Hệ thống Common Law và Equity: các vận dụng có thể có cho việc áp dụng lẽ công bằng trong xét xử tại toà án Việt Nam

20/04/2023

VIỆN SĨ.PGS.TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trường Đại học Kinh tế _ Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Luật Công bằng (Equity) trong Luật của Anh đã từng được coi là một nguồn luật đặc thù tồn tại song song với luật chung (Common Law). Sự hình thành của Equity được cho là có nguồn gốc từ phản ứng trong tâm trạng bức xúc của người dân trước những bản án bất lợi do thẩm phán tuyên dựa trên nguyên tắc, quy tắc máy móc, cứng nhắc của luật chung. Các nạn nhân của những bản án bất lợi khiếu nại đến Bộ Tư pháp (Chancery) để đòi công lý. Việc giải quyết khiếu nại do Bộ Tư pháp thực hiện không dựa trên Common law mà dựa trên những giá trị nhân văn như lương tri (conscience), sự ngay tình (bona fides), luật tự nhiên (law of nature), lẽ phải và công lý (right and justice), đạo đức (good morals)… Theo thời gian, các căn cứ ấy được nhìn nhận dưới hình thức một nguồn luật độc lập với Common Law được gọi là Equity. Trong bối cảnh toà án Việt Nam không được quyền từ chối xét xử vì lý do không có luật, việc dựa vào những giá trị nhân văn đã từng là chất liệu tạo thành Equity trong luật của Anh là điều nên làm. Vả lại, cần có cách thích hợp để những giá trị ấy được nhận diện dưới hình thức các quy tắc cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn.
Từ khoá: Lẽ công bằng, Common Law, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại.
Abstract: Equity in the law of England had been considered a specific source of law that existed in parallel with the Common Law, also known as Civil law. The development of Equity is held to have originated from the reaction of the discontented party to a litigation as a result of an unfavorable judgment based on the rigid, mechanical principles of the common law. Victims appeal to the Ministry of Justice (Chancery) for help. The Ministry of Justice’s officers do not rely on Common Law to make decision. They preferred to make clear the content, the nature of the fact as well as to aprreciate the fact on the of human values ​​such as conscience, bona fides, law of nature, right and justice, good morals, etc. By the end of some time, a new case law called Equity, had been acknowledged as a result.  To the extent that Vietnamese courts are not allowed to refuse to make decision on account of absence of law rule, it is recommended to refer to the experience of law of England as for the development of Equity in dispute settlement.
Keywords: Equity; Common Law; dispute settlement; treatment of complaint.   
LẼ-CÔNG-BẰNG_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan
Khái niệm: Luật Công bằng (Equity) trong Luật của Anh đã từng được coi là một nguồn luật đặc thù tồn tại song song với Luật chung (Common Law) hay còn gọi là Luật Dân sự (Civil law) theo cách gọi của những người nghiên cứu luật theo trường phái La Mã – Đức (Romano-Germanic).
Luật Công bằng gắn liền với tên tuổi của một loại toà án đặc biệt gọi là Toà án Công bằng (Equity Court) được Bộ Tư pháp tổ chức vận hành, lúc đầu được thành lập theo yêu cầu của nhà vua để giải quyết các khiếu nại của người dân. Một trong những nguồn khiếu nại chính đến từ hoạt động xét xử của hệ thống toà án do nhà vua lập ra. Sự hình thành của Equity được cho là có nguồn gốc từ phản ứng trong tâm trạng bức xúc của người dân trước những bản án bất lợi do thẩm phán tuyên dựa trên nguyên tắc, quy tắc máy móc, cứng nhắc của luật chung.
