Hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động thanh tra

16/08/2022

PGS.TS. BÙI THỊ ĐÀO

Trường Đại học Luật Hà Nội,

THS. NHỮ THỊ THẢO

Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Giám sát hoạt động thanh tra là công việc quan trọng nhằm bảo đảm thanh tra đúng pháp luật, phù hợp với thực tế. Việc luật hóa các quy định về giám sát hoạt động thanh tra là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về hoạt động quan trọng này. Đồng thời, Luật Thanh tra năm 2010 cũng cần có những sửa đổi để có những quy định hợp lý hơn về giám sát hoạt động thanh tra đối với các chủ thể giám sát là người ra quyết định thanh tra, tổ giám sát, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Từ khóa: Giám sát, thanh tra, giám sát hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra.
Abstract: Supervision of inspection activities is an important task to ensure that the inspection is in accordance with the law and appropriate with practical circumtance. The legalization of regulations on supervision of inspection activities is necessary to enhance the legal effect of these important regulations. Also, the Law on Inspection of 2010 also needs amendments to have more reasonable regulations on supervision of inspection activities for supervisors who are inspection decision makers, supervision teams, and civil servants assigned to the tasks of supervision.
Keywords: Supervision; inspection; supervision of inspection activities; Law on Inspection.
 GIÁM-SÁT-HOẠT-ĐỘNG-THANH-TRA.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.   Sự cần thiết phải giám sát hoạt động thanh tra
Giám sát hoạt động thanh tra là việc theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật của công chức thanh tra, tình hình thực hiện nhiệm vụ thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung thanh tra. Giám sát hoạt động thanh tra là cần thiết vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, hoạt động thanh tra có nhiều nguy cơ sử dụng quyền lực nhà nước không đúng
Kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là vấn đề cốt lõi trong tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước. “Bản thân nhà nước là tổ chức quyền lực đồng thời luôn mang trong mình nó nguy cơ lạm dụng quyền lực dù đó là nhà nước phân quyền hay độc quyền”[1]. Cho nên, bất cứ hoạt động nào sử dụng quyền lực nhà nước cũng cần được kiểm soát bằng nhiều cách thức khác nhau. Thanh tra là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước. Hoạt động thanh tra cần được kiểm soát để bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng đắn. Thêm nữa, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân với mục đích phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Thanh tra lại là cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Do đặc thù công việc nên nếu công chức thanh tra không thực sự có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân thì rất dễ lạm quyền để trục lợi. Trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng có nhận định: “qua theo dõi, tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ, thời gian thanh tra kéo dài, nội dung thanh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý, chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị chưa cụ thể”. Thêm vào đó, số liệu thống kê cho thấy có hành vi tham nhũng trong chính cơ quan thanh tra: Trong ngành thanh tra từ năm 2013 - 2020 đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, trong đó 3 vụ xảy ra ở thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc ở thanh tra cấp tỉnh, 42 vụ việc ở thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại thanh tra sở. Số công chức thanh tra có hành vi tham nhũng là 105 người[2]. Hiện tượng tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây tác hại kép, là tác hại trực tiếp của tham nhũng; và tác hại của việc không chống được tham nhũng, vô hiệu hóa khả năng tự kiểm soát của Nhà nước, làm mất lòng tin của xã hội vào Nhà nước. Vì vậy, sai phạm trong hoạt động thanh tra nguy hiểm “gấp đôi” so với sai phạm trong các hoạt động khác của Nhà nước.
Thứ hai, các hình thức kiểm soát hoạt động thanh tra chưa bảo đảm kiểm soát hoạt động thanh tra hiệu quả
Nói chung, hoạt động quản lý hành chính nhà nước, trong đó có hoạt động thanh tra, được kiểm soát bởi nhiều phương thức khác nhau, gồm: hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước; hoạt động xét xử của tòa án; hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội; hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó:
Một là, hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước. Về mặt lý thuyết, cơ quan quyền lực nhà nước giám sát toàn diện hoạt động của cơ quan hành chính nên đương nhiên bao gồm cả giám sát hoạt động thanh tra. Song, theo quy định của pháp luật cũng như thực tế thì giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước đối với hoạt động thanh tra cũng có những hạn chế nhất định:
Về đối tượng chịu sự giám sát: Quốc hội giám sát Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát Chính phủ; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội giám sát Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ; đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân giám sát Ủy ban nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân[3]. Theo đó, Chánh thanh tra bộ, Chánh thanh tra sở không phải là đối tượng trực tiếp chịu sự giám sát của các chủ thể giám sát.
