Bảo vệ đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra

03/09/2022

TS. NGUYỄN NGỌC BÍCH

Khoa Pháp luật Hành chính _ Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Hoạt động thanh tra cho phép chủ thể quản lý đánh giá được việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra cũng có thể gây ra những bất lợi cho đối tượng thanh tra. Vì vậy, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra cần được đặt ra trong xây dựng và thực thi pháp luật thanh tra.
Từ khóa: Hoạt động thanh tra, đối tượng thanh tra, bảo vệ đối tượng thanh tra.
Abstract: The management subject, throught inspection activities, is helped to assess the performance of tasks, powers and law compliance by the subject of inspection. However, inspection activities can also cause disadvantages for the subject of inspection. Therefore, protection of the legitimate rights and interests of subjects of inspection should be set out in the development and enforcement of Law on Inspection.
Keywords: Inspection activities; objects of inspection; protection of objects of inspection.
 THANH-TRA3.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Sự cần thiết phải bảo vệ đối tượng thanh tra
Luật Thanh tra[1] định nghĩa: “Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Như vậy, đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xem xét, đánh giá, xử lý trong một hoạt động thanh tra cụ thể. Pháp luật hiện hành quy định hai loại hoạt động thanh tra là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra hành chính và đối tượng thanh tra chuyên ngành cũng khác nhau. Nếu như đối tượng thanh tra hành chính là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong bộ máy hành chính nhà nước, có mối quan hệ tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước, thì đối tượng của thanh tra chuyên ngành có thể là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, bao gồm cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước có hoạt động thuộc quyền quản lý ngành, lĩnh vực chuyên môn của cơ quan quản lý chuyên ngành. Mục đích của hoạt động thanh tra nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực của đối tượng thanh tra.
Bảo vệ đối tượng thanh tra, hay bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra cần được đặt ra trong xây dựng pháp luật và thực tiễn thanh tra, bởi vì:
Hoạt động thanh tra là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước nên có nguy cơ bị lợi dụng. Trong hoạt động thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra hay Đoàn thanh tra, thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ trong hoạt động thanh tra (gọi tắt là người thanh tra) là bên sử dụng quyền lực nhà nước, ở “thế mạnh”, được ra các mệnh lệnh, các quyết định mà đối tượng thanh tra, ở “thế yếu”, buộc phải chấp hành theo. Vì thế, nếu các mệnh lệnh, quyết định được ban hành một cách tùy tiện sẽ “đẩy” đối tượng thanh tra vào thế bất lợi. Mặt khác, người thanh tra có thể lợi dụng việc sử dụng quyền lực nhà nước làm lợi cho cá nhân, tạo ra sự không công bằng giữa cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức khác, hoặc vì lợi ích của mình mà xâm phạm lợi ích của đối tượng thanh tra.
Hoạt động thanh tra có thể gây cản trở việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Khi một cuộc thanh tra cụ thể được tiến hành chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, buộc đối tượng thanh tra phải thực hiện thêm những nghĩa vụ hay bị hạn chế thực hiện quyền khác với bình thường. Ví dụ, đối tượng thanh tra phải chuẩn bị và cung cấp số liệu, tài liệu, văn bản, giấy tờ cho người thanh tra; phải làm việc trực tiếp với người thanh tra; có thể bị áp dụng các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép, đình chỉ việc làm, phong tỏa tài khoản… gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động của đối tượng thanh tra.
Hoạt động thanh tra có nguy cơ xâm phạm đến quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra. Nếu hoạt động thanh tra không được thực hiện khách quan, chính xác thì kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định kỷ luật (là những văn bản được ban hành trên cơ sở kết luận thanh tra) sẽ xâm phạm đến quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đối tượng thanh tra; gây thiệt hại về tài sản cho đối tượng thanh tra.
Trên thực tế, đã có tình trạng hoạt động thanh tra gây ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng thanh tra: “qua theo dõi, tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp,… thời gian thanh tra kéo dài, nội dung thanh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý”[2].
Bảo vệ đối tượng thanh tra là một biểu hiện cụ thể của việc tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Các quy định của Luật Thanh tra về bảo vệ đối tượng thanh tra
Luật Thanh tra không quy định cụ thể nguyên tắc cũng như không có phần nội dung cụ thể về bảo vệ đối tượng thanh tra, nhưng nhiều quy định của Luật Thanh tra hướng đến mục đích bảo vệ đối tượng thanh tra.
