Hoàn thiện pháp luật về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố theo những chuẩn mực quốc tế chung

01/12/2013

ThS. LÊ THÁI SƠN

Học viện An ninh nhân dân

Trong bối cảnh Việt Nam tích cực mở rộng, hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực phòng chống tội phạm, có thể thấy, nhiều quy phạm pháp luật quốc tế đã được nghiên cứu nội luật hóa trong pháp luật Việt Nam. Điển hình là trong lĩnh vực chống khủng bố và chống tài trợ cho khủng bố (CFT), nhiều quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã được rà soát, sửa đổi, ban hành có tính tương thích cao với các quy phạm pháp luật trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế trên lĩnh vực này như: Công ước Tokyo về các tội danh và hành vi phạm tội trên máy bay (1963), Công ước Lahay về chống sở hữu máy bay bất hợp pháp (1970), Nghị định thư Montreal về ngăn chặn hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng (1971), Nghị định thư Montreal về ngăn chặn hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các sân bay phục vụ công dân quốc tế (1988), Công ước New York về phòng chống tội ác đối với những người được hưởng quy chế bảo vệ quốc tế, bao gồm cả nhà ngoại giao (1873), Nghị định thư Rome về ngăn chặn hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn các công trình xây dựng đáy biển (1988), Công ước quốc tế về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999), Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000), Công ước LHQ về chống tham nhũng (2003), và gần đây nhất là Công ước ASEAN về chống khủng bố (2007). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định chống khủng bố của ASEAN và Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN, ký kết 10 hiệp định tương trợ tư pháp với các nước và nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm có liên quan đến khủng bố. Việt Nam cũng đang nghiên cứu và từng bước tiếp tục ký kết và tham gia các công ước quốc tế khác có liên quan đến vấn đề chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố.
Trên khía cạnh pháp luật hình sự, trước năm 2009, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 mới chỉ có duy nhất một điều luật quy định về tội khủng bố (Điều 84). Theo đó, nếu đối chiếu với các quy phạm pháp luật về chống khủng bố quốc tế và của một số nước trên thế giới sẽ thấy có độ vênh rất lớn. Cụ thể là:
- Tội khủng bố quy định tại Điều 84 BLHS có dấu hiệu bắt buộc là nhằm mục đích“chống chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều nước không quy định mục đích của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc, hoặc chỉ quy định về mục đích một cách tương đối rộng như làm cho nhân dân hoảng sợ.
- Đối tượng xâm hại của tội phạm khủng bố theo quy định tại Điều 84 BLHS chỉ có thể là con người (tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tinh thần). Nhưng theo luật quốc tế, ngoài đối tượng xâm hại chủ yếu là con người, tội phạm khủng bố còn có thể tấn công vào các mục tiêu khác mà không bắt buộc phải nhằm vào con người, có thể là các cơ sở kinh tế chiến lược, các cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt của các quốc gia.
- Ngoài những hành vi khách quan được quy định tại Điều 84 BLHS, pháp luật Việt Nam coi hành vi tài trợ cho khủng bố là đồng phạm về tội này (với vai trò giúp sức). Trong pháp luật quốc tế, hành vi tài trợ cho khủng bố cũng là một trong các hành vi trực tiếp khủng bố. Theo quan điểm của cộng đồng quốc tế, tài trợ cho khủng bố có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động khủng bố, vì nếu không có sự tài trợ thì các hoạt động khủng bố khó có thể hoặc không thể thực hiện được. Do đó cần thiết phải có những quy định cụ thể nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tài trợ cho khủng bố. Điều này được thể hiện rõ trong Công ước năm 1999 về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố: "Các quốc gia thành viên của Công ước này... nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia nhằm tìm ra và áp dụng các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hành vi tài trợ cho khủng bố cũng như trấn áp các hành vi đó bằng việc truy tố và trừng trị những kẻ thủ phạm, đã thoả thuận như sau:..." [1]
