Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em

14/09/2022

PHAN MINH LƯU AN

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.

Tóm tắt: Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình đối với trẻ em đang diễn ra đáng lo ngại. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sự phát triển của trẻ. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số điểm bất cập trong các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Từ khóa: Trẻ em, bạo lực gia đình,phòng, chống bạo lực gia đình.
Abstract: In Vietnam, it gets concern about the development of domestic violence against children. This situation provides negative effects to the living environment and development of children. Within this article, the author provides an analysis of a number of inadequacies in the provisions of Vietnam's law on prevention and control of domestic violence against children and also recommendations for further improvements of the effectiveness of domestic violence against children and increase in law enforcements.
Keywords: Children; domestic violence; domestic violence prevention and control.
 BẠO-LỰC-TRẺ-EM.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo pháp luật Việt Nam, bạo lực gia đình được định nghĩa là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”[1]. Bạo lực gia đình đối với trẻ em[2] có thể hiểu là hành vi bạo lực của thành viên gia đình đối với trẻ em. Hành vi này được phân thành 04 nhóm phổ biến: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế[3].
1. Thực trạng các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em tại Việt Nam
Hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống bạo lực gia đình có thể chia thành ba nhóm: nhóm các quy định về biện pháp phòng ngừa bạo lực; nhóm các quy định về biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; nhóm các quy định về biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực[4].
1.1. Các quy định về nhóm biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình đối với trẻ em
Nhóm biện pháp phòng ngừa mang tính lường trước rủi ro, bao gồm hoạt động tuyên truyền pháp luật và hòa giải. Mục đích là nâng cao nhận thức người dân, giúp trẻ em có thể tránh những hành vi bạo lực gia đình[5].
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tuyên truyền pháp luật về quyền con người, về những hành vi bạo lực bị nghiêm cấm, về những biện pháp xử lý đối với người có hành vi bạo lực gia đình…
Bên cạnh đó, hòa giải cũng được xem là một biện pháp thiết thực trong phòng ngừa bạo lực gia đình. Bản chất của hòa giải là gia đình “tự giải quyết” mâu thuẫn, xóa bỏ nguyên nhân phát sinh bạo lực. Tuy nhiên, hiện nay, do pháp luật không quy định chi tiết, tại một số nơi, hòa giải được sử dụng như biện pháp xử lý hành vi bạo lực gia đình. Tác giả cho rằng, hòa giải chỉ mang tính chất phòng ngừa bạo lực gia đình, trường hợp có người có hành vi bạo lực thì cần những biện pháp răn đe mạnh hơn để ngăn ngừa bạo lực tái diễn.
1.2. Các quy định về nhóm biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình
Khoản 1 Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (Luật Phòng, chống BLGĐ) quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, cũng như bảo vệ nạn nhân khỏi hành vi bạo lực gia đình. Nhóm biện pháp ngăn chặn, bảo vệ có thể chia làm hai nhóm với tính chất khác nhau, cụ thể:
Nhóm thứ nhất, các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mang tính cưỡng chế xã hội, bất kỳ ai có mặt tại hiện trường bạo lực gia đình đều có thể sử dụng, bao gồm: biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình (nhằm ngăn hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra) và biện pháp cấp cứu nạn nhân bạo lực gia đình (nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chữa trị).
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi bạo lực và tình trạng sức khỏe của nạn nhân mà những người có mặt tại hiện trường có thể lựa chọn áp dụng biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực hay cấp cứu nạn nhân trước. Trên thực tế, khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra, rất ít người trực tiếp can ngăn hành vi bạo lực để bảo vệ nạn nhân, phần lớn người dân mang tâm lý đợi cơ quan chức năng đến ngăn chặn, hoặc thậm chí làm “ngơ” vì sợ bị liên lụy. Trong khi hậu quả của việc chậm trễ trong ngăn chặn bạo lực gia đình đối với trẻ em có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc tính mạng đứa trẻ[6].
