Vấn đề “nguyên tắc tập trung dân chủ” trong tổ chức, hoạt động của đảng và Nhà nước

01/05/2015

PGS. TS. NGUYỄN HỮU ĐỔNG

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ở nước ta hiện nay, "nguyên tắc tập trung dân chủ"[1] được coi là vấn đề mang tính đặc trưng trong tổ chức, hoạt động của Đảng và Nhà nước. Các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được quy định cụ thể tại Điều 9, Điều lệ Đảng. Một trong các nội dung của nguyên tắc đó được xác định là "thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách"[2]. Nội dung này cũng đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013 và một số đạo luật, văn bản của Nhà nước. Do vậy, bài viết này chủ yếu tập trung phân tích, làm rõ việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong Đảng và bộ máy nhà nước chủ yếu dựa vào quan điểm của Hồ Chí Minh trong bài báo Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách viết vào tháng 9 năm 1948. Cách làm việc này đã được Hồ Chí Minh phân tích, làm rõ không chỉ trong bài báo đó mà còn ở nhiều tác phẩm, bài báo khác, đặc biệt trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết trước đó một năm
Tập thể lãnh đạo là một khái niệm được V.I.Lênin nêu ra vào những năm đầu của thế kỷ XX, khi Đảng cộng sản (b) Nga lãnh đạo thực hiện cuộc cách mạng XHCN lúc bấy giờ. Để hiểu rõ nội hàm của khái niệm này, cần nhận thức rõ khái niệm "lãnh đạo". Lãnh đạo với nghĩa một động từ được các nhà nghiên cứu Lãnh đạo học hiện đại xác định là khái niệm chỉ sự hoạt động của chủ thể là cá nhân (người lãnh đạo) và hoạt động đó không sử dụng đến công cụ quyền lực (quyền lực mang tính cưỡng chế, ép buộc). Nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng: "lãnh đạo là khả năng giành được sự tin tưởng và ủng hộ từ những người cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu của tổ chức"; lãnh đạo là "nghệ thuật gây ảnh hưởng đến người khác thông qua biện pháp thuyết phục hoặc làm gương để tuân thủ cùng một chuỗi mô hình hành động"[3]. Khi người lãnh đạo gắn hoạt động lãnh đạo của cá nhân với hoạt động quản lý hay chỉ đạo (phụ trách điều hành), lúc đó hoạt động của cá nhân người lãnh đạo mới có sử dụng công cụ quyền lực (dùng các công cụ hỗ trợ thực thi pháp luật, các quy định, quy chế....). Từ đó có thể thấy rằng, việc sử dụng công cụ quyền lực của những người có "chức trách" (người lãnh đạo) chính  là do xuất phát từ hoạt động quản lý hay chỉ đạo, điều hành của họ mà có.
Với nghĩa là một động từ, khái niệm tập thể lãnh đạo mà Lênin nêu ra được hiểu là sự lãnh đạo của tập thể gồm nhiều người, lãnh đạo mang tính tập thể, hay "lãnh đạo tập thể". Lãnh đạo tập thể có nghĩa là phải thông qua "thảo luận" của tập thể để đề ra các chủ trương, chính sách cũng như các biện pháp thực hiện và ghi nhận chúng trong các nghị quyết. Lãnh đạo tập thể có vai trò to lớn nhằm phát huy trí tuệ của tập thể, đảm bảo được dân chủ và là yêu cầu cần thiết đối với các chủ thể cầm quyền. Lênin cho rằng: "Lãnh đạo tập thể là điều cần thiết để giải quyết các công việc của nhà nước công nông"[4]. Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu cầm quyền của Đảng cộng sản (b) Nga, do không xác định rõ được trách nhiệm của chủ thể lãnh đạo, đồng thời có sự lệch lạc trong vận dụng nên việc lãnh đạo tập thể đã bộc lộ những bất cập, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Khi đúc kết cách lãnh đạo đó từ thực tiễn lúc bấy giờ, Lênin đã viết: "Hiện tượng thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tai hại nguy hiểm nhất đối với tất cả những người chưa từng có thật nhiều kinh nghiệm về công tác tập thể thực tiễn, và thường thường, trong những việc quân sự, thì hiện tượng thiếu trách nhiệm đó tất nhiên dẫn đến tai biến, đến tình trạng hỗn loạn, kinh hoàng, đến tình trạng quyền lực phân tán, đến thất bại"[5]. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, những bất cập trong cách lãnh đạo này lúc bấy giờ cũng diễn ra không ít, và Lênin đã yêu cầu cần phải khắc phục bằng mọi biện pháp. Ông nêu rõ: "mọi sự thái quá về lãnh đạo tập thể, mọi sự lệch lạc đưa đến tình trạng chậm chạp quan liêu thiếu tinh thần trách nhiệm, mọi sự chuyển biến các cơ quan lãnh đạo tập thể thành chỗ bàn cãi suông, đều là những tai hại rất lớn, cần phải chấm dứt cho bằng được, hết sức mau chóng, không được ngại dùng bất cứ biện pháp nào"[6].
