Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước và những giá trị tham khảo cho Việt Nam

01/03/2015

ThS. NGUYỄN QUANG ANH

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thanh Thủy, Phú Thọ.

Kiểm soát quyền lực nhà nước vừa được thực hiện bởi cơ chế pháp lý do nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước tiến hành, vừa được thực hiện bằng cơ chế pháp lý do các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát lẫn nhau. Bài viết này chỉ nghiên cứu về cơ chế nhân dân với tư cách là người chủ quyền lực nhà nước tiến hành kiểm soát quyền lực nhà nước.Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân thì nghiên cứu cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước của một số nhà nước dân chủ, pháp quyền trên thế giới, từ đó rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam là việc làm quan trọng và cần thiết, nhằm đẩy nhanh tiến độ hội nhập sâu rộng quốc tế và phát triển của đất nước.
Untitled_251.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước
Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là tổng thể của các yếu tố thể chế, thiết chế và các điều kiện bảo đảm có mối quan hệ hữu cơ, tương tác lẫn nhau nhằm xác lập những quyền và khả năng để nhân dân thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả. Cơ chế đó ở một số nước dân chủ, pháp quyền tư sản có những điểm chung sau đây:
- Thứ nhất, hiến pháp ở hầu hết các nước đều khẳng định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến, quyền thiết lập nên quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước và là chủ thể duy nhất của quyền lập hiến, quyền thiết lập nên nhà nước. Hiến pháp được xem là đạo luật gốc của mọi quốc gia dân chủ, pháp quyền, là phương tiện để nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho nhà nước. Chủ quyền nhân dân được đề cao và khẳng định trong hiến pháp là cơ sở hiến định để xác lập nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước.
- Thứ hai, nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bằng các đảng phái chính trị đối lập (đảng phái không cầm quyền)
Nhà nước, xét đến cùng vẫn là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị mà ở đó lực lượng nào có năng lực tổ chức thống nhất được lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc bằng con đường hợp pháp, hợp lý thì có thể nắm được quyền lực nhà nước. Việc thay đổi chính phủ, nghị viện hay chế độ phụ thuộc vào sự tiến bộ hay tha hoá quyền lực nhà nước do chính đảng phái cầm quyền đó nắm giữ. Đảng đối lập vừa là đặc điểm vừa là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước ở các nước dân chủ tư sản trên thế giới. Khi đảng nào được lòng dân thì đồng nghĩa với thắng cử trong cuộc bầu cử cạnh tranh và giành được quyền lực nhà nước, trở thành đảng cầm quyền. Vì thế, đảng chính trị luôn đại diện cho giai cấp, tầng lớp, nhóm lợi ích trong xã hội và việc thu hút sự ủng hộ của cử tri thì luôn là mục tiêu càng nhiều càng tốt, thậm chí việc tranh giành sự ủng hộ của cử tri đảng đối lập cũng là ưu tiên của bất kỳ đảng phái nào. Sự ra đời và phát triển của các đảng phái chính trị có liên quan chặt chẽ với quyền tồn tại của các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội, các nhóm lợi ích hoặc hậu thuẫn hoặc kiểm soát, chi phối lãnh đạo và hạn chế quyền của đảng cầm quyền tùy theo mục đích của mối quan hệ ấy. Các đảng phái chính là các lực lượng chính trị đại diện cho các bộ phận nhân dân đấu tranh, tranh giành quyền lực nhà nước với nhau và với đảng cầm quyền. Vì thế, cơ chế đảng đối lập chính là một phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở các nhà nước dân chủ pháp quyền tư sản.
Hiến pháp Cộng hoà Pháp năm 1958 quy định: “Các đảng phái và các nhóm chính trị giành quyền lực qua kết quả bầu cử. Các đảng phái và các tổ chức chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ" [1]. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước Pháp, địa vị pháp lý của các chính đảng được ghi nhận nhưng đó chỉ là “góp sức vào việc thể hiện ý chí của số đông dân chúng”. Nước Pháp coi các đảng và các nhóm chính trị là "thành quả của loài người trong việc đi tìm những phương thức thực hành dân chủ ".
Ở Mỹ, hiến pháp, pháp luật buộc mọi đảng phái chính trị, kể cả đảng cầm quyền, nhóm lợi ích phải tuân thủ, thực hiện pháp luật, hoạt động cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ của cử tri phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, của "luật chơi" đã thoả thuận; mọi vi phạm đều bị tố cáo, bị cử tri phản ứng và pháp luật trừng phạt bất kể là ai. Hoạt động đảng phái chính trị rộng rãi, cạnh tranh theo luật cùng với cơ chế bầu cử dân chủ người đứng đầu nhà nước, nghị sĩ Quốc hội ... là những nội dung có ý nghĩa quan trọng để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả.
