Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

01/05/2015

TS. VŨ ĐỨC KHIỂN

nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài mãi mãi là việc cần thiết và rất quan trọng đối với chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì từ ngàn năm xưa, cha ông ta đã dạy rằng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì vận nước mạnh và đi lên, nguyên khí kém thì thế nước yếu và đi xuống”[1]. Sử sách cũng chép rằng, năm 1907, khi được Vua Thành Thái vời vào triều để hiến kế chấn hưng quốc gia, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm tâu lên bốn câu sau:
“Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy”
Nghĩa là:
 Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp
 Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
 Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh
 Tôn trọng xiểm nịnh ắt đại suy vong.
(Trần Đại Vinh dịch)
Con cháu cụ Hoàng Giáp gọi bốn câu thơ này là “Tứ tôn châm” hay “Mười sáu chữ vàng”[2].
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài, như người xưa “Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh”, trước hết chúng ta đều thấy, Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời. Mọi lời nói, việc làm của Người đều thiết thực và cụ thể, nói đi đôi với làm và thường thì làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không nói, tư tưởng luôn hiện ra trong hành động. Có rất nhiều việc làm cụ thể của Người mà chúng ta phải suy nghĩ kỹ mới hiểu được hết ý nghĩa lớn lao của chúng, phải suốt đời học tập và noi theo. Dưới đây là một trong muôn vàn việc làm đó mà mọi người dân nước ta đều biết rất rõ.
Đó là việc tại kỳ họp thứ 6 ngày 08/5/1963, Quốc hội khóa II có ý định tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta, nhưng Người xin Quốc hội cho phép chưa nhận vì “tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”[3]. Trước đó gần 20 năm, trong bài “Trả lời các nhà báo nước ngoài”, khi đang có nhiều đảng phái, lực lượng tranh giành quyền lực, chức vụ trong Chính phủ sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố cho đồng bào trong nước và nhân sĩ nước ngoài biết rằng, “tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào… Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em bé chăn trâu, không dính gì tới vòng danh lợi”[4].Thật khó có đủ lời lẽ nói hết được ý nghĩa sâu xa và sự tác động mạnh mẽ đầy tính chân thực, thuyết phục lòng người của những việc làm và lời tuyên bố trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để thực hiện được “ham muốn tột bậc” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện mình là một vị lãnh tụ thiên tài về mọi mặt, trong đó có việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Người đã nêu một tấm gương sáng để mọi người noi theo cách “dụng nhân như dụng mộc” và chỉ bảo cho chúng ta thấy rằng: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Người kịch liệt phê phán “óc hẹp hòi”, “tính kiêu ngạo, tự mãn”, “cho mình là cựu chính trị phạm, là người của Mặt trận thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình”; “thói một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này, việc kia, làm được hay không, mặc kệ, cốt là cho bà con, bạn hữu có địa vị là được[5].  
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất sớm và rất rõ tác hại của những khuyết điểm, thói hư trên đây của không ít cán bộ ở các cấp trong việc sử dụng nhân tài ngay từ những ngày đầu khi vừa mới giành chính quyền, nên chỉ sau 32 ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trịnh trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam tự do, độc lập, Người đã căn dặn các Ủy ban nhân dân rằng: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không phải là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực làm việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”[6].
