Một số ý kiến về soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân

01/02/2014

PGS. TS. ĐINH NGỌC VƯỢNG

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát rất khoa học một tư tưởng then chốt: thực chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Theo tư tưởng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luônluôn khẳng định: phát huy dân chủ là bản chất của chế độ xã hội mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, là một trong những nhiệm vụ lâu dài và trọng yếu của đất nước. Khi bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh, có lẽ trong chúng ta không ai không nhớ đến tư tưởng vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do dân làm chủ.Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm mà Người để lại cho muôn đời con cháu mai sau, là tư tưởng nhân dân, những người lao động sáng tạo ra lịch sử, thể hiện rõ nét trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.Thực hiện Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 ngày 29/12/2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc triển khai Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội khóa XIII về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Hội Luật gia Việt Nam đã được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Trưng cầu ý dân (TCYD). Trong quá trình tham gia Tổ biên tập, chúng tôi có một số ý kiến về việc soạn thảo đạo luật quan trọng này. 
Untitled_416.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Hiến pháp và Luật Trưng cầu ý dân
Hiến pháp năm 1946, trong Chương II Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, có riêng mục C quy định về "Bầu cử, bãi miễn và phúc quyết". Phúc quyết được quy định trong Điều thứ 21: "Nhân dân có quyềnphúc quyếtvề Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70". Theo quy định tại Điều thứ 32, những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định. Còn theo quy định tại Điều thứ 70, việc sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu; b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi; c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp phải do đa số nghị viên đề nghị và sau đó phải tổ chức TCYD. TCYD ở đây, theo chúng tôi, chính là việc tổ chức để nhân dân tham gia biểu quyết, trả lời cho câu hỏi "Đồng ý" hay "Không đồng ý" với việc sửa đổi Hiến pháp. Và quyết định được thông qua TCYD là quyết định cuối cùng, quyết định cao nhất.
Điều 53 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992 quy định: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD". Như vậy, Hiến pháp năm 1992 đã có quy định khác so với các Hiến pháp trước đó. Theo quy định tại Điều 53 chúng ta có thể thấy, công dân vừa tham gia đóng góp ý kiến, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và của địa phương, vừa tham gia TCYD. "TCYD" theo quy định của Hiến pháp năm 1992 đúng với nghĩa “phúc quyết” được quy định trong Hiến pháp năm 1946. Đây chính là việc nhân dân biểu quyết về các vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền đặt ra.
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN năm 2013 quy định tại Điều 29: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD". Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định việc Quốc hội "Quyết định TCYD". Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định  UBTVQH "Tổ chức TCYD theo quyết định của Quốc hội". Và Điều 120 Hiến pháp quy định "Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc TCYD về Hiến pháp do Quốc hội quyết định".
2. Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Trưng cầu ý dân
Trong khi Luật TCYD đang được Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo, Luật Tổ chức Quốchội đã đượcQuốchộikhóaXIII, kỳhọpthứ 8 thôngquangày 20/11/2014, có hiệulựctừngày 01/01/2016. Như vậy, LuậtTCYDcầnphải đượcxâydựngtrêncơ sởHiếnphápnăm 2013, đồngthờiphảiphù hợpvớiLuậtTổchứcQuốchộimới đượcbanhành, không đểcó sựmâuthuẫngiữacác đạoluậttronghệthốngphápluậtViệtNam.
