Xu hướng hội tụ toàn cầu của Hiến pháp quốc gia

01/02/2015

TS. BÙI NGỌC SƠN

Khoa Luật, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh

Theo một khảo sát quốc tế, gần 2/3 dân số trên thế giới đang sống dưới các nền dân chủ hợp hiến[1]. Thực tế này phản ánh một xu hướng mà các học giả quốc tế gọi là “hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia”[2]đã diễn ra cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong những thập kỷ gần đây.Xu hướng này được hiểu là “nhiều quốc gia trong thập kỷ vừa qua đã viết hiến pháp hoặc viết lại hiến pháp phù hợp với những nguyên tắc hiến pháp hiện đại. Kết quả là, ở hầu hết các nước, ở tất cả các châu lục, bây giờ đều có những hiến pháp tương tự như nhau”[3]. Từ thành tựu nghiên cứu của các học giả quốc tế, bài viết giới thiệu xu hướng “hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia”.
 
e44a6f32e15cb53ee479b2697e759e2e-M.jpg
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
1. Hiến pháp thành văn
Biểu hiện đầu tiên về sự hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia là quá trình mở rộng toàn cầu của hiến pháp thành văn. Theo nghiên cứu của một nhà hiến pháp học người Mỹ, Jon Elster, quá trình xây dựng hiến pháp thành văn trên thế giới trải qua bảy giai đoạn như sau:
Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 18. Từ năm 1780 đến năm 1791, các hiến pháp thành văn bắt đầu được xây dựng ở các tiểu bang của Mỹ, Liên bang Mỹ, Ba Lan, và Pháp. Giai đoạn thứ hai diễn ra ngay sau làn sóng của các cuộc cách mạng vào năm 1848 ở châu Âu. Tính cả các tiểu bang ở Ý và Đức, cách mạng đã diễn ra ở hơn 50 nước khác nhau. Nhiều nước đã thông qua hiến pháp mới nhưng các hiến pháp này lại thường bị thay thế bởi các hiến pháp được ban hành bởi các lực lượng phản cách mạng tồn tại trong một thời gian ngắn. Giai đoạn thứ ba diễn ra sau Thế chiến thứ nhất: Czechoslovakia ban hành hiến pháp; Ba Lan xây dựng lại hiến pháp; Nước Đức bại trận thông qua Hiến pháp Weimar. Giai đoạn thứ tư diễn ra sau Thế chiến thứ hai: các nước bại trận như Nhật, Đức, Ý xây dựng hiến pháp mới dưới sự giám hộ của các cường quốc đồng minh. Giai đoạn thứ năm gắn liền với sự tan rã của hệ thống thuộc địa Anh và Pháp, bắt đầu ở Ấn Độ và Pakistan vào những năm 1940 và quá trình lập hiến phát triển mạnh vào những năm 1960. Nhiều hiến pháp mới được ban hành mô phỏng theo hiến pháp của nước chiếm đóng trước đây. Ví dụ, Hiến pháp Bờ biển Ngà mô phỏng theo hiến pháp của nền đệ ngũ Cộng hòa Pháp, Hiến pháp của Ghana và Nigeria mô phỏng theo “mô hình Westminster” của Anh. Giai đoạn thứ sáu diễn ra sau sự sụp đổ của chế độ độc tài ở Nam Âu vào giữa những năm 1970. Từ 1974 đến 1978, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha ban hành hiến pháp mới. Giai đoạn thứ bảy diễn ra khi các nước Trung và Đông Âu ban hành hiến pháp mới sau sự tan rã của hệ thống XHCN năm 1989[4]. Ít nhất, 100 hiến pháp mới đã được ban hành trong giai đoạn cuối này[5].
Một số ít quốc gia có truyền thống hiến pháp bất thành văn thuộc khối Thịnh vượng chung cũng đang có xu hướng văn bản hóa hiến pháp. Hiến pháp bất thành văn gồm cả các quy tắc được văn bản hóa và các tập tục, truyền thống hiến pháp không được văn bản hóa. Cùng với quá trình mở rộng toàn cầu của hiến pháp thành văn, khuynh hướng văn bản hóa hiến pháp ở các nước có truyền thống hiến pháp bất thành văn cũng phát triển. Ví dụ, Anh - một điển hình của truyền thống hiến pháp bất thành văn - đã ban hành Đạo luật Nhân quyền năm 1998, một loại luật hiến pháp. Trên phương diện học thuật, cũng đã có những kêu gọi ban hành “một hiến pháp thành văn cho Vương quốc Anh”[6]. Ở Canada, các đạo luật hiến pháp thành văn gồm Đạo luật Hiến pháp 1982, Hiến chương Canada về các Quyền và Tự do 1982. Hiến pháp của New Zealand cũng có các văn bản: Đạo luật Hiến pháp 1986, Đạo luật về Quyền 1990, và các đạo luật có tính hiến pháp của Nghị viện.