Về hoạt động giám sát: cơ quan quyền lực nhà nước giám sát thông qua các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác hàng năm, báo cáo công tác nhiệm kỳ, xem xét văn bản quy phạm pháp luật, xem xét trả lời chất vấn, xem xét báo cáo chuyên đề của Chính phủ… Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm định báo cáo của Chính phủ… Vì Chính phủ là cơ quan quản lý mọi mặt đời sống xã hội nên các báo cáo công tác hàng năm, báo cáo công tác nhiệm kỳ sẽ phải bao quát hết các hoạt động của Chính phủ. Các báo cáo chuyên đề có thể về bất cứ vấn đề gì nhưng thanh tra không thuộc các vấn đề được ưu tiên quy định trong Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, điều này cũng tương tự đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Nói cách khác, hoạt động thanh tra chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà cơ quan quyền lực nhà nước cần giám sát, nên không thể lúc nào hoạt động thanh tra cũng được giám sát kịp thời, sâu sát.
Về thời điểm giám sát: pháp luật không quy định trực tiếp về vấn đề này, nhưng thông qua các hoạt động giám sát thì có thể thấy, về cơ bản, cơ quan quyền lực nhà nước chỉ giám sát đối với các hoạt động thanh tra đã hoàn thành, gần như không giám sát đối với các hoạt động thanh tra đang được diễn ra trên thực tế và càng không thể giám sát đối với mỗi cuộc thanh tra cụ thể.
Hai là, hoạt động xét xử của tòa án. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thanh tra là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi đó có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Khi đó, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Tùy vào việc quyết định, hành vi bị kiện phù hợp với pháp luật hay trái pháp luật mà tòa án có thể bác yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định, hành vi bị kiện. Như vậy, tòa án chỉ kiểm soát một cách bị động (khi có yêu cầu khởi kiện) và không kiểm soát tổng thể hoạt động thanh tra, mà chỉ xem xét tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị kiện.
Ba là, hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội. Một mặt, các tổ chức xã hội giám sát hoạt động của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình nên rất ít tổ chức xã hội thực hiện giám sát hoạt động thanh tra. Mặt khác, hoạt động giám sát của tổ chức xã hội không mang tính quyền lực nhà nước, nên nếu có giám sát hoạt động thanh tra thì tác động của hoạt động giám sát đó cũng không lớn.
Bốn là, hoạt động khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi thanh tra tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của mình. Khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại quyết định, hành vi trong thanh tra thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ xem xét lại tính hợp pháp của các quyết định, hành vi bị khiếu nại, có quyền giữ nguyên, sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ quyết định, hành vi đó tùy theo quyết định đó đúng pháp luật hay trái pháp luật ở mức độ nào. Mọi cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thanh tra. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ phải xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý người bị tố cáo nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật. Cũng tương tự như hoạt động xét xử của tòa án nêu trên, dù việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò kiểm soát hoạt động thanh tra nhưng cũng mang tính bị động và chỉ kiểm soát được quyết định, hành vi bị khiếu nại, bị tố cáo, không kiểm soát được toàn diện hoạt động thanh tra.
Nói chung, các hoạt động trên đều có giá trị kiểm soát hoạt động thanh tra ở những phạm vi, mức độ nhất định, nhưng mỗi hoạt động đều có hạn chế riêng. Thanh tra là hoạt động có tính chuyên môn cao, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành, nên dù các hoạt động kiểm soát đó có được thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, đúng pháp luật thì cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Điều đó nói lên rằng, dù đã có khá nhiều phương thức kiểm soát hoạt động thanh tra nhưng vẫn chưa đủ bảo đảm thanh tra hoàn toàn chính xác, đúng pháp luật, vẫn cần có hoạt động kiểm soát trực tiếp, toàn diện, mang tính chuyên môn hơn.
2. Pháp luật hiện hành về giám sát hoạt động thanh tra
Cùng với các hoạt động nêu trên, hoạt động thanh tra còn được kiểm soát bởi hoạt động trực tiếp, cụ thể đối với mỗi cuộc thanh tra. Hoạt động đó được gọi là giám sát hoạt động thanh tra. Mặc dù giám sát hoạt động thanh tra cần thiết như đã trình bày ở trên, nhưng Luật Thanh tra năm 2010 (Luật Thanh tra) mới chỉ có quy định về một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra là giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Tương tự như vậy, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra cũng chỉ có duy nhất quy định người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Toàn bộ các quy định về giám sát hoạt động thanh tra nằm ở Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Thông tư này quy định về trách nhiệm giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát; quyền, nghĩa vụ của người được giám sát; nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục và việc xử lý kết quả giám sát.