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, khi nói về tập thể lãnh đạo thì không có nghĩa các công việc, hoạt động lãnh đạo là chỉ thích hợp cho tập thể, còn cá nhân thì không. Hồ Chí Minh cho rằng, các cá nhân cũng lãnh đạo, thậm chí sự lãnh đạo của cá nhân lại là cơ bản. Điều này đã được Hồ Chí Minh phân tích kỹ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc khi bàn trong một mục riêng về "Cách lãnh đạo" của những người lãnh đạo, đảng viên của Đảng. Theo Người, cá nhân lãnh đạo là nói đến cách thức của người lãnh đạo khi thực hiện công việc là phải luôn có sáng kiến, có kế hoạch rõ ràng, biết tổng kết, gắn lý luận với thực tiễn, gần gũi gắn bó với nhân dân, biết cổ vũ, động viên, đặc biệt là có trách nhiệm cao, biết làm gương để thuyết phục trong lãnh đạo. Với cách hiểu như vậy, lãnh đạo cũng được nhìn nhận là hoạt động không sử dụng tới công cụ quyền lực. Còn nói về tập thể lãnh đạo, Người chủ yếu nói đến cách làm việc của một tập thể đông người với tư cách các "đại biểu" như trong "đại hội" hay "hội đồng" thực hiện trao đổi, thảo luận vạch ra các cương lĩnh, đường lối, chính sách chủ yếu, quan trọng nhất. Hồ Chí Minh đã nêu rõ nội hàm của khái niệm tập thể lãnh đạo như sau: "Chính quyền thì có những Hội đồng. Các đoàn thể thì có những Ủy ban. Đó là tập thể lãnh đạo"[7]. Từ đây có thể nhận thấy rằng, cách thức làm việc tập thể lãnh đạo là có cả ở trong Đảng và bộ máy nhà nước. Cách thức làm việc tập thể lãnh đạo trong bộ máy nhà nước thể hiện ở các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân; còn trong Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội thì cách thức làm việc tập thể lãnh đạo thể hiện ở các "đại hội", "hội nghị" đại biểu của các tổ chức đó. Điều đó cũng có nghĩa là cách thức làm việc tập thể lãnh đạo chỉ thích hợp cho các tập thể là cơ quan gồm các "đại biểu", tức các cơ quan đề ra cương lĩnh, đường lối hoặc pháp luật, chính sách. Còn các tập thể khác, chẳng hạn như các cấp ủy, thường trực cấp ủy trong Đảng, các hình thức "Hội đồng Nhà nước", "Hội đồng Bộ trưởng" như đã được duy trì một thời trước đổi mới, hay Chính phủ, các Ủy ban nhân dân, các ban lãnh đạo của các bộ, ngành, sở trong bộ máy nhà nước hiện nay chỉ là các tập thể (cơ quan) chỉ đạo, tức điều hành thực hiện nhiệm vụ. Bởi những người trong các tổ chức đó không phải là các đại biểu, họ đều có vai trò "phụ trách" với tư cách cá nhân, các "thành viên", "ủy viên" đảm nhận các chức vụ, lĩnh vực công việc nhất định nào đó trong tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Cá nhân phụ trách là một khái niệm cũng được Lênin nêu ra. Phụ trách là khái niệm muốn nói đến một chủ thể hay cá nhân "đảm nhận và chịu trách nhiệm về công việc nào đó"[8]. Phụ trách là thuật ngữ có nội hàm bao gồm hai vấn đề gắn kết với nhau trong cùng một công việc của chủ thể (lãnh đạo, quản lý): vấn đề thẩm quyền (quyền hạn) được trao thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo hoặc quản lý, điều hành công việc và vấn đề chịu trách nhiệm thực hiện các công việc đó. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là hai cách thức làm việc gắn bó chặt chẽ với nhau, trở thành một nguyên tắc và rất cần thiết trong quá trình thực hiện công việc của các chủ thể lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, trong những năm cầm quyền ở nước Nga Xô-Viết trước đây, cùng với những bất cập do không quy định rõ trách nhiệm trong cách làm việc tập thể lãnh đạo, Lênin cũng đã nhận thấy rõ cả những bất cập đó trong cách làm việc "cá nhân phụ trách". Lênin đã viết: "Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người. Vì không biết vận dụng nguyên tắc này nên cứ mỗi bước đi, chúng ta lại bị khốn đốn"[9].
