Hoàn thiện quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính

15/08/2022

VĂN KHOA

Trường Đại học Trà Vinh.

Tóm tắt: Xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính, pháp luật còn áp dụng các biện pháp nhất định nhằm khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là một trong các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với vi phạm hành chính. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về biện pháp khắc phục hậu quả này, chỉ ra một số bất cập và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Abstract: Sanctioning of administrative violations is considered as an effective manner to fight and prevent the administrative violations. In addition to the application of sanctioning forms to deter individuals and organizations from committing administrative violations, the law also applies certain measures to overcome the consequences of administrative violations. Forcing the return of illegal profits obtained from administrative violations is one of the remedial measures applicable to administrative violations. Within the scope of this article, the author provides an analysis of the current legal regulations on this remedial measure, gives out a number of inadequacies and recommendations for further improvements of the related legal regulations.
Keywords: Administrative violations; administrative sanction; remedies measures; forcible refund of illicit profits; Law on Handling of Administrative Violations.
 NỘP-LẠI-TIỀN-KHẮC-PHỤC.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Một số hạn chế trong quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
Thứ nhất, quy định của một số văn bản luật chuyên ngành về biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính chưa phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020 (Luật Xử lý VPHC) quy định, vi phạm hành chính sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt gồm: (i) Cảnh cáo; (ii) Phạt tiền; (iii) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (iv) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; (v) Trục xuất. Điểm i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC quy định các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, điểm c khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây: “c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”. Quy định này được đưa vào điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (Nghị định số 75). Như vậy, quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 và Nghị định số 75 là không phù hợp với Luật Xử lý VPHC.
Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 6, Điều 66 Luật Xử lý VPHC, việc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ thời hiệu và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Khi hết thời hiệu hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Nói cách khác, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vào bất cứ thời điểm nào kể từ thời điểm chấm dứt hoặc phát hiện hành vi vi phạm[1]. Việc Luật Cạnh tranh năm 2018, Nghị định số 75 quy định “tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm” làhình thức xử phạt bổ sung đã tự “làm khó” của mình; bởi lẽ, khi hết thời hiệu hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt thì đương nhiên sẽ không thể thu được khoản lợi bất hợp pháp này[2].
Thứ hai, quy định về cách xác định số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa được quy định đầy đủ trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý VPHC.
Vi phạm hành chính ngoài việc xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, còn gây ra những hậu quả nhất định đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, bên cạnh việc áp dụng các hình thức xử phạt để răn đe, pháp luật còn quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.
Để hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính, Điều 37 Luật Xử lý VPHC quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chínhmà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chínhkhông tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện. Như vậy,Luật Xử lý VPHC đã khoanh vùng số lợi bất hợp pháp có được từ vi phạm hành chínhgồm tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá; đồng thời quy định rõsố lợi bất hợp pháp do cá nhân, tổ chức vi phạm hành chínhnộp lại sẽ được xử lý bằng 2 cách: (i) Sung vào ngân sách nhà nước hoặc (ii) Hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC cũng chỉ mới dừng lại ở việc quy định về các khoản lợi được coi là “số lợi bất hợp pháp” cũng như cách thức nộp lại số lợi bất hợp pháp chứ chưa hướng dẫn cụ thể về cách tính giá trị “số lợi bất hợp pháp”[3].
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, đa số các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý VPHC trong từng lĩnh vực cũng không hướng dẫn cụ thể về cách xác định giá trị “số lợi bất hợp pháp”, ngoại trừ một số văn bản sau đây: Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP hướng dẫn cách xác định số lợi bất hợp pháp đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; khoản 3 Điều 84 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP hướng dẫn cách xác định số lợi bất hợp pháp đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Do các văn bản dưới luật không quy định rõ cách xác định số lợi bất hợp pháp dẫn đến việc áp dụng biện pháp này gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho người có thẩm quyền xử phạt.
Thứ ba, quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính chưa thống nhất.
Thẩm quyền xử phạt là một trong các nội dung quan trọng của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt và thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Hiện nay, Luật Xử lý VPHC, từ Điều 38 đến Điều 51 quy định chung về thẩm quyền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền riêng đối với các vi phạm hành chính cụ thể do các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cụ thể. Các quy định về thẩm quyền riêng cần phải phù hợp với thẩm quyền chung quy định trong Luật Xử lý VPHC.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số văn bản dưới luật quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chức danh có thẩm quyền chưa phù hợp với Luật Xử lý VPHC, thể hiện dưới hình thức sau:
