Vận dụng luật tục trong công tác giáo dục việc thực hiện pháp luật cho cư dân người dân tộc thiểu số

01/01/2015

ThS. NGUYỄN THỊ TĨNH

Chánh tòa Kinh tế, TAND tỉnh Đắk Lắk

Giáo dục việc thực hiện pháp luật thông qua việc vận dụng luật tục là quá trình sử dụng luật tục làm cầu nối cho pháp luật đi vào đời sống của cộng đồng dân cư địa phương một cách tự nhiên và hiệu quả.
Untitled_274.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Giáo dục việc tuân thủ pháp luật thông qua việc vận dụng luật tục
Thứ nhất, sử dụng điều cấm của luật tục để tuyên truyền điều cấm của pháp luật.
Nghiên cứu luật tục của cư dân bản địa có thể thấy một ưu điểm cơ bản là, trong các thiết chế này có một số điều cấm tương tự, gần gũi với điều cấm của pháp luật như các quy định về bảo vệ tính mạng, sức khoẻ; bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cộng đồng, cá nhân; bảo vệ môi trường, v.v.. Về bản chất, các điều cấm này của luật tục cũng như điều cấm của pháp luật đều có chung mục đích bảo vệ sự bất khả xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, quyền sở hữu tài sản... của các chủ thể. Đây là những thuận lợi mà tuyên truyền viên pháp luật cần lưu ý để khai thác trong quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cư dân địa phương. Giữa điều cấm của pháp luật và điều cấm của luật tục cũng có những điểm khác nhau, đó là trong luật tục điều cấm, điều răn dạy đều được thể hiện với ngôn ngữ dân gian, dễ hiểu, dễ thuộc và đặc biệt các điều cấm này đã in sâu trong tiềm thức của cư dân sáng tạo ra nó, được các cư dân này tuân thủ một cách tự nguyện. Điểm khác nhau thứ hai cần phải lưu ý khai thác trong quá trình tuyên truyền, đó là hình phạt hay còn gọi là chế tài. Trong luật tục Ê Đê hay luật tục M’nông, hình phạt chủ yếu đều là phạt vật chất, ví dụ: hình phạt đối với hành vi giết người trong luật tục Ê Đê: “hắn đã nổi nóng vô cớ giết người ta... về số máu đã đổ ra, hắn phải trả một nồi bung (nồi đồng cỡ lớn), về tội gây rối trong xóm làng, hắn phải trả một nồi biê... Cho người chết, hắn phải cúng một ché Duê đặt ở chân, một ché Bơng đặt ở đầu, kèm theo của cải đồ dùng... Cho người than thuê, hắn phải trả một nồi ba, cho người khóc mướn, phải trả một nồi bung, cho xóm làng hắn làm rối loạn phải cúng cầu an bằng trâu bằng bò..” (Điều 160).Khác với luật tục, Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 quy định hành vi giết người có khung hình phạt khá nghiêm khắc, người phạm tội ngoài hình phạt bằng vật chất còn có thể bị tước đoạt quyền tự do thân thể hoặc cao hơn nữa là tước đoạt sinh mạng.   
 Mục tiêu giáo dục pháp luật mà tuyên truyền viên phải đạt đến đó là hòa chung điều cấm của pháp luật vào điều cấm tương tự của luật tục, sử dụng ảnh hưởng tốt của điều cấm luật tục để tạo ảnh hưởng tốt cho pháp luật trong lòng cư dân bản địa. Sử dụng ngôn ngữ dân gian giàu chất thơ ca trong điều cấm của luật tục để khắc phục ngôn ngữ chuyên môn của pháp luật và tuỳ từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, tuyên truyền viên có thể sử dụng tính đặc thù của luật tục để khắc phục tính khái quát trong điều cấm của pháp luật.   
Về cách thức, khi thực hiện tuyên truyền điều cấm của pháp luật, trước hết tuyên truyền viên pháp luật nêu điều cấm của luật tục và sau đó phổ biến điều cấm tương tự của pháp luật, phân tích bản chất giống nhau của hai điều cấm này và tập cho họ từng bước làm quen với ngôn ngữ pháp luật, đồng thời xoáy sâu vào điểm khác nhau chủ yếu giữa điều cấm của pháp luật và điều cấm của luật tục để người được tuyên truyền tiện việc so sánh. Cụ thể, khi làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cư dân bản địa, tuyên truyền viên cần nhấn mạnh điểm khác nhau cơ bản trong điều cấm của pháp luật và luật tục là hình phạt, phân tích lợi ích vật chất và phi vật chất của từng loại hình phạt trong luật tục và pháp luật, hướng cho cư dân bản địa sử dụng phối hợp một cách hài hoà các chế tài trong điều cấm của pháp luật và luật tục, có phương án lựa chọn sử dụng luật tục hay pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mình trong đời sống hàng ngày; ví dụ: trong trường hợp một người bản địa gây thương tích cho người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bồi thường thiệt hại sức khoẻ cho người bị thương tích, thì các bên có thể thoả thuận sử dụng chế tài phạt vật chất trong luật tục của địa phương để giải quyết và trong trường hợp một cá nhân bản địa gây thương tích cho người khác, nhưng đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cá nhân đó phải chấp nhận hình phạt theo quy định của pháp luật, không áp dụng luật tục để giải quyết. 