Nguồn gốc của Luật Công bằng ở Anh: Vào đầu thế kỷ XI, rõ hơn nữa là sau khi hoàn tất cuộc chinh phục nước Anh của người Bắc Âu (gọi là Norman Conquest) vào năm 1066, sau khi ổn định chế độ quân chủ trên toàn lãnh thổ Anh, nhà vua thành lập hệ thống toà án của mình để khẳng định vị thế của nền quân chủ trong lĩnh vực tư pháp trong bối cảnh nước Anh đã có sẵn hệ thống toà án bản địa[1]. Trong thời kỳ đầu vận hành của hệ thống toà án của triều đình, ở nước Anh không có luật áp dụng chung cho toàn lãnh thổ. Một hội đồng tư vấn do nhà vua lập ra cùng với các toà án từng bước xây dựng các quy tắc áp dụng cho tất cả các toà và các quy tắc này trở thành mầm mống ban đầu của Common Law. Các quy tắc như thế được xây dựng dựa trên các phong tục tập quán và luật lệ quân chủ cổ xưa ít nhiều được sửa đổi theo thời gian. Các toà án King’s Bench và Common Pleas đã dành rất nhiều thời gian và công phu để xây dựng các quy tắc tạo thành Common Law.
Các quyết định được toà án đưa ra dựa trên các quy tắc ấy trở thành các tiền lệ, có tác dụng ràng buộc các thẩm phán trong quá trình xét xử, đặc biệt mỗi khi thụ lý những vụ việc có tính chất tương tự. Kiểu xét xử theo tiền lệ ấy khiến cho luật được tạo ra trong quá trình xét xử ngày càng trở nên cứng nhắc và khuôn sáo. Hậu quả là trong trường hợp có sự việc mới và tình huống mới thì luật máy móc không có quy tắc để giải quyết và toà án từ chối đề ra giải pháp. Trong rất nhiều trường hợp một bên có quyền và lợi ích chính đáng bị xâm hại, nhưng đối chiếu sự việc với các quy tắc của Common Law, thẩm phán lại không nhận thấy tính chính đáng của yêu cầu do bên bị thiệt hại đưa ra và bác yêu cầu một cách bất công[2].         
Trong bối cảnh bị chèn ép bởi một hệ thống xét xử bảo thủ, các nạn nhân của những bản án bất lợi khiếu nại đến Bộ Tư pháp (Chancery) để đòi công lý[3]. Công việc giải quyết khiếu nại được Bộ Tư pháp thực hiện lúc đầu mang tính chất của việc tai mắt triều đình theo dõi hoạt động xét xử của toà án Common Law; theo thời gian, công việc này mang tính chất của hoạt động xét xử đích thực, độc lập với hoạt động của toà án Common Law, và được nhìn nhận như công việc xét xử của một toà án khác với toà án Common Law. 
Về căn cứ của việc giải quyết khiếu nại do Bộ Tư pháp thực hiện, Common Law không được và không thể được lựa chọn vì hai lý do. Thứ nhất, Common Law lúc đó bị cho là khung pháp lý hẹp hòi, quá chú trọng hình thức biểu hiện của sự việc. Thứ hai, việc giải quyết khiếu nại đối với bản án của Toà án Common Law mà lại chỉ dựa vào chính Common Law thì sẽ không có lối ra. Những người chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại nhân danh Bộ Tư pháp, vốn được đào tạo tại các trường lớp giảng dạy luật La Mã và luật Giáo hội, chú trọng nhiều hơn đến việc làm rõ bản chất của sự việc và đánh giá sự việc dựa trên những giá trị nhân văn như lương tri (conscience), sự ngay tình (bona fides), luật tự nhiên (law of nature), lẽ phải và công lý (right and justice), đạo đức (good morals)[4]... Theo thời gian, các căn cứ ấy được nhìn nhận dưới hình thức một nguồn luật độc lập với Common Law được gọi là Equity. Toà án độc lập với toà án Common Law và xét xử dựa trên Equity được gọi là Equity Court (toà án công bằng).
