Tác động của những quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 tới pháp luật dân sự

01/02/2015

PGS.TS. ĐỖ VĂN ĐẠI

Trưởng Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ TAND tối cao.

 Theo đánh giá chung, Chương II Hiến pháp năm 2013 về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là chương thể hiện sự đổi mới, phát triển cả về nhận thức và cả về cách thức thể hiện. Bài viết tập trung đánh giá tác động của những điểm mới trong Hiến pháp tới pháp luật dân sự (về nội dung[1]) theo hai hướng: nghiên cứu tác động của các quy định mới có tính xuyên suốt đối với các quyền dân sự và nghiên cứu từng điểm mới chính cho các quyền dân sự cụ thể.
 Untitled_261.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tác động của các quy định mang tính xuyên suốt tới các quyền dân sự
1.1. Về ghi nhận các quyền dân sự
Hiến pháp năm 2013 ghi nhận một số quyền dân sự với tư cách là quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể ghi nhận thêm quyền dân sự với tư cách là quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong văn bản về dân sự có giá trị dưới Hiến pháp (như luật hay nghị định) không?
Chúng tôi nhận thấy, Hiến pháp năm 2013 đã liệt kê các quyền cơ bản và sự liệt kê này chưa bao quát hết các quyền cơ bản mà các văn bản dưới Hiến pháp đã hay sẽ ghi nhận. Do đó, việc trả lời câu hỏi trên rất có ý nghĩa trong thực tiễn (nếu là quyền con người, quyền cơ bản của công dân thì chúng ta thấy các quyền này chỉ có thể bị giới hạn trong các điều kiện nhất định). Chẳng hạn, Hiến pháp mới liệt kê một số quyền cơ bản về nhân thân của cá nhân như khoản 1 Điều 19 về quyền “được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm” nhưng không đề cập tới quyền được bảo hộ về uy tín của cá nhân đang được văn bản dưới Hiến pháp (như Bộ luật Dân sự - BLDS) ghi nhận. Thực ra, quyền được bảo hộ về uy tín của cá nhân cũng gắn liền với cá nhân như về danh dự hay nhân phẩm nhưng Hiến pháp năm 2013 lại không đề cập đến. Liệu rằng các quyền cơ bản không được Hiến pháp năm 2013 đề cập đến nhưng được văn bản dưới Hiến pháp ghi nhận có thể được coi là quyền con người, quyền cơ bản của công dân để được hưởng quy chế của quyền con người, quyền cơ bản của công dân không? Câu trả lời đã có trong khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, quyền con người, quyền cơ bản của công dân có thể được công nhận trong Hiến pháp cũng như văn bản dưới Hiến pháp. Điều đó cũng có nghĩa là, pháp luật dân sự hoàn toàn có thể bổ sung các quyền con người, quyền cơ bản của công dân về dân sự không ghi trong Hiến pháp mà không sợ trái với Hiến pháp. Với nội dung như vậy, có thể suy luận rằng, các quyền cơ bản của con người còn có thể được ghi nhận cả trong văn bản dưới luật như Nghị định [vì “pháp luật” bao gồm cả “luật” (do Quốc hội ban hành) và văn bản dưới luật như Nghị định (do Chính phủ ban hành)]. Tuy nhiên, đây chỉ là suy luận và để tránh những tranh luận không cần thiết, chúng ta nên ghi nhận các quyền này trong luật hơn là trong văn bản dưới luật.
Trong Hiến pháp năm 2013 có những quyền mới chưa tồn tại trong pháp luật dân sự. Do đó, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là pháp luật dân sự có phải sửa đổi để đưa các quyền này vào đời sống dân sự hay không?
Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận một quyền mới chưa được ghi nhận trong pháp luật dân sự là quyền được sống tại Điều 19, theo đó “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Hiện nay có ý kiến cho rằng, “Các quy định liên quan đến các quyền bất khả xâm phạm của con người, của công dân (như quyền được sống, quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng trước pháp luật v.v..) là các quy định có hiệu lực trực tiếp; chủ thể của các quyền này được viện dẫn các quy định của Hiến pháp để bảo vệ các quyền của mình khi bị xâm phạm”[2]. Nếu theo hướng này thì không cần sửa đổi pháp luật dân sự (có thể sửa đổi nhưng khi không sửa đổi thì người dân vẫn được hưởng và bảo vệ các quyền này).
Tuy nhiên, như thế vẫn chưa rõ trên cơ sở nào mà các quyền trên có hiệu lực trực tiếp, trên cơ sở nào mà chủ thể của các quyền này được viện dẫn các quy định của Hiến pháp để bảo vệ các quyền của mình khi bị xâm phạm trước cơ quan công quyền như Tòa án (?). Trước sự chưa rõ ràng này, pháp luật dân sự nên có quy định cụ thể hơn để đưa các quyền dân sự trong Hiến pháp vào đời sống dân sự vì khi đưa các quyền này vào pháp luật dân sự thì chắc chắn người dân được viện dẫn để được bảo vệ trước các cơ quan công quyền.