Tại Nga, Điều 13 Hiến pháp năm 1993 quy định: " Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng; Không một hệ tư tưởng nào được coi là chính thức và bắt buộc" và "Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa nguyên, đa đảng"[2]. Có thể nói, từ một nước theo mô hình Xô viết, có xu hướng độc tôn tư tưởng một cách cực đoan, Liên bang Nga đã có sự thay đổi quan trọng về đường lối chính trị, tư tưởng theo mô hình phổ biến của nhân loại. Cùng với nước Nga, nhiều nước thuộc Đông Âu và Liên Xô cũ cũng thay đổi thể chế chính trị, pháp lý.
 Ngoài chính phủ đang cầm quyền, các đảng chính trị không cầm quyền có vai trò rất quan trọng. Pháp luật nước Anh cho phép thành lập “Nội các trong bóng tối” của các đảng đối lập, có nhiệm vụ tìm ra những khiếm khuyết trong chính sách của đảng cầm quyền, giám sát những người đang làm nhiệm vụ cai trị đất nước dưới sự hướng dẫn của đảng cầm quyền. Đây được gọi là sự đối lập có trách nhiệm, chúng có tác dụng nhất định giúp nhà nước tư sản thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định của mình.
Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua cơ chế đảng đối lập là hiện thực phổ biến trên thế giới và hiệu quả của cơ chế đó luôn thuộc về các nước dân chủ tư sản phát triển. Loại trừ những điểm hạn chế, bất cập của mỗi nước trong thực hiện thì nhân tố hợp lý của cơ chế đó là buộc đảng cầm quyền phải nỗ lực nhiều hơn trong thực thi quyền lực công.
- Thứ ba, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở nhiều nước được thực hiện thông qua các tổ chức xã hội dân sự
Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được coi là ba trụ cột của sự ổn định và phát triển trong mỗi quốc gia, là xu hướng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Tổ chức xã hội dân sự được hiểu là tổ chức của những người hoạt động phi nhà nước, phi lợi nhuận, không tìm kiếm quyền lực quản lý. Cốt lõi của tư tưởng về xã hội dân sự là lý thuyết về dân chủ, quyền con người, quyền công dân, về bản chất tự do của xã hội và mỗi cá nhân trong mối quan hệ với nhà nước và thị trường. Các tổ chức xã hội dân sự tập hợp, đoàn kết mọi người nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung và lợi ích chung. Các tổ chức này hiện diện trong đời sống công cộng, đại diện thể hiện lợi ích, giá trị của mình (thành viên, tổ chức) và của người khác được thành lập theo pháp luật và dựa trên cơ sở đạo đức, văn hoá, tôn giáo hoặc từ thiện...Các tổ chức xã hội dân sự bao gồm: các tổ chức phi chính phủ (NGO), hiệp hội nghề nghiệp, các quỹ, các viện nghiên cứu độc lập, các tổ chức cộng đồng (CBOs) , các tổ chức tín ngưỡng, các tổ chức nhân dân, các phong trào xã hội và công đoàn.
Quan điểm phổ biến của phương Tây coi các tổ chức xã hội dân sự là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với nhà nước, không hẳn đối lập với nhà nước. Các nhà nước dân chủ tư sản luôn đề cao, nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong bảo vệ tự do cá nhân, dân chủ trước sự can thiệp của quyền lực nhà nước. Tổ chức xã hội dân sự có vai trò thúc đẩy các công dân tham gia vào các vấn đề công cộng, cụ thể là tham gia vào quá trình hình thành và thực thi chính sách của nhà nước. Đó cũng là cơ chế để người dân chủ động tham gia vào công việc của chính phủ nhằm kiểm soát và làm cân bằng mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.
Ở Mỹ, các hội, hiệp hội có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chính sách của Chính phủ: Hiệp hội nghề nghiệp là một hình thức của các nhóm lợi ích trong xã hội, bao gồm Hiệp hội y tế, Hội luật gia, Hội cựu chiến binh, Hội nhà báo, Hội những người về hưu v..v. , các nhóm lợi ích có vai trò nhất định trong sự tham gia và giám sát hoạt động của quyền lực nhà nước, và là công cụ đắc lực giúp người dân tham gia quản lý xã hội. Nhóm lợi ích đại diện cho các hội viên dựa trên lợi ích chung và bảo vệ lợi ích đó.Thông quacác nhóm lợi ích góp phần giám sát quyền lực nhà nước.