Thật ra, sự hình thành và phát triển của Equity chịu nhiều áp lực của xã hội, đặc biệt là từ giới thẩm phán của toà án Common Law. Nhiều ý kiến cho rằng Equity là thứ chuẩn mực vô nguyên tắc, tuỳ tiện, hoàn toàn lệ thuộc vào nhận thức, tình cảm của người tạo ra nó[5].  Nội dung của Equity có thể rất khác biệt tuỳ theo Chancellor: theo Chancellor này, thì công bằng là phải như thế này; nhưng theo Chancellor khác, thì công bằng là phải như thế khác. Tuy nhiên, trong chừng mực nào đó các ý kiến phê phán lại có tác dụng cảnh báo đối với các thẩm phán Equity, khiến họ phải thận trọng trong quá trình suy nghĩ, lập luận tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề đặt ra. Điều đó càng khiến cho Equity được hoàn thiện về chất lượng như là một nguồn luật độc lập, bổ khuyết so với Common Law.   
Toà án Equity và toà án Common Law tồn tại song song trong thời gian khá dài, nhưng đã sáp nhập lại với nhau tạo thành hệ thống xét xử thống nhất của nước Anh từ nửa cuối thế kỷ XIX. Tuy nhiên, Equity cũng như Common Law, được hiểu là những giá trị được gây dựng trong quá trình xử lý xung đột xã hội của quan toà, vẫn được bảo tồn. Equity ngày nay đã thẩm thấu vào toàn bộ hệ thống xét xử. Mỗi khi thụ lý một vụ án nào đó mà đối với vấn đề đặt ra không có quy tắc cần thiết đã được định hình để giải quyết, thì thẩm phán có thể tạo ra quy tắc mới bằng cách dựa vào những giá trị mà trước đây được cho là nguồn “nguyên liệu” để toà án Equity xây dựng các giải pháp của mình.    
2. Đóng góp tiêu biểu của Equity vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật
Chế định trust[6]: Được cho là công cụ khắc phục những thiếu sót và bất hợp lý, một trong những thành tựu được cho là đáng chú ý nhất mà Equity tạo ra, là trust, tạm dịch là quan hệ tín thác.
Trust ở Anh có lịch sử hình thành và hoàn thiện dài đến gần cả ngàn năm, bắt đầu từ việc giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến tài sản được người đi Thập tự chinh giao lại cho bạn bè hoặc người thân với điều kiện nếu người đi không trở về thì người nhận tài sản có trách nhiệm chuyển tài sản cho người thừa kế của người đi. Tranh chấp nổ ra trong trường hợp người nhận tài sản không chịu chuyển giao tài sản cho người thừa kế hoặc không chịu giao trả tài sản cho người đi trở về. Trong một số trường hợp, người thừa kế hoặc người đi trở về bị thua kiện trước toà án Common Law vì không chứng minh được một cách thuyết phục về cam kết giao trả hoặc hoàn trả ràng buộc người nắm giữ tài sản, trong khi bằng chứng về việc chuyển quyền sở hữu cho người nắm giữ tài sản thuyết phục hơn. Trong điều kiện không có cấp xét xử phúc thẩm, người thua kiện khiếu nại đến Chancery (Bộ Tư pháp). Thật ra, Chancery không phải là một cấp toà mà chỉ là cơ quan được giao quyền cấp trát (writ) cho phép người dân nộp đơn kiện tại toà án. Được nhà vua yêu cầu giải quyết khiếu nại của người dân, Chancery xem xét khiếu nại trên cơ sở đánh giá các chứng cứ không theo các tiêu chí cứng nhắc như toà án mà chủ yếu dựa vào lẽ công bằng (equity). Nhờ cách đánh giá này mà trong không ít trường hợp các quyền của người khiếu nại đối với tài sản được thừa nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện Chancery không có quyền huỷ quyết định của toà án, quyết định thừa nhận của Chancery về quyền của người khiếu nại đối với tài sản tạo ra một tình trạng pháp lý đặc thù gọi là tín thác (trust), trong đó hai chủ thể cùng có quyền trên một tài sản: người nắm giữ tài sản được thừa nhận là người có quyền sở hữu hợp pháp (legal ownership) đối với tài sản; còn người còn lại có lợi ích đối với tài sản được thừa nhận theo lẽ công bằng (equitable interest).