Thứ nhất, bảo vệ đối tượng thanh tra bằng các nguyên tắc thanh tra.
Điều 7 Luật Thanh tra quy định các nguyên tắc thanh tra: Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra”.
Các nguyên tắc nhằm bảo đảm cho hoạt động thanh tra có thể xem xét, đánh giá đối tượng thanh tra chính xác, khách quan, trên cơ sở các quy định của pháp luật qua đó bảo vệ đối tượng thanh tra. Trong số các nguyên tắc, có hai nguyên tắc không trùng lặp trong hoạt động thanh tra và không cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra thể hiện rõ nhất mục đích bảo vệ đối tượng thanh tra. Nếu nguyên tắc không trùng lặp vừa bảo vệ đối tượng thanh tra tránh khỏi sự phiền hà, vừa hạn chế sự lãng phí công sức, thời gian, kinh phí của Nhà nước bởi các cuộc thanh tra trùng lặp, không cần thiết. Nguyên tắc không cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra hướng tới bảo vệ trực tiếp đối tượng thanh tra. Hoạt động thanh tra “xen vào”, sẽ làm ảnh hưởng, nhưng không được cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Nguyên tắc không cản trở là nguyên tắc giới hạn sự tác động của thanh tra và thể hiện sự cam kết trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra.
Thứ hai, bảo vệ đối tượng thanh tra thông qua các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra.
Điều 13 Luật Thanh tra quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những quy định nhằm bảo vệ đối tượng thanh tra. Cụ thể là khoản 1 quy định cấm: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra”. Đây là quy định cấm đối với thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và những người khác tham gia vào hoạt động thanh tra (gọi chung là thanh tra viên). Khi thực hiện thanh tra, thanh tra viên là người thay mặt nhà nước để xem xét, đánh giá đối tượng thanh tra. Nếu thanh tra viên lợi dụng việc sử dụng quyền lực nhà nước, có những hành vi, sự áp đặt trái pháp luật sẽ gây ra những khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng thanh tra. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra còn quy định cấm “tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức”. Điều cấm này bảo đảm cho hoạt động thanh tra diễn ra thuận lợi, khách quan nhưng cũng có thể hạn chế những tác động tiêu cực với đối tượng thanh tra khi những thông tin chưa chính thức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đối tượng thanh tra.
Thứ ba, các quy định về công khai, minh bạch bảo vệ đối tượng thanh tra.
Luật Thanh tra quy định nhiều nội dung về công khai, minh bạch. Trước hết là công khai, minh bạch về Định hướng Chương trình thanh tra và Kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan thanh tra. Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng Định hướng Chương trình thanh tra để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch thanh tra hàng năm của cơ quan thanh tra. Kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra và là một trong những căn cứ để ban hành quyết định thanh tra. Mặt khác, Luật quy định khi thực hiện thanh tra, người có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra và quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra trước khi tiến hành cuộc thanh tra; trước khi bắt đầu thanh tra, quyết định thanh tra cũng phải được công bố công khai. Luật cũng quy định sau khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra phải được công khai với các hình thức khác nhau.
Với các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra giúp đối tượng thanh tra chủ động tham gia vào hoạt động thanh tra, vừa bảo vệ đối tượng thanh tra qua việc khẳng định rõ ràng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra; kể cả trong trường hợp đối tượng thanh tra có vi phạm, có hạn chế, thiếu sót thì kết luận thanh tra cũng chỉ rõ tính chất, mức độ.
Thứ tư, bảo vệ đối tượng thanh tra thông qua quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là quyền của đối tượng thanh tra.
Luật Thanh tra quy định đối tượng thanh tra có quyền: Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra; khiếu nại quyết định, hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra; yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 57). Đây là những quyền gắn trực tiếp với hoạt động thanh tra. Quyền giải trình giúp đối tượng thanh tra có thể làm sáng tỏ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, chấp hành pháp luật của mình. Thông qua quyền giải trình, đối tượng thanh tra cũng có thể phản bác lại những nhận định, kết luật thanh tra bất lợi. Quyền khiếu nại là “quyền bảo vệ quyền” vì hướng tới yêu cầu được khôi phục lại quyền, lợi ích đã bị xâm phạm bởi các quyết định, hành vi của người thanh tra trong hoạt động thanh tra. Nếu nhận thấy trong quá trình thanh tra, các cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra đã có quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì đối tượng thanh tra có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Còn quyền yêu cầu bồi thường cho phép đối tượng thanh tra có thể được bồi thường khi hoạt động thanh tra gây ra thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín.
