Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi và việc sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

01/08/2015

TS. NGÔ QUỐC CHIẾN

Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2005 đang được tổ chức lấy ý kiến toàn dân có một điều luật mới là Điều 435 về điều chỉnh hợp đồng (ĐCHĐ) khi hoàn cảnh thay đổi, đặt trong phần về “Thực hiện hợp đồng”. ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi đã tồn tại trong pháp luật thực định của nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam và trong thực tiễn xét xử. Việc pháp điển hóa quy định này vào Bộ luật Dân sự (BLDS) là cần thiết để loại bỏ bất công cho một bên bị ảnh hưởng quá bất lợi do hoàn cảnh thay đổi. Tuy nhiên, nội dung Điều 435 Dự thảo cần được điều chỉnh cả về nội dung và hình thức cho phù hợp hơn. 
HỢP-ĐỒNG.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi ở Việt Nam và một số nước trên thế giới
1.1. Quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi ở một số nước trên thế giới
Báo cáo so sánh luật được Nhà xuất bản Société de législation comparée công bố năm 2010 cho thấy nhiều quốc gia đã có quy định về ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi[1]. Nước đi tiên phong là Italy. BLDS Italy năm 1942 đã có quy định buộc các bên đàm phán lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi. Cơ chế này sau đó đã ảnh hưởng tới một số hệ thống pháp luật khác trên thế giới như Hà Lan, Đức và đặc biệt là các nước Mỹ Latinh.
Điều 313 BLDS Đức (Bürgerliches Gesetzbuch - BGB bản sửa đổi năm 2002) quy định rằng khi hoàn cảnh thay đổi nghiêm trọng tới mức làm mất đi căn cứ của nó (Wegfall der Geschäftsgrundlage) thì bên bị ảnh hưởng bất lợi được yêu cầu bên kia ĐCHĐ hoặc chấm dứt hợp đồng (CDHĐ). Tại Hà Lan, BLDS năm 1992 (Điều 6.258) quy định: “Tòa án có thể, dựa theo lý chí và lẽ công bằng, điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng, hoặc chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi tới mức làm cho một bên không còn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”. BLDS Peru năm 1984 (Điều 1432 và tiếp theo) thì lại ưu tiên việc ĐCHĐ. Việc CDHĐ chỉ được tính đến khi việc tiếp tục thực hiện hợp đồng là không thể, đồng thời quy định rằng “việc CDHĐ không làm ảnh hưởng đến các nghĩa vụ đã được hoàn thành”.
Ở cấp độ quốc tế, có hai Bộ nguyên tắc về Hợp đồng rất nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng trên thế giới là: Bộ nguyên tắc Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) và Bộ nguyên tắc châu Âu về Hợp đồng (PECL). Cả hai Bộ nguyên tắc này đều có quy định cho phép ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi.
Cụ thể, Điều 6.2.3 PICC quy định khi hoàn cảnh thay đổi bên bị bất lợi “có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng. Yêu cầu này phải được đưa ra không chậm trễ và phải có căn cứ”. Tương tự, khoản 2 Điều 6: 111 của PECL quy định “nếu việc thực hiện hợp đồng trở nên quá khó khăn do có sự thay đổi về hoàn cảnh, thì các bên buộc phải tiến hành thỏa thuận lại nhằm chỉnh sửa hợp đồng hoặc CDHĐ”.
1.2. Quy định về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi ở Việt Nam
Ở Việt Nam, BLDS năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 chưa có quy định về điều chỉnh hoặc CDHĐ khi hoàn cảnh thay đổi. Tuy nhiên, quy định này đã tồn tại trong một số văn bản luật chuyên ngành.
Cụ thể, khoản 1 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: “Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Tương tự, khoản 2 của điều này quy định: “Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm”. Như vậy, giải pháp mà Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra cho hoàn cảnh thay đổi là khuyến khích các bên tiến hành ĐCHĐ. Hợp đồng chỉ bị chấm dứt khi các bên không đạt được thỏa thuận về sự thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phí bảo hiểm.