Phát sinh một cách tình cờ từ việc giải quyết tranh chấp và khiếu nại liên quan đến tài sản chuyển giao theo lòng tin, trust phát triển theo thời gian và dần trở thành quan hệ tài sản phổ biến trong đời sống xã hội, được ghi nhận ở hầu như tất cả các lĩnh vực – gia đình, kinh doanh, giáo dục, khoa học, từ thiện,…
Trong thời đại ngày nay, có thể ghi nhận nhiều loại trust. Được xác lập theo ý chí, có thể kể ra trust kinh doanh (business trust) hình thành từ việc chuyển giao tài sản cho một người khác hoặc tách tài sản ra khỏi khối tài sản thông thường của chủ thể để khai thác trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh; trust gia đình (family trust) hình thành từ việc lập một khối tài sản đặc biệt mà việc khai thác được thực hiện nhằm phục vụ cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục một thành viên gia đình; trust mục tiêu hình thành từ việc lập một khối tài sản đặc biệt mà việc khai thác nhằm phục vụ cho việc hiện thực hoá một mục tiêu nào đó, như từ thiện, tài trợ giáo dục, tài trợ hoạt động khoa học,…   
3. Khả năng vận dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử ở Việt Nam
Lẽ công bằng là nguồn luật phụ trợ: Việc áp dụng lẽ công bằng được chính thức nhắc đến lần đầu tiên tại Điều 6 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 (BLDS).
Điều6. Áp dụng tương tự pháp luật
1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Cụ thể hoá quy định trên đây trong hoạt động xét xử các vụ, việc dân sự, các tác giả Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) tại Điều 45 khẳng định việc áp dụng lẽ công bằng chỉ được thực hiện trong trường hợp luật không quy định, không có phong tục tập quán để áp dụng, không thể áp dụng tương tự pháp luật và thậm chí không có án lệ để áp dụng. Với quy định như thế, thì dư địa áp dụng lẽ công bằng rất hẹp. Đáng nói nữa là quy định trên đây của BLDS phải được hiểu là việc thiết lập một thứ tự áp dụng nguồn luật mang tính bắt buộc: luật viết (luật thành văn) đi trước, kế đó là phong tục tập quán,… lẽ công bằng ở vị trí sau cùng. Điều đó có nghĩa là dù được gọi là lẽ công bằng, chuẩn mực không được áp dụng một khi đã có quy định của luật thành văn áp dụng được, ngay cả trong trường hợp quy định của luật thành văn… không công bằng. Điều này tạo sự khác biệt lớn giữa lẽ công bằng trong luật Việt Nam và lẽ công bằng trong luật Anh - Mỹ: như đã biết, lẽ công bằng trong luật của Anh được cho là công cụ chỉnh đốn những sai sót của luật; bởi vậy, nếu luật không giải quyết thoả đáng, đặc biệt là tỏ ra không công bằng, thì lẽ công bằng phải được áp dụng để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên liên quan.
Trong bối cảnh toà án Việt Nam không được quyền từ chối xét xử vì lý do không có luật, việc dựa vào những giá trị nhân văn đã từng là chất liệu tạo thành Equity trong luật của Anh là điều nên làm. Vả lại, cần có cách thích hợp để những giá trị ấy được nhận diện dưới hình thức các quy tắc cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo, tìm hiểu để áp dụng.   
Điều quan trọng là phải làm thế nào để nhận thức về lẽ công bằng ở thẩm phán là nhận thức khách quan và được ghi nhận một cách phổ quát, chứ không phải chỉ là nhận thức cá biệt, chủ quan.  
Trong các nỗ lực nhận diện lẽ công bằng về mặt pháp lý, các tác giả BLTTDS chính thức định nghĩa thuật ngữ này tại Điều 45: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.
