Hoàn thiện các quy định về bảo vệ người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trong pháp luật tố tụng hình sự

01/09/2015

PGS, TS. NGUYỄN MINH ĐỨC

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân.

NGUYỄN NGỌC MINH

Phó Trưởng Khoa nghiệp vụ Cảnh sát Kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Từ trước tới nay, vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người chưa thành niên (NCTN) trong tố tụng hình sự (TTHS) rất được coi trọng. Điều đó thể hiện rất rõ ở các quy định chặt chẽ liên quan đến bị can, bị cáo, người bị tạm giữ là NCTN. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của người bị hại, người làm chứng là NCTN trong TTHS vẫn chưa được đặt vấn đề xứng đáng với tầm quan trọng của nó[1]. Bài viết đánh giá tổng quát các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến người bị hại và người làm chứng là NCTN; phân tích, so sánh làm rõ những điểm bất cập, hạn chế; từ đó gợi ý một số định hướng sửa đổi và hoàn thiện. 
Untitled_202.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Quy định về bảo vệ người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự  
Tương đồng với những quy định về chính sách hình sự đối với NCTN trong Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật TTHS Việt Nam dành một chương riêng, quy định về thủ tục tố tụng đối với NCTN. Đáng tiếc rằng, những thủ tục tố tụng đặc biệt này bị giới hạn, chỉ áp dụng đối với NCTN là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, mà không bao gồm người bị hại, người làm chứng[2].
Nghiên cứu toàn bộ Bộ luật TTHS, chúng tôi nhận thấy, chỉ có 02 điều luật có đề cập đến vấn đề bảo vệ NCTN là người bị hại, người làm chứng. Cụ thể, Điều 59 Bộ luật TTHS xác định: “Đối với đương sự là NCTN, thì người bảo vệ quyền lợi của họ có quyền có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ”. Điều 211 Bộ luật TTHS quy định trong quá trình xét xử tại phiên tòa “nếu người làm chứng là NCTN thì chủ tọa phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi”.
Để bổ sung cho những thiếu sót trong Bộ luật TTHS, ngày 12/07/2011, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS đối với người tham gia tố tụng là NCTN (sau đây gọi tắt là Thông tư 01). Điểm đáng ghi nhận của Thông tư 01 là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với NCTN, không chỉ bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn với cả người bị hại, người làm chứng. Thông tư đã xác định rõ một số vấn đề quan trọng bao gồm: người tiến hành tố tụng phải bảo đảm tôn trọng quyền của NCTN trong suốt quá trình tố tụng; bảo đảm giữ bí mật thông tin cá nhân, danh dự, nhân phẩm của NCTN; ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN[3]. Tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân, mà NCTN cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia TTHS[4]. Cụ thể, Thông tư 01 đã đề cập đến các vấn đề như:
(i) Vấn đề giám hộ, trợ giúp về pháp lý, tâm lý, y tế và sức khỏe, cũng như bảo vệ quyền lợi của người bị hại là NCTN trong quá trình tố tụng, đặc biệt là nhóm trẻ em không có gia đình, lang thang cơ nhỡ, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em bị buôn bán, đánh tráo, chiếm đoạt;
(ii) Những vấn đề cần chú ý khi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là NCTN như: giảm đến mức thấp nhất số lần phải lấy lời khai, số lần tiếp xúc với bị can, bị cáo, bảo đảm có sự tham dự của người giám hộ, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý, danh dự, nhân phẩm và quyền bí mật thông tin cá nhân của NCTN;
(iii) Vấn đề thành phần Hội đồng xét xử vụ án có người bị hại là NCTN cần tương đồng với vụ án có bị cáo là NCTN; bố trí phòng xử án nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi; cân nhắc các tình tiết liên quan đến vụ án để quyết định có xét xử kín hay không; quyết định việc xét xử vụ án khi người bị hại, người làm chứng là NCTN vắng mặt, đặc biệt là trong vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em; có thể cho phép người bị hại, người làm chứng là NCTN đứng sau màn chắn, bình phong để không nhìn thấy bị cáo hoặc làm chứng trực tiếp tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera.