Bên cạnh đó, “cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật” của những người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra. Thực hiện quyền tố cáo của đối tượng thanh tra, trước hết hướng tới bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, có những hành vi bị tố cáo xâm phạm trực tiếp quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra; đối tượng thanh tra thực hiện quyền tố cáo để kịp thời thông báo đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo và thông qua việc giải quyết tố cáo để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình.
Thứ năm, quy định về việc áp dụng các biện pháp tạm thời trong hoạt động thanh tra.
Trong hoạt động thanh tra, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng, hoặc đề nghị người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép đình chỉ việc làm, phong tỏa tài khoản... Áp dụng các biện pháp này ngoài việc tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra, còn có mục đích ngăn chặn ngay hành vi có dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi che dấu, cản trở hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp này có thể tác động bất lợi đến đối tượng thanh tra, làm cản trở hoạt động, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra. Vì thế, Luật Thanh tra quy định việc áp dụng các biện pháp này chỉ khi thấy cần thiết, đồng thời khi xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp này thì Trưởng đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó. Quy định việc áp dụng hay hủy bỏ các biện pháp tạm thời xuất phát từ sự cân nhắc giữa kết quả đạt được của hoạt động thanh tra với lợi ích của đối tượng thanh tra. Việc hủy bỏ ngay việc áp dụng các biện pháp tạm thời góp phần giảm thiểu những thiệt hại (nếu có) cho đối tượng thanh tra, duy trì hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
Bên cạnh những quy định hướng tới bảo vệ đối tượng thanh tra thì Luật Thanh tra còn bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế có thể gây bất lợi, xâm phạm quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra, như là các quy định về hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi tắt là cơ quan được giao thanh tra) là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý chuyên ngành, một số cơ quan được pháp luật thanh tra giao thực hiên hoạt động thanh tra[3]. Tuy nhiên, pháp luật lại quy định “đơn giản” việc thực hiện hoạt động thanh tra của các cơ quan này, không theo cách thức tiến hành hoạt động thanh tra do các cơ quan thanh tra thực hiện. Một mặt, Luật Thanh tra không quy định tất cả các cơ quan được giao thanh tra phải xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và gửi cho đối tượng thanh tra[4]. Luật Thanh tra cũng quy định hình thức “thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” (Điều 37). Những quy định này dẫn đến hoạt động của cơ quan được giao thanh tra có thể vi phạm nguyên tắc không trùng lặp trong hoạt động thanh tra, gây cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Mặt khác, khi tiến hành một cuộc thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thanh tra không ban hành quyết định thanh tra mà chỉ ban hành quyết định phân công công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (công chức thanh tra chuyên ngành) tiến hành thanh tra độc lập, kết quả thanh tra cũng không thể hiện thành kết luận thanh tra trong khi những công chức thanh tra chuyên ngành không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu để thực hiện hoạt động thanh tra như thanh tra viên[5].
3. Về bảo vệ đối tượng thanh tra trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)[6] (Dự thảo) tiếp tục quy định các thiết chế bảo vệ đối tượng thanh tra như các quy định về nguyên tắc thanh tra, các hành vi bị nghiêm cấm, quy định về quyền của đối tượng thanh tra, các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra... Trên cơ sở tổng kết các hạn chế, thiếu sót, vướng mắc trong thi hành pháp luật về thanh tra, Dự thảo đã hoàn thiện những quy định hiện có và bổ sung những quy định mới, trong đó có những quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra.
Một là, khoản 6 Điều 2 Dự thảo đã quy định rõ đối tượng thanh tra là ai làm căn cứ để xác định rõ các vấn đề liên quan đến đối tượng thanh tra, đồng thời phân định đối tượng thanh tra với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động thanh tra.
Hai là, Dự thảo bổ sung quy định về thời kỳ thanh tra (khoản 7 Điều 2) để xác định cụ thể khoảng thời gian đối tượng thanh tra bị xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chấp hành pháp luật. Quy định này giới hạn rõ phạm vi của hoạt động thanh tra nhằm hạn chế những yêu cầu vượt quá của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra.