2. Sự tham gia của công chúng trong quy trình lập hiến
Sự tham gia rộng rãi của công chúng vào quy trình lập hiến cũng là một hiện tượng có tính chất toàn cầu. Giáo sư Cheryl Saunders, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Quốc tế về Luật hiến pháp, trong một phân tích về đặc tính của quy trình lập hiến trong thế kỷ 21 nhận xét: “Ngày nay, có một sự chấp nhận phổ quát rằng quyền lực của hiến pháp phải bắt nguồn từ dân chúng của nước sở tại, bằng cách này hay cách khác. Ý tưởng này, đương nhiên, không mới, nhưng nó được củng cố bởi khát vọng của người dân ở khắp mọi nơi sau sự sụp đổ của các chế độ độc đoán. Hơn nữa, điều đó bây giờ có cả ý nghĩa lý thuyết lẫn thực tế. Người dân ngày nay thực sự mong muốn được tham gia vào quy trình lập hiến chứ không chỉ liên hệ với quy trình đó một cách tượng trưng”[7]. Một nghiên cứu của các học giả Mỹ gồm Tom Ginsburg, Zachary Elkins, và Justin Blount nhận định rằng, sự tham gia của công chúng không chỉ giới hạn ở việc phê chuẩn cuối cùng đối với hiến pháp mà xuyên thấm một cách sâu sắc vào các khâu khác nhau trong quy trình lập hiến gồm soạn thảo, tham vấn, thảo luận, thông qua, và phê chuẩn[8].
3. Mô hình chính quyền
Theo lý thuyết phổ thông, các mô hình chính quyền được xác định trong hiến pháp quốc gia về cơ bản gồm hai loại: chế độ tổng thống và chế độ nghị viện[9]. Chế độ tổng thống, điển hình ở Mỹ, là một hình thức của chính quyền cộng hòa nơi người đứng đầu chính phủ đồng thời là người đứng đầu nhà nước, do dân bầu, lãnh đạo hành pháp, độc lập với lập pháp. Chế độ nghị viện, điển hình ở Anh, là một hình thức của chính quyền cộng hòa hoặc quân chủ nơi cơ quan hành pháp được thành lập bởi và chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp, và do đó, có sự gắn kết giữa chúng[10].
Tuy nhiên, ngay nay, các mô hình chính quyền đang có xu hướng hội tụ, và sự phân biệt truyền thống giữa chế độ tổng thống và chế độ nghị viện đang dần dần bị thách thức. Học giả Richart Albert ở Trường Luật Boston đã chứng minh có “sự hợp nhất của chế độ tổng thống và chế độ nghị viện”[11]. Học giả này đưa ra những chứng cứ cho thấy các yếu tố tổng thống trong chế độ nghị viện như sự phân quyền giữa lập pháp và hành pháp, và ngược lại các yếu tố nghị viện trong chế độ tổng thống như sự hợp quyền giữa lập pháp và hành pháp. Trên cơ sở đó, Albert kết luận rằng, sự phân biệt giữa chế độ tổng thống và chế độ nghị viện trên thực tế không rõ ràng như người ta vẫn nghĩ.
Gần đây hơn (tháng 12/2013), một nghiên cứu thực nghiệm của một nhóm các học giả luật hiến pháp so sánh người Mỹ gồm Jose Antonio Cheibub, Zachary Elkins và Tom Ginsburg, trên cơ sở khảo sát 401 bản hiến pháp trên thế giới, kết luận mạnh mẽ hơn về “mức độ khá đồng nhất” của các thuộc tính được cho là thuộc các chế độ tổng thống hoặc nghị viện[12]. Theo giả sử, các thuộc tính trong quan hệ lập pháp - hành pháp, người ta xác định các mô hình chính quyền khác nhau như sau:
Bảng 1: Các thuộc tính giả sử trong các hệ thống lập pháp-hành pháp[13]
 