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi cử chỉ vô tư, tốt đẹp không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân của các đồng chí trong Ủy ban trung ương do Quốc dân Đại hội bầu ra, đã tự động xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sỹ yêu nước ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời[7]. Và do đó, Người đã thành lập được Chính phủ liên hiệp lâm thời năm 1945 và sau đó thành lập Chính phủ kháng chiến vào ngày 02/3/1946 “gồm các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái”, “những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức”[8]. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xử lý rất nghiêm minh những “ông quan cách mạng”,như khi được báo cáo việc có một ông Vụ trưởng đã tổ chức bữa tiệc khao linh đình trước ngày lên đường đi làm Đại sứ ở một nước Đông Âu, Người đã cho kiểm tra, xác minh việc đó và thấy nội dung báo cáo chính xác nên đã quyết định đình chỉ công tác của “ông Đại sứ” này và yêu cầu đưa ra kiểm điểm phê bình để giáo dục, răn đe những người có đầu óc như ông Đại sứ[9].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, Người yêu cầu phải quan tâm đến việc “nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu”[10]. Tư tưởng này đã kết đọng lại trong lời dặn cuối cùng của Người là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”nên Đảng ta cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, đào tạo đoàn viên và thanh niên thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”[11]. Đây là tư tưởng nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động của Người. Lúc sinh thời, ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã cùng với một số nhà cách mạng Việt Nam khác đưa mấy chục người phần lớn là học sinh Hà Nội, Nam Định và nhiều tỉnh thành khác đến Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1926 để giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng[12]. Rất nhiều người trong số này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta. Hơn 30 năm sau, ngày 09/12 /1961, trong một lần gặp gỡ và nói chuyện với gần 400 cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu cách mạng là phải dùng. Ví dụ: giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng. Con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn. Con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay con của người trong Đảng?”. Khi nghe mọi người đồng thanh trả lời “Con của người ngoài Đảng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh liền khẳng định: “Đúng, Vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời là Đảng của dân tộc, không thiên tư, thiên vị ai”[13] (Theo nội dung Bài nói chuyện thì chúng tôi hiểu “đi” ở đây là đi học, đi đào tạo, bồi dưỡng để trở thành chuyên gia giỏi xây dựng và bảo vệ đất nước).
Có thể viết nhiều, viết dài và dẫn chứng nhiều sự kiện hơn nữa nhưng vẫn sẽ chưa đầy đủ và chưa diễn đạt được hết tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài.  Chúng tôi chỉ dẫn ra hai tài liệu quan trọng khái quát có thể gọi là Chiếu hiến kế” và “Chiếu cầu hiền” của Người. “Chiếu hiến kế” được “ban” ra vào ngày 14/11/1945 với tên gọi là “Nhân tài kiến quốc”, trong đó ghi rõ: “Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng phát triển càng thêm nhiều.
Chúng ta cần nhất bây giờ là:
Kiến thiết ngoại giao
Kiến thiết kinh tế
Kiến thiết quân sự
Kiến thiết giáo dục
Vậy chúng tôi mong rằng, đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ.Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”[14].
Mấy tháng sau, khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa “quyết định truy nhận” tại kỳ họp thứ nhất, ngày 02/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Chiếu cầu hiền” với tiêu đề là “Tìm người tài đức” rất ngắn gọn, có nội dung rất súc tích và sâu sắc. Toàn văn “Chiếu cầu hiền” đó như sau:
“Tìm người tài đức
Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các địa phương phải báo cáo cho đủ.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh”[15].
Nhân đây cũng cần nhắc lại rằng, trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vua Lý Nhân Tông (năm 1076), vua Lê Thái Tổ (năm 1429), vua Lê Thái Tông (năm 1438), vua Lê Nhân Tông (năm 1443), vua Lê Thánh Tông (năm 1462), Chúa Trịnh Cương (năm 1720) và vua Quang Toản (năm 1795) đã ban “Chiếu cầu lời nói thẳng” để các quan và quân dân cả nước hiểu được lòng vua, hiến những kế sách trị nước an dân; đồng thời cũng “cảnh báo” những vị quan lại nhũng nhiễu[16].
