Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

09/09/2022

TS. PHẠM THỊ THANH HUẾ

Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, chỉ ra những bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Xử phạt vi phạm hành chính; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình.
Abstract: Within the scope of this article, the author provides an analysis of the provisions of the law on sanctioning of administrative violations in the field of social security, order and safety; prevention of social evils; fire protection; search and rescue; domestic violence prevention and control, pointing out inadequacies and also gives out a number of recommendations for improvements.
Keywords:Sanctions of administrative violations; prevention and termination of social evils; prevention and termination of domestic violence.
XỬ-PHẠT-VI-PHẠM-HÀNH-CHÍNH_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
Quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình được thể hiện tập trung trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 167), sau này là Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP (Nghị định số 144).
So với Nghị định số 167, Nghị định số 144 có những điểm mới cơ bản sau:
Một là, bổ sung lĩnh vực “cứu nạn, cứu hộ” và mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; điều chỉnh tăng thêm mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
Nghị định số 144 đã bổ sung lĩnh vực “cứu nạn, cứu hộ” trong tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hình thức xử phạt VPHC và biện pháp khắc phục hậu quả, thời hiệu xử phạt; bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức (phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử ký VPHC)); điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 80.000.000 đồng lên 150.000.000 đồng đối với tổ chức (phù hợp với quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý VPHC.
Hai là, bổ sung các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm và phân định thẩm quyền xử phạt đối với các chức danh trong lĩnh vực “cứu nạn, cứu hộ”.
Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cùng với các quy định về hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung), mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại nhiều điều luật (Điều 29, 30, 31, 36, 41, 44, 45, 46…) trong Mục 3 - Vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ. Nghị định số 144 cũng quy định về thẩm quyền xử phạt và phân định thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực này đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp (Điều 68); Công an nhân dân (Điều 69), Bộ đội biên phòng (Điều 70), Kiểm lâm (Điều 73), Kiểm ngư (Điều 74), Thanh tra (Điều 76) và nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt (Điều 78).
Ba là, quy định hình thức xử phạt trục xuất là hình thức xử phạt bổ sung; bổ sung, sửa đổi và cụ thể hóa nhiều biện pháp khắc phục hậu quả; điều chỉnh cách thức quy định về hình thức xử phạt trục xuất; bổ sung nhiều hành vi VPHC mới, tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm.
Nghị định số 144 nêu rõ hình thức xử phạt trục xuất là hình thức xử phạt bổ sung (điểm d khoản 2 Điều 3)[1],bổ sung, sửa đổi và cụ thể hóa nhiều biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 3 Điều 3). Nghị định cũng quy định về hình thức xử phạt trục xuất theo hướng rõ ràng, công khai hơn khi nêu rõ hành vi vi phạm nào bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất[2] thay cho quy định theo phương án tùy nghi[3].
Nhiều hành vi VPHC mới được bổ sung[4], mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực hầu hết được tăng lên[5]; bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa và trừng phạt các chủ thể thực hiện hành vi VPHC. Từ đó, tăng cường bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm nói riêng.
Bốn là, quy định rõ hơn, cụ thể hơn về thẩm quyền xử phạt VPHC đối với một số chủ thể; đồng thời, phân định rõ thẩm quyền xử phạt của từng chức danh trong các nhóm chủ thể có thẩm quyền xử phạt.
 Nghị định số 144 quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra, Quản lý thị trường, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm ngư[6]. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng phân định rõ thẩm quyền xử phạt của từng chức danh trong các nhóm chủ thể nêu trên[7]. Điều này giúp các chủ thể xác định được thẩm quyền và tạo điều kiện áp dụng pháp luật chính xác, hiệu quả hơn.
2. Một số hạn chế, bất cập trong quy định của Nghị định số 144
Thứ nhất, Nghị định số 144 quy định không thống nhất về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội
Điều 70 Nghị định số 144 quy định 06 nhóm chức danh thuộc Bộ đội Biên phòng có quyền xử phạt VPHC trong 04 nhóm lĩnh vực (an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống tệ nạn xã hội). Tuy nhiên, khoản 4 Điều 78 về phân định thẩm quyền xử phạt quy định, người có thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt VPHC và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi VPHC, trong đó có hành vi quy định tại các điều của Mục 4 Chương II Nghị định này. Mục 4 Chương II của Nghị định quy định VPHC về phòng, chống bạo lực gia đình - lĩnh vực mà Điều 70 không quy định thẩm quyền phạt tiền của Bộ đội Biên phòng[8].