1.2. Về giới hạn các quyền dân sự
Chủ thể được hạn chế các quyền
Một khi các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận như nêu trên, câu hỏi tiếp theo đặt ra là các quyền này có thể bị giới hạn không? Câu trả lời là có vì các quyền này vẫn phải đặt sau những lợi ích to lớn hơn. Pháp luật nhân quyền quốc tế đã có “quy định giới hạn áp dụng của một số quyền trong một số điều ước quốc tế”[3].
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là ai có thể giới hạn các quyền này? Câu trả lời đã có trong khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”. Ở đây, chỉ có luật (văn bản do Quốc hội ban hành) mới có thể giới hạn các quyền con người, quyền công dân “chỉ có Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mới có quyền quy định các hạn chế quyền con người, quyền công dân thông qua các văn bản luật”[4]. Hướng khoanh vùng chủ thể được phép giới hạn các quyền trên là rất thuyết phục để tránh sự tùy tiện của các cơ quan không là Quốc hội. Với hướng này, chỉ có luật mới có thể giới hạn các quyền, trong khi đó, việc làm luật là công khai, có tranh luận trong nghị trường nên sẽ giảm khả năng lạm dụng trong việc giới hạn các quyền cơ bản[5]. Do đó, pháp luật dân sự cần có thay đổi theo hướng bỏ các quy định hạn chế các quyền dân sự được ghi nhận trong Chương II của Hiến pháp năm 2013 khi các quy định này nằm trong các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư[6].
Để hiểu rõ, chúng tôi lấy ví dụ về tịch thu tài sản. Theo khoản 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013, “mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”. Quy định này ghi nhận một quyền con người là quyền sở hữu tài sản, nhưng trong pháp luật hiện hành lại có quy định cho phép cơ quan công quyền tịch thu tài sản. Chẳng hạn, theo Điều 137 BLDS hiện hành, “tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật”. Tương tự, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có quy định “tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam (VNĐ) hoặc vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều này”. Tịch thu tài sản theo quy định trên có là một “hạn chế” theo Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đối với quyền sở hữu được ghi nhận tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013 không? Nếu đây là một hạn chế quyền sở hữu theo quy định của Hiến pháp thì các quy định nêu trên trong BLDS và Nghị định phải được sửa đổi, bãi bỏ. Điều 137 BLDS phải thay từ “pháp luật” bằng từ “luật” vì Hiến pháp năm 2013 chỉ cho phép hạn chế quyền con người trên cơ sở “luật”. Còn quy định về tịch thu trong Nghị định số 95/2011/NĐ-CP nêu trên cần bãi bỏ vì hạn chế này được nêu trong “Nghị định” chứ không trong “luật” như quy định tại Điều 14 của Hiến pháp mới.
Tiêu chí để hạn chế các quyền
Việc giới hạn các quyền cơ bản trong đó có quyền dân sự còn bị khoanh vùng bởi các tiêu chí nhất định.
Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 14 được trích dẫn ở trên, về phạm vi can thiệp, Quốc hội (luật) chỉ được “hạn chế” các quyền cơ bản một khi các quyền này đã được công nhận và không được “bãi bỏ” chúng. Thứ hai, luật cũng không thể tùy tiện trong việc hạn chế các quyền cơ bản. Bởi lẽ, đoạn cuối của khoản 2 Điều 14 đã nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. “Nhà nước không được tùy tiện thực hiện các hạn chế quyền này. Chỉ khi nào có lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏa của cộng đồng thì cơ chế này mới vận hành”[7].
Với quy định trên, có ý kiến cho rằng “từ nay không chủ thể nào, kể cả các cơ quan nhà nước được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp”. Tuy nhiên, nếu ý tưởng khoanh vùng việc hạn chế các quyền con người là khá rõ như trình bày ở trên thì trong thực tế, việc vận dụng ý tưởng này vào đời sống không hoàn toàn đơn giản. Bởi lẽ, chúng ta phải xác định tồn tại một quyền con người cụ thể đã được ghi nhận và quy định liên quan (đang được xem xét) hạn chế quyền con người, trong khi đó những vẫn đề này không dễ nhận biết trong lĩnh vực dân sự. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng nhau nghiên cứu về quyền được bồi thường thiệt hại.