Ba là, để tránh trùng lặp trong cùng thời điểm vừa có hoạt động kiểm tra vừa có hoạt động thanh tra hoặc cùng thời điểm có nhiều cuộc thanh tra, Dự thảo đã quy định về phân định hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra (Điều 9). Quy định này bước đầu đã phân biệt được sự khác nhau giữa thanh tra và kiểm tra làm căn cứ pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước xác định được sự cần thiết phải thực hiện thanh tra hoặc kiểm tra để đánh giá đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Dự thảo bổ sung thêm một chương (Chương VII) quy định về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước. Chương này cũng quy định rõ sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này, đặc biệt trong việc giải quyết chồng chéo giữa các hoạt động này với nhau. Dự thảo cũng quy định việc các cơ quan tham khảo ý kiến lẫn nhau để bảo đảm cho Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán chính xác, khách quan, đầy đủ.
Bên cạnh đó, Dự thảo có thêm một điều quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 56). Dựa vào nguyên tắc này, người có thẩm quyền quyết định lựa chọn thực hiện thanh tra hoặc hoạt động kiểm toán nếu có chồng chéo, trùng lặp. Đặc biệt, các quy định đã giúp giải quyết được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra với nhau bằng cách xác định rõ trong trường hợp chồng chéo, trùng lặp thì hoạt động thanh tra nào sẽ được ưu tiên thực hiện. Đây có thể được coi là quy định rõ ràng nhất để giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp vẫn diễn ra trong thời gian qua.
   Mặt khác, Dự thảo đã không còn quy định về thiết chế cơ quan và người được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành.
Bốn là, Dự thảo quy định rõ hơn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra thành một mục riêng, Mục 5 Chương V từ Điều 75 đến Điều 84, bên cạnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, thành viên Đoàn thanh tra. Trong đó, quy định cụ thể, rõ ràng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra, các thanh tra viên trong quá trình tiến hành một cuộc thanh tra. Đặc biệt, tại mục này, việc áp dụng các biện pháp tạm thời đã được quy định chặt chẽ hơn. Dự thảo xác định rõ căn cứ để quyết định áp dụng hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp tạm thời, thủ tục áp dụng các biện pháp đó,… Những nội dung này trước kia được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra[7], hiện được quy định trực tiếp trong Dự thảo để bảo đảm những nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động thanh tra được quy định bằng Luật của Quốc hội. Các quy định này góp phần kiểm soát việc thực hiện pháp luật về thanh tra và bảo vệ quyền, lợi ích của đối tượng thanh tra.
Năm là, Dự thảo có quy định về việc giám sát đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.
Hoạt động thanh tra là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước và có ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, Luật Thanh tra từ trước đến nay không có quy định rõ ràng về thiết chế giám sát hoạt động thanh tra[8]. Dự thảo đã có một mục riêng (Mục 7 ChươngV) quy định trực tiếp về giám sát đối với hoạt động của Đoàn thanh tra, trong đó quy định rõ trách nhiệm giám sát, đối tượng bị giám sát, nội dung và phạm vi giám sát. Các quy định này tạo ra một thiết chế bảo đảm hoạt động thanh tra trong khuôn khổ pháp luật, tránh lạm quyền, lộng quyền trong hoạt động thanh tra.
4. Một số kiến nghị
Mặc dù đã có những sửa đổi nhằm bảo vệ trực tiếp đối tượng thanh tra, nhưng theo tác giả, Dự thảo vẫn cần bổ sung thêm một số quy định trước khi trình Quốc hội thông qua, đó là:
Một là, bổ sung các quy định về bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật kinh doanh của cá nhân, tổ chức là đối tượng thanh tra. Bảo vệ bí mật riêng tư là quyền được Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình;… Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” (Điều 21 Hiến pháp năm 2013). Trong Luật Sở hữu trí tuệ cũng có những quy định về bí mật kinh doanh và bảo vệ bí mật kinh doanh[9]. Nhưng trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra chỉ cấm “tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức”, và theo Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 5/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thì chỉ có: “a) Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra;b) Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra;c) Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai” được bảo vệ theo chế độ bí mật nhà nước độ mật. Luật Thanh tra và Dự thảo chưa có quy định trực tiếp bảo vệ bí mật riêng tư, bí mật kinh doanh của đối tượng thanh tra. Các bí mật này được mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm tự mình bảo vệ và được thực hiện biện pháp thích hợp chống lại các hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật. Khi thanh tra, các bí mật này đã được cung cấp theo yêu cầu thanh tra thì trách nhiệm bảo vệ được xác định trực tiếp cho cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định thanh tra và kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra, người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra. Vì thế, cần bổ sung vào những hành vi bị nghiêm cấm: “Tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc bí mật riêng tư, bí mật kinh doanh của đối tượng thanh tra, trừ trường hợp đối tượng thanh tra đồng ý.” vào sau khoản 8 Điều 9 Dự thảo Luật Thanh tra[10].