Nhóm thứ hai, các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân mang tính cưỡng chế, được thực thi bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: (i) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình; (ii) Biện pháp cấm tiếp xúc.
Biện pháp cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần nạn nhân hay sử dụng điện thoại hay phương tiện khác nhằm tiếp tục hành vi bạo lực với nạn nhân (như đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân,…). Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Tòa án (đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực và người có hành vi bạo lực) có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Biện pháp cấm tiếp xúc được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:
Một là, có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Biện pháp cấm tiếp xúc là biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chỉ được áp dụng khi có đơn yêu cầu trợ giúp của nạn nhân, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cơ quan công an;…) cũng có quyền nộp đơn yêu cầu trợ giúp khi có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình.
Hai là, hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Mức độ tổn hại sức khỏe, tính mạng của nạn nhân được xác định thông qua: giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra; dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân BLGĐ; hoặc các chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân BLGĐ[7].
Ba là, người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Nơi ở khác nhau được hiểu gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân BLGĐ tự nguyện chuyển đến ở[8].
Trên thực tế, biện pháp cấm tiếp xúc được cho là “còn mang nặng yếu tố mệnh lệnh hành chính, các điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc chính là rào cản để chính quyền địa phương thực thi”[9], cụ thể:
Thứ nhất, điều kiện về đơn yêu cầu của nạn nhân gây cản trở các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Đa phần trẻ em là nạn nhân trong các vụ BLGĐ đều không biết về việc mình có quyền được kêu gọi sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Đồng thời, người gây bạo lực cho các em thông thường cũng là người đại diện theo pháp luật, người giám hộ của các em, họ không thể là người giúp các em nộp đơn yêu cầu trợ giúp. Hơn nữa, trẻ em là người phụ thuộc vào người có hành vi bạo lực, điều này dẫn đến tâm lý sợ trả thù, nên việc tự nộp đơn hoặc “chấp thuận” để người khác giúp mình nộp đơn yêu cầu sự trợ giúp khi bị bạo hành là rất ít.
Thứ hai, trong quá trình áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, người bị buộc phải ra khỏi nhà thông thường là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình[10]. Lúc này, người có hành vi BLGĐ đương nhiên ở nhà mình, trong khi nạn nhân bị buộc phải ra khỏi nhà và có nguy cơ chịu bạo lực kép từ gia đình và xã hội[11].
Thứ ba, việc thực thi biện pháp cấm tiếp xúc còn gặp nhiều khó khăn khi pháp luật yêu cầu người có hành vi bạo lực không được đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m[12]. Ai là người có trách nhiệm giám sát, bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa nạn nhân và người gây bạo lực? Trong trường hợp cần có người giám sát, nhà nước sẽ phải tốn không ít nguồn lực để thực thi biện pháp này.
Thứ tư, không có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường hợp hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc do “nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết”. Việc không xác định rõ các trường hợp “nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết” dễ dẫn đến trường hợp mỗi chủ thể có thẩm quyền hiểu theo một nghĩa, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật.
1.3. Các quy định về nhóm biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình
Nhóm biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình là hình thức vừa đấu tranh, vừa phòng ngừa bạo lực gia đình. Nhóm biện pháp này bao gồm: biện pháp xử lý hành chính; biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính (gồm có: phạt tiền, cảnh cáo) và truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em. Nhìn chung, pháp luật đã có quy định cụ thể mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính về bạo lực gia đình. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế và bất cập như sau:
Thứ nhất, các quy định chưa mô tả rõ các hành vi vi phạm dẫn đến hạn chế trong quá trình tố cáo hành vi vi phạm; ví dụ, làm thế nào để xác định hành vi “đánh đập gây thương tích đối với trẻ em”[13]. Thương tích ở mức độ nào là tối thiểu để những người chứng kiến bạo lực gia đình có thể tố cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên thực tế, rất khó xác định được vấn đề này nếu pháp luật không quy định cụ thể. Trong một nghiên cứu của UNICEF, có đến 72,4% cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ cho rằng cần phải có những hành vi xử phạt bằng bạo lực thì trẻ mới nghe lời [14]. Điều này có nghĩa, có thể không chỉ người có hành vi bạo lực cho rằng hành vi bạo lực là đương nhiên mà những người chứng kiến cũng cho rằng như thế.
