Quyền tự do cư trú của công dân tại thành phố Hồ Chí Minh: Những bất cập và giải pháp hoàn thiện

09/07/2021

THS. TRẦN VĂN ĐIỆP

GV. Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn.

Tóm tắt: Tự do cư trú cũng là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hoá trong Luật Cư trú năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác ở nước ta. Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật về tự do cư trú và việc thực hiện quyền này tại thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Từ khóa: Tự do cư trú, quyền con người, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Summary: Freedom of residence is also one of the basic rights of citizens recognized right from the first Constitution of 1946 and continues to be affirmed in the Constitution of 2013 and concretized in the Law on Residence of 2013 and in several other legal documents. Upon the analyses of the provisions of the law on these rights, the author provides an attention to their enforcement to find a solution to improve the legal regulations on ensuring the freedom of residence of citizens in the largest residence in Vietnam - Ho Chi Minh City.
Keywords: Freedom of residence; human rights, ensuring freedom of residence; Ho Chi Minh City; citizen .
 TP-HCM_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn thứ 2 Việt Nam về diện tích (sau Hà Nội) và lớn nhất về dân số[1]. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1/4/2019, toàn thành phố có đủ 54 thành phần dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Nơi đây có dân số đông, nhiều người nước ngoài sinh sống; học sinh, sinh viên và người lao động tỉnh khác đến sinh sống, học tập và cư trú. Vấn đề đang đặt ra đối với Thành phố Hồ Chí Minh là làm sao để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân mà vẫn đảm bảo được trật tự xã hội, trị an trên địa bàn thành phố.
1. Việc thực hiện quyền tự do cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh
Là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển bậc nhất cả nước, thu hút sự đầu tư trong và ngoài nước cũng như thu hút người dân và người lao động từ các tỉnh thành khác sang sinh sống, học tập cũng như lao động. Lượng người nhập cư đông sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như ùn tắc giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, thiếu các công trình công cộng, ô nhiễm môi trường, tăng giá bất động sản,…. Từ đây đặt ra vấn đề về quản lý dân cư.
 Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước thực hiện chủ trương quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhâncập nhật từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú theo hướng quản lý nhà nước bằng ứng dụng công nghệ, công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ…
Sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ CSDL quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả; góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Người dân không phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình gây tốn kém, lãng phí và Nhà nước không cần duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý liên quan cùng với bộ máy, hạ tầng, chi phí tốn kém…
Tuy nhiên, để thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân thì cần thiết phải hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng CSDL quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư hiện tiến độ còn hạn chế.
 Nhằm quản lý và kiểm soát nhập cư ồ ạt của công dân, đảm bảo quỹ đất tại thành phố, thực hiện tốt công tác quản lý dân cư, pháp luật quy định những điều kiện nhất định để đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố đã thực thi quyền đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Cư trú tương đối tốt, đúng theo quy định của pháp luật. Các thủ tục, giấy tờ cần có trong hồ sơ được quy định tại Luật Cư trú năm 2013, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP, Thông tư số 250/2016/TT-BTC, Thông tư số 35/2014/TT-BCA; Nghị quyết số 07/2017/NQ-HĐND ban hành mức thu lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Thông tư số 36/2014/TT-BCA quy định cụ thể về biểu mẫu, quy cách, cách ghi và quản lý biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.
Căn cứ đặc điểm tình hình và công tác thực tế về đăng ký, quản lý cư trú của Thành phố và trên cơ sở những quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành những văn bản quy định riêng về quản lý cư trú trên địa bàn thành phố, gồm:
- Chỉ thị số 21/2007/CT-UBNDngày 27/7/2007 củaỦy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh “Về triển khai thực hiện luật cư trú và các quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý cư trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
       - Chỉ thị số 02/2009/CT-UBNDngày 11/01/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh “Về tăng cường quản lý nhà nước đối với việc nhập cảnh, cư trú và lao động của người nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
 - Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND, ngày 08/3/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Quy định quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
-Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thông báo quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do ở nhờ, thuê, mượn của tổ chức, cá nhân tại thành phố:  Khu vực 1 gồm địa bàn 5 huyện (Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) có diện tích nhà ở bình quân là 10m2/người. Khu vực 2 gồm 19 quận còn lại có diện tích nhà ở bình quân là 19,8m2/người[2].