Tương tự, các nguyên tắc về ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi cũng đã được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005. Cụ thể, Điều 57 đã đặt ra nguyên tắc điều chỉnh "hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian” khi có sự thay đổi hoàn cảnh[2]. Các nguyên tắc, cách thức và hậu quả của ĐCHĐ cũng đã được làm rõ hơn tại Luật Đấu thầu năm 2013[3].
Như vậy, khi hoàn cảnh thay đổi làm cho một bên bị ảnh hưởng bất lợi thì nhà lập pháp Việt Nam khuyến khích các bên đàm phán để sửa đổi hợp đồng. Đây là quy định hợp lý bởi hợp đồng được ký kết là để được thực hiện, chứ không phải để chấm dứt. Pháp luật phải tạo nhiều cơ hội nhất để các bên có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Chỉ khi các bên không thỏa thuận được với nhau thì mới tính đến khả năng CDHĐ. Tuy nhiên, đây chỉ là các quy định cho một số lĩnh vực chuyên biệt, chứ chưa phải là nguyên tắc chung áp dụng cho mọi loại hợp đồng.
2. Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi trong thực tiễn xét xử
Tại nhiều quốc gia, mặc dù pháp luật không có quy định về điều chỉnh hoặc CDHĐ khi hoàn cảnh thay đổi, nhưng trong thực tiễn xét xử, không hiếm trường hợp tòa án can thiệp vào hợp đồng để tái cân bằng lợi ích cho các bên. Tuy nhiên, cần lưu ý là giải pháp mà tòa án ở các quốc gia đưa ra là không giống nhau. Tòa án ở một số nước ưu tiên việc CDHĐ[4], còn một số khác lại ưu tiên ĐCHĐ. Phân tích thực tiễn xét xử ở Việt Nam chúng tôi thấy dường như các cơ quan giải quyết tranh chấp ưu tiên hướng ĐCHĐ. Cụ thể, trong một bản án được tuyên năm 2006, Tòa án nhân dân tối cao đã can thiệp để ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi bất lợi cho một bên, mặc dù BLDS không có bất kỳ quy định nào cho phép khả năng này. Cụ thể, năm 1992 ông Thiết và bà Lới đăng ký mua một kiốt của ông Son và bà Thìn với giá 7,8 triệu đồng và bên mua đã thanh toán được 4,8 triệu đồng và nhận kiốt. Sau đó, các bên có tranh chấp và năm 2006 (14 năm sau), Tòa án xác định thỏa thuận mua bán trên “là hợp pháp, các bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện[5]. Từ nhận định đó, Tòa tối cao đã đi đến kết luận rằng “số tiền còn thiếu, bên mua là ông Thiết, bà Lới phải thanh toán cho bên bán là ông Son, bà Thìn theo thời giá (kiốt phải được định giá để ông Thiết, bà Lới thanh toán theo giá mới phần chưa thanh toán theo tỷ lệ tương ứng)”. Ở đây, Tòa án nhân dân tối cao theo hướng cần phải định giá lại kiốt có tranh chấp và bên mua phải thanh toán phần chưa thanh toán theo tỷ lệ tương ứng. Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao đã can thiệp vào hợp đồng để tái cân bằng lợi ích cho các bên.
Như vậy, ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi là phù hợp với thông lệ chung của thế giới, đã tồn tại trong một số văn bản luật chuyên ngành của Việt Nam cũng như trong thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, quy định như trong Dự thảo còn một số bất cập cần được sửa đổi.
3. Một số nội dung của Dự thảo Bộ luật Dân sự cần được sửa đổi, bổ sung
Ý thức được tầm quan trọng của việc ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi, Ban soạn thảo đã bổ sung quy định này vào BLDS (Điều 435) và đặt trong phần “Thực hiện hợp đồng”. Tuy nhiên, Điều 435 cần được sửa đổi cả về nội dung và hình thức cho phù hợp hơn.