Điều 71 về thẩm quyền xử phạt VPHC của Cảnh sát biển quy định 07 nhóm chức danh của lực lượng này chỉ có thẩm quyền xử phạt VPHC trong 01 nhóm lĩnh vực – lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (được quy định cụ thể tại Mục 1, Chương II Nghị định này). Tuy nhiên, khoản 5 Điều 78 Nghị định số 144 lại quy định, người có thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển có quyền xử phạt VPHC và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi VPHC quy định tại Điều 23 và 28 Nghị định này (Điều 23 - Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy; Điều 28 - Hành vi đánh bạc trái phép) là các VPHC về phòng, chống tệ nạn xã hội[9]. Như vậy, Nghị định số 144 quy định không thống nhất về thẩm quyền xử phạt VPHC của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển - là các chủ thể có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội.
Thứ hai, Nghị định số 144 quy định về thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn mang tính hình thức, không khả thi.
- Quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn mang tính hình thức, không khả thi.
+Về thẩm quyền xử phạt của chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ:
Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt tiền đến 400.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[10] và các hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng trong lĩnh vực này gồm hành vi VPHC quy định tại các Điều 7, 8, 15 và khoản 1, các điểm c, d và đ khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 18 Nghị định số 144[11]. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về hình thức xử phạt tiền[12], trong đó có quy định về mức phạt tiền tối đa thuộc thẩm quyền của chức danh này (đến 400.000 đồng) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì chức danh này không có thẩm quyền xử phạt tiền ở các hành vi quy định tại các điểm, khoản, điều luật nêu trên[13]. Đối với lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, thẩm quyền xử phạt tiền của chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ được quy định “Phạt tiền đến 500.000 đồng”[14] và các hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng trong lĩnh vực này gồm các hành vi quy định tại Điều 24, 25, 26, 27 và 28. Đối chiếu với quy định về hình thức xử phạt tiền[15], trong đó có quy định về mức phạt tiền tối đa thuộc thẩm quyền của chức danh này (đến 500.000 đồng) trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thì chức danh này cũng không có thẩm quyền xử phạt tiền ở các hành vi quy định tại các điểm, khoản, điều luật nêu trên[16].
Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ, có thẩm quyền xử phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[17] và các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng trong lĩnh vực này gồm hành vi VPHC quy định tại Điều 24, 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 144[18]. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về hình thức xử phạt tiền[19], trong đó có quy định về mức phạt tiền tối đa thuộc thẩm quyền của chức danh này (đến 2.500.000 đồng) trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội thì chức danh này không có thẩm quyền xử phạt tiền ở các hành vi quy định tại các điểm, khoản, điều luật nêu trên[20].
+Về thẩm quyền xử phạt của công chức Hải quan đang thi hành công vụ:
Công chức Hải quan đang thi hành công vụ có quyền xử phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[21] và các hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Hải quan được quy định tại các điểm c và đ khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 7; các điểm đ và k khoản 3, các điểm a, c, d và e khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 11 và Điều 21 Nghị định số 144[22]. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định về hình thức xử phạt tiền[23], trong đó có quy định về mức phạt tiền tối đa thuộc thẩm quyền của chức danh này (đến 500.000 đồng) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong mối quan hệ với việc xác định thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt khác và biện pháp khắc phục hậu quả[24] thì chức danh này không có thẩm quyền xử phạt tiền ở các hành vi quy định tại các điểm, khoản, điều luật nêu trên[25].