Mặc dù Luật Cư trú đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và những quy định mới của pháp luật về lĩnh vực cư trú đã góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến chỗ ở của công dân và việc quản lý nhân khẩu của cơ quan nhà nước, ngăn ngừa việc lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân... Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, một số nội dung cụ thể của pháp luật về cư trú vẫn còn vướng mắc, bất cập cả dưới góc độ lý luận và thực tiễn, dẫn đến việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cư trú thiếu thống nhất, hiệu quả đạt được chưa cao.
Thứ nhất, chưa thống nhất trong cách hiểu về nội dung của công tác đăng ký, quản lý cư trú. 
Điều 1 Luật Cư trú quy định: “Cư trú là thường xuyên sinh sống tại một địa điểm”. Có thể thấy, đây thực chất là quy định về hộ khẩu. Hộ khẩu có liên quan đến các quyền lợi khác như: phân chia ruộng đất, nhà ở, lương thực, thực phẩm, việc làm, giấy tờ, tiêu chuẩn điện nước, trường học... Khi thay đổi chỗ ở, người dân phải thực hiện thủ tục thay đổi hộ khẩu.
Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như: cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở (trong đó có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân), nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định. Điều mà người dân lo ngại nhất là sổ hộ khẩu trở thành thứ giấy phép cản trở nhiều quyền lợi hợp pháp của công dân, điển hình là trẻ em sẽ không được tiếp nhận vào trường công lập nếu không có hộ khẩu tại địa phương đó. Tác giả đồng tình với quan điểm, phải dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu, nhưng cần xác định đây chỉ là nghiệp vụ của ngành công an. Nhiều ngành, nhiều nơi đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra mục đích quản lý con người mà ngành công an đặt ra “… Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân” [3].  
Thứ hai, chưa rõ ràng trong sự phân biệt về điều kiện đối với công dân ngoại tỉnh với công dân ở ngoại thành.
 Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú quy định, nếu công dân: “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên”. Điểm b khoản 1 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó:
- Tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên tại thành phố trực thuộc trung ương đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương đó.
- Tạm trú liên tục 2 năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Với quy định về điều kiện thời gian công dân đăng ký tạm trú để được đăng ký thường trú tại các quận nội thành, việc công dân trước đó có hộ khẩu thường trú ở tỉnh ngoài hay hộ khẩu tại ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương đó đều là như nhau. Trong khi đó, công dân ở tỉnh ngoài muốn nhập hộ khẩu thường trú vào các địa bàn ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương phải tạm trú tại địa phương đó từ đủ 1 năm trở lên. Từ thực tế đó, theo tác giả, cần thiết có sự phân biệt giữa hai trường hợp vừa nêu dưới góc độ điều kiện đăng ký thường trú để đánh giá đúng tính chất cư trú, cũng như các tác động về sức ép dân số đối với các thành phố trực thuộc Trung ương nói chung.
Liên quan đến vấn đề đăng ký nơi thường trú, hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú); Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP.  Nếu người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho thường trú bằng văn bản vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương. Theo quy định hiện hành, diện tích tối thiểu nhà ở để nhập hộ khẩu với người ở thuê, ở nhờ là 5m2/người. Tuy nhiên, mới đây thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự thảo và đang lấy ý kiến theo đề xuất của Sở Xây dựng và Công an TP. Hồ Chí Minh, quy định diện tích nhà ở bình quân/người để áp dụng khi người dân đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tăng lên là 19,8m²/người đối với địa bàn 19 quận và 10m² sàn/người đối với 5 huyện. Việc tăng này nhằm mục đích giải quyết tình trạng thuê, mượn và nhập nhờ vào hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở nhưng không bảo đảm diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định... tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, phần lớn người nhập cư là lao động có thu nhập thấp đang thuê nhà tại các quận trên địa bàn thành phố với diện tích rất nhỏ (trung bình chỉ dưới 10m2/người); do đó, diện tích mà các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đang đề xuất vô tình đánh mất cơ hội cho nhiều đối tượng đang có nhu cầu đăng ký hộ khẩu. Theo tác giả, đề xuất tăng diện tích như thế là không hợp lý và cũng không thực tế, bởi người có nhu cầu nhập hộ khẩu ngày càng đông, nhưng diện tích nhà ở xây dựng mới không thể theo kịp.
