Hoàn thiện các quy định về đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

01/09/2015

TS. NGUYỄN DUY PHƯƠNG

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Bộ luật TTDS), khi tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, các đương sự có thể trực tiếp tham gia hoặc có thể ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự có ủy quyền đã nảy sinh một số vướng mắc nhất định dẫn đến tính thiếu thống nhất trong giải quyết của các Tòa án. Chúng tôi nêu lên một số vướng mắc, bất cập về vấn đề ủy quyền, đồng thời đề xuất một số giải pháp để khắc phục. 
Untitled_203.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Thứ nhất, về quyền ký đơn khởi kiện, ký đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền trong TTDS
Khoản 3 Điều 73 Bộ luật TTDS quy định: “Người đại diện theo ủy quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự (BLDS) là người đại diện theo ủy quyền trong TTDS”. Khoản 2 Điều 74 Bộ luật TTDS quy định: “Người đại diện theo uỷ quyền trong TTDS thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTDS theo nội dung văn bản uỷ quyền”. Như vậy, người đại diện theo ủy quyền có các quyền, nghĩa vụ của đương sự tùy thuộc vào nội dung, phạm vi ủy quyền. Tùy theo địa vị tố tụng của đương sự ủy quyền là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người đại diện theo ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ tố tụng tương ứng quy định tại các Điều 58, 59, 60 Bộ luật TTDS. Người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo nội dung ủy quyền, nếu thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền thì phải tự chịu trách nhiệm về phần vượt quá đó.
Theo quy định tại Điều 161 Bộ luật TTDS: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”[1]. Căn cứ vào Điều luật này, có thể hiểu việc khởi kiện có thể là do cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình thực hiện hoặc cũng có thể do người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền) thực hiện. Tuy nhiên, khi hướng dẫn điều luật này Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm" của Bộ luật TTDS lại hướng dẫn như sau: “Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi TTDS, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Đồng thời ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó”[2].
Theo hướng dẫn trong Nghị quyết này của HĐTP TANDTC thì người đại diện theo ủy quyền của đương sự là cá nhân không được ký đơn khởi kiện. Theo chúng tôi, hướng dẫn của Nghị quyết này không phù hợp với quy định tại Điều 161 Bộ luật TTDS: "Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình" và khoản 2 Điều 74 Bộ luật TTDS quy định: "Người đại diện theo uỷ quyền trong TTDS thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTDS theo nội dung văn bản uỷ quyền". Quy định này cũng không phù hợp với nguyên tắc tự quyền quyết định, tự thỏa thuận và tự định đoạt của đương sự trong TTDS và cũng không phù hợp với thực tế đặc biệt là những trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài khởi kiện vụ án dân sự ở Việt Nam. Trong các trường hợp đó, vì lý do thời gian và khoảng cách địa lý nên họ đều ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
Về nguyên tắc, đơn khởi kiện là cơ sở pháp lý để Tòa án xem xét thụ lý vụ án dân sự; cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đại diện khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình. Khi xác lập quan hệ ủy quyền, người được ủy quyền sẽ thay mặt và đại diện cho người ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong phạm vi và nội dung ủy quyền, đồng thời chịu trách nhiệm về công việc ủy quyền. Bên cạnh đó, về nội dung, điểm 1 khoản 2 Điều 164 Bộ luật TTDS không cấm người đại diện ủy quyền đứng tên trong đơn khởi kiện.
Theo chúng tôi, việc không chấp nhận người đại diện theo ủy quyền của đương sự ký đơn khởi kiện là gây khó khăn cho đương sự, bởi vì ý chí của người khởi kiện vẫn được thể hiện đầy đủ nếu người đại diện theo ủy quyền ký vào đơn khởi kiện, kèm theo đơn khởi kiện là văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực hợp pháp. Mặt khác, thực tiễn tham gia tố tụng tại Tòa án cho thấy, trong trường hợp đương sự uỷ quyền toàn bộ thì mặc dù người ủy quyền là người ký đơn khởi kiện ban đầu nhưng người đại diện theo ủy quyền vẫn có thể thay đổi, bổ sung, rút bớt một phần nội dung yêu cầu khởi kiện ban đầu tại phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Điều 217 Bộ luật TTDS mà không cần có ý kiến bằng văn bản của người ủy quyền, nhưng vẫn được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Như đã trình bày ở trên, mặc dù Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC không chấp nhận người đại diện theo ủy quyền ký đơn khởi kiện; trong khi đó Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của Bộ luật TTDS lại quy định cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền kháng cáo[3].
Từ phân tích trên, chúng tôi kiến nghị cần sửa đổi Điều 164 Bộ luật TTDS theo hướng cho phép người đại diện theo ủy quyền có quyền ký đơn khởi kiện.
Thứ hai, hình thức ủy quyền trong TTDS
Theo Điều 73 Bộ luật TTDS, người đại diện theo ủy quyền được quy định trong BLDS là người đại diện theo ủy quyền trong TTDS, do đó hình thức văn bản ủy quyền trong TTDS tuân theo những quy định trong BLDS. Khoản 2 Điều 142 BLDS năm 2005 quy định: “Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải lập thành văn bản”. Điều 586 BLDS năm 2005 quy định cụ thể hơn về hợp đồng ủy quyền: “Hợp đồng ủy quyền phải lập thành văn bản; nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, thì hợp đồng ủy quyền phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp có thẩm quyền”. Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của Bộ luật TTDS quy định: “Việc uỷ quyền được hướng dẫn tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công”[4].
Mặc dù pháp luật quy định việc ủy quyền trong TTDS phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực nhưng quy định này chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến khi áp dụng có nhiều trường hợp vi phạm quy định về hình thức văn bản ủy quyền.