+Về thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm viên:
Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền xử phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[26] và các hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm trong lĩnh vực này được quy định tại Điều 21 Nghị định số 144[27]. Tuy nhiên, Kiểm lâm viên không thể áp dụng hình thức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm tại Điều 21 vì mức tối đa của khung tiền phạt vượt quá thẩm quyền xử phạt tiền của chức danh này; đồng thời, chức danh này cũng không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
+Về thẩm quyền xử phạt của Kiểm ngư viên:
Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ có quyền xử phạt tiền đến 2.000.000 đồng đối với hành vi VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội[28] và các hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Kiểm ngư trong lĩnh vực này được quy định tại Điều 21 Nghị định số 144[29]. Trong đó, đối chiếu thẩm quyền thì Kiểm ngư viên không thể thực hiện được thẩm quyền xử phạt tiền vì mức phạt tiền tối đa quy định đối với hành vi vi phạm tại Điều 21 vượt quá thẩm quyền xử phạt của Kiểm ngư viên và Kiểm ngư viên cũng không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. 
Như vậy, Nghị định số 144 quy định về thẩm quyền xử phạt tiền của một số chức danh. Tuy nhiên, đối chiếu với hành vi vi phạm cụ thể (với sự xác định và phân định thẩm quyền xử phạt tại Điều 78 Nghị định số 144) thì một số chức danh lại không thể thực hiện được thẩm quyền này trong các lĩnh vực nhất định. Do đó, việc quy định thẩm quyền xử phạt tiền của một số chức danh nêu trên trở nên hình thức, bất khả thi.
- Quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh thuộc các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn mang tính hình thức, không khả thi.
Điểm đ khoản 3 Điều 68 Nghị định số 144 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC và khoản 3 Điều 3 Nghị định này”. Khoản 2 Điều 78 Nghị định số 144 cũng phân định thẩm quyền này của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 144 chỉ quy định cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC quy định tại Nghị định này có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC (chứ không phải các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 28) và một hoặc nhiều biện pháp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, I, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, v khoản 3 Điều 3 Nghị định số 144. Nghị định số 144 cũng không quy định thêm biện pháp khắc phục hậu quả nào ngoài các biện pháp quy định tại các điểm a, c, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC. Theo quy định của Điều 4 Luật Xử lý VPHC, căn cứ quy định của Luật Xử lý VPHC, Chính phủ quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC. Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC, trong nguyên tắc xác định hành vi VPHC, áp dụng các hình thức xử phạt VPHC, biện pháp khắc phục hậu quả và sự kiện bất khả kháng quy định: Các hình thức xử phạt VPHC và biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả này đối với hành vi VPHC cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý VPHC”[30]. Như vậy, có thể hiểu nếu Nghị định không quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC thì các chủ thể không thể áp dụng. Do đó, việc quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28, trong khi Nghị định số 144 chỉ nêu các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, e và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC thì chức danh này cũng khó có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác ngoài giới hạn các biện pháp mà nghị định này đã quy định.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 78 Nghị định số 144 liệt kê thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng đối với các hành vi VPHC, nhưng không bao gồm thẩm quyền xử phạt đối với hành vi hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ quy định tại Điều 21 Nghị định số 144. Đây là hành vi xâm hại tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; tác động tiêu cực tới việc chấp hành pháp luật của nhà nước. Hành vi này là hành vi vi phạm tương đối phổ biến; các chủ thể khác đều được quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này[31]
3. Kiến nghị
Để bảo đảm hiệu quả thi hành quy định của pháp luật về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, bổ sung thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng xử phạt tiền và được tính theo tỷ lệ phần trăm mức phạt tiền tối đa lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình[32]. Theo đó, bổ sung nội dung “phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình” (tại điểm b khoản 3 Điều 70); “phạt tiền đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình” (tại điểm b khoản 4 Điều 70); “phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình” (tại điểm b khoản 5 Điều 70); “phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình” (tại điểm b khoản 6 Điều 70).
Thứ hai, bổ sung thẩm quyền của Cảnh sát biển xử phạt tiền và được tính theo tỷ lệ phần trăm mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội[33]. Theo đó, bổ sung nội dung “phạt tiền đến 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội” (tại điểm b khoản 3 Điều 71); “phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội” (tại điểm b khoản 4 Điều 71); “phạt tiền đến 22.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội” (tại điểm b khoản 5 Điều 71); “phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội” (tại điểm b khoản 6 Điều 71); “phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội” (tại điểm b khoản 7 Điều 71).
Thứ hai, bổ sung thẩm quyền của Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ xử phạt VPHC đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ đối với lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; Công chức Hải quan đang thi hành công vụ đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Kiểm lâm viên, Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.
