Quyền nhân thân, quyền tài sản nhìn từ mối liên hệ giữa Bộ luật Dân sự với các luật chuyên ngành, Hiến pháp và Luật nhân quyền quốc tế

01/07/2015

TS. TRẦN THÁI DƯƠNG

Trường đại học Luật Hà Nội,

TRẦN THỊ THANH MAI

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi (sau đây gọi là Dự thảo) đã cụ thể hoá các quy định, nguyên tắc Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự và thể hiện thành các quy định về quyền nhân thân (một trong những nội dung của chế định cá nhân) và quyền tài sản (một trong những nội dung của chế định tài sản). Bằng cách góp ý trực tiếp vào nội dung, hình thức diễn đạt của Dự thảo tại các điều, khoản liên quan, bài viết làm rõ một số điểm chưa phù hợp, bất hợp lý về quyền nhân thân và quyền tài sản trong Dự thảo xét từ mối liên hệ thống nhất giữa hai loại quyền này và từ mối liên hệ về vai trò, chức năng điều chỉnh giữa Hiến pháp (luật cơ bản) - BLDS (luật chung) với các luật chuyên ngành (luật riêng về các lĩnh vực) cũng như các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
QUYỀN-TÁC-GIẢ-SÁNG-CHẾ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.  Về quyền nhân thân
1.1. Vị trí của quyền nhân thân trong cấu trúc của BLDS
Quyền nhân thân được quy định tại Mục 2 Chương III (cá nhân), thuộc phần thứ nhất (quy định chung) trong khi đó, quyền tài sản được quy định tại Điều 132 Chương VII (tài sản). Theo Dự thảo[1], quyền nhân thân là một trong những nội dung quy định về cá nhân (bên cạnh các quy định khác như năng lực pháp luật, năng lực hành vi, nơi cư trú, giám hộ, thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết) được thiết kế thành một mục riêng (gồm định nghĩa, các quyền cụ thể, từ Điều 30 đến Điều 51). Quyền tài sản tuy cũng là một trong những nội dung quy định về tài sản với tính cách là một trong những thành phần quan hệ dân sự (chủ thể, đối tượng…) nhưng lại chỉ được quy định trong một điều luật định nghĩa khái niệm quyền tài sản (nêu đặc điểm phân biệt với quyền nhân thân và cấu thành nội dung gồm các quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng đất, các quyền khác). Theo chúng tôi, cách thiết kế này chưa bảo đảm được tính cân đối về mặt cấu trúc của quy định giữa hai loại quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản như là những khái niệm đối trọng nhưng thống nhất và cùng hợp thành khái niệm quyền dân sự. Quyền tài sản ở đây chỉ được coi là một bộ phận của tài sản (gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, các quyền tài sản khác - Điều 122) là một loại đối tượng trong giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền nhân thân được thể hiện thành một mục riêng, quy định trong 22 điều luật (Điều 30 - Điều 51), với 20 quyền cụ thể.
1.2. Về định nghĩa khái niệm và nội dung quyền nhân thân
Khoa học luật dân sự quan niệm rằng, đặc trưng của quyền nhân thân là loại quyền tuyệt đối gắn liền với mỗi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, không trị giá được thành tiền, về nguyên tắc không thể chuyển giao cho chủ thể khác[2].Ngược lại, quyền tài sản là loại quyền không tuyệt đối gắn liền với mỗi chủ thể nhất định, trị giá được thành tiền và có thể là đối tượng trong giao dịch dân sự, chuyển giao được cho chủ thể khác. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, các đặc trưng nêu trên chưa đầy đủ đối với quyền nhân thân, quyền nhân thân không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền của pháp nhân, quyền nhân thân là loại quyền chỉ gắn liền với đời sống tinh thần của con người[3].Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày nay, quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống tinh thần, quyền của chủ thể quan hệ dân sự về các giá trị nhân thân càng có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng và cần được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm một cách đầy đủ, toàn diện trong BLDS[4].  Chúng tôi đồng tình với các quan điểm này, đồng thời bổ sung thêm ý kiến cho rằng quyền nhân thân là loại quyền của chủ thể đối với những giá trị tinh thần gắn chặt với mỗi chủ thể (không trị giá thành tiền và chuyển giao được cho chủ thể khác) và đây là khái niệm thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự, đối trọng với khái niệm quyền tài sản là quyền của chủ thể đối với tài sản (đối tượng có thể trị giá thành tiền, có thể chuyển giao được trong quan hệ dân sự). Trong lĩnh vực pháp luật dân sự, việc phân biệt hai loại quyền của chủ thể (đối với hai loại đối tượng như vậy) là để có quy định về phương thức công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền một cách phù hợp (theo phương thức đặc thù của pháp luật dân sự). Do vậy, với tính cách là luật chung của lĩnh vực pháp luật dân sự, BLDS cần quy định khái niệm quyền nhân thân, nguyên tắc công nhận, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền nhân thân và một số quyền nhân thân liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể quan hệ dân sự, không cần đưa các quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội như quy định của luật nhân quyền quốc tế hay Hiến pháp vào đây. Nội hàm khái niệm quyền con người, quyền công dân (theo luật nhân quyền quốc tế, Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia khác) không có sự phân chia thành các quyền nhân thân và quyền tài sản. Mặt khác, khái niệm quyền dân sự với tính cách là quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế[5] hay hiến pháp các nước cũng không đồng nhất với khái niệm quyền dân sự theo quy định của BLDS[6].  