Nỗ lực của người làm luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, một khi đã gọi là chuẩn mực ngoài luật thành văn mà lại được định dạng bằng luật thành văn, thì lẽ công bằng có nguy cơ bị luật thành văn đóng khung. Đáng lý ra, luật viết chỉ cần chính thức thừa nhận việc áp dụng lẽ công bằng như một loại chuẩn mực bổ khuyết; việc xây dựng và hoàn thiện khái niệm lẽ công bằng, như ở Anh và ở nhiều nước trên thế giới, là công việc của các nhà nghiên cứu và nhà thực hành.
Ví dụ về áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử ở Anh: Một trong những vụ án mà trong đó lẽ công bằng được áp dụng để xét xử được gọi là vụ án High Trees, diễn ra năm 1947. Chủ đất cho một số tá điền thuê đất; trong thời gian chiến tranh, một số tá điền bỏ đất ra đi; để giữ chân những tá điền khác, chủ đất hạ thấp giá thuê; sau chiến tranh, chủ đất muốn khôi phục giá thuê cũ và, thậm chí, đòi cả phần chênh lệch mà người thuê đã giữ lại trong thời gian giảm giá. Các cuộc tranh cãi xoay quanh vế thứ hai của yêu cầu trên. Chủ đất nói rằng những người thuê đất còn ở lại chỉ làm mỗi việc là thực hiện hợp đồng thuê, họ không có cam kết gì mới đối ứng với cam kết hạ giá thuê của chủ đất; bởi vậy, cam kết hạ giá thuê không có hiệu lực.
Khi sự việc được đưa ra Toà án, các thẩm phán, trong các nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người thuê đất, đã xây dựng lý thuyết về điều trói buộc (Estoppel). Tư tưởng chủ đạo là: nếu một người, bằng lời nói hoặc bằng thái độ xử sự, đưa ra một lời cam kết khiến cho người khác hành động do được thôi thúc bởi lòng tin vào lời cam kết đó, thì người cam kết không được chối bỏ lời cam kết của mình, một khi sự chối bỏ đó tỏ ra không phù hợp với lẽ công bằng. Người chủ đất trong vụ án High Trees đã muốn làm cho người thuê tin mình và ở lại trên đất thuê; họ đã tin và đã ở lại; bởi vậy, người chủ đất không thể chối bỏ lời hứa của mình.
Từ lý thuyết về điều trói buộc, người ta có được một quy tắc cho phép bảo vệ quyền lợi của một người do tin tưởng vào lời hứa của một người khác mà hành động dù không có vật gì để đánh đổi với lời hứa đó.
Ví dụ về khả năng áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử ở Việt Nam: Theo khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, chồng không được ly hôn trong trường hợp người vợ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều luật được xây dựng như một ngoại lệ  đối với nguyên tắc tôn trọng tự do ly hôn, điều luật chỉ được áp dụng trong tình huống mà luật dự kiến. Tuy nhiên, thực tiễn có thể ghi nhận những tình huống tương tự; ví dụ, người vợ mắc bệnh hiểm nghèo, trong tình trạng nguy kịch và đang được điều trị nội trú. Trong điều kiện không có luật và cũng không thể áp dụng tương tự pháp luật đối với khoản 3 Điều 51 trên đây do tính chất ngoại lệ của quy tắc, thẩm phán có thể dựa vào lẽ công bằng để ra quyết định trong trường hợp người chồng xin ly hôn khi người vợ ở trong hoàn cảnh như thế.     