- Nếu như khủng bố là một tội độc lập trong BLHS, thì cộng đồng quốc tế luôn đặt khủng bố trong mối liên hệ không thể tách rời với nhiều loại tội phạm nguy hiểm hoặc các hành vi bất hợp pháp khác, như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, rửa tiền, buôn bán vũ khí bất hợp pháp…
- Việc quy định khủng bố trong chương Các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đã dẫn đến vướng mắc trong các trường hợp Việt Nam có yêu cầu dẫn độ đối tượng bị khởi tố về tội này. Theo quy định tại Điều 3 Hiệp định mẫu của LHQ về dẫn độ tội phạm thì việc dẫn độ sẽ không được chấp nhận nếu tội phạm yêu cầu dẫn độ bị nước được yêu cầu coi là tội phạm “mang tính chất chính trị”. Hiện nay, hầu hết các nước coi các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trong BLHS nước ta là tội phạm “mang tính chất chính trị” và không được chấp nhận dẫn độ.
Thực hiện các chuẩn mực quốc tế về chống khủng bố, chống tài trợ cho khủng bố, đồng thời cũng là để hạn chế những bất cập nêu trên, trong lần sửa đổi bổ sung BLHS năm 2009, các nhà lập pháp Việt Nam đã bổ sung thêm hai điều luật về vấn đề này, đó là Điều 230a tội khủng bố và Điều 230b tội tài trợ cho khủng bố. Trong đó, Điều 230a vấn đề cơ bản được đổi mới trong tội khủng bố là đã xác định đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là con người mà có thể là tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xác định mục đích là gây hoảng sợ trong công chúng chứ không chỉ dừng lại ở mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân; Điều 230b đã xác định rõ về cấu thành độc lập của loại tội phạm tài trợ cho khủng bố chứ không chỉ xử về đồng phạm trong đối với tội khủng bố như trước.
Thực tiễn cho thấy, kể từ sau khi chính thức có hiệu lực đến nay, số lượng các vụ án khủng bố theo Điều 230a được các cơ quan điều tra trên toàn quốc khởi tố, điều tra là rất hạn chế, mới chỉ có một số vụ như: vụ Phạm Văn Lâm, Phạm Mạnh Hùng đặt mìn để khủng bố ở Bình Dương; vụ Nguyễn Thị Thu Thảo gọi điện khủng bố bệnh viện Gia Định ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện, khởi tố vụ nào về tội tài trợ cho khủng bố theo Điều 230b. Một trong những nguyên nhân là do chưa có văn bản pháp lý hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách đầy đủ. Để khắc phục vấn đề trên, nhằm đấu tranh, xử lý triệt để hành vi tài trợ cho khủng bố, ngày 5/5/2012, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cáo, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng hai điều luật này.  
Xét thấy sự cần thiết phải ban hành một văn bản luật có hiệu lực đủ mạnh trong lĩnh vực phòng chống khủng bố (thực tế nhiều nước như Mỹ, Nga, Pháp cũng đã xây dựng luật chống khủng bố riêng), ngày 12/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố với 51 điều, 8 chương. Trong đó, hành vi tài trợ cho khủng bố đã được quy định khá cụ thể và có sự tham khảo theo chuẩn mực quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố quốc tế.
Ngày 18/6/2012, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng đã được Quốc hội thông qua, trong đó, một trong những đối tượng điều chỉnh của luật này là việc chống rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố. Cụ thể khoản 2, Điều 1 Luật này ghi rõ: "Việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của BLHS và pháp luật về phòng, chống khủng bố"[2].
Ngoài ra, nhiều văn bản dưới luật cũng đã được ban hành nhằm thể chế hóa, hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ cho khủng bố như: Chỉ thị số 25/2007/CT-TTg ngày 15/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống khủng bố ở trong tình hình mới; Quyết định số 1953/2006/QĐ-BCA ngày 12/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tạm thời về phương án xử lý tình huống khủng bố thường xảy ra...