Ở Nhật Bản, các tổ chức xã hội dân sự rất phát triển, đó là những hội, hiệp hội và tổ chức khác nhau hoặc liên kết hoặc độc lập luôn tác động, giám sát quyền lực nhà nước; nhà nước trên cơ sở pháp luật luôn mở rộng và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội dân sự phát triển. Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng, lắng nghe, tiếp thu những tham gia, đòi hỏi, yêu cầu hợp lý của các tổ chức xã hội dân sự và coi đó là một trong những biện pháp để Chính phủ phải có ý thức về trách nhiệm hơn trong sử dụng quyền lực nhà nước thông qua việc ban hành và thực hiện chính sách của mình.
Các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Aixơlen, Phần Lan đều là những nước phát triển. Ngoài tự do, dân chủ, các đất nước trên đều đề cao tính công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước và coi trọng phát triển các tổ chức xã hội dân sự. Ở Thuỵ Điển, hệ thống chính trị tạo điều kiện để các lực lượng xã hội tích cực tham gia các hiệp hội, đảng phái và thông qua đó sẽ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chính trị của quốc gia. Các tổ chức xã hội dân sự có vai trò bổ sung và đóng góp quan trọng vào quan điểm của Chính phủ, được coi như trường học cho dân chủ và quyền công dân và là công cụ để nhân dân tham gia hoạt động chính trị, chia sẻ trách nhiệm xã hội với nhà nước.
Như vậy, so với các quốc gia khác ở Tây Âu, Đông Âu và Nhật Bản sự khác biệt giữa nhà nước và xã hội dân sự ở Thuỵ Điển rất nhỏ. Các lực lượng xã hội dân sự được tổ chức hiệu quả đã tác động đến quá trình ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Điều này cho thấy xã hội dân sự có vai trò rõ nét trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Hay nói cách khác thúc đẩy phát triển xã hội dân sự là một trong những giải pháp để kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài có hiệu quả.
- Thứ tư, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bằng các phương tiện truyền thông đại chúng
Truyền thông đại chúng là một biện pháp để công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước trước nhân dân. Trong thời đại ngày nay, với khoa học công nghệ vượt trội, truyền thông đại chúng có ưu thế rõ rệt, ngoài các chức năng phổ biến khác thì truyền thông đại chúng: "thực hiện hai chức năng chính: Thứ nhất, thông báo cho công chúng biết các nhà lãnh đạo của mình đang làm gì. Thứ hai, giám sát các hành động của Chính phủ" [3]. Cung cấp thông tin nhanh, rộng, toàn diện và công khai chính là truyền thông đã thể hiện một khía cạnh của mình đó là kiểm soát quyền lực nhà nước. Thể chế chính trị, pháp lý có vai trò quan trọng đối với tác dụng và sự phát triển của truyền thông đại chúng và ngược lại truyền thông đại chúng cũng có vai trò tạo lập và thúc đẩy dân chủ, là một trong những biểu hiện của dân chủ, đồng thời là phương tiện bảo đảm dân chủ và minh bạch hoá mọi hoạt động của quyền lực nhà nước. Một mặt, nhà nước sử dụng truyền thông để thực hiện quyền lực và mặt khác, nhân dân sử dụng phương tiện truyền thông để kiểm soát quyền lực nhà nước. Khi phân loại theo tính chất chủ thể thì đó là một thiết chế (lực lượng) mang tính nhân dân (xã hội). Khi xem xét vai trò thông tin thì đó là phương tiện. Nó được quan niệm là hoạt động chuyển giao các thông tin có tính phổ biến trong xã hội một cách rộng rãi và công khai đến công chúng.
Các phương tiện truyền thông đại chúng ở các nước dân chủ tư sản vô cùng đa dạng, phong phú về chủng loại, về sở hữu, về khả năng thông tin, khả năng tác động đến công chúng và chúng được sử dụng cho các mục đích khác nhau, đặc biệt là sử dụng cho mục đích chính trị và xã hội. Là thiết chế rộng rãi và hoạt động tự do nên chúng được coi như ngọn đèn pha soi rọi mọi ngóc ngách xã hội, phơi bày, mổ xẻ hiện thực xã hội, kết quả đó làm cho công luận phản ứng buộc các chính phủ phải nghiêm túc thực thi pháp luật và các chính sách hợp lòng dân. Nó không đơn thuần chỉ là công cụ, phương tiện của đảng cầm quyền, chính phủ hay giới chủ mà nó còn là diễn đàn xã hội, diễn đàn của nhân dân, là công cụ, phương tiện hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước. Một thực tế cho thấy các nước phát triển đều là những nước dân chủ mà ở đó các phương tiện truyền thông đại chúng được tự do thành lập và hoạt động với nhiều hình thức sở hữu trên cơ sở quy định của pháp luật.