Đánh giá một cách tổng quát, Thông tư 01 đã có những quy định cụ thể và khá hợp lý ở một số vấn đề cốt lõi, trọng yếu trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc so với các quy định của Bộ luật TTHS trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị hại, người làm chứng là NCTN trong TTHS, phần nào đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động TTHS.
Bên cạnh những điểm tiến bộ, hệ thống pháp luật TTHS hiện hành trong bảo vệ người bị hại, người làm chứng là NCTN vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập chủ yếu sau đây:
(i) Mặc dù các quy định của Thông tư 01 là tiến bộ và có nhiều điểm hợp lý, nhưng về hiệu lực pháp lý, đây chỉ là quy định của một Thông tư liên tịch, chưa được ghi nhận trong văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là Bộ luật TTHS. Bộ luật TTHS hiện hành vẫn quy định quá sơ sài về vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, người làm chứng là NCTN. Do vậy trên thực tế, các quy định trong Thông tư 01 về quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, người làm chứng là NCTN chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm thực sự thỏa đáng[5].
(ii) Nhiều nội dung quan trọng trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người làm chứng, người bị hại chưa thành niên chưa được quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng và những bảo đảm kèm theo nên mới chỉ dừng lại ở dạng nguyên tắc chung, chưa phát huy được vai trò của nó trong thực tiễn xét xử, cụ thể bao gồm:
- Quyền nhận được sự giúp đỡ chuyên môn về sức khỏe, tâm lý, pháp lý của người bị hại, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe của người làm chứng là NCTN chưa được quy định cụ thể và chi tiết. Điều này không chỉ không đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả của hoạt động tố tụng vì người làm chứng, thậm chí cả người bị hại tìm cách lẩn tránh việc tham gia khai báo, làm rõ tội phạm do chưa tin tưởng vào khả năng bảo vệ của các cơ quan chức năng;
- Quyền được đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của người bị hại, người làm chứng chưa thành niên trong quá trình TTHS chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng trong không ít các vụ án hình sự, đặc biệt là những vụ án điểm, thông tin về người bị hại, người làm chứng chưa thành niên vẫn bị khai thác quá mức và sử dụng vào các mục đích mang tính thương mại của một số phương tiện thông tin đại chúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sự phát triển lành mạnh của NCTN.
- Quyền miễn trừ làm chứng chưa được ghi nhận trong luật TTHS Việt Nam ngay cả đối với người làm chứng là NCTN, mặc dù quyền miễn trừ làm chứng đã được đề cập đến trong một số điều ước quốc tế như Tuyên ngôn chung về Quyền, tự do của con người và công dân năm 1948, Công ước về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc[6].
