Quy định về chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật Dân sự

01/07/2015

TRƯƠNG THỊ MỸ HẠNH

K19 Cao học Luật, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

Nghĩa vụ dân sự là một trong những thuật ngữ được sử dụng xuyên suốt trong Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS), từ những quy định mang tính “nguyên tắc” cho đến tất cả các chế định mà BLDS điều chỉnh. Ở đó, các bên chủ thể có quyền và nghĩa vụ “đối trọng” nhau, quyền của bên chủ thể này sẽ là nghĩa vụ của bên chủ thể kia và ngược lại, nghĩa vụ phải được tuân thủ và chỉ đặt ra khi đáp ứng cho quyền lợi của bên chủ thể còn lại trong giao dịch.
Với mong muốn đạt được một hoặc nhiều lợi ích cho chính bản thân hoặc những người thân thích, các chủ thể sẽ xác lập những giao dịch dân sự cụ thể, thông qua giao dịch đó, chủ thể sẽ nhận được những lợi ích nhất định nhưng đồng thời cũng sẽ thực hiện một số nghĩa vụ đã được ấn định kể từ thời điểm xác lập giao dịch.
Trong hầu hết các giao dịch, chủ thể luôn mong muốn tự mình đứng ra thực hiện “quyền” hoặc “nghĩa vụ” trong giao dịch đó bởi hơn ai hết, chính họ là người đã đứng ra xác lập giao dịch nên hiểu rõ mình cần và mong muốn đạt được gì từ giao dịch đó và khi trực tiếp thực hiện, họ sẽ an tâm và thể hiện một cách đầy đủ nhất ý chí của mình. Mặc dù phù hợp với nhu cầu và mục đích của các bên vào thời điểm xác lập giao dịch, nhưng giao dịch vẫn có thể trở thành gánh nặng của một trong các bên do không còn mong muốn hoặc phương tiện để thực hiện nó. Khi một trong các bên thấy việc tiếp tục thực hiện giao dịch không còn mang lại lợi ích mong muốn, chủ thể sẽ tìm cách “tự giải phóng khỏi quan hệ giao dịch” bằng cách chấm dứt hoặc chuyển giao sang chủ thể khác. Việc đơn phương chấm dứt quan hệ đã được xác lập từ một bên chủ thể trong giao dịch sẽ dẫn tới hậu quả là bồi thường thiệt hại, nên cách này thường không được ưu tiên lựa chọn, trừ khi không còn giải pháp khác tối ưu hơn.
Trong thực tế, để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại có thể xảy ra do phải bồi thường, thì một phương thức khác được đặt ra để duy trì giao dịch đã xác lập là “chuyển giao” sang chủ thể thứ ba (chủ thể nhận chuyển giao quyền hoặc nghĩa vụ trong quan hệ đang tồn tại). Trong quan hệ “chuyển giao” này xuất hiện hai loại hoàn toàn khác nhau là chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ với bản chất, điều kiện, hình thức… khác nhau.
1. Pháp luật hiện hành về chuyển giao quyền yêu cầu
Điều 309 BLDS ghi nhận “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận”, điều này có nghĩa rằng quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể được chuyển giao sang chủ thể khác (người thế quyền) theo thỏa thuận giữa người có quyền và người muốn thế quyền. Phần “nghĩa vụ dân sự” trong BLDS chỉ đề cập đến vấn đề chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận, vậy chuyển giao quyền yêu cầu theo pháp luật có được đề cập trong luật hay không và được ghi nhận như thế nào?
Chuyển giao quyền yêu cầu theo thoả thuận
Từ Điều 309 đến Điều 314 BLDS quy định về chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự hoàn toàn không đề cập đến trường hợp được chuyển quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự theo pháp luật, nghĩa là khi rơi vào trường hợp được luật dự liệu thì đương nhiên quyền yêu cầu sẽ được chuyển giao. Với những quy định như trên, có thể suy luận rằng, chuyển giao quyền yêu cầu chỉ xuất hiện khi có sự thỏa thuận của chủ thể quyền trong giao dịch và một chủ thể thứ ba mới xuất hiện là bên nhận chuyển giao quyền yêu cầu. Trong đó, sự “thỏa thuận” ở đây là thỏa thuận giữa một bên chủ thể quyền với chủ thể thứ ba (bên nhận thế quyền) mà không cần có sự đồng ý của chủ thể có nghĩa vụ trong giao dịch đang tồn tại. Suy cho cùng, bên có nghĩa vụ không cần thiết phải thể hiện ý chí trong hoàn cảnh này, bởi ai là người có quyền thì người có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi đã cam kết nên việc thay đổi chủ thể quyền không làm thay đổi bản chất của nghĩa vụ đã cam kết và cần phải thực hiện.
Chuyển giao quyền yêu cầu theo pháp luật
