Hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch

24/08/2022

LÊ TIẾN THÀNH

Trường Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Hiện nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng trong tương lai, các loại dịch bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện và bùng phát. Vì vậy, cần phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống dịch nói chung, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch nói riêng luôn là cần thiết.
Từ khóa: Vi phạm hành chính; phòng, chống dịch; xử phạt vi phạm hành chính.
Abstract: Currently, although the Covid-19 epidemic has been controlled, in general, there is still a trend of complicated developments.In the future, new dangerous diseases may appear and break out, requiring effective solutions for prevention and control.In that context, it is always necessary to review and improve the legal provisions on epidemic prevention and control in general and the regulations on sanctioning administrative violations for violations on epidemic prevention and control.
Keywords: Administrative violation; sanctioning administrative violations; epidemic prevention.
 PHÒNG-CHỐNG-DỊCH.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tổng quan về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch
Tính đến 6h sáng ngày 02/06/2022, trên thế giới đã có 228 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc Covid-19 (có 533.219.718 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của khoảng 6.314.870 bệnh nhân trên thế giới). Tại thời điểm này, Hoa Kỳ là nước có số lượng người nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới với 85.983.179 người nhiễm và 1.031.881 người tử vong. Kế đến, Ấn Độ là quốc gia có số người nhiễm Covid-19 nhiều thứ hai với 43.165.738 người nhiễm và 524.636 người tử vong. Brazil xếp thứ ba với 31.060.017 người nhiễm và 666.801 người tử vong[1].
Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để quy định các biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này[2].Tại Việt Nam, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp. Hồ Chí Minh (ngày 23/01/2020), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 121/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Liên tiếp các ngày 28/01/2020, 30/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, Chỉ thị số 06/CT-TTg, trong đó quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch.
   Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra[3]. Đến ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg và ngày 31/3/2020 ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp theo, ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trong phạm vi toàn quốc. Từ sau khi có Chỉ thị số 16/CT-TTg, các cơ quan nhà nước lại ban hành nhiều văn bản pháp luật mới nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong giai đoạn phòng, chống dịch[4].
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cá nhân, tổ chức áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ quan có thẩm quyền còn áp dụng các biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ mà xử phạt VPHC được xem là một giải pháp hữu hiệu. Cho đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Trong tương lai, các loại dịch bệnh nguy hiểm mới có thể xuất hiện và bùng phát (như bệnh đậu mùa khỉ), đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch nói chung và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch nói riêng luôn là cần thiết. Hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch được quy định trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP (Nghị định số 117). Nghị định số 117 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với các vi phạm sau đây:
- Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm;
- Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm;
- Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm;
- Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;
- Vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế;
- Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch;
- Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới;
- Vi phạm quy định khác về y tế dự phòng.
Nhìn chung, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch khá cụ thể và đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính nói chung, Nghị định số 117 nói riêng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch còn một số bất cập, hạn chế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh ở nước ta trong thời gian qua.
2. Những bất cập, hạn chế trong các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch và kiến nghị
2.1. Về chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chínhđối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch
Theo quy định của khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật Xử lý VPHC), xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, chủ thể VPHC trong mọi lĩnh vực là cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 2 Nghị định số 117, ngoài cá nhân, tổ chức, chủ thể VPHC về phòng, chống dịch có thể là hộ gia đình, hộ kinh doanh. Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 117 quy định, hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi VPHC về phòng, chống dịch bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
Theo Từ điển Luật học thì hộ gia đình“tập hợp nhóm người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng”[5]. Hộ gia đình không phải là cá nhân, cũng không phải là tổ chức; vì vậy, Điều 2 Nghị định số 117 quy định, hộ gia đình thực hiện VPHC về phòng chống dịch bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm là không phù hợp với Luật Xử lý VPHC.
Bên cạnh đó, Điều 2 Nghị định số 117 còn quy định đối tượng bị xử phạt VPHC về phòng, chống dịchlà hộ kinh doanh. Theo quy định của Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ; trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh; cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.Như vậy, có hai loại hộ kinh doanh: hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ hoặc hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đìnhlàm chủ. Vì vậy, trong một số trường hợp, hộ kinh doanh có thể được hiểu là tổ chức chứ không đơn thuần chỉ là cá nhân[6].Thực tiễn cho thấy trong thời gian qua, hộ gia đình, hộ kinh doanh thường vi phạm về phòng, chống dịch liên quan đến những hành vi như “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch”, “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh”, “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”. Như vậy, trường hợp hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đìnhlàm chủ cùng có hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh” thì các cơ quan nhà nước sẽ xử phạt như thế nào? Nếu xử phạt từng người trong hộ kinh doanh thì không thuyết phục. Ngược lại, nếu chỉ xử phạt hộ kinh doanh bằng mức phạt của cá nhân thì lại không phù hợp với nguyên tắc nhiều người cùng thực hiện một hành vi VPHC thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi VPHC đó” (khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC).
Theo chúng tôi, Chính phủ cần xácđịnh đối tượng bị xử phạt VPHC trong phòng, chống dịch một cách đồng bộ và chính xác. Theo đó, Nghị định số 117 cần thống nhất quy định về đối tượng bị xử phạt trong Luật Xử lý VPHC chỉ bao gồm cá nhân hoặc tổ chức. Trong trường hợp hộ kinh doanh, hộ gia đình có nhiều người cùng thực hiện một VPHC về phòng, chống dịch thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi VPHC đó. Quy định này sẽ tạo ra cách áp dụng pháp luật thống nhất, đồng thời cũng thực hiện đúng nguyên tắc xử phạt VPHC.
2.2. Về hành vi vi phạm bị xử phạt về phòng, chống dịch
Thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết như giãn cách, cách ly, phong tỏa… nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, người dân bắt buộc phải ở nhà và chỉ ra đường trong những trường hợp cần thiết, có lý do chính đáng.