Thực tiễn công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở Đắk Lắk cho thấy, thành công của tuyên truyền viên pháp luật tùy thuộc vào việc vận dụng hài hoà luật tục của cư dân bản địa vào chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật cụ thể cho từng địa phương, phụ thuộc vào việc khai thác hai khía cạnh giống và khác nhau giữa các điều cấm của pháp luật, luật tục và phụ thuộc vào sự thấu hiểu phong tục tập quán, thấu hiểu nội tâm của cư dân bản địa. Thành quả mong đợi của mọi tuyên truyền viên pháp luật là thông qua việc nêu và phân tích điều cấm của luật tục để tuyên truyền điều cấm của pháp luật, làm cho cư dân bản địa cảm nhận được pháp luật thật sự gần gũi với đời sống của họ và đặc biệt là gần gũi với luật tục của họ, từ đó họ có thái độ thiện cảm hơn với pháp luật, thiện cảm với tuyên truyền viên và tiếp thu nhanh chóng những điều cấm của pháp luật.
Thứ hai, sử dụng điều cấm của pháp luật để loại trừ những điều cấm của luật tục trái pháp luật; bổ sung vào điều cấm của luật tục những chế định tiến bộ mới.
Khảo sát thực tế các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk cho thấy, những điều cấm trái pháp luật trong luật tục có nguyên nhân chủ yếu từ tàn dư của lối sống phong kiến và tư tưởng mê tín dị đoan. Vì vậy, loại bỏ được các luồng tư tưởng này đồng nghĩa với việc loại bỏ được điều cấm trái pháp luật của luật tục. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm đòi hỏi sự cẩn trọng, linh hoạt và khéo léo của tuyên truyền viên pháp luật. Trên thực tế, những điều cấm của luật tục cho dù là trái pháp luật vẫn được cư dân địa phương tôn trọng và thi hành tự nguyện. Những điều cấm này đã tồn tại trong họ từ đời này sang đời khác, không dễ dàng bị loại bỏ; ví dụ: hành vi đánh đuổi người bị nghi là ma lai, cấm không cho người bị nghi là ma lai vào nhà của người Ê Đê và người M’nông là những hủ tục cần phải dùng điều cấm của pháp luật để loại trừ. Tuy nhiên, thực tiễn công tác tuyên truyền pháp luật chứng minh, sẽ không hiệu quả nếu người tuyên truyền pháp luật áp dụng điều cấm của pháp luật để áp đặt thay thế ngay lập tức điều cấm của luật tục trái pháp luật. Một nguyên tắc chung khi thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cần có thái độ tôn trọng điều cấm của luật tục, cho dù điều cấm đó có nội dung trái pháp luật.
 Trong chương trình tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền viên vẫn phải đặt nội dung điều cấm trái pháp luật lên hàng đầu; sau đó thận trọng, khéo léo phân tích những điểm thiếu thực tế không phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, đồng thời lồng ghép các ví dụ của khoa học hiện đại để chứng minh sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người từng bước thay đổi tư tưởng lạc hậu, thụ động, mê tín dị đoan, dựa vào thần linh trời đất của cư dân địa phương; làm cho họ có niềm tin vào sức mạnh của bản thân, sức mạnh của cộng đồng và tin vào sức mạnh chinh phục thiên nhiên của con người. Khi có được niềm tin này, tầm suy nghĩ của cư dân địa phương được khai sáng, họ sẽ tự mình loại bỏ dần những phong tục tập quán lạc hậu, xoá bỏ mê tín dị đoan và đương nhiên, điều cấm trong luật tục trái pháp luật cũng bị tiêu vong, thay vào đó là tập quán sống mới phù hợp với pháp luật, phù hợp với với xu thế phát triển của xã hội mới.