Thứ hai, các quy định về xử phạt những hành vi vi phạm bạo lực gia đình không được phân loại một cách rõ ràng. Điều 55 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Có thể thấy, điều luật này quy định về cả hành vi bạo lực tinh thần (cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó), và bạo lực tình dục (cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục). Việc quy định như thế không sai, nhưng nó khiến các quy định trở nên không rõ ràng, không được đánh giá cao về mặt hình thức. Tác giả cho rằng, điều này là do Luật Phòng, chống BLGĐ không có sự phân loại về những hành vi BLGĐ, dẫn đến nghị định hướng dẫn cũng không có sự phân định rõ ràng về các loại BLGĐ và mức xử phạt tương ứng.
Thứ ba, hình thức xử phạt tiền theo mức tiền phạt đối với hành vi BLGĐ không thực sự hiệu quả. Nhìn chung, mức tiền phạt quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã tăng lên ít nhất gấp 5 lần so với mức tiền phạt của những hành vi vi phạm tương tự ghi nhận tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Điều này có nghĩa là đối với gia đình kinh tế khó khăn, hình thức xử phạt tiền ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sống của họ, tạo tâm lý lo sợ bị phạt tiền sẽ ảnh hưởng đến nguồn tiền của gia đình, trong khi chưa chắc sau khi bị xử phạt thì hành vi bạo lực sẽ kết thúc[15]. Biện pháp này được cho là mang tính “hai lưỡi” khi không ít những người có hành vi bạo lực sau khi nộp tiền phạt có xu hướng bạo lực nghiêm trọng hơn, do phải đánh để “cho bằng số tiền đã nộp phạt”. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng hình thức xử phạt tiền không có tác dụng giáo dục, đặc biệt là đối với những đối tượng có điều kiện kinh tế do mức phạt không đủ tính răn đe.
Một số ý kiến cho rằng, có thể thay thế hình thức xử phạt tiền thành hình thức “lao động công ích” tại địa phương hoặc hình thức “phạt giam hành chính”. Lao động công ích có thể chạm đến lòng tự trọng của người bị xử phạt, tạo nên tiếng nói dư luận để người có hành vi vi phạm ý thức về hành động sai trái của mình, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ[16]. Tuy nhiên, việc xử phạt bằng hình thức lao động công ích cũng không được các nhà nghiên cứu lập pháp khuyến khích áp dụng do vấn đề này liên quan đến các yếu tố nhân quyền, quyền lao động[17]. Phạt giam hành chính là biện pháp trừng phạt mang tính tước đoạt quyền tự do đi lại của người có hành vi bạo lực, mang tính răn đe rất lớn. Tuy nhiên, vì phải phạt giam một người trong một khoảng thời gian nhất định nên các nhà làm luật cần có quy định cụ thể về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng để đảm bảo không xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân[18].
Về vấn đề này, một số quốc gia phát triển như Phần Lan hay Thụy Sỹ đã có biện pháp áp dụng mức tiền phạt dựa trên thu nhập của người có hành vi vi phạm (“income-based fines”). Bản chất hình thức xử phạt tiền phải có ý nghĩa tác động vào yếu tố kinh tế của người có hành vi bạo lực, nhưng một mức tiền cụ thể không có khả năng ảnh hưởng đến tất cả mọi người của các tầng lớp xã hội khác nhau. Do đó, áp dụng hình thức xử phạt tiền dựa trên thu nhập là mức tiền phạt của một người có hành vi vi phạm pháp luật được tính dựa trên cơ sở tổng thu nhập của cá nhân đó.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em
2.1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, cần sửa đổi định nghĩa trẻ em “là người dưới mười sáu tuổi” thành trẻ em “là người dưới mười tám tuổi”.
