Cần quy định thống nhất về thể thức văn bản của đại biểu Quốc hội và cấp con dấu cho đại biểu Quốc hội

01/11/2013

ThS. TRẦN ĐỨC THÚ

Phòng Công tác ĐBQH, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai

Theo quy định của pháp luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. ĐBQH chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Pháp luật hiện hành quy định quyền của ĐBQH và các bảo đảm cho ĐBQH hoạt động; các cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của các ĐBQH.
Hệ thống văn bản pháp luật quy định quyền và trách nhiệm của ĐBQH bao gồm: Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001; Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (Chương IV, từ Điều 43 đến Điều 61); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2007; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 (Điều 37, Chương V, quy định cụ thể thẩm quyền của ĐBQH); Nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội về việc ban hành quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH; ngoài ra một số dự thảo luật nằm trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội có đề cập đến trách nhiệm tiếp công dân của ĐBQH như Luật Tiếp công dân.
ĐBQH thực hiện nhiệm vụ theo chương trình của Đoàn ĐBQH như: Chương trình tiếp xúc cử tri, ĐBQH phải “xây dựng chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri sáu tháng, hàng năm, xác định rõ thời gian, địa bàn, nội dung và hình thức tiếp xúc gửi đến Đoàn ĐBQH để xây dựng chương trình, kế hoạch chung của Đoàn; thực hiện sự phân công của Đoàn ĐBQH về việc tiếp xúc cử tri (khoản 3 Điều 2, Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết liên tịch số 525) “Về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH”). Đồng thời, có những nhiệm vụ đại biểu thực hiện với tư cách ĐBQH và chịu trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri, trước Quốc hội và Đoàn ĐBQH như: quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội (Điều 87 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001); trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước UBTVQH theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định (Điều 48, Luật Tổ chức Quốc hội 2001; Điều 9 Nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội); chất vấn (Điều 98, Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001); tiếp công dân và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (Điều 52, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2011); yêu cầu cá nhân, tổ chức, cơ quan chấm dứt hành vi trái pháp luật (Điều 53, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001); “ĐBQH tự mình tiến hành hoạt động giám sát hoặc tham gia hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH; tham gia Đoàn giám sát của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu” (Điều 37, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội)...
Về cơ cấu tổ chức, “các ĐBQH được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương hợp thành Đoàn ĐBQH. Đoàn ĐBQH có đại biểu hoạt động chuyên trách. Đoàn ĐBQH có Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn. ĐBQH trong Đoàn có nhiệm vụ thực hiện chương trình công tác và sự phân công của Đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH” (Điều 4, Nghị quyết số 08/2002/QH11, ngày 16/12/2002 của Quốc hội về việc ban hành quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH).
Các quy định của pháp luật đã rất đầy đủ để các ĐBQH thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn, pháp luật cũng cần có sự bổ sung để các quy định được hoàn thiện hơn, giúp ĐBQH thực thi quyền hạn trên thực tế.
Ví dụ, về mặt tổ chức và quan hệ hành chính nhà nước thì con dấu khẳng định giá trị pháp lý của văn bản “Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước” (Điều 1 Nghị định số 58/2001/NĐ-CP, ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu). Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, ĐBQH không có con dấu khi phát hành văn bản, không sử dụng được con dấu của Đoàn ĐBQH; không sử dụng được con dấu của cơ quan nơi ĐBQH công tác khi ban hành văn bản với tư cách là ĐBQH. Cũng cần nói thêm là, quy trình bầu cử ĐBQH không quy định phải đăng ký chữ ký khi trúng cử, do vậy, khi tiếp nhận một công văn mà chỉ có chữ ký chưa đăng ký thì bất cứ người thực hiện nhiệm vụ nào cũng nghi ngờ về tính xác thực của văn bản của ĐBQH. Theo pháp luật, khi tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của ĐBQH, các cơ quan, tổ chức phải nghiêm túc thực hiện đúng theo yêu cầu của ĐBQH, nhưng “cơ sở pháp luật nào xác định văn bản là của ĐBQH” để cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận công văn của ĐBQH tổ chức thực hiện?
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH phân công, khi ban hành văn bản, lãnh đạo Đoàn ĐBQH ký tên và đóng dấu của Đoàn ĐBQH, nhưng khi ĐBQH thực hiện nhiệm vụ yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện một nội dung như: cung cấp các số liệu, các thông tin cần thiết; yêu cầu các cơ quan trả lời một nội dung cụ thể; chuyển đơn, thư đến các cơ quan có chức năng; việc gửi một kiến nghị trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH... thì cơ sở pháp lý nào để cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận văn bản đó biết đó là văn bản của ĐBQH để thực hiện?
Để tạo điều kiện cho ĐBQH thực hiện quyền; để có căn cứ cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh tham mưu cho lãnh đạo Đoàn ĐBQH, ĐBQH thực hiện nhiệm vụ; để các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiếp nhận một công văn không còn nghi ngờ tính xác thực của văn bản, đã có nhiều ý kiến đưa ra đề nghị đối với việc phát hành văn bản của ĐBQH như: bổ sung vào quy trình bầu cử ĐBQH thủ tục đăng ký chữ ký; có quy định ĐBQH được sử dụng con dấu của Đoàn ĐBQH; hoặc cho phép ĐBQH sử dụng con dấu cơ quan nơi công tác để thực hiện yêu cầu, kiến nghị của ĐBQH khi phát hành văn bản... Chúng tôi nhận thấy:
Ý kiến thứ nhất, phải đăng ký chữ ký cho ĐBQH: Hiện chưa có quy định việc bổ nhiệm một chức danh phải đăng ký chữ ký, nhưng trong quá trình thực hiện, các cơ quan nhà nước vẫn thực hiện việc thông báo chữ ký đến các cơ quan liên quan như một thủ tục bắt buộc. Nhưng việc đăng ký chữ ký của ĐBQH lại không có tính khả thi vì (i) với cơ cấu số lượng ĐBQH và hệ thống các cơ quan, tổ chức nhà nước như hiện nay, việc đăng ký chữ ký xong còn phải gửi đến các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc. Đây là một thủ tục rườm rà, tốn kém. Đây là chưa kể đến việc gây phiền hà khi tiếp nhận văn bản của ĐBQH, cơ quan, tổ chức phải xem mẫu chữ ký có đúng với đăng ký rồi mới thực hiện yêu cầu công văn; (ii) việc gửi công văn thông báo chữ ký của ĐBQH đến các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc, các cơ quan, tổ chức sẽ lưu trữ những thông báo chữ ký, nhưng hiệu quả sử dụng các thông báo chữ ký của ĐBQH không cao, gây lãng phí trong công tác phát hành thông báo và công tác lưu trữ.
