Các quy định mới của pháp luật về hình thức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính

21/09/2022

NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Khoa Luật, Trường Đại học An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Phạt tiền là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính, do người có thẩm quyền quyết định tước một khoản tiền của chủ thể vi phạm hành chính để sung vào công quỹ nhà nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích các quy định mới về hình thức phạt tiền theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả áp dụng hình thức phạt tiền.
Từ khóa: Phạt tiền, vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Abstract: Monetary fine is one of the forms of sanctioning the administrative violations, where the competent person decides to deprive a sum of money from the subject of administrative violations to add to the state budget. Within the scope of this article, the author presents an analysis of the new regulations on the form of monetary fine under the law amending and supplementing a number of articles of the Law on Handling of Administrative Violations of 2012 and also provides a number of recommendations to increase the effectiveness of the application of monetary fine.
Keywords: Monetary fine; administrative violations; Law on Handling of Administrative Violations.
PHẠT-TIỀN_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Xử phạt vi phạm hành chính là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền, căn cứ vào các quy định của pháp luật, quyết định áp dụng hình thức xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính[1]. Đây là công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính, là cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất. Trong đó, phạt tiền là hình thức xử phạt do người có thẩm quyền quyết định tước một khoản tiền của chủ thể VPHC để sung vào công quỹ nhà nước. Hình thức phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính.
1. Các quy định mới về hình thức phạt tiền theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số 67/2020/QH14). Theo đó, nhiều nội dung quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như: Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực; thẩm quyền, thủ tục xử phạt; thi hành quyết định xử phạt… đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế hoá kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một trong những điểm nổi bật trongLuật số 67/2020/QH14 sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là những sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức phạt tiền, cụ thể:
Thứ nhất, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước
Trên cơ sở thực tiễn thi hành, mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực theo quy định còn thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Vì thế, Luật số 67/2020/QH14 đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, cụ thể: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản[2].
Bên cạnh đó, Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 08 lĩnh vực, gồm: Đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng; bảo hiểm thất nghiệp; in. Sửa đổi tên của một số lĩnh vực như: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng thành trồng trọt; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi thành chăn nuôi; dạy nghề thành giáo dục nghề nghiệp; quản lý rừng, lâm sản thành lâm nghiệp; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác thành hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; hạn chế cạnh tranh thành cạnh tranh; quản lý công trình thủy lợi thành thủy lợi; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản thành thủy sản…
Ngoài ra, quy định về mức phạt tối đa trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đã được lược bỏ vì kinh doanh theo phương thức đa cấp là một hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, về hoãn thi hành quyết định phạt tiền
Luật số 67/2020/QH14 đã bổ sung quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền đối với tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên thay vì chỉ áp dụng đối với cá nhân. Sửa đổi quy định về số tiền phạt được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt tiền từ 3.000.000 trở lên ở Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 xuống còn 2.000.000 đồng trở lên[3].
Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể hóa việc xác nhận tình trạng “khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn”“khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh” đối với cá nhân và tổ chức[4].
Ngoài ra, về thủ tục hoãn thi hành quyết định phạt tiền đã bổ sung thời hạn gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt VPHC để phù hợp với quy định về thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thống nhất nơi nhận đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với nơi nhận đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt là “người đã ra quyết định xử phạt”.
Thứ ba, về giảm, miễn tiền phạt
Luật số 67/2020/QH14 bổ sung quy định về giảm, miễn tiền phạt cho tổ chức[5]. Việc sửa đổi những quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho không chỉ cá nhân mà cả tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do những sự kiện đột xuất, bất ngờ như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn mà không phải là chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, thay vì tiến hành giảm, miễn tiền phạt ngay mà không xem xét hoãn thi hành quyết định phạt tiền trước, Luật số 67/2020/QH14 đã quy định rõ cách áp dụng pháp luật đối với các trường hợp giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền; miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt do không có khả năng thi hành quyết định; miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt[6]. Từ đó, chúng ta có thể xác định được trình tự thực hiện các thủ tục là: Hoãn thi hành quyết định phạt tiền - Giảm, miễn tiền phạt.
