Kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và kiến nghị sửa đổi Luật kiểm toán nhà nước

01/05/2015

ThS. ĐẶNG THẾ VINH

ĐBQH, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang

Sau hơn 9 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước[1] (KTNN) và 20 năm hoạt động[2], KTNN đã khẳng định được vai trò là một công cụ quản lý hữu hiệu, có nhiều đóng góp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường tính minh bạch và công khai nguồn lực tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật KTNN, một số quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Hơn nữa, Điều 118 Hiến pháp năm 2013 có quy định cụ thể về KTNN[3] đã nâng vị thế của KTNN. Do vậy, việc xây dựng Dự án Luật KTNN (sửa đổi) theo tinh thần mới là cần thiết nhằm đề cao vị trí, vai trò của KTNN, khắc phục những hạn chế, yếu kém của Luật KTNN hiện hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của KTNN.
Untitled_241.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
 
1. Tình hình thực hiện công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp
KTNN có chức năng thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản của Nhà nước. KTNN chuyên ngành VI là đơn vị trực thuộc KTNN, có chức năng giúp Tổng KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, vốn và tài sản nhà nước của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Chính phủ thành lập và các DNNN do các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương là đại diện vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp. Hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI được thực hiện trên cơ sở Quy trình kiểm toán DNNN quy định trình tự, nội dung, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán DNNN.
Theo Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật KTNN, từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành năm 2006, trung bình mỗi năm KTNN thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của 12% số DNNN do Trung ương quản lý (6/50 đầu mối). Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, bảo hiểm … được kiểm toán 2 - 3 năm một lần.
KTNN còn thực hiện nhiều cuộc kiểm toán phục vụ công tác giám sát theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội như: kiểm toán Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ...; kiểm toán theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, như: kiểm toán giải quyết tồn đọng tài chính tại 35 nhà máy đường, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT, Dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia, Dự án Cầu Vĩnh Tuy, Dự án Đường 5 kéo dài, v.v..
KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 53.503 tỷ đồng (2006-2009), bằng 74,12% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong cả 15 năm, trong đó: tăng thu về thuế và các khoản thu khác 12.174 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN) 8.401 đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 21.171 tỷ đồng, nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu 3.480 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 8.276 tỷ đồng.
Trong năm 2013, KTNN thực hiện tổng cộng 151 cuộc kiểm toán, trong đó có 32 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng. Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 150 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 22.780 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu hơn 4.000 tỷ; các khoản giảm chi hơn 5.290 tỷ; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu NSNN gần 2.590 tỷ; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN gần 9.820 tỷ đồng và kiến nghị xử lý khác gần 1.070 tỷ[4].
Năm 2014, đối với lĩnh vực doanh nghiệp, tổ chức tài chính - ngân hàng, ngoài kiểm toán chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại 6 công ty cho thuê tài chính thuộc Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank; kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2013 tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 43 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tăng 21 đầu mối so với năm 2013. KTNN lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính năm 2014 sẽ tập trung đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính, đặc biệt là tiến trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh[5].
2. Những vấn đề đặt ra trong công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp
Kết quả kiểm toán đã cung cấp những thông tin hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp để quản lý tốt hơn việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Một là, theo quy định của Luật KTNN hiện hành, đối tượng doanh nghiệp được kiểm toán là các DNNN, tức là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong khi đó, có những doanh nghiệp không được coi là DNNN theo định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 nhưng có giá trị tuyệt đối vốn đầu tư của Nhà nước rất lớn; có đơn vị Nhà nước không nắm giữ vốn nhưng thực hiện dịch vụ có sử dụng nguồn NSNN thì chưa được kiểm toán. Điều này dẫn đến sự lỏng lẻo trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
Hai là, hoạt động kiểm toán đối với các DNNN trong thực tế còn hạn chế cả về phạm vi, quy mô và chất lượng. KTNN mới chỉ chú trọng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động còn chưa được triển khai nhiều.
Ba là, năng lực thực tế của kiểm toán viên còn có những hạn chế nhất định, nhất là về kiến thức chuyên môn phục vụ loại hình kiểm toán hoạt động.
