Không ban hành đạo luật tư pháp quốc tế: xu thế tất yếu của tư pháp quốc tế Việt Nam trong giai đoạn tới

01/03/2015

BÀNH QUỐC TUẤN

khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Với vai trò là một lĩnh vực pháp luật có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, tư pháp quốc tế (TPQT)có nguồn luật rất rộng trong đó pháp luật quốc gia là một trong những nguồn luật cơ bản. Về mặt kỹ thuật lập pháp, TPQT các nước hiện nay có hai xu hướng chủ yếu đối với nguồn luật quốc gia là ban hành đạo luật TPQT tập trung hoặc không ban hành đạo luật TPQT mà quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau có liên quan. Việt Nam nên theo xu hướng nào để phù hợp với điều kiện thực tế giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Vì vậy, việc lựa chọn một giải pháp phù hợp là điều cần thiết để góp phần hoàn thiện lý luận Tư pháp quốc tế ở Việt Nam, đặc biệt là để phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Phần thứ bảy Bộ Luật dân sự năm 2005.
Untitled_256.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Xu hướng của các quốc gia trong việc xây dựng quy phạm pháp luật của tư pháp quốc tế 
Trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật (QPPL) của TPQT thì hoàn thiện các QPPL trong các văn bản pháp luật quốc gia là giải pháp được các quốc gia ưu tiên lựa chọn. Điều này xuất phát từ việc xây dựng các quy phạm trong pháp luật quốc gia đơn giản và dễ dàng hơn việc xây dựng và thực hiện các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm của từng nước mà các quy phạm của TPQT được xây dựng tập trung thành một đạo luật hoặc quy định rải rác trong các văn bản pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, tố tụng dân sự (TTDS),… Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành đạo luật TPQT riêng để điều chỉnh các quan hệ của TPQT. Các nước đã ban hành Luật TPQT điển hình như:
- Khu vực châu Âu: Ba Lan (Luật TPQT ngày 11/12/1965); Hungary (Sắc luật về TPQT năm 1979); Cộng hòa liên bang Đức (Bộ luật về TPQT ngày 25/7/1986); Liên bang Thụy Sĩ (Switzerland’s Federal Code on Private International Law of 18 September 1987- CPIL); Vương quốc Bỉ (Law of 16 July 2004 holding the Code of Private International Law); Bulgaria (Bulgarian Private International Law Code of 04 May 2005); Italia (Luật TPQT năm 1995), Ucraina (Luật TPQT năm 2005),...
- Khu vực châu Á: Nhật Bản (Act on the General Rules of Application of Laws of 2006), Trung Quốc (Luật TPQT năm 2010), Đài Loan (Luật TPQT năm 2010),…
Có thể thấy, những nước đã ban hành đạo luật TPQT thường rơi vào một trong hai trường hợp: hoặc những nước Đông Âu trong quá trình thay đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp với những biến đổi về thể chế kinh tế - chính trị; hoặc những nước có nền kinh tế phát triển cao, trình độ lập pháp đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định và quan trọng nhất, các quan hệ pháp luật do TPQT điều chỉnh đã tương đối ổn định. Bên cạnh những quốc gia theo xu thế này, phần lớn các quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển đều chọn giải pháp không ban hành đạo luật TPQT mà quy định các quy phạm của TPQT trong nhiều văn bản khác nhau: Pháp, An-giê-ri, Liên bang Nga, Peru, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia, một số nước Bắc Âu, các quốc gia châu Phi,… Trong số này có cả những nước có nền kinh tế - xã hội phát triển và có số lượng rất lớn. Nói một cách khác, số lượng các đạo luật TPQT đã ban hành vẫn còn rất ít so với số lượng các hệ thống pháp luật quốc gia.
Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù đã trở thành một xu thế hiện thực và đang phát triển nhưng ban hành đạo luật TPQT vẫn chưa phải là giải pháp được các quốc gia ưu tiên lựa chọn. Điều này có thể lý giải bởi những nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phạm vi các quan hệ dân sự do TPQT điều chỉnh rất rộng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực dân sự khác nhau nên việc tập hợp các quy phạm điều chỉnh các quan hệ này vào một đạo luật thống nhất là vấn đề phức tạp. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua sự khác biệt giữa các đạo luật TPQT đã ban hành, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của các đạo luật. Một số nước xây dựng Luật TPQT có phạm vi điều chỉnh rất rộng, gần như điều chỉnh mọi vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, tập trung vào ba vấn đề cơ bản của TPQT: chọn luật áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài; giải quyết xung đột thẩm quyền cũng như xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài; vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của nước ngoài. Những nước có Luật TPQT điển hình cho phạm vi điều chỉnh rộng là Bỉ, Bulgaria, Liên bang Thụy Sĩ,… Ngược lại, có những nước ban hành đạo luật TPQT có phạm vi điều chỉnh rất hẹp, chỉ giải quyết vấn đề xung đột pháp luật, các vấn đề khác được quy định trong văn bản pháp luật riêng mà thường là Bộ luật TTDS hoặc Luật Thi hành án dân sự. Điển hình của những nước ban hành đạo luật TPQT có phạm vi điều chỉnh hẹp là Nhật Bản: Luật TPQT của Nhật Bản ban hành từ năm 1898, có tên là Luật những nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Nhật Bản (Act on General Rules for Application of Laws). Luật này đã được sửa đổi nhiều lần và lần sửa đổi gần đây nhất là ngày 21/6/2006, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007. Phạm vi điều chỉnh của luật chủ yếu tập trung vào vấn đề chọn luật áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài[1]. Các vấn đề liên quan đến công nhận và thi hành phán quyết của nước ngoài được điều chỉnh bởi Luật Thi hành án dân sự Nhật Bản năm 1979, sửa đổi năm 2003 (The Civil Execution Act of Japan - Law No. 4 of 1979 as amended by Law No. 138 of 2003), vấn đề thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi Bộ luật TTDS năm 1996, sửa đổi năm 2003 (The Code of Civil Procedure of Japan - Law No. 109 of 1996 as amended by Law No. 128 of 2003)[2]. Nhiều quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành Luật TPQT (dù tên gọi có sự khác nhau) với phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết dân sự của nước ngoài. Ví dụ: Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ai - len[3], Australia[4], Hoa Kỳ[5]
Những sự khác biệt này cho thấy, chưa có một khuôn mẫu chung cho đạo luật về TPQT và với thực trạng như thế nếu số lượng các đạo luật gia tăng sẽ làm phát sinh sự “xung đột” giữa chính các đạo luật với nhau khi cùng giải quyết một vấn đề của TPQT. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã không lựa chọn giải pháp ban hành đạo luật TPQT cho đến thời điểm phù hợp nhất.
Thứ hai, đối với những quốc gia đã ổn định cấu trúc của hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự, việc xây dựng và ban hành đạo luật về TPQT sẽ tác động đến toàn bộ các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật quốc gia bởi lẽ phải sửa đổi hàng loạt các văn bản pháp luật có liên quan. Rõ ràng việc gây ra những thay đổi lớn chỉ để nhằm xây dựng một đạo luật là điều không cần thiết đối với những quốc gia đang hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình và mong muốn có một hệ thống pháp luật ổn định. Nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật đã tính đến phương án ban hành đạo luật về TPQT nhưng cuối cùng đã chọn giải pháp tiếp tục duy trì tình trạng sử dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau để điều chỉnh các quan hệ này nhằm tránh gây ra những xáo trộn lớn trong hệ thống pháp luật. Điển hình như trường hợp của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào[6] hoặc Việt Nam trong giai đoạn xây dựng BLDS năm 2005. Có thể thấy rằng, việc lựa chọn ban hành hay không ban hành đạo luật TPQT không thuần túy xuất phát từ xu thế hoặc yêu cầu điều chỉnh các quan hệ pháp luật mà còn phải căn cứ trên hiện trạng của hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc tính toán hiệu quả của việc ban hành pháp luật trong giai đoạn hiện tại cũng như giai đoạn sắp tới. Nói cách khác, giải pháp ban hành đạo luật TPQT chỉ là một trong những khả năng được cân nhắc lựa chọn mà không phải là giải pháp duy nhất hay giải pháp bắt buộc.