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khi chính quyền Xô viết còn rất non trẻ, đang cần những chuyên gia tài giỏi để xây dựng đất nước, V.I Lê nin tuy không “ban” “Chiếu hiến kế” hay “Chiếu cầu hiền”, nhưng Người cũng rất trọng dụng nhân tài, nên ngày 21/02/1921, Người đã chỉ rõ: “Người đảng viên cộng sản nào không tỏ rõ được khả năng của mình biết kết hợp và hướng dẫn công tác của các chuyên gia, đồng thời đi sâu vào thực chất của vấn đề và nghiên cứu vấn đề một cách chi tiết, thì người đảng viên cộng sản đó thường có hại… Tôi có thể đổi hàng tá những người đó lấy một chuyên gia tư sản thành thạo và nghiêm túc nghiên cứu nghiệp vụ của mình”. Người quý trọng chuyên gia khoa học và kỹ thuật - dù là chuyên gia tư sản mà thạo công việc vẫn hơn mười lần “người đảng viên công sản huênh hoang, ngày hay đêm, bất cứ lúc nào cũng chỉ sẵn sàng viết “các đề cương”, đề ra các khẩu hiệu, đưa ra các điều hoàn toàn trừu tượng”[17].
Là Đảng cầm quyền, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, Đảng ta rất quan tâm đến chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nên tại các kỳ Đại hội Đảng đều có báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban chấp hành trung ương khóa VIII đã ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 10/NQ-TW, ngày 02/02/1999). Đây là Nghị quyết phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Di chúc và để kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh Chủ tich Hồ Chí Minh. Trong Nghị quyết đã ghi rõ: “Trước yêu cầu mới ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ đảng viên có chiều hướng phát triển hơn”[18]. Sau 12 năm, những yếu kém này chẳng những chưa được khắc phục, sửa chữa mà còn bộc lộ nghiêm trọng hơn, như Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Và “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp[19].   
Tình hình trên cho thấy tính vô cùng cấp thiết và ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ và sử dụng nhân tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay./.

* TS. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  
[1]ĐẠI BẢO TAM NIÊN NHÂM TUẤT KHOA TIẾN SĨ ĐỀ DANH BI (Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo nămthứ 3 (1442) của Thân Nhân Trung. Tấm bia hiện đặt tại nhà bia Văn Miếu ghi lại khoa thi năm Nhâm Tuất 1442 đời Lê Thánh Tông. 
[2] Xem bài Mười sáu chữ vàng của Cam Ly. Báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 24/3/2005.
[3]Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 2 (1960-1964). Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2007, tr. 1308.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946). Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2009, tr. 161.
[5] Hồ Chí Minh. Về Đảng cầm quyền. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1986, tr. 24.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946). Sđd, tr. 39.
[7] Hồ Chí Minh. Về xây dựng Đảng. Nxb Sự thật. Hà Nội, 1970, tr. 50.
[8] Xem thành phần Chính phủ lâm thời Việt Nam và thành phần Chính phủ kháng chiến trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946). Sđd (tr. 118-119 và tr. 193-194).
[9] Lê Trang Bác Hồ - Người thầy vĩ đại về phong cách ngoại giao. In trong: Bác Hồ trong trái tim nhà ngoại giao. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1999, tr. 281 -282.
[10] Hồ Chí Minh. Về Đảng cầm quyền. Sđd, tr. 32-33.
[11] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hà Nội, 1989, tr. 48.
[12] Xem: Hồ Chí Minh, con người của Phạm Văn Đồng đăng trong cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa do Ban Tư tưởng - Văn hóa trung ương phát hành. Hà Nội, 2003, tr. 10.
[13] Hồ Chí Minh. Về Đảng cầm quyền. Sđd, tr. 129.
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946). Sđd, tr. 99.
[15] Hồ Chí Minh toàn tâp, tập 4 (1945-1946). Sđd, tr. 451.
[16] Về “Chiếu cầu lời nói thẳng” trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. PTS. Bùi Xuân Đính. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 6/1998, tr. 24-25.
[17] V.I Lê nin Toàn tập, tập 42. Nxb. Tiến bộ. Mát-xcơ-va, 1977, tr. 344-345.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban chấp hành trung ương khóa VIII (Lưu hành nội bộ). Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 1999, tr. 24.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 173-174. Phần in nghiêng là do tác giả nhấn mạnh.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(290), tháng 5/2015)