Phiên họp thứ 22 của UBTVQH

01/09/2009

VŨ HUÂN

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 8 năm 2009 đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, trong đó dành phần lớn thời gian cho hoạt động xây dựng pháp luật chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII. Trong phiên họp lần này, UBTVQH cho ý kiến về về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 4 dự án luật dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là: Dự án Luật viễn thông; Dự án Luật tần số vô tuyến điện; Dự án Luật cơ yếu và Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, UBTVQH còn xem xét,  cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Dự án Luật trọng tài thương mại; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Dự án Luật bưu chính.
           Chưa-có-tên_45.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
           
1. Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của bốn dự án luật đã được xem xét tại kỳ họp thứ Năm
1.1 Luật Viễn thông
Trong phiên họp lần này, Dự án Luật Viễn thông được cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo nêu ra 8 vấn đề xin ý kiến UBTVQH trong đó tập trung vào 4 vấn đề lớn:
 i. Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Vấn đề này được đề cập tại Điều 49 của dự thảo, tuy nhiên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng sẽ tập trung thống nhất, tiết kiệm và phát huy hiệu quả. Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cần căn cứ vào quy hoạch của Luật đô thị và cần sự phối hợp liên ngành. Đối với các trạm thu phát sóng các mạng đều được lắp trên đó để đảm bảo thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí.
 ii. Vấn đề về cạnh tranh trong quá trình phát triển thị trường viễn thông
Điểm b Khoản 2 Điều 10 quy định, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông quản lý hoạt động cạnh tranh, dịch vụ viễn thông. Điều này sẽ không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống Pháp luật, vì tại Điều 7 của Luật cạnh tranh thì Bộ Công thương là bộ có trách nhiệm giúp Chính phủ, thay mặt Chính phủ để quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Còn các bộ khác phối hợp với Bộ Công thương để giải quyết những công việc có liên quan.
iii. Hình thành và sử dụng quỹ viễn thông công ích.
Dự thảo Luật quy định hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam nhằm bảo đảm thực hiện các hoạt động viễn thông công ích. Có ý kiến đề nghị không nên thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích vì việc huy động tài chính từ các doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ cho dịch vụ viễn thông công ích không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc đặt Quỹ này trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là mâu thuẫn với các quy định hiện hành về quản lý ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên đa số các ý kiến đều đồng ý hình thành quỹ này để ủng hộ, giúp đỡ những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, những người khó khăn có thể tiếp cận với các nguồn thông tin của Đảng và Nhà nước.
iiii. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông
 Điều 10, dự thảo Luật quy định “cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông”. Theo bản tham chiếu của WTO, cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan độc lập và tính độc lập được hiểu là không phụ thuộc vào vấn đề hành chính nhưng phải được thành lập theo quy định của luật. Trong mô hình nước ta hiện nay, cơ quan Kiển toán nhà nước là “cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. So sánh với những quy định này cho thấy việc Dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan trực thuộc Bộ là chưa đúng tầm. Mặt khác, quy định tại điều 10 của dự thảo cũng sẽ đặt ra vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1.2    Luật tần số vô tuyến điện
Tại điều 7 Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan này. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này của dự thảo và đề xuất nên thiết kế một điều riêng quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan này trong dự thảo Luật để làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành về Tần số vô tuyến điện. Một số ý kiến khác đề nghị không nên quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trực thuộc Bộ như trong dự thảo Luật.Dự thảo luật quy định về phí sử dụng tần số vô tuyến điện là khoản thu do nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng phổ tần số, phạm vi phủ sóng, mật độ sử dụng kênh tần số trong băng tần và trong khu vực được cấp phát. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quản lý tần số vô tuyến điện phải theo chính sách quản lý tài nguyên quốc gia.
1.3 Luật Cơ yếu; Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Về cơ bản các ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình, cho rằng quy định Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ là phù hợp. Bởi lẽ, trong Hiến Pháp 1992 sửa đổi đã bỏ chức năng quản lý nhà nước đối với những cơ quan thuộc chính phủ theo đó các cơ quan này không có thẩm quyền hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều ý kiến đồng ý với dự thảo Luật, vì cho rằng: tuy thuộc Bộ Nội vụ nhưng do tính chất đặc thù của hoạt động cơ yếu nên Ban Cơ yếu Chính phủ cần có cơ chế tổ chức, hoạt động đặc thù, không nên đặt địa vị pháp lí của Ban Cơ yếu Chính phủ như các cơ quan khác trực thuộc Bộ Nội vụ.
Tại phiên họp lần này, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về vấn đề tên gọi của dự án luật: hầu hết các đại biểu đã thống nhất cao với tên gọi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở bổ sung thêm chương VIII về khám bệnh, chữa bệnh và quy định về y đức.
2. Cho ý kiến lần đầu về 3 dự án Luật
2.1 Luật trọng tài thương mại
Trong phiên họp lần này, UBTVQH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề sau đây:
i . Phạm vi thẩm quyền của trọng tài