Thứ ba, phạm vi điều chỉnh của TPQT mỗi nước là khác nhau. Trên thế giới, tùy theo quan điểm của mỗi nước, có hai loại phạm vi điều chỉnh của TPQT: phạm vi điều chỉnh rộng và phạm vi điều chỉnh hẹp. Đối với những nước có phạm vi điều chỉnh rộng điển hình là TPQT của Pháp, Liên bang Nga, Việt Nam,… phạm vi điều chỉnh của TPQT được xác định rất rộng, bao gồm những vấn đề chung liên quan đến chủ thể của TPQT, xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền xét xử, vấn đề ủy thác tư pháp và vấn đề công nhận, cho thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài. Bên cạnh đó, nội dung TPQT còn bao gồm cả những lĩnh vực quan hệ dân sự cụ thể có yếu tố nước ngoài như quan hệ sở hữu, thừa kế, lao động,… Thậm chí, TPQT của Pháp còn điều chỉnh cả vấn đề quốc tịch, quy chế xuất nhập cảnh của người nước ngoài[7]. Đối với những nước có phạm vi điều chỉnh hẹp điển hình là các nước thuộc hệ thống pháp luật Anglo - Sacxong như Anh, Mỹ, một số nước khác như Australia, Singapore,… TPQT được nghiên cứu dưới góc độ luật xung đột vì vậy có phạm vi điều chỉnh hẹp. Phạm vi điều chỉnh của tư pháp tập trung vào ba vấn đề: xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật, xung đột thẩm quyền xét xử và xác định cơ quan tài phán có thẩm quyền, vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan tài phán nước ngoài. Vấn đề quốc tịch và quy chế pháp lý của người nước ngoài được giải quyết riêng, trong khuôn khổ của luật công. Ngoài ra, theo quan điểm của một số nước (Đức, Italia), TPQT có phạm vi điều chỉnh rất hẹp, chỉ giải quyết vấn đề xung đột pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật. Vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử được giải quyết trong khuôn khổ luật tố tụng. Ở những nước có phạm vi điều chỉnh của TPQT hẹp, thuật ngữ TPQT ít được sử dụng mà sử dụng phổ biến thuật ngữ Luật xung đột. Các công trình nghiên cứu khoa học, ấn phẩm, sách báo cũng thường xuyên sử dụng thuật ngữ này[8].
Chính từ sự khác biệt về mặt lý luận này dẫn đến giải pháp lựa chọn của các nước đối với việc xây dựng các QPPL thực định là khác nhau. Điều này dẫn đến giải pháp ban hành đạo luật TPQT riêng không được nhiều quốc gia lựa chọn, đặc biệt là những nước có phạm vi điều chỉnh của TPQT rộng.
