Quy định về hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và hướng hoàn thiện

29/08/2022

THS. NGUYỄN THỊ NGỌC UYỂN

Khoa Kinh doanh và Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn.

Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày những điểm mới của quy định về hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, chỉ ra các hạn chế, bất cập của pháp luật Việt Nam về vấn đề này và có tham khảo thêm kinh nghiệm nước ngoài để đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khoá: Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Abstract: Within the scope of this article, the author presents discussions of new contents of the provisions under the Law on Enterprise of 2020, which is related to the annulment of resolutions by the General Assembly Resolution of Shareholders; and also gives out a number of shortcomings and inadequacies of the law on the discussed matters and gets references to experience from foreign countries and recommendations for further improvements.
Keywords: General Assembly Resolution of Shareholders; joint-stock company; Law on Enterprise of 2020.
 
1. Những điểm mới của quy định về hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong Luật Doanh nghiệp năm 2020
Thứ nhất, chủ thể có thẩm quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Quyền lực của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được thực hiện thông qua các cuộc họp và bằng việc ra các quyết nghị[1]. Do đó, nghị quyết hay quyết nghị của ĐHĐCĐ là văn bản thể hiện ý chí và sự đồng lòng thống nhất của đa số cổ đông trong công ty cổ phần (CTCP). Để bảo vệ cổ đông cũng như lợi ích của công ty, pháp luật cho phép trong những trường hợp nhất định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ.dai-hoi-dong-co-dong_1.png
Theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty thì có thêm một số quyền năng khác so với cổ đông phổ thông nói chung, trong đó có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ[2]. Trước khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 ra đời, túc số này trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 2020 lần 1, lần 2 chỉ là 01% và từ dự thảo lần 3, tỷ lệ này đã tăng lên thành 03%[3], cuối cùng để cân bằng lợi ích các bên, Quốc hội đã thông qua tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông là 05% tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020[4]. Mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông 05% và không quy định giới hạn thời gian nắm giữ cổ phần[5] là hài hòa giữa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, tránh sự thay đổi quá lớn, có thể gây khó khăn trong quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp.
Những lý do giải thích cho sự thay đổi này là: Những cổ đông sở hữu cổ phần dưới 10% có khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ. Vì muốn thực hiện được quyền khởi kiện, họ buộc phải liên kết với những cổ đông khác để bảo đảm tỷ lệ này, nhưng việc liên kết này ở những CTCP phân tán rất khó khăn. Với các công ty niêm yết, tỷ lệ nắm giữ 05% cổ phần tương đương lượng tiền rất lớn. Do vậy, các cổ đông này có lợi ích rất lớn, họ sẽ ý thức được hành động của mình, thường sẽ không khởi kiện vô cớ, gây thiệt hại cho công ty và gây hại chính mình.
Ngoài ra, cho dù họ liên kết được 10% cổ phần phổ thông, họ cũng phải đảm bảo điều kiện thời gian nắm giữ liên tục trong 06 tháng. Nhiều chuyên gia cho rằng, khi các nhà đầu tư bỏ ra số tiền lớn nhưng tới 06 tháng sau mới có quyền yêu cầu khởi kiện nghị quyết của ĐHĐCĐ là không hợp lý[6]. Trước khi quyết định mua cổ phần, những nhà đầu tư đã tìm hiểu kỹ lịch sử hoạt động và các báo cáo gần nhất của CTCP đó. Do vậy, họ có đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện một trong những quyền yêu cầu của mình vì lợi ích tốt nhất của cổ đông và công ty. Hơn nữa, việc pháp luật trao cho cổ đông thiểu số quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ nhằm “nhắc khéo” Hội đồng quản trị (HĐQT) và những người quản lý trong CTCP phải luôn cẩn trọng trong quá trình quản lý và đưa ra quyết định của mình.
Cuối cùng, sự thay đổi này để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn được quy định trong Luật Chứng khoán và đạt mục tiêu bảo vệ cổ đông nhỏ. Theo khoản 18 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019: “Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành”.