Trường hợp của án lệ số 2. Án lệ số 2/2016/AL được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06/4/2016 ngày của Chánh án Toà án nhân dân tối cao có thể được coi là kết quả của những nỗ lực tìm kiếm lối ra hợp lý cho vụ tranh chấp về cách xử lý hậu quả của việc nhờ đứng tên hộ để mua tài sản. Một người nước ngoài gốc Việt chuyển tiền cho một người Việt trong nước để “mua” quyền sử dụng một thửa đất và nhờ người nhận tiền đứng tên hộ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau đó, người đứng tên hộ tự ý “bán” quyền sử dụng thửa đất; người nhờ đứng tên hộ kiện đòi số tiền bán đất. Theo án lệ, trong trường hợp này cần tính đến công sức của người đứng tên hộ trong việc bảo quản, tôn tạo bất động sản. Nếu không xác định được chính xác giá trị của công sức đó, thì thừa nhận người đứng tên hộ và người nhờ đứng tên hộ có quyền ngang nhau đối với phần chênh lệch giữa số tiền bán đất thu được và số tiền mà người nhờ đứng tên hộ đã giao cho người mua. Cách giải quyết của toà án được cho là có phần thiên về bảo vệ người đứng tên hộ. Thật ra, người đứng tên hộ phải biết mình không phải là chủ sở hữu đích thực của tài sản mà chỉ là người đứng tên hộ người khác; bởi vậy, trong trường hợp người này có thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo tài sản thì tự nhiên sẽ quan tâm đến việc lập và lưu giữ minh chứng cần thiết để yêu cầu hoàn lại chi phí sau này. Nếu không có minh chứng, thì phải thừa nhận rằng người này không có đầu tư gì đặc biệt. Còn việc người này quản lý tài sản có thể có được coi là một dịch vụ người này thực hiện nhằm phục vụ lợi ích của người đúng tên hộ. Dịch vụ này được thanh toán thù lao. Theo cách lập luận như thế, được cho là phù hợp với lẽ công bằng, thì rõ ràng giải pháp được ghi nhận trong án lệ số 2 trên đây tỏ ra thiên về bảo vệ lợi ích của người đứng tên hộ, trong khi người này không phải là bên yếu thế trong quan hệ với bên kia. 
4. Lẽ công bằng và hai cấp xét xử
Tôn trọng thứ tự áp dụng nguồn luật: Tình huống đặt ra là một vụ án được xử ở cấp sơ thẩm trên cơ sở áp dụng một quy tắc hoặc một án lệ nào đó. Đến cấp phúc thẩm thì thẩm phán lại cho rằng nếu xét xử vụ án theo lẽ công bằng thì giải pháp sẽ khác. Vấn đề đặt ra là thẩm phán cấp phúc thẩm có thể áp dụng lẽ công bằng để xử lại vụ án khác với cách giải quyết của cấp sơ thẩm.
Ở Anh, trong thời kỳ tồn tại song song hai hệ thống toà án – Equity và Common Law, thì trong trường hợp cả hai toà cùng xử một vụ cho ra hai cách giải quyết khác nhau, cách giải quyết của toà Equity sẽ được ưu tiên thi hành[7]. Sau khi hai hệ thống toà được hợp nhất, thì Equity, được hiểu là một loại căn cứ để xét xử, vẫn tỏ ra vượt trội so với Common Law bởi Equity được cho là công cụ khắc phục những khiếm khuyết của Common Law. Trong trường hợp nêu trên, nếu lẽ công bằng cho phép có được giải pháp thoả đáng hơn, thì thẩm phán cấp phúc thẩm có quyền gạt bỏ án lệ để áp dụng lẽ công bằng.
Ở Việt Nam, để giải quyết một vụ án dân sự, thẩm phán phải căn cứ vào các chuẩn mực của các nguồn luật theo thứ tự ưu tiên được xác định như trên. Về mặt lý thuyết, trong trường hợp bản án sơ thẩm dựa vào các chuẩn mực thuộc nguồn luật được xếp ở thứ tự cao hơn, thì không thể dùng lẽ công bằng để xét lại bản án ở cấp phúc thẩm, cho dù giải pháp theo lẽ công bằng có thể hợp lý hơn. Tuy nhiên, nếu án sơ thẩm cũng dựa vào lẽ công bằng và thẩm phán cấp phúc thẩm lại thấy cũng theo lẽ công bằng lại có cách giải quyết khác thoả đáng hơn, thì có quyền xử lại.
