Hoàn thiện quy định của pháp luật về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

02/09/2022

THS. TRẦN LINH HUÂN

Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. HCM.

Tóm tắt: Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý khám, chữa bệnh, cũng như bảo đảm yêu cầu về khả năng trình độ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; từ đó giúp cho hoạt động khám chữa bệnh đạt được tính an toàn, hiệu quả, chất lượng. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập; điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả trong việc cấp, quản lý, kiểm soát và sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật về vấn đề này và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Abstract: Certificates of practice in medical examination and treatment have an important role and significance in the management of medical examination and treatment as well as ensuring the requirements of the qualifications of medical practitioners, thereby helping medical examination and treatment activities achieve safety and effectiveness, quality. However, currently, the law governing the certificate of medical practice still exists certain limitations and inadequacies, which has greatly affected the effectiveness in the issuance, management, control and use of certificates of medical practice. From there, the article is focused on analysis and assessments of some inadequacies in regulations and law enforcement on medical practice certificates, thereby provides a number of recommendations for improvements.
Keywords: Certificates of practice of medical examination and treatment; Law on medical examination and treatment.
 CHỨNG-CHỈ-HÀNH-NGHỀ-KHÁM-BỆNH.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã góp phần quan trọng vào việc cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng đủ điều kiện luật định để hành nghề y. Các quy định về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) đã xác định được điều kiện, trình tự, thủ tục, giá trị pháp lý của chứng chỉ hành nghề KBCB; góp phần làm minh bạch, tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn cấp, sử dụng, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề KBCB trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, như chưa bao quát hết các đối tượng đang công tác trong lĩnh vực y tế tại các cơ sở y tế nhưng có nhu cầu được hành nghề và cấp chứng chỉ hành nghề; việc phân cấp cho chính quyền địa phương đã tạo thuận lợi cho người xin cấp chứng chỉ, song cũng dễ tạo ra sự tùy tiện. Một số quy định khó được thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện, nhất là quy định về xác nhận thời gian thực hành nghề y, yêu cầu cập nhật kiến thức của người hành nghề. Không những thế, việc không quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề y cũng không phù hợp với xu hướng chung ở các nước trên thế giới.
1. Khái quát về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Khái niệm chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được định nghĩa tại khoản 4 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 (Luật KBCB); theo đó, “chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này”. Hoạt động KBCB đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn, sức khỏe bởi tính mạng của người bệnh là quan trọng, cho nên việc cá nhân đáp ứng được những điều kiện để được thực hiện hoạt động khám chữa bệnh là hết sức cần thiết. Theo đó, một người muốn hành nghề KBCB tại Việt Nam thì bắt buộc phải được cấp chứng chỉ hành nghề KBCB.
Chứng chỉ hành nghề KBCB có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý khám, chữa bệnh, cũng như đảm bảo yêu cầu về khả năng trình độ của người hành nghề khám, chữa bệnh, từ đó giúp cho hoạt động khám, chữa bệnh đạt được tính an toàn, hiệu quả, chất lượng. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, chứng chỉ hành nghề KBCB là công cụ quản lý hoạt động KBCB của Nhà nước. Hoạt động KBCB là một trong những hoạt động vô cùng thiết yếu trong đời sống hằng ngày, bảo đảm đáp ứng nhu cầu được có một sức khỏe tốt của người dân. Vì vai trò quan trọng của nó, cũng như độ bao phủ của lĩnh vực này trong đời sống, cho nên hoạt động này trở nên rất phức tạp trên thực tế, phát sinh rất nhiều vấn đề, nhất là nạn khám, chữa bệnh giả, lừa gạt bệnh nhân. Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cũng là cách để cơ quan quản lý có thể kiểm tra chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương; từng bước rà soát những cơ sở khám, chữa bệnh trái pháp luật, không đủ điều kiện tiêu chuẩn, chuyên môn trong lĩnh vực KBCB. Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề KBCB cũng góp phần đánh giá được nguồn lực y tế của từng địa phương trong điều kiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang được người dân rất quan tâm.