Trước khi Nghị định số 117 được ban hành, “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP (Nghị định số 176). Theo đó, hành vi “không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế” sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nghị định số 117 có hai điều khoản liên quan đến xử phạt đối với “hành vi ra đường không có lý do chính đáng”. Cụ thể: (i) hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 12);  (ii) hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp đã quy định cụ thể tại một số điều trong Nghị định này” sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 2 Điều 14)[7].
Do vậy, trên thực tế, “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” có thể bị xử phạt theo cách thức rất tùy nghi với mức tiền phạt nặng nhẹ khác nhau. Người có thẩm quyền có thể áp dụng điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117 xử phạt về hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế với mức tiền phạt (ví dụ là) 2.000.000 đồng. Tuy nhiên, nếu áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117 xử phạt về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp đã quy định cụ thể tại một số điều trong Nghị định này” thì mức tiền phạt có thể cao hơn rất nhiều, ví dụ là 7.500.000 đồng. Mặc dù khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117 có quy định ngoại lệ là “trừ các trường hợp đã quy định cụ thể tại một số điều trong Nghị định này”, nhưng do điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117 không quy định cụ thể “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” chắc chắn bị xử phạt theo điều khoản này. Do đó, người có thẩm quyền áp dụng khoản 2 Điều 14 Nghị định số 117 để xử phạt “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” thì cũng không thể cho rằng việc xử phạt này là không hợp pháp.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2021/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117. Theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP thì hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế,bao gồmđeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và các biện pháp khác. Như vậy, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP đã chi tiết hóa những hành vi vi phạm là “không đeo khẩu trang, không sát khuẩn, không giữ khoảng cách, không khai báo y tế”. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý là sau khi liệt kê một loạt các hành vi thì vẫn gắn thêm cụm từ và các biện pháp khác. Cách quy định như trên tạo ra sự mâu thuẫn về tính hợp pháp và tính hợp lý trong một quyết định quản lý nhà nước của Chính phủ[8]. Sự mâu thuẫn này tiếp tục gây ra những tranh cãi là “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” sẽ bị xử phạt theo Điều 12 hay Điều 14 củaNghị định số 117.
Điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đưa ra các yêu cầu cần phải tuân thủ khi quy định về VPHC. Một trong các yêu cầu cần được tuân thủ là “VPHC phải được mô tả rõ ràng, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn”. Cụm từ và các biện pháp khác là một quy định không rõ ràng và hệ quả là sẽ gây ra khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật. Do đó, Chính phủ cần bãi bỏ cụm từ này để quy định cụ thể những hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Theo đó, có thể bổ sung những vi phạm phổ biến như “ra đường không có lý do chính đáng” vào nhóm hành vi này làm căn cứ cho việc xử phạt. Ngược lại, nếu không bổ sung vào Điều 12 Nghị định số 117 thì “hành vi ra đường không có lý do chính đáng” phải xử phạt theokhoản 2 Điều 14 Nghị định số 117.
2.3. Về biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch
Để kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, các cơ quan nhà nước tiến hành biện pháp xét nghiệm cộng đồng để truy vết, sàng lọc, bóc tách các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn e ngại vì sợ lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ đó né tránh, từ chối không tham gia xét nghiệm. Đơn cử là trường hợp một người phụ nữ ngụ chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền vì cho rằng mình là giáo viên Yoga nên biết tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cũng như có thể tự xét nghiệm ở nhà[9]. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền chỉ có thể xử phạt người vi phạm với mức tiền phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi “không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm” theo điểm a khoản 2 Điều 7Nghị định số 117. Tuy nhiên, sau khi xử phạt xong thì người có thẩm quyền cũng không thể bắt buộc người vi phạm phải xét nghiệm theo yêu cầu. Trường hợp sau khi bị xử phạt mà chủ thể này tiếp tục không thực hiện xét nghiệm thì lại cấu thành một VPHC mới. Lúc này, cơ quan nhà nước lại xử phạt về hành vi trên với mức tiền phạt tối đa là 3.000.000 đồng vì có tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, việc xử phạt này chỉ mang ý nghĩa răn đe chứ không có khả năng khắc phục hậu quả xấu do hành vi vi phạm gây ra. Do đó, tác giả kiến nghị Chính phủ cần bổ sung vào Nghị định số 117 biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc phải tham gia xét nghiệm bắt buộc” đối với vi phạm “không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm”. Có như vậy, mới khắc phục được những hậu quả xấu do VPHC về phòng, chống dịch gây ra.
2.4. Về việc áp dụng các nguyên tắc xử phạt VPHC đối với các VPHC về phòng, chống dịch vào thực tiễn
Theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC thì Một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”.Quy định này rất rõ ràng nhưng hiểu và vận dụng hợp lý nguyên tắc này trên thực tế là vấn đề hết sức khó khăn. Làm thế nào để xác định đó là một hành vi hay nhiều hành vi vi phạm là điều không đơn giản.
Đơn cử, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người những vẫn có 04 người tụ tập uống rượu và không đeo khẩu trang thì việc xử phạt sẽ giải quyết như thế nào?
Có ý kiến cho rằng trong trường hợp này, người có thẩm quyền chỉ xử phạt về hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117 vì việc tập trung uống rượu là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu bị xử phạt còn việc không đeo khẩu trang chỉ là biểu hiện của việc uống rượu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trường hợp này ngoài việc xử phạt về hành vi vi phạm quy định về hạn chế tập trung đông người thì còn bị xử phạt về hành vi khôngđeo khẩu trang theo điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117.
Việc chỉ xử phạt hành vi vi phạm quy định về hạn chế tập trung đông người, mà không bị xử phạt về hành vi không đeo khẩu trang thì có vẻ “không công bằng” với những trường hợp tập trung đông người nhưng có đeo khẩu trang.
Dưới góc độ lý luận, một VPHC có cấu thành từ bốn yếu tố là mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể. Do đó, hành vi của một chủ thể diễn ra cùng một thời điểm, cùng yếu tố lỗi nhưng chắc chắn khách thể xâm phạm sẽ có sự khác nhau. Chính vì khách thể của VPHC bị xâm phạm là khác nhau nên sẽ cấu thành các VPHC độc lập[10]. Hành vi vi phạm quy định về hạn chế tập trung đông người và hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế có khách thể xâm phạm khác nhau. Do đó, trong trường hợp trên, người có thẩm quyền phải đồng thời xử phạt về hai hành vi VPHC liên quan đến phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cách giải quyết này chỉ mang tính chất học thuật và không phải là chuẩn mực cho việc áp dụng pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước cần thống nhất quan điểm để hướng dẫn cho việc áp dụng pháp luật, vừa thực hiện đúng theo nguyên tắc xử phạt VPHC, đồng thời cũng bảo đảm việc xử phạt khách quan, công bằng, đúng pháp luật./.