2. Một số kiến nghị hoàn thiện chế định bảo vệ người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự
Trong những năm vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện pháp luật TTHS bảo vệ NCTN, trong đó có người bị hại, người làm chứng. Tuy nhiên, để tạo môi trường xét xử thân thiện, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em và NCTN theo chuẩn mực quốc tế, thì những quy định về thủ tục tố tụng đối với người bị hại, người làm chứng là NCTN nhìn chung còn thiếu rõ ràng và chưa đầy đủ. Với những hạn chế, bất cập của pháp luật TTHS hiện hành trong bảo vệ người bị hại, người làm chứng là NCTN, theo chúng tôi, trong thời gian tới cần chú trọng sửa đổi và hoàn thiện những vấn đề cụ thể sau đây:
- Pháp điển hóa các quy định tiến bộ về bảo vệ người bị hại, người làm chứng là NCTN trong Thông tư 01 vào Bộ luật TTHS
Để đảm bảo hiệu lực và thống nhất của các quy định bảo vệ người bị hại, người làm chứng là NCTN trong TTHS, trên cơ sở kế thừa những điểm tiến bộ trong Thông tư 01, cần bổ sung một chương mới về thủ tục đặc biệt áp dụng cho người bị hại, người làm chứng chưa thành niên tham gia quá trình TTHS, trong đó cần quy định các vấn đề quan trọng như: luôn đặt lợi ích của NCTN lên vị trí cao nhất trong quá trình TTHS khi trẻ em phải tham gia với tư cách là người bị hại, người làm chứng; giảm bớt thời gian đối với tất cả các bước trong quá trình tố tụng khi vụ án có người bị hại chưa thành niên; quy định thủ tục tố tụng theo hướng thân thiện với trẻ em, bao gồm danh sách các “biện pháp đặc biệt” được áp dụng để hỗ trợ cho trẻ em tham gia vào quá trình tố tụng; cho phép các nhân viên hoạt động xã hội, đại diện cơ quan bảo vệ trẻ em hoặc tổ chức quần chúng tham gia vào quá trình tố tụng những vụ án có người làm chứng, người bị hại chưa thành niên; quy định vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan hỗ trợ người bị hại, người làm chứng chưa thành niên trong công tác tư vấn, phục hồi và tái hòa nhập. Các nội dung phù hợp trong Thông tư 01 như: vấn đề giám hộ, trợ giúp về pháp lý, tâm lý, y tế và sức khỏe, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là NCTN trong quá trình tố tụng; vấn đề cần chú ý khi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là NCTN; vấn đề thành phần Hội đồng xét xử vụ án có người bị hại là NCTN; vấn đề bố trí phòng xử án và các quy định đặc biệt trong xét xử như xử kín, làm chứng trước tòa qua màn chắn bình phong, camera… cần được tiếp thu, xem xét và pháp điển hóa trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS.
- Xác định nguyên tắc trẻ vị thành niên không phải ra tòa làm chứng, trừ trường hợp ngoại lệ
 Tòa án và cụ thể phòng xử án là nơi trang trọng, thâm nghiêm với quốc huy rực rỡ, với thẩm phán, kiểm sát uy nghi, luật sư nghiêm nghị. Dưới góc độ tâm lý học trẻ em, cách bố trí đồ vật và vị trí của người tiến hành tố tụng trong phòng xử án không thể không đem lại cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với trẻ em, đặc biệt khi họ phải tham gia với tư cách người làm chứng, phải chứng kiến sự tranh luận, đối đáp, phải hồi tưởng lại sự kiện phạm tội và trả lời những câu hỏi bất ngờ, khác nhau được đưa ra từ những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Đối với đa số các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, quá trình xét xử không tránh khỏi làm sâu sắc thêm cảm giác hốt hoảng và sợ hãi ở người làm chứng chưa thành niên.
Cho dù có bỏ qua những khác biệt về khả năng chịu đựng những áp lực giữa NCTN và người trưởng thành, khi trẻ em, NCTN phải ra làm chứng trước tòa, ít nhất các em sẽ phải chịu đựng các áp lực sau đây: (i) kể từ ngày được thông báo ra tòa làm chứng đến ngày xét xử, trẻ em sẽ phải đối mặt với một thời gian dài chờ đợi ngày xét xử, với sự hồi hộp, với áp lực gia tăng, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường và thời gian học tập của các em; (ii) do thiếu tri thức pháp lý cần thiết và kinh nghiệm cuộc sống, trẻ em rất dễ có tâm lý sợ hãi, nhầm lẫn trong nhận thức về sự thật vụ án trong quá trình làm chứng trước tòa; (iii) sự lạ lẫm, thậm chí khác xa so với tưởng tượng của trẻ em về cách bố trí phòng xử án và không khí thâm nghiêm của tòa án sẽ làm gia tăng áp lực đối với trẻ em; (iv) người làm chứng chưa thành niên khi phải đối mặt trực diện với bị cáo, người phạm tội sẽ nảy sinh áp lực tâm lý ảnh hưởng đến quá trình làm chứng trước tòa; (v) trong quá trình thẩm vấn, hỏi đáp, áp lực tâm lý đối với người làm chứng chưa thành niên có thể lên tới đỉnh điểm, khi luật sư của bị cáo và người tiến hành tố tụng đưa ra những câu hỏi xa lạ, chứa đựng nhiều ý đồ, với ngôn ngữ chuyên nghiệp hoàn toàn xa lạ đối với trẻ em. Với sự hiểu biết giản đơn, khả năng biểu đạt hạn chế, sự chịu đựng mong manh của NCTN, sau khi trải nghiệm cảm giác và áp lực của người làm chứng trước tòa, những “trải nghiệm” đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ em.