Thứ tư, việc lựa chọn giải pháp cụ thể cho từng quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở các nước là khác nhau. Đây là điều tất yếu trong TPQT bởi lẽ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng nước mà giải pháp lựa chọn luật áp dụng đối với từng quan hệ cụ thể sẽ khác nhau. Ví dụ: một hợp đồng theo pháp luật nước A là có hiệu lực pháp luật bởi lẽ quy phạm xung đột của nước này áp dụng luật nơi ký kết hợp đồng nhưng theo pháp luật nước B sẽ vô hiệu bởi lẽ quy phạm xung đột của nước này áp dụng luật nơi thực hiện hợp đồng. Như vậy, cả nước A và nước B không thể xây dựng một đạo luật TPQT để có thể áp dụng cho cùng một quan hệ được bởi lẽ về mặt hiệu quả điều chỉnh cũng không khác so với việc giữ nguyên hiện trạng các QPPL của TPQT đang nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
Nói tóm lại, mặc dù đã trở thành một hiện tượng có thật của TPQT một số nước, nhưng ban hành đạo luật TPQT rõ ràng chưa thể trở thành xu thế tất yếu của TPQT trong giai đoạn sắp tới bởi những khó khăn, thử thách đặt ra cho quá trình lập pháp của các quốc gia. Và quan trọng nhất, hiệu quả điều chỉnh của các QPPL cũng không có gì thay đổi so với hiện tại. Việc ban hành hay không ban hành đạo luật TPQT là vấn đề được các quốc gia cân nhắc thận trọng chứ không phải là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
2. Xu thế phát triển của tư pháp quốc tế Việt Nam và cơ sở khẳng định việc không ban hành đạo luật tư pháp quốc tế trong giai đoạn sắp tới
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong các nước không chọn giải pháp ban hành đạo luật TPQT. Trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam hiện hành, các quy phạm của TPQT nằm rải rác trong các văn bản do Quốc hội ban hành. Hiến pháp năm 2013 hiện nay (Hiến pháp năm 1992 trước đây) là nguồn quan trọng nhất của TPQT Việt Nam. Trong Hiến pháp đã ghi nhận nhiều nguyên tắc và quy phạm đặt nền tảng cho lĩnh vực TPQT. Các nguyên tắc hiến định này được pháp điển hóa trong các luật và văn bản dưới luật mà quan trọng nhất là Bộ luật TTDS năm  2004 và BLDS năm 2005. Ngoài BLDS và Bộ luật TTDS, một số đạo luật khác cũng có những quy định của TPQT như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Thương mại năm 2005, Luật Quốc tịch năm 2008, Luật Đầu tư năm 2005, Bộ luật Hàng hải năm 2005, Luật Hàng không dân dụng năm 2006, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Bộ luật Lao động năm 2012,… Nói tóm lại, các QPPL điều chỉnh các quan hệ TPQT không nằm tập trung ở một văn bản mà nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau ở nhiều ngành luật khác nhau. Trong xu thế phát triển của TPQT, đã có nhiều ý kiến đề xuất về việc ban hành một đạo luật TPQT ở Việt Nam. Dĩ nhiên những ý kiến đề xuất đều xuất phát từ những cơ sở nhất định, nhưng việc thực thi trên thực tế đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện nhu cầu thực tiễn cũng như những điều kiện hiện tại của Việt Nam và dự báo cho giai đoạn sắp tới.
Trên cơ sở sự phát triển của TPQT Việt Nam cũng như những điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, nhu cầu điều chỉnh pháp luật trong giai đoạn sắp tới có thể dự báo xu thế phát triển của TPQT Việt Nam như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện QPPL trong nước theo hướng duy trì tối đa sự ổn định của hệ thống pháp luật. Để hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Việt Nam có nhiều phương án để lựa chọn, trong đó hoàn thiện pháp luật trong nước và tăng cường ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế là hai phương án được quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia tiêu biểu trên thế giới cho thấy, hoàn thiện văn bản pháp luật trong nước luôn là phương án được quan tâm đầu tiên, bởi lẽ xuất phát từ chủ quyền quốc gia, pháp luật trong nước đóng vai trò là nguồn luật cơ bản của lĩnh vực pháp luật này. Vì vậy, quá trình hoàn thiện pháp luật phải gắn với việc hoàn thiện các văn bản pháp luật trong nước. “Dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế là, những điều ước quốc tế Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia khó có thể điều chỉnh hết mọi vấn đề TTDS có yếu tố nước ngoài, thậm chí nếu bao quát được hết đi chăng nữa thì hiệu lực của điều ước quốc tế cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các nước tham gia ký kết mà thôi. Mặt khác, ngay cả trong trường hợp nhiều vấn đề TTDS có yếu tố nước ngoài đã được giải quyết trong các điều ước quốc tế thì thông thường, để có cơ chế thực thi, chúng cũng cần được chuyển hóa vào các văn bản pháp luật của mỗi quốc gia”[9]. Đặc biệt, trong điều kiện thực tế Việt Nam chưa tham gia nhiều điều ước quốc tế có liên quan đến TPQT thì việc hoàn thiện văn bản pháp luật trong nước càng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, việc ban hành một đạo luật riêng về TPQT tại Việt Nam vẫn chưa được tiến hành. Hiện nay, việc xây dựng dự thảo văn bản pháp luật thay thế cho BLDS năm 2005 vẫn tiếp tục phương án sẽ có một phần của Bộ luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thay thế cho Phần thứ bảy của BLDS năm 2005 mà không tách riêng ra để ban hành đạo luật về TPQT[10]. Nguyên nhân do quá trình hình thành và phát triển các QPPL điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ngay từ đầu đã có các quy định trong nhiều văn bản pháp luật, việc thay đổi sẽ khó khăn, phức tạp do phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, việc ban hành một đạo luật riêng về TPQT cũng chưa phải là nhiệm vụ cấp bách mà hoàn thiện nội dung các QPPL mới là nhiệm vụ quan trọng hơn của quá trình hoàn thiện pháp luật về TPQT của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật trong nước theo hướng không ban hành đạo luật riêng về TPQT sẽ là xu hướng phát triển của pháp luật Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Thứ hai, tăng cường ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan. Bên cạnh việc hoàn thiện văn bản pháp luật trong nước, với xu thế hội nhập của thời đại cũng như những nỗ lực không ngừng thống nhất các QPPL trong lĩnh vực TPQT nói chung trên phạm vi toàn thế giới, thì việc gia nhập các thiết chế đa phương về TPQT cũng như các điều ước quốc tế là một trong những phương án mà các quốc gia ưu tiên lựa chọn. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đều đã là thành viên của Hội nghị La Haye về TPQT, thành viên của UNIDROIT, cũng như đều đã tham gia nhiều công ước đa phương về TPQT của Hội nghị La Haye. Bên cạnh đó, các quốc gia này còn áp dụng các công ước, các văn bản pháp luật do Liên minh châu Âu ban hành. Các nước có nền kinh tế phát triển như Canada, Hoa Kỳ, Australia cũng ký kết, tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương với EU cũng như các nước khác. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công ước quốc tế đa phương vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, các nước còn ký kết nhiều thỏa thuận song phương quy định cụ thể các vấn đề mà công ước không quy định. Các quốc gia, lãnh thổ thuộc khu vực châu Á, trong đó có nhiều quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, đều đã không ngừng tăng cường việc tham gia các điều ước quốc tế đa phương cũng như gia nhập các thiết chế đa phương trong lĩnh vực TPQT. Trung Quốc từ sau thời điểm tiến hành cải cách kinh tế năm 1987 đến nay đã ký kết Hiệp định TTTP trong lĩnh vực dân sự với hơn 30 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Italia, Cộng hòa liên bang Đức, Ba Lan, Romania,… Trung Quốc cũng đã gia nhập nhiều công ước quốc tế đa phương, gia nhập Hội nghị La Haye về TPQT từ 03/7/1987[11]. Các nước châu Á khác có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản (thành viên Hội nghị La Haye từ 27/6/1957), Hàn Quốc đều đã ký kết hoặc gia nhập nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương về TPQT[12]. Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thailand, Malaysia (thành viên Hội nghị La Haye từ 02/10/2002), Philippines (thành viên Hội nghị La Haye từ 14/7/2010) cũng đã gia nhập nhiều công ước đa phương của Hội nghị La Haye về TPQT[13]. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội nghị La Haye từ 10/4/2013 và đang xúc tiến tham gia nhiều thiết chế đa phương về TPQT khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa gia nhập nhiều điều ước quốc tế có liên quan nên xu thế tất yếu trong giai đoạn sắp tới, việc gia nhập các điều ước quốc tế đa phương cũng như song phương sẽ là một trong những giải pháp ưu tiên lựa chọn của Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu dân sự quốc tế.
