Kiến nghị hoàn thiện các quy định về giao dịch dân sự trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

01/08/2015

PGS,TS. TRẦN THỊ HUỆ

Trường Đại học Luật Hà Nội

Giao dịch dân sự (GDDS) là một trong những căn cứ quan trọng và phổ biến nhất làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự. Để đáp ứng được những nhu cầu điều chỉnh các GDDS, đồng thời tạo căn cứ đầy đủ và vững chắc về mặt pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp về lĩnh vực này, Ban soạn thảo đã dành riêng Chương VIII Phần thứ nhất của Bộ luật Dân sự - BLDS (sửa đổi) quy định về GDDS. Tuy nhiên, các quy định của BLDS về GDDS vẫn còn những hạn chế nhất định. Bài viết nêu một số ý kiến nhằm hoàn thiện hơn các quy định về giao dịch của BLDS (sửa đổi)[1].
Untitled_212.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
  
1. Khái niệm giao dịch dân sự
Điều 133 Dự thảo BLDS (sửa đổi)- sau đây gọi tắt là Dự thảo - quy định: "GDDS là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự". Quy định này được hiểu theo chiều hướng xác định các loại GDDS thể hiện dưới hai hình thức là hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương, hơn là khái niệm về GDDS, vì chưa phản ánh được đầy đủ bản chất của GDDS, đó là về ý chí của chủ thể trong giao dịch đối với việc xác lập quan hệ nghĩa vụ dân sự. Quan hệ nghĩa vụ dân sự được hình thành từ nhiều căn cứ khác nhau; trong đó, GDDS luôn là sự thể hiện ý chí thông qua hành vi pháp lý của người xác lập giao dịch. Vì thế, khái niệm về GDDS có thể được xây dựng như sau:GDDS là hành vi pháp lý có mục đích, thể hiện ý chí của các chủ thể nhằm xác lập quan hệ pháp luật dân sự, qua đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
2. Thiếu thống nhất trong sử dụng thuật ngữ
Điều 133 Dự thảo quy định “GDDS là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay dổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” song, tại Điều 409 Dự thảo lại có quy định: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với nhau”. Chúng tôi cho rằng, người xác lập GDDS bao giờ cũng hướng tới hình thành một quan hệ dân sự giữa mình với một hoặc nhiều chủ thể khác. Thông qua quan hệ này mà quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể có thể được phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt. Vì thế, nên quy định một cách thống nhất bằng cụm từ phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự cho cả hai Điều luật trên.
3. Diễn đạt thiếu chính xác và không thống nhất
Điểm c khoản 1 Điều 134 và Điều 135 Dự thảo không thống nhất về bản chất của thuật ngữ. Điểm c khoản 1 Điều 134 Dự thảo quy định về một trong những điều kiện có hiệu lực của GDDS là “Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội” trong khi Điều 135 Dự thảo quy định “mục đích của GDDS là lợi ích hợp pháp mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”. Cần phải hiểu là lợi ích hợp pháp mới được công nhận là mục đích của giao dịch, mà đã là lợi ích hợp pháp thì không thể đặt ra vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Cho nên, để đảm bảo các quy định của Bộ luật mang tính thống nhất trong trường hợp này thì nên bỏ từ "hợp pháp" trong Điều 135 Dự thảo.    
4. Về năng lực chủ thể trong giao dịch dân sự
Điểm a khoản 1 Điều 134 Dự thảo quy định: "Chủ thể có năng lực pháp luật, năng lực hành vi phù hợp với GDDS được xác lập". Đây là quy định bổ sung tích cực về điều kiện chủ thể so với BLDS hiện hành: "Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự". Bởi lẽ, không thể có chủ thể của quan hệ pháp luật không có năng lực pháp luật mà lại có năng lực hành vi.
Tuy nhiên, về mặt thuật ngữ chưa thật sự chính xác. Mặc dù, năng lực pháp luật, năng lực hành vi tạo thành năng lực chủ thể pháp luật, nhưng, năng lực hành vi của chủ thể quan hệ pháp luật tùy thuộc vào quan hệ pháp luật mà chủ thể tham gia, không mang tính thống nhất đồng loạt, mà tùy thuộc vào các đặc điểm của mỗi ngành luật, thậm chí từng chế định luật. Vì thế, điểm a khoản 1 Điều 134 Dự thảo cần được quy định lại như sau: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với GDDS được xác lập”.
5. Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch dân sự
Điểm c khoản 1 Điều 134 Dự thảo quy định: "Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội".
Mục đích của GDDS là những lợi ích về vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể muốn đạt được khi tham gia GDDS. Tuy nhiên, theo Điều 135 Dự thảo: “Mục đích của GDDS là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”. Nội dung của GDDS là sự tổng hợp các điều khoản mà một hoặc các bên xác lập GDDS đó đưa ra hoặc thỏa thuận với nhau. Các điều khoản này xác định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể tham gia vào giao dịch đó, đồng thời cũng xác định trách nhiệm dân sự của các chủ thể đó trong trường hợp các chủ thể này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cam kết. Nếu các chủ thể tham gia xác lập GDDS thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ dân sự đã cam kết khi xác lập GDDS thì họ sẽ thỏa mãn được các nhu cầu mà họ mong muốn đạt được. Qua đó có thể thấy rằng, mục đích của GDDS có thể được biểu hiện thông qua các điều khoản cụ thể trong GDDS hay nói cách khác nó được biểu hiện thông qua chính nội dung của GDDS.
Một GDDS muốn được coi là có hiệu lực pháp luật thì trước hết nội dung của GDDS đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Một GDDS sẽ bị coi là bất hợp pháp khi nội dung và mục đích của nó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với thuần phong, mỹ tục và trật tự công cộng xã hội. Điểm c khoản 1 Điều 134 Dự thảo quy định: “Mục đích và nội dung của giao dịch là không vi phạm điều cấm của pháp luật”. Điều 139 Dự thảo quy định về điều cấm của pháp luật như sau: “...Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Cũng theo Điều 139 Dự thảo thì đạo đức xã hội được định nghĩa: “...Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Tuy nhiên, để có hiệu lực thì nội dung và mục đích của giao dịch không chỉ "không vi phạm điều cấm" mà phải rộng hơn, đó là "không trái pháp luật". Điều này căn cứ vào tính chất của đa phần quy phạm pháp luật dân sự là đều mang tính chỉ dẫn và hướng dẫn các chủ thể tuân theo trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, GDDS là cơ sở pháp lý quan trọng áp dụng chung cho nhiều quy định cụ thể khác của BLDS, đặc biệt là các quy định về hợp đồng dân sự và các luật chuyên ngành liên quan khác. Theo quy định tại Điều 134 Dự thảo thì chỉ có yêu cầu về mục đích và nội dung mới định rõ là không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều văn bản liệt kê một số hành vi của chủ thể được phép thực hiện mà không nói gì đến các hành vi không được liệt kê nên đã dẫn tới cách hiểu hành vi không được liệt kê bị coi là cấm, những đối tượng của giao dịch, những quyền của chủ thể trong hợp đồng dân sự thông dụng... không được liệt kê có bị coi là cấm? Để khắc phục bất cập nêu trên, theo chúng tôi có hai phương án:
Một là, cấm thì phải nói rõ và không thể suy đoán bị cấm. Chính vì vậy, trong khái niệm điều cấm nêu trên, chúng ta nên làm rõ hơn theo hướng cấm là phải nói rõ và khi không nói rõ thì không được suy đoán là cấm. Cụ thể: “Điều cấm của luật là những quy định của luật định rõ không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”. Như vậy, “định rõ” để chỉ chấp nhận điều cấm khi đó là quy định nêu rõ là cấm.
Hai là, sửa lại theo quy định của BLDS năm 1995"Mục đích và nội dung của giao dịch là không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội".
6. Về giao dịch dân sự vô hiệu
