Đại đoàn kết dân tộc - nguồn sức mạnh tạo nên chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975

01/04/2015

LƯƠNG CƯỜNG

Ủy viên BCHTU Đảng, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

40 năm đã trôi qua, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) đã khẳng định: "Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta"[1]. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), với đường lối đó, Đảng ta đã huy động được sức mạnh lớn nhất của cả nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam và sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc; kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh ngoài nước, có được từ sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ chí tình của nhân dân và bạn bè quốc tế, trước hết là của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em, đặc biệt là sự đoàn kết, sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước: Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng.
Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình đương đầu, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2]. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi ý thức dân tộc, truyền thống yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, biết kế thừa truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc, trung thành với lợi ích của nhân dân, kiên trì phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ; là cuộc đấu tranh một mất, một còn giữa chính nghĩa với phi nghĩa, giữa văn minh với tàn bạo, giữa cách mạng và phản cách mạng trong thế kỷ XX. Trong cuộc đấu tranh lịch sử ấy, nhân dân ta đã chiến đấu không chỉ vì quyền lợi sống còn của quốc gia, dân tộc, mà còn vì hoà bình, tiến bộ và sự phát triển của nhân loại. Để thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử, trước một đế quốc có tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự khổng lồ, nhân dân ta triệu người như một, đoàn kết một lòng, đã phát huy truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, tinh thần Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc là Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam; đã đề ra đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc. Để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta khẳng định: con đường cách mạng ở miền Nam phải là con đường cách mạng bạo lực; nhưng để chiến thắng một tên đế quốc đầu sỏ, chúng ta phải biết kéo địch xuống thang từng bước; thắng địch từng bước và đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đảng cũng đề ra phương pháp cách mạng đúng đắn, đó là sử dụng sức mạnh tổng hợp, bao gồm lực lượng vũ trang nhân dân và lực lượng quần chúng rộng rãi; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị), bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và ngoại giao); kết hợp ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), với phương châm chiến lược là đánh lâu dài, nhưng phải biết tạo thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh, để giành thắng lợi cuối cùng … Với đường lối đúng đắn và sáng tạo đó, Đảng ta đã động viên đến mức cao nhất lực lượng nhân dân cả nước, kết hợp tiền tuyến lớn miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân đã đoàn kết một lòng, không sợ gian khổ, hy sinh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đánh giặc của cha ông, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, phối hợp với các lực lượng khác để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, chúng ta phải đương đầu với nhiều chiến lược chiến tranh của Mỹ; đó là: chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”… Để thực hiện các chiến lược đó, Mỹ đã huy động tới 70% lực lượng lục quân, 60% lính thuỷ đánh bộ, 40% lực lượng hải quân, 60% lực lượng không quân, 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, với đội quân đổ vào Việt Nam lên đến gần 55 vạn. Cùng với đó, chúng đã sử dụng một khối lượng vũ khí, bom đạn vượt xa các cuộc chiến tranh trước đây; trong đó, các loại vũ khí, trang bị tối tân nhất (trừ vũ khí hạt nhân) đều được sử dụng trực tiếp trên chiến trường Việt Nam… Đó là một thử thách to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, mà nếu không có sự đoàn kết một lòng trong Đảng, trong lực lượng vũ trang, trong nhân dân, thì không thể đương đầu và đánh thắng được một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh như Mỹ. Nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ, Đảng ta, lực lượng vũ trang nhân dân ta và toàn thể dân tộc ta đã từ quyết tâm dám đánh Mỹ mà tìm ra được các cách đánh rất mưu trí, sáng tạo trong chiến tranh nhân dân Việt Nam; đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển đến đỉnh cao để khoét sâu chỗ yếu, hạn chế chỗ mạnh của địch, đi đến đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của chúng. Trên khắp đất nước ta, nhất là trên chiến trường miền Nam, từ Quảng Trị, Tây Nguyên đến đồng bằng Nam bộ, từ đất liền đến hải đảo, các lực lượng vũ trang ta, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đến dân quân du kích đã phối hợp chặt chẽ với mọi tầng lớp nhân dân để liên tục chiến đấu, giành nhiều thắng lợi. Cán bộ, chiến sĩ quân đội ta càng chiến đấu, càng trưởng thành về mọi mặt, thực sự là lực lượng nòng cốt, quyết định cùng toàn dân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các đơn vị chủ lực, bằng một một loạt trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng, đánh vào các trung tâm đầu não của địch, đã làm cho chúng hoang mang cực độ và đi đến tan rã; bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tích cực đánh địch khắp nơi, tiêu diệt và làm tan rã nhiều đồn bốt giặc, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở. Lực lượng chính trị của quần chúng đã nổi dậy mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng nên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp để đập tan ngụy quân, đánh đổ hoàn toàn nguỵ quyền, giành thắng lợi cuối cùng cho cách mạng.
