Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu – bất cập và kiến nghị hoàn thiện

05/09/2022

LS. VŨ VĂN ĐOÀN

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu; chỉ ra một số vấn đề còn bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu; đồng thời kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: Vô hiệu, giao dịch dân sự vô hiệu, người thứ ba ngay tình.
Abstract: Within the scope of this article, the author puts focuses on analysis of a number of legal aspects on protection of the bona fide third parties under the case of invalid transactions; gives out a number of shortcomings in the current legal provisions on the mechanism to protect the bona fide third parties where the transaction is invalid; and also proposes a number of recommendations for further improvements of the related legal regulations.
Keywords: Invalidity; invalid civil transactions; bona-fide third parties.
TÀI-SẢN-BẢO-ĐẢM.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Cơ sở pháp lý về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu và thực tiễn xét xử
Điều 133 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015quy định:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Quy định này cho thấy, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba ngay tình vẫn phát sinh hiệu lực, trừ trường hợp: (i) người thứ ba xác lập giao dịch với người không có quyền định đoạn tài sản thông qua hợp đồng không có đền bù, hoặc (ii) hợp đồng có đền bù nhưng động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Đối với giao dịch liên quan đến tài sản phải đăng ký được quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, tại đoạn thứ nhất của khoản này quy định nếu người thứ ba ngay tình xác lập, thực hiện giao dịch có đối tượng là tài sản đã được đăng kí hợp pháp, thì mặc dù giao dịch trước đó bị vô hiệu nhưng giao dịch của người thứ ba ngay tình trong trường hợp này vẫn phát sinh hiệu lực, được pháp luật bảo vệ, công nhận. Quy định này là hợp lý, bởi nếu không bảo vệ người thứ ba ngày tình trong trường hợp này, thì việc đăng ký tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không có nhiều ý nghĩa, giá trị về mặt pháp lý, dẫn đến việc đăng ký chỉ mang tính hình thức mà không có giá trị ràng buộc pháp lý khi các bên thực hiện thủ tục đăng ký này.
Trong thực tiễn xét xử, Toà án cũng công nhận những giao dịch này. Chẳng hạn, theo Bản án 20/2019/DS-PT ngày 31/05/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc “đòi lại tài sản là nhà và quyền sử dụng đất; yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” thì việc bà C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó bà H căn cứ vào việc bà C được cấp giấy chứng nhận nên đã ký hợp đồng chuyển nhượng theo đúng quy định và bà H cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, Toà án đã công nhận giao dịch này giữa bà C và bà H. Hoặc theo Bản án số 543/2020/DSPT ngày 19/6/2020 của Toàn án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Đòi lại tài sản và yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, Toà án cho rằng để đảm bảo sự ổn định tài sản do người thứ ba ngay tình đang chiếm hữu và đã đăng ký quyền sử dụng, nên án sơ thẩm không chấp nhận khởi kiện của bà Thương về việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Thương với bà Châu và hợp đồng giữa bà Châu với bà D, là có cơ sở. Bởi sau khi bà D được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng cho bên thứ ba và sau đó bên thứ ba lại chuyển nhượng tiếp cho người khác. Vì vậy, trong trường hợp này, người thứ ba ngay tình xác lập giao dịch chuyển nhượng dựa vào giấy chứng nhận mà các chủ thể trước được cấp cần được bảo vệ. Việc bảo vệ này là cần thiết nhằm ổn định được các giao dịch dân sự và khuyến khích các bên tham gia vào các giao lưu dân sự nói chung, tạo tiền đề cho sự phát triển của xã hội.
Tới đoạn thứ hai cũng trong khoản 2 này quy định rằng khi người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với bên chưa thực hiện hoàn tất thủ tục đăng ký tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay nói cách khác chưa được đứng tên trên “giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng” thì giao dịch của người thứ ba sẽ bị vô hiệu, tuy nhiên sẽ có hai trường hợp ngoại lệ. Thứ nhất, nếu người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền; Thứ hai, người thứ ba giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa. Trong hai trường hợp này, giao dịch của người thứ ba vẫn phát sinh hiệu lực và sẽ được pháp luật bảo vệ.
Trong thực tiễn xét xử của Toà án, khi người thứ ba ngay tình thuộc trường hợp xác lập giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì người thứ ba ngay tình trong trường hợp này sẽ được pháp luật bảo hộ và công nhận giao dịch mà họ xác lập.