Thứ hai, cách tính thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định tại Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ thì trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ. Như vậy, thời hạn 90 ngày này được tính kể từ ngày cổ đông/nhóm cổ đông nhận được một trong số các loại văn bản sau: biên bản họp ĐHĐCĐ, biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ tính từ thời điểm nhận được biên bản, bỏ sót đi loại văn bản khác khá quan trọng là nghị quyết, vì một số công ty chỉ gửi nghị quyết chứ không gửi biên bản, thì cổ đông chưa thể phát sinh được quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ. Vì thế, trong trường hợp này không hợp lý và luật cũng không quy định hậu quả pháp lý của việc không có biên bản họp ĐHĐCĐ. Cụ thể là nghị quyết của ĐHĐCĐ và HĐQT có giá trị pháp lý không nếu biên bản họp không được lập và lưu trữ[7]. Để khắc phục tình trạng đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020[8] đã bổ sung thêm một loại tài liệu khác là nghị quyết của ĐHĐCĐ. Điều này có nghĩa là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được một trong ba loại giấy tờ: nghị quyết, biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu, thì cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án, Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ nếu đáp ứng được những điều kiện tại Điều 151 và khoản 2 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Ngoài ra, thường thì sau khi bế mạc họp ĐHĐCĐ, công ty phải lập hồ sơ về cuộc họp để lưu trữ. Hồ sơ gồm: biên bản họp ĐHĐCĐ, phụ lục danh sách cổ đông đăng ký dự họp, toàn văn nghị quyết đã được thông qua và tài liệu liên quan gửi kèm theo giấy thông báo mời họp[9]. Tùy theo đặc điểm của từng loại CTCP khác nhau, có công ty tách biên bản họp ĐHĐCĐ và nghị quyết thành hai tài liệu khác nhau nhưng cũng có nhiều CTCP gộp chúng lại làm một. Hơn nữa, việc phân biệt hình thức giữa nghị quyết của ĐHĐCĐ và biên bản hiện nay chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp lập hai loại văn bản trên gần giống nhau. Do vậy, để đảm bảo quyền khởi kiện tốt nhất cho cổ đông thì pháp luật doanh nghiệp cho phép khi cổ đông nhận được nghị quyết có quyền khởi kiện là hợp lý.
Thứ ba, điều kiện hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định tại Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014,chỉ cần vi phạm hình thức, thì cổ đông có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, không phân biệt đó là vi phạm nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế xét xử của Tòa án cho thấy, nghị quyết của ĐHĐCĐ bị hủy bỏ khá nhiều và nhiều vụ việc chỉ là những lỗi vi phạm không lớn, nhưng Tòa án cũng chấp nhận yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của CTCP, đồng thời làm tăng chi phí và mất thời gian của doanh nghiệp và các cổ đông. Do đó, để khắc phục những thiếu sót của Luật Doanh nghiệp năm 2014, tại khoản 1 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau: “Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật này”.
Điều này có nghĩa là, cổ đông, nhóm cổ đông chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ khi đáp ứng một trong hai điều kiện: hình thức hoặc nội dung. Về mặt hình thức, khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra nghị quyết của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty. Tác giả cho rằng, quy định mới này là một điểm tiến bộ của Luật Doanh nghiệp năm 2020, vì những vi phạm không đáng kể về mặt hình thức mà hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ thì thật sự không cần thiết.
2. Một số hạn chế, bất cập của quy định về huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, tiêu chí xác định vi phạm nghiêm trọng về mặt hình thức
Một vấn đề cần được quan tâm là xác định tiêu chí vi phạm nghiêm trọng về mặt hình thức như thế nào là đúng. Vấn đề này chưa được Luật Doanh năm 2020 quy định rõ ràng. Thật vậy, rất khó để liệt kê hết những trường hợp nào được coi là vi phạm nghiêm trọng trong trình tự, thủ tục triệu tập và ra nghị quyết của ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải thích vi phạm nghiêm trọng về mặt hình thức dựa vào nguyên tắc: những vi phạm đó phải làm thay đổi cơ bản nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ, ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông và công ty.