Một là, thu hẹpthẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định của Luật Xử lý VPHC, Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; (ii) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; (iii) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; (iv) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; (v) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định[4]. Tuy nhiên, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị định số 96) lại không quy định chức danh này áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính[5].
Hai là, mở rộng thẩm quyền áp dụng buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Theo quy định của Luật Xử lý VPHC, các chức danh gồm Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trưởng phòng An ninh kinh tế không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”[6]. Tuy nhiên, Nghị định số 96 quy định Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính[7]; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP (Nghị định số 36) quy định, Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trưởng phòng An ninh kinh tế cũng có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”[8].
Thứ tư, một số hành vi vi phạm hành chính có khả năng phát sinh số lợi bất hợp pháp nhưng pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144) quy định, đối với hành vi “tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Trên thực tế, các hành vi này có thể làm phát sinh những số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Nghị định số 144 mới chỉ quy định về việc phạt tiền mà chưa áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi do thực hiện vi phạm hành chínhđối với hành vi này; do vậy, chưa thể khắc phục triệt để các hậu quả do vi phạm hành chínhgây ra.
2. Hoàn thiện quy định về biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
   Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị:
Một là, khác với bản chất pháp lý của hình thức xử phạt là làm thiệt hại đến tình trạng ban đầu vốn có của người vi phạm về quyền sở hữu tài sản hay quyền nhân thân, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu mà vi phạm đã gây ra, đã làm thay đổi, hoặc khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm hành chính xâm hại[9]. Trong nhiều trường hợp, khi thực hiện vi phạm hành chính, chủ thể vi phạm đã thu được một khoản lợi nhuận nhất định. Do đó, khi bị xử phạt, chủ thể vi phạm phải có nghĩa vụ nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính. Việc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính không nhằm mục đích gây thiệt hại đến quyền sở hữu tài sản hay quyền nhân thân của người vi phạm mà chỉ nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm đã gây ra[10]. Việc phân định rõ hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi áp dụng các chế tài này đối với vi phạm hành chính. Để việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thật sự phát huy giá trị trên thực tế, tác giả cho rằng, cần sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018, điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 75 theo hướng đưa biện pháp “tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm” ra khỏi nội dung của hình thức xử phạt chính, chuyển thành một nội dung của biện pháp khắc phục hậu quả.
Hai là, bổ sung quy định cụ thể hướng dẫn cách xác định “số lợi bất hợp pháp” đối với các lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này trong thực tế.
Ba là, sửa đổi khoản 5 Điều 17 Nghị định số 96 theo hướng bổ sung cho chức danh Giám đốc Công an cấp tỉnh thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi vi phạm hành chính; sửa đổi khoản 7 Điều 18 Nghị định số 96 theo hướng bãi bỏ thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính của chức danh Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; sửa đổi khoản 7 Điều 18 Nghị định số 96, khoản 4 Điều 66 Nghị định số 36 theo hướng bãi bỏ thẩm quyền áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính của Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát tội phạm về môi trường; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trưởng phòng An ninh kinh tế.
Bốn là, bổ sung quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính” đối với các hành vi vi phạm có làm phát sinh số lợi bất hợp pháp, từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc áp dụng biện pháp này, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính trong thực tiễn./.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                
[1] Nguyễn Cảnh Hợp (chủ biên), Bình luận khoa học Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (tái bản lần thứ 1), Nxb. Hồng Đức, 2017, tr. 267.
[2] Cao Vũ Minh (2020), “Sự tương thích giữa pháp luật cạnh tranh với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh”, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 01, tr. 8.
[3] Nguyễn Nhật Khanh, Trần Quốc Minh (2020), “Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17, tr. 32.
[4] Điểm e khoản 5 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính).
[5] Điểm đ khoản 3 Điều 3, điểm e khoản 5 Điều 17 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.
[6] Điểm đ khoản 4 Điều 39, Điểm đ khoản 7 Điều 41 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
[7] Điểm đ khoản 7 Điều 18 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.
[8] Điểm r khoản 3 Điều 4, điểm đ khoản 4 Điều 66 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.
[9] Nguyễn Cửu Việt (2013), Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 524.
[10] Cao Vũ Minh (2018), “Sự chồng chéo giữa biện pháp khắc phục hậu quả với các hình thức xử phạt trong pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 10, tr. 40.   

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (460), tháng 6/2022.)