Để thực thi Hiến pháp, BLDS có nhiệm vụ cụ thể hoá quy định và tư tưởng của Hiến pháp về các quyền con người nhưng không phải theo cách của Hiến pháp mà theo phương thức đặc thù, không lặp lại cách quy định các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận hoặc đưa nguyên các quy định về quyền con người trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên vào[7].  Vì thế, Dự thảo không nên ghi các quyền như quyền xác định dân tộc (Điều 33), quyền đối với quốc tịch (Điều 35), quyền sống, quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ (Điều 37), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); các quyền từ Điều 37 - Điều 51 của Dự thảo. Việc không đưa vào BLDS các quyền này không có nghĩa pháp luật dân sự không công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện các quyền đó mà ngược lại, còn nhằm đảm bảo tính thống nhất, phối hợp vai trò, chức năng giữa Hiến pháp, các luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân một cách hiệu quả. BLDS đóng vai trò là luật chung của pháp luật tư - lĩnh vực pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa các cá nhân, pháp nhân được hình thành trên nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (quan hệ dân sự theo nghĩa rộng). Hiến pháp được coi là luật gốc (còn gọi là luật cha, luật mẹ hay luật cơ bản) của cả hệ thống pháp luật, có hiệu lực pháp lý cao nhất, quy định nền tảng chính trị - xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức quyền lực và bộ máy nhà nước ... Tất cả các luật khác không được trái với Hiến pháp - nguồn của mọi lĩnh vực pháp luật, trong đó có pháp luật dân sự. Với vị trí và vai trò như vậy, tuy Hiến pháp không thể quy định được hết tất cả các quyền con người, quyền công dân và Hiến pháp cũng không thể làm thay vai trò của các luật, nhưng Hiến pháp có khả năng ấn định, thiết lập những nguyên tắc có tính nền tảng hay tạo ra khuôn khổ hiến định mà các luật phải tuân theo, phù hợp. Các luật dù quy định những vấn đề cụ thể nhằm thi hành Hiến pháp, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân nhưng cũng không thể vượt qua khuôn khổ Hiến pháp, nhất là nguyên tắc đề cao quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền dân sự. Do vậy, khi quy định cụ thể về quyền con người, quyền công dân, các luật nói chung trong đó có BLDS phải dựa trên nguyên tắc hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với Hiến pháp. Từ góc độ quan hệ giữa BLDS với tính cách là luật chung của lĩnh vực pháp luật dân sự với các luật chuyên ngành (luật riêng trên từng lĩnh vực) thì vai trò của BLDS là tập trung thể hiện các nguyên tắc chung của việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền nhân thân, bên cạnh quy định một số quyền nhân thân cụ thể liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể của quan hệ dân sự. Quyền nhân thân của chủ thể quan hệ dân sự ở các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành một mặt nên được quy định tại các luật đó đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền ở mỗi lĩnh vực, đồng thời phải phù hợp với những nguyên tắc chung về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền nhân thân đã được BLDS là luật chung quy định. Mặt khác, nếu luật chuyên ngành không có quy định thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng luật phải áp dụng quy định của BLDS để bảo vệ quyền nhân thân của chủ thể.
Như vậy, rõ ràng cũng là những giá trị tinh thần, quyền con người, quyền công dân hay quyền nhân thân của chủ thể quan hệ dân sự nhưng trên mỗi góc độ pháp luật là những cách thức ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm có tính đặc thù. Trong điều kiện hiện nay, quyền con người, quyền công dân cần phải được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng đa phương thức, đa cấp độ và quyền dân sự chỉ là một trong số đó. Trên quan điểm phối hợp chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội như vậy, BLDS không cần nhắc lại những quyền đã được Hiến pháp quy định và càng không nên làm thay vai trò của các luật quy định cụ thể về các quyền nhân thân trong các lĩnh vực như hôn nhân, gia đình, lao động, kinh doanh, sở hữu trí tuệ v.v..
Xét trong mối liên hệ giữa BLDS với Hiến pháp và các luật chuyên ngành, Dự thảo đang vượt quá vai trò của mình, trong khi đó nhiều vấn đề khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình thì lại còn thiếu vắng, chẳng hạn quy định về vi phạm quyền nhân thân, chế tài xử lý vi phạm, cơ chế bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền nhân thân...
1.3. Về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp quyền nhân thân
- Tên Mục 2 là “Quyền nhân thân”, trong khi đó tên của Điều 30 trong Mục này cũng là “Quyền nhân thân”, đây là điều không hợp lý.
- Ngoài yếu tố nội dung định nghĩa khái niệm như trên đã nêu, cách thức thể hiện định nghĩa khái niệm quyền nhân thân cũng chưa có sự thống nhất, tương đồng với cách thức định nghĩa khái niệm quyền tài sản (Điều 132). Điều 30 Dự thảo: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là…” còn Điều 132 Dự thảo: “Quyền tài sản là…”. Ngoài ra, BLDS cần bảo đảm tính thống nhất và sự phối hợp chức năng khi định nghĩa ba khái niệm: quyền dân sự, quyền nhân thân và quyền tài sản. Dự thảo hiện nay chưa có định nghĩa khái niệm quyền dân sự. Mặt khác, cách định nghĩa khái niệm quyền nhân thân (và cả quyền tài sản) cũng chưa thật sự rõ ràng, chưa trực tiếp nêu dấu hiệu thuộc bản chất của khái niệm (sự vật, hiện tượng). Ở đây, nhà soạn thảo nên mô tả trực tiếp các dấu hiệu thuộc về bản chất của khái niệm: quyền nhân thân là