Về một bất cập khác, Luật Cư trú hạn chế nhập hộ khẩu bằng rào cản kéo dài thời hạn tạm trú, nhưng quy định này không hạn chế được người nhập cư. Theo thống kê, hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh phải "đón" hàng chục nghìn người nhập cư, trong đó phần lớn là lao động và sinh viên. Ban quản lý Khu chế xuất và Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cho biết, hiện có trên 268.800 lao động trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, trong đó có tới trên 180.600 lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác (chiếm trên 67,4%) mà phần lớn trong số này chưa có chỗ ở phù hợp nên rất khó "an cư"[4]. Số lượng người dân cư trú từ các tỉnh, thành phố khác đến làm ăn là xu hướng tất yếu; điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu nhập hộ khẩu vào thành phố hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về nhập khẩu đã gây khó khăn cho người dân, dẫn tới có một tỷ lệ lớn người dân tạm trú không ổn định gây khó khăn trong quản lý cư trú.
Ngoài ra, việc khó khăn trong nhập khẩu còn ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người dân khi con cái của họ sẽ bị thiệt thòi về cơ hội học tập, chăm sóc y tế,... Việc quy định tăng thời hạn tạm trú chưa phải là giải pháp tối ưu giải quyết được vấn đề “hạ nhiệt” mật độ dân cư tăng rất nhanh theo từng năm tại các quận nội thành và cũng không đáp ứng hết được công tác quản lý nhà nước về dân cư, nhất là khu vực nội thành của các thành phố lớn mà ngược lại càng gây khó khăn cho công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Quy định phải tạm trú 01 năm hoặc 02 năm vừa làm khó người dân, vừa bất hợp lý, vì như thế họ phải tạm trú trên chính ngôi nhà của mình.
Thứ ba, bất cập trong phân cấp thẩm quyền đăng ký thường trú tại các địa bàn trung tâm.
Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 21 Luật Cư trú: “Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
 b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.
Thẩm quyền giải quyết việc đăng ký thường trú của công dân được quy định tại Điều 9 Thông tư số 35/2014/TT-BCA, cụ thể: Trường hợp công dân đăng ký thường trú tại xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh, thẩm quyền thuộc về trưởng Công an xã, thị trấn; trường hợp công dân đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thẩm quyền đăng ký thuộc về trưởng Công an quận, huyện, thị xã đó. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân và theo quy định tại khoản 5 Điều 9 của Pháp lệnh này, Trưởng công an xã có nhiệm vụ thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác… Trong khi đó, tại quận, huyện, thị xã, thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt tại các quận nội thành, Cảnh sát khu vực, Trưởng Công an phường, thậm chí là Đội trưởng đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, là lực lượng Công an chính quy, nhưng lại không được giao thẩm quyền đăng ký thường trú, mà thẩm quyền này thuộc về Trưởng Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Hơn nữa, địa bàn trung tâm là những địa bàn đông dân cư, tính chất cư trú phức tạp, có địa bàn lên đến hàng vạn nhân khẩu, người đứng đầu Công an một quận với rất nhiều đầu việc cần giải quyết trong lĩnh vực an ninh, trật tự, nên việc giao cho Trưởng công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương công tác quản lý thường trú của công dân trên địa bàn là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Đây là một nghịch lý đang tồn tại phổ biến ở các thành phố trực thuộc trung ương, khi mà tốc độ đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay.
Mặt khác, về nơi cư trú của công dân, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP có quy định: “Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn”. Bởi lẽ, quy định này chỉ dừng lại như thế, nên trong thực tiễn áp dụng sẽ phát sinh vướng mắc, đó là: bất luận khi thuộc trường hợp quy định trên thì Công an xã, phường, thị trấn được quyền xác nhận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, do pháp luật quy định việc giải quyết đăng ký thường trú của công dân tại địa bàn quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của trưởng Công an quận, huyện, thị xã đó, nên đối với trường hợp xác nhận nơi cư trú theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP, phải thuộc thẩm quyền của Công an xã, phường, thị trấn thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Đây cũng là bất cập cần được quy định theo hướng thống nhất chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và kể cả chủ thể có thẩm quyền thực thi công vụ.