Trong thực tế, việc ủy quyền thường được lập thành văn bản và có nhiều hình thức văn bản khác nhau như: giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, biên bản ủy quyền, vv.. Chính vì có nhiều hình thức văn bản ủy quyền nên đã không có sự thống nhất về cách hiểu và cách thức thực hiện, cụ thể là:
- Về giấy ủy quyền: Do pháp luật hiện hành về chứng thực chưa có quy định về thẩm quyền, thủ tục chứng thực giấy ủy quyền nên một số UBND cấp xã vận dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP thực hiện chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền. Việc chứng thực này có hợp pháp hay không? Nếu hiểu giấy ủy quyền là một loại giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt, thì UBND cấp xã chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền là đúng thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, nhưng nếu hiểu ủy quyền là một giao dịch thì phải lập thành hợp đồng và thẩm quyền chứng thực phải là UBND cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8/12/2000 về công chứng, chứng thực[5].
- Về việc chứng thực hợp đồng ủy quyền: Nếu xem ủy quyền chính là một giao dịch thì việc chứng thực đối với hợp đồng ủy quyền sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP. Theo quy định của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì việc chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản theo thẩm quyền địa hạt và hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng (bao gồm cả hợp đồng ủy quyền liên quan đến những giao dịch này) thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện (không thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã).
Sự phân tích trên cho thấy, các quy định về ủy quyền chưa làm rõ trường hợp nào phải công chứng, trường hợp nào phải chứng thực, điều này liên quan đến tính hợp pháp của việc đại diện theo ủy quyền trong TTDS tại Tòa án. Vì vậy, cần có những quy định cụ về việc công chứng, chứng thực văn bản ủy quyền.
Thứ ba, nội dung và phạm vi đại diện theo ủy quyền trong TTDS
Khoản 3 Điều 73 Bộ luật TTDS và Điều 581 BLDS năm 2005 không quy định cụ thể nội dung ủy quyền trong TTDS là gì, mà chỉ quy định chung chung là theo sự thỏa thuận của các bên. Do đó, trong TTDS thường có hai dạng thỏa thuận trong văn bản ủy quyền: (1) liệt kê rõ ràng từng nội dung ủy quyền trong văn bản (người đại diện theo ủy quyền chỉ được làm những gì được liệt kê trong văn bản ủy quyền); (2) ủy quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ tố tụng. Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự cho thấy, đa số trong các trường hợp ủy quyền thường rơi vào dạng thứ hai, đó là ủy quyền toàn bộ.
Như vậy, trường hợp trong văn bản ủy quyền ghi rõ người đại diện theo ủy quyền được nhân danh và toàn quyền quyết định mọi việc thì họ có các quyền và nghĩa vụ tố tụng như chính là người ủy quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, khi người đại diện theo ủy quyền thực hiện một số công việc trong phạm vi ủy quyền như: viết bản tự khai, kháng cáo bản án, quyết định v.v.. thì không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận với lý do văn bản ủy quyền không ghi rõ nội dung các công việc này.
Theo chúng tôi, nên tôn trọng nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, khi các bên đã xác lập phạm vi đại diện theo ủy quyền là toàn bộ thì người đại diện theo ủy quyền có thể thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của người đã ủy quyền. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 74 Bộ luật TTDS: "Người đại diện theo pháp luật trong TTDS thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTDS của đương sự mà mình là đại diện; người đại diện theo uỷ quyền trong TTDS thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTDS theo nội dung văn bản uỷ quyền"[6]. Do đó, trong TTDS các cơ quan tiến hành tố tụng nên chấp nhận toàn bộ công việc mà người đại diện theo ủy quyền thực hiện có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
Thứ tư, chấm dứt đại diện theo ủy quyền trong TTDS
Điều 77 Bộ luật TTDS quy định việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền trong TTDS được thực hiện như việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền được quy định trong BLDS. Tuy nhiên,  tại các Điều 147, 588 và 589 BLDS không quy định rõ việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền có phải cần được công chứng, chứng thực không? Vậy, việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền trong TTDS có bắt buộc cũng phải thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực không, hay chỉ cần một bên thể hiện ý chí đơn phương của mình bằng cách nộp văn bản chấm dứt sự ủy quyền cho Tòa án? Trong thực tế, vấn đề này được vận dụng rất khác nhau: có Tòa án cho rằng, nếu việc đại diện theo ủy quyền được thể hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền có đầy đủ chữ ký của bên ủy quyền và bên đại diện theo ủy quyền và được công chứng, chứng thực thì khi chấm dứt cũng buộc phải có đầy đủ chữ ký của hai bên và phải được công chứng, chứng thực; có Tòa án thì chấp nhận chỉ cần bên ủy quyền hoặc bên đại diện theo ủy quyền nộp văn bản từ chối việc đại diện theo ủy quyền là được.
Theo chúng tôi, do việc ủy quyền được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực nên cần quy định theo hướng: Việc chấm dứt ủy quyền cũng phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực; nếu việc chấm dứt uỷ quyền đó được tiến hành tại Toà án thì phải có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công./.

 


* TS. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1] Điều 161 Bộ luật TTDS  
[2] Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm" của Bộ luật TTDS.
 
[3] Điều 2 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của Bộ luật TTDS.
[4] Khoản 8 Điều 2 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định phần thứ hai "thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm" của Bộ luật TTDS đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTDS.
[5] Lương Thị Lanh, Chứng thực văn bản ủy quyền - một vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 26/02/2014.
[6] Khoản 1, 2 Điều 74 Bộ luật TTDS.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 17(297), tháng 9/2015)


Thống kê truy cập

33948306

Tổng truy cập