Cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp “đồng hành” để hiện thực hóa phương thức xét xử mới- xét xử trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19

23/10/2021

TS. ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,

THS. BÙI THỊ TÂM

Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II.

Tóm tắt: Luật Tố tụng hình sự nước ta hiện nay chỉ quy định xét xử trực tiếp, chưa quy định xét xử trực tuyến. Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm ngưng trệ mọi hoạt động, trong đó có hoạt động xét xử của Tòa án. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi ngành Tòa án phải áp dụng phương thức xét xử mới - xét xử trực tuyến. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích cơ sở và giải pháp đồng hành giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để sớm hiện thực hóa phương thức xét xử mới - xét xử trực tuyến.
Từ khóa: Đại dịch Covid-19; xét xử trực tuyến; cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Abstract: The current criminal procedure law in our country only provides for direct trial, not for remote hearing. The global pandemic of Covid-19 has halted all activities, including adjudication activities of the courts. In order to fulfill the requirements of the Party, State and People "timely trial" requires the court sector to apply a new method of adjudication - remote hearing. Within the scope of this article, the authors provide an analysis of the ground and solutions to accompany the legislative, executive and judicial agencies to soon realize the new adjudication method – remote hearing.
Keywords: Covid-19 pandemic; remote hearing court/online adjudication; legislative entity, executive and judicial branches.
 XÉT-XỬ-TRỰC-TUYẾN-1_1.png
1. Cơ sở đồng hành giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc hiện thực hóa phương thức xét xử trực tuyến
 1.1. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến
Trực tiếp là sự tiếp xúc thẳng mà không cần người hay vật làm trung gian. Trực tiếp có thể dùng cho những hành vi, hoạt động hay thậm chí là những mối quan hệ nhất định trong đời sống.
Theo Từ điển Tiếng Việt, trực tiếp là: (i) “có quan hệ thẳng với đối tượng tiếp xúc, không qua khâu trung gian”[1]; (ii) Tiếp xúc thẳng, không cần người hay vật làm trung gian[2]. Tiếp xúc trực tiếp có nghĩa là mối quan hệ tiếp xúc ngôn ngữ, cơ thể không qua trung gian. Sự tiếp xúc này có thể ám chỉ giữa người với người hay người với vật, vật với vật,...[3].
Trực tuyến (từ tiếng Anh: Online) thường được dùng cho một kết nối hoạt động với một mạng truyền thông, đặc biệt là trong (thông qua) mạng Internet hoặc chỉ liên kết trong mạng cục bộ. Trong ngôn ngữ thông thường, "trực tuyến" thường đề cập đến Internet hoặc mạng toàn cầu World Wide Web. Thuật ngữ "trực tuyến" (online) dùng trong thời đại Internet, có ý nghĩa cụ thể liên quan đến công nghệ máy tính và viễn thông. Nói chung, "trực tuyến" chỉ ra một trạng thái kết nối với mạng Internet toàn cầu.
Trong công nghệ máy tính và viễn thông, để được xem là trực tuyến, đỏi hòi thiết bị đó phải: (i) đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của các thiết bị khác và sự kiểm soát trực tiếp của hệ thống mà nó có liên quan hoặc kết nối; (ii) có sẵn để sử dụng ngay lập tức theo yêu cầu của hệ thống mà không cần sự can thiệp của con người; (iii) kết nối với một hệ thống (một mạng máy tính[4]) và đang hoạt động; có chức năng hoàn hảo và sẵn sàng cho dịch vụ[5],[6].
 1.2. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 được thể hiện trong các điều 190, 191, 193, 223, 224, 225, 234, 235, 237[7]...
Điều 190. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây: a) Nộp trực tiếp tại Tòa án; b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). 2. Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. ... 3. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn...
Điều 191. Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện
1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn. Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)...
Điều 225. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói
1. Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa; ... 2. Việc xét xử phải bằng lời nói và được tiến hành tại phòng xử án.
1.3. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến (và kèm theo đó là những quy định về trình tự, thủ tục riêng cho từng trường hợp “trực tiếp” và “trực tuyến”) theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 được thể hiện trong các điều 119, 120, 121, 152, 153, 164[8]...
 
