Nâng cao hiệu quả hoạt động pháp điển hóa ở Việt Nam

01/04/2015

Ths. PHÍ THỊ THANH TUYỀN

Đại học Luật Hà Nội

1. Quan điểm phổ biến về pháp điển hóa
Pháp điển (trong nhiều tài liệu của Việt Nam có sử dụng thuật ngữ “pháp điển hoá”) là một khái niệm pháp lý, tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng hệ thống pháp luật, của từng giai đoạn, từng thời kỳ mà cách hiểu vấn đề này có thể có những điểm khác nhau.
Từ điển Luật học năm 1999 của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa định nghĩa: “Pháp điển là quá trình làm thành một pháp điển (Bộ luật), tức là tập hợp, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành, xem xét nội dung, loại bỏ các điều không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, bổ sung những điều còn thiếu, những điều cần dự liệu đáp ứng yêu cầu phát triển của các quan hệ xã hội để ban hành thành một Bộ luật. Nhà nước pháp điển hóa luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật dân sự, luật lao động và ban hành các Bộ luật hữu quan. Pháp điển hóa là hoạt động lập pháp khác với hệ thống hóa pháp luật (hệ thống hóa pháp luật là hoạt động có tính chất chuyên môn hành chính)”[1].
Mặc dù cũng theo quan niệm pháp điển là một dạng hoạt động làm luật, nhưng Từ điển Bách khoa Việt Nam không tách rời pháp điển khỏi hệ thống hóa: “Pháp điển là xây dựng một Bộ luật, đạo luật trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành, loại bỏ các quy định không còn phù hợp, bổ sung, dự liệu những quy định đáp ứng sự điều chỉnh pháp lý đối với những quan hệ xã hội đang phát triển”[2].
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội coi tập hợp và pháp điển là hai hình thức của hệ thống hóa pháp luật; kết quả của pháp điển là một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mới, ra đời trên cơ sở tập hợp, rà soát, sắp xếp các QPPL theo một trình tự logic chặt chẽ và nhất quán. Văn bản pháp luật mới có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc rộng hơn, tổng quan hơn về phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện hơn về kỹ thuật lập pháp hoặc đồng thời đạt được tất cả các yêu cầu đó.
Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (2003) đi sâu phân tích những điểm khác biệt giữa hai hình thức (tập hợp và pháp điển) của hệ thống pháp luật. Theo đó, pháp điển có đặc điểm như: chỉ cơ quan nhà nước được trao quyền mới được tiến hành pháp điển; pháp điển làm thay đổi nội dung các văn bản hiện hành, làm thay đổi cơ bản chất lượng điều chỉnh pháp luật, lĩnh vực quan hệ xã hội tương ứng; kết quả của pháp điển là cho ra đời một văn bản pháp luật mới mang tính tổng hợp về phạm vi điều chỉnh và có hiệu lực pháp lý cao hơn so với các văn bản trước đó.
Mặc dù pháp điển có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nhìn chung, có hai cách hiểu cơ bản về pháp điển: pháp điển về mặt nội dung và pháp điển về mặt hình thức.
Pháp điển về mặt nội dung là cách hiểu mang tính truyền thống. Theo đó, pháp điển là việc xây dựng một bộ luật trên cơ sở tập hợp các quy định hiện hành, loại bỏ các quy định không phù hợp; bổ sung, dự liệu những quy định mới để đáp ứng sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội đang phát triển. Các nhà nghiên cứu xem loại pháp điển này có mục tiêu cải cách xã hội, hướng tới tương lai. Trong lịch sử, đã có nhiều bộ luật nổi tiếng được thực hiện theo hình thức pháp điển này, như Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804. Cách thức pháp điển này có đặc điểm là gắn bó chặt chẽ với hoạt động lập pháp. Việc pháp điển cũng chính là quá trình soạn thảo văn bản pháp luật mới, trên cơ sở rà soát các quy phạm hiện hành, luật hóa một số quy định dưới luật hoặc có tính quy phạm được thừa nhận trong xã hội, dự liệu và xây dựng những quy định mới phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Pháp điển hình thức là cách thức tập hợp, sắp xếp các QPPL đang có hiệu lực pháp luật thành các bộ luật theo từng chủ đề với những sửa đổi, điều chỉnh cần thiết về mặt kỹ thuật nhằm làm cho các quy định này phù hợp với nhau nhưng vẫn đảm bảo trật tự pháp lý của các quy định. Quá trình sửa đổi, điều chỉnh trong pháp điển chỉ nhằm mục đích tạo nên sự hài hòa giữa các quy định, đảm bảo trật tự của bộ pháp điển mà không nhằm tới mục đích tạo ra những chính sách pháp luật mới.