Thuộc tính
Chế độ Tổng thống
Chế độ Nghị viện
Phủ quyết của hành pháp
Không
Quyền ra sắc lệnh của hành pháp
Không
Quyền lực trong tình trạng khẩn cấp
Mạnh
Yếu
Sáng quyền lập pháp
Lập pháp
Hành pháp
Giám sát của lập pháp
Không
Bổ nhiệm nội các
Hành pháp
Lập pháp
 
Nhóm nghiên cứu cho thấy, các thuộc tính nói trên có tính chất khá đồng nhất trong các hệ thống lập pháp - hành pháp, và ấn tượng thông thường về sự khác biệt giữa chế độ tổng thống và nghị viện không hoàn toàn đúng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu chỉ ra quyền phủ quyết của nguyên thủ quốc gia đối với luật của nghị viện, vốn được xem là dấu hiệu bản chất của chế độ tổng thống, vẫn tồn tại khá phổ biến trong các chế độ đại nghị được xác lập vào những năm 1920, như trong các hiến pháp của Czechoslovakia (1920), Ba Lan (1921), Ireland, Latvia và Lithuania (1922). Quyền ra sắc lệnh của hành pháp được chấp nhận cả trong chế độ tổng thống và chế độ nghị viện. Cũng tượng tự như vậy đối với quyền trong tình trạng khẩn cấp. Sáng quyền lập pháp của hành pháp vốn là thuộc tính của chế độ nghị viện nhưng cũng được chấp nhận phổ biến ở các chế độ tổng thống được xác lập sau Thế chiến thứ hai. Các quy định về giám sát của lập pháp đối với hành pháp (như báo cáo trước lập pháp hay điều tra hành pháp), theo giả sử, sẽ hạn chế trong chế độ nghị viện bởi chế độ này đã có chế độ bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, các quy định về giám sát của lập pháp đối với hành pháp tồn tại khá thường xuyên trong cả hai chế độ tổng thống và nghị viện. Có ít chứng cứ cho thấy nhà lập hiến coi bỏ phiếu tín nhiệm là hình thức có thể thay thế các hình thức giám sát của lập pháp. Cuối cùng, quyền bổ nhiệm nội các của ngành hành pháp, vốn được xem là điểm đặc trưng của chế độ tổng thống, nhưng, nhóm nghiên cứu chỉ ra, được quy định phổ biến ở hầu hết các hiến pháp[14].
Bảng 2: Tỉ lệ % của các hiến pháp theo các điều khoản chọn lọc về mô hình chính quyền trong các thời kỳ[15]
 
Thuộc tính
1789-1945
1946-2006
Chế độ tổng thống
Chế độ nghị viện
Chế độ tổng thống
Chế độ nghị viện
Phủ quyết của hành pháp
80
80
87
63
Quyền ra sắc lệnh của hành pháp
73
67
66
47
Quyền lực trong tình trạng khẩn cấp
87
73
95
86
Sáng quyền lập pháp
58
80
72
54
Giám sát của lập pháp
87
80
84
49
Bổ nhiệm
nội các
93
87
92
95
Tổng số
hiến pháp
86
17
117
104
 