Tham khảo quy định trong Bộ luật Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ: một nghị quyết ĐHĐCĐ sẽ bị coi là vô hiệu, đặc biệt nếu nó (i) loại bỏ hoặc hạn chế các quyền của cổ đông như quyền tham dự đại hội, quyền có số phiếu biểu quyết nhất định, quyền khởi kiện và các quyền không thể thiếu khác do pháp luật quy định, (ii) hạn chế các quyền của cổ đông như quyền thông tin, quyền kiểm tra và kiểm toán vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép, hoặc (iii) làm xấu đi cấu trúc cơ bản của CTCP hoặc vi phạm nguyên tắc bảo vệ vốn[10]. Theo đó, luật không liệt kê hết các trường hợp coi là vi phạm nghiêm trọng hình thức, nhưng đã đưa ra một khung cơ bản cho các thẩm phán dễ áp dụng. Ngoài những trường hợp đặc biệt được liệt kê ở trên thì các Toà án linh hoạt xét xử. Tương tự, pháp luật của Trung Quốc cũng liệt kê vài trường hợp bị coi là vi phạm hình thức như: thủ tục triệu tập đại hội đồng cổ đông hoặc phương thức biểu quyết không phù hợp với bất kỳ luật, quy định hành chính hoặc Điều lệ của công ty[11].
Do đó, theo tác giả, Luật Doanh nghiệp năm 2020 nên tiếp cận theo xu hướng liệt kê các “trường hợp cứng” về vi phạm hình thức, và để mở một phần cho các thẩm phán linh hoạt xét xử. Trên cơ sở đó, các cổ đông hiểu rõ quyền yêu cầu khởi kiện cũng như thẩm phán có cơ sở pháp lý đưa ra phán quyết nhất quán hơn.
Thứ hai, cổ đông có thẩm quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ[12]. Tuy nhiên, nếu sau đó, chính những chủ thể đã biểu quyết thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ lại yêu cầu huỷ bỏ phần nội dung mà mình đã đồng ý tán thành là mâu thuẫn.
Theo pháp luật thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ, cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ được yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ khi:
- Cổ đông tham dự ĐHĐCĐ biểu quyết không đồng ý với nghị quyết của ĐHĐCĐ và có ý kiến ​​phản đối được ghi vào biên bản đại hội.
- Cổ đông cho rằng cuộc họp ĐHĐCĐ không được triệu tập hợp lệ; chương trình đại hội không công bố theo quy định; người không có thẩm quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ hoặc đại diện của họ tham dự đại hội và biểu quyết trong ĐHĐCĐ; họ không được phép tham dự và biểu quyết trong ĐHĐCĐ mà không có bất kỳ lý do chính đáng nào và những điều bất thường nêu trên có hiệu lực trong nghị quyết của ĐHĐCĐ thì cổ đông có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ đó bất kể họ có tham dự ĐHĐCĐ và bỏ phiếu tiêu cực hay không[13]. Điều này có nghĩa là trong quá trình tổ chức họp ĐHĐCĐ, cổ đông phát hiện một trong các vi phạm trình tự, thủ tục được liệt kê thì họ có quyền yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ, bất kể họ có tham dự đại hội hay có ý kiến ​​phản đối được ghi trong biên bản đại hội. Nếu xét về vi phạm nội dung của nghị quyết của ĐHĐCĐ thì cổ đông chỉ được quyền khởi kiện huỷ bỏ nghị quyết khi họ đã bỏ phiếu không tán thành và ý kiến phản đối đó được ghi vào biên bản cuộc họp. Tác giả cho rằng, đây là một quy định phù hợp, làm giảm số lượng việc khởi kiện không cần thiết. Vì vậy, cần sửa lại Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng sau:
“Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này và đã bỏ phiếu không tán thành và ý kiến phản đối đó được ghi vào biên bản cuộc họp ĐHĐCĐ thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật này;
2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty”.