Trong điều kiện nước ta, mục tiêu quan trọng đầu tiên của hoạt động pháp điển là làm cho pháp luật dễ tìm kiếm, dễ tiếp cận hơn đối với mọi đối tượng liên quan. Việc hiểu pháp điển chỉ đơn thuần là xây dựng các bộ luật không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam và với xu thế phát triển trên thế giới. Cần đa đạng hóa các cách thức làm cho pháp luật dễ tìm kiếm hơn. Việc xây dựng các bộ luật lớn ở giai đoạn này ít mang lại hiệu quả. Lý do chủ yếu ở chỗ các quan hệ xã hội chưa phát triển ổn định, các quy định pháp luật cần phải linh hoạt để theo kịp yêu cầu của cuộc sống, các bộ luật lớn thường rất mất thời gian soạn thảo, sửa đổi, bổ sung tới khi dự thảo hoàn chỉnh để ban hành được, và khi ban hành xong thì các quy định cụ thể có thể sẽ không còn phù hợp với các quan hệ xã hội tương ứng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng loại hình pháp điển hình thức là việc cần được tiến hành trong giai đoạn hiện nay. Ưu điểm của loại hình pháp điển hình thức là không làm thay đổi nội dung của các quy phạm, tức là không tạo ra các chính sách pháp luật mới, vì vậy sẽ không gặp nhiều cản trở. Trong khi đó, những mục đích của việc đơn giản hóa pháp luật thông qua hoạt động này vẫn có thể đạt được, như: tạo ra một Bộ pháp điển duy nhất trong đó gồm những QPPL còn hiệu lực thi hành; tập hợp được tất cả các QPPL đang nằm phân tán, rải rác ở nhiều văn bản theo một trật tự logic, tăng cường khả năng liên kết và tính gần gũi, dễ hiểu của văn bản pháp luật; minh bạch hóa và bảo đảm tính cập nhật liên tục các QPPL mới; đồng thời phát hiện các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo không còn phù hợp với thực tiễn để kịp thời xử lý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2013 cũng đưa ra định nghĩa dưới góc độ pháp điển hóa hình thức, theo đó “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”[3].
Có thể thấy, pháp điển ở Việt Nam cho đến nay được hiểu là một hoạt động sáng tạo luật và gắn liền với quá trình hệ thống hóa pháp luật nhằm mục đích giúp cho việc tìm kiếm, tra cứu và áp dụng pháp luật được dễ dàng, thuận lợi.
2. Thực trạng hoạt động pháp điển hóa ở nước ta
Những hoạt động pháp điển đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam đã được tiến hành từ thời Lý với Hình thư năm 1042, nhà Trần với Hình thư năm 1341, đặc biệt phát triển ở thời nhà Lê với Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) và Hoàng triều luật lệ (Bộ luật Gia Long) thời nhà Nguyễn.
Giai đoạn từ năm 1945 đến nay, quan niệm về pháp điển ở Việt Nam được hiểu theo hai cách:  
Thứ nhất,pháp điển được hiểu là một hoạt động làm luật, kết quả của hoạt động pháp điển là sự ra đời các đạo luật.