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, khi nói về cá nhân phụ trách thì không có nghĩa sự phụ trách các công việc là chỉ dành cho cá nhân, còn tập thể thì không. Hồ Chí Minh cho rằng, tập thể cũng có phụ trách, thậm chí phụ trách của tập thể không phải chỉ là "một nhóm người"[10] mà có khi của cả hàng chục người, như cấp ủy của Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến và kiến quốc trước đây, Hồ Chí Minh đã nêu rõ các cách làm việc như vậy. Người đã nói về việc phụ trách của các cấp ủy đảng tỉnh Nghệ An khi về đó thăm như sau: "Tỉnh ủy phải phụ trách.... phát triển không tốt là Tỉnh ủy phụ trách không đầy đủ"[11]. Từ quan niệm của Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng, "phụ trách" là cách làm việc của chủ thể (cá nhân hay tập thể) nhưng luôn phải gắn quyền hạn với trách nhiệm của chủ thể trong lãnh đạo hoặc chỉ đạo, điều hành các công việc. Khi nói về trách nhiệm của cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng, tinh thần trách nhiệm của cá nhân cán bộ, đảng viên biết vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tức cũng là nhân dân giao phó, là vô cùng quan trọng. Tinh thần trách nhiệm đó thể hiện ở sự gắn bó chặt chẽ giữa ba nội dung cơ bản là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ[12].
Thực tế, việc vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở nước ta trong những năm vừa qua cho thấy, vấn đề cốt lõi là cơ chế chịu trách nhiệm trong nguyên tắc này đã không được nhìn nhận thấu đáo và xác định rõ ràng. Tình trạng vô trách nhiệm, đùn đẩy, đổ lỗi trách nhiệm đã diễn ra khá phổ biến trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ điều đó và nhấn mạnh: "Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân"[13].
Từ những điều được phân tích ở trên, chúng tôi xin đề xuất một số yêu cầu mang tính giải pháp cho việc vận dụng nguyên tắc này nhằm đáp ứng với thực tiễn tổ chức, hoạt động của Đảng và bộ máy nhà nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở nước ta hiện nay như sau:
Thứ nhất, cần phân định rõ chức năng lãnh đạo, chức năng chỉ đạo (quản lý, điều hành) của các cơ quan của Đảng.
Đây là yêu cầu cần thiết để xác định rõ chức năng, trách nhiệm của các cơ quan của Đảng, đồng thời nâng cao được năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay. Cần nhận thức rõ rằng, đại hội của Đảng ở các cấp chính là các cơ quan có chức năng lãnh đạo (cơ quan lãnh đạo), tức các "đại biểu" trong đại hội thảo luận, đề ra các cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng tùy theo nhiệm vụ ở mỗi cấp; còn các ban chấp hành của Đảng ở các cấp là các cơ quan có chức năng chỉ đạo (cơ quan điều hành), tức các "ủy viên" trong ban chấp hành đưa ra các chủ trương, biện pháp để chỉ đạo, điều hành thực hiện các cương lĩnh, đường lối đã được đại hội đề ra tùy theo nhiệm vụ ở mỗi cấp. Từ nhận thức đó, cần phải trở lại quan điểm của Đảng trong việc nhìn nhận các ban chấp hành chỉ là các "cơ quan chỉ đạo"[14] giữa hai nhiệm kỳ đại hội như đã được xác định trong Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951). Điều đó có nghĩa, các ban chấp hành của Đảng tuy hiện nay được gọi là các cơ quan lãnh đạo nhưng thực chất là có chức năng chỉ đạo trong nội bộ Đảng. Thực tế cho thấy, các ban chấp hành của Đảng đều bao gồm các ủy viên được giao phụ trách, thực hiện việc chỉ đạo, điều hành các cơ quan, lĩnh vực công việc tùy theo nhiệm vụ của Đảng ở mỗi cấp. Chẳng hạn, người đứng đầu Đảng ở mỗi cấp được coi là người chỉ đạo điều hành ban chấp hành ở cấp đó; mỗi ủy viên ban chấp hành là người chỉ đạo điều hành các ban chấp hành ở cấp dưới hoặc các lĩnh vực công việc khác nhau. Do vậy, các nghị quyết của các ban chấp hành của Đảng không thể được nhìn nhận như các văn kiện để lãnh đạo, tức định hướng đường lối chung rồi thể chế hóa vào pháp luật cũng như các văn bản dưới luật như hiện nay chúng ta đang thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải có sự đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng[15], tức chuyển đổi từ thể chế "Đảng lãnh đạo Nhà nước" sang thể chế "Đảng cầm quyền" - thể chế phù hợp với việc phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Khi thực hiện thể chế "Đảng cầm quyền", thì các nghị quyết về chủ trương, biện pháp điều hành, quản lý các mặt của đời sống kinh tế - xã hội do cơ quan ban chấp hành của Đảng