Về chủ thể giám sát: trách nhiệm giám sát hoạt động thanh tra thuộc về người ra quyết định thanh tra. Tuy nhiên, tùy theo phạm vi, quy mô, tính chất, nội dung của cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định tự mình giám sát, thành lập Tổ giám sát hoặc giao cho công chức thuộc quyền thực hiện việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trường hợp thành lập Tổ giám sát hoặc giao cho công chức giám sát thì Tổ giám sát, công chức được giao giám sát được hiểu là chỉ giúp việc cho người ra quyết định thanh tra giám sát hoạt động thanh tra. Toàn bộ kết quả giám sát của Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát được thể hiện trong Báo cáo kết quả giám sát. Người ra quyết định thanh tra sẽ căn cứ vào kết quả giám sát để có những xử lý phù hợp trong quá trình thanh tra. Kết quả thanh tra là một trong những căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ra kết luận thanh tra. Với ý nghĩa kết quả giám sát của Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát như trên thì các chủ thể này sẽ thực hiện những công việc cần thiết để xem xét, theo dõi hoạt động thanh tra trong suốt thời gian thanh tra nhưng không có quyền xử lý các vấn đề nảy sinh mà chỉ có thể báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý hoặc để người ra quyết định thanh tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Về hình thức giám sát: Trường hợp người ra quyết định thanh tra tự mình giám sát thì giám sát được thực hiện thông qua hai hình thức là[4]:
1. Yêu cầu Đoàn thanh tra thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật về thanh tra và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;
2. Làm việc trực tiếp với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi cần thiết phục vụ cho mục đích giám sát.
Trường hợp Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát thì giám sát được thực hiện qua hai hình thức là[5]:
1. Tổng hợp, đánh giá thông tin về các nội dung giám sát từ các nguồn: báo cáo, thông tin và tài liệu có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra do Đoàn thanh tra cung cấp; kiến nghị, phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức cá nhân về hoạt động của Đoàn thanh tra, hành vi của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.
2. Làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra phê duyệt đề xuất của Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát.
So sánh hình thức giám sát trong hai trường hợp trên sẽ thấy có sự khác biệt khá lớn giữa giám sát được thực hiện bởi người ra quyết định thanh tra và giám sát được thực hiện bởi Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát. Ở hình thức giám sát thứ nhất, nếu người ra quyết định thanh tra hoàn toàn có quyền chủ động trong việc yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin phục vụ cho việc giám sát thì Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát lại bị động, chỉ đơn giản là tổng hợp thông tin do Đoàn thanh tra cung cấp. Điều này không hợp lý vì như vậy Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát sẽ rất khó giám sát, nhất là về những vấn đề không được thể hiện trong các báo cáo, tài liệu do Đoàn thanh tra cung cấp. Ở hình thức giám sát thứ hai, người ra quyết định thanh tra được tự mình quyết định có làm việc trực tiếp với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong khi đó, Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát chỉ được làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi người ra quyết định thanh tra yêu cầu hoặc sau khi đề xuất và được người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Điều này mặc dù có khả năng hạn chế Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát tùy tiện trong quá trình giám sát, nhưng lại khiến cho Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát rất bị động. Điều đó cũng có nghĩa là dù trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra không trực tiếp giám sát nhưng vẫn phải theo dõi rất sát quá trình thanh tra để quyết định khi nào yêu cầu Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, hay phê duyệt đề xuất của Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát về việc này.
Về nhiệm vụ, quyền hạn trong giám sát: một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra là giải trình và làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người giám sát[6]. Tuy nhiên, chỉ người ra quyết định thanh tra mới có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình về các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra[7]. Còn Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thì không có quyền này[8]. Vậy nếu khi giám sát, Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát nghi vấn hoặc không rõ về vấn đề nào đó thuộc nội dung thanh tra nhưng lại không có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình thì rõ ràng là việc giám sát sẽ khó khăn.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám sát hoạt động thanh tra
Thứ nhất, cần luật hóa các quy định về giám sát hoạt động thanh tra. Thanh tra là hoạt động có vai trò phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Với vai trò như vậy cũng như nguy cơ có thể xảy ra sai phạm trong thanh tra nên vấn đề giám sát hoạt động thanh tra đã được đặt ra. Phần lớn các quy định của pháp luật về thanh tra đã được “luật hóa” từ năm 2004[9], nhưng quy định về giám sát hoạt động thanh tra mới xuất hiện lần đầu tiên trong Luật Thanh tra năm 2010 và cũng chỉ dừng lại ở quy định đó là một nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra. Các quy định về giám sát hoạt động thanh tra như chủ thể giám sát, nội dung giám sát, phương thức giám sát, quyền, nghĩa vụ của chủ thể giám sát, đối tượng giám sát chỉ dừng lại ở mức thông tư đã phần nào làm giảm ý nghĩa của hoạt động này. Để đảm bảo giá trị cần thiết cho các quy định về giám sát hoạt động thanh tra tương xứng với tầm quan trọng của hoạt động này, thì cần phải luật hóa những quy định cơ bản về giám sát hoạt động thanh tra. Vì vậy, Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) ngày 29/10/2021 (Dự thảo)[10] đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của pháp luật về thanh tra bằng cách dành 5 điều, từ Điều 94 đến Điều 98, quy định về trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra; nội dung giám sát hoạt động thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát.