Lịch sử lập pháp của nhiều nước cho thấy, pháp điển theo hướng tạo nên một Bộ luật lớn thường được thực hiện tại thời điểm có sự chuyển biến lịch sử (về chính trị, xã hội,…), trong những lĩnh vực có những đường lối cải cách lớn, các nguyên tắc tổ chức xã hội mới và những chính sách có khả năng tạo được sự đồng thuận xã hội lớn, đảm bảo cho tính ổn định cho bộ luật. Ở Việt Nam, từ năm 1986, đặc biệt là từ 1992 đến nay, là giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hệ thống pháp luật trong giai đoạn này có sự tăng lên về số lượng các đạo luật được ban hành, trong đó chủ yếu là các đạo luật mới, nhưng cũng có không ít các đạo luật được xây dựng, ban hành trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định của pháp lệnh và pháp điển các quy định dưới luật để trở thành các bộ luật như Bộ luật Dân sự năm 1995 - văn bản pháp luật quan trọng hàng đầu, là xương sống của hệ thống pháp luật dân sự - kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Bộ luật này đã pháp điển nhiều quy định về nền kinh tế thị trường như pháp nhân, hợp đồng, quyền sở hữu tài sản, hộ gia đình… Bộ luật Dân sự cũng đã hệ thống hóa nhiều văn bản pháp luật đơn hành về kinh tế trước đây trong một chỉnh thể thống nhất như những quy định về chuyển quyền sử dụng đất, những quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp… Bộ luật Lao động năm 1995 cũng đã pháp điển một loạt các quy định về lao động và sức lao động như việc làm, hợp đồng lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp lao động… Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 có thể nói là bước pháp điển quan trọng các quy định pháp luật về tố tụng kinh tế, tố tụng lao động, tố tụng hôn nhân gia đình, giúp hệ thống hóa một cách khoa học các văn bản QPPL trong hoạt động tố tụng dân sự, đem lại hiệu quả cao trong áp dụng pháp luật tố tụng dân sự tại các cấp toà án. Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động pháp điển như Pháp, Mỹ, Đức,… thì hoạt động pháp điển ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức sơ khai, chưa được thực hiện một cách thường xuyên và có chất lượng. Hoạt động pháp điển pháp hóa chưa được nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện từ góc độ xây dựng pháp luật cũng như áp dụng pháp luật.
Hiện nay, theo nhiệm vụ xây dựng pháp luật được đặt ra trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến 2020, cùng với nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện các Bộ luật hiện có, cần tiến hành pháp điển mạnh mẽ các lĩnh vực pháp luật quan trọng, tiến đến ban hành được các Bộ luật lớn như: Bộ luật Thuế, Bộ luật Đất đai, Bộ luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật về Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Thi hành án...
Thứ hai, pháp điển là việc cho ra đời một bộ tổng tập văn bản QPPL trên cơ sở tập hợp văn bản, rà soát, sắp xếp các quy phạm hiện hành theo trình tự logic nhất định. Thực chất là hoạt động hệ thống hóa pháp luật.
Hoạt động hệ thống hóa văn bản QPPL (có thể gọi là pháp điển không mang tính sáng tạo luật)theo cách thức tập hợp và hệ thống hóa, sắp xếp các văn bản QPPL theo một trình tự nhất định (theo ngày, tháng, năm ban hành, cơ quan ban hành, hình thức văn bản, lĩnh vực điều chỉnh…) vào các tổng tập văn bản QPPL hay các cơ sở dữ liệu văn bản QPPL. Hoạt động này cho đến nay vẫn chưa được nhận thức thống nhất và chưa được thực hiện đồng bộ, thường xuyên trên thực tế.