Điều 119. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứkèm theo đến Tòa áncó thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
1. Nộp trực tiếp tại Tòa án;
2. Gửi qua dịch vụ bưu chính;
3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Điều 120. Xác định ngày khởi kiện vụ án hành chính
1. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn.
2. Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
...
Điều 152. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói
1. Việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án.
2. Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án tại phiên tòa bằng cách hỏi và nghe trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết, chứng cứ của vụ án của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.
1.4. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến (và đương nhiên là cần phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục riêng cho từng trường hợp “trực tiếp” và “trực tuyến”) theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015, được thể hiện trong các điều 250, 256, 299, 311, 423, 467[9]...
 Điều 250. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục như sau:
1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói. Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập...
Điều 256. Nội quy phiên tòa
1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa...
 
1.5. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến còn được thể hiện trong Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao[10].
 Điều 2. Phòng xử án
1. Phòng xử án là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án.
Điều 3. Nguyên tắc bố trí phòng xử án
1. Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.
2. Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
3. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.
4. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Điều 4. Hình thức phòng xử án
1. Phòng xử án phải được bố trí Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên nền ốp gỗ ở chính giữa, phía sau và ở trên vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp.
2. Phòng xử án được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở trên bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.
3. Phòng xử án phải bảo đảm không gian để tiến hành phiên tòa, phiên họp và hàng rào ngăn cách giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với khu vực của người tham dự phiên tòa, phiên họp; phải bố trí lối đi riêng của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp; lối đi của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp; tường trong phòng xử án có nền màu vàng.
4. Sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được thực hiện theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.
Điều 6. Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên
1. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.
Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
 1.6. Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ
Sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến được thể hiện trong Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ[11].
Điều 3. Giải thích từ ngữ
10. Họp trực tiếp là hình thức họp mà người chủ trì và người tham dự có mặt tại cùng một địa điểm, một phòng họp để tổ chức cuộc họp.
11. Họp trực tuyến là hình thức họp được thực hiện qua việc ứng dụng các phần mềm, website hoặc qua tổng đài hội thoại thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ (mạng WAN) hoặc mạng internet để những người ở vị trí địa lý khác nhau có thể cùng tham gia cuộc họp từ xa, mà ở đó họ có thể nghe, nói, nhìn thấy nhau như đang ở chung một phòng họp.
Do có sự khác nhau giữa trực tiếp và trực tuyến theo quy định của văn bản nêu trên, để thực hiện được phương thức xét xử trực tuyến, đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định của Bộ luật TTDS năm 2015, Luật TTHC năm 2015 và Bộ luật TTHS năm 2015 và một số luật chuyên ngành như: Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018.
2. Giải pháp “đồng hành” giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc hiện thực hóa phương thức xét xử trực tuyến
2.1. Về phía cơ quan lập pháp
Trước mắt, Quốc hội cần sớm thông qua nghị quyết về áp dụng phương thức xét xử trực tuyến làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp thực hiện phương thức xét xử trực truyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo quy định của khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020[12].
Về lâu dài, Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật tố tụng theo hướng bổ sung phương thức xét xử trực tuyến và những quy định riêng, phù hợp với phương thức xét xử trực tuyến về:
(i) Nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tại Tòa án; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan theo phương thức xét xử trực tuyến nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật;
(ii) Nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hành chính theo phương thức xét xử trực tuyến.
(iii) Nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự; trình tự, thủ tục xét xử; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo phương thức xét xử trực tuyến.
(iv)Quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành như Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018... để bảo đảm thực hiện phương thức xét xử trực tuyến.