Với xu thế phát triển của TPQT Việt Nam như trên, có thể thấy trong giai đoạn sắp tới, khi các điều kiện cho việc ban hành đạo luật về TPQT ở Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy trì việc sử dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau để điều chỉnh các quan hệ của TPQT. Điều này có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của TPQT Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu và giải quyết một cách thấu đáo như phạm vi điều chỉnh của TPQT, mối quan hệ của TPQT với các ngành luật quốc gia, vấn đề nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài, vấn đề quyền miễn trừ của nhà nước,... Những vấn đề lý luận này cần phải được giải quyết triệt để trước khi cơ quan lập pháp hiện thực hóa thành các QPPL cụ thể trong văn bản pháp luật để đảm bảo tính khả thi và quan trọng nhất, tính ổn định, khoa học của văn bản pháp luật được ban hành. Khoa học pháp lý TPQT của Việt Nam chưa thật sự phát triển nên để giải quyết thấu đáo những vấn đề này đòi hỏi phải có một thời gian tương đối dài và đây cũng là một trong những điều kiện cơ bản để ban hành đạo luật TPQT.
Thứ hai, việc hoàn thiện hệ thống quy phạm xung đột theo hướng tập trung vào đạo luật TPQT đòi hỏi phải phù hợp với các quy định của pháp luật TTDS, trong khi rất nhiều vấn đề của TTDS vẫn chưa giải quyết được như thẩm quyền của tòa án, trình tự, thủ tục tố tụng, quan hệ TTDS quốc tế,... Hiện nay, các QPPL điều chỉnh quan hệ TTDS quốc tế tập trung vào Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và những quy phạm này liên quan chặt chẽ đến các QPPL điều chỉnh quan hệ TTDS trong nước. Do đó, việc tách các quy phạm này ra khỏi Bộ luật Tố tụng dân sự trước hết sẽ gây xáo trộn cấu trúc của Bộ luật Tố tụng dân sự và quan trọng hơn, phải được tiến hành đồng bộ với quá trình hoàn thiện các quy định liên quan đến TTDS. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều vấn đề liên quan đến TTDS vẫn chưa được giải quyết thấu đáo cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Do đó, hiện tại chưa phải là thời điểm phù hợp để tách các QPPL của TPQT ra khỏi Bộ luật Tố tụng dân sự và đưa vào đạo luật TPQT.
Thứ ba, việc ban hành đạo luật TPQT sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn đối với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam cần có sự ổn định tương đối của hệ thống pháp luật phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt là quá trình hội nhập mà tính ổn định là một trong những yêu cầu cơ bản của hệ thống pháp luật. Trong khi đó, những lợi ích của đạo luật TPQT mang lại chưa rõ ràng và chưa tương xứng. Những ưu điểm của việc ban hành một đạo luật riêng về TPQT theo quan điểm của một số tác giả như: tính tập trung, thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và tra cứu văn bản pháp luật; thuận lợi cho việc sửa đổi, bổ sung các QPPL là những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp hoặc tạo tâm lý tin cậy hơn cho chủ thể nước ngoài đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ một cách khách quan là không có cơ sở. Nói cách khác, đó chưa phải là tất cả những gì có thể đánh đổi với sự ổn định của hệ thống văn bản pháp luật đã được định hình trong một thời gian dài[14].
Thứ tư, năng lực chuyên môn của các cơ quan chức năng còn hạn chế. Ban hành đạo luật TPQT là một vấn đề phức tạp cả về mặt kỹ thuật lập pháp lẫn nội dung của các QPPL bên trong. Bên cạnh đó, cần phải tính toán để đảm bảo sự đồng bộ của đạo luật này đối với toàn bộ hệ thống pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, bởi lẽ phạm vi điều chỉnh của đạo luật TPQT sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều văn bản pháp luật đang tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cùng với các vấn đề liên quan đến việc ban hành luật, chúng ta cần phải tính toán đến các khả năng có thể xảy ra khi áp dụng văn bản pháp luật vào thực tế, đặc biệt là khả năng giải quyết vấn đề của đội ngũ những người làm công tác áp dụng pháp luật. Với thực tế trình độ chuyên môn của đội ngũ những người làm công tác thực thi pháp luật như hiện nay, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, việc ban hành và áp dụng một đạo luật TPQT chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta.