Trong thời gian qua, một số cơ quan nhà nước đã thực hiện một số hoạt động tập hợp, hệ thống hóa các văn bản QPPL tạo thành các Tổng tập văn bản hoặc cơ sở dữ liệu văn bản QPPL nhất định phục vụ thuận lợi cho việc tra cứu văn bản trong một lĩnh vực cụ thể như: tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; lĩnh vực đất đai, đầu tư, thuế… một số cơ sở dữ liệu văn bản QPPL nhất định như: Cơ sở dữ liệu luật trên trang thông tin điện tử của Quốc hội (www.vietlaw.gov.vn), Hệ thống văn bản QPPL trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (www.chinhphu.vn), Hệ thống văn bản QPPL của Bộ Tư pháp (www. moj.gov.vn), Bộ Tài chính (www.mof.gov.vn), Bộ Công thương (www.moit.gov.vn), Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn). Một số công ty luật, tổ chức tư nhân cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của mình để thu phí các đối tượng sử dụng... Dù được in ấn dưới dạng các tổng tập văn bản hay tồn tại ở dưới dạng cơ sở dữ liệu thì hai hình thức này đều có điểm chung là đã bước đầu tập hợp các văn bản QPPL và phân chia chúng theo các lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, việc tập hợp các văn bản cũng chưa đầy đủ, các tổng tập văn bản mới chỉ tập hợp các văn bản trong một lĩnh vực hẹp, các cơ sở dữ liệu thường chỉ tập trung tập hợp những văn bản liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình hoặc phục vụ mục đích của tổ chức đó, chưa phân biệt rõ văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào hết hiệu lực, việc sắp xếp cũng chưa theo một trình tự nhất định, thường các văn bản được sắp xếp theo ngày tháng năm ban hành hoặc theo cơ quan ban hành, dẫn đến việc tra cứu gặp rất nhiều khó khăn. Công báo Chính phủ là địa chỉ đăng tải toàn văn những văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, nhưng cũng chưa phân biệt rõ văn bản nào còn hay hết hiệu lực; Công báo điện tử lại hầu như chưa có nội dung văn bản mà mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê tên văn bản đã được đăng ở từng số Công báo cụ thể.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do Luật Ban hành văn bản QPPL và các nghị định hướng dẫn thi hành không quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, phương pháp thực hiện rà soát, hệ thống hóa pháp luật, hiệu lực pháp lý của kết quả hệ thống hóa. Công tác rà soát, hệ thống hóa pháp luật thực hiện không thường xuyên, thiếu phương pháp khoa học và sự đầu tư không thỏa đáng cả về nhân lực, tài lực nên kết quả rất hạn chế. Chương trình rà soát, hệ thống hóa được thực hiện nhiều năm nhưng kết quả còn khiêm tốn. Việc hệ thống hóa chỉ được thực hiện ở mức độ tương đối sơ khai và chủ yếu dưa vào nỗ lực đơn lẻ của các bộ, ngành và chưa phải là hoạt động mang tính toàn diện, áp dụng đối với toàn bộ hệ thống pháp luật.
Từ khi thống nhất đất nước đến nay, chúng ta đã hai lần thực hiện tổng rà soát. Lần thứ nhất được thực hiện để xem xét, nhằm thống nhất nhà nước về mặt pháp luật trong việc áp dụng các văn bản QPPL do Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ban hành trước đó. Thành công lớn nhất của lần tổng rà soát này là công bố được Danh mục pháp luật hiện hành thi hành thống nhất cho cả nước, gồm 406 văn bản còn hiệu lực (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về vấn đề hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước). Lần tổng rà soát thứ hai được thực hiện theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ sau khi Luật Ban hành văn bản QPPL năm 1996 có hiệu lực. Đợt tổng rà soát này được thực hiện đối với các loại văn bản QPPL, văn bản có chứa QPPL do các chủ thể ban hành, được ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 (còn được gọi là đợt tổng rà soát 1976 - 1996) theo các mục tiêu và kế hoạch đã được quy định. Đây là đợt tổng rà soát có quy mô lớn, phạm vi rộng và tập trung lực lượng hùng hậu từ trung ương đến địa phương, nhằm xác lập, công bố danh mục các văn bản QPPL còn hiệu lực để áp dụng thống nhất trong cả nước và từng địa phương. Đồng thời, thông qua đó, nhìn nhận, phân tích và đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong việc ban hành văn bản, từ đó, rút ra kinh nghiệm để xây dựng một quy trình khoa học về rà soát, hệ thống hoá. Tuy nhiên, đợt tổng rà soát lần thứ hai cũng chưa đạt được kết quả cuối cùng theo mục đích đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đợt tổng rà soát đó, chúng ta cũng triển khai một số hoạt động rà soát, hệ thống hóa khác, như: rà soát, hệ thống hóa nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, kết quả các đợt rà soát đó mới chỉ đạt ở một mức độ nhất định.
