người ủy quyền (mở rộng ra là người được đại diện) không còn có thể tự thực hiện các quyền đã ủy quyền cho người khác nữa như không thể tự xác lập giao dịch nữa (và đó cũng là quan điểm của một số công chứng viên hiện nay). Tuy nhiên, hướng đó đã không được Tòa giám đốc thẩm chấp nhận.
Hướng hoàn thiện pháp luật: Có thể thấy văn bản của chúng ta chưa có quy định rõ như BLDS Pháp trong trường hợp đại diện theo ủy quyền và thực tiễn thể hiện sự lúng túng về quyền của người được đại diện đối với giao dịch đã ủy quyền cho người đại diện.
Hướng như của Pháp đã được nêu ở trên là thuyết phục, đại diện theo ủy quyền chỉ là một trong các cách thức mà người đại diện có thể tiến hành quyền của mình, ủy quyền không là chuyển quyền. Do đó, việc người được đại diện ủy quyền cho người khác không loại trừ, không làm mất đi khả năng họ vẫn được quyền tự xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện.
Trong tương lai, khi có điều kiện sửa đổi BLDS, chúng ta cũng nên tiếp thu quy định nêu trên của Pháp về quyền của người được đại diện đối với đại diện theo thỏa thuận.
Kết luận: Nghiên cứu so sánh cho thấy, BLDS Pháp sau sửa đổi năm 2016 đã có những thay đổi lớn liên quan đến quyền của người được đại diện. Với Điều 1159, BLDS Pháp đã có sự phân biệt giữa đại diện theo thỏa thuận với đại diện theo luật hay tư pháp. Liên quan đến quyền của người được đại diện, “điều luật này đã làm rõ sự phân biệt thiết yếu giữa đại diện theo luật và tư pháp với đại diện theo thỏa thuận”[32] theo hướng “đại diện theo thỏa thuận là một cách thức thực hiện quyền tự chủ pháp lý của người được đại diện, còn đại diện theo luật và tư pháp thể hiện sự hạn chế đối với tự chủ pháp lý của người được đại diện”[33].
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định tương tự như quy định của Pháp, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm này để vận dụng vào Việt Nam khi có điều kiện sửa đổi BLDS. Việc bổ sung một quy định có tính khái quát cao như Điều 1159 BLDS Pháp vào phần đại diện trong BLDS của chúng ta sẽ làm cho chế định này rõ ràng hơn, tạo an toàn pháp lý hơn và tránh được sự lúng túng như thực tiễn xét xử hiện nay đang gặp phải.
Khi quy định theo hướng trên (tức có sự phân biệt giữa đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật), chúng ta cần lưu ý tới ranh giới áp dụng. Cụ thể, BLDS năm 2015 của chúng ta có một tiến bộ khi có quy định mới, theo đó “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý” (khoản 2 Điều 48). Đây là trường hợp cần xử lý giống đại diện theo pháp luật hay giống đại diện theo ủy quyền? Thực chất, quy định trên có chút giao thoa giữa đại diện theo ủy quyền (vì người đại diện được xác định theo ý chí của người được đại diện) và đại diện theo pháp luật (vì được áp dụng khi phải triển khai việc giám hộ nên việc giám hộ/việc đại diện là bắt buộc) nhưng thiên hướng ở đây là đại diện theo pháp luật (việc đại diện được áp đặt cho người được đại diện) nên trường hợp nêu cần xử lý như trường hợp đại diện theo pháp luật, tức người được đại diện sẽ không có quyền tự xác lập, thực hiện giao dịch thuộc phạm vi đại diện của người đại diện./.
 

 


[1] Xem Nguyễn Văn Cừ và Trần Thị Huệ (chủ biên): Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân 2017, tr. 248-250, 264-285 (có đề cập đến đại diện nhưng chưa phát triển chủ đề đang được nghiên cứu); Trương Nhật Quang: Pháp luật về hợp đồng - Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân Trí 2020, tr. 175-177, 258-259 (có đề cập đến đại diện nhưng chưa đề cập tới chủ đề đang được nghiên cứu).
[2] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette và François Chénedé: Les obligations, Précis-Dalloz 2018, phần số 234.
[3] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette và François Chénedé: Sđd, phần số 234.
[4] Nicolas Dissaux và Christophe Jamin: Réforme du droit des contrats, du régime général et de la prevue des obligations, Nxb. Dalloz 2016, tr. 54.
[5] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette và François Chénedé: Sđd, phần số 234.
[6] Noëmie Reichling: “Effets de la représentation: analyse critique de l'article 1159 du Code civil”, Defrénois 2019, tr. 15.
[7] Noëmie Reichling: Bđd.
[8] Noëmie Reichling: Bđd.
[9] Guillaume Wicker: “Le nouveau droit commun de la représentation dans le code civil”, Dalloz 2016, tr. 1942, phần số 14.
[10] Noëmie Reichling: Bđd.
[11] Michel Storck: “Fasc. unique: Contrat-Représentation”, JurisClasseur Civil Code (Art. 1153 à 1161) 2022, phần số 21.
[12] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 15.
[13] Noëmie Reichling: Bđd.
[14] Noëmie Reichling: Bđd.
[15] Marie Eliphe: “Le pouvoir de licencier du président d'une association”, JCP. S 2022, 1185.
[16] Quyết định số 15/2020/QĐST-DS ngày 17/12/2020 của Tòa án nhân dân Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
[17] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette và François Chénedé: Sđd, phần số 234.
[18] Nicolas Dissaux và Christophe Jamin: Sđd, tr. 54.
[19] Sabine Mazeaud-Leveneur: “Fasc. unique: Majeurs protégés-Mandat de protection future”, JurisClasseur Civil Code (Art. 477 à 494) 2020, phần số 40.
[20] Michel Storck: Bđd, phần số 21.
[21] Sabine Mazeaud-Leveneur: Bđd, phần số 40.
[22] Julien Boisson: “Chapitre 312-Règles de fond des donations: Parties au contrat”, Droit patrimonial de la famille, Dalloz action 2021, phần số 312.215.
[23] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 16.
[24] François Terré, Philippe Simler, Yves Lequette và François Chénedé: Sđd, phần số 234.
[25] N. Nicolas Dissaux và Christophe Jamin: Sđd, tr. 54.
[26] Nathalie Peterka: “Les implications de la réforme du droit des obligations en droit des personnes protégées”, AJ Famille 2016 p.533.
[27] Michel Storck: Bđd, phần số 21.
[28] Marie Eliphe: Bđd.
[29] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 16.
[30] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 16.
[31] Quyết định số 44/2018/KDTM-GĐT ngày 10/9/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh.
[32] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 14.
[33] Guillaume Wicker: Bđd, phần số 14.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 01/2023.)