Về sự tương thích của Điều 435 với các quy định khác của Dự thảo
Điều 435 được đặt trong phần “Thực hiện hợp đồng” nói chung, nghĩa là có thể áp dụng cho mọi loại hợp đồng mà việc thực hiện kéo dài trong thời gian, từ hợp đồng cung cấp sản phẩm, đến hợp đồng hợp tác kinh doanh và cả hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba... Tuy nhiên, trong BLDS năm 2005 cũng như trong Dự thảo đều có quy định không cho phép ĐCHĐ vì lợi ích của người thứ ba[6]. Cụ thể, Điều 432 Dự thảo quy định: “Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”. Quy định này cấm tuyệt đối các bên tự ý sửa đổi hợp đồng trong bất kỳ hoàn cảnh nào nếu không được người thứ ba đồng ý, nhưng Điều 432 Dự thảo lại cho phép các bên hoặc tòa án ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi. Như vậy đã có mâu thuẫn giữa Điều 432 và Điều 435.
Như trên đã trình bày, ĐCHĐ khi hoàn cảnh thay đổi là một quy định quan trọng cần được bổ sung vào BLDS. Nhưng để quy định này tồn tại trong BLDS và không mâu thuẫn với quy định tại Điều 432, thì thiết nghĩ nên sửa đổi Điều 432 theo hướng cho phép các bên ĐCHĐ vì lợi ích của người thứ ba khi hoàn cảnh thay đổi. Ở đây, sửa đổi hợp đồng có thể có hai hậu quả khác nhau. Thứ nhất, sửa đổi hợp đồng chỉ có hậu quả là làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, chứ không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba. Trong trường hợp như vậy, việc sửa đổi hợp đồng có thể được thực hiện theo ý chí của các bên hoặc theo các quy định của Điều 435 mà không cần sự đồng ý của người thứ ba thụ hưởng. Thứ hai, sửa đổi hợp đồng có hậu quả là làm thay đổi (gia tăng hoặc giảm bớt) lợi ích của người thứ ba, thì cần phải có sự đồng ý của người thứ ba. Vì vậy, Điều 432 cần được sửa đổi như sau:
“Điều 432. Sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
1. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba chỉ được sửa đổi theo các quy định tại Điều 435 của Bộ luật này nếu không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba.
2. Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được huỷ bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”.
Về điều kiện để tòa án điều chỉnh hợp đồng
Điểm c, khoản 2, Điều 435 Dự thảo quy định: “Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung sẽ gây thiệt hại cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng đến mức mà bên này không đạt được lợi ích mà mình mong muốn khi giao kết hợp đồng”. Đây là quy định chưa hợp lý, bởi lẽ lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng là rất khó xác định và mỗi chủ thể lại có thể có những mong muốn khác nhau. Chẳng hạn, trong hợp đồng mua bán hàng hóa, A mua hàng của B với giá 100.000 đ/sản phẩm để bán lại. Giá bán lẻ trên thị trường đối với sản phẩm đó là 120.000 đ/ sản phẩm. Như vậy, lợi ích mà A mong muốn khi giao kết hợp đồng này là khoản chênh lệch 20.000đ/sản phẩm. Nếu hoàn cảnh thay đổi tới mức làm cho giá trên thị trường chỉ còn 100.000 đ/sản phẩm thì rõ ràng, lợi ích mà A mong đợi từ việc ký hợp đồng với B đã không đạt được. Trong trường hợp như vậy, quy định như Dự thảo sẽ mở ra khả năng A yêu cầu ĐCHĐ. Đây rõ ràng là một quy định không phù hợp. Thiết nghĩ, hợp đồng chỉ có thể được điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi tới mức làm cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng gây bất lợi lớn cho bên có nghĩa vụ thực hiện. Chẳng hạn, cũng với ví dụ trên, nhưng giá thị trường biến động giảm còn 50.000đ/sản phẩm, thì việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với A (tiếp tục mua sản phẩm của B với giá 100.000đ để bán lại với giá 50.000đ) là quá bất lợi cho A.  Chỉ khi đó A mới được yêu cầu ĐCHĐ.