 


[1] VnExpress.net (2022), “Covid-19 trên Thế giới”, https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-the-gioi.
[2] Bùi Thu Hằng (2020), Ban hành văn bản trong tình trạng khẩn cấp nhìn từ dịch bệnh Covid- 19, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4.
[3] Theo Quyết định số 173/QĐ-TTg thì địa điểm và quy mô xảy ra dịch là 03 tỉnh: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (có 6 trường hợp mắc bệnh).
[4] Nguyễn Nhật Khanh (2021), Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện về ban hành văn bản pháp luật trong phòng, chống dịch Covid - 19, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 47.
[5] Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa và Nxb. Tư pháp, tr. 373.
[6] Cao Vũ Minh, “Những nội dung cần sửa đổi trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (1), năm 2019.
[7] Thái Thị Tuyết Dung (2021), Xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong bối cảnh ngăn chặn dịch bệnh Covid - 19 ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 9.
[8] Cao Vũ Minh (2017), Quyết định quản lý nhà nước của Chính phủ - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 199.
[9] Tuổi trẻ online, “Xử phạt 2 triệu đồng người phụ nữ bị cưỡng chế xét nghiệm COVID-19”, ngày 5/10/2021, https://tuoitre.vn/xu-phat-2-trieu-dong-nguoi-phu-nu-bi-cuong-che-xet-nghiem-covid-19-20211004234506034.htm, truy cập ngày 5/4/2022.
 
[10] Cao Vũ Minh (2020), Cơ sở xây dựng các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hành chính, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (461), tháng 7/2022.)