xây dựng, tổ chức chỉ đạo thực hiện như hiện nay sẽ phải được tiến hành ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước các cấp như Quốc hội, các Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đồng thời các cơ quan, tổ chức, đơn vị này trực tiếp tổ chức lãnh đạo hoặc chỉ đạo thực hiện tùy theo chức năng của mình. Đồng thời, lúc đó các nghị quyết (thực chất là các chỉ thị) của các ban chấp hành của Đảng sẽ chỉ còn tập trung vào việc chỉ đạo nội bộ, tức làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; công tác quần chúng, xây dựng Đảng; quản lý và đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng vững mạnh, có năng lực, phẩm chất tốt, uy tín cao, có khả năng đảm đương các công việc của Đảng và Nhà nước, cũng như để sẵn sàng giới thiệu, ứng cử vào các chức danh chủ chốt của bộ máy nhà nước.
Thực tế ở các quốc gia có nhà nước pháp quyền hoàn thiện trên thế giới hiện nay cũng cho thấy, phương thức cầm quyền của các đảng cầm quyền ở các quốc gia đó là không thực hiện cách thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của ban chấp hành của đảng đó vào pháp luật, chính sách như ở nước ta. Phương thức cầm quyền của các đảng cầm quyền hiện nay thường là thông qua các đảng viên trong đảng đoàn ở nghị viện, chính phủ để trực tiếp chi phối việc xây dựng pháp luật, thực hiện chính sách theo định hướng của cương lĩnh hoặc đường lối chính trị được đảng đó vạch ra tại các đại hội. Phương thức cầm quyền như vậy là đảm bảo được dân chủ vì phát huy được trí tuệ của cả xã hội, của người ngoài đảng cầm quyền trong bộ máy nhà nước và xã hội thông qua việc tranh luận, phản biện đối với các chủ trương, biện pháp của những người lãnh đạo đảng cầm quyền, từ đó hiệu quả cầm quyền được nâng cao.  
Việc đổi mới thể chế "Đảng lãnh đạo Nhà nước" sang thể chế "Đảng cầm quyền" như nêu ở trên về thực chất chính là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn để thực hiện chuyển đổi cách thức "cầm quyền bằng nghị quyết" của các "nhà cầm quyền" hiện nay sang cách thức "cầm quyền theo luật" nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở nước ta.
Thứ hai, cần phân định rõ chức năng lãnh đạo, chức năng chỉ đạo (quản lý, điều hành) của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Đây là yêu cầu rất cần thiết để xác định rõ chức năng và từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể, cơ quan trong bộ máy nhà nước. Cần nhận thức rõ rằng, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là các cơ quan có chức năng lãnh đạo (cơ quan lãnh đạo) trong bộ máy nhà nước, tức phải gắn thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc lập pháp, giám sát, ban hành luật, các đường lối, chính sách về phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tùy vào vai trò, nhiệm vụ của mỗi cấp. Chẳng hạn, Quốc hội có thẩm quyền là cơ quan lập pháp. Trong khi đó, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ như các Bộ, Ủy ban nhân dân (cơ quan hành chính) là các cơ quan có chức năng chỉ đạo (cơ quan điều hành), tức các "thành viên", "ủy viên" của các cơ quan này phải gắn thẩm quyền và trách nhiệm của mình trong việc đưa ra các chủ trương, biện pháp (quyết định, chỉ thị, thông tư...) để chỉ đạo (điều hành, quản lý) thực hiện các đường lối, chính sách mà cơ quan lãnh đạo đã đề ra tùy vào vai trò, nhiệm vụ của mỗi cấp. Chẳng hạn, Chính phủ có thẩm quyền là cơ quan hành pháp. Do vậy, cá nhân những người đứng đầu các cơ quan hành pháp (hành chính) này phải được coi là những người lãnh đạo (người có chức vụ) có thẩm quyền "phụ trách" chỉ đạo, điều hành Chính phủ hoặc điều hành Bộ, chính quyền địa phương các cấp. Những người lãnh đạo với các chức trách nhất định này phải chịu trách nhiệm về những quyết định theo thẩm quyền được trao trong quá trình chỉ đạo, điều hành của mình. Việc đề cao ý thức trách nhiệm của những người này trong chỉ đạo điều hành công việc cần phải được nhìn nhận là nguyên lý cơ bản của tổ chức cơ quan hành pháp. Đây được coi là vấn đề rất cơ bản để xác định rõ thẩm quyền gắn với trách nhiệm của cá nhân, thực hiện việc "cột chặt trách nhiệm" đối với những người được giao phụ trách như quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nêu ra mới đây: "Không có gì bằng trách nhiệm hết, làm sao cột chặt trách nhiệm, anh nào quyết định phải chịu trách nhiệm rõ ràng, đừng có tập thể chung chung"[16].