Đối mặt với những “nhân chứng dễ bị tổn thương”, một vấn đề đặt ra khi pháp luật buộc phải xem xét lựa chọn: một bên là khả năng thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, bảo vệ sự công chính của pháp luật, một bên là sự cần thiết phải bảo vệ trẻ vị thành niên và hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng, tổn thương cho trẻ em trong quá trình tố tụng. Trước sự lựa chọn này, chúng ta cần nhận thức rõ một tiền đề: “Con người là chủ thể chứ không phải là phương tiện; quá trình tìm kiếm sự thực là quan trọng, nhưng không thể lấy con người trở thành công cụ để hy sinh”[7]. Chúng ta không có quyền yêu cầu một đứa trẻ tâm trí còn chưa phát triển hoàn thiện đã sớm phải đối mặt với những hiện tượng xã hội tiêu cực nhất - tội phạm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, “trẻ em không phải làm chứng trước tòa” phải trở thành nguyên tắc chung đối với người làm chứng chưa thành niên. Trong trường hợp đặc biệt, buộc phải ra làm chứng trước tòa, nhất định phải xem xét kỹ vấn đề làm thế nào để giảm thiểu đến mức thấp nhất áp lực tâm lý và cảm giác sợ hãi, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và tinh thần của trẻ vị thành niên. Các hình thức cho phép người làm chứng chưa thành niên đứng sau màn chắn, bình phong để không nhìn thấy bị cáo hoặc làm chứng trực tiếp tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera cần được xem xét và áp dụng trong trường hợp này. Điều đó đảm bảo sự cân bằng quyền lợi của người làm chứng chưa thành niên và các nguyên tắc tố tụng, cũng chính là đảm bảo thực hiện thống nhất mục tiêu nhân đạo trong TTHS.
- Công nhận và xây dựng cơ chế thực hiện quyền miễn trừ làm chứng đối với trẻ vị thành niên trong các trường hợp đặc biệt
Một trong những nội dung tiến bộ thể hiện tư tưởng nhân đạo của TTHS nhiều nước trên thế giới chính là quyền miễn trừ làm chứng, một chế định có cội nguồn sâu xa trong lịch sử xã hội loài người. Quyền miễn trừ làm chứng đã được đề cập đến trong một số điều ước quốc tế như Tuyên ngôn chung về Quyền, tự do của con người và công dân 1948, Công ước về các Quyền dân sự và chính trị 1966 của Liên hợp quốc. Quyền miễn trừ làm chứng còn được xưng gọi là “chứng ngôn đặc miễn quyền”, nhằm chỉ đặc quyền của người làm chứng được cự tuyệt không cung cấp lời khai trong những trường hợp pháp luật quy định. Quyền miễn trừ làm chứng không vi phạm nghĩa vụ làm chứng của công dân, không đồng nhất với trường hợp từ chối làm chứng không có lý do chính đáng. Từ thực tiễn lập pháp trên thế giới, có thể xác định quyền miễn trừ làm chứng áp dụng trong 04 trường hợp chủ yếu sau đây: (i) từ chối làm chứng chống lại những người thân thích (vợ, chồng hay người thân) của chính mình; (ii) quyền từ chối làm chứng sản sinh do những nghề nghiệp nhất định tạo ra, chẳng hạn như luật sư miễn trừ làm chứng chống lại khách hàng, linh mục miễn trừ làm chứng chống lại người xưng tội, bác sĩ miễn trừ làm chứng chống lại bệnh nhân; (iii) quyền miễn trừ làm chứng chống lại chính mình, buộc tội chính mình - quyền miễn trừ đặc biệt; và (iv) quyền miễn trừ làm chứng liên quan đến những bí mật an ninh quốc gia[8].