quyền đối với giá trị nhân thân của chủ thể quan hệ pháp luật dân sự (một loại đối tượng của quan hệ dân sự, thể hiện quan hệ giữa các chủ thể thông qua đối tượng đó), sau mới nói đến đặc điểm “gắn liền với một chủ thể nhất định, không thể trị giá được bằng tiền, không thể chuyển giao cho chủ thể khác”. Đây là đặc điểm cụ thể hay hệ quả rút ra của giá trị nhân thân. Tương tự như vậy, cách định nghĩa khái niệm quyền tài sản cũng phải tương thích với cách định nghĩa quyền nhân thân, có sử dụng thủ pháp đối lập với quyền nhân thân (có thể trị giá được bằng tiền, có thể chuyển giao). Điều 39 Dự thảo vừa định nghĩa khái niệm quyền nhân thân, vừa quy định cách thức bảo vệ quyền nhân thân, việc thực hiện, bảo vệ quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình, người đã chết… là quá ôm đồm, do vậy các khoản 2, 3 Điều này phải được đưa về Chương II (Xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự). Điều 51 với cái tên “Các quyền nhân thân khác” nhưng không liệt kê các quyền đó là những quyền nào mà lại đưa ra một nguyên tắc kiểu như tuyên ngôn của Hiến pháp: “Ngoài các quyền nhân thân được quy định tại mục này, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Cách thức quy định như thế này là không phù hợp, chưa nói đến việc sử dụng từ ngữ không thống nhất. Chẳng hạn: “quyền nhân thân được quy định tại mục này” với “quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này” (Điều 30). Có thể hiểu quy định trong mục này với trong Bộ luật này là một hay còn những quyền nhân thân nào không ở mục này mà ở mục khác của Bộ luật này? Hay: “quyền nhân thân khác về dân sự”, vậy chắc còn quyền nhân thân khác không phải về dân sự?
Về cách thức sắp xếp các quy định về nhân thân và quyền nhân thân trong BLDS, chúng tôi đồng tình với ý kiến đề nghị Dự thảo nên theo trật tự logic hơn[8] thể hiện rõ tính chất đây là luật chung của lĩnh vực pháp luật dân sự, vừa cụ thể hoá nguyên tắc, quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, vừa tạo nguyên tắc, khuôn khổ chung cho các luật chuyên ngành. Theo đó, quy định về nhân thân và quyền nhân thân cần được thể hiện làm hai phần gồm các quy định chung và quy định về một số quyền cụ thể liên quan đến việc xác định tư cách chủ thể quan hệ dân sự như ở trên đã đề cập. Tuy nhiên, chúng tôi lại không đồng tình với quan điểm cho rằng BLDS quy định quyền nhân thân với tính cách là một “luật đa năng”, làm thay vai trò của các luật chuyên ngành ở các lĩnh vực khác như hôn nhân và gia đình, lao động - việc làm, kinh tế - thương mại, sở hữu trí tuệ, thậm chí là hình sự, tố tụng hình sự…[9]
2. Về quyền tài sản
2.1. Về vị trí của quyền tài sản trong cấu trúc của BLDS
Như trên đã đề cập[10], không như quyền nhân thân được quy định thành một mục (Mục 2) thuộc nội dung Chương III (Cá nhân), quyền tài sản được quy định thành một điều luật thuộc nội dung của Chương VII (Tài sản). Như vậy, theo quan niệm của nhà soạn thảo, quyền nhân thân là một nội dung của các quy định về cá nhân (một loại chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự), còn quyền tài sản lại là một nội dung trong các quy định về tài sản (một loại đối tượng trong quan hệ pháp luật dân sự). Hai loại quyền tuy cùng thống nhất hợp thành khái niệm quyền dân sự nhưng lại được xếp đặt vị trí một cách thiếu đồng bộ trong Dự thảo. Chúng ta biết rằng, nhân thân (hay giá trị nhân thân - giá trị tinh thần gắn liền với chủ thể) và tài sản là hai loại đối tượng trong quan hệ pháp luật dân sự, là những giá trị qua đó thể hiện quan hệ giữa các chủ thể pháp luật dân sự. Do vậy, nếu quyền tài sản được bố trí thành một nội dung trong nhóm quy định về tài sản thì quyền nhân thân cũng phải được đặt trong nhóm quy định về nhân thân mới bảo đảm tính đối xứng, cân bằng, nhất quán.
2.2. Về định nghĩa khái niệm, nội dung quyền tài sản
Dự thảo ghi: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền khác” (Điều 132). Cũng giống như định nghĩa quyền nhân thân nêu trên, định nghĩa này không trực tiếp mô tả dấu hiệu bản chất của khái niệm và cũng thiếu tính thống nhất với định nghĩa khái niệm tài sản. Quyền tài sản phải là quyền của chủ thể đối với tài sản - những thứ trị giá được bằng tiền và có thể là đối tượng trong quan hệ dân sự[11].Khoản 1 Điều 132 Dự thảo định nghĩa khái niệm quyền tài sản theo kiểu liệt kê quyền tài sản bao gồm hai loại là quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Ở đây cũng có sự mơ hồ vì hai loại quyền tài sản vừa nêu được nói rõ các quyền đó được quy định ở đâu (BLDS và pháp luật về sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai), còn các quyền tài sản khác được quy định ở đâu thì Dự thảo lại không đề cập.
2.3. Về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp quyền tài sản
Trong Chương VII (Tài sản), các điều luật được sắp xếp chưa theo trật tự logic (định nghĩa, phân loại, đăng ký tài sản), việc sử dụng các thuật ngữ bất động sản, động sản, vật cũng chưa hoàn toàn thống nhất với khái niệm tài sản. Việc định danh quyền của chủ thể quan hệ dân sự đối với tài sản bằng thuật ngữ “vật quyền” theo chúng tôi cũng khó hiểu với đa số người dân, chưa “hợp lý và phù hợp với tiếng Việt”, mặt khác cũng không có được “sự tương thích, ít nhất về thuật ngữ với pháp luật các nước cũng như các công ước quốc tế về tài sản và quyền tài sản”[12].  Quyền sử dụng đất được quan niệm là quyền tài sản, còn đất đai được quan niệm là bất động sản (một loại tài sản). Các quy định như vậy liệu có bảo đảm sự thống nhất và phối hợp chức năng giữa Hiến pháp, BLDS và Luật Đất đai?
 