Thứ tư, bất cập trong một số trường hợp xóa đăng ký thường trú.
Về quy định về những trường hợp xóa đăng ký thường trú tại khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú, tác giả nhận thấy, trường hợp công dân đã đăng ký thường trú mà ra nước ngoài định cư, Luật Cư trú hiện hành không quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh với Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Do đó, cơ quan quản lý thường trú công dân không có cơ sở để làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, dẫn tới việc hồ sơ quản lý thường trú công dân vẫn có, song thực tế, công dân lại không sinh sống tại Việt Nam. Đây là một thực tế đang tồn tại ở nhiều địa phương trong cả nước. Cũng tương tự như vậy, đối với trường hợp công dân chuyển đi nơi khác nhưng không làm thủ tục chuyển hộ khẩu, điều này dẫn tới sự khác biệt giữa quản lý hồ sơ và quản lý thực tế việc công dân cư trú.
Thứ năm, Luật Cư trú cũng chưa quy định cụ thể về cách hiểu và áp dụng đối với cụm từ “thường xuyên sinh sống”. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định: “Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”, có thể thấy,  công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một nơi ở, mà nơi đó là chỗ ở hợp pháp và cũng là nơi công dân đó thường xuyên sinh sống. Rõ ràng các điều kiện mà nhà làm luật đưa ra trong quy định vừa nêu có mối quan hệ bắc cầu và bổ sung cho nhau, điều kiện này là tiền đề của điều kiện kia, nếu thiếu một trong hai điều kiện đã nêu thì không thể thỏa mãn quy định này. Trong khi đó, cụm từ “thường xuyên sinh sống” chưa được giải thích cụ thể và chỉ là yếu tố định tính, dẫn tới cách hiểu và cách áp dụng ở mỗi địa phương là không giống nhau.
2. Đề xuất giải pháp hoàn thiện
Thứ nhất, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân.
Nghiêm cấm các hành vi như: cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; lạm dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; đưa, nhận hối lộ, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú; không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.
Thứ hai, cụ thể hóa các nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư trú.
- Sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (mã số định danh cá nhân);
- Bãi bỏ các thủ tục về: Cấp đổi Sổ hộ khẩu;  Cấp lại Sổ hộ khẩu; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi Sổ tạm trú; Cấp lại Sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ tạm trú;  gia hạn tạm trú.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý cư trú.
Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Trong khi đó, kỹ thuật, công nghệ trong đăng ký, quản lý cư trú ở nước ta còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế. Mặt khác, dữ liệu đăng ký, quản lý cư trú hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký, quản lý cư trú tuy có nhiều cố gắng cải tiến, sắp xếp hợp lý hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; do đó, cần quy định việc đăng ký, quản lý cư trú theo hướng tiếp cận công nghệ tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý cư trú.
Thứ tư, bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan cũng như với các cơ quan, tổ chức đang được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Thứ năm, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành.
 Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Cư trú (từ năm 2007 đến năm 2017) cho thấy, có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cơ bản phát sinh: Luật Cư trú chưa quy định thống nhất về nội dung công tác đăng ký, quản lý cư trú; chưa có sự phân biệt về điều kiện đăng ký thường trú áp dụng đối với công dân ngoại tỉnh và đối với công dân ở ngoại thành khi đăng ký thường trú vào các quận nội thành thuộc thành phố trực thuộc trung ương; v quy định thẩm quyền đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương còn có sự bất cập giữa Công an phường và Công an xã, thị trấn; về khái niệm “thường xuyên sinh sống” quy định trong Luật Cư trú còn chung chung, chỉ mang tính định tính nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất; … cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước về cư trú.
Thứ sáu, bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh.
 Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, cần thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc./.

 


[1] Tổng diện tích 2.096 km² và 8.993.082 người, trong đó: thành thị 7.127.364 người (chiếm 79,25%), nông thôn: 1.865.718 người (chiếm 20,75%).
[2] Nguồn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ X.
[3] Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA. 
[4] www.hepza.hochiminhcity.gov.vn.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (430), tháng 03/2021.)