Hai là, chứng chỉ hành nghề KBCB là minh chứng cho trình độ chuyên môn của cá nhân thực hiện việc KBCB. Đối với những người hành nghề KBCB như bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền[1] thì chứng chỉ hành nghề KBCB chính là minh chứng đáng tin cậy nhất về khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của họ. Bởi lẽ, trước khi có được chứng chỉ hành nghề KBCB mỗi cá nhân trên đều phải trải qua một quá trình dài để học tập và nghiên cứu nâng cao chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp. Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có một ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ y tế, cũng như góp phần sàng lọc các cá nhân, cơ sở hành nghề KBCB không đủ chuyên môn và không có chứng chỉ hành nghề. Việc này còn góp phần giảm các rủi ro y tế từ việc người hành nghề KBCB thiếu chuyên môn gây ra.
2. Thực trạng các quy định của pháp luật về chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Thực tiễn thi hành pháp luật về hành nghề KBCB[2] đã cho thấy, nội dung quy định về người xin cấp chứng chỉ hành nghề KBCB còn một số vấn đề cần lưu ý như sau:
Một là, pháp luật hiện hành chỉ yêu cầu đối tượng xin cấp chứng chỉ hành nghề có văn bằng chuyên môn phù hợp, có xác nhận thời gian thực hành mà không cần phải qua sát hạch chuyên môn. Trong khi tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, để được cấp chứng chỉ hành nghề y, người hành nghề phải trải qua một kỳ thi hoặc sát hạch chuyên môn[3]. Mục tiêu của quy định kiểm tra, sát hạch bắt buộc và cấp chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo người hành nghề đạt các chuẩn mực chuyên môn bắt buộc và thực hành y khoa tốt, bảo đảm an toàn điều trị và bảo vệ người bệnh, cộng đồng, cũng như các yêu cầu khác như đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm thực hành… Nói cách khác, các quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về cấp chứng chỉ hành nghề KBCB chưa tương xứng với những đòi hỏi khắt khe về chuyên môn của ngành y; ngành đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, và xu thế chung ở các nước trên thế giới. Trên thực tế, mặc dù có cùng một chứng chỉ chuyên môn như bác sĩ đa khoa, nhưng nếu không có sự sát hạch thì sự chênh lệch, thậm chí không đạt về chuẩn thực hành chuyên môn là điều hoàn toàn có thể xảy ra[4].
Bên cạnh đó, một số chức danh cũng tham gia làm việc trực tiếp trong các cơ sở KBCB nhưng chưa được cấp phép là cử nhân tâm lý, cử nhân tâm lý lâm sàng, cử nhân xạ trị, thư ký y khoa, nhân viên y tế học đường, cử nhân dinh dưỡng, kỹ sư sinh học, kỹ sư hóa học, cử nhân khúc xạ, chỉnh quang viên, kỹ thuật viên khúc xạ[5]. Có thể thấy rằng, các đối tượng này cũng tham gia vào việc KBCB cho bệnh nhân, có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, kinh tế của người bệnh do đó nếu nhìn nhận dưới góc độ pháp luật thì các chủ thể này cần phải được nằm trong diện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề vì họ là đối tượng hành nghề có điều kiện. Hay đối với lương y, dù đã được Luật quy định hành nghề phải có chứng chỉ, nhưng điều kiện công nhận lương y cũng còn chưa rõ ràng[6].
Ngoài ra, việc Luật KBCB sử dụng thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” cũng chưa thật sự phù hợp bởi cách gọi này chưa tương thích với tính chất và giá trị pháp lý của loại chứng thư này trong hoạt động KBCB. Hơn nữa, điều này cũng không phù hợp với xu hướng chung trên thế giới bởi các quốc gia hiện nay đa phần đều sử dụng tên gọi là giấy phép hành nghề[7].
Hai là, việc phân cấp cho Sở Y tế tỉnh, thành phố cấp chứng chỉ hành nghề cho một số đối tượng trong khu vực quản lý là phù hợp, nhưng vẫn còn vướng về thủ tục hành chính và sự tùy tiện, không tuân thủ pháp luật trong quá trình cấp phép, dễ dẫn đến cấp sai nội dung, cấp sai đối tượng, nể nang dẫn đến vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, từ ngày 1/1/2012 đến ngày 30/3/2018, tổng số hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề KBCB cho người hành nghề tại Sở Y tế tỉnh Bắc Giang là 5.553 hồ sơ và 390 Giấy phép hoạt động KBCB. Chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 872 hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề KBCB và 5 hồ sơ cấp giấy phép hoạt động KBCB, ngành chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm[8].