Từ nhận thức nêu trên, cần xem xét lại một số vấn đề về chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng... trong cơ quan hành pháp (điều hành) như đã được hiến định trong Hiến pháp, văn bản pháp luật. Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận lại việc phân định chức năng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý" trong cơ chế vận hành hay mối quan hệ giữa "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" như đã được xác định (chế định) trong các văn bản, tài liệu của Đảng và Nhà nước. Cơ chế vận hành hay mối quan hệ này về thực chất là xác định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đồng thời phân định ra các chức năng giữa Đảng và Nhà nước để thực thi quyền lực trong bộ máy cầm quyền nhằm đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, việc phân định ra các chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước như vậy là không khoa học xét về mối quan hệ giữa hai chủ thể đó trong bộ máy cầm quyền[17]. Cần nhận thức rõ rằng, Đảng cũng vừa có chức năng lãnh đạo, vừa có chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành tùy theo nhiệm vụ của các cơ quan trong tổ chức bộ máy của Đảng; Nhà nước cũng vừa có chức năng lãnh đạo, vừa có chức năng chỉ đạo, quản lý, điều hành tùy theo nhiệm vụ của các cơ quan trong tổ chức của bộ máy nhà nước. Theo chúng tôi, việc vận hành phương thức thực thi quyền lực để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay cần phải dựa trên nền tảng của thể chế "Đảng cầm quyền", tức là Đảng phải hóa thân vào Nhà nước[18] để trực tiếp thực hiện vai trò cầm quyền (lãnh đạo và chỉ đạo, điều hành của cá nhân đảng viên) theo cơ chế "phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp"[19]. Cơ chế này về thực chất ở các quốc gia phát triển hiện nay là thực hiện "tam quyền phân lập" - một kiểu thực thi quyền lực của nhà nước dân chủ tư sản mà Lênin cũng đã từng nhìn nhận có thể áp dụng nó bằng sự cầm quyền trực tiếp của giai cấp vô sản vào thời kỳ đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Ông cho rằng, trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản "không những vẫn còn pháp quyền tư sản mà vẫn còn cả nhà nước kiểu tư sản nhưng không có giai cấp tư sản!"[20]. Ở nước ta, Đảng trở thành đảng cầm quyền cũng chính là do được lòng dân. Việc thực hiện vai trò cầm quyền của Đảng về thực chất là phải xác định rõ được tính chính đáng của sự cầm quyền, phương thức cầm quyền, xây dựng cơ chế tối ưu để nhân dân có thể cầm quyền hay nhân dân nắm chính quyền thật sự như Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: "Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy"[21]. Điều đó cho thấy, cần nhận thức rõ rằng, sự cầm quyền của Đảng hay áp dụng thể chế "Đảng cầm quyền" thay cho thể chế "Đảng lãnh đạo Nhà nước", đồng thời thực hiện cơ chế "phân quyền" thay cho cơ chế "tập quyền", tức quyền lực nhà nước có sự phân công, kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cốt để quyền lực đó thực thi "sao cho được lòng dân" chính là cơ chế phù hợp, thiết thực và hiệu quả, có thể đảm bảo được quyền làm chủ của nhân dân ở nước ta hiện nay.