Như đã nêu trên, dường như quyền yêu cầu chỉ xuất hiện khi có sự thoả thuận của các chủ thể có quyền trong mối quan hệ này, nhưng khi đi sâu vào từng vấn đề cụ thể thì BLDS đã có những quy phạm còn khá “tản mạn” điều chỉnh vấn đề chuyển giao quyền yêu cầu theo luật định. Điều 367 BLDS ghi nhận “khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh”. Trong điều luật này, tuy chưa xuất hiện thuật ngữ “chuyển giao quyền yêu cầu”, nhưng bản chất và nội hàm của điều luật đã cho thấy một sự “thế quyền” từ bên nhận bảo lãnh sang bên bảo lãnh. Khi bên bảo lãnh đã đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh thì khi đó, bên bảo lãnh được thế quyền, yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi đã bảo lãnh, điều này được luật “cho phép”. Đương nhiên, không phải mọi trường hợp bên bảo lãnh đều có thể trở thành bên “thế quyền” mà luật cũng đã đưa ra một số điều kiện nhất định, một khi thỏa mãn những điều kiện đó thì bên bảo lãnh mới có thể trở thành người thế quyền. Có thể nói, trường hợp này cho phép ngầm hiểu là đã xuất hiện “chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ” theo pháp luật.
Đi vào phần quy định cụ thể cho các loại hợp đồng, Điều 577 BLDS có đề cập đến “Chuyển yêu cầu hoàn trả” với quy định: “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả”. Xét về bản chất thì đây là trường hợp chuyển quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự theo luật định, bởi trong trường hợp này các bên không cần phải có sự thỏa thuận mới xảy ra trường hợp chuyển giao quyền yêu cầu. Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, tính chất khá đặc biệt so với những loại hợp đồng khác, đây là hợp đồng mua bán “sự rủi ro” mà tại thời điểm xác lập hợp đồng chỉ phát sinh nghĩa vụ của bên mua mà thôi, quyền của bên mua xuất hiện khi và chỉ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm trong thời hạn hợp đồng mà thôi. Nói một cách cụ thể, trong trường hợp bảo hiểm tài sản, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm (bên bán bảo hiểm) có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại (bên mua bảo hiểm) trong giới hạn giá trị tài sản đã được mua bảo hiểm và sau đó công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu bên thứ ba (bên có lỗi gây ra sự kiện bảo hiểm) có trách nhiệm hoàn trả lại thiệt hại mà mình đã bỏ ra để bồi thường cho bên mua bảo hiểm. Trong trường hợp này, hoàn toàn không cần sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua bảo hiểm tại thời điểm bồi thường mà ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm thì quyền này của bên bán bảo hiểm đã hình thành (quyền tương lai), nhưng không có nghĩa là mọi trường hợp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đều phát sinh tình huống “chuyển yêu cầu bồi hoàn”. Quyền thế quyền của bên bán bảo hiểm chỉ xảy ra khi có lỗi của “bên thứ ba” đã gây ra thiệt hại thông qua sự kiện bảo hiểm, đây là trường hợp đương nhiên được thế quyền hay cách nói khác đây là chuyển quyền yêu cầu theo pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 636 BLDS cũng ghi nhận “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, điều luật này đã thể hiện quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ về tài sản “được thừa kế” và là sự chuyển giao quyền yêu cầu theo pháp luật bởi ở đây hoàn toàn không có sự thỏa thuận. Nội hàm của Điều 636 được hiểu rằng, trong mối quan hệ với chủ thể khác của một hoặc một số giao dịch dân sự, nếu một trong hai bên chủ thể của giao dịch chết thì quyền, nghĩa vụ của người chết sẽ được người thừa kế tiếp nhận, nghĩa là những quyền, nghĩa vụ này đã có “sự chuyển giao” từ người chết sang người thừa kế, và dĩ nhiên cũng sẽ có ngoại lệ đó là các quyền, nghĩa vụ gắn liền với nhân thân người chết sẽ chấm dứt, nghĩa là không có sự chuyển giao xảy ra.
Thực tiễn áp dụng quy định chuyển giao quyền yêu cầu trong xét xử
Trong quá trình áp dụng quy định chuyển giao quyền yêu cầu, có thể sẽ xảy ra ít nhất hai tình huống. Một là, xảy ra những vấn đề chưa được quy định trong luật như trường hợp một người đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay thì có được xem là người thế quyền hay không, vấn đề này chưa được BLDS đề cập. Hai là, mặc dù đã được quy định trong luật nhưng tính chất “mơ hồ” hoặc có sự “bất cập” nên người áp dụng luật đã có cách vận dụng hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi tối ưu cho người có quyền trong quan hệ dân sự. Tình huống thứ nhất, luật chưa có quy định về trường hợp một người đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ thì có phải là người thế quyền hay không, khi phát sinh sự việc mà có tranh chấp thì Tòa án có thụ lý không, nếu có thì đường lối xử lý như thế nào khi mà chưa có “thước đo” để làm căn cứ đánh giá và đưa ra phán xét.