Ba là, việc cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn sẽ khiến cho những người hành nghề không có ý thức nâng cao kỹ năng thực hành y khoa, cũng như tạo ra bất cập trong cơ chế giám sát sự cố y khoa hoặc vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định nên đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề đã cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình. PGS. TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh nêu thực tế: “Qua kiểm tra của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Hay có trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh”[9]. Bên cạnh đó, việc quy định chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước sẽ tạo nên tâm lý “lười” cập nhật kiến thức chuyên môn của những đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề KBCB. Cùng với quá trình phát triển của xã hội thì quá trình KBCB cũng phát triển. Vì vậy, nếu pháp luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp có giá trị với thời hạn không xác định sẽ tạo nên tâm lý chủ quan, không muốn cập nhật chuyên môn kỹ thuật, dẫn đến lạc hậu và có thể gây ra những sai sót trong quá trình thực hiện KBCB. Ngoài ra, việc không quy định giới hạn thời hạn hiệu lực chứng chỉ hành nghề KBCB còn tạo ra khoảng cách so với thế giới vì hiện nay đa phần các quốc gia trên thế giới đều quy định theo hướng giới hạn thời hạn hiệu lực của giấy phép hành nghề KBCB[10].
Bốn là, hệ thống văn bản pháp quy về KBCB đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thực tế như quy định về bắt buộc người đăng ký hành nghề phải trải qua thời gian thực hành lâm sàng nhất định tại các cơ sở y tế nhưng không quy định cụ thể về nội dung, yêu cầu năng lực đầu ra và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành. Yêu cầu đối với văn bản xác nhận quá trình thực hành của người hành nghề gồm 03 nội dung chính: (i) xác nhận về thời gian thực hành; (ii) xác nhận năng lực chuyên môn; (iii) xác nhận đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác nhận này còn định tính, chưa có tiêu chí cụ thể như năng lực chuyên môn được đánh giá qua những yếu tố nào; chưa giới hạn số người hướng dẫn thực hành cho người hành nghề nhằm đảm bảo chất lượng và chuyên môn thực hành; nhiều cơ sở thực hành coi việc xác nhận quá trình thực hành chỉ là hình thức, chưa ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế đối với quá trình KBCB của người đăng ký thực hành trong quá trình thực hành. Ngoài ra, nhiều bệnh viện còn phản ánh về vấn đề lý lịch tư pháp, để được lý lịch tư pháp thường phải mất thời gian khoảng từ 1 đến 3 tháng[11], điều này đã gây ra sự rườm rà trong thủ tục hành chính và làm mất nhiều thời gian cho các chủ thể khi tiến hành thực hiện thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề KBCB.
Năm là, việc cấp chứng chỉ hành nghề KBCB cho người nước ngoài gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện về lý lịch tư pháp. Để hoàn thiện lý lịch tư pháp, người nước ngoài, người không có quốc tịch cần phải có thẻ thường trú hoặc tạm trú. Tuy nhiên, có một số người nước ngoài, người không có quốc tịch sinh sống, làm việc không có thẻ thường trú, tạm trú phải đi xin chứng nhận thường trú, tạm trú; trong khi việc đi xin giấy này vô cùng khó khăn; điều này đã tạo nên tâm lý e ngại cho những người nước ngoài hay người không có quốc tịch có trình độ chuyên môn cao đến Việt Nam làm việc.