Trong thực tiễn, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc là một bức tranh đại đoàn kết dân tộc sinh động, kế thừa, hội tụ được những giá trị tinh hoa tốt đẹp nhất về đại đoàn kết dân tộc của cha ông ta qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một khối vững chắc không gì có thể phá nổi; trong đó, Đảng, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân luôn đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhau. Đảng tin vào dân, dân tin vào Đảng; quân với dân một ý chí, cả nước đồng lòng, toàn dân ra trận, Nam - Bắc một nhà, tất cả vì mục tiêu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Khối đại đoàn kết dân tộc thực sự là sức mạnh vô địch, là “vũ khí bách chiến, bách thắng”, đập tan mọi mưu toan chia rẽ của kẻ thù, đánh bại mọi ý chí của quân xâm lược. Để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nông làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm tập hợp rộng rãi mọi tổ chức, lực lượng, cá nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo đó, ở miền Bắc, tháng 9 năm 1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập. Mặt trận tập hợp lực lượng toàn thể người Việt Nam tán thành đưa miền Bắc lên CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của 17 triệu nhân dân miền Bắc cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ miền Bắc XHCN; đồng thời, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ; phát huy vai trò quyết định của miền Bắc XHCN đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trước hành động đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ, cứu nước. Đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, trên khắp miền Bắc, các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, kết nghĩa Bắc - Nam… được nhân dân ta hưởng ứng tích cực. Nhiều khẩu hiệu hành động, nhiều phong trào thi đua có sức động viên, tập hợp rộng rãi các lực lượng, các ngành nghề, các lứa tuổi trong mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác đã xuất hiện và phát triển ngày càng sâu rộng ở các địa phương. Nông dân ngày, đêm bám ruộng đồng, “tay cày, tay súng”, hăng hái góp người, góp của cho kháng chiến. Công nhân bám nhà máy, công xưởng, “tay búa, tay súng”. Thanh niên nam, nữ nô nức hưởng ứng các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; trí thức có phong trào “Ba quyết tâm”; các phụ lão thi đua “Ba giỏi”; thiếu niên, nhi đồng thi đua “Nghìn việc tốt”; các mẹ, các chị hăng hái tham gia “Hội mẹ chiến sĩ”,… tất cả để bảo vệ miền Bắc, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, chi viện cho miền Nam, tất cả để chiến thắng.
Ở miền Nam, trước tình hình đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu với âm mưu chia cắt vĩnh viễn đất nước ta, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và nhân sĩ, trí thức yêu nước … nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai của chúng; thực hiện độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Dựa chắc vào khối liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận đã phát triển lực lượng ngày càng sâu rộng trong quần chúng cơ bản của cách mạng, cả ở thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Mặt trận coi việc đấu tranh để cải thiện dân sinh, tự do, dân chủ, hòa bình, trung lập là những mục tiêu phù hợp để thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo … vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với Cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, hình thức, phương pháp tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh phong phú, uyển chuyển, Mặt trận đã tập hợp được ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết, đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một đảm bảo để đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng đi vào thực tiễn; làm cho nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới. Thực tế lịch sử đã chứng minh rõ: trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả miền Nam là một chiến trường lớn; toàn thể nhân dân miền Nam, 14 triệu đồng bào là 14 triệu chiến sĩ đoàn kết, sát cánh bên nhau, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, nên dù ở đâu, Mỹ, nguỵ cũng không tránh khỏi sự tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta. Các “khu căn cứ” chỉ huy, hậu cần - kỹ thuật … của quân giải phóng hiện diện ở cả đồng bằng, rừng núi và các thành phố, thị xã; các chiến sĩ cách mạng có mặt ở mọi nơi, kể cả ở những cấp cao nhất trong chính quyền Sài Gòn. Nhân dân ta dù ở thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi đều hết lòng, hết sức ủng hộ cách mạng; động viên con em tham gia chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai; tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ các căn cứ cách mạng; đùm bọc lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí; cùng bộ đội vận động, thức tỉnh nguỵ quân, nguỵ quyền về với cách mạng, góp phần quyết định trực tiếp vào thắng lợi oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất ở hai miền với những mục tiêu, thành phần, phương thức hoạt động khác nhau là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương đó thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam: giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, dân tộc và giai cấp; thấy rõ vai trò to lớn của nhân dân trong chiến tranh cách mạng. Vì thế, đã tạo nên được sức mạnh tổng hợp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi. Mặt trận Dân tộc thống nhất trên cả hai miền đã thực sự tập hợp, động viên được mọi lực lượng, mọi tổ chức, mọi cá nhân có ý thức dân tộc, có tinh thần yêu nước, chống Mỹ, tham gia vào cuộc chiến đấu cho mục tiêu chung là đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Trên cơ sở đề ra đường lối đúng đắn, Đảng ta luôn coi việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận; không ngừng củng cố khối liên minh công nhân, nông dân, trí thức vững mạnh; thực hiện những sách lược mềm dẻo, linh hoạt nhằm tranh thủ, trung lập những lực lượng có thể tranh thủ và trung lập được; phân hoá, cô lập triệt để những lực lượng chính trị phản động, những tên đầu sỏ, ngoan cố nhất trong hàng ngũ địch … làm cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tăng lên không ngừng, thực sự là sức mạnh vô địch, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày nay, đất nước chúng ta đang sống trong hoà bình, cả nước đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn nóng hổi. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh; Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; thực hiện toàn dân đoàn kết một lòng, biến mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành hiện thực, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.                                                    

 


* Ủy viên BCHTU Đảng, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 472.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 171.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 8(288), tháng 4/2015)


Thống kê truy cập

32956078

Tổng truy cập