Qua tìm hiểu thực tế ở một số thôn, buôn vùng sâu vùng xa như buôn M’tha xã EaRôk của người Ê Đê thuộc địa bàn huyện Easúp; Buôn Ngô A xã Hoà Phong huyện Krông Bông; Buôn Cưmtar xã Cưliêmnông huyện Cưmgar tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi thấy, những thôn buôn này trước đây được coi là những thôn, buôn có nhiều phong tục tập quán lạc hậu, trái pháp luật. Từ năm 2007, khi Nhà nước có chủ trương đưa pháp luật về với buôn làng bằng nhiều cách thức, trong đó có cách thức vận dụng luật tục vào công tác tuyên truyền pháp luật đối với người Ê Đê, M’nông,  thì tư tưởng người dân ở đây có nhiều thay đổi. Tệ nạn mê tín dị đoan thuyên giảm; trong thôn, buôn không còn hiện tượng đánh đuổi người bị nghi là ma lai; con trai, con gái đều được đi học, đi làm như nhau. Khi bị đau ốm không còn dâng lễ cúng Giàng để cầu khỏi bệnh mà đã biết tìm đến bác sỹ và mua thuốc chữa bệnh. Mọi người chăm chỉ lao động kiếm sống không trông chờ vào thần linh trời đất. Ở một số buôn của người Ê Đê được địa phương công nhận là buôn văn hoá có số đông người giác ngộ như buôn Win xã Eatul huyện Cưmgar; buôn Kôtam xã Eatu, buôn Tuar xã Hoà Phú thành phố Buôn Ma thuột... Các tập quán cũ, lạc hậu khác như ma chay, cưới hỏi, tục lễ hôn nhân nối nòi của người Ê Đê... cũng được các già làng trưởng buôn họp dân khuyến khích đồng lòng bãi bỏ, riêng hôn nhân nối nòi chỉ công nhận những trường hợp có tình cảm tự nguyện, phù hợp Luật Hôn nhân và Gia đình và không vi phạm đạo đức xã hội.         
Thứ ba, sử dụng tính đặc thù địa phương trong điều cấm mang tính tiến bộ của luật tục để hạn chế tính phổ biến, tính khái quát trong điều cấm của pháp luật.
Về cách thức, khi thực hiện việc tuyên truyền điều cấm của pháp luật, tuyên truyền viên thường lồng điều cấm có tính tiến bộ, tính chi tiết và tính đặc thù địa phương của luật tục vào chương trình tuyên truyền. Thay một số từ ngữ chuyên môn pháp luật bằng các từ ngữ dân gian dễ hiểu, ví dụ: trong chương trình phổ biến các điều cấm của pháp luật đối với các hành vi huỷ hoại môi trường cho cư dân người dân tộc thiểu số, tuyên truyền viên pháp luật lồng ghép nội dung một số điều cấm của luật tục Ê Đê, M’nông vào chương trình tuyên truyền như: không được đốt rừng; không được bắn giết voi rừng; không được đào ao bắt cua, cá ở bến nước của dân làng... Ca ngợi các điều cấm này và khuyến khích già làng, trưởng bản sử dụng nó phối hợp với các điều cấm của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh về lĩnh vực môi trường trong nội bộ thôn, buôn nhằm bổ sung cho điều cấm của pháp luật.
Bước đầu sử dụng cách thức tuyên truyền pháp luật này có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có quan điểm cho rằng, điều cấm của pháp luật là tối thượng, là sự áp đặt, cấm đoán triệt để đối với mọi đối tượng; Thay đổi từ ngữ chuyên môn pháp luật bằng từ ngữ dân gian và sử dụng điều cấm của lụât tục bổ sung cho điều cấm của pháp luật là thiên về chủ nghĩa địa phương, khuyến khích “lệ làng” phát triển, làm giảm tính trang nghiêm của pháp luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu điều cấm của pháp luật, ta có thể thấy các quy định này được Nhà nước đề ra để áp dụng chung cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam nên có tính phổ biến và tính khái quát cao, ngôn ngữ mang tính chuyên ngành khó hiểu đối với nhân dân các địa phương, đặc biệt là đối với cư dân bản địa thuộc các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Đặc tính này tạo nên sự hạn chế của nó là thiếu cơ động, thiếu tính đặc thù địa phương, không đáp ứng được một cách tối đa nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội đa dạng phát sinh ở từng địa phương nhất định.
Thực tiễn công tác giáo dục pháp luật ở Đắk Lắk cho thấy, luật tục của người bản địa đã góp phần khắc phục các hạn chế này của pháp luật và giải quyết khó khăn trong quá trình đưa điều cấm của pháp luật vào đời sống của cư dân địa phương này.
 Từ năm 2007 đến nay, khi toàn tỉnh thực hiện chủ trương giáo dục pháp luật cho nhân dân ở diện rộng và chiều sâu, cử các tuyên truyền viên pháp luật, các cán bộ công tác tại các sở, ban, ngành trong tỉnh về các thôn, buôn cùng sống, cùng lao động với cư dân địa phương, trực tiếp tìm hiểu phong tục, tập quán sống của từng thôn, buôn và thực hiện việc chọn lọc, sử dụng các điều cấm tiến bộ của luật tục, bổ sung cho điều cấm của pháp luật, thì hiệu quả giáo dục pháp luật đạt được khá cao, hơn cả sự mong đợi của chính quyền địa phương sở tại. Tư tưởng của người dân địa phương dần dần được khai sáng, họ có thái độ thiện cảm, gần gũi hơn với pháp luật; các hành vi đối phó pháp luật, hành vi gây rối trật tự, phá hoại chính sách đoàn kết và bạo loạn của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giảm rõ rệt.