Chúng ta cùng xem hai ví dụ:
- Bản án số 196/2008/DSPT ngày 22/4/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang nhận định: “chị Phương, chị Thoa đều thừa nhận chị Thoa có nhờ chị Phương vay giùm số tiền 3.500.000đ lãi suất 0,8%/tháng từ ngày 01/11/2006. Trong quá trình vay, do chị Thoa không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên chị Phương đã trả thay cho chị Thoa. Án sơ thẩm buộc chị Thoa có trách nhiệm trả cho chị Phương số tiền 3.800.000đ là có căn cứ”[1].
- Quyết định số 88/2007/DS-GĐT ngày 29/3/2007 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) trong phần xét thấy: “Tòa án cấp sơ thẩm tuy đã buộc ông Giữ trả cho ông Ngon số tiền mà ông Ngon đã trả cho ngân hàng nhưng không buộc ông Giữ trả phần lãi suất đối với số tiền đó là chưa đảm bảo quyền lợi của ông Ngon”[2].
 Như vậy, cả Tòa án địa phương và TANDTC đều “thừa nhận” một sự thế quyền sau khi đã thực hiện thay nghĩa vụ, mặc dù chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Vấn đề thế quyền được thể hiện rõ nét ở đặc điểm Tòa án ghi nhận bên có nghĩa vụ bên cạnh phải trả nợ gốc còn phải trả thêm phần lãi suất phát sinh như đã thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền ban đầu (bên được người thứ ba đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ cho người có nghĩa vụ).
Theo chúng tôi, trong trường hợp người đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ chưa được ghi nhận về phương diện lý luận (chưa có quy phạm điều chỉnh) nhưng thực tiễn đã diễn ra và chắc chắn sẽ còn xảy trong tương lai, nên chăng, chúng ta ghi nhận điều này một cách chính thức thông qua những quy phạm pháp luật trong BLDS.
Tình huống thứ hai, điểm a khoản 1 Điều 309 BLDS quy định “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây: a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;…”. Quan hệ chuyển giao quyền yêu cầu trong trường hợp này cũng được xem như sẽ chấm dứt khi bên có quyền chết.
Theo điểm a khoản 1 Điều 309 BLDS, thì dù các quyền tài sản gắn liền với nhân thân cũng không thể thỏa thuận chuyển giao, hay nói cách khác nếu có thỏa thuận mà khi có tranh chấp cũng không được bảo vệ, bởi về nguyên tắc thỏa thuận trên đã trái luật. Trái lại, với quy định tại Điều 636[3] BLDS thì được hiểu rằng các quyền tài sản mặc nhiên sẽ được thừa kế và không loại trừ trường hợp ngoại lệ, nghĩa là các quyền tài sản gắn liền với nhân thân cũng sẽ được thừa kế.
Một dẫn chứng sau đây sẽ minh họa rõ cho nhận định trên, vụ án dân sự về việc “yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388”[4]. Trong vụ án này, ông Cung là người bị bắt oan sai, phải chịu thời gian tạm giam, thụ án tại trại giam theo Bản án hình sự phúc thẩm số 205/HS-PT ngày 20/10/1985. Đến ngày 29/8/1987, tại Bản án Giám đốc thẩm số 42/UB của Ủy ban thẩm phán TAND tối cao đã tuyên bố ông Cung không có trách nhiệm hình sự về các hành vi đã nêu tại Bản án hình sự phúc thẩm.
Từ đây, phát sinh vấn đề bồi thường thiệt hại như thu nhập bị mất trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam và hàng loạt các thiệt hại khác được liệt kê, trong đó đáng chú ý là khoản thiệt hại do tổn thất về tinh thần cũng được đề cập, và khoản thiệt hại này là yêu cầu hợp lý, chính đáng của chủ thể bị xâm hại. Chúng tôi không đi sâu vào phân tích tính đúng đắn của các bản án hình sự sơ thẩm cũng như bản án hình sự phúc thẩm, mà chỉ quan tâm đến vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự, và tập trung vào vấn đề thừa kế quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong số các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại được nêu ra thì khoản thiệt hại do tổn thất về tinh thần cần được lưu ý, bởi yêu cầu bồi thường này xét về bản chất là quyền tài sản gắn liền với nhân thân. Vấn đề đặt ra ở đây, nếu người bị thiệt hại là nguyên đơn dân sự và được Tòa án giải quyết chấp nhận yêu cầu bồi thường thì không có gì phải bàn cãi.