Như tại Bản án số 18/2017/DS-ST ngày 27/10/2017 của TAND huyện ĐD, tỉnh Lâm Đồng về việc “tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và huỷ giấy chứng nhận QSD đất”, Toà án xác định Chị X được cấp giấy chứng nhận QSD đất hợp pháp, căn cứ theo quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 121/DS-PT ngày 24/8/2009 của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, chị X ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất nói trên cho anh C, chị T3 và anh C, chị T3 đã được UBND huyện ĐD cấp giấy chứng nhận QSD hai thửa đất này. Vì vậy, Toà án nhận định rằng, anh C, chị T3 là người nhận chuyển nhượng các thửa đất của chị X ngay tình và giao dịch này không bị vô hiệu. Tương tự, tại Bản án số 196/2017/HC-PT ngày 18/08/2017 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc “khiếu kiện hành vi hành chính quản lý đất đai”, thì việc UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật là đúng pháp luật vào thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó cho bà Đặng Thị T2, sau đó bà T2 có sang nhượng 01 diện tích đất cho anh Đỗ Văn Q, chị Trần Thị Ngọc D và anh Q, chị D đã được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy anh Q, chị D được xem là người thứ ba ngay tình nên phải được bảo vệ theo quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.
BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định chủ sở hữu có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại[1]. Thông thường trong trường hợp này, chủ sở hữu tài sản sẽ yêu cầu bên xác lập thực hiện giao dịch với người thứ ba phải hoàn trả chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có. Theo Bản án số 210/2020/DS-PT ngày 28/9/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu hủy di chúc, hủy văn bản khai nhận thừa kế, hủy quyết định cá biệt, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật và công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất”, Toà án xác định những người có lỗi tham gia xác lập các giao dịch dân sự làm cho tài sản thoát ly khỏi quyền sở hữu của các thừa kế phải bồi hoàn theo tỷ lệ lỗi cho đủ 4.919.826.000 đồng (theo Chứng thư Thẩm định giá số 07/TĐG-CT ngày 17/01/2019 của Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Đà Nẵng) để chia thừa kế theo pháp luật cho các thừa kế. Hoặc Bản án số 164/2020/DS-PT ngày 12/06/2020 của Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán tài sản và yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thì ông NĐ1, bà NĐ2 không có quyền đòi lại tài sản từ Công ty TNHH X. Tuy nhiên, do bà BĐ1 là người có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba nên buộc bà BĐ1 phải bồi thường thiệt hại cho phía nguyên đơn là ông NĐ1, bà NĐ2.
Mặc dù chủ sở hữu có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại; tuy nhiên, trên thực tế có nhiều chủ thể có liên quan đến quá trình xác lập thực hiện giao dịch với người thứ ba như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, cơ quan cấp giấy chứng nhận…
2. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu và kiến nghị
2.1. Xác định người thứ ba ngay tình khi giao dịch vô hiệu
BLDS năm 2015 quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng “người thứ ba ngay tình” vẫn chưa được BLDS hiện hành làm sáng tỏ. Trước đây, BLDS năm 2005 quy định về người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, theo đó “người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật” (Điều 189). Tới BLDS năm 2015, không còn giữ quy định này nhưng đưa ra định nghĩa về chiếm hữu ngay tình, “là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu” (Điều 180); tuy nhiên, thế nào là người thứ ba ngay tình thì BLDS năm 2015 vẫn chưa quy định rõ ràng. Có quan điểm cho rằng, “người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó” hoặc “chỉ được coi là ngay tình khi người thứ ba nhận được tài sản hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền người thực hiện giao dịch dân sự là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó bản án hay quyết định lại bị huỷ, bị sửa”[2].
Thực tiễn xét xử của Toà án cho thấy, trong một số trường hợp người thứ ba là người “không thể biết và không có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thì được coi là ngay tình. Ví dụ, Bản án của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng[3], “việc ông Lê Minh H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 và khi ông H giao dịch với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk thì Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk không thể biết và không có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 đã cấp cho ông H. Cho nên, theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 về: “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” thì giao dịch “hợp đồng thế chấp tài sản” giữa ông Lê Minh H với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là giao dịch hợp pháp và Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là “người thứ ba ngay tình” cần phải được bảo vệ và không bị vô hiệu[4]. Theo Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thì Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk không thể biết và không có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 đã cấp cho ông H nên trường hợp này, Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk được coi là ngay tình.
Ý kiến khác cho rằng, “trong thực tế, người xác lập với người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được coi là ngay tình cho dù giao dịch mà người được cấp giấy xác nhận trước đó (để từ đó được cấp giấy chứng nhận) bị tuyên bố vô hiệu” hoặc “theo Toà án nhân dân tối cao, một người được xác định là “ngay tình” khi nhận được tài sản thông qua giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người nay không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”[5].
