Thu hồi tài sản tham nhũng – thuận lợi và khó khăn khi Việt Nam thực thi công ước về chống tham nhũng

13/03/2023

THS. TRẦN THỊ DIỆU HƯƠNG

Trường Đại học Luật, Đại học Huế,

THS. TRẦN NGỌC THÚY

Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng ở Việt Nam đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng lại gặp nhiều khó khăn. Các tác giả phân tích những thuận lợi, khó khăn của quá trình thu hồi tài sản tham nhũng và đưa ra một số kiến nghị, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Từ khoá: Tham nhũng, tài sản tham nhũng, thu hồi, UNCAC.
Abstract: In recent years, lots of corruption cases in Vietnam have been discovered and handled. However, the recovery of corrupted assets is facing several difficulties. The authors of this article provide an analysis of the advantages and disadvantages of the process of recovering corrupted assets and also give out a number of recommendations, under the context that Vietnam has joined the United Nations Anti-Corruption Convention.
Keywords:Corruption; corrupted assets; recovery; UNCAC.
 THU-HỒI-TÀI-SẢN-THAM-NHŨNG_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Thu hồi tài sản tham nhũng trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (The United Nations Convention against Corruption - UNCAC) có hiệu lực từ ngày 14/12/2005, gồm 8 chương với 71 điều quy định về các biện pháp mang tính phòng ngừa và xử phạt, hợp tác quốc tế và thu hồi tài sản tham nhũng, nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở tất cả các nước thành viên. Công ước ngày càng được thừa nhận rộng rãi khi được dẫn chiếu trong nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là trong những cam kết về chống tham nhũng trong các hiệp định thương mại.
Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước) là khung pháp lý quốc tế toàn diện làm cơ sở cho các chính phủ ngăn ngừa và xử lý hiệu quả hơn nữa vấn đề tham nhũng. Công ước đề ra một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong chống tham nhũng thông qua các biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Điều 1 Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn… Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.
Theo quy định tại Điều 3 Công ước, phạm vi áp dụng của Công ước bao trùm tất cả các lĩnh vực của công tác chống tham nhũng, gồm: phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong toả, tạm giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản có được do phạm các tội quy định trong Công ước. Như vậy, việc xây dựng, thực thi Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc là một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.
Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn nạn tham nhũng và sự cần thiết cải thiện các cơ chế nhằm chống lại những tác hại của tham nhũng; hỗ trợ cho việc thu hồi tài sản tham nhũng, Công ước đã dành riêng một chương về chế định thu hồi tài sản và quy định việc hoàn trả tài sản là nguyên tắc căn bản của Công ước này và các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau sự hợp tác và trợ giúp tối đa trong vấn đề này (Điều 51 Công ước). Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên hỗ trợ các quốc gia nạn nhân của tham nhũng thông qua việc phong tỏa, tịch thu và trả lại bất kỳ tài sản có nguồn gốc tham nhũng nào trên lãnh thổ của mình. Bên cạnh sự ghi nhận mang tính nguyên tắc như trên, các quốc gia vẫn có thể khấu trừ vào tài sản hoàn trả những khoản chi phí phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến việc hoàn trả và xử lý tài sản tịch thu phù hợp với các quy định của Công ước[1].
Chế định thu hồi tài sản tham nhũng trong Công ước bao gồm nhiều biện pháp toàn diện và phức tạp, là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Ngoài biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng thông qua tương trợ tư pháp hình sự, các nội dung, biện pháp khác liên quan đến nhiều lĩnh vực và cơ quan khác nhau; từ việc bảo đảm các chính sách, pháp luật, thực thi pháp luật trong nước để phòng ngừa, phát hiện tài sản tham nhũng đến nhận dạng, truy tìm, phong tỏa, tạm giữ, tịch thu, trả lại tài sản tham nhũng (nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng), liên quan đến nhiều loại hình tố tụng: dân sự, hình sự, hành chính và gắn liền với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản, tùy từng nội dung hợp tác cụ thể mà các yêu cầu, đề nghị giữa các quốc gia thành viên được đưa ra theo những hình thức, nội dung, kênh hợp tác và cấp độ hợp tác khác nhau.