Từ những vấn đề được phân tích ở trên, cũng cần nhận thức cho đúng hơn một số vấn đề về nguyên tắc "tập trung dân chủ" trong tổ chức bộ máy thực thi quyền lực (bộ máy cầm quyền) nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy thực thi quyền lực rất cần phải được nhìn nhận từ vấn đề cốt lõi là chức năng và thẩm quyền gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong bộ máy đó. Điều đó có nghĩa, mỗi chủ thể là tổ chức hay cá nhân trong bộ máy cầm quyền của Quốc gia đều có các chức năng, thẩm quyền do nhân dân "trao cho" và "quy định" trách nhiệm với các hình thức khác nhau, tức mọi chủ thể đều phải bị kiểm soát theo một cơ chế nhất định, và do vậy không thể có một cơ quan quyền lực nào cao nhất (đứng trên) so với các cơ quan khác cùng cấp trong bộ máy cầm quyền. Chỉ có thể nhận thức đúng khi cho rằng, "quyền lực cao nhất" (quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất) trong quốc gia là nhân dân (toàn dân) - người có chủ quyền "tối thượng" thể hiện qua văn bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết. Từ đó có thể thấy rằng, rất cần thiết phải nhận thức cho đúng hơn, đồng thời nghiên cứu thực hiện một số vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước chủ yếu dưới đây:
Một là, cần nghiên cứu, xây dựng Luật Trưng cầu ý dân[22] như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ ra, đồng thời phải tiến hành thực hiện "phúc quyết" của toàn dân đối với Hiến pháp. Chỉ khi nào thực hiện được các điều này thì Hiến pháp ở nước ta mới có quyền lực tối thượng và nhân dân cũng mới có thể có quyền làm chủ theo đúng nghĩa. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu lập ra Tòa án hiến pháp để ngăn ngừa các hiện tượng vi hiến có thể xảy ra. Điều đó đồng nghĩa với việc phải nghiên cứu xây dựng cơ chế "kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Chẳng hạn, nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát đối với Quốc hội (cơ quan lập pháp), hoặc cơ chế buộc phải "từ chức" của Chính phủ (cơ quan hành pháp), cụ thể là đối với Thủ tướng, các bộ trưởng... một khi các chủ thể này vi phạm nghiêm trọng các vấn đề liên quan đến "thẩm quyền" và "trách nhiệm".
Hai là, cần phải nhận thức rõ rằng, Quốc hội chỉ được coi là cơ quan có chức năng lãnh đạo (cơ quan lãnh đạo) cao nhất so với các cơ quan lãnh đạo khác là Hội đồng nhân dân các cấp, tức Quốc hội là cơ quan lập pháp, chủ yếu xây dựng, ban hành pháp luật, các nghị quyết (chính sách) về các vấn đề quan trọng của đất nước..., chứ không phải là "cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" như đã được khẳng định tại Điều 69 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Quốc hội cũng không thể được coi là cơ quan có toàn quyền bầu ra người đứng đầu cơ quan hành pháp (Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng)[23] như hiện nay. Do vậy cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế để nhân dân trực tiếp bầu ra chức danh người đứng đầu cơ quan hành pháp (đứng đầu nhà nước). Thực hiện được các điều này sẽ góp phần bảo đảm về thực chất mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân ở nước ta.
Ba là, phải nhận thức rõ rằng, quyền lực của Đảng rất cần phải được "hóa thân" vào Nhà nước để trở thành một chủ thể cầm quyền duy nhất trong quốc gia, chứ không phải có sự tách rời ra hai chủ thể cầm quyền là Đảng và Nhà nước như trong thể chế "Đảng lãnh đạo Nhà nước" hiện nay. Thể chế này có khá nhiều bất cập, bởi về thực chất là đã "Đảng hóa" Nhà nước, tức Nhà nước mặc dù là người "đại diện" (nhân dân ủy thác ra) thực thi quyền lực của nhân dân nhưng lại chỉ như công cụ thực thi dưới quyền lực của Đảng. Điều này làm cho Đảng như là “đang đứng trên” cả nhân dân - chủ thể phải có quyền lực cao nhất. Ngoài ra, thể chế đó đã thiếu sự ràng buộc (bắt buộc) Đảng phải được "lòng dân" (làm tròn trách nhiệm với dân) để có thể luôn giữ vai trò "lãnh đạo Nhà nước".
Việc áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức bộ máy cầm quyền theo hướng nêu trên sẽ phù hợp với thể chế "Đảng cầm quyền". Thể chế này về thực chất là quyền lực của Đảng đã được "ẩn giấu" trong quyền lực của Nhà nước, làm cho quyền lực của Đảng không bao trùm lên cả xã hội như hiện nay, từ đó có thể đạt được "văn hóa cầm quyền"[24] của Đảng; đồng thời tạo ra sự ràng buộc đối với Đảng là muốn có được vị thế "cầm quyền" thì tất yếu phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân, phải "làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu"[25] để từ đó nhân dân mới "bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền" của mình như Hồ Chí Minh đã nêu rõ. Thể chế "Đảng cầm quyền" như vậy về thực chất cũng chính là nhân dân cầm quyền hay nhân dân nắm chính quyền - những người giữ vị trí "chủ quyền nhân dân" (quyền lực tối thượng) hay "mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân" như Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Thứ ba, cần nhận thức và phân định rõ chức năng lãnh đạo, chức năng chỉ đạo (quản lý, điều hành) của các cá nhân cán bộ, đảng viên có các chức trách nhất định trong hệ thống chính trị[26].