Ngoài ra, theo pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ: các cổ đông khởi kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ phải duy trì tư cách là "cổ đông" cho đến khi có quyết định cuối cùng của tòa án. Do đó, các cổ đông muốn khởi kiện bãi bỏ nghị quyết của đại hội đồng, họ không được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong quá trình khởi kiện cho đến khi tòa án đưa ra quyết định cuối cùng và nếu không, họ sẽ mất tư cách là chủ thể khởi kiện[14]. Đây là một nội dung tiến bộ và phù hợp mà pháp luật doanh nghiệp Việt Nam nên tham khảo. Vì khi cổ đông đó chuyển nhượng hết cổ phần cho người khác thì tư cách cổ đông chấm dứt và chuyển qua cho người nhận chuyển nhượng. Hơn nữa, lợi ích cá nhân không gắn kết với lợi ích công ty nên họ sẽ không hành động tốt nhất cho sự phát triển của công ty.
Thứ ba, mở rộng chủ thể có thẩm quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì chỉ có cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115  mới có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Do đó, HĐQT hoặc thành viên HĐQT không có thẩm quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ mặc dù họ phát hiện ra những vi phạm về mặt hình thức hay nội dung trong nghị quyết của ĐHĐCĐ và ảnh hưởng đến lợi ích công ty hoặc cá nhân thành viên HĐQT.
Khi tham khảo pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ[15], HĐQT, với tư cách là cơ quan của CTCP, có thể nộp đơn yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ mà không phải tuân theo bất kỳ điều kiện nào. Theo đó, Ban Giám đốc phải họp và đưa ra quyết định theo quy định tại Điều 390 của Bộ luật Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ra quyết định về vấn đề này. Đối với thành viên HĐQT, nếu việc thực hiện một quyết định được đưa ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ sẽ làm phát sinh trách nhiệm cá nhân của các thành viên HĐQT, thì mỗi thành viên HĐQT có thể khởi kiện để bãi bỏ quyết định có liên quan. Do đó, pháp luật doanh nghiệp cần mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ theo hướng cho phép HĐQT hoặc bất kỳ thành viên HĐQT nào đều có thể nộp đơn kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ.
Thứ tư, căn cứ huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, khi cổ đông, nhóm cổ đông phát hiện nội dung nghị quyết của ĐHĐCĐ trái pháp luật, điều lệ công ty thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết đó. Những trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ trái với đạo đức xã hội thì toà án hay trọng tài có tuyên vô hiệu hay không? Vấn đề này chưa được Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định. Theo tác giả, nếu nghị quyết của ĐHĐCĐ ban hành trái đạo đức xã hội thì cần phải tuyên vô hiệu, các cổ đông phải được khôi phục lại vị trí của mình trước khi thông qua nghị quyết, người quản lý CTCP không cần thực hiện các nội dung trong nghị quyết đó. Hơn nữa, trong các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Theo pháp luật của nước Cộng hòa Kosovo, khi nghị quyết của ĐHĐCĐ trái với đạo đức xã hội thì quyết định của ĐHĐCĐ đó không hợp lệ. Quy định này cho thấy không những cổ đông mà còn là người lao động, chủ nợ và những người khác được bảo vệ. Thực tế, việc ban hành những nghị quyết trái với đạo đức xã hội - là các quyết định trái với các chuẩn mực đã xác định và quyết định đó có ảnh hưởng đến lợi ích và đạo đức xã hội[16].
Tương tự, theo Điều 56 Luật Thương mại năm 1990 của Romania, căn cứ hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ có thể là vô hiệu tuyệt đối khi nội dung nghị quyết vi phạm các quy tắc bảo đảm trật tự công cộng và lợi ích chung hoặc vô hiệu tương đối khi vi phạm các quy tắc bảo đảm lợi ích cá nhân của các cổ đông của công ty phần lớn có liên quan đến ý chí hoặc năng lực của cổ đông[17]. Ngoài ra, pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quy định tương tự, khi nghị quyết của ĐHĐCĐ trái với các quy định bắt buộc của luật hoặc các điều khoản của hiệp hội, đạo đức, trật tự công cộng, quyền của cá nhân thì nghị quyết đó không có giá trị (Điều 447 Bộ luật Thương mại và Điều 27 Bộ luật Nghĩa vụ Thổ Nhĩ Kỳ)[18].