[1] Dự thảo BLDS (sửa đổi) - bản lấy ý kiến nhân dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/QĐ-TTg ngày 02/01/2015 ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS (sửa đổi). Nguồn: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=588 &LanID=1028&TabIndex=1; truy cập ngày 10/5/2015.
[2] “Việc xác định một giá trị nhân thân là quyền nhân thân phải được pháp luật thừa nhận như là một quyền tuyệt đối của cá nhân, tổ chức. Quyền nhân thân là quyền gắn liền với một chủ thể, về nguyên tắc không thể chuyển giao cho chủ thể khác. Đó là một quyền dân sự tuyệt đối, mọi người đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân của người khác”. Xem: Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 1, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015; tr.12.
[3] TS. Bùi Đăng Hiếu, Khái niệm và phân loại quyền nhân thân, Tạp chí Luật học số 7/2009; tr.39
[4] Xem: TS. Lê Đình Nghị, Quyền nhân thân trong BLDS năm 2005 và hướng hoàn thiện, Tạp chí Luật học số 3 năm 2014; tr. 30.
[5] Xem: Bộ luật Nhân quyền quốc tế gồm: Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người năm 1948, Công ước về các Quyền dân sự, chính trị năm 1966; Công ước về các Quyền kinh tế, văn hoá, xã hội năm 1966. Nguồn:http://hr.law.vnu.edu.vn/cac_cong_uoc_chinh_ve_nhan_quyen; truy cập ngày 10/5/2015.
 