Hai là, quy định phù hợp về khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra. Bên cạnh việc ghi nhận quyền của đối tượng thanh tra được “khiếu nại về quyết định, hành vi của Người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại” (Điều 95), Dự thảo đã quy định rõ ràng hơn về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra (các Điều 97, 98). Tuy nhiên, quy định chung về khiếu nại và giải quyết khiếu nại không phù hợp hoàn toàn vì “hoạt động thanh tra có những đặc thù mang tính nghiệp vụ và cơ chế hoạt động độc lập tương đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước”[11]; những yếu tố không phù hợp này có thể tác động bất lợi đến đối tượng thanh tra. Ví dụ, nếu đối tượng thanh tra khiếu nại về việc áp dụng các biện pháp tạm thời mà người có thẩm quyền không xem xét và giải quyết ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Hoặc trong trường hợp đối tượng thanh tra có khiếu nại về các quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra mà chưa được giải quyết nhưng kết luận thanh tra đã ban hành sẽ không bảo đảm được tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra. Vì thế, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần có những quy định phù hợp như là:
- Quy định thời hạn thụ lý khiếu nại trong hoạt động thanh tra là 03 ngày, thay vì 10 ngày như quy định của Luật Khiếu nại[12];
- Quy định giải quyết khiếu nại đối với việc áp dụng các biện pháp tạm thời thuộc về người đã ban hành quyết định áp dụng các biện pháp đó (có thể là Trưởng Đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên); thời hạn giải quyết khiếu nại đối với việc áp dụng các biện pháp tạm thời là 03 ngày kể từ ngày thụ lý, thay vì 30 ngày hoặc 45 ngày, 60 ngày đối với khiếu nại lần đầu và 45 ngày hoặc 60 ngày đối với giải quyết khiếu nại lần hai[13];
- Quy định trường hợp chưa ban hành kết luận thanh tra nếu có khiếu nại mà sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa kiểm tra lại quyết định, hành vi bị khiếu nại[14]./.

 


[1] Luật Thanh tra được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 (Luật Thanh tra).
[2] Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
[3] Xem mục 6 chương 2 Luật Thanh tra và Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
[4] Điều 36 Luật Thanh tra chỉ quy định Thủ trưởng cơ quan được giao thanh tra thuộc bộ, thuộc sở xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp phê duyệt và gửi cho đối tượng thanh tra; không quy định Thủ trưởng các cục thuộc tổng cục, chi cục thuộc cục được giao thanh tra phải xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm.
[5] Xem các Điều 12, 29, 32 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thưc hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
[6] Việc sửa đổi Luật Thanh tra được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 theo Nghị quyết số 106/2020/QH14 của Quốc hội. Có thể xem Dự thảo lần 2 Luật Thanh tra (sửa đổi) tại địa chỉ: https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/du-thao-luat-thanh-tra-sua-doi-lan-2-198166-d10.html.
[7] Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
[8] Luật Thanh tra có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra là giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, quy định người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về trách nhiệm giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát; quyền, nghĩa vụ của người được giám sát; nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục và việc xử lý kết quả giám sát.
[9] Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và 2019.
[10] Xem thêm khoản 4 Điều 7 Luật Thanh tra.
[11] Lê Văn Đức (2021), Vai trò của đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra, Tạp chí Thanh tra, https://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/vai-tro-cua-doi-tuong-thanh-tra-trong-hoat-dong-thanh-tra-196931.html, truy cập ngày 01/7/2022.
[12] Xem Điều 28 Luật Khiếu nại.
[13] Xem Điều 37 Luật Khiếu nại.
[14] Theo quy định của Luật Khiếu nại, sau khi thụ lý khiếu nại người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay; nếu chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại mới tiến hành xác minh, tổ chức đối thoại để giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, Luật lại không quy định việc kiểm tra lại quyết định, hành vi bị khiếu nại thực hiện trong thời hạn bao nhiêu kể từ ngày thụ lý.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (465), tháng 9/2022.)