LuậtTổchứcQuốchộimới đượcthôngquađã quy địnhrõ thẩmquyềncủaQuốchộivà UBTVQHtrongviệcquyết địnhvà tổchứcTCYD.Cụ thể, theo quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội quyết định TCYD về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Điều 19 LuậtTổchứcQuốchội đã quy địnhhaivấn đềquantrọngcủaTCYD: một là,vấn đề được đưaraTCYDlà TCYDvềHiếnpháphoặcvềnhữngvấn đềquantrọngkhác; hai là,chủthểkiếnnghịvềTCYD làUBTVQH, Chủtịchnước, Chínhphủhoặc ítnhấtmộtphầnbatổngsố đạibiểuQuốchội.
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng đã quy định cụ thể hơn thẩmquyềncủa UBTVQH trong việc thực hiện nhiệm vụ "tổ chức TCYD" theo Điều 74 Hiến pháp năm 2013. Điều 59 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: UBTVQH tổ chức TCYD theo quyết định của Quốc hội; UBTVQH quy định về hình thức phiếu trưng cầu, trình tự bỏ phiếu và kiểm phiếu; quyết định thời gian cụ thể TCYD, nội dung ghi trên phiếu TCYD căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về việc TCYD; kiểm tra, giám sát việc TCYD; UBTVQH chịu trách nhiệm công bố kết quả TCYD với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Như vậy, UBTVQH được giao nhiệm vụ tổ chức TCYD với các nội dụng cụ thể: quyết định về thời gian tổ chức TCYD, mẫu phiếu TCYD, quy định về thủ tục bỏ phiếu, kiểm phiếu, kiểm tra, giám sát và công bố kết quả TCYD.
Tuy vậy, theo chúng tôi, việc soạn thảo Luật TCYD vẫn cần quy định nhiều vấn đề về nội dung và trình tự tổ chức TCYD. Điều đó có nghĩa Luật TCYD vẫn phải là luật nội dung và luật hình thức. Vấn đề cần phải giải quyết là, những quy định của Luật TCYD không thể có những quy định khác với Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
Đối tượng điều chỉnh của Luật TCYD vẫn phải là một phạm vi rộng, bao quát mọi vấn đề về TCYD trên cơ sở những quy định của Hiến pháp năm 2013. Đó là những vấn đề: quy định việc công dân trực tiếp thực hiện quyền biểu quyết trong các cuộc TCYD do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức; các nguyên tắc TCYD; những vấn đề TCYD; cử tri trong TCYD; quyền kiến nghị TCYD; thẩm quyền quyết định TCYD; kết quả và hiệu lực của kết quả TCYD; trình tự, thủ tục tổ chức TCYD.
Đối tượng áp dụng của Luật TCYD là toàn dân, tất cả những công dân đủ điều kiện trở thành cử tri đều tham gia biểu quyết. Đối tượng áp dụng sẽ là toàn bộ hệ thống chính trị, mọi công dân.
3. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân   
Có lẽ vấn đề quan trọng nhất và cũng là khó nhất của Luật TCYD là quy định những vấn đề nào được đưa ra TCYD. Có quan điểm cho rằng, Luật TCYD chỉ quy định về mặt nguyên tắc những vấn đề được đưa ra TCYD chứ không nên quy định những vấn đề cụ thể. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, Luật TCYD cần quy định cụ thể những vấn đề đưa ra TCYD. Có nghĩa là, cần quy định một danh mục những vấn đề đưa ra TCYD: cứ xuất hiện những vấn đề đó thì phải tổ chức TCYD. Thí dụ, đó là những vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; các đạo luật quan trọng; vấn đề thực hiện các dự án - kinh tế lớn; những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; vấn đề gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng; những vấn đề liên quan đến các hiệp định về biên giới và lãnh thổ quốc gia...
Thực tiễn cho thấy, hầu như ở tất cả các nước có Luật TCYD thì Hiến pháp và các đạo luật là đối tượng của TCYD. Ngoài Hiến pháp và luật, pháp luật của nhiều nước còn quy định thêm các vấn đề: gia nhập các tổ chức quốc tế, phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng cũng phải đưa ra TCYD. Tuy nhiên, pháp luật và thực tiễn TCYD của nhiều nước hầu như quy định thẩm quyền của Nghị viện là đưa ra bất cứ vấn đề gì để TCYD nếu như các vấn đề đó không thuộc các vấn đề không được đưa ra TCYD theo quy định của pháp luật[1]. Chẳng hạn, vấn đề bầu cử Nghị viện (Quốc hội) trước thời hạn (Liên bang Nga), gia hạn thêm nhiệm kỳ của tổng thống (Belorussia), vấn đề nạo phá thai (Italy), vấn đề gia nhập EU, vấn đề gia nhập đồng tiền chung châu Âu, về dự thảo Hiến pháp EU (các nước thuộc Liên minh châu Âu)... Có nước còn quy định danh mục những vấn đề không được đưa ra TCYD. Về cơ bản, những vấn đề mà có thể dự đoán trước kết quả TCYD thì sẽ không đưa ra TCYD.