Ý kiến thứ hai, ĐBQH được sử dụng con dấu của Đoàn ĐBQH: Quan điểm này có những bất cập so với các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu; cơ cấu nhân sự của Đoàn ĐBQH địa phương. Quy định về quản lý và sử dụng con dấu đã có trong Nghị định số 58/2001/NĐ-CP, ngày 24/8/2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định số 31/2009/NĐ-CP, ngày 01/4/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2001/NĐ-CP, ngày 24/8/2001 về quản lý và sử dụng con dấu. Điều 1, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP quy định về giá trị con dấu như sau: “Con dấu được sử dụng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội quần chúng, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (dưới đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) và một số chức danh nhà nước. Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Con dấu được quản lý theo quy định của Nghị định này”; Điều 5, Nghị định số 58/2001/NĐ-CP quy định về thẩm quyền sử dụng con dấu như sau: “Các chức danh nhà nước, Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 3[1], Điều 4[2] của Nghị định này có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình theo đúng chức năng và thẩm quyền được pháp luật quy định”. Như vậy, chưa có quy định về việc ĐBQH được sử dụng con dấu của Đoàn ĐBQH để gửi công văn đi. Đồng thời, trong cơ cấu tổ chức của Đoàn ĐBQH, có ĐBQH công tác ở các cơ quan trung ương, có ĐBQH công tác tại địa phương; mỗi Đoàn ĐBQH chỉ có một số đại biểu hoạt động chuyên trách, còn lại là hoạt động kiêm nhiệm, nên nếu các ĐBQH sử dụng con dấu của Đoàn ĐBQH sẽ khá bất cập, khó đảm bảo được tính kịp thời, khó đáp ứng các yêu cầu cung cấp thông tin của ĐBQH, do quy trình phải qua nhiều khâu: ĐBQH trao đổi với lãnh đạo Đoàn, lãnh đạo Đoàn giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh tham mưu; Văn phòng trao đổi lại với ĐBQH, sau đó Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh tham mưu để ban hành văn bản, một quy trình lòng vòng qua nhiều khâu.
Đối với ý kiến để ĐBQH sử dụng con dấu của cơ quan nơi công tác, thì tính khả thi lại càng thấp, vì không có cơ sở pháp lý và trái với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước. Trong thực tế, đã có trường hợp đại biểu đề nghị đơn vị nơi công tác sử dụng con dấu đóng dấu treo để đảm bảo giá trị của công văn, nhưng đề nghị này không thể được đáp ứng do việc quản lý và sử dụng con dấu đã có các quy định cụ thể.
Bên cạnh việc xác thực văn bản của ĐBQH, việc sử dụng mẫu công văn của ĐBQH cũng chưa có sự thống nhất về thể thức văn bản. Có đại biểu dùng công văn có tiêu đề, hình thức của Đoàn ĐBQH, chữ ký của ĐBQH; có đại biểu dùng công văn sử dụng quốc hiệu và chữ ký của ĐBQH. Để thống nhất về thể thức văn bản của ĐBQH, đã có các quy định tại Điều 20 Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH, nhưng đây mới là dự thảo.  
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ĐBQH có thể sử dụng các phương tiện như điện thoại, email (thư điện tử); sử dụng thẻ ĐBQH khi làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc qua các kênh khác nhau để thực hiện quyền của ĐBQH mà pháp luật quy định. Những cách thức trên đảm bảo tính kịp thời, nhanh nhạy, nhưng xét về mặt hành chính nhà nước thì cần phải có sự đảm bảo giá trị pháp lý bằng văn bản khi thực hiện nhiệm vụ. Nhiều quy định hiện nay giao quyền chủ động cho ĐBQH trong thực hiện nhiệm vụ, như tiếp xúc cử tri theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 525; chủ động trong việc mời chuyên gia nghiên cứu để phục vụ công tác đại biểu. Nhưng “văn bản thoả thuận giữa ĐBQH và chuyên gia” ký như thế nào để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng và thể hiện tính chất hành chính nhà nước của ĐBQH cũng chưa được nêu rõ, ngay cả trong Nghị quyết 524/2012/UBTVQH13, ngày 20/9/2012 của UBTVQH.  
 Đối với việc phát hành văn bản của ĐBQH, chúng tôi xin kiến nghị một số giải pháp  như sau:
Thứ nhất, nêncấp con dấu cho ĐBQH. Theo chúng tôi, nhân dân và Quốc hội đã trao cho ĐBQH những quyền hạn ở tầm “quốc kế dân sinh” và có các biện pháp đảm bảo cho hoạt động của ĐBQH, nên việc cấp con dấu cho ĐBQH chỉ là một thủ tục để ĐBQH thực hiện các quyền được trao. Việc cấp con dấu cho ĐBQH là để góp phần đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nâng cao trách nhiệm ĐBQH.
Từ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng con dấu, đăng ký chữ ký, cơ cấu tổ chức của Đoàn ĐBQH, để đại biểu chủ động trong việc thực hiện quyền; để cơ quan, tổ chức tiếp nhận công văn của ĐBQH thấy được tính xác thực của công văn và thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của ĐBQH nhanh chóng, kịp thời; để công tác tham mưu của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có cơ sở pháp lý khi tham mưu cho lãnh đạo Đoàn ĐBQH, ĐBQH thì Quốc hội cần xem xét bổ sung quy định cấp con dấu cho ĐBQH để Chính phủ quy định cụ thể việc cấp con dấu cho ĐBQH. Việc cấp con dấu cho ĐBQH cần có các quy định: những trường hợp được sử dụng con dấu; vị trí con dấu khi sử dụng; quy trình cấp, thu hồi con dấu. Do Quốc hội được tổ chức theo nhiệm kỳ, nên con dấu của ĐBQH cần thể hiện khóa Quốc hội. Con dấu thể hiện “vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý của văn bản”, nhưng là kỷ vật công tác liên quan đến mỗi ĐBQH, vì vậy cũng cần quy định: khi ĐBQH hết nhiệm kỳ thì nộp con dấu ĐBQH cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định, hoặc ĐBQH có thể sử dụng con dấu làm kỷ vật công tác để khi nào cũng thấy trách nhiệm trước nhân dân.
Thứ hai, hướng dẫn sử dụng mẫu công văn của ĐBQH. Để đảm bảo tính thống nhất trong việc sử dụng các mẫu công văn của ĐBQH, cùng với việc xem xét cấp con dấu cho ĐBQH, cần xem xét bổ sung quy định thể thức văn bản của ĐBQH khi thực hiện quyền theo quy định của pháp luật để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Việc cấp con dấu cho ĐBQH; quy định thống nhất về thể thức văn bản của ĐBQH sẽ tạo điều kiện cho ĐBQH chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ; các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận văn bản ĐBQH sẽ thực hiện tốt hơn, đáp ứng tính chính xác, nhanh chóng, kịp thời theo yêu cầu của ĐBQH, qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của ĐBQH./.
 