Theo khoản 1 và 2 Điều 30 Hiến pháp năm 2013, “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”. Quy định này ghi nhận quyền được bồi thường thiệt hại do “những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Ở đây, quyền được bồi thường với tư cách là một quyền con người[8] phát sinh khi có “việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, có “thiệt hại về vật chất, tinh thần” và thiệt hại này là do việc làm trái pháp luật gây ra (tức quan hệ nhân quả): chỉ cần ba điều kiện.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 604 BLDS về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại đặt thêm điều kiện là người có hành vi xâm phạm (tức trái pháp luật) gây thiệt hại cho người khác phải có “lỗi cố ý” hay “lỗi vô ý” thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường (tức người bị thiệt hại mới được bồi thường thiệt hại vì Điều 604 quy định “người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Việc đặt thêm điều kiện là phải có “lỗi” của BLDS bên cạnh ba điều kiện đã nêu trong Hiến pháp có được coi là một “hạn chế” theo Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đối với quyền được bồi thường được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp không? Theo chúng tôi, đây là một hạn chế của quyền được bồi thường thiệt hại vì quyền được bồi thường trong Hiến pháp phát sinh khi hội đủ ba điều kiện là có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật và có quan hệ nhân quả, trong khi đó BLDS chỉ ghi nhận quyền được bồi thường khi hội đủ bốn điều kiện là có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có quan hệ nhân quả và người có hành vi trái pháp luật có lỗi (vô ý hay cố ý). Với thực trạng này, quyền được bồi thường hoàn toàn có thể phát sinh trên cơ sở Hiến pháp nhưng không phát sinh trên cơ sở BLDS (nếu thiếu yếu tố lỗi). Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định Điều 604 nêu trên của BLDS là một quy định “hạn chế” quyền được bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 30 của Hiến pháp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, hạn chế trên chỉ được chấp nhận “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” cho dù việc hạn chế này xuất phát từ quy định trong luật (tức văn bản do Quốc hội ban hành như khoản 1 Điều 604 BLDS mà chúng ta đang phân tích). Theo chúng tôi, hạn chế trong Điều 604 nêu trên không thuộc “trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, Điều 604 BLDS hiện hành cần được sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 bằng cách bỏ điều kiện “có lỗi” của người có hành vi gây thiệt hại.
2. Tác động của các quy định ghi nhận các quyền cụ thể tới các quyền dân sự
2.1. Về các quyền dân sự mang tính nhân thân
Quyền mới trong luật cũ
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có quy định một số quyền cơ bản mang tính nhân thân (gắn liền với cá nhân). Tuy nhiên, nếu đối chiếu với pháp luật dân sự, có thể nói, điều này không có gì mới vì quyền này đã được ghi nhận trong pháp luật dân sự.
Chẳng hạn, Điều 42 Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình”, trong khi đó Hiến pháp năm 1992 không thấy đề cập đến quyền xác định dân tộc. Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng, đây là một “quyền mới của con người”[9]. Tuy nhiên, quyền này đã được ghi nhận trong BLDS hiện hành tại Điều 28 về “Quyền xác định dân tộc” theo đó, cá nhân “được xác định dân tộc” hay “quyền xác định lại dân tộc”[10]. Như vậy, nếu quyền xác định dân tộc được “Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định”[11] thì thực chất quyền này không hoàn toàn mới trong BLDS. Do đó, pháp luật dân sự không cần phải thay đổi để phù hợp với Hiến pháp. Tương tự, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Điều 36 rằng “Nam, nữcó quyền kết hôn, ly hôn”. Quyền này chưa được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 nên có thể được coi là quy định mới nhưng thực chất quyền này đã được ghi nhận tại Điều 39[12] và Điều 42[13] BLDS nên cái “mới” của Hiến pháp về quyền nhân thân vừa nêu chỉ là cái “cũ” của pháp luật dân sự. Do đó, việc bổ sung quy định mới trong Hiến pháp không có tác động lớn tới pháp luật dân sự.
Quyền mới không trong luật cũ
 Một số quyền cơ bản được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 chưa được ghi nhận trong pháp luật dân sự.
Theo Điều 19 Hiến pháp năm 2013, “Mọi người có quyền sống”. Đây được coi là “quyền mới của con người”[14], “quyền cơ bản của con người”[15] được “Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định”[16]. Với nội hàm vừa nêu, “mọi người sinh ra ai cũng có quyền sống và quyền này mang tính tự nhiên, không ai ban phát và cũng không ai tùy tiện tước đoạt được”[17].