4. Kiến nghị hoàn thiện
Một là, cần thay đổi tên gọi “chứng chỉ hành nghề KBCB” đang được sử dụng trong Luật KBCB sang “giấy phép hành nghề KBCB” như trong quy định tại khoản 5 Điều 2 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi). Việc sử dụng tên gọi “giấy phép hành nghề” thay cho “chứng chỉ hành nghề” là cần thiết và phù hợp bởi điều này không chỉ thể hiện được tính chất, giá trị của loại chứng thư pháp lý này mà còn bảo đảm sự tương thích, tiệm cận, hội nhập giữa pháp luật Việt Nam và thế giới khi quy định về điều kiện hành nghề KBCB.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề KBCB theo hướng các chủ thể ngoài việc đáp ứng các điều kiện về hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ thì còn cần phải tham gia và vượt qua kỳ thi sát hạch đánh giá năng lực hành nghề KBCB do cơ quan có thẩm quyền tổ chức theo như tinh thần quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi) thì mới được cấp giấy phép hành nghề, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ như hiện nay. Việc quy định cấp giấy phép hành nghề KBCB dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề KBCB là cần thiết, giúp sàng lọc và lựa chọn được những chủ thể có năng lực chuyên môn, bảo đảm an toàn điều trị và bảo vệ người bệnh, cộng đồng, và phù hợp, tiệm cận với yêu cầu và xu hướng chung của thế giới.
Đặc biệt, đối với đối tượng là bác sĩ muốn hành nghề KBCB thì cần phải bắt buộc tham gia kỳ thi sát hạch đánh giá năng lực, thậm chí cần tổ chức thi qua nhiều vòng để có sự sàng lọc, đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ. Các bác sĩ ở nước ngoài được phép vào Việt Nam hành nghề đều phải thi kiểm chứng năng lực như các bác sĩ Việt Nam. Do đó, cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp giấy phép hành nghề và giấy phép này có giá trị trên toàn quốc. Luật cũng cần có quy định thu hồi giấy phép hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.
Ngoài ra, cần phải tiếp tục xem xét mở rộng nhóm đối tượng phải có giấy phép hành nghề KBCB. Theo đó, ngoài các đối tượng là bác sỹ; y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng; cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic); lương y; người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền phải có giấy phép hành nghề KBCB, thì khoản 1 Điều 18 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi) cần quy định bổ sung thêm các đối tượng như cử nhân tâm lý, cử nhân tâm lý lâm sàng, cử nhân xạ trị, thư ký y khoa, nhân viên y tế học đường, cử nhân dinh dưỡng, kỹ sư sinh học, kỹ sư hóa học, cử nhân khúc xạ, chỉnh quang viên, kỹ thuật viên khúc xạ… cũng là những đối tượng cần phải có giấy phép hành nghề KBCB. Bởi lẽ, các chủ thể này cũng tham gia vào các quá trình KBCB cho bệnh nhân, điều này sẽ có sự tác động ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Vì vậy, yêu cầu các chủ thể này phải có giấy phép hành nghề KBCB là phù hợp, nhằm bảo đảm chất lượng nhân sự để phục vụ cho công tác nâng cao hiệu quả KBCB cũng như hạn chế rủi ro cho bệnh nhân. Đồng thời, các điều kiện đặt ra cho từng đối tượng cụ thể để được cấp giấy phép hành nghề KBCB cũng cần phải được tiếp tục quy định hướng dẫn một cách rõ ràng, cụ thể để việc cấp phép được thực hiện thống nhất và không mang sự định tính.