Về mặt sinh học, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn chưa phát triển đầy đủ về sức khỏe và nhận thức, chưa thể được xem như người lớn hoàn toàn. Về mặt khoa học pháp lý, điều này đóng vai trò đẩy mạnh tiến trình nội luật hóa, phù hợp nội dung của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em 1989, bảo đảm trẻ em được nuôi dưỡng và chăm sóc trong môi trường tốt nhất. Ngoài ra, việc tăng độ tuổi trẻ em cũng không gây ra ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách nhà nước cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội. Lý giải cho điều này là vì hầu hết các chính sách cho người dưới 18 tuổi đều đã được tiếp cận và hoạch định theo bậc học.
Thứ hai, cần có sự phân loại bạo lực gia đình trẻ em cũng như định nghĩa các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em.
Cần phân biệt những khái niệm dễ bị nhầm lẫn như “xâm hại tình dục trẻ em” và “bạo lực tình dục trẻ em”, “xâm hại lao động trẻ em” và “bạo lực kinh tế trẻ em”... Để làm được điều này, cần phân loại BLGĐ với các hình thức cụ thể như sau:
“- Bạo lực thể chất là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
- Bạo lực về tinh thần là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
- Bạo lực về tình dục là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
- Bạo lực kinh tế là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản…)”[19].
Thứ ba, cho phép cơ quan chức năng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mà không cần có đơn trợ giúp của nạn nhân.
Cần bổ sung trường hợp các cơ quan chính quyền địa phương đương nhiên có quyền áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, tạo sự chủ động trong công tác phòng, chống BLGĐ. Tại Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đã được đề xuất sửa đổi. Tác giả cho rằng đề xuất này là hoàn toàn phù hợp vì trong trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân có thể áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mà không cần có đơn đề nghị hỗ trợ của nạn nhân, trừ khi nạn nhân từ chối việc áp dụng[20]. Mặc dù một số ý kiến cho rằng việc trao quyền quyết định này cho cơ quan công an có khả năng bảo vệ nạn nhân tốt hơn[21], sự sửa đổi này vẫn được kỳ vọng góp phần bảo vệ quyền lợi của trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình một cách hiệu quả hơn.
Thứ tư, đề xuất hình thức xử phạt tiền dựa trên thu nhập đối với người có hành vi vi phạm.
Hình thức xử phạt tiền dựa trên thu nhập mỗi cá nhân bảo đảm tính công bằng xã hội trong công tác xử lý hành vi vi phạm. Để áp dụng phù hợp với nền kinh tế – xã hội Việt Nam hiện nay, tác giả kiến nghị có thể áp dụng mức tiền phạt từ a% – b% trên thu nhập một tháng của cá nhân vi phạm, phần trăm mức tiền phạt được quy định sao cho thích hợp với mức thu nhập của người Việt Nam cũng như mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Số tiền thu nhập được tính dựa trên thông tin thu nhập cá nhân ghi nhận tại cơ quan thuế hoặc có thể được tính dựa trên mức thu nhập bình quân một ngày nhân với số ngày làm việc trung bình trong một tháng (26 ngày).
Thứ năm, cần có những chính sách khuyến khích việc báo tin, tố cáo người có hành vi bạo lực.
Cần ghi nhận, biểu dương, tôn vinh những cá nhân đã đóng góp công sức vào công cuộc đấu tranh phòng, chống BLGĐ. Đảm bảo việc khen thưởng đúng người, đúng việc, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước đối với những cá nhân có thành tích tốt trong công tác hỗ trợ thực thi pháp luật phòng, chống BLGĐ.
2.2. Kiến nghị nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Ý thức của những người chăm sóc trẻ em mang tính quyết định rất lớn trong quá trình đấu tranh đẩy lùi BLGĐ. Một số công tác góp phần nâng cao giá trị văn hóa gia đình và nhận thức cộng đồng như:
- Tại thành phố Đà Nẵng, thực hiện dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” về khuyến khích sự tham gia của nam giới trong phòng chống BLGĐ, đã thu hút hơn 8.000 người tham gia (trong đó, 40% là nam giới). Các hoạt động chính của dự án: “Nhạy cảm hóa truyền thông và vận động chính sách; nâng cao năng lực cho cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực; tổ chức các hoạt động địa phương nhằm huy động người dân, đặc biệt là nam giới nhận ra sức mạnh nội lực của mình, các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực đối với phụ nữ, từ đó đoàn kết và cùng tham gia hành động chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”[22].