Khác với người trưởng thành, NCTN do hạn chế về độ tuổi và nhận thức, chưa thể tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, chưa hình thành các mối quan hệ đa dạng, phức tạp. Do vậy quyền miễn trừ làm chứng của NCTN chủ yếu tập trung và trường hợp thứ nhất: từ chối làm chứng chống lại những người thân thích của chính mình. Trong trường hợp này, quyền miễn trừ làm chứng được thừa nhận không phải chỉ vì lợi ích của người làm chứng mà còn vì mục đích thực hiện tổng thể các quyền tự do dân chủ hiến định - một trong những tiền đề cần thiết và quan trọng bảo đảm quyền con người trong TTHS[9]. Luật TTHS ở một số quốc gia cũng ghi nhận quyền miễn trừ làm chứng như là một nguyên tắc cơ bản của TTHS. Thí dụ, Điều 308 BLHS Liên bang Nga quy định: “Người làm chứng không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp từ chối trình bày lời khai chống lại bản thân mình, vợ hoặc chồng hoặc người thân của mình”. Điều 52 Bộ luật TTHS Đức quy định: “1. Những người sau đây, được hưởng quyền miễn trừ làm chứng: Người có quan hệ thân thích trực hệ trong phạm vi ba đời với bị cáo hoặc là vợ, chồng của bị cáo; 2. NCTN do khả năng nhận thức chưa hoàn thiện chưa thể nhận thức đầy đủ ý nghĩa của quyền miễn trừ làm chứng, chỉ trong trường hợp họ tự nguyện làm chứng và được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý, mới có thể lấy lời khai với tư cách nhân chứng”.
Đối với pháp luật TTHS của nước ta, có thể dễ dàng nhận thấy Bộ luật TTHS năm 2003 mặc dù được sửa đổi, bổ sung sau BLHS năm 1999 nhưng đã không tiếp thu được tư tưởng nhân đạo của nó khi Điều 22 BLHS năm 1999 không quy định hành vi không tố giác tội phạm của những người là ông bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em ruột, vợ hoặc chồng của kẻ phạm tội là hành vi phạm tội (trừ trường hợp các tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia). Quy định này thể hiện tư tưởng nhân đạo và sự quan tâm của Nhà nước đối với khía cạnh đạo đức, truyền thống trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Nhà nước đã đặt lợi ích của mình - lợi ích về đấu tranh chống tội phạm thấp hơn lợi ích cá nhân để phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Rất tiếc là Bộ luật TTHS năm 2003 khi quy định về nghĩa vụ của người làm chứng đã không tiếp thu và phát triển được tư tưởng nhân văn này[10].
Với những lý do trên, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người làm chứng nói chung và người làm chứng chưa thành niên nói riêng, Bộ luật TTHS cần được xem xét sửa đổi, bổ sung quyền miễn trừ làm chứng trong những trường hợp cụ thể, ít nhất là đối với trẻ vị thành niên. Cho phép trẻ vị thành niên thực hiện quyền miễn trừ làm chứng trong những tình huống cụ thể, chính là thể hiện sự tôn trọng, xây dựng và nuôi dưỡng tình cảm gia đình thân thuộc ở trẻ em, bảo vệ sự ổn định quan hệ của gia đình với tư cách là tế bào của xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự tôn trọng tự do ý chí và bảo đảm quyền về nhân phẩm, danh dự con người.