Hai là, về vấn đề cấp, thu hồi giấy phép hành nghề KBCB. Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi) thì thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh thuộc về Hội đồng y khoa quốc gia. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, việc giao thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề KBCB cho Hội đồng y khoa quốc gia sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro cao. Bởi lẽ, khi thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề được tập trung về một đầu mối là Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ gây ra tình trạng quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề, đặc biệt là việc cấp phép hành nghề KBCB trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Theo như nhận định của đại biểu quốc hội Đặng Văn Lẫm (Đoàn đại biểu quốc hội Tp. Hồ Chí Minh): “Số lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cả nước rất lớn, thủ tục cấp phép phải theo một quy trình, thời gian nhất định, trong các đơn vị quân đội luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lực lượng cần được bổ sung tăng cường nhanh. Nhiều đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhà giàn, nếu theo quy trình, thời gian cấp phép thường sẽ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên quân y ngoài kiến thức chuyên môn ngành y còn phải có năng lực về y học quân sự như: nội khoa dã chiến, ngoại khoa dã chiến, tổ chức chỉ huy quân y, y học quân, binh chủng, xử lý vết thương chiến tranh. Do đó, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề đối với cán bộ y tế dân y, cán bộ quân y trong quân đội cùng một Hội đồng y khoa quốc gia, cùng một bộ câu hỏi theo dự thảo Luật là chưa phù hợp[12]. Hơn nữa, việc giao thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề KBCB đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý giao cho một tổ chức độc lập ngoài quân đội thì sẽ không bảo đảm về yếu tố bí mật nhà nước[13]. Ngoài ra, Hội đồng y khoa quốc gia không phải là cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, mà là một tập thể nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề[14]. Do đó, việc trao thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép cho Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro, khó khăn và chưa thật sự phù hợp. Vì vậy, thay vì trao quyền cho Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám chữa bệnh thì nên giao cho tổ chức này thực hiện tổ chức sát hạch kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề cho các đối tượng có nhu cầu để làm căn cứ cấp giấy phép. Còn thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề KBCB sẽ giao cho cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là sẽ giao cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế thực hiện dựa trên căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức bên cạnh các điều kiện có liên quan, điều này giúp hạn chế tình trạng vi phạm cục bộ, cứng nhắc trong quá trình cấp, thu hồi giấy phép. Việc cấp phép dựa vào kết quả sát hạch năng lực hành nghề trên phạm vi quốc gia được thực hiện bởi một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, việc tổ chức kỳ thi quốc gia độc lập thông qua Hội đồng y khoa sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KBCB, cũng như khắc phục được sự bất cập và tình trạng vi phạm trong vấn đề cấp phép khi chỉ dựa vào hồ sơ, văn bằng chứng chỉ như hiện nay. Đặc biệt, điều này còn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện nay, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và Hội đồng này sẽ tổ chức thi sát hạch chuyên môn để làm cơ sở cấp giấy phép hành nghề KBCB, mô hình này đã được áp dụng ngay tại các nước chậm phát triển, và đang phát triển[15]. Do đó, việc giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB cũng như các điều kiện có liên quan là cần thiết bởi điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn nâng cao hiệu quả công tác KBCB mà còn phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Ba là, Luật KBCB cần phải quy định giới hạn thời hạn giá trị sử dụng của giấy phép hành nghề KBCB, theo đó thời hạn sử dụng giấy phép hành nghề KBCB sẽ là 05 năm theo như quy định tại khoản 3 Điều 27 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi), khi hết thời hạn nếu các chủ thể có nhu cầu tiếp tục sử dụng giấy phép thì phải thực hiện thủ tục gia hạn trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện đặt ra[16], thời gian được gia hạn thêm không vượt quá thời hạn được cấp lần đầu và có thể được gia hạn nhiều lần. Việc quy định theo hướng như trên là điều cần thiết và phù hợp bởi sẽ giúp khắc phục được các vấn đề khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý hành nghề KBCB tại các địa phương, tạo được cơ chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, giám sát việc quản lý chất lượng người hành nghề khi chuẩn hóa các điều kiện chuyên môn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục và quá trình hành nghề của người hành nghề. Đồng thời, điều này còn giúp hạn chế tình trạng tâm lý “lười” cập nhật kiến thức chuyên môn của những đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề KBCB. Ngoài ra, việc quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề sẽ giúp bảo đảm phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế, từ đó giúp cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về KBCB được dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bốn là, cần tiếp tục quy định hướng dẫn cụ thể về nội dung, yêu cầu năng lực đầu ra và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành được áp dụng cho người đăng ký hành nghề KBCB trong quá trình thực hành lâm sàng tại các cơ sở y tế theo quy định bởi đây là căn cứ quan trọng để xem xét cấp giấy phép hành nghề KBCB. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng định tính khi các cơ sở y tế xác nhận quá trình thực hành của người đăng ký hành nghề KBCB thì cần phải tiếp tục quy định các tiêu chí cụ thể về vấn đề xác nhận thời gian thực hành, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời cũng cần phải quy định rõ trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc mà các cơ sở thực hiện xác nhận quá trình thực hành phải gánh chịu nếu không tuân thủ các yêu cầu đặt ra. Việc quy định cụ thể các tiêu chí xác nhận quá trình thực hành của người đăng ký hành nghề KBCB cũng như trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với các cơ sở xác nhận khi vi phạm sẽ giúp hạn chế được tình trạng xác nhận theo kiểu hình thức, không phản ánh đúng sự thật như hiện nay.