Ở đây, trong vụ án này, nguyên đơn là con của người bị thiệt hại, là những người thừa kế của ông Cung, câu hỏi đặt ra là yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần có được Tòa án chấp nhận hay không, bởi đây là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người bị thiệt hại. Thực tiễn xét xử của Tòa án tỉnh Gia Lai tại Bản án dân sự phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu bồi thường này với quyết định như sau: “Buộc Tòa phúc thẩm (bản án hình sự) bồi thường cho ông Cung, thông qua người đại diện theo pháp luật là bà Oanh và ông Hiển (con của ông Cung) số tiền thiệt hại do tổn thất về tinh thần là…”. Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng, các quy định về chuyển giao quyền yêu cầu được quy định tại Mục 4, Chương XVII, Phần thứ ba BLDS không đề cập đến vấn đề chuyển quyền yêu cầu theo pháp luật và dù các quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại gắn liền với nhân thân có được các bên thỏa thuận chuyển giao cũng không được ghi nhận cho sự thỏa thuận đó. Tuy vậy, Điều 636 BLDS lại ghi nhận sự thừa kế quyền, nghĩa vụ tài sản mà không giới hạn là quyền độc lập hay quyền tài sản có gắn liền với nhân thân.
Trên thực tiễn, khi xét xử vụ án, tòa án đã khai thác Điều 636 một cách khá triệt để, thể hiện ở sự thừa nhận quyền yêu cầu về tài sản gắn liền với nhân thân (quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần) được chuyển giao cho người thừa kế, và quyền này được chấp nhận.
Theo chúng tôi, điều này hợp lý bởi không có lý do gì để từ chối “quyền tài sản gắn liền với nhân thân” không được thừa kế. Do đó, Tòa án hoàn toàn có cơ sở để chấp nhận yêu cầu bồi thường từ các con của ông Cung. Trở lại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 309 BLDS, các bên trong quan hệ giao dịch dân sự không thể thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu gắn liền với nhân thân. Ở đây, rõ ràng đối tượng của quyền yêu cầu mang tính nhân thân, trong khi đó quyền yêu cầu là quyền tài sản, mà nguyên nhân xuất phát từ đối tượng mang tính nhân thân bị xâm phạm. Như vậy, xét về bản chất vấn đề thì quyền yêu cầu này là quyền tài sản mà quyền này sẽ được thừa kế (nếu xảy ra trường hợp như bản án nêu trên) thế tại sao lại không cho phép các chủ thể chuyển giao theo thỏa thuận? Có điều gì đó còn chưa rõ ràng ở đây, phải chăng các nhà làm luật có một sự nhầm lẫn hay còn ẩn ý gì bên trong trong quy định tại điều luật này?
2. Một số kiến nghị
Một là, đề nghị bổ sung vào phần “Nghĩa vụ dân sự” trong BLDS ít nhất một điều luật ghi nhận người thực hiện thay nghĩa vụ sẽ trở thành người thế quyền và đây thuộc trường hợp chuyển quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự theo pháp luật, bên đã thực hiện thay nghĩa vụ có đầy đủ quyền của người có quyền ban đầu, nghĩa là tất cả những thỏa thuận ban đầu giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ sẽ hoàn toàn có giá trị áp dụng cho bên đã đứng ra thực hiện thay nghĩa vụ (lúc này trở thành bên có quyền).
Hai là, bổ sung một điều luật vào phần “Nghĩa vụ dân sự” theo nguyên tắc dẫn chiếu, chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự theo pháp luật sẽ được áp dụng khi xảy ra trường hợp thuộc các Điều 367, 577 và 636 BLDS.
Ba là, điểm a khoản 1 Điều 309 BLDS cần được sửa đổi để có sự nhất quán với những quy định khác về cùng vấn đề này, cụ thể là bỏ đi điểm a khoản 1 Điều 309 BLDS. Bên cạnh đó, chúng tôi mong rằng, quy định của BLDS liên quan đến vấn đề chuyển giao quyền yêu cầu sẽ được các nhà lập pháp làm sáng tỏ và minh thị trong BLDS để làm cơ sở cho việc hiểu và vận dụng pháp luật được thông suốt, triệt để./.
 
 
 
[1] Nguồn: Đỗ Văn Đại, Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự - Bản án và bình luận bản án, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 380.
[2] Nguồn: Đỗ Văn Đại, tlđd, tr. 374.
[3] Điều 636 BLDS quy định “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.
[4] Bản án số 64/2010/DS-PT ngày 27/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai V/v: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388”.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(294), tháng 7/2015)


Thống kê truy cập

33950553

Tổng truy cập