 Đây là yêu cầu cần thiết để xây dựng cơ chế nâng cao trách nhiệm cá nhân của những người có chức trách trong hệ thống chính trị. Như trên đã phân tích, chức năng hay hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo là thực tế khách quan đối với các cá nhân, nhất là đối với những người có các vị trí, có "chức vụ". Lãnh đạo và chỉ đạo là hai hoạt động khác nhau nhưng gắn kết với nhau của các cá nhân cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo (những người đảng viên có chức vụ). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Hồ Chí Minh đã phân biệt rất rõ cách làm việc đối với con người nói chung và với nhân dân nói riêng của những người lãnh đạo. Những người lãnh đạo làm việc với con người nói chung hay với nhân dân nói riêng thường theo hai cách: cách dân chủ và cách quan liêu (chỉ đạo, quản lý, điều hành theo luật, quy định...). Hai cách này đã được Hồ Chí Minh phân tích rõ thông qua hoạt động của các cá nhân người lãnh đạo. Theo Hồ Chí Minh, những người lãnh đạo khi làm việc với con người, đặc biệt với dân chúng thì tốt nhất là làm theo cách thứ nhất - cách dân chủ. Cách làm việc này đã được Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bàn kỹ trong tác phẩm và đề cập nhiều trong mục riêng "Cách lãnh đạo" như đã nêu ở trên.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng cũng đã xác định rõ: "Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị"[27]. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng có nghĩa là sự lãnh đạo của tập thể, hay "tập thể lãnh đạo", tức sự lãnh đạo gắn với các "đại hội", "hội nghị" đại biểu để xây dựng các cương lĩnh, đường lối thể hiện trong các nghị quyết. Cần hiểu rằng, lãnh đạo tập thể trong Đảng về thực chất lại xuất phát từ hoạt động lãnh đạo của các cá nhân, bởi các cá nhân đảng viên từ nhận thức lý luận, thực tiễn kinh nghiệm của mình tham gia vào việc thảo luận đóng góp, đề xuất đưa ra các sáng kiến... trong các đại hội, hội nghị đại biểu để xây dựng các cương lĩnh, đường lối của Đảng. Lãnh đạo tập thể xuất phát từ các cá nhân còn biểu hiện trong các hoạt động như cổ vũ, động viên, thuyết phục, chia sẻ, khích lệ các đối tượng lãnh đạo thực hiện các đường lối của chủ thể lãnh đạo. Đảng lãnh đạo thông qua đảng viên có nghĩa là các hoạt động lãnh đạo của cá nhân các đảng viên, như được nêu ở trên. Hoạt động lãnh đạo như vậy của các đảng viên là không sử dụng đến công cụ quyền lực[28], tức không bao hàm các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý. Về phương diện này có thể hiểu rằng, lãnh đạo của cá nhân các đảng viên là hoạt động có nét tương đồng với công tác dân vận. Lãnh đạo và công tác dân vận của người đảng viên là có các chức năng giống nhau. Thực tế, hoạt động hay thực hiện chức năng lãnh đạo, công tác dân vận của cá nhân mỗi đảng viên có ngay từ thời kỳ Đảng được thành lập năm 1930. Bởi thực hiện vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân lúc bấy giờ, các đảng viên chủ yếu đều đã làm công tác dân vận như tuyên truyền, giáo dục, tập hợp quần chúng nhân dân đoàn kết, đi theo Đảng làm cách mạng giành độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Nhiệm vụ chủ yếu của các đảng viên lúc bấy giờ là tập trung vào việc "tổ chức ra các ban chuyên môn về các giới vận động như: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận,..."[29].