Bảng trên cho thấy mức độ khá đồng nhất của các yếu tố liên quan đến quan hệ lập pháp - hành pháp trong cả các hiến pháp theo chế độ tổng thống lẫn các hiến pháp theo chế độ nghị viện. Những khác biệt giữa chế độ tổng thống và cộng hòa không còn rõ ràng. Điều này biểu hiện xu hướng hội tụ trong cấu tạo chính quyền. Với thực tế đó, Richart Albert cho rằng: “khi văn hóa chính trị đã trở nên quy chuẩn hóa xuyên khắp các nhà nước hợp hiến, vấn đề một nhà nước lựa chọn chế độ tổng thống hay chế độ nghị viện không quan trọng bằng việc nhà nước đó tiếp nhận các cơ chế dân chủ căn bản trong cấu trúc hiến pháp của nó”[16].
4. Thể chế hiến pháp
Hầu hết các hiến pháp đều gồm các thể chế truyền thống: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các thể chế này, về cơ bản, đều được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn phổ quát như bầu cử dân chủ hay tư pháp độc lập. Ngoài ba thể chế truyền thống, nhiều hiến pháp mới xác lập các cơ quan độc lập để bảo vệ hiến pháp như: cơ quan kiểm toán độc lập, cơ quan nhân quyền độc lập, và cơ quan tài phán hiến pháp độc lập[17]. Tom Ginsburg ở Trường Luật Chicago, trong một nghiên cứu có tên “sự lan tỏa toàn cầu của tài phán hiến pháp” cho biết, có 158 trong số 191 hệ thống hiến pháp trên thế giới đã xác lập chế độ tài phán hiến pháp dưới dạng thức này hay dạng thức khác. Trên phạm vi toàn cầu, có 79 hiến pháp thiết lập cơ quan bảo hiến đặc biệt, 60 hiến pháp trao quyền bảo hiến cho các tòa án thường, và có 3 hiến pháp giao quyền giám sát hiến pháp cho cơ quan lập pháp[18]. Sự khá tương đồng của các thể chế nói trên biểu thị xu hướng hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia.
5. Quyền con người
Quyền con người được công nhận trong hầu hết các hiến pháp dưới hình thức này hay hình thức khác. Thứ nhất, hiến chương quốc gia trở thành nguồn chứa đựng các quy phạm hiến pháp về quyền con người, như trường hợp của Đại hiến chương Magna Carta của Anh năm 1215, Hiến chương về các Quyền và Tự do của Canada năm 1982. Thứ hai, các tu chính án hiến pháp ghi nhận các quyền con người, như trường hợp của Mỹ. Thứ ba, các đạo luật có tính chất hiến pháp quy định các quyền con người, như Đạo luật Nhân quyền của Anh năm 1998, và Đạo luật về Quyền của New Zealand năm 1990. Thứ tư, tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền quốc gia trở nên có giá trị hiến pháp, như trường hợp của Pháp. Thứ năm, một hình thức phổ biến, hiến pháp có một chương riêng ghi nhận về quyền con người trong chính văn. Dù dưới những hình thức khác nhau, các hiến pháp, về cơ bản, tôn trọng các quyền con người theo những tiêu chuẩn chung được thừa nhận trong các đạo luật nhân quyền quốc tế. Tóm lại, quyền con người là một điểm hội tụ toàn cầu của các hiến pháp quốc gia.
6. Động lực
Đâu là động lực thúc đẩy quá trình hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia? Hai học giả ở Đại học Quốc gia Đài Loan, Jiunn-Rong Yeh và Wen-Chen Chang, chỉ ra ba động lực chính: nền kinh tế toàn cầu, văn hóa quyền toàn cầu, và các mạng lưới toàn cầu[19].
Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa hiến pháp gắn chặt với quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Quá trình “là phẳng” nền kinh tế thế giới kéo các quốc gia vào một thị trường kinh tế toàn cầu, các quốc gia sẽ phải tuân thủ những quy tắc chung. Những quy tắc này không thuần túy là các quy tắc kinh tế, mà còn là các quy tắc hiến pháp, bởi lẽ hiến pháp xác lập những bảo đảm căn bản cho sự phát triển nền kinh tế thị trường gồm cả các quy định về quyền và các thể chế. Do vậy, việc tham gia vào thị trường kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu về đồng bộ hóa các quy tắc hiến pháp gắn thiết yếu với sự phát triển kinh tế như: tôn trọng những yêu cầu căn bản của pháp quyền (tính chắc chắn, minh bạch, tính có thể dự liệu trước), tôn trọng và bảo đảm quyền con người (nhất là các quyền liên quan đến kinh tế), chính phủ dân chủ và trách nhiệm, tư pháp độc lập.