Theo số liệu thống kê của Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2007 đến năm 2012, TAND tỉnh Đắk Lắk xử 11 vụ án với 26 bị cáo người dân tộc Ê Đê và M’nông về tội chống chính sách đoàn kết, trong đó có 15 bị cáo có hành vi phạm tội trước năm 2007; 10 bị cáo có hành vi phạm tội năm 2008; 01 bị cáo có hành vi phạm tội năm 2009; riêng năm 2010; 2011 và năm 2012 không có bị cáo thực hiện hành vi phạm tội này.
2. Giáo dục việc chấp hành pháp luật thông qua việc vận dụng luật tục
Thứ nhất, xoá bỏ tư tưởng đối phó pháp luật trong các cộng đồng dân cư địa phương. Đây là mục tiêu chính của công tác giáo dục việc chấp hành pháp luật trong những năm gần đây.
Về tâm lý chung cư dân địa phương, đặc biệt là cư dân các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’nông và một số dân tộc thiểu số khác thường coi trọng luật tục của dân tộc mình, ít quan tâm tới pháp luật. Trong đó rải rác một số nhóm nhỏ dân cư còn có tư tưởng đối phó pháp luật hay nói cách khác, họ chỉ chấp hành pháp luật một cách thụ động khi có sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Vấn đề này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, họ cho rằng sự hiện diện của pháp luật sẽ là mối đe doạ đến sự tồn tại của luật tục. Vì vậy, trong quá trình tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền viên cần phải làm cho cư dân địa phương hiểu và nhận thức được pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội nói chung và quản lý buôn làng nói riêng.
Về cách thức tuyên truyền, trước khi thực hiện việc phổ biến pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật cần tìm hiểu và nắm được những quy định tiến bộ trong luật tục của cư dân địa phương nơi thực hiện việc tuyên truyền phù hợp với chương trình, nội dung pháp luật cần tuyên truyền. Ví dụ: khi tuyên truyền các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy trên các tuyến đường bộ cho người Ê Đê, M’nông, tuyên truyền viên pháp luật phải nắm được một số quy định về an toàn giao thông thôn, buôn trong luật tục của cộng đồng người này, dành một quỹ thời gian nhất định để nêu, phân tích và đánh giá tính thực tiễn của các quy định luật tục tiến bộ phù hợp với tinh thần pháp luật được Nhà nước khuyến khích thực hiện; ví dụ: người đi qua suối thấy cầu gãy phải đánh dấu bằng cây để người đi sau nhìn thấy... (luật tục Ê Đê sưu tầm tại buôn M’tar xã Cưliêmnông huyện Cưmgar tháng 9/2012).
 Như vậy người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm cũng giống như người đi qua suối thấy cầu gãy phải đánh dấu bằng cây... đều là những quy định bảo vệ con người khỏi bị tai nạn. Các quy định này không đối lập nhau, không bài trừ nhau mà luôn hỗ trợ cho nhau cùng tồn tại và phát triển. Trên thực tế, các quy định trong luật giao thông đường bộ của Nhà nước đang cùng song hành với luật tục của cư dân địa phương bảo vệ sự bình an của mọi người và đều được mọi người tôn trọng thi hành.
Tóm lại, tuyên truyền viên phải làm cho cư dân địa phương hiểu và nhận thức được pháp luật bảo vệ sự trong sáng của luật tục, bảo đảm cho luật tục tiến bộ không chỉ được cộng đồng sáng tạo ra nó thực thi tự nguyện mà còn được toàn xã hội ghi nhận và cùng tự nguyện tuân theo. Hay nói cách khác, là pháp luật không bài trừ luật tục tiến bộ mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho luật tục tiến bộ tồn tại và phát triển; chấp hành pháp luật cũng là chấp hành luật tục tiến bộ và ngược lại, nhằm hình thành trong cư dân địa phương niềm tin vào pháp luật, xoá dần khoảng cách giữa pháp luật và luật tục. Từ đó, họ có tâm lý yên tâm để tập trung vào việc học hỏi và tiếp thu kiến thức pháp luật, xoá bỏ dần tư tưởng đối phó pháp luật
Thứ hai, biến thói quen chấp hành luật tục thành thói quen chấp hành pháp luật.