Vậy trong trường hợp không ban hành đạo luật TPQT, Việt Nam có thể gặp những khó khăn gì hay không? Có thể thấy rằng, việc không ban hành đạo luật TPQT sẽ gây ra một số khó khăn nhất định cho Việt Nam như việc tra cứu, tìm kiếm các QPPL sẽ mất nhiều thời gian; khả năng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật sẽ cao hơn, việc sửa đổi, bổ sung các QPPL sẽ khó khăn, phức tạp hơn do phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật có liên quan,... Tuy nhiên, theo chúng tôi, những khó khăn này không phải là bản chất của vấn đề và càng không phải là những khó khăn gây trở ngại cho quá trình áp dụng pháp luật và hoàn thiện pháp luật. Vấn đề quan trọng cần tập trung trong giai đoạn sắp tới là hoàn thiện về mặt nội dung các quy phạm xung đột chọn luật áp dụng cũng như tăng cường gia nhập các điều ước quốc tế để thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế.
Với tất cả những phân tích trên, có thể kết luận rằng, những điều kiện cần và đủ cho việc ban hành đạo luật TPQT ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện và không ban hành đạo luật TPQT, tiếp tục duy trì vai trò luật chung của BLDS trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cùng với quy phạm xung đột trong các văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ là giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam trong giai đoạn hiện tại cũng như sắp tới và đây cũng sẽ và phải là giải pháp lựa chọn cho việc sửa đổi, bổ sung Phần thứ bảy BLDS năm 2005./. 

*Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
[1] Xem: Act on General Rules for Application of Laws (bản tiếng Anh).
[2] Xem thêm: Nozomi Tada (Professor of Tokyo University), Enforcement of Foreign Judgments in Japan Regarding Business Activities, Japanese Annual of International Law, No. 46, pp. 75-94; The Civil Execution Act of Japan (Law No. 4 of 1979 as amended by Law No. 138 of 2003); The Code of Civil Procedure of Japan (Law No. 109 of 1996 as amended by Law No. 128 of 2003).
[3] Xem: The British Foreign Judg-ments Act of 1933.
[4] Xem: Foreign Judgments Act 1991, Act No. 112 of 1991.
[5] Xem: The Uniform Enforcement of Foreign Judgments Act of 1948.
[6] Xem: Sida Lokaphone (Viện trưởng Viện khoa học pháp lý và hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Lào), Một số nét về TPQT của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Tham luận trình bày tại Hội thảo khu vực Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ nhân thân và tài sản trong TPQT (Nhà pháp luật Việt – Pháp tổ chức tháng 5/2005 tại Hà Nội).
[7] Xem Jean Derruppe, TPQT - Dịch giả: Trần Đức Sơn (Bản dịch tiếng Việt của Nhà pháp luật Việt – Pháp), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 11, tr. 12.
[8] Xem: Morris L. Cohen & Kent C. Olson (2000), Legal Research, West Group; Eugene F. Scoles, Peter Hay, Patrick J. Borchers, Symeon C. Symeonides (2000), Conflict of Laws, West Group Press; J.G. Collier (2001), Conflict of Laws, Cambridge University Press; Roy Goode, Herbert Kronke, Ewan McKendrick, Jeffrey Wool (2007), Transnational Commercial Law, Oxford University Press.
[9] Nguyễn Ngọc Khánh, “TTDS có yếu tố nước ngoài trong việc xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 10, 2003.
[10] Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (Điều 687 – Điều 708) Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội khóa 13 tại kỳ họp thứ 8, ngày 25/10/2014.
[11]Deng Xinran (Associate of the MMLC Group - China),The Recognition and Enforcement of Foreign Judgments in Civil and Commercial Matters in People’s Republic of China”.
[12] Baker & McKenzie (2011), Dispute Resolution Around the World – Japan, pp. 14 – 15.
[13] Nguồn: Trang Web của Hội nghị La Haye về TPQT (http://www.hcch.net).
[14] Xem: Lê Thị Nam Giang, Đề xuất xây dựng Luật TPQT, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (250), T9/2013, tr. 18 – tr. 24.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5(285), tháng 3/2015)


Thống kê truy cập

33936167

Tổng truy cập