2.2. Về phía cơ quan hành pháp
Chính phủ cần bảo đảm nguồn lực cho cơ quan tư pháp thực hiện phương thức xét xử trực tuyến về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật.
Để có thể thực hiện phương thức xét xử trực tuyến đòi hỏi cần phải có hệ thống phần mềm. Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải có những chức năng đáp ứng những tiêu chí về âm thanh (audio), hình ảnh (video), chia sẻ màn hình, mời thành viên tham gia phiên tòa, điều khiển phiên tòa của Chủ tọa (bao gồm các chức năng: tắt mic từng điểm cầu (mute); tắt mic tất cả (mute all); có thể đẩy người tham dự ra khỏi phiên tòa; đặt mật khẩu phòng xử án; chuyển quyền chủ tọa...). Hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải đáp ứng những tiêu chí về hiệu năng như: số lượng điểm cầu đồng thời; chất lượng hình ảnh; chất lượng audio; chất lượng chia sẻ màn hình; số lượng phòng xử án; thời gian hoạt động liên tục...
Xét xử trực tuyến phải bảo đảm các tiêu chí về an toàn, bảo mật như: (i) Hỗ trợ truyền dữ liệu trên các đường truyền mã hóa và các giao thức có bảo mật; (ii) Hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tầng giao vận TLS (v 1.2) và an toàn truyền tệp tin HTTPS; (iii) Có giải pháp xác thực an toàn, mã hóa thông tin danh tính và thông tin cá nhân của các điểm cầu tham dự phiên tòa; (iv) Các phiên tòa có các cơ chế, hình thức bảo mật để hạn chế người dùng tham gia không mong muốn; (v) Việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các quy định của pháp luật hiện hành.
Trước mắt, Chính phủ cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc bảo đảm cơ sở vật chất hạ tầng, hệ thống phần mềm cho xét xử trực tuyến đáp ứng tiêu chí sau:
(i) Bảo đảm thực hiện xét xử trực tuyến trên công nghệ mạng Internet, hỗ trợ nhiều giao thức (như SIP, H.323, WebRTC...) và các codec (như Opus, VP8, VP9, H.264, H.265...) đảm bảo chất lượng âm thanh và hình ảnh theo chuẩn SD, HD;
(ii) Bảo đảm không truyền, lưu trữ các dữ liệu phát sinh trong quá trình xét xử trực tuyến cho các đối tượng không được cấp quyền truy cập;
(iii) Đảm bảo hệ thống phần mềm cung cấp cho người sử dụng theo nhiều hình thức như dịch vụ sẵn có hoặc tự quản trị và khai thác;
(iv) Có phương án thống kê các thông số như: số lượng phòng họp, số điểm cầu tham gia, vị trí sử dụng, thiết bị đầu cuối sử dụng, trình duyệt sử dụng, băng thông, tỷ lệ mất gói tin của các điểm cầu. Có sẵn các phương thức để kết xuất dữ liệu thống kê (ví dụ các API).
Bên cạnh đó, xét xử trực tuyến phải bảo đảm các tiêu chíphi chức năng khác như: (i) Hỗ trợ sử dụng trên các hệ điều hành phổ biến là hệ điều hành cho điện thoại và máy tính bảng như IOS và Android; hệ điều hành cho máy tính xách tay, máy tính để bàn như Windows và Mac Os; (ii) Hỗ trợ sử dụng trên các thiết bị cầm tay, điện thoại thông minh và máy tính bảng; máy tính để bàn và máy tính xách tay[13]...
2.3. Về phía cơ quan tư pháp
Tòa án nhân dân tối cao cần sớm xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội: (i) Tờ trình đề xuất áp dụng phương thức xét xử trực tuyến; (ii) Báo cáo Quốc hội về tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động xét xử nói riêng, làm cơ sở để Quốc hội sớm xem xét đưa nội dung áp dụng phương thức xét xử trực tuyến vào nghị quyết của Quốc hội làm cho sở pháp lý cho các cơ quan tư pháp thực hiện phương thức xét xử trực truyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 theo quy định tại Điều 74 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020[14]./. 
[1] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Tr%E1%BB%B1c_ti%E1%BA%BFp.
[3] https://www.ngoaingucongdong.com/truc-tiep-direct-la-gi-gian-tiep-indirect-la-gi/.
[4] http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Tr%E1%BB%B1c_tuy%E1%BA%BFn.
[5] Tiêu chuẩn của Liên Bang 1037C, có tiêu đề "Viễn thông: Thuật ngữ viễn thông" (Telecommunications: Glossary of Telecommunication Terms) là một tiêu chuẩn của Liên bang Hoa Kỳ, ban hành của Cục Quản lý Dịch vụ (General Services Administration) dựa theo Đạo luật "Federal Property and Administrative Services Act" năm 1949.
[6] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%B1c_tuy%E1%BA%BFn_v%C3%A0_ngo%E1%BA%A1i_tuy%E1%BA%BFn.
[7] Văn phòng Quốc hội (2020), Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 số 08/VBHN-VPQHngày 15 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi Bộ luật Lao động năm 2019Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[8] Văn phòng Quốc hội (2019), Văn bản hợp nhất Luật Tố tụng hành chính năm 2015 số 30/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019.
[9] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[10] Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án.
[11] Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
[12] Văn bản hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 số 23/VBHN-VPQH ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội.
[13] Quyết định số 1246/QĐ-BTTTT ngày 24 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến (Phiên bản 1.0).
[14] Văn bản hợp nhất Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 số 23/VBHN-VPQH ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19 (443), tháng 10/2021.)


Thống kê truy cập

33052985

Tổng truy cập