Hệ thống truyền thông đại chúng của nước Mỹ rất phát triển, nó là một hệ thống đồ sộ, phức tạp và hùng mạnh nhất thế giới. Chính vì vậy, nó luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động chính trị, xã hội của nước Mỹ, nó tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến cả chính quyền và người dân, đặc biệt nó là công cụ xã hội có quyền lực mà các chủ thể chính trị luôn phải kiêng dè. Tại nước Mỹ, phần lớn cơ quan truyền thông đại chúng thuộc sở hữu tư nhân, nó vừa có mục đích kinh doanh vừa có mục đích chính trị và được coi là «quyền lực thứ tư » sau quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mặc dù không thực hiện quyền lực theo phân công của hiến pháp nhưng truyền thông đại chúng có thể định hướng được công chúng và điều này khiến nó trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của nước Mỹ.
Ở Vương quốc Anh, truyền thông báo chí có lịch sử lâu đời và có xu hướng phát triển ổn định, 70% nhật báo là thuộc về các tập đoàn truyền thông. Truyền thông đại chúng ở Anh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, là chủ thể đồng thời là phương tiện quan trọng kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân.
Ở Cộng hoà Pháp, báo chí là sản phẩm ra đời sớm và luôn phát triển mạnh, đa dạng, trong đó báo của các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các ngành, giới, hội, hiệp hội nhằm tuyền truyền tư tưởng, quan điểm, đường lối đến công chúng, thu hút, vận động công chúng được hoạt động tự do. Điều khác biệt với phương tiện truyền thông đại chúng của các nước Anh- Mỹ (sở hữu tư nhân là chủ yếu) thì là ở Pháp, nhà nước trực tiếp quản lý một số hãng thông tấn, cơ quan báo chí và chi phối thông tin trên cả nước.
Các phương tiện truyền thông đại chúng luôn gắn liền với tự do ngôn luận, tự do báo chí. Vấn đề chung trên thế giới là các phương tiện truyền thông đại chúng và hoạt động truyền thông đều phải chịu sự quản lý của nhà nước theo pháp luật. Quản lý ở đây không theo nghĩa là chủ quản, chỉ đạo mà chính là xác lập thể chế, khung pháp lý và là trọng tài bảo đảm cho hoạt động truyền thông đại chúng không vượt ra ngoài khôn khổ, giới hạn mà pháp luật quy định. Mặt khác, tự do ngôn luận và tự do báo chí luôn gắn liền với thể chế chính trị, pháp lý của mỗi quốc gia, thể chế đó chi phối và quyết định mặt tích cực hay tiêu cực của truyền thông đại chúng. Các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò đến đâu trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước tùy thuộc vào vị trí của thiết chế đó trong cơ chế pháp lý nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Nếu cơ chế tự do, dân chủ thì truyền thông có tác dụng rất mạnh mẽ đến công luận, đến chính phủ, các nhà chính trị, các đảng phái ... và đó là một hình thức đồng thời là một phương tiện hữu hiệu để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.      
- Thứ năm, bầu cử tự do và giới hạn nhiệm kỳ được xem là một phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước
Bầu cử tự do và giới hạn nhiệm kỳ là những yếu tố để công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước được các nước dân chủ tư sản hết sức coi trọng. Nó là yếu tố cơ bản để thực hiện việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Bầu cử là hình thức uỷ quyền từ nhân dân tới những người đại diện. Chính vì vậy mà nó được xem là một phương thức để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước.
Việc bầu cử các chức danh nguyên thủ quốc gia, nghị sĩ quốc hội ở các nước dân chủ tư sản luôn là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các ứng cử viên trong các đảng phái với nhau, giữa ứng cử viên của các đảng phái chính trị với nhau và giữa đảng cầm quyền với đảng đối lập. Nhân dân trên cơ sở pháp luật, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua tiếp xúc với ứng cử viên...có thể tự do biểu đạt ý chí của mình bằng quyết định lựa chọn bầu hay không bầu cho ứng cử viên nào. Để bầu cử được tự do, dân chủ thể hiện trọn vẹn ý chí của người dân vào sự lựa chọn đại diện cho mình thì phải có một cơ chế pháp lý bảo đảm được điều đó.