Thứ hai, sự hội tụ hiến pháp cũng có nguồn gốc từ sự phát triển có tính chất toàn cầu của văn hóa quyền. Đặc biệt, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và các đạo luật nhân quyền quốc tế khác đã thúc đẩy nhận thức, khát vọng, và nhu cầu thực tế của người dân trên khắp thế giới về hưởng thụ chính đáng các quyền căn bản của con người. Văn hóa quyền toàn cầu này là động lực dẫn đến không chỉ sự chấp nhận một cách phổ biến quyền con người trong hiến pháp, mà còn là sự xác lập các thể chế để bảo vệ các quyền đó.
Thứ ba, quá trình hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia cũng có nguyên nhân từ sự nổi lên của các mạng lưới toàn cầu giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, và các chuyên gia. Khi các tác nhân này tương tác với nhau trong một mạng lưới toàn cầu (các hiệp hội, đại hội/hội nghị toàn cầu), họ có dịp chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm lập hiến, dẫn đến khả năng học hỏi lẫn nhau, điều làm cho các hiến pháp trở nên giống nhau về cơ bản. Đặc biệt, sự chia sẻ các giá trị hiến pháp chung đã dẫn đến sự hình thành các diễn đàn quốc tế và khu vực của các thẩm phán hiến pháp. Đại hội quốc tế về Công lý Hiến pháp là một diễn đàn hội tụ của 82 tòa án hiến pháp và các định chế tương tự trên toàn cầu, tổ chức lần thứ nhất ở Nam Phi năm 2009, lần thứ hai ở Brazil năm 2011, và lần thứ 3 sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc từ 28/9 - 1/10/2014[20]. Trong khuôn khổ Châu Á, Hiệp hội Các Tòa án Hiến pháp và Các định chế Tương đương cũng được thành lập tháng 7/2010, được xác định như là một diễn đàn khu vực để “thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, và các quyền căn bản ở Châu Á bằng việc tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm liên quan đến công lý hiến pháp và tăng cường hợp tác và tình bằng hữu giữa các định chế thực thi tài phán hiến pháp”[21].
7. Triển vọng, thách thức, và gợi mở
Thay cho lời kết là những thảo luận về những triển vọng của học thuật hiến pháp, các thách thức và gợi mở những hướng nghiên cứu tiếp theo.
Quá trình hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia tạo ra những triển vọng cho sự phát triển của cả hiến pháp học so sánh lẫn hiến pháp học quốc gia. Đối với hiến pháp học so sánh, sự tương đồng về cơ bản của các hiến pháp cung cấp một nguồn dữ liệu khổng lồ cho việc phân tích so sánh hiến pháp, từ đó có thể tìm ra các quy luật tổng quát của sự phát triển hiến pháp. Sự tương đồng này cũng tạo điều kiện cho các học giả hiến pháp thuộc các hệ thống khác nhau, đến từ những góc cạnh khác nhau của địa cầu, có thể đối thoại bằng một ngôn ngữ hiến pháp chung[22], các định đề hiến pháp, các khái niệm và từ vựng hiến pháp chung: hiến pháp, dân chủ, chủ nghĩa hợp hiến, pháp quyền, phân quyền, quyền con người, tài phán hiến pháp, và tư pháp độc lập. Các diễn đàn toàn cầu như Hiệp hội Hiến pháp quốc tế, các tạp chí luật hiến pháp quốc tế, các hội thảo quốc tế về luật hiến pháp có thể phát triển phần lớn nhờ vào sự chia sẻ chung của ngôn ngữ hiến pháp bắt nguồn từ sự hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia. Đối với hiến pháp học quốc gia, sự hội tụ toàn cầu của hiến pháp đem lại khả năng cho việc đặt các vấn đề hiến pháp nội địa trong một bối cảnh rộng lớn hơn - khu vực và toàn cầu. Điều này cũng tạo ra khả năng gắn kết các học giả hiến pháp học quốc gia vào cộng đồng hiến pháp học quốc tế.
Tuy nhiên, có những thách thức được đặt ra do quá trình hợp lưu hiến pháp mà các quốc gia và các học giả luật hiến pháp có thể sẽ phải quan tâm. Thứ nhất là chủ quyền quốc gia. Hiến pháp thể hiện quyền tự quyết của một quốc gia về những quy tắc căn bản điều tiết sinh hoạt chính trị trong nước. Quá trình toàn cầu hóa hiến pháp đặt ra một thách thức đối với việc thực thi chủ quyền lập hiến của quốc gia. Trên phương diện học thuật, mối quan hệ giữa quá trình hội tụ toàn cầu của hiến pháp quốc gia với và chủ quyền lập hiến quốc gia là một cân hỏi cần những nghiên cứu tương lai. Vấn đề thứ hai là bản sắc hiến pháp. Trong tư duy nội tại, hiến pháp biểu hiện sự tự khẳng định của một dân tộc, và do vậy, là sự biểu hiện của lối sống, văn hóa của dân tộc đó. Việc gắn kết với các đặc tính dân tộc tạo nên bản sắc của hiến pháp[23]. Tình trạng của bản sắc hiến pháp sẽ như thế nào trong một bối cảnh hội tụ toàn cầu của hiến pháp? Đây là một câu hỏi cần thêm những thảo luận học thuật. /.
 