- Xây dựng các quy định cụ thể thực hiện quyền được đảm bảo bí mật đời tư (quyền riêng tư) của người bị hại, người làm chứng là NCTN
Bảo vệ người bị hại, người làm chứng trong TTHS là vấn đề không thể tách rời với việc đảm bảo thực hiện quyền riêng tư của người bị hại, người làm chứng, đặc biệt đối với NCTN. Đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân chính là sự tôn trọng nhân cách con người. Bảo vệ lợi ích tinh thần của cá nhân là nhu cầu cơ bản trong quan hệ giữa người với người, là một bộ phận quan trọng của quyền con người. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thực sự được quan tâm trong pháp luật TTHS nước ta. Theo Điều 18 Bộ luật TTHS thì việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Tòa án chỉ xử kín trong trường hợp đặc biệt. Điều 307 Bộ luật TTHS về xét xử với bị cáo chưa thành niên chỉ quy định tòa án có thể quyết định xét xử kín trong trường hợp cần thiết. Như vậy, việc xét xử của Tòa án nhìn chung là công khai, NCTN chỉ có thể được xét xử kín khi được Tòa án chấp thuận, nhưng hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào về xét xử kín theo yêu cầu giữ bí mật của người bị hại, người làm chứng chưa thành niên. Mặt khác, theo Luật Báo chí thì báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà có chú thích không rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó, ngoại trừ ảnh và thông tin các cuộc xét xử công khai của tòa án. Như vậy, theo quy định này thì danh tính của NCTN trong các phiên tòa xét xử công khai có thể bị đăng lên báo chí. Theo quyết định số 01/2004/QĐ-TTg ngày 5/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 8/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an thì hồ sơ vụ án nói chung (trừ những vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia) không nằm trong danh mục các tài liệu mật hoặc tối mật. Như vậy, hồ sơ vụ án liên quan đến NCTN không được bảo vệ như tài liệu mật và có thể bị tiết lộ ra ngoài. Phân tích những quy định trên cho thấy, so với yêu cầu quốc tế thì những quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng là NCTN hiện nay chưa được đảm bảo đầy đủ.
Do vậy, để bảo đảm quyền riêng tư của người bị hại, người làm chứng chưa thành niên, pháp luật TTHS cần xem xét quy định cụ thể những vấn đề như: (i) người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần bảo mật các thông tin về nhân thân và các thông tin khác liên quan đến người bị hại vị thành niên. Đối với các văn bản tố tụng công khai cần chú ý không tiết lộ các thông tin của người bị hại, hoặc có thể suy đoán ra người bị hại vị thành niên; (ii) không mặc cảnh phục, đi xe cảnh sát đến trường học, nhà ở để lấy lời khai người bị hại, người làm chứng chưa thành niên; (iii) chưa được sự đồng ý của người làm chứng, người bị hại vị thành niên và người giám hộ của họ, cùng với sự cho phép của cơ quan tiến hành tố tụng, các phương tiện thông tin đại chúng không được tiết lộ các thông tin về nhân thân cá nhân hoặc những thông tin có thể suy đoán ra thông tin cá nhân của người bị hại, người làm chứng là NCTN; (iv) người làm chứng chưa thành niên có quyền yêu cầu giữ bí mật về cá nhân khi họ ra làm chứng tại phiên tòa và tòa án có thể cấm báo chí không được phát hình ảnh hay đăng báo ảnh chụp về họ, không được ghi âm lời khai người làm chứng. Đồng thời cũng cần xem xét, quy định việc xét xử kín đối với những vụ án có người bị hại, người làm chứng là NCTN, quy định quy trình tố tụng phải đảm bảo bí mật cá nhân và ngăn chặn làm lộ thông tin các vụ án có người bị hại, người làm chứng chưa thành niên, đảm bảo quyền riêng tư của NCTN được thực sự tôn trọng trong TTHS.