- Tại tỉnh Bình Dương, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”, xây dựng chuyên mục “Cùng xây tổ ấm” trên sóng truyền hình, “Nếp sống Văn hóa và Gia đình” trên kênh báo chí; tổ chức tuyên truyền thông qua sinh hoạt hộ gia đình 01 lần/ tháng; lắp đặt 248 tấm pano cố định và 537 tấm áp phích; tuyên truyền lưu động 50 ngày trên các trục đường chính; tổ chức 441 buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, 210 cuộc thi, 169 đêm văn nghệ lồng ghép nội dung Phòng, chống bạo lực gia đình và Bình đẳng giới[23].
Thứ hai, đề xuất triển khai mô hình “Hội đồng gia đình” để trẻ em và các thành viên trong gia đình được trao đổi tâm tư, nguyện vọng.
Thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020, sau 3 năm triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại Yên Bái, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh, đến nay cả nước đã xây dựng 14 mô hình trẻ em cấp tỉnh và 17 mô hình trẻ em cấp huyện. Mô hình này tiếp thu, ghi nhận ý kiến của trẻ đối với các vấn đề xã hội, như: đảm bảo an toàn cho trẻ, bảo vệ môi trường, công tác Đoàn - Đội, các quyền tham gia của trẻ em[24]...
Do đó, theo tác giả, cần khuyến khích triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” trên quy mô gia đình, được gọi là “Hội đồng gia đình”. Vấn đề này được đề xuất khi “Hội đồng gia đình” có khả năng cung cấp không gian để các thành viên trong gia đình phản ánh những nguyện vọng, trăn trở của bản thân. Trong “Hội đồng gia đình”, trẻ em và cha mẹ có tiếng nói ngang nhau, tạo thói quen tôn trọng cũng như nâng cao sự thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, cha mẹ trẻ có thể hiểu và cùng trẻ giải quyết các vấn đề khó khăn, thậm chí là những mâu thuẫn giữa hai bên. Lúc này, mâu thuẫn được giải quyết, tình trạng BLGĐ cũng sẽ suy giảm do thiếu đi yếu tố xung đột.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo cải thiện đời sống kinh tế người dân.
Điều kiện kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân của hành vi BLGĐ.  “Trong số những người đã từng bị đối xử ít nhất 3 hành vi bạo lực, có tới 40% trong số họ đang mượn nhà của người khác ở tạm, 21.7% đang ở chung với gia đình của bố mẹ hai bên và 20% đang phải đi thuê nhà. Trong số 215 người đã từng bị đối xử ít nhất 3 hành vi bạo lực gia đình, có 10.1% ý kiến cho rằng vợ/ chồng của họ hay kiếm chuyện cãi cọ nhau và 5.7% là bị mắng chửi vì lý do họ không kiếm được tiền đưa về cho gia đình bởi việc làm có thu nhập thấp”[25].
Do đó, nâng cao hiệu quả, mở rộng phạm vi tiếp cận của các chính sách giảm nghèo bền vững đến người dân, tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định là một trong những phương án thiết thực nhất nhằm giảm thiểu tình trạng BLGĐ.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Triển khai các lớp tập huấn ngắn hạn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ công tác phòng, chống BLGĐ; Bảo đảm sự bí mật, khách quan và tính tự nguyện của các thành viên trong hòa giải mâu thuẫn gia đình. Điều này đòi hỏi các hòa giải viên phải không ngừng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nắm bắt tâm lý đương sự, sử dụng nghệ thuật hòa giải thích hợp và hiệu quả.