Bốn là, KTNN chưa chủ động thông báo cho các đơn vị được kiểm toán về các khía cạnh chính của cuộc kiểm toán, bao gồm mục tiêu, nội dung kiểm toán, các tiêu chí, phạm vi và phương pháp kiểm toán trước khi bắt đầu giai đoạn thu thập dữ liệu hoặc sau khi hoàn thành lập kế hoạch kiểm toán; hiện nay mới chỉ tổ chức hội nghị để thông báo quyết định kiểm toán trong đó nêu những mục tiêu, nội dung kiểm toán khái quát và thời gian kiểm toán viên, các tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán tại các đơn vị.
Năm là, chưa có quy định, hướng dẫn thu thập thông tin để biết được kỳ vọng, yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về các lĩnh vực cần ưu tiên kiểm toán.
Sáu là, chưa quy định mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan liên quan tới hoạt động kiểm toán như: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương, một số cơ quan liên quan của Chính phủ, cơ quan thanh tra, các công ty kiểm toán độc lập, tổ chức kiểm toán nội bộ, v.v.. trong các hoạt động liên quan đến công tác kiểm toán như việc xây dựng kế hoạch kiểm toán; xem xét việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; phối hợp trao đổi về chuyên môn; phối hợp trong việc xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan tới lĩnh vực kiểm toán - kế toán nói chung; sửa đổi cơ chế chính sách chưa hợp lý, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị trong hoạt động kiểm toán.
3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước
Thứ nhất, cần xác lập nguyên tắc kiểm toán là ở đâu có sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, ở đó cần có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, vốn của Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát phải do KTNN chịu trách nhiệm. Trong trường hợp phải quy định quy mô đầu tư của Nhà nước để khoanh vùng phạm vi kiểm toán, Luật nên quy định cả mức tỷ lệ tương đối (ví dụ như khoảng từ 30% vốn trở lên) và số tuyệt đối đầu tư của Nhà nước vào các doanh nghiệp (ví dụ 100 tỷ đồng trở lên) nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát của Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán.
Thứ hai, đề nghị bổ sung nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công; thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối; thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thu nộp NSNN của các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế. Các quy định này cần được xem xét sao cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Thứ ba, để nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, song song với hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ truyền thống, kiểm toán hoạt động tại các cơ quan kiểm toán tối cao đang nổi lên là một nghiệp vụ có vai trò to lớn trong việc đề phòng, ngăn ngừa và hạn chế tối đa tổn thất, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực công, đảm bảo mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực, an toàn và phát triển bền vững. Để thực hiện tốt kiểm toán hoạt động, đòi hỏi phải có sự bồi dưỡng về trình độ, nâng cao chất lượng thể chế, nguồn lực phục vụ hoạt động kiểm toán.
Thứ tư, cần tăng cường chức năng kiểm toán hoạt động, nhất là kiểm toán hoạt động đối với các công trình, dự án nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng kiểm toán hoạt động đã được xác lập trong Luật KTNN và mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; khắc phục hạn chế trong tổ chức kiểm toán hoạt động thời gian qua do Kiểm toán chuyên ngành và KTNN khu vực không đủ năng lực để thực hiện kiểm toán độc lập, phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thực hiện các cuộc kiểm toán độc lập, chuyên sâu, có chất lượng cao.
Thứ năm, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên là nhân tố quyết định đến chất lượng kiểm toán. Luật KTNN (sửa đổi) cần quy định phương thức quản lý, kiểm tra chất lượng hoạt động của KTNN nhằm ngăn chặn những nhân tố làm giảm tính độc lập của kiểm toán, các sai sót về chuyên môn, v.v.. làm ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán.
Thứ sáu, cần có cơ chế thông báo về các khía cạnh chính của cuộc kiểm toán cho các đối tượng được kiểm toán để có sự phối hợp trong quá trình kiểm toán và tạo được sự đồng thuận đối với các tiêu chí kiểm toán được thiết lập.
Thứ bảy, cần có cơ chế thu thập thông tin để biết được kỳ vọng, yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp về các lĩnh vực cần ưu tiên kiểm toán.
Thứ tám, cần tăng cường mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các cơ quan hữu quan, v.v.. để tạo ra môi trường thông tin và chuyên môn phục vụ hoạt động kiểm toán. Đồng thời để đảm bảo chất lượng cho bằng chứng kiểm toán, báo cáo kiểm toán thì các đơn vị liên quan cần được thông tin thỏa đáng về hoạt động kiểm toán (KTNN cần thông báo chi tiết về cuộc kiểm toán cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hoặc liên quan với chương trình, chủ đề được kiểm toán trước khi bắt đầu kiểm toán)./.
 

*ThS. Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
 
[1] Luật KTNN được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005.
[2] KTNN ra đời và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan KTNN và Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN.
[3] Khoản 1 Điều 118 Hiến pháp năm 2013 quy định: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
[4] Nguyễn Hưng, Kiểm toán chuyển 4 vụ việc cho cơ quan điều tra, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/kiem-toan-chuyen-4-vu-viec-cho-co-quan-dieu-tra-2953020.html.
[5] KTNN, Kế hoạch kiểm toán năm 2014 và các giải pháp tổ chức thực hiện,
http://www.sav.gov.vn/3051-1-ndt/ke-hoach-kiem-toan-nam-2014-va-cac-giai-phap-to-chuc-thuc-hien.sav.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(289), tháng 5/2015)


Thống kê truy cập

33025107

Tổng truy cập