Từ tham khảo pháp luật nước ngoài và phù hợp với các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự năm 2015, tác giả kiến nghị cần bổ sung vào khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thêm một căn cứ để Toà án hoặc Trọng tài xem xét huỷ bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ là nghị quyết đó trái đạo đức xã hội./.

 


[1] Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, tập 1 (2020), Trường đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư Pháp, tr.210.
[2] Xem Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[3] Xem http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773.
[4] Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), http://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=1773, truy cập ngày 20/8/2020.
[5] Khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[7] Trương Nhật Quang (2016), Pháp luật về doanh nghiệp các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân trí, tr.307.
[8] Xem Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020 về yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ:
“Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết ĐHĐCĐ…”.
[9] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật Thương mại phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.247.
[10] Nguyên gốc: “Article 447 of the TCC, a general assembly resolution shall be deemed null and void especially if it (i) eliminates or restricts shareholder rights such as the right to attend the general assembly, to have certain number of votes, to file a lawsuit and other indispensable rights arising from the law, (ii) restricts shareholder rights such as information, inspection and audit rights beyond the limits allowed by the law, or (iii) deteriorates the fundamental structure of the joint stock company or violates the principle of protection of capital”, http://www.erdem-erdem.av.tr/en/insights/null-and-void-resolutions-of-the-general-assembly-in-joint-stock-companies, truy cập ngày 18/02/2022.
[11] Nguyên gốc: “Article 45 Rules for the General Meetings of Shareholders of Listed Companies
A resolution of the general meeting of shareholders shall be invalidated if it violates any of the laws or administrative regulations.
If the procedures for convening the general meeting of shareholders or the voting method is no pursuant to any of the laws, administrative regulations or the Articles of Association of the company, or the contents of the resolution are not pursuant to the Articles of Association of the company, the shareholders may request the people's court to cancel it within 60 days after the resolution is made,http://www.asianlii.org/cn/legis/cen/laws/rftgmosolc582/, truy cập ngày 18/02/2022.
[12] Xem khoản 1 Điều 151 và khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[13] Được dịch từ Điều 446 của Bộ luật Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ: “1. Shareholders who attended the general assembly and cast a negative vote against the resolution and had their opposition recorded in the minutes of the general assembly.
2. Shareholders claiming that the general assembly was not summoned duly, the agenda of the general assembly was not announced as required, persons not authorized to attend the general assembly or their representatives attended the general assembly and voted in the general assembly, they were not allowed to attend and vote in the general assembly without any justifiable reason and that the above mentioned irregularities were effective for the adoption of the general assembly resolution are authorized to file an action for annulment regardless of whether they attended the general assembly or not and cast a negative vote or not”.
[14] Turkey: Annulment of General Assembly Decisions in Joint Stock Companies, https://www.mondaq.com/turkey/shareholders/1077980/annulment-of-general-assembly-decisions-in-joint-stock-companies, truy cập ngày 18/02/2022.
[15] Được dịch từ Điều 446 của Bộ luật Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ: “Based on the conditions laid down in the Turkish Commercial Code, shareholders and the board of directors in its capacity as an organ of the company and each of members of the board of director can request the annulment of the respective general assembly resolution”.
[16] Kemajl Ademaj (2015), Annulment of Assembly Joint Stock Company Decisions - Theory, Legislation and Practice in the Republic of Kosovo, European Journal of Social Sciences May-August 2015, p.109.
[17] Roxana - Mihaela CATEA (2017), Practical aspects regarding the claim for the annulment of the resolutions of the general meeting of shareholders, from a subtantial and procedural perspective, Lex ET Scientia International Journal, Vol. 2/2017, P.19.
Available at:
http://lexetscientia.univnt.ro/download/601_LESIJ_XXIV_2_2017_art.002.pdf
[18] https://www.linkedin.com/pulse/invalidity-general-assembly-resolutions-hac%C4%B1-kara

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (461), tháng 7/2022.)