 Thứ hai, cần quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát hợp lý hơn. So với Thông tư số 05/2015/TT-TTCP, Dự thảo đã có những thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát. Những nội dung được Thông tư số 05/2015/TT-TTCP gọi là hình thức giám sát thì được Dự thảo đưa vào nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát. Tuy nhiên, các nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát vẫn có một số điểm cần cân nhắc thêm:
Một là, mở rộng quyền cho Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát. Theo Điều 94 Dự thảo thì Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát được gọi chung là người thực hiện giám sát. Điều 96 Dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát, trong đó có quyền yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp các thông tin, tài liệu: quyết định thanh tra, quyết định gia hạn thời gian thanh tra, quyết định bổ sung, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, thay đổi nội dung thanh tra, kế hoạch thanh tra, các văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra… Với quyền này, người thực hiện giám sát đã được chủ động yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động giám sát, không còn bị động chỉ tổng hợp thông tin được cung cấp nữa. Tuy nhiên, người thực hiện giám sát cũng vẫn chỉ được làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Thậm chí, Dự thảo còn không quy định người thực hiện giám sát được đề xuất người ra quyết định thanh tra phê duyệt để làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thấy cần thiết (quy định hiện có trong Thông tư số 05/2015/TT-TTCP). Điều này mặc dù có khả năng hạn chế Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát tùy tiện trong quá trình giám sát, nhưng cũng lại khiến cho họ giám sát rất khó khăn. Vì vậy, nên trao quyền rộng hơn cho người thực hiện giám sát là được quyền chủ động làm việc với Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để tránh việc họ sử dụng quyền này tùy tiện thì cách tốt hơn là đề cao trách nhiệm của người thực hiện giám sát khi họ không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Hai là, cần bổ sung quy định Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Như đã phân tích, trường hợp người ra quyết định thanh tra không tự mình giám sát mà thành lập Tổ giám sát, giao cho công chức thực hiện việc giám sát thì hầu hết quá trình giám sát là do Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện. Nếu Tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thấy có vấn đề không rõ ràng, thiếu căn cứ mà lại không có quyền yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra giải trình, làm rõ thì sẽ làm quá trình giám sát trở nên khó khăn và có thể ảnh hưởng đến kết quả giám sát.
Ba là, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát của người ra quyết định thanh tra. Dự thảo hiện không có quy định này. Người ra quyết định thanh tra cần được hiểu là người đương nhiên có trách nhiệm giám sát hoạt động thanh tra. Nếu thành lập Tổ giám sát, giao cho công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát thì họ chỉ là người giúp người ra quyết định thanh tra, thay người ra quyết định thanh tra trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn; còn bản thân người ra quyết định thanh tra với tư cách là người giám sát sẽ có những nhiệm vụ quyền hạn về giám sát mà Tổ giám sát, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát không thể có. Như quyền xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, xử lý hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra. Không chỉ thế, trường hợp người ra quyết định thanh tra tự mình giám sát thì họ phải có đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện việc giám sát. Do đó, Luật Thanh tra cần có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát hoạt động thanh tra của người ra quyết định thanh tra trong hai trường hợp là tự mình giám sát và thành lập Tổ giám sát, giao cho công chức thực hiện việc giám sát./.

 


[1] GS.TSKH. Đào Trí Úc & PGS. TS. Võ Khánh Vinh (2003), (đồng chủ biên), Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.47.
[2] TS. Nguyễn Xuân Trường (2022), Thách thức và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202202/thach-thuc-va-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-o-nuoc-ta-hien-nay-310641.
[3] Điều 4, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
[4] Điều 9 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
[5] Điều 14 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
[6] Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
[7] Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
[8] Điều 15 Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
[9] Luật Thanh tra năm 2004 được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 15/6/2004.
[10] Thanh tra Chính phủ (2021),
https://thanhtra.gov.vn/web/guest/lay-y-kien-du-thao-ve-vbqppl/-/duthao/gopyduthaovanban/

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (461), tháng 7/2022.)