Quyền được sống trên chưa được ghi nhận trong pháp luật dân sự. Do đó, khi sửa đổi BLDS, chúng ta nên bổ sung quyền này bên cạnh các quyền nhân thân khác đã được BLDS ghi nhận nếu chúng ta thấy đây là một quyền nhân thân trong dân sự.
2.2. Về các quyền dân sự mang tính tài sản
Quyền mới trong luật cũ
Hiến pháp năm 2013 có một số quy định mới so với Hiến pháp năm 1992 liên quan đến quyền dân sự mang tính tài sản.
Theo Điều 72 Hiến pháp năm 1992, “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự”. Tương tự, theo Điều 74 Hiến pháp năm 1992, “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự”. Còn Điều 30 và khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật” và “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quyền được bồi thường thiệt hại về “tinh thần” bên cạnh quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992.
Tương tự, Hiến pháp đã có sự thay đổi liên quan đến quyền thừa kế tài sản. Cụ thể, theo Điều 58 Hiến pháp năm 1992, “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”. Ở đây, Hiến pháp năm 1992 chỉ đề cập tới quyền thừa kế của “công dân”, tức là của người Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 theo hướng mở rộng hơn tại khoản 2 Điều 32 “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”: Quyền thừa kế không bị giới hạn ở công dân nên được hiểu là được ghi nhận cho mọi người.
Chúng ta đã thấy Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới so với Hiến pháp năm 1992 liên quan đến quyền mang tính tài sản như quyền được bồi thường thiệt hại về tinh thần hay quyền thừa kế tài sản. Tuy nhiên, các quy định mới này có thực sự mới so với pháp luật dân sự không? Câu trả lời là không. Bởi lẽ, quyền được bồi thường tổn thất về tinh thần đã được ghi nhận trong BLDS hiện hành. Theo khoản 2 Điều 611 BLDS “Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu”. Tương tự như vậy đối với quyền thừa kế tài sản, Điều 631 BLDS quy định, “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Ở đây quyền thừa kế đã được ghi nhận cho cá nhân và không phân biệt người này là công dân Việt Nam hay không là công dân Việt Nam[18].
Như vậy, những quy định ghi nhận các quyền dân sự về tài sản nêu trên là điểm mới trong Hiến pháp nhưng không mới so với BLDS (và như đã nói ở trên, trong những trường hợp này, thực sự Hiến pháp đã được sửa đổi để phù hợp với pháp luật dân sự hiện hành). Ở đây, quy định mới trong Hiến pháp không có tác động lớn tới pháp luật dân sự, tức không cần sự thay đổi trong pháp luật dân sự để thay đổi cơ bản vấn đề trong xã hội, ngoại trừ vấn đề phạm vi áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại về tinh thần mà chúng ta xem xét sau đây[19]:
Phạm vi áp dụng quy định mới
Điều 30 Hiến pháp năm 2013 có quy định mới về bồi thường thiệt hại về tinh thần[20]:
 “1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Chúng ta thấy, quy định mới nằm trong đoạn cuối của khoản 2 Điều 30. Với quy định như vậy, Điều 30 vừa hẹp hơn lại vừa rộng hơn các quy định đang có trong BLDS. Sở dĩ chúng tôi cho rằng hẹp hơn là vì điều luật này chỉ đề cập tới bồi thường thiệt hại xuất phát từ “những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” nên chưa bao quát cả trường hợp thiệt hại không do những việc làm trái pháp luật gây ra, như do súc vật gây ra chẳng hạn. Đối với trường hợp này, quyền được bồi thường tổn thất không được Hiến pháp trực tiếp ghi nhận nhưng nội dung các quy định trong BLDS như vậy là không trái Hiến pháp (nên không cần phải chỉnh sửa trong mối quan hệ với Hiến pháp) vì phần trên đã cho thấy Điều 14 Hiến pháp quy định quyền con người (trong đó có quyền được bồi thường) được công nhận “theo Hiến pháp và pháp luật” trong khi đó các quy định trên của BLDS chính là “pháp luật”. Về vấn đề rộng hơn, chúng ta thấy quy định mới trong Hiến pháp chỉ quan tâm tới hành vi gây thiệt hại “những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân” mà không quan tâm tới đối tượng bị những hành vi này xâm phạm nên quy phạm mới được áp dụng cho tất cả những quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm. Chính vì vậy, pháp luật dân sự cần có sự điều chỉnh bổ sung để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Bởi lẽ, BLDS hiện nay vẫn chưa ghi nhận quyền được bồi thường tổn thất về tinh thần khi tài sản bị xâm phạm hay khi mồ mả bị xâm phạm[21]./.