 

 
[2] Tiếng Anh: “global convergence of national constitutions.” Xem: Jiunn-Rong Yeh & Wen-Chen Chang, “The Emergence of Transnational Constitutionalism: Its Features, Challenges, and Solutions,” 27 (1) Penn State International Law Review (2008): 97.
[3]Như trên.
[4] Jon Elster, “ Forces and Mechanisms in the Constitution-Making Process,” 45 (364) Duke Law Journal (1995): 368-369.
[5]Cheryl Saunders, “Constitution-Making in the 21st Century,”1 International Review of Law (2012): 2.
[6]Institute for Public Policy Research, A Written Constitution for the United Kingdom (Continuum International Publishing Group Ltd, 1995).
[7]Saunders, “Constitution-Making in the 21st Century,” 2.
[8] Tom Ginsburg, Zachary Elkins, and Justin Blount, “Does the Process of Constitution-Making Matter?” Annual Review of Law and Social Science (2009): 205-206.
[9]Các biến thể: chế độ bán tổng thống hoặc chế độ bán nghị viện.
[10]Xem tổng quát: José Antonio Cheibub, Presidentialism, Parliamentarism, and Democracy (Cambridge: Cambridge University Press, 2007).
[11]Richart Albert, “The Fusion of Presidentialism and Parliamentarism,” 57 The American Journal of Comparative Law (2009): 531-577. Cũng xem: Richart Albert, “Presidential values in Parliamentary Democracies” 8 (2) International Journal of Constitutional Law (2010): 207-236.
[12]Jose Antonio Cheibub, Zachary Elkins, and Tom Ginsburg, “Beyond Presidentialism and Parliamentarism,” University of Chicago Coase-Sandor Institute for Law&Economics Research Paper Series No. 668 (December, 2013).
[13]Nguồn: Như trên. Các tác giả có đề cập đến cả chế độ bán tổng thống, nhưng để tập trung, ở đây được giản lược.
[14] Như trên.
[15] Nguồn: Như trên.  
[16]Albert, “The Fusion of Presidentialism and Parliamentarism,” 577.
[17] Yeh & Chang, “Transnational Constitutionalism,” 97.
[18]Tom Ginsburg, “The Global Spread of Constitutional Review” in Oxford Handbook of Law and Politics, ed. Keith Whittington and Daniel Keleman (Oxford; New York: Oxford University Press, 2008), 81.
[19] Jiunn-Rong Yeh & Wen-Chen Chang, “Internationalization of Constitutional Law” in The Oxford Handbook of Comparative Law, ed. Michel Rosenfeld and András Sajó (Oxford: Oxford University Press, 2012), 1170-1173.
[20]World Conference on Constitutional Justice (WCCJ): http://en.wccj2014.kr/WCCJ/en/en_index.do
[21]Association of Asian Constitutional Courts and Equivalent Institutions (AACC), gồm các thành viên: Tòa án hiến pháp Indonesia, Hội đồng Hiến pháp Kazakhstan, Hội đồng độc lập Giám sát thực thi hiến pháp Afghanistan, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, Tòa án tối cao Malaysia, Tòa án Hiến pháp Mông Cổ, Tòa án tối cao Pakistan, Tòa án Tối cao Philippines, Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga, Tòa án Hiến pháp Tajikistan, Tòa án Hiến pháp Thái Lan, Tòa án Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ và Tòa án Hiến pháp Uzbekistan. Xem http://www.aaccei.org/ccourt?act=aacc.
[22] Yeh & Chang, “Transnational Constitutionalism”, 97.
[23]Về vấn đề bản sắc hiến pháp, xem Michel Rosenfeld, ed.,Constitutionalism, Identity, Difference, and Legitimacy: Theoretical Perspectives (Durham: Duke University Press, 1994).

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 3+4 (283+284), tháng 2/2015)