Những văn bản pháp luật nêu trên cho thấy, Chính phủ và các cơ quan, các nhà lập pháp Việt Nam đã tuân thủ nghiêm chỉnh, đầy đủ các cam kết quốc tế về chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố trong các điều ước quốc tế đã ký kết, tham gia. Trong áp dụng pháp luật, Việt Nam cũng đã nỗ lực hợp tác toàn diện với quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ cho khủng bố, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống tội phạm khủng bố và tài trợ cho khủng bố của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống khủng bố, tài trợ khủng bố ở nước ta - tuy đã được quan tâm xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu tính hệ thống, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với chuẩn mực chung của quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ cho khủng bố, như:
- Một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mà các công ước quốc tế và luật pháp một số nước quy định là khủng bố nhưng ở Việt Nam không quy định là khủng bố, mặc dù những hành vi đó đều đã được pháp luật hình sự điều chỉnh bởi những loại tội phạm khác như: nhóm hành vi có liên quan đến tàu bay và xâm phạm sự an toàn hàng không dân dụng; nhóm hành vi xâm phạm đến an toàn hàng hải và các công trình cố định trên thềm lục địa; nhóm hành vi sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ nguy hiểm...
- Nhiều quy phạm pháp luật về chống khủng bố chưa có tính tương thích cao, chưa hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về chống khủng bố và chống tài trợ cho khủng bố do xuất phát từ thực tiễn hoạt động khủng bố và chống khủng bố ở Việt Nam như: chưa có khái niệm cụ thể về hành vi khủng bố trong các điều luật nên việc định tội rất khó khăn bởi giữa Điều 84 và Điều 230a chỉ khác khác nhau cơ bản về mục đích phạm tội mà mục đích phạm tội là vấn đề rất khó chứng minh; hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân vẫn chỉ giới hạn đối tượng tác động là con người cụ thể là thiếu tính bao quát, bởi các mục tiêu khác cũng có thể là đối tượng tác động của loại tội phạm này; hành vi tuyển mộ, huấn luyện, chứa chấp các phần tử khủng bố cũng chưa được hình sự hóa... Điều này đòi hỏi khi nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa, cần có sự tham khảo pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước khác về chống khủng bố, bởi nguy cơ khủng bố mang tính quốc tế vẫn luôn tiềm ẩn.
- Một số quy định về hợp tác quốc tế trong điều tra tội phạm khủng bố còn có sự bất cập, quan điểm về khủng bố và chống khủng bố cũng như tài trợ cho khủng bố giữa Việt Nam và một số nước vẫn chưa thống nhất, dẫn đến hiệu quả hợp tác chưa cao. Một số trường hợp, việc dẫn độ tội phạm không thực hiện được như trường hợp của Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu tổ chức "Chính phủ Việt Nam tự do" đã nhiều lần khủng bố ở Việt Nam; trường hợp của Lý Tống, đối tượng đã nhiều lần cướp máy bay, đe dọa an ninh hàng không để tiến hành khủng bố ở Việt Nam...
Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực cũng như những nguy cơ của tội phạm khủng bố, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng chống khủng bố, chống hoạt động tài trợ cho khủng bố nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập đã nêu ở trên là hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng chống khủng bố, tài trợ cho khủng bố. Việc hoàn thiện pháp luật về chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố một mặt phải đảm bảo theo những chuẩn mực quốc tế chung mà Việt Nam đã ký kết, song mặt khác, cũng cần phải xuất phát từ thực tiễn công tác phòng chống tội phạm khủng bố ở Việt Nam./.
 

 


[1]Xem Công ước quốc tế về trấn áp hành vi tài trợ cho khủng bố năm 1999, trang 1.
[2]Xem Luật số: 07/2012/QH13 Luật phòng chống rửa tiền, trang 1.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 23(255), tháng 12/2013)


Thống kê truy cập

32773081

Tổng truy cập