Chấp hành luật tục là thói quen của người dân địa phương. Thói quen này được xây dựng từ lúc một người được sinh ra, biết nhận thức những gì đơn giản nhất của đời sống xã hội và phát triển dần khi người đó lớn lên tiếp xúc với nhiều mối quan hệ trong đời sống hàng ngày. Thói quen này cũng là điểm then chốt tạo nên hiệu quả điều chỉnh xã hội và tạo nên hiệu lực thực tế của luật tục. Làm thế nào để biến thói quen chấp hành luật tục của cư dân địa phương thành thói quen chấp hành pháp luật? Đây là vấn đề trăn trở của chính quyền địa phương sở tại và cũng là thách thức lớn đối với những người làm công tác tuyên truyền pháp luật.
Để hình thành thói quen chấp hành pháp luật tương tự như thói quen chấp hành luật tục trong cư dân địa phương, người làm công tác tuyên truyền pháp luật không thể thực hiện được ngay trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, qua thực hiện tuyên truyền pháp luật thí điểm ở một số buôn, làng cho thấy, có thể rút ngắn con đường hình thành thói quen chấp hành pháp luật trong các cộng đồng dân cư địa phương bằng cách vận dụng thói quen chấp hành luật tục và thiết chế quản lý cộng đồng vào việc tạo ra thói quen chấp hành pháp luật.
Thực tiễn công tác giáo dục pháp luật ở Đắk Lắk cho thấy, không có quy tắc chung về tạo thói quen chấp hành pháp luật thông qua việc vận dụng luật tục và thiết chế quản lý cộng đồng cho mọi thôn, buôn trên địa bàn toàn tỉnh. Vấn đề này tuỳ thuộc vào sự năng động, linh hoạt của từng tuyên truyền viên pháp luật trong việc nắm bắt phong tục tập quán, thói quen sống của từng vùng, từng địa phương để lựa chọn cách thức tuyên truyền có hiệu quả nhất.
Có thể nêu một vài cách thức vận dụng thói quen chấp hành luật tục và thiết chế quản lý cộng đồng của cư dân địa phương vào công tác tuyên truyền pháp luật, ví dụ: khi tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực thuế, pháp luật về nghĩa vụ quân sự cho cư dân người dân tộc thiểu số Ê Đê và M’nông, tuyên truyền viên pháp luật khéo léo nêu và ca ngợi thói quen đóng góp các khoản quỹ thôn, buôn để đảm bảo hoạt động quản lý thôn, buôn theo định kỳ vào cuối mùa rẫy của chủ gia đình là người phụ nữ dân tộc Ê Đê, M’nông và thói quen tham gia đội an ninh buôn làng của nam thanh niên người dân tộc Ê Đê, M’nông khi đến tuổi trưởng thành. So sánh các quy định này với quy định đóng thuế và quy định về nghĩa vụ quân sự của Nhà nước, đồng thời phân tích điểm giống và khác nhau của việc góp quỹ cho thôn, buôn với việc đóng thuế cho Nhà nước; việc tham gia đội an ninh buôn làng với việc tham gia nghĩa vụ quân sự.
Đặc biệt, trong quá trình phân tích, tuyên truyền viên pháp luật cần nhấn mạnh thôn, buôn là đơn vị hành chính nhỏ nằm trong đơn vị hành chính lớn là Nhà nước, nó được ví như “chân tay của một thân thể”, cơ thể khoẻ thì chân tay mới khoẻ. Nhà nước cần thuế để tồn tại, cần quân đội để đảm bảo an ninh quốc phòng cũng giống như thôn, buôn cần quỹ để hoạt động, cần đội bảo vệ để giữ gìn sự bình yên cho dân làng. Bảo vệ Tổ quốc cũng là bảo vệ dân làng.  
Tuỳ thuộc vào mức độ nhận thức của cư dân địa phương và điều kiện của từng thôn, buôn tuyên truyền viên pháp luật lựa chọn nội dung và cách thức để thực hiện việc tuyên truyền, nhưng điểm mấu chốt cuối cùng mà tuyên truyền viên cần phải đạt đến đó là làm cho cư dân địa phương hiểu và nhận thức được mọi lợi ích của thôn, buôn đều hoà đồng với lợi ích của Nhà nước, đồng thời nhận thức được thuế hay quỹ thôn buôn đều là những khoản đóng góp nhằm mục đích bảo đảm sự vận hành hài hoà giữa bộ máy nhỏ bé của thôn, buôn và bộ máy rộng lớn của Nhà nước; an ninh nhà nước bảo đảm thì an ninh thôn, buôn mới được bảo đảm.
Từ sự nhận thức này, họ sẽ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và tự nguyện làm nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi trưởng thành; lâu dần sự tự nguyện này sẽ trở thành thói quen chấp hành pháp luật giống như thói quen tự nguyện chấp hành luật tục của buôn làng.