Nếu giới hạn phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài chỉ bao gồm các tranh chấp thương mại, thì những tranh chấp đặc biệt xung quanh những tranh chấp ngoài hợp đồng dùng cơ chế tòa án để giải quyết đôi khi không đáp ứng được nhu cầu của các bên. Tuy nhiên nếu mở rộng phạm vi thẩm quyền đi liền với số lượng và chất lượng của đội ngũ trọng tài viên trong thời điểm này chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng về định hướng cho tương lai rõ ràng cần phải mở rộng thẩm quền cho trọng tài mới có thể đáp ứng được quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
ii. Thẩm quyền của hội đồng trọng tài khi áp dụng các biện pháp khẩnn cấp tạm thời
Hiện nay, chỉ tòa án mới có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng khi trọng tài được trao quyền phải tránh được sự chồng lấn mà vẫn bảo đảm được thẩm quyền của mỗi bên. Phát biểu tại phiên họp đa số các ý kiến đều cho rằng nên trao cho Hội đồng trọng tài thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bởi lẽ đây là một hoạt động tài phán. Hội đồng trọng tài được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để các bên duy trì, khôi phục hiện trạng tranh chấp, tiến hành các biện pháp bảo quản tài sản cần thiết đảm bảo cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ, tài sản liên quan đến tranh chấp.
iii. Về tiêu chuẩn trọng tài viên
Về cơ bản các ý kiến đều đồng ý với dự thảo, không quy định một cách cứng nhắc đối với tiêu chuẩn trọng tài viên như các chức danh tư pháp của nhà nước như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên… Tuy vậy trọng tài viên cũng là một chức danh của tài phán tư, vì vậy cũng cần có những tiêu chuẩn định hướng cơ bản. Trong dự thảo quy định có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ đại học, có số năm kinh nghiệm công tác là phù hợp.
2.2    Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục
Vấn đề lớn nhất trong dự án luật đề cập đó là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, điều này đã được nêu trong Nghị quyết số 35/2009/QH12 của Quốc hội. Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong độ tuổi bước vào bậc học khác. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư cho giáo dục mầm non chưa tương xứng với vị trí của nó. Thực tế, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường còn thấp. Nhiều trẻ em chưa được tiếp cận với phương pháp nuôi dạy khoa học, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách và sự phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ để chuẩn bị bước vào lớp 1. Cơ bản các thành viên của UBTVQH đồng ý với dự thảo, nhưng yêu cầu làm rõ cơ sở để thực hiện chính sách này. Liên quan đến vấn đề đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, một số ý kiến cho rằng, không nên sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật, giữ nguyên quy định thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ đối với người có bằng thạc sĩ “từ hai đến ba năm học”. Ban soạn thảo đề xuất, chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục, giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc giao thẩm quyền này xác định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung và việc thành lập trường đại học, giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng. Tuy nhiên đề xuất này chưa được sự ủng hộ của đa số Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra). Theo Ủy ban này, việc thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia, nhất là chủ trương xây dựng một số trường đại học trọng điểm đạt trình độ khu vực quốc tế. Do đó, thẩm quyền này phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện. Cơ quan thẩm tra lo ngại rằng, việc phân cấp mà không có những biện pháp mạnh mẽ, thắt chặt các điều kiện thành lập trường  sợ rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, cơ bản các ý kiến thảo luận đều đồng ý với việc tăng thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo như đề xuất của Chính phủ. Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm trong Dự thảo Luật đề cập đến chính sách miễn học phí đối với người học ngành sư phạm theo quy định hiện hành được thay bằng chính sách cho hưởng tín dụng ưu đãi. Theo đó, nếu khi ra trường công tác trong ngành sư phạm đủ thời hạn theo quy định thì người học không phải hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. Về việc này, các ý kiến cho rằng, cần quy định rõ thời gian tối thiểu mà học sinh, sinh viên sư phạm sau khi ra trường đảm nhiệm công tác tại cơ sở giáo dục để được miễn hoàn trả khoản tín dụng đã vay để chi trả học phí. Bên cạnh đó, đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi nói trên cho cả học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật, những trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm ra trường do sự phân công, điều động theo yêu cầu của Nhà nước mà công tác ở lĩnh vực khác thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2.3 Luật bưu chính
Tại phiên thảo luận lần đầu tiên về dự thảo luật này, nhiều đại biểu phân tích một số quy định đưa ra trong Dự thảo Luật đã dành quá nhiều ưu đãi cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam là đơn vị quản lý mảng bưu chính công cộng và đơn vị này trực tiếp xây dựng,quản lý để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ bưu chính khác. Cần thiết lập một chương riêng các hoạt động bưu chính đặc thù được nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ nhu cầu xã hội như dịch vụ bưu chính công ích, trong đó thể hiện rõ các nguyên tắc, nội dung của hoạt động dịch vụ bưu chính đặc thù. Đơn vị, tổ chức nào được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dịch vụ bưu chính công ích sẽ nhận được các ưu đãi, hỗ trợ tương ứng. Ban soạn thảo cần tham chiếu với các điều Luật liên quan về điều kiện cấp giấy phép và cung ứng dịch vụ bưu chính. Việc quy định cụ thể về VNPost (bưu chính Việt Nam) trong Luật cần cân nhắc kỹ, vì hiện nay còn rất ít luật có quy định cụ thể cho một doanh nghiệp mà chỉ cần quy định về nhiệm vụ cơ bản và nguyên tắc hoạt động của tổ chức kinh tế nhà nước. Một số ý kiến cũng đề nghị rà soát lại cơ cấu, tổ chức của VNPost và Cục Bưu điện trung ương để thống nhất hoạt động công ích của 2 tổ chức này từ trung ương đến địa phương. Cần phải đưa vào dự thảo Luật quy định về bảo hiểm bưu gửi qua mạng bưu chính cũng như quy định rõ việc xuất, nhập khẩu bưu gửi.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(154), tháng 9/2009)