Công ước - UNCAC cung cấp cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản như áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp, các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế, yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, tạm giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản tham nhũng như:
(1) Cơ chế đảm bảo hiệu lực trực tiếp của các lệnh phong toả hoặc tịch thu do toà án của một quốc gia thành viên khác ban hành[2];
(2) Cơ chế tịch thu tài sản không dựa trên phán quyết của toà án, đặc biệt trong các trường hợp người phạm tội đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc trong các trường hợp khác[3];
(3) Cơ chế khởi kiện vụ án dân sự bởi một quốc gia thành viên khác, cho phép quốc gia thành viên đó thu hồi tài sản với tư cách là nguyên đơn[4];
(4) Cơ chế tịch thu tài sản có nguồn gốc từ nước ngoài thông qua xét xử tội rửa tiền hoặc các tội danh khác[5];
(5) Cơ chế lệnh của toà án về bồi thường thiệt hại cho một quốc gia thành viên khác và toà án công nhận quốc gia thành viên khác đó là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được từ tham nhũng[6];
(6) Cơ chế chủ động công khai thông tin với một quốc gia thành viên khác mà không cần phải có yêu cầu của quốc gia thành viên đó[7];
(7) Cơ chế hợp tác quốc tế và hoàn trả tài sản[8].
Trên thực tế, việc thu hồi tài sản tham nhũng là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền ở những hệ thống pháp luật khác nhau với những quy trình, thủ tục khác nhau. Vì vậy, sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp (Stonlen Assest Recovery Initiative – StAR) - một chương trình phòng, chống tham nhũng do Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới cùng nhau thực hiện đã được triển khai nhằm hướng dẫn những người thực hiện công tác liên quan đến thu hồi tài sản, khi họ phải đối mặt với những thách thức về chiến lược, tổ chức, điều tra và pháp lý trong thu hồi những tài sản đã bị các nhà lãnh đạo tham nhũng lấy cắp và che giấu ở nước ngoài.
Chương trình này đề xuất quy trình thu hồi tài sản tham nhũng gồm 5 bước: Thứ nhất, thu thập thông tin tình báo và chứng cứ, tìm kiếm tài sản; thứ hai, xác minh, đóng băng, đảm bảo tài sản; thứ ba, quy trình tại toà án; thứ tư, thi hành lệnh của Toà án; thứ năm, hoàn trả tài sản. Các bước này đều được tiến hành thông qua quá trình tương trợ tư pháp.
Trong thực tế, có khá nhiều lựa chọn pháp lý để theo đuổi việc thu hồi tài sản, trong đó có những cơ chế sau đây:
Thứ nhất, thu hồi tài sản dựa trên tài sản có thể xác định được hoặc thu hồi dựa trên giá trị tài sản. Đối với những tài sản tham nhũng có thể xác định được, cơ quan chức năng phải chứng minh được mối quan hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội. Đối với tài sản không thể xác định được vì đã bị tiêu huỷ hoặc chuyển đổi sang những dạng thức khác thì tiến hành thu hồi những tài sản hoặc tiền có giá trị tương đương với giá trị tài sản do tham nhũng mà có. Theo đó, toà án có trách nhiệm xác định giá trị tài sản tham nhũng phải thu hồi và tiến hành thu hồi giá trị tương ứng đối với bất kỳ tài sản nào thuộc về người phạm tội trong phạm vi khả năng thanh toán của bị cáo. Toà án có thể tuyên bổ sung hình phạt tù cho bị cáo trong trường hợp số tài sản thực tế thu hồi được thấp hơn giá trị tài sản tham nhũng cần thu hồi.
Thứ hai, thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên bản chất của chế tài, bao gồm thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên kết án và thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên kết án. Trên thực tế, thu hồi tài sản tham nhũng là hình phạt mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để trừng phạt người phạm tội thông qua một phán quyết của toà án. Đây là một hình thức thu hồi tài sản tham nhũng phổ biến hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, việc kết án bị cáo đôi khi không khả thi nếu bị cáo chạy trốn, chết hoặc được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Ngoài ra, nếu việc chứng minh tội phạm gặp nhiều khó khăn và kéo dài sẽ tạo điều kiện cho tội phạm có nhiều thời gian để tẩu tán tài sản. Mặc khác,thu hồi tài sản tham nhũng không dựa trên phán quyết của toà án là hình thức mà toà án có thể tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng ngay cả khi không thể kết án người phạm tội do họ đã chết, chạy trốn hoặc được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Theo hình thức này, tài sản có thể bị thu hồi mà không truy cứu trách nhiệm hình sự của nghi phạm.