 Qua khảo sát hoạt động chấp hành pháp luật trong một số lĩnh vực của cư dân người dân tộc thiểu số Ê Đê, M’nông trên địa bàn các huyện trong tỉnh Đắk Lắk, thấy rằng trong mấy năm gần đây, mặc dù chưa đồng đều nhưng những cư dân bản địa nơi đây đã thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động tích cực. Những quy phạm pháp luật bắt buộc chủ thể phải thực hiện như tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng thuế cho Nhà nước đều được cư dân địa phương thực hiện tự giác.
Con số thống kê của chi cục thuế các huyện trong tỉnh Đắk Lắk cho thấy, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 107 hộ kinh doanh; 02 doanh nghiệp kinh doanh nghành nghề cà phê, nông sản quy mô nhỏ là người dân tộc thiểu số; trong đó người dân tộc Ê Đê có 01 doanh nghiệp và 26 hộ kinh doanh, người dân tộc M’nông 19 hộ, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh người dân tộc thiểu số đều tự giác thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, trừ một số hộ kinh doanh ngành nghề thu mua nông sản bị thua lỗ, ngừng kinh doanh được Nhà nước áp dụng chính sách miễn thuế.  
Con số thống kê nêu trên chưa bao hàm tổng thể hoạt động chấp hành pháp luật của cư dân địa phương người dân tộc Ê Đê, M’nông và đồng bào dân tộc thiểu số khác trong toàn tỉnh nhưng phần nào đã phản ánh được nhân dân các dân tộc bước đầu nhận thức được vai trò của pháp luật đối với đời sống của họ. Một số thói quen chấp hành pháp luật đang bắt đầu được hình thành ở các buôn làng như thói quen đóng thuế khi kinh doanh, thói quen nhập ngũ khi đến tuổi trưởng thành cùng song song tồn tại với thói quen góp quỹ buôn làng của người phụ nữ ÊĐê, M’nông và thói quen gia nhập đội an ninh buôn, bản của nam thanh niên các dân tộc này khi đến tuổi trưởng thành. Các thói quen này hợp thành hệ thống như một dòng chảy có chung nguồn cội tạo nên hiệu lực thực tế của pháp luật cũng như luật tục của cư dân bản địa.
3. Giáo dục việc sử dụng pháp luật thông qua việc vận dụng luật tục
Sử dụng pháp luật phục vụ đời sống hàng ngày của con người là điều hết sức cần thiết. Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam, ta thấy hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đều mang tính chỉ dẫn, định hướng hành vi của con người trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ dân sự. Trong 777 điều của Bộ luật Dân sự năm 2005, chỉ có bảy điều quy định về trách nhiệm dân sự, số còn lại chủ yếu là quy định chỉ dẫn; hay như trong số 172 điều của Luật Doanh nghiệp, chỉ có một điều quy định về xử lý vi phạm, số còn lại quy định về quyền nghĩa vụ của doanh nghiệp, hướng dẫn trình tự thủ tục thành lập, hoạt động, quản lý điều hành doanh nghiệp, v.v..
Như vậy, hiểu biết pháp luật một cách thống nhất để sử dụng nó trong đời sống hàng ngày là nhu cầu cấp thiết không chỉ riêng đối với cư dân người dân tộc thiểu số mà còn là nhu cầu không thể thiếu của toàn thể người dân sống trên lãnh thổ Việt Nam.
 Đối với cư dân bản địa ở Tây Nguyên, đặc biệt là cư dân người dân tộc Ê Đê, M’nông từ trước đến nay thường sử dụng luật tục và các phong tục tập quán sống của địa phương để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, việc phổ biến kỹ năng sử dụng pháp luật phối hợp với luật tục phục vụ đời sống của người dân địa phương là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong công tác giáo dục pháp luật của các nhà chức trách trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.
Thứ nhất, vận dụng luật tục của cư dân địa phương để tuyên truyền việc sử dụng pháp luật trong giao dịch dân sự.
Có thể nói rằng, luật tục của cư dân bản địa là công cụ đắc lực trong giao dịch dân sự của các tộc người này. Ngay cả trong thế giới hiện đại ngày nay, luật tục của họ vẫn hiện hữu và phát huy hiệu quả tối ưu trong điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh giữa những người sáng tạo ra nó.
Về lý luận, luật tục của cư dân bản địa chưa được coi là nguồn của pháp luật, nhưng trong thực tế, luật tục của họ vẫn được sử dụng hiệu quả, đặc biệt là trong giao dịch dân sự. Như vậy, những quy định luật tục mang tính tiến bộ trong giao dịch dân sự sẽ là cơ sở nền tảng để pháp luật dân sự thâm nhập vào đời sống của cư dân bản địa nơi đây. Mặt khác, những quy định của luật tục không phù hợp với luật dân sự cũng đã và đang được nghiên cứu và “cảm hoá” từng bước bằng pháp luật.