Có thể thấy, hiện nay có nhiều cách hiểu về người thứ ba ngay tình giữa lý luận và trong thực tiễn xét xử của Toà án, vì vậy cần có văn bản hướng dẫn để thống nhất cách hiểu và đường lối xét xử giữa các cấp Toà án.
2.2. Thuật ngữ “chuyển giao” tại khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015
Khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”. Thông thường chuyển giao được hiểu là việc chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của mình cho người khác, lúc này chủ thể được chuyển giao sẽ có toàn quyền định đoạt tài sản này. Ví dụ: A chuyển giao chiếc xe gắn máy cho B, tức là hai bên đã thực hiện thủ tục mua bán và hoàn thành việc đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, lúc này B sẽ được toàn quyền định đoạt tài sản này. Hoặc C chuyển giao quyền sử dụng đất cho D, nghĩa là hai bên đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng/tặng cho tại tổ chức hành nghề công chứng và D đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp, các bên thực hiện các giao dịch không có tính chất “chuyển giao” mà chỉ mang tính chất “đăng ký”, điển hình như các giao dịch bảo đảm như thế chấp, cầm cố… Vậy trong trường hợp giao dịch mang tính chất “đăng ký” này chủ thể tham gia giao dịch có được bảo vệ và được coi là bên thứ ba ngay tình không.
Theo một số nhà nghiên cứu, “thuật ngữ “đăng ký” cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tài sản theo quy định phải được cập giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (tức giấy xác nhận người đứng tên trong giấy là chủ sở hữu)….“Đăng ký” còn bao gồm những tài sản theo quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký, loại giấy này không phải là giấy chứng nhận quyền sở hữu, nhưng cũng có giá trị chứng minh (xét dưới góc độ pháp lý) người đứng tên trong giấy đăng ký là chủ sở hữu”và“có thể nhận thấy mục đích của quy định mới tại đoạn một khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 là nhằm bảo vệ người thứ ba ngay tình, mà trong quan hệ bảo đảm cũng được hình thành trên cơ sở giao dịch, người thứ ba ngay tình trong giao dịch bảo đảm cũng tương tự như người thứ ba ngay tình trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng nên không có lý do gì không được Bộ luật Dân sự năm 2015 bảo vệ”[6].
Trong thực tiễn xét xử, Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận định rằngviệc ông Lê Minh H đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 và khi ông H giao dịch với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk thì Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk không thể biết và không có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 đã cấp cho ông H. Cho nên, theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng như quy định tại khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 về: “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu” thì giao dịch “hợp đồng thế chấp tài sản” giữa ông Lê Minh H với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là giao dịch hợp pháp và Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là “người thứ ba ngay tình” cần phải được bảo vệ và không bị vô hiệu; nguyên đơn và những người thừa kế quyền nghĩa vụ của nguyên đơn không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại thửa đất số 44, tờ bản đồ số 5, diện tích 387m2 đang tranh chấp và không thể hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AO 769121 ngày 12/5/2009 mà phải để xử lý, thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk[7]. Toà án cho rằng giao dịch “hợp đồng thế chấp tài sản” giữa ông Lê Minh H với Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là giao dịch hợp pháp và Ngân hàng Thương mại cổ phần A - Chi nhánh Đắk Lắk là “người thứ ba ngay tình” cần phải được bảo vệ và không bị vô hiệu. Như vậy, trong trường hợp này Toà án xác định giao dịch mang tính chất “đăng ký” (hợp đồng thế chấp tài sản) cũng sẽ áp dụng cho trường hợp bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Tác giả cho rằng đường lối xét xử của Toà án là hợp lý, bởi quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015 là bảo vệ cho người thứ ba ngay tình nói chung và được hiểu theo nghĩa rộng, không có lý do gì chỉ bảo vệ cho các trường hợp giao dịch mang tính chất “chuyển giao” (như mua bán/chuyển nhượng….) còn các giao dịch mang tính chất “đăng ký” (thế chấp, cầm cố…) không được bảo vệ, có như vậy mới đảm bảo tính công bằng cho các chủ thể tham gia giao dịch, ổn định các giao dịch dân sự và khuyến khích các bên tham gia vào các giao dịch nói chung.
2.3. Chủ thể có lỗi khi giao dịch vô hiệu
Tại khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định “chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”. Theo điều khoản này, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu, nhưng có quyền yêu cầu chủ thể có lỗi hoàn trả chi phí, bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài chủ sở hữu tài sản thì còn có chủ sử dụng tài sản (trường hợp là quyền sử dụng đất), đây là loại tài sản có giá trị lớn và thường phát sinh tranh chấp. Vậy chủ sử dụng đất có được yêu cầu chủ thể có lỗi hoàn trả chi phí và bồi thường không? BLDS năm 2015 hiện tại vẫn chưa quy định rõ trong trường hợp này.