Thứ ba, thu hồi tài sản tham nhũng dựa trên thẩm quyền tài phán. Hiện nay, có hai dạng chính là thu hồi tài sản tham nhũng trực tiếp và thu hồi tài sản tham nhũng gián tiếp.Điều 53 Công ước quy định: “mỗi quốc gia thành viên, căn cứ vào pháp luật quốc gia, sẽ: (a) tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước này; (b) tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác phải chịu thiệt hại từ tội phạm đó”. Với biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trực tiếp, các vụ kiện dân sự có thể được xét xử ngay cả khi bị cáo vắng mặt. Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng gián tiếp là việc thực thi một phán quyết của toà án nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng đã được chuyển tới lãnh thổ của nước mình, tiến hành tịch thu và trả lại tài sản đó cho quốc gia có yêu cầu. Theo Điều 54 của Công ước, các quốc gia có yêu cầu phải có quy định cho phép cung cấp tương trợ tư pháp cho các quốc gia khác để thu hồi tài sản tham nhũng.
2. Một số thuận lợi và khó khăn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam theo Công ước UNCAC
2.1. Một số thuận lợi
   Ngày 14/12/2005, Công ước có hiệu lực thi hành. Ngày 18/9/2009, Công ước này có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam. Ngay sau khi ký kết Công ước, Việt Nam đã bắt đầu nội luật hóa những quy định của pháp luật quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2007, năm 2012. Việt Nam đã triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước trên các lĩnh vực như:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Chương 2 về việc thành lập các cơ quan phòng ngừa tham nhũng: “Mỗi quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về tên và địa chỉ của cơ quan (các cơ quan) mà các cơ quan này có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên khác trong việc phát triển và triển khai các biện pháp cụ thể về phòng ngừa tham nhũng”. Trên cơ sở điều khoản này, Viện Nam đã chỉ định Thanh tra Chính phủ là Cơ quan phòng ngừa.
Mặc khác, khoản 13 Điều 46 chương IV của Công ước đã quy định về hợp tác quốc tế: “Mỗi quốc gia thành viên phải chỉ định Cơ quan trung ương có quyền hạn và trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu tương trợ tư pháp và trực tiếp thực hiện hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện… Tổng thư ký Liên hợp quốc phải được thông báo về Cơ quan trung ương được chỉ định khi quốc gia thành viên nộp văn kiện phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập Công ước này…”. Trên cơ sở điều khoản này, Viện Nam đã chỉ định Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, Bộ Tư pháp là Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp dân sự.
Như vậy, mặc dù đều được chỉ định trong khuôn khổ UNCAC, nhưng cơ sở pháp lý của việc chỉ định Cơ quan đầu mối là các Nghị quyết của Hội nghị thành viên Công ước và mức độ ràng buộc là khuyến nghị. Trong khi đó, cơ sở pháp lý của việc chỉ định Cơ quan phòng ngừa và Cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp đều căn cứ vào các điều khoản cụ thể trong Công ước, và mức độ ràng buộc được xác định là nghĩa vụ của quốc gia thành viên[9].
Thứ hai, Việt Nam đã từng bước nội luật hoá và hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng không bắt buộc quốc gia thành viên phải sửa đổi hay xây dựng mới bất kỳ quy định của pháp luật cụ thể nào sau khi phê chuẩn Công ước, nếu việc đó gây bất lợi cho quốc gia thành viên. Quá trình nghiên cứu Công ước cho thấy, pháp luật Việt Nam hiện đã đáp ứng các quy định mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiến hành nội luật hoá pháp luật trên cơ sở Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII[10]. Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 cũng đã góp phần hoàn thiện các chính sách pháp luật của Việt Nam theo Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc.
Thứ ba, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đã có nhiều hình thức và biện pháp tích cực trong tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng[11].
2.2. Một số khó khăn
   Thứ nhất, pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất
Những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng được quy định trong nhiều bộ luật khác nhau và có những trường hợp xung đột, mâu thuẫn trong cách hiểu và áp dụng. Các quy phạm pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam hiện nay ngoài một số điều khoản được quy định trong Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng, còn lại đều được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thi hành án dân sự… Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng.
Ví dụ: Theo Điều 93 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, các tội phạm liên quan đến tham nhũng lại được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) như các tội phạm tham nhũng là đối tượng áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản (Điều 45)
Thứ hai, hệ thống pháp luật Việt Nam còn có điểm chưa thực sự phù hợp với các quy định của UNCAC
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có nhiều cải cách, tiếp thu kinh nghiệm thế giới về quy định thu hồi tài sản tham nhũng nhưng vẫn còn những điểm chưa thực sự phù hợp và tương thích với những quy định của UNCAC.