 


[1] Hiến pháp còn có quy định tác động tới pháp luật tố tụng dân sự. Chẳng hạn, theo khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Từ quy định mới này, pháp luật về tố tụng dân sự cần có sự thay đổi để phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào tác động của quy định mới tới pháp luật dân sự về nội dung.
[2] Trương Đắc Linh và Nguyễn Mạnh Hùng: Giới thiệu Hiến pháp mới, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 6/2013, tr.5.
[3] Hoàng Hải Yến: Giới hạn việc hạn chế quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Kiểm sát số 17/2014, tr.3.
[4] Hoàng Hải Yến: tlđd, tr.6.
[5] Về việc sử dụng thuật ngữ “luật” thay cho thuật ngữ “pháp luật”, xem thêm Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Thị Thu Hà và Mai Thị Lâm: Quyền dân sự với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11/2013, tr.9.
[6] Tuy nhiên, quy định này có mâu thuẫn với quy định theo đó quyền con người được công nhận trong “pháp luật” với nghĩa là có thể được công nhận cả trong văn bản dưới luật? Liệu có thể xảy ra trường hợp quyền con người hay quyền công dân được ghi nhận trong văn bản dưới luật như đã trình bày ở trên và chỉ có thể bị giới hạn bởi văn bản là luật do Quốc hội ban hành? Chưa thể có câu trả lời rõ ràng với các quy định hiện hành.
[7] Hoàng Hải Yến: tlđd, tr.5.
[8] Về mối quan hệ giữa quyền được bồi thường và quyền con người, xem thêm Đỗ Văn Đại: Quyền được bồi thường thiệt hại trong Hiến pháp, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2013.
[9] Trương Đắc Linh và Nguyễn Mạnh Hùng: Giới thiệu Hiến pháp mới, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 6/2013, tr.5.
[10] Có tác giả nêu rằng “ở một quốc gia đa dân tộc như nước ta, cần khẳng định quyền này của người dân. Đây cũng là yếu tố bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc” (Phạm Hữu Nghị: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp sửa đổi, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1/2014, tr.7).
[11] Phan Nhật Thanh: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - Dấu ấn trong Hiến pháp Nước cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Đặc san Khoa học Pháp lý số 1/2014.
[12] “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn”.
[13] “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”.
[14] Trương Đắc Linh và Nguyễn Mạnh Hùng: tlđd.
[15] Phạm Hữu Nghị: tlđd, tr.6.
[16] Phan Nhật Thanh: tlđd.                                                         
[17] Phan Nhật Thanh: tlđd.
[18] Về việc không sử dụng thuật ngữ “công dân”, xem thêm Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Thị Thu Hà và Mai Thị Lâm: tlđd, tr.10.
[19] Theo Điều 645 BLDS hiện hành, “thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Quy định này rõ ràng “hạn chế” quyền được thừa kế được Hiến pháp quy định vì người thừa kế mất quyền yêu cầu Tòa án chia di sản một khi thời hiệu 10 năm đã hết. Hạn chế quyền thừa kế như vừa nêu do Luật quy định nên đã đã đáp ứng được tiêu chí về chủ thể được hạn chế các quyền cơ bản đã phân tích ở trên. Nhưng liệu hạn chế này có đáp ứng tiêu chí về nội dung tại Điều 14 của Hiến pháp theo đó các quyền cơ bản “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”? Hiện nay, quy định về thời hiệu 10 năm để yêu cầu chia di sản gây quá nhiều bất cập, không phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 (theo hướng tranh chấp về quyền sở hữu thì không áp dụng thời hiệu) và trái với quy định về tài sản chung (đồng sở hữu được yêu cầu chia tài sản chung ở bất kỳ thời điểm nào theo Điều 224 BLDS). Hy vọng rằng với sự thay đổi của Hiến pháp cùng với những bất cập vừa nêu, chúng ta nên mạnh dạn bỏ thời hiệu 10 năm về phân chia di sản được quy định tại Điều 645 BLDS.
[20] Chúng ta chỉ bàn về phạm vi áp dụng của Điều 30 mà không phân tích sâu phạm vi áp dụng của Điều 32 vì những trường hợp làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ở Điều 32 đã thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật này đã ghi nhận quyền bồi thường thiệt hại về tinh thần (xem thêm Đỗ Văn Đại và Nguyễn Trương Tín: Pháp luật Việt Nam về bồi thường của Nhà nước, Nxb. CTQG. H., 2013).
[21] Xem Đỗ Văn Đại: Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án (xuất bản lần thứ hai), Nxb. Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh 2014.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (283+284), tháng 2/2015)


Thống kê truy cập

33939998

Tổng truy cập