Ngoài ra, việc quy định thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt thuộc về cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định xử phạt như Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là phức tạp, không thực sự cần thiết, mất thời gian cho cả đối tượng vi phạm hành chính và người có thẩm quyền. Do vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi quy định về thẩm quyền miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính theo hướng người nào có thẩm quyền xử phạt thì người đó có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt[7].
Thứ tưvề nộp tiền phạt nhiều lần
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ thể có thẩm quyền xác nhận điều kiện khó khăn về kinh tế trong trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần đối với tổ chức là cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp[8]. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xin xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp gây khó khăn đối với doanh nghiệp và cơ quan thuế quản lý trực tiếp thường từ chối với lý do việc này không thuộc chức năng, nhiệm vụ của họ.
Do vậy, Luật số 67/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng mở rộng chủ thể có thẩm quyền xác nhận điều kiện khó khăn về kinh tế trong trường hợp tổ chức có mong muốn được nộp tiền phạt nhiều lần, cụ thể là: “Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế”[9].
2. Một số kiến nghị
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) mà đặc biệt là hình thức phạt tiền. Việc tuyên truyền phải làm cho đối tượng nhận thấy được sai trái và e ngại về thiệt hại kinh tế nếu thực hiện hành vi VPHC. Trong đó, chú ý tuyên truyền pháp luật về xử phạt VPHC theo các ngành, lĩnh vực có VPHC phổ biến. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng. Cùng với đó, cần nâng cao tính minh bạch, tăng cường trách nhiệm, đạo đức trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình xử phạt VPHC. Bởi vì, khi cán bộ, công chức thực thi pháp luật nghiêm minh thì tính chất răn đe của hình thức phạt tiền sẽ ngày càng được đảm bảo tốt hơn[10].
Hai là, theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý VPHC), tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên và đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh được hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Tuy nhiên, Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa có giải thích thế nào là “đang gặp khó khăn đặc biệt”. Điều này sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định về giải thích từ ngữ thế nào là “đang gặp khó khăn đặc biệt” để thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền trong thực tiễn áp dụng.
Ba làtheo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý VPHC thì không nhất thiết phải áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mới áp dụng quyết định miễn tiền phạt. Điều này có nghĩa là có trường hợp áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi sau đó mới ban hành quyết định miễn tiền phạt; có trường hợp ban hành ngay quyết định miễn tiền phạt mà không ban hành quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền. Bên cạnh đó, Luật cũng không có điều khoản nào quy định về việc cá nhân phải qua thời hạn hoãn thi hành quyết định phạt tiền thì mới được miễn tiền phạt.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: Trường hợp cá nhân đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý VPHC, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn hoãn ghi trong quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt”. Quy định này được hiểu là phải áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mới được áp dụng quyết định giảm, miễn tiền phạt.
Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) về hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt theo hướng không nhất thiết (bắt buộc trong mọi trường hợp) phải ban hành, thực hiện quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mới ban hành quyết định giảm, miễn tiền phạt.
Bốn làkhoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC quy định: “Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC bị phạt tiền mà không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
Mục đích của việc thực hiện thay nghĩa vụ này là nhằm xác định trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ vì đã không thực hiện nghĩa vụ giáo dục, chăm sóc người chưa thành niên một cách đầy đủ. Trong trường hợp này, nếu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay cho người chưa thành niên thì quyết định xử phạt VPHC xem như được thi hành. Tuy nhiên, nếu cha mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay thì người có thẩm quyền cũng không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên. Bởi vì, các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý VPHC về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC là nhằm bảo đảm thi hành các quyết định phạt tiền áp dụng đối với người VPHC còn đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên VPHC - những người không VPHC thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế này. Đây là một thiếu sót cần được khắc phục[11]./.  

 


[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, năm 2014, Hà Nội, tr. 335.
[2] Điểm a khoản 10 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[3] Khoản 37 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[4] Khoản 37 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[5] Khoản 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[6] Khoản 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[7] Khoản 38 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[8] Điểm b khoản 1 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[9] Khoản 40 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14.
[10] Trương Thế Nguyễn, Trần Thanh Tú (2019), Tính răn đe của hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22 (398).
[11] Cao Vũ Minh (2021), Những nội dung về xử phạt người chưa thành niên vi phạm hành chính cần được quy định chi tiết, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428).

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (462), tháng 7/202.)