Điều 127 BLDS năm 2005 quy định: “GDDS không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Ngoài trường hợp vô hiệu do vi phạm Điều 122 như trên, BLDS năm 2005 còn có các điều khoản cụ thể nêu các trường hợp GDDS vô hiệu như Điều 128 (GDDS vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội), Điều 129 (GDDS vô hiệu do giả tạo), Điều 130 (GDDS vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện), Điều 131 (GDDS vô hiệu do bị nhầm lẫn), Điều 132 (GDDS vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa), Điều 133 (GDDS vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình), Điều 134 (GDDS vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức). Như vậy, những trường hợp vô hiệu quy định tại các Điều từ 128 đến 134 đã cụ thể hóa trường hợp vô hiệu do không tuân thủ các điều kiện như quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005, nên sự tồn tại của Điều 127 là không cần thiết.
7. Về giao dịch dân sự có điều kiện
Điều 137 Dự thảo không có gì thay đổi so với Điều 125 BLDS năm 2005 về GDDS có điều kiện, bộc lộ hạn chế của quy định này là sự thiếu hụt. Điều 137 Dự thảo quy định:
1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS thì khi điều kiện đó xảy ra, GDDS phát sinh hoặc hủy bỏ.
2. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc huỷ bỏ GDDS xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.
Như vậy, căn cứ để có sự kiện này là do “các bên có thỏa thuận”; sự thỏa thuận chỉ được áp dụng đối với hợp đồng mà không thể áp dụng đối với hành vi pháp lý đơn phương vì chỉ có hợp đồng mới có được sự thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch có thể xảy ra đối với cả hành vi pháp lý đơn phương như hứa thưởng, thi có giải, lập di chúc… Sự thể hiện ý chí của một bên sẽ trở thành GDDS nếu xuất hiện một chủ thể khác đáp ứng được các điều kiện mà chủ thể ban đầu đưa ra làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
 Vì thế, quy định này cũng cần phải được nghiên cứu, sửa đổi cho hợp lý.
Chúng tôi đưa ra phương án khắc phục: "Trường hợp chủ thể của giao dịch đưa ra điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ GDDS thì khi điều kiện đó xảy ra GDDS phát sinh hoặc bị hủy bỏ".
8. Về tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
 Các quy định từ Điều 141 đến Điều 144 Dự thảo là các quy định liên quan tới quyền tuyên bố GDDS vô hiệu. BLDS năm 2005 quy định quyền tuyên bố GDDS vô hiệu thuộc về Tòa án,các chủ thể được quy định tại các Điều luật này chỉ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố GDDS vô hiệu, nhưng Dự thảo lại quy định chính những chủ thể này có quyền tuyên bố GDDS sự vô hiệu. Quy định này không hợp lý, đồng thời cũng không đảm bảo được sự ổn định của các GDDS được xác lập trên thực tế. Đây là vấn đề mà thiết nghĩ cần phải được xem xét lại. Chúng tôi thấy, nên giữ nguyên quy định về chủ thể có quyền tuyên bố GDDS như quy định tại BLDS năm 2005.
9. Về giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức
Điều 145 Dự thảo quy định:
1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của GDDS mà hình thức đó không được tuân thủ thì GDDS đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể GDDS đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với GDDS đó;
b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của GDDS trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì GDDS đó bị vô hiệu.
2. Các khiếm khuyết thuộc về kỹ thuật văn bản không bị coi là vi phạm quy định về hình thức. Trường hợp những khiếm khuyết này dẫn tới cách hiểu khác nhau thì được giải thích theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này.
Quy định tại khoản 2 Điều luật này không phải dự liệu về hình thức pháp lý mà liên quan tới vấn đề nội dung của GDDS bị khiếm khuyết, do vậy, không nên để quy định này ở phần hình thức của giao dịch mà nên bố trí sang phần giải thích GDDS./.

 


 
[1] Theo Nghị quyết của Quốc hội, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 5/1/2015. Xem toàn văn Dự thảo tại: http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Du-thao-Bo-luat-Dan-su/217494.vgp
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 15(295), tháng 8/2015)


Thống kê truy cập

33950570

Tổng truy cập