[1] Điều 3. Các cơ quan tổ chức và chức danh nhà nước dưới đây được dùng con dấu có hình quốc huy.
1. UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
2. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
3. Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ;
4. Văn phòng Chủ tịch nước;
5. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện Kiểm sát quân sự;
6. Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định;
7. HĐND và Uỷ ban nhân dân các cấp;
8. Cơ quan thi hành án dân sự;
9. Phòng Công chứng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
10. Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn đại diện thường trực tổ chức quốc tế liên chính phủ và Cơ quan lãnh sự (kể cả lãnh sự danh dự), Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với nước, tổ chức quốc tế tiếp nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn do luật pháp quy định;
11. Các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao: Cục Lãnh sự, Vụ Lễ tân, Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài và Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh;
12. Một số tổ chức khác do Thủ tướng Chính phủ cho phép.
 
[2] Điều 4. Các cơ quan, tổ chức dưới đây được sử dụng con dấu không có hình Quốc huy:
1. Các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
2. Các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự, Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp;
3. Các cơ quan chuyên môn và tổ chức sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
4. Tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội hữu nghị, các tổ chức hoạt động nhân đạo, hội bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức phi chính phủ khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hay cấp giấy phép hoạt động;
5. Các tổ chức tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động;
6. Các tổ chức kinh tế được quy định theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước; Luật Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật; các đơn vị trực thuộc, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế này;
7. Một số tổ chức khác được cơ quan có thẩm quyền thành lập cho phép.
8. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
 

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 22(254), tháng 11/2013)


Thống kê truy cập

33002158

Tổng truy cập