Năm là, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề KBCB. Đơn cử như cần xem xét bỏ bớt yêu cầu cần phải có lý lịch tư pháp khi cấp chứng chỉ hành nghề KBCB đối với người hành nghề KBCB; đặc biệt là đối với người hành nghề KBCB trong các cơ sở y tế công lập bởi tại đây việc quản lý về chuyên môn và lý lịch rất chặt chẽ, nên việc yêu cầu thêm lý lịch tư pháp chỉ tạo thêm thủ tục hành chính rườm rà. Hơn nữa, việc bỏ yêu cầu lý lịch tư pháp cũng giúp cho người nước ngoài đỡ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là điều kiện về lý lịch tư pháp khi đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề để hành nghề KBCB tại Việt Nam, từ đó sẽ tạo được điều kiện để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài tham gia vào hoạt động KBCB tại Việt Nam./.

 


[1] Xem Điều 17 Luật KBCB.
[2] Bên cạnh Luật KBCB, các nghị định hướng dẫn như Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/8/2011 hướng dẫn Luật KBCB, Nghị định số109/2016/NĐ-CP 1/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh.
[3] Hoàng Lộc (2019), Muốn hành nghề y phải thi lấy chứng chỉ, https://tuoitre.vn/muon-hanh-nghe-y-phai-thi-lay-chung-chi-2019072600242305.htm, truy cập ngày 20/08/2022.
[4] Đinh Thị Thanh Nga (2017), Về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh theo pháp luật Việt Nam, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=371, truy cập ngày 19/06/2022.
[5] Trần Thị Mai Oanh (2017), Đánh giá những bất cập của các quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1478&TabIndex=2&TaiLieuID=2988, truy cập ngày 19/06/2022.
[6] Trần Thị Mai Oanh (2017), tlđd.
[7] Trần Thị Mai Oanh (2017), tlđd.
[8] Đức Sơn, Công Lý (2018), Bắc Giang: Tùy tiện cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, http://daidoanket.vn/tieng-dan/bac-giang-tuy-tien-cap-chung-chi-hanh-nghe-kham-chua-benhtintuc405802, truy cập ngày 19/06/2022.
[9] Đinh Hằng (2019), Cần siết chặt cấp chứng chỉ khám, chữa bệnh ở Việt Nam, https://cadn.com.vn/can-siet-chat-cap-chung-chi-kham-chua-benh-o-viet-nam-post210161.html, truy cập ngày 19/06/2022.
[10] Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định giới hạn thời hạn hiệu lực của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thông thường là 05 năm, Singapore là 03 năm (Nguồn: Trần Thị Mai Oanh (2017), tlđd.
[11] Trần Thị Mai Oanh (2017), tlđd.
[12] Thùy Giang (2022), Hội đông y khoa quốc gia cấp giấy phép hành nghề là không phù hợp, https://www.vietnamplus.vn/hoi-dong-y-khoa-quoc-gia-cap-giay-phep-hanh-nghe-la-khong-phu-hop/797528.vnp, truy cập ngày 20/08/2022.
[13] Tlđd, theo ý kiến của ĐBQH Đặng Văn Lẫm.
[14] Tlđd, theo ý kiến của ĐBQH Nguyễn Trí Thức.
[15] Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Muốn có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch chuyên môn, https://medinet.gov.vn/giam-doc-cac-benh-vien-can-biet/muon-co-chung-chi-hanh-nghe-kham-chua-benh-se-phai-trai-qua-ky-thi-quoc-gia-sat-cmobile13465-6766.aspx, truy cập ngày 20/08/2022.
[16] Xem thêm khoản 4, khoản 6 Điều 19 Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi).

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (465), tháng 9/2022.)