Theo quy định tại Điều 54 Công ước của UNCAC, các quốc gia thành viên có thể đề nghị nhau thực hiện tương trợ tư pháp nhằm xử lý tài sản tham nhũng. Theo đó, một quốc gia thành viên có thể đề nghị quốc gia thành viên khác công nhận quyết định, bản án của mình về kê biên, phong toả, tạm giữ hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có; hoặc đề nghị quốc gia thành viên ban hành quyết định, bản án để kê biên, phong toả, tạm giữ hoặc tịch thu tài sản do phạm tội mà có.
Nhằm thể chế hoá các quy định của Công ước, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam đã đưa ra các quy định về biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng như: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ… đồng thời quy định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác nhằm thu hồi tài sản. Về thời hạn, khoản 3 Điều 133 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Tuy nhiên, Luật tương trợ tư pháp của Việt Nam chưa quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phối hợp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự.
Việc thu hồi số tiền tham nhũng được thực hiện trong quá trình phát hiện, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong các vụ án tham nhũng. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi số tiền thu được từ tham nhũng, chẳng hạn như khám xét, thu giữ, khám xét hàng tồn kho, đóng băng, tịch thu số tiền thu được hoặc bị tước đoạt từ các hành vi tham nhũng.
Hiện nay, việc thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là các tài sản mà cơ quan thi hành án dân sự có thể kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành án. Vì vậy, để bảo đảm việc thu hồi tài sản sau xét xử, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú ý đến việc xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo để có biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, cất giấu tài sản trong điều kiện việc kiểm soát của Nhà nước đối với tài sản của cá nhân, tổ chức còn nhiều hạn chế.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định chặt chẽ về cơ chế để bảo đảm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo; trong khi đó hành vi tham nhũng có thể đã được phát hiện từ hoạt động kiểm tra của các  cơ quan, hoạt động kiểm toán và phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức, do đó, bản thân người phạm tội có thể tẩu tán tài sản. Không chỉ có vậy, tài sản bị tịch thu phải là tài sản liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong khi trên thực tế, tài sản do tham nhũng mà có thường được cất giấu, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị với cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng trong các lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, đất đai, thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài… Quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các bị can, bị cáo tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, không bắt buộc áp dụng. Điều 128, Điều 129 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhưng khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên, do đó, cơ quan tố tụng có thể chưa áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa dẫn đến đương sự có thể tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện[12]
Thứ ba, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam còn thấp
 Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể nhưng qua thực tiễn xét xử những vụ án tham nhũng từ trước đến nay, có thể thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp rất nhiều vấn đề bất cập. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể thu hồi được tài sản bị tham nhũng bởi vì người phạm tội đã tẩu tán hết tài sản hoặc không có khả năng thanh toán như trong vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, và đồng phạm, các bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ thi hành được trên 21 tỷ đồng[13]. Vụ án Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Tập đoàn VinaShin và 8 đồng phạm, bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; số tiền phải bồi thường thiệt hại là hơn 1.100 tỷ đồng, nhưng đến đầu năm 2016, số tiền thu hồi chỉ là 2,4 tỷ đồng[14]; Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như bị khởi tố về tội tham ô tài sản và cố ý vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tòa tuyên án bị cáo phải sung công 4.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định chỉ thu về cho Nhà nước được 500 tỷ đồng[15]
Tài sản thu hồi được có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tài sản tham nhũng là do trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan tư pháp hình sự không kịp thời phát hiện và có biện pháp cần thiết để kê biên, phong tỏa tài sản nên người phạm tội và người thân của họ có đủ thời gian để che giấu hoặc tìm cách hợp pháp hóa thu nhập và tài sản bất hợp pháp thông qua việc: (1) Che giấu quyền sở hữu của họ bằng cách sử dụng tên của người thân của họ cho các tài sản bất hợp pháp hoặc chuyển tiền liên tục nhiều lần qua nhiều người để chuyển số tiền thu được ra nước ngoài để mua tài sản ở đó; đây là một trong những thủ đoạn mà bọn tham nhũng đã thực hiện cho đến nay để tẩu tán tài sản tham nhũng; (2) Sử dụng các công ty vỏ bọc đã được thành lập hợp pháp cho mục đích rửa tiền bất chính. Các công ty này có thể được thành lập hợp pháp tại một quốc gia, nhưng hoạt động chính được thực hiện ở một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác; (3) Thông qua