Riêng trong trường hợp án sơ thẩm căn cứ vào án lệ, thì cấp phúc thẩm vẫn có khả năng xét xử lại theo lẽ công bằng một khi có đủ các yếu tố được ghi nhận tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của  Hội đồng thẩm phán TANDTC:
“2. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Tất nhiên, bản án dựa vào lẽ công bằng hoàn toàn có thể được chọn theo quy trình công nhận án lệ và trở thành một án lệ./.

 


[1] Toà án bản địa ở Anh trong thời kỳ đầu thiết lập nền quân chủ Bắc Âu bao gồm Toà án cấp xã (Court of Hundred) và Toà án cấp hạt (Court of Shire): xem Geoffrey Hazard jr., The Early Evolution of the Common Law Writ: A Sketch, The American Journal of Legal History, Quyển 6, 1962, tr. 114-122. Sau khi ổn định sự thống trị trên lãnh thổ, triều đình cũng thiết lập quyền kiểm soát đối với các toà án bản địa.   
Thật ra, ở thời kỳ đầu thiết lập nền quân chủ Bắc Âu, hệ thống toà án ở Anh rất phức tạp. Bên cạnh các toà án cấp xã và cấp hạt đã tồn tại từ lâu, các tướng lĩnh của nhà vua, trở thành các lãnh chúa phong kiến, cũng thành lập toà án của riêng mình (gọi là Norman feudal court) để giải quyết những xung đột, tranh chấp xảy ra trên phạm vi lãnh địa của mình. Sự tranh giành quyền xét xử giữa toà án bản địa và toà án phong kiến dẫn đến việc triều đình phải chủ động can thiệp vào việc giải quyết xung đột bằng cách sử dụng một công cụ đặc biệt gọi là writ, tạm dịch là trát đòi. Đây là một văn kiện được lập dưới danh nghĩa của nhà vua chứa đựng mệnh lệnh đối với một người nào đó, theo giả thiết, có hành vi sai trái cần được chấn chỉnh. Lúc đầu, writ được ban ra trực tiếp cho bên bị cho là có hành vi sai trái và được thực hiện ngay. Sau này, do nhận thấy việc đánh giá hành vi là đúng hay sai do cơ quan viết writ thực hiện có nguy cơ tuỳ tiện dẫn đến những mệnh lệnh bất công, nhà vua yêu cầu gửi writ cho quận trưởng (sheriff) để xem xét việc thi hành;  nhà vua còn chọn cách khác là gửi writ đến toà án do nhà vua lập ra để xem xét trước khi đưa ra thi hành. Chính từ cách thứ hai này mà mới hình thành tập quán thụ lý của toà án trên cơ sở có writ của nhà vua hoặc cơ quan nhân danh nhà vua.       
[2] Ví dụ điển hình là các yêu cầu của bên bị cho là chịu thiệt hại trong vụ uỷ thác tài sản của lãnh chúa tham gia thập tự chinh: xem tiếp 3.   
[3] Thật ra, lúc đầu người dân bức xúc kiện thẳng đến nhà vua và vua xem xét từng vụ. Sau này, do việc khiếu nại gia tăng, nhà vua uỷ quyền cho các thành viên hội đồng tư vấn, rồi dần dần các việc khiếu nại được dồn hết cho Bộ Tư pháp: Warren Kittle, The Court of law and Equity – Why They Exist and Why They Differ, West Virginia Law Review, Quyển 26, Ấn bản 19, 1919, bài số 3, tr. 21-34 .
[4] Howard Oleck, Historical Nature of Equity Jurisprudence, Fordham law Review, quyển 20, số 1, tr. 25-44.
[6] Xem, ví dụ, James Barre Ams, The Origin of Uses and Trust, Harvard Law Review, Quyền 28, số 4, 1908, tr. 261-274. 
[7] Howard Oleck, Historical Nature of Equity Jurisprudence, Fordham law Review, quyển 20, số 1, tr. 25-44.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 1/2023.)