 Về cách thức, tuyên truyền viên pháp luật cần có sự đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu các quy định của luật tục trong lĩnh vực dân sự của từng thôn, buôn để có chương trình giáo dục pháp luật sát với đời sống địa phương nơi thực hiện công tác tuyên truyền.
Trong quá trình nghiên cứu luật tục, tuyên truyền viên pháp luật cần kết hợp phân loại luật tục của từng địa phương trong lĩnh vực dân sự thành hai nhóm gồm: nhóm những quy định phù hợp và nhóm những quy định không phù hợp pháp luật dân sự để có cách thức tuyên truyền hiệu quả và tiết kiệm.
Đối với nhóm quy tắc dân sự tiến bộ chung trong luật tục Ê Đê, M’nông như: mua bán phải có sự bằng lòng với nhau; nhận đồ vật đã mua xong phải trả tiền; cho nhau tiền, đồ vật, đất đai phải có sự ưng thuận của hai bên gia đình; vay tiền, gạo, muối phải trả bằng tiền, bằng gạo, bằng muối, nếu không trả được bằng vật thì nói lời nhẹ nhàng với nhau để đền tiền hoặc đền đồ vật khác thay thế, không được để thiếu của người cho vay, cho mượn... (Luật tục Ê Đê sưu tầm tại buôn M’tha xã EaRôk huyện Easúp tháng 7/2012)là những quy định gần gũi với luật dân sự của Nhà nước. Khi thực hiện tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực này, tuyên truyền viên chỉ cần nêu các quy tắc chung của luật tục, hoan nghênh việc sử dụng luật tục trong đời sống dân sự của tộc người này và khẳng định luật dân sự hiện nay có các quy định tương tự. Ngoài ra, luật dân sự của Nhà nước còn có các quy định nhân rộng các quy tắc này để nhiều người cùng thực hiện, đồng thời có chế tài bảo vệ để luật tục được tồn tại lâu dài và phát triển.
Bằng cách thức này, tuyên truyền viên kết hợp nêu một số quy định của luật dân sự phù hợp với luật tục và lưu ý nêu chế tài dân sự, phân tích, so sánh những lợi ích gắn liền với việc áp dụng chế tài dân sự và lợi ích trong áp dụng chế tài theo luật tục để người dân địa phương tiện việc so sánh, tạo cho họ có điều kiện lựa chọn sử dụng luật tục hay sử dụng pháp luật khi thực hiện giao dịch dân sự trong đời sống.
Đối với nhóm quy định của luật tục không phù hợp với pháp luật dân sự hay còn gọi là các quy định luật tục xung đột với pháp luật như: quy định hôn nhân nối nòi ép buộc; quy định thừa kế theo mẫu hệ trong luật tục Ê Đê; quy định buộc bố mẹ phải bồi thường khi con đã trưởng thành gây thiệt hại về tài sản hoặc tổn thất tinh thần cho người khác trong luật tục Ê Đê và M’nông, v.v.., khi thực hiện công tác giáo dục pháp luật, tuyên truyền viên cần có sự đầu tư thời gian nghiên cứu một cách thấu đáo các quy định này. Ngoài việc nắm được quy định cụ thể của luật tục, tuyên truyền viên còn phải nắm được bản chất sâu xa của nó, nắm được thói quen, trạng thái tâm lý của cư dân bản địa để có sự dẫn dắt một cách tế nhị và khéo léo trong việc đưa pháp luật vào thay thế các quy định luật tục này. Ví dụ khi tuyên truyền pháp luật về thừa kế, tuyên truyền viên xoáy sâu vào tâm lý yêu thích sự công bằng của cư dân bản địa nơi đây để phân tích sự đóng góp sức lao động của người đàn ông trong gia đình, động viên khích lệ người phụ nữ dựa vào sự công bằng để chia sẻ lợi ích với những người có cùng hàng thừa kế phía gia đình nhà chồng, đồng thời khuyến khích người đàn ông từng bước tự tin, mạnh dạn đòi hỏi quyền bình đẳng của mình trong việc phân chia di sản thừa kế.
 Trong quá trình giáo dục pháp luật, tuyên truyền viên luôn phải đặt mình vào sự tương quan lực lượng giữa hai luồng quan điểm, một bên là cá nhân tuyên truyền viên với quan điểm sử dụng pháp luật tiến bộ và mới mẻ với một bên là các tộc người bản địa với lối sống biệt lập và quan điểm sử dụng luật tục bám rễ sâu trong tiềm thức từ lâu đời, ít quan tâm đến pháp luật để dự liệu một khoảng thời gian, tích lũy một khối kiến thức pháp lý và huy động tận lực các kinh nghiệm thực tiễn trong công tác tuyên truyền, nhằm tìm kiếm một giải pháp cho pháp luật “hoà tan và thấm sâu” vào luật tục, từng bước loại trừ và thay thế những quy định lạc hậu, trái pháp luật trong luật tục; tạo ra môi trường pháp luật tươi mới cho mầm luật tục mới nảy sinh, được cư dân bản địa đón nhận tự giác và thi hành một cách tự nguyện.