Thứ năm, cải thiện việc thu thập dữ liệu, bảo đảm tính công khai các dữ liệu về tình trạng bạo lực gia đình.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy những con số thống kê về các vấn đề liên quan đến BLGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Những con số mang tính tiêu cực này ít được công khai trên các trang thông tin điện tử của các cấp chính quyền địa phương, số liệu chủ yếu được tìm thấy thông qua các bài báo phản ánh tình hình xã hội. Việc thiếu các số liệu thực tế là một trong những nguyên nhân gây cản trở quá trình nghiên cứu góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật xung quanh vấn đề này./.
 

 


[1] Khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
[2] Căn cứ theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, “Trẻ em là người dưới mười sáu tuổi”.
[3] Bùi Thị Yên (2020), Thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em từ thực tiễn tỉnh Phú Yên, (Luận văn thạc sĩ luật học), Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
[4] Lan Phương (2014), Nâng cao kiến thức kỹ năng xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr. 29.
[5] Lan Phương, Tlđd.
[6] Điều 62 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã có quy định hình thức xử phạt đối với hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình.
[7] Nguyễn Thiện Hùng (2017), Cần áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc?, http://phapluat-khanhhoa.vn/tin-chi-tiet/i-d/57-18/Can-ap-dung-bien-phap-cam-tiep-xuc, truy cập ngày 05/4/2022.
[8] Nguyễn Thiện Hùng, Tlđd.
[9] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tờ trình số 11/TTr-BVHTTDL về việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngày 11/01/2022.
[10] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đề xuất sửa đổi luật phòng, chống bạo lực gia đình, https://quoc-hoi.vn/User-Controls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=47878, truy cập ngày 05/4/2022.
[11] Di Lâm (2022), Giúp trẻ tránh nguy cơ bị bạo lực gia đình, https://nld.com.vn/ban-doc/giup-tre-tranh-nguy-co-bi-bao-luc-gia-dinh-20220414214201269.htm, truy cập ngày 07/5/2022.
[12] Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ.
[13] Khoản 1 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[14] UNICEF (2021), Điều tra đo lường các chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ (SDGCW) 2020-2021, https://www.gso.gov.vn/wp-con-tent/up-loads/20-21/12/3.-SDGCW-2020-2021-BC-Tom-tat-VN.pdf.
[15] Y Kăn Niê (2020), Phòng, chống bạo lực gia đình bằng các biện pháp hành chính từ thực tiễn tỉnh Đắk Lắk (Luận văn thạc sĩ luật học), Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tr. 54-55.
[16] Y Kăn Niê, Tlđd.
[17] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tlđd.
[18] Lan Phương, Tlđd.
[19]Đoàn Thị Ngọc Hải (2015), Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1889, truy cập ngày 15/02/2022.
[20] Khoản 1 Điều 36 Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
[21] Phan Phương (2022), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, https://www.vietnam-plus.vn/quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh/78412-3.vnp, truy cập ngày 15/4/2022.
[22] Hồng Kiều (2020), Mô hình nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực giới được nhân rộng, https://www.vietnam-plus.vn/mo-hinh-nam-gioi-tien-phong-phong-ngua-bao-luc-gioi-duoc-nhan-rong-/6-79306.vnp, truy cập ngày 08/5/2022.
[23] Hiên Thạch (2021), Kết quả thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, https://sovhttdl.binhduong.gov.vn/tin-tuc/ket-qua-thuc-hien-de-an-tuyen-truyen-giao-duc-dao-duc-loi-song-trong-gia-dinh-viet-nam-giai-doan-2010-2020-tren-dia-ban-tinh-binh-duong-1865.html, truy cập ngày 08/5/2022.
[24] Dương Linh (2021), Cả nước có 31 mô hình Hội đồng trẻ em, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/993470/ca-nuoc-co-31-mo-hinh-hoi-dong-tre-em, truy cập ngày 08/5/2022.
[25] Đặng Thị Hoa (2018), Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng tới bạo lực gia đình từ góc nhìn xã hội và văn hóa, Tạp chí Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam, số 3, tr. 8.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (466), tháng 9/2022.)