 

 


[1] Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định: Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung.
[2] Điểm d khoản 13 Điều 7, điểm đ khoản 6 Điều 12, điểm b khoản 5 Điều 13, điểm b khoản 3 Điều 15, điểm b khoản 3 Điều 17, điểm b khoản 8 Điều 18, điểm b khoản 4 Điều 20, điểm d khoản 8 Điều 23, điểm b khoản 3 Điều 25, điểm b khoản 3 Điều 27, điểm c khoản 6 Điều 28, điểm b khoản 7 Điều 32 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[3] Khoản 4 Điều 3, khoản 6 Điều 5, khoản 6 Điều 11, khoản 7 Điều 12, khoản 6 Điều 13, khoản 4 Điều 15, khoản 5 Điều 16, khoản 9 Điều 17, khoản 5 Điều 19, khoản 7 Điều 21, khoản 3 Điều 23, khoản 7 Điều 26, khoản 5 Điều 28, khoản 3 Điều 29, khoản 8 Điều 30, khoản 7 Điều 31, khoản 8 Điều 32, khoản 4 Điều 33, khoản 5 Điều 40, khoản 6 Điều 42, khoản 5 Điều 43 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[4] Ví dụ: Một số hành vi trong các Điều 16, 22, 43.
[5] Ví dụ: Điều 8, 9, 10, 11, 14, 15, 18, 21, 23, 24, 25, 26, 27… Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[6] Xem Điều 68 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và các điều 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[7] Xem Điều 70 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP và Khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Điều 78 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[8] Xem Điều 70 và khoản 4 Điều 78 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
[9] Xem Điều 71 và khoản 5 Điều 78 Nghị định số 144.
[10] Xem điểm b khoản 1 Điều 70 Nghị định số 144.
[11] Xem khoản 4 Điều 78 Nghị định số 144.
[12] Xem khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012.
[13] Xem các Điều 7, 8, 15 và khoản 1, các điểm c, d và đ khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 18 Nghị định số 144.
[14] Xem điểm b khoản 1 Điều 70 Nghị định số 144.
[15] Xem khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012.
[16] Xem Điều 24, 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 144. Đối với các hành vi VPHC quy định tại khoản 1 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1 Điều 28 chức danh này có thể thỏa mãn thẩm quyền xử phạt tiền nhưng không thỏa mãn thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.
[17] Điểm b khoản 2 Điều 70 Nghị định số 144.
[18] Xem các Điều 24, 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 144.
[19] Xem khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012.
[20] Xem Điều 24, 25, 26, 27 và 28 Nghị định số 144. Đối với các hành vi VPHC quy định tại khoản 1 Điều 24; Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, khoản 2 Điều 28 chức danh này có thể thỏa mãn thẩm quyền xử phạt tiền nhưng không thỏa mãn thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả.
[21] Xem điểm b khoản 1 Điều 72 Nghị định số 144.
[22] Xem khoản 6 Điều 78 Nghị định số 144.
[23] Xem khoản 2 Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012.
[24] Xem Điều 52 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
[25] Xem các điểm c và đ khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 7; các điểm đ và k khoản 3, các điểm a, c, d và e khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 11 và Điều 21 Nghị định số 144. Đối với các hành vi VPHC quy định tại các điều, khoản, điểm nêu trên đều có mức tiền phạt tối đa vượt quá thẩm quyền của Công chức Hải quan đang thi hành công vụ; đồng thời, có nhiều hành vi quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
[26] Xem điểm b khoản 1 Điều 73 Nghị định số 144.
[27] Xem khoản 7 Điều 78 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trong đó, các hành vi VPHC quy định tại Điều 21 Nghị định này có mức tiền phạt tối đa vượt quá thẩm quyền của Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ.
[28] Xem điểm b khoản 1 Điều 74 Nghị định số 144.
[29] Xem khoản 7 Điều 78 Nghị định số 144. Trong đó, các hành vi VPHC quy định tại Điều 21 Nghị định này có mức tiền phạt tối đa vượt quá thẩm quyền của Kiểm ngư viên đang thi hành công vụ.
[30] Xem khoản 2 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
[31] Xem khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 12 Nghị định số 144.
[32] Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
[33] Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (462), tháng 7/2022.)