Vì vậy điểm c, khoản 2, Điều 435 có thể được viết lại như sau: “c) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người có nghĩa vụ”.
Về hủy bỏ hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
Điều 435 mở ra hai khả năng cho Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, đó là hủy bỏ hợp đồng và sửa đổi hợp đồng. Quy định về hủy bỏ hợp đồng là không hợp lý, bởi lẽ hủy bỏ hợp đồng có hậu quả hồi tố, theo đó “Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…” (Khoản 2, Điều 444 Dự thảo). Vậy mà, trong thực tế, việc thực hiện hợp đồng đó rất có thể đã mang lại lợi ích cho các bên. Chẳng hạn, vẫn trong ví dụ trên, A và B đã thực hiện hợp đồng được một năm mà hoàn cảnh không có gì thay đổi và các bên đã đạt được lợi ích của mình. Chỉ đến năm thứ hai thì thị trường mới có biến động và A sẽ phải gánh chịu bất lợi nghiêm trọng nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp như vậy, nếu Tòa án hủy bỏ hợp đồng thì A và B sẽ phải “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” mặc dù đây không phải là mong muốn của hai bên.
Mặc dù khoản 3 quy định: “Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án xác định hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng trên cơ sở phân chia hợp lý chi phí mà các bên đã bỏ ra liên quan đến việc thực hiện hợp đồng này”. Chúng tôi không hiểu tại sao lại cho phép Tòa án thiết lập một ngoại lệ đối với nguyên tắc chung về hậu quả của việc hủy hợp đồng quy định tại Điều 444?
Chúng tôi cho rằng, quy định về chấm dứt hợp đồng như tại bản Dự thảo lấy ý kiến toàn dân là hợp lý, bởi mục đích của Điều luật này là để bảo vệ một bên khỏi những ảnh hưởng quá bất lợi từ việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Theo nghĩa đó, việc không tiếp tục thực hiện hợp đồng là hợp lý hơn so với hủy bỏ hợp đồng vốn có hiệu lực hồi tố.
Vì vậy chúng tôi kiến nghị thay toàn bộ các cụm từ “hủy bỏ” bằng “chấm dứt” tại điều 435.
Về thời điểm chấm dứt hợp đồng
Điều 435 dường như đã trao quá nhiều quyền cho thẩm phán trong việc xác định thời điểm điều chỉnh hợp đồng. Trong thực tế có thể cần phải tính đến ba thời điểm khác nhau: thời điểm hoàn cảnh thay đổi được xác lập, thời điểm bên bị ảnh hưởng bất lợi từ sự thay đổi hoàn cảnh này nộp đơn yêu cầu tòa án can thiệp và thời điểm tòa án đưa ra phán quyết. Nếu cho phép tòa án tự do lựa chọn một trong ba thời điểm này hoặc bất kỳ thời điểm nào thì có thể dẫn tới sự không thống nhất trong các giải pháp, gây mất niềm tin của các chủ thể vào cơ quan giữ gìn công lý. Khảo sát pháp luật nước ngoài, chúng tôi thấy các nước có những quy định không giống nhau về vấn đề này.
BLDS Hà Lan năm 1992 (Điều 6.258) quy định: “Tòa án có thể dựa vào lý trí và lẽ công bằng điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng, hoặc chấm dứt một phần hoặc toàn bộ hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi tới mức làm cho một bên không còn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Bộ luật này cũng quy định thêm rằng việc sửa đổi hoặc CDHĐ có thể có hiệu lực hồi tố, nghĩa là có hiệu lực đối với cả thời gian trước khi tòa án ra phán quyết.