3. Giải pháp cho hoạt động pháp điển hóa
Thứ nhất, cần tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động pháp điển hóa
Hiện nay, chúng ta đã ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012 và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Bởi những quy định trong Pháp lệnh mới chỉ là sự khởi đầu, sự phác họa những nét cơ bản về pháp điển trên cơ sở sự kế thừa Điều 93 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008. Để pháp điển hóa tiến hành thuận lợi, hiệu quả, cần có thêm những quy định chi tiết hơn, cụ thể hơn và chặt chẽ hơn. Hơn nữa, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để có thể ban hành ra Luật để điều chỉnh các vấn đề xung quanh pháp điển hóa.
Thứ hai, cần phải nhận thức lại và nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của công tác pháp điển hóa
Pháp điển hóa là hoạt động có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Có thể thấy, hoạt động này đã được tiến hành khá sớm ở Việt Nam, từ thời phong kiến nước ta đã tiến hành pháp điển hóa với sản phẩm là các Bộ luật. Tuy nhiên, hiệu quả của pháp điển hóa đem lại vẫn chưa cao. Một phần nguyên nhân là bởi chúng ta chưa nhận thức đúng và đủ về vai trò của hoạt động pháp điển hóa. Hiện nay, với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền mà trong đó pháp luật luôn giữ vị trí tối thượng, thì vấn đề nhận thức lại và đánh giá đúng tầm quan trọng của hoạt động pháp điển hóa là rất cần thiết.
Thứ ba, cần thường xuyên tiến hành hoạt động hệ thống hóa mà đặc biệt là hoạt động pháp điển hóa pháp luật, từng bước nâng cao trình độ pháp điển hóa
Do sự phát triển của các quan hệ xã hội nên lĩnh vực quản lý của Nhà nước cũng thường xuyên được mở rộng, số lượng các văn bản QPPL được ban hành ngày càng nhiều. Trong quá trình tham gia vào các quan hệ xã hội, để có được hành vi không trái với quy định của pháp luật thì cả về phía người quản lý cũng như người chịu sự quản lý phải tra cứu, tham khảo các quy định của pháp luật. Hàng năm, có hàng trăm các văn bản QPPL được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới nhiều hình thức khác nhau, như luật, bộ luật, pháp lệnh, nghị quyết,… Bên cạnh văn bản mới được ban hành là sự tồn tại của các văn bản hết hiệu lực nhưng chưa được lập danh mục hoặc chưa được công bố hết hiệu lực thi hành. Điều này không những gây khó khăn trong quá trình tra cứu, tìm hiểu mà còn gây khó khăn cho quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật. Do đó, cần phải nhận thức rằng, hệ thống hóa pháp luật là công tác thường xuyên của các ngành và các cấp, trong đó đặc biệt coi trọng hoạt động pháp điển hóa.
So với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội thì pháp luật bao giờ cũng lạc hậu hơn nhưng không phải vì vậy mà pháp luật không điều chỉnh được các quan hệ xã hội mới phát sinh. Bằng cách thường xuyên và đẩy mạnh công tác hệ thống hóa, mà đặc biệt là hoạt động pháp điển hóa, pháp luật được sửa đổi, bổ sung kịp thời để điều chỉnh các quan hệ xã hội, đảm bảo chức năng quản lý xã hội của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác hệ thống hóa pháp luật mà trọng tâm là hoạt động pháp điển hóa để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản QPPL nhất là các văn bản dưới hình thức bộ luật, luật, pháp lệnh làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam trở nên hoàn thiện hơn.