các sòng bạc hoặc các trung tâm vui chơi giải trí để rửa tiền tham nhũng; (4) Chuyển tiền ra tài khoản ngân hàng nước ngoài hoặc mang tiền tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Từ thực tiễn thực thi pháp luật, các cơ quan liên quan đã tăng cường phối hợp công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do số lượng tiền, tài sản thu hồi được còn thấp, tiến độ thu hồi còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài mà chưa có kết quả. Nhiều vụ án có số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi do đã bị tẩu tán. Đáng chú ý, một trong những khó khăn đang nổi lên là việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, bị tẩu tán ra nước ngoài, chưa đạt kết quả. Quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ lớn gần đây, cơ quan điều tra đã cố gắng xác định, làm rõ nhiều tài sản do bị can, bị cáo chuyển ra nước ngoài và lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, đề nghị quốc gia có liên quan kê biên, phong tỏa, tịch thu và trả lại cho nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc… Trong khi đó, pháp luật Việt Nam về vấn đề này cũng còn những hạn chế, khái niệm “tài sản do phạm tội mà có” cũng chưa theo chuẩn mực quốc tế. Một số quy định về thu hồi tài sản tham nhũng trong Công ước phòng, chống tham nhũng và theo chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền vẫn chưa được nội luật hóa hoặc chưa được áp dụng…[16]
Việt Nam cần tăng cường ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài như Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Australia,…  nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Ở các nước này đều có các cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản trong khuôn khổ UNCAC như Cơ quan trung ương hợp tác quốc tế về tội phạm (International Crime Coopeartion Central Authority) của Australia; Phòng các Vụ việc hình sự quốc tế (International Criminal Affrairs Division) của Hàn Quốc; Vụ các vụ việc quốc tế (International Affrairs Division) của Singapore; Bộ Phận tịch thu tài sản và chống rửa tiền (Asset Forfeiture and Money Laundering Section) và Văn phòng các Vụ việc quốc tế (Office of International Affairs) thuộc Vụ hình sự, Bộ Tư pháp Hoa kỳ… Bên cạnh việc là đầu mối liên hệ về thu hồi tài sản trong khuôn khổ UNCAC, các cơ quan này còn đảm nhận thêm các vai trò tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù.
3. Một số kiến nghị
Mục đích chính của tham nhũng là lợi ích về kinh tế. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp xử lý hình sự thì việc thu hồi toàn bộ số tài sản tham nhũng sẽ tác động trực tiếp vào tâm lý của những kẻ muốn lạm dụng quyền lực để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết các vụ án tham nhũng thì các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng vẫn chưa đủ sức răn đe và chúng ta vẫn chưa thu hồi được toàn bộ những tài sản do tham nhũng mà có. Vì vậy, để việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt được kết quả cao thì cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng một cách trực tiếp, bên cạnh đó cần có một chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng:
Thứ nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan (Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng; Bộ tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Toà án nhân dân tối cao… và các bộ, ban, ngành có liên quan trong mỗi vụ án, từ Trung ương đến địa phương) trong quá trình thực hiện việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Thời gian qua, mặc dù các vụ đại án về tham nhũng đã được đưa ra xét xử nhưng hầu như tài sản thu được từ việc tham nhũng thông qua biện pháp tịch thu tài sản hoặc hình phạt tiền luôn thấp hơn, ít hơn so với thiệt hại tài sản do hành vi tham nhũng gây ra. Do đó, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt thông qua thủ tục kết tội, có nghĩa là việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ đến khi khởi tố bị can mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, cần mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, Đảng viên; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn.
Thứ tư, tích cực thực hiện các Hiệp định, thoả thuận quốc tế có nội dung liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết./. 

 


[2] Điều. 54(1)(a) và Điều 54(2)(a) Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
[3] Điều 54(1)(c) UNCAC.
[4] Điều 53 UNCAC.
[5] Điều 54(1)(b) và 54(2)(b) UNCAC.
[6] Điều 53(b) và (c) UNCAC.
[7] Điều 56 UNCAC.
[8] Điều 55 và 57 UNCAC.
[9] Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Chuyên đề Chế định thu hồi tài sản tham nhũng và nhiệm vụ của cơ quan đầu mối về thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), Hà Nội, tháng 12/2017.
[11] Đỗ Thị Huyền (2018), Luận án tiến sĩ “Pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam”, trường Đại học Luật Hà Nội.
[12] https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202108/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-thuc-trang-va-nhung-van-de-dat-ra-310008/.
[13] https://vnexpress.net/duong-chi-dung-bi-y-an-tu-hinh-boi-thuong-110-ty-dong-2987389.html.
[14] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/vu-vinashin-truy-to-pham-thanh-binh-cung-8-thuoc-cap-20111118084952700.htm.
[15] https://vietnamfinance.vn/dai-an-huyen-nhu-kho-long-thu-hoi-8500-ty-vi-bi-cao-khong-con-tai-san-20171127075530185.htm.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (472), tháng 12/2022.)