Cách thức vận hành của các cuộc bầu cử ở Mỹ rất phức tạp và đôi khi còn khó hiểu nhưng đảm bảo mọi công dân Mỹ, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử. Cứ bốn năm một lần, người Mỹ lại đi bầu tổng thống và phó tổng thống. Cứ hai năm một lần, người Mỹ đi bầu lại tất cả 435 thành viên Hạ viện và khoảng 1/3 trong số 100 thành viên của Thượng viện. Nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ kéo dài 6 năm. Điều bổ sung sửa đổi thứ 22 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1951 cấm Tổng thống Mỹ không được nắm quyền quá hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Hiến pháp không áp đặt thời hạn nhiệm kỳ đối với hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ.
Ở Anh, 5 năm 1 lần, cử tri lựa chọn đại biểu của mình vào Hạ viện. Nhân dân kiểm soát nhà nước bằng lá phiếu của mình nếu đảng cầm quyền và những người đại diện cho đảng đó không còn uy tín hay lạm dụng quyền lực cho lợi ích riêng thì các cử tri sẽ bỏ phiếu cho đối lập vào cuộc bầu cử tới. Như vậy, bầu cử tự do, dân chủ và giới hạn nhiệm kỳ người giữ chức vụ trong bộ máy quyền lực nhà nước được coi là một phương tiện pháp lý để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước. Điều này không chỉ diễn ra ở Anh mà còn là xu hướng chung của nhiều nước dân chủ tư sản trên thế giới.
2. Những giá trị cần tham khảo, vận dụng
Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ngoài những điểm chung nói trên, ở mỗi nước còn có sự khác nhau do đặc điểm lịch sử, văn hoá truyền thống và đặc biệt là do đặc thù của hệ thống chính trị và tổ chức quyền lực nhà nước ở mỗi nước quyết định. Theo GS,TSKH. Đào Trí Úc thì có thể liệt kê những những yếu tố sau đây có mối quan hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng ở các nước trên thế giới: Về hệ thống chính trị; về mối liên hệ giữa công quyền và xã hội dân sự; về các đảng chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; các nhóm lợi ích và các nhóm áp lực; về các hình thức vận động hành lang (lobby); về khả năng xã hội hoá các cơ chế kiểm tra, giám sát, khả năng kết hợp giữa công quyền và xã hội trong tổ chức giám sát các thiết chế công quyền [4]
Trong khuôn khổ nghiên cứu cơ bản cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước của một số nước nêu trên, có thể rút ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam sau đây:
 Một là, quyền lập hiến phải luôn luôn thuộc về nhân dân, bằng hiến pháp, nhân dân thiết lập nên nhà nước và giao quyền, ủy quyền quyền lực của mình cho nhà nước. Vì thế, để nhà nước không lạm quyền, nhân dân không mất quyền thì nhân dân phải là chủ thể của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Hai là, bầu cử dân chủ theo nhiệm kỳ để chọn ra người lãnh đạo xứng đáng đại diện cho nhân dân cần được xem là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Ngoài nguyên tắc là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín thì cách thức bầu cử cạnh tranh là ưu thế để nhân dân lựa chọn được người xứng đáng thực thi quyền lực nhà nước. Bầu cử theo nhiệm kỳ vừa là sự lựa chọn vừa là sự kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân. Vì vậy, cần thí điểm bầu cử cạnh tranh, trực tiếp và toàn dân một số chức danh nhà nước trong thời gian tới.
Ba là, các quyền dân chủ trực tiếp của công dân do Hiến pháp năm 2013 quy định như quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền lập hội, biểu tình, tham gia quản lý nhà nước… cần sớm được thể chế hóa thành các đạo luật và phải được thực hiện trên thực tế, kết hợp với việc đề cao thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, của các tổ chức xã hội dân sự... để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả.
Bốn là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính trị, pháp lý của đất nước theo hướng dân chủ, pháp quyền XHCN và xây dựng điều kiện kinh tế xã hội ổn định, phát triển, nâng cao đời sống vật chất, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật cho nhân dân, tạo điều kiện để cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước được vận hành thông suốt, hiệu quả.
Năm là, những kinh nghiệm, giá trị rút ra từ cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước trên thế giới cần được tham khảo, vận dụng trên cơ sở khoa học, thực tiễn, có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam, tránh bảo thủ, giáo điều.
 

* Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Thanh Thủy, Phú Thọ
[1] Ban Biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 (2013), Một số vấn đề cơ bản của hiến pháp các nước trên thế giới, (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 386.
[2] Văn phòng Quốc hội, Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr. 58.
 
[3] GS. TS Nguyễn Văn Huyên, Chủ biên (2007), Hệ thống chính trị Anh, Mỹ, Pháp (Mô hình tổ chức và hoạt động), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 227.
 
[4] Đào Trí Úc (2010), Cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Đảng và nhà nước- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 216, 217.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 6(286), tháng 3/2015)