- Quy định bảo đảm nhanh chóng, kịp thời cung cấp sự giúp đỡ chuyên môn về sức khỏe, tâm lý, pháp lý cho người bị hại chưa thành niên
Hành vi phạm tội không chỉ tạo thành những xâm hại về mặt thể chất đối với NCTN mà còn tạo ra những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực nghiêm trọng, trong đa số trường hợp đều nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những hậu quả về tinh thần do hành vi phạm tội gây ra đối với trẻ vị thành niên bao gồm: rối loạn tâm thần, tự kỷ, mất tạm thời năng lực ngôn ngữ, hoảng loạn tâm lý, rối loạn hành vi… ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến sinh hoạt và cuộc sống[11]. Chính vì vậy, bên cạnh việc kịp thời điều trị những xâm hại về sức khỏe, thể chất của người bị hại vị thành niên, càng cần kịp thời tiến hành các biện pháp tâm lý trị liệu, làm giảm xuống đến mức thấp nhất những thiệt hại về tinh thần do tội phạm gây ra.
Do vậy, trong pháp luật TTHS cần quy định cụ thể các biện pháp trợ giúp đối với người bị hại là NCTN, đảm bảo người bị hại là NCTN, nhất là trẻ em nhận được sự trợ giúp chuyên môn về mặt y tế, sức khỏe, tâm lý phù hợp; quy định rõ vai trò trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan hỗ trợ người bị hại chưa thành niên trong công tác tư vấn, phục hồi và tái hòa nhập, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng giảm thiểu hậu quả của tội phạm, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của tội phạm đến sự phát triển hoàn thiện của trẻ em và NCTN./.
 
[1] NCTN vốn thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, với sự phát triển chưa hoàn thiện, cả về thể chất, tâm lý và sinh lý. Do vậy, những hậu quả, thiệt hại cả về vật chất và tinh thần mà NCTN phải gánh chịu do tội phạm gây ra càng trở nên nghiêm trọng hơn, có ảnh hưởng lâu dài hơn đến sự hoàn chỉnh nhân cách so với người trưởng thành. Không chỉ như vậy, nếu không chú trọng bảo vệ đặc biệt đối với người bị hại, người làm chứng là NCTN trong quá trình TTHS, thì trong nhiều trường hợp, quá trình tố tụng không những không đạt mục đích, mà chính quá trình tố tụng lại một lần nữa làm tổn thương đến sự phát triển lành mạnh, toàn diện của NCTN.
 
[2] Xem Điều 301 Bộ Luật TTHS Việt Nam năm 2003.
[3] Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật TTHS đối với người tham gia tố tụng là NCTN.
[4] Điều 1 Thông tư liên tịch số 01, tlđd.
[5] Xem Lê Minh Thắng, Bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong TTHS ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2012.
[6] Xem Nguyễn Thái Phúc, Bảo vệ người làm chứng và quyền miễn trừ người làm chứng, Tạp chí Khoa học pháp lý, số tháng 3 (40)/2007.
 
[7] Lâm Kỷ Đông, Luật bảo vệ trẻ em khái luận, Đài Loan quốc lập biên dịch quán, Đài Bắc, 1972.
[8] Phiền Sùng Nghĩa, Khoa học chứng cứ, Nxb. Bắc Kinh, 2003, tr. 165. 
[9] Nguyễn Thái Phúc, tlđd.
 
[10] Nguyễn Thái Phúc, tlđd.
[11] Lưu Lôi, Bảo vệ người bị hại vị thành niên trong tư pháp hình sự, Tạp chí khoa học Đại học Xích Phong, Trung Quốc, Số 27, kỳ 1 năm 2006.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(297), tháng 9/2015)


Thống kê truy cập

33948321

Tổng truy cập