[6] Thuật ngữ “các quyền dân sự” được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về Quyền con người cũng như trong hiến pháp ở nhiều nước trên thế giới được hiểu là tập hợp những quyền được đảm bảo cho tất cả mọi người, liên quan đến lĩnh vực đời sống riêng tư gắn với mỗi cá nhân. Quyền dân sự bao gồm các quyền như: Quyền được sống; quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền được tôn trọng đời sống riêng tư, đời sống gia đình; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được đảm bảo an toàn; quyền tự do đi lại; quyền tự do kết hôn; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền có quốc tịch; quyền được đối xử bình đẳng; quyền được xét xử bởi một toà án có thẩm quyền; quyền được suy đoán vô tội … Xem: ThS. Nguyễn Linh Giang, Sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp về các quyền dân sự;
 
[7] Về vấn đề này, một mặt chúng tôi tán thành với quan điểm cho rằng không đưa nguyên các quy định về quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp (luật công) đã quy định vào Dự thảo nhưng mặt khác lại không đồng ý quan điểm này ở chỗ quá tách bạch luật công và luật tư. Chúng tôi cho rằng, BLDS cũng cần thể hiện vai trò của mình trong mối liên hệ chặt chẽ giữa luật công và luật tư, do vậy cần có cách quy định riêng đặc thù là xác định rõ các hành vi vi phạm và cơ chế bảo vệ quyền nhân thân với tính cách là quyền dân sự. Xem thêm: ThS. Nguyễn Thị Hạnh, Một số vấn đề về cấu trúc, vật quyền và trái quyền trong BLDS Đức mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi BLDS năm 2005.
 
 
[8] Xem: TS. Lê Đình Nghị, Quyền nhân thân trong BLDS năm 2005 – những bất cập và hướng hoàn thiện, Tạp chí Luật học số 3 năm 2014; tr. 30.
[9] Xem: TS. Lê Đình Nghị, tlđd.  
[10] Tinh thần những góp ý đối với Dự thảo về quyền nhân thân như đã đề cập trên cũng là để góp ý đối với Dự thảo về quyền tài sản. Bên cạnh đó, các tác giả tiếp tục đề cập thêm trong mục này một số ý kiến riêng đối với Dự thảo về quyền tài sản.
 
[11] Chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng cần xây dựng khái niệm quyền tài sản thành khái niệm đối trọng với khái niệm quyền nhân thân. Xem: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện, Cần xây dựng lại khái niệm quyền tài sản trong luật dân sự; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3/2005; tr. 16.
[12] Xem: GS,TS. Lê Hồng Hạnh, Sử dụng khái niệm quyền tài sản thay cho khái niệm vật quyền trong Dự thảo BLDS (sửa đổi); Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4/2015; tr.3.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14(294), tháng 7/2015)


Thống kê truy cập

33951536

Tổng truy cập