BLDS Peru năm 1984 (Điều 1432 và tiếp theo) lại ưu tiên việc sửa đổi hợp đồng. Việc CDHĐ chỉ được tính đến khi việc tiếp tục thực hiện hợp đồng là không thể, đồng thời quy định “việc CDHĐ không làm ảnh hưởng đến các nghĩa vụ đã được hoàn thành”. Như vậy, hợp đồng chỉ bị chấm dứt kể từ thời điểm có phán quyết của tòa án.
BLDS Brazil năm 2002 (Điều 478 và tiếp theo) lại quy định hợp đồng được chấm dứt kể từ thời điểm bên bị ảnh hưởng bất lợi nộp đơn yêu cầu tòa án can thiệp.
Như vậy, các quốc gia này đưa ra các giải pháp không giống nhau, nhưng đều có chung quan điểm ở chỗ không trao toàn quyền cho tòa án xác định thời điểm điều chỉnh hợp đồng. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên lựa chọn một thời điểm hợp đồng được điều chỉnh, chứ không nên trao toàn quyền xác định cho tòa án như quy định trong Dự thảo. Chúng tôi cho rằng, chọn thời điểm hoàn cảnh thay đổi được xác lập là hợp lý nhất./.

 


[1] F. Hinestrosa, Rapport Général-Révision du contrat, in Le Contrat, Nxb. Société de législation comparée 2008, tr.406.
[2] Điều 57. ĐCHĐ
1. Việc ĐCHĐ chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì được điều chỉnh theo các chính sách này kể từ thời điểm các chính sách này có hiệu lực;
b) Trường hợp có khối lượng, số lượng tăng hoặc giảm trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra thì việc tính giá trị tăng hoặc giảm phải căn cứ vào đơn giá của hợp đồng;
c) Trường hợp giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị nêu trong hợp đồng do Nhà nước kiểm soát có biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Việc ĐCHĐ chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký và phải được người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Giá hợp đồng sau điều chỉnh không được vượt dự toán, tổng dự toán hoặc giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho phép.
3. Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư thoả thuận với nhà thầu đã ký hợp đồng để tính toán bổ sung các công việc phát sinh và báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp thoả thuận không thành thì nội dung công việc phát sinh đó hình thành một gói thầu mới và tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này.
[3] Điều 67.
[4] Chẳng hạn, trong tranh chấp liên quan đến một hợp đồng bảo trì máy có thời hạn 12 năm và giá bảo trì hàng năm được ấn định trong hợp đồng (được xác lập năm 1998), bên thuê bảo trì (Công ty SEC) yêu cầu Tòa án buộc bên nhận bảo trì tiếp tục thực hiện hợp đồng và yêu cầu này đã được Tòa phúc thẩm chấp nhận. Tuy nhiên, Tòa tối cao của Pháp đã hủy án phúc thẩm với lý do “lẽ ra Tòa phúc thẩm phải xem xét sự thay đổi hoàn cảnh kinh tế và nhất là việc tăng giá của nguyên vật liệu và giá kim loại từ năm 2006 và tác động của chúng tới giá của các bộ phận thay thế có tác động làm cho lợi ích kinh tế của hợp đồng như các bên đã mong muốn vào thời điểm ký hợp đồng tháng 12/1998 trở nên bất cân bằng trên cơ sở giá bảo trì mà Công ty SEC phải trả”. Xem: Cass. com., 29/6/2010, n° de pourvoi: 09-67369.
[5] Về vụ việc này, xem thêm Đỗ Văn Đại: Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc Gia, 2014, Bản án số 37-39.
[6] Chế định “hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba” được quy định tại các Điều 406, 419, 420 và 421 BLDS năm 2005 và được giữ gần như y nguyên trong Dự thảo BLDS (chỉ thay đổi về thứ tự các điều và một bổ sung nhỏ tại điều 431).

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15(295), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

33950592

Tổng truy cập