Theo chúng tôi, Luật TCYD của Việt Nam không nên quy định danh mục những vấn đề được đưa ra TCYD cũng như những vấn đề không được đưa ra TCYD. Do vậy, thay vì có điều khoản "Những vấn đề đưa ra TCYD" nên quy định một điều về "Những vấn đề kiến nghị đưa ra TCYD". Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Vấn đề gì đưa ra TCYD hoàn toàn do Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của những chủ thể có quyền trình kiến nghị về TCYD.
4. Quy mô trưng cầu ý dân   
Quy định về quy mô TCYD có nghĩa là quy định về TCYD trên phạm vi cả nước hay TCYD ở địa phương. Địa phương ở đây có thể được hiểu là một tỉnh hay một số tỉnh có liên quan.
Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, có thể hiểu: TCYD ở nước ta chỉ có thể được tiến hành trên phạm vi cả nước mà không có TCYD ở địa phương. Do vậy, theo chúng tôi, Luật TCYD cũng chỉ nên dừng lại ở những quy định về TCYD trên phạm vi cả nước.
5. Chủ thể của kiến nghị trưng cầu ý dân     
Hiến pháp không quy định cơ quan, tổ chức nào có quyền trình kiến nghị để đưa vấn đề nào đó ra trước Quốc hội, để Quốc hội quyết định việc TCYD.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội quyết định TCYD về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy chủ thể của kiến nghị TCYD là: UBTVQH (cũng là cơ quan tổ chức TCYD), Chủ tịch nước, Chính phủ, ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội. Một khi Luật Tổ chức Quốc hội đã ấn định các chủ thể của kiến nghị TCYD thì Luật TCYD không thể quy định thêm các chủ thể khác. Chẳng hạn, theo chúng tôi, sẽ là hợp lý hơn, nếu quy định Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có quyền đề nghị đưa vấn đề nào đó ra TCYD.
Khi đã có quy định về các chủ thể của kiến nghị TCYD, Luật TCYD cần phải quy định trình tự, thủ tục trình kiến nghị về TCYD. Chẳng hạn, Chủ tịch nước hay Chính phủ trình kiến nghị về TCYD thì kiến nghị đó được trình theo thể thức nào, cần phải có cơ quan thẩm định kiến nghị không? Kiến nghị được trình chỉ nêu vấn đề nào đó cụ thể hay cần có bộ hồ sơ thuyết minh về kiến nghị đó?
Nếu kiến nghị về TCYD xuất phát từ trên một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội thì cần bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ ý kiến của cá nhân một đại biểu Quốc hội nào đó, sau đó lấy phiếu biểu quyết để có được trên một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội tán thành? Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ gặp một trở ngại khác. Đó là vấn đề liên quan tới việc Quốc hội ra nghị quyết về TCYD.
Theo chúng tôi, khi Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định việc Quốc hội quyết định việc TCYD thì quyết định đó của Quốc hội phải thể hiện dưới hình thức một Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội về TCYD cũng phải được quy định có bao nhiêu phần trăm tổng số đại biểu tán thành. Chẳng hạn, nếu Quốc hội quyết định TCYD về Hiến pháp, cũng cần quy định hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Vậy nếu có có trên một phần ba, thí dụ, bốn mươi phần trăm đại biểu kiến nghị TCYD về Hiến pháp thì làm sao có thể có hai phần ba tổng số đại biểu biểu quyết tán thành kiến nghị này khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về TCYD về Hiến pháp?
Do vậy, trình tự, thủ tục trình kiến nghị TCYD, thẩm định hồ sơ kiến nghị TCYD và biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội về TCYD cũng cần quy định chặt chẽ trong Luật TCYD.
6. Người tham gia biểu quyết trưng cầu ý dân    
Theo quy định tại Điều 29 Hiến pháp năm 2013, "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD", còn theo quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định". Từ quy định tại Điều 27 và 29 của Hiến pháp năm 2014, chúng ta có thể thấy, công dân có quyền bầu cử và có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD là giống nhau. Việc công dân có quyền bầu cử do pháp luật về bầu cử quy định. Do vậy việc công dân có quyền tham gia biểu quyết TCYD do Luật TCYD quy định. Có thể thấy, cả hai trường hợp, người tham gia bỏ phiếu đều có thể gọi chung là cử tri. Nếu như không phải bất cứ công dân nào đủ 18 tuổi cũng đều có quyền bầu cử, có trong danh sách cử tri tại khu vực bầu cử thì những quy định đó hoàn toàn được áp dụng đối với các cuộc TCYD.
Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh trong quá trình xác định những công dân tham gia bỏ phiếu TCYD. Đó là những công dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Họ có được tham gia bỏ phiếu biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD không? Theo chúng tôi, đã là công dân Việt Nam thì mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng. Điều 29 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức TCYD". Và Hiến pháp không phân biệt công dân Việt Nam sinh sống và làm việc ở trong nước hay ở nước ngoài. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trình tự và thủ tục tổ chức TCYD sẽ không thể khác so với việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức bầu cử. Và quan trọng nhất là ở chỗ, các đơn vị bầu cử và sau này là các đơn vị TCYD sẽ được tổ chức theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ. Luật Bầu cử của chúng ta chỉ quy định một hình thức bỏ phiếu: những người có quyền bỏ phiếu phải có trong danh sách cử tri, phải trực tiếp bỏ phiếu vào hòm phiếu. Chúng ta chưa quy định cho phép đa dạng hình thức biểu quyết: biểu quyết qua email, qua tin nhắn, qua thùng thư bưu điện[2]... Quy định về bầu cử và thực tiễn tổ chức bầu cử ở nước ta cho thấy, chúng ta không hạn chế quyền của công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài tham gia bầu cử, nhưng những người đó phải có mặt ở địa phương, tại đơn vị bầu cử trước 24 giờ tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bầu cử và họ được bổ sung vào danh sách cử tri. Khi soạn thảo Luật TCYD, theo chúng tôi, cũng cần tham khảo những quy định này của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.  
7. Trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân  
Trình tự, thủ tục tổ chức TCYD sẽ đơn giản hơn nhiều so với trình tự, thủ tục tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Việc thành lập các đơn vị bầu cử, khu vực bầu cử tùy thuộc vào số lượng cử tri và đơn vị bầu cử bầu ra các đại biểu Quốc hội.
Các đơn vị TCYD chỉ được tổ chức theo các đơn vị hành chính ở tất cả các cấp và các địa điểm dân cư vì tất cả dùng chung một lá phiếu có nội dung giống nhau, theo mẫu của UBTVQH. Do vậy, nội dung về trình tự tổ chức TCYD được quy định trong Luật TCYD không có gì phức tạp, về cơ bản là theo quy định của luật bầu cử.
8. Hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân  
Điều 19 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã xác định rõ "Kết quả TCYD có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra TCYD". Quy định này hoàn toàn phù hợp với bản chất của chế định TCYD. Kết quả TCYD có hiệu lực thi hành ngay sau khi công bố và không đòi hỏi có sự phê chuẩn nào.
Mặc dù vấn đề này đã được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, nhưng Luật TCYD vẫn tiếp tục có quy định này cho phù hợp với logic của Luật.
9. Hiệu lực thi hành của Luật Trưng cầu ý dân  
Luật TCYD ban hành là để quy định chi tiết các quy định của Hiến pháp năm 2013 về TCYD. Luật cần phải được thi hành trực tiếp, không cần phải ban hành nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành. Do vậy, Dự thảo Luật TCYD cần phải quy định chi tiết, trừ những nội dung được thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quy chế làm việc của Quốc hội và UBTVQH./.
 
 

*PGS, TS. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
 
[1] Có nước (như Thụy Sỹ) không quy định vấn đề đưa ra TCYD là vấn đề nào, cái đó tùy thuộc vào kiến nghị TCYD của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật (tùy thuộc vấn đề nêu trong kiến nghị TCYD, cần tập hợp chữ ký của 50.000, 70.000 hay 100.000 cử tri, phân bổ theo vùng miền và phải thu thập trong thời gian được quy định).
 
[2] Pháp luật Thụy Sỹ và một số nước có quy định đa dạng hóa hình thức biểu quyết.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3+4(283+284), tháng 2/2015)