Thành công của tuyên truyền viên pháp luật không chỉ dựa trên tiêu chí thời gian đầu tư cho công tác tuyên truyền, mà được tính bằng chính hiệu quả của nó, nghĩa là nơi nào người dân bản địa biết sử dụng phối hợp một cách hài hoà pháp luật và luật tục trong giao dịch dân sự, có nhiều quy định luật tục mới phát sinh phù hợp với pháp luật được nhiều người chấp nhận tự nguyện, thái độ của người dân thiện cảm với tuyên truyền viên, thiện cảm với pháp luật, thì tuyên truyền viên pháp luật nơi đó được coi là hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại.
Thực tế công tác giáo dục pháp luật ở tỉnh Đắk Lắk trong những năm gần đây bước đầu đã có những kết quả nhất định, giao dịch dân sự giữa người dân bản địa với người Kinh và người dân các dân tộc thiểu số nhập cư khác trên địa bàn tỉnh đã có sự hoà nhập tương đối. Người Kinh thực hiện các giao dịch dân sự như mua, bán, trao đổi hàng hoá với người bản địa đã tự nguyện chấp nhận luật tục tiến bộ của họ. Người bản địa có quan hệ dân sự, quan hệ hôn nhân với người Kinh   đã chấp nhận giao dịch dân sự theo pháp luật và chấp nhận từ bỏ hôn nhân mẫu hệ hay hôn nhân nối nòi của họ để thực hiện chế độ hôn nhân theo phong tục của người Kinh và theo pháp luật về hôn nhân của Nhà nước.
 Qua khảo sát thực tế ở ba buôn của người dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong tháng 5/2013 gồm buôn Bung xã Easol huyện EaH’leo; buôn Cưmtar xã CưliêMnông huyện Cưmgar của người Ê Đê; buôn Lạch Tân xã KrôngNô huyện Lăk của người M’nông, chúng tôi thấy rằng: ba buôn này có 47 hộ gia đình gồm 339 nhân khẩu, trong đó có 52 người chưa thành niên và 28 người lớn tuổi không biết tiếng Kinh, không tham gia giao dịch dân sự ra ngoài buôn, bản; số còn lại đều tham gia giao dịch dân sự ở diện rộng với nhau, với người Kinh và người dân tộc thiểu số nhập cư khác. Trong các buôn này, có 54 thanh niên ở lứa tuổi từ 19 đến 25; trong đó có 13 thanh niên tham gia học đại học và trung cấp chuyên nghiệp; 16 thanh niên tham gia học nghề; 07 nam thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, số thanh niên còn lại sống tại buôn làm nông nghiệp. Trong số thanh niên của các buôn này, có 02 nam thanh niên kết hôn với người Kinh đưa vợ về sống làm nghề bán tạp hoá tại buôn; 05 nữ thanh niên lấy chồng người Kinh theo chồng về sống tại các thị trấn huyện.
Số liệu này chưa phản ánh được bức tranh tổng thể về các mối quan hệ dân sự giữa người dân bản địa với người dân các dân tộc nhập cư khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sau những cố gắng đưa pháp luật dân sự đến với người dân bản địa thông qua việc vận dụng luật tục địa phương của các nhà chức trách nơi đây. Tuy nhiên, nó phần nào thể hiện được sự hòa nhập bước đầu của luật tục địa phương và pháp luật của Nhà nước trong giao dịch dân sự trên địa bàn tỉnh nhà.      
 Thứ hai, vận dụng luật tục để tuyên truyền việc sử dụng pháp luật trong kinh doanh.
Nghiên cứu luật tục của người bản địa ở Tây Nguyên nói chung, chưa tìm thấy khái niệm kinh doanh. Nét manh nha của hoạt động mua bán trao đổi một số con vật và đồ vật như voi, trâu, bò, chiêng, ché, lợn, gà vải tự dệt v.v.. trước đây của các tộc người này chưa đủ làm phát sinh những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc gắn với những hình thức xử phạt vật chất của cộng đồng người này để trở thành luật tục. Như vậy, pháp luật về lĩnh vực kinh doanh lại càng xa lạ đối với họ.
Sau gần 30 năm cơ chế thị trường vận hành ở nước ta, sự nghiệp kinh doanh của người bản địa ở Tây Nguyên hiện nay cũng chỉ được coi là bước đầu. Rải rác ở