Việc nhận thức rõ các vấn đề nêu trên là cơ sở quan trọng để xác định rõ vai trò lãnh đạo của tập thể và vai trò lãnh đạo của cá nhân những người có chức trách trong hệ thống chính trị. Trên thế giới hiện nay, ở các quốc gia phát triển, các nhà nghiên cứu Lãnh đạo học cũng chỉ nói đến vai trò, hoạt động lãnh đạo (kỹ năng, hành vi, cách thức lãnh đạo...) của các cá nhân chứ không nói đến hoạt động lãnh đạo của tập thể. Trong khi ở các quốc gia đó, các hình thức làm việc theo kiểu "lãnh đạo tập thể" thông qua các cuộc họp của nghị viện (quốc hội), các hội đồng địa phương với sự thảo luận, phản biện, sau đó biểu quyết theo đa số các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương vẫn diễn ra một cách thông lệ như ở nước ta. Do vậy, cần phải nhận thức rõ rằng, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" chính là chỉ muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các chủ thể (tập thể hoặc cá nhân) trong lãnh đạo hoặc điều hành công việc. Nói cách khác, thực hiện nguyên tắc này có nghĩa là phải xây dựng cơ chế sao cho những chủ thể (tập thể hoặc các cá nhân) được trao "thẩm quyền", có quyền hạn nhất định, nhưng đồng thời lại cần phải gắn các chủ thể đó với "trách nhiệm", hay "cột chặt" trách nhiệm của chủ thể với các quyền hạn được trao.
 Từ những điều đã được phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng, việc nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta có vai trò hết sức quan trọng và là yêu cầu cần thiết, tất yếu hiện nay. Đây cũng là vấn đề, nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và bộ máy nhà nước mà thực hiện đúng đắn sẽ làm "nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo"[30] như Đảng đã yêu cầu trong Cương lĩnh, tức cũng là nâng cao được năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đáp ứng với yêu cầu của nền quản trị quốc gia hiện đại và xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần phải quan tâm đến vấn đề này, đưa ra những định hướng đúng đắn về cơ chế vận hành thực thi quyền làm chủ của nhân dân, cũng như thẳng thắn loại bỏ những cơ chế, phương thức lạc hậu không phù hợp với thực tiễn vận hành trong thực thi quyền lực và phát triển đất nước, đáp ứng với xu thế tiến bộ của xã hội hiện đại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay./.

 


* PGS, TS. Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Xem: Điều 8 Hiến pháp năm 2013.
[2] Xem: Điều 9, Mục 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI).
[3]Andrew J Dubrin, Carol Dalglish và Peter Miller, Lãnh đạo học (bản dịch lần 1), Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh - Trường Quản lý nhà nước Mark O Hatfield, Hà Nội, 8-2010, tr. 20.
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, t. 39, Nxb Tiến bộ, Mát – xcơ -va., 1977, tr. 52.
[5] V.I.Lênin, Sđd, t. 39, tr. 53.
[6] V.I.Lênin, Sđd, t. 39, tr. 52.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 504.
[8] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2005, tr. 790.
[9] V.I.Lênin, Sđd, t. 44, tr. 207.
[10] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 5, tr. 504.
[11] Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr. 442.
[12] Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr. 346.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22-23.
[14]Xem: Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam (được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng thông qua, tháng 2/1951), Chương 3, Điều 15.
[15] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 16 (272) Kỳ 2 - Tháng 8/2014.
 
[16] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/188848/thu-tuong--phai-cot-chat-trach-nhiem.html.
[17] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Bàn thêm về khái niệm "Đảng lãnh đạo" ở nước ta, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số 6/2014.
[18] Xem: Nguyễn Hữu Đổng, Đảng hóa thân vào Nhà nước" trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng ta, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 17 (249)/ tháng 9/2013.
[19] Hiến pháp năm 2013, Điều 2, Mục 3.
[20] V.I.Lênin, Sđd, t. 33, tr. 121.
[21] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 7, tr. 218-219.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001,   tr. 134.
[23] Theo thông lệ, ở các quốc gia có nhà nước pháp quyền hoàn thiện, nếu là mô hình đại nghị, thì thủ tướng sẽ được chọn ra thông qua bầu cử nghị viện (quốc hội); còn ở mô hình tổng thống thì cử tri (nhân dân) bầu trực tiếp tổng thống; mô hình hỗn hợp (lưỡng tính) thì tổng thống (chủ tịch nước) được nhân dân bầu ra trực tiếp, đồng thời thủ tướng được chọn ra thông qua bầu cử nghị viện.
[24] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Văn hóa cầm quyền và xây dựng văn hóa cầm quyền của Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị, số 8/2014.
[25] Hồ Chí Minh, Sđd, t. 6, tr. 525.
[26] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng - Phạm Thế lực, Hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 01/2013.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88 - 89.
[28] Xem thêm: Nguyễn Hữu Đổng, Quan điểm của V.I.Lênin về hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử, ngày 27/5/2013.
[29] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (khóa 1), cuối tháng 10/1930.
 
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 88 - 89.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(290), tháng 5/2015)