Thứ tư, công tác pháp điển hóa pháp luật cần phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với các nhu cầu của thực tế, phải đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng và có hiệu quả cao vào hoạt động pháp điển hóa
Pháp điển hóa là một hoạt động mang tính thường xuyên, lâu dài và phức tạp. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể trong từng giai đoạn. Dựa trên những đặc điểm và nhu cầu của tình hình thực tiễn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lập kế hoạch cụ thể bảo đảm cho pháp điển hóa tiến hành đầy đủ, đúng lộ trình.
Do đây là một hoạt động lâu dài và phức tạp, nên cần một nguồn kinh phí tương đối lớn. Hiện nay kinh phí đầu tư cho hoạt động pháp điển hóa còn rất hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu cần thiết để đảm bảo cho hoạt động này. Dựa trên báo cáo và xem xét tình hình thực tiễn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có kế hoạch chi cụ thể, hợp lý để đảm bảo tính hiệu quả của pháp điển hóa.
Thứ năm, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác pháp điển hóa
Có thể nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác pháp điển hóa thông qua việc mở các lớp tập huấn trong và ngoài nước để hướng dẫn và bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Tăng cường đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao vào công tác sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL nhằm bảo đảm chất lượng, đảm bảo tính khả thi và hiệu lực thực tế của các văn bản QPPL. Đây là một hoạt động hết sức cần thiết vì hiện nay ở nước ta, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác pháp điển hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn chưa cao, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ ở địa phương. Do vậy, để tạo thuận lợi cho hoạt động pháp điển hóa đạt hiệu quả cao thì nhất thiết phải bồi dưỡng, đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có những am hiểu nhất định về hoạt động pháp điển hóa.
Thứ sáu, cần phải thành lập một Ban chỉ đạo chung, hay nói cách khác là cần có một cơ quan nhất định đảm đương công tác pháp điển hóa
Ban chỉ đạo này được thành lập để chuyên thực hiện tổ chức và chỉ đạo các hoạt động pháp điển hóa. Hoạt động pháp điển hóa là một hoạt động có phạm trù rộng và phức tạp, nó được thực hiện ở các ngành, các cấp chính quyền. Do pháp luật là một hệ thống hài hòa và thống nhất, các văn bản QPPL thường có mối liên hệ với nhau, không được trái ngược nhau, nên khi tiến hành pháp điển hóa nên có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau mà cơ quan đứng ra chủ trì phối hợp là cơ quan chuyên môn về hoạt động đó.
Thứ bảy, cần tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động pháp điển hóa của các cơ quan nhà nước, đúc rút kinh nghiệm và tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Là một hoạt động thường xuyên và lâu dài, pháp điển hóa được tiến hành song song với hoạt động xây dựng pháp luật. Quá trình pháp điển hóa bao gồm nhiều khâu: từ thống kê, tập hợp, sắp xếp đến việc lập danh mục văn bản, xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một văn bản QPPL mới. Đây là một quá trình kéo dài, liên tục và phức tạp. Để đảm bảo tính hiệu quả của công tác pháp điển hóa cần thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và đôn đốc của các cơ quan nhà nước.
Sau một thời gian dài thực hiện, trên cơ sở những kết quả đạt được, những thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình tiến hành pháp điển hóa, chúng ta đã rút ra và tích lũy được những kinh nghiệm về tổ chức thực hiện; kiểm tra, đôn đốc, những kinh nghiệm trong hoạt động pháp điển hóa. Từ kinh nghiệm đó, cơ quan nhà nước sẽ có quyết định đúng đắn và sáng suốt trong việc pháp điển hóa. Bên cạnh đó, cán bộ các cơ quan nhà nước tham gia hoạt động pháp điển hóa nên tích cực nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này. Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc mà áp dụng những điểm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu quả cho hoạt động pháp điển hóa./.
 

* ThS. Đại học Luật Hà Nội
[1] Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1999, tr. 364.
[2] Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa, tập 3, Hà Nội, 2003, tr.419.
 
[3] Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 3.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 8(288), tháng 4/2015)