Về “chủ thể có lỗi”, trong nhiều trường hợp, chủ thể có lỗi thông thường là người giao dịch với người thứ ba ngay tình và chủ sở hữu sẽ yêu cầu người này hoàn trả chi phí hợp lý hoặc bồi thường thiệt hại phát sinh. Tuy nhiên, ngoài chủ thể này ra, trong thực tế còn tồn tại những chủ thể có liên quan khác như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, các cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất,... Bởi theo quy định, người thứ ba ngay tình xác lập giao dịch sẽ căn cứ vào tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập thực hiện giao dịch, mà các chủ thể có liên quan này sẽ tham gia vào một số quá trình nhất định khi các bên xác lập thực hiện giao dịch.
Ngoài một số bất cập nêu trên, trong trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên sau đó, tổ chức bán đấu giá vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá nhưng không do lỗi của người thứ ba ngay tình thì người nhận được tài sản có được bảo vệ hay không? Quy định hiện tại vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trong thực tế, có không ít vụ việc bên nhận được tài sản thông qua đấu giá, nhưng sau đó các bên có liên quan khiếu kiện vì cho rằng có vi phạm về trình tự, thủ tục đấu giá, và quan điểm xét xử của các Toà án cũng không thống nhất. Đồng thời đoạn 2 khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định “trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Trong tình huống này, bản án (sơ thẩm hoặc phúc thẩm), quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được hiểu là bản án đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực. Về nguyên tắc, các bản án, quyết định có hiệu lực mới được thi hành trên thực tế. Vì vậy, cần quy định rõ là bản án, quyết định có hiệu thì mới đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ của quy định pháp luật.
2.4. Kiến nghị
Mặc dù BLDS năm 2015 đã có nhiều tiến bộ trong quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tại Điều 133 BLDS năm 2015 vẫn còn tồn tại một số bất cập nhất định. Qua phân tích những bất cập này, tác giả có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, đối với những vấn đề mà BLDS năm 2015 chưa quy định thật sư rõ ràng và trên thực tế các Toà có các quan điểm xét xử khác nhau thì Toà án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn để thống nhất cách hiểu và đường lối xét xử.
Thứ hai, sửa đổi BLDS năm 2015 hoặc ban hành văn bản hướng dẫn về trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản thông qua tổ chức bán đấu giá nhưng sau đó phát hiện trong quá trình bán đầu giá có vi phạm về trình tự, thủ tục bán đấu giá mà không do lỗi của người thứ ba ngay tình thì vẫn nên công nhận giao dịch của người thứ ba ngay tình trong trường hợp này.
Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng xác định rõ “chủ thể có lỗi” có trách nhiệm hoàn trả chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại bao gồm cả các bên có liên quan như tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản để nâng cao trách nhiệm hành nghề, quản lý cũng như cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cho các chủ thể trong các giao dịch dân sự; đồng thời bổ sung chủ thể có quyền yêu cầu hoàn trả chi phí, bồi thường thiệt hại là “chủ sử dụng” ngoài chủ thể là “chủ sở hữu” trong khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung đoạn 1 khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015, thay cụm từ “chuyển giao” thành cụm từ “chuyển giao hoặc đăng ký”, cụ thể như sau: “trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc đăng ký bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn cụ thể về khái niệm người thứ ba ngay tình./. 
[1] Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015quy định: “3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
[2] Hoàng Thế Liên (Chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005 (Tập I) Phần thứ nhất: Những quy định chung, Phần thứ hai: Tài sản và quyền sở hữu (tái bản có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2013, tr. 333, 334.
[3] Bản án 128/2019/DS-PT ngày 13/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta344587t1cvn/chi-tiet-ban-an.
[4] Bản án 128/2019/DS-PT ngày 13/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
[5] Đỗ Văn Đại, Tập 2 - Luật Hợp đồng Việt Nam, Bản án và Bình luận bản án (Sách chuyên khảo, xuất bản lần thứ bảy), Nxb. Lao động, năm 2018, tr. 111, 115.
[6] Tưởng Duy Lượng, Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử (tái bản lần thứ năm, có sửa đổi bổ sung), Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2019, tr. 110, 111.
[7] Bản án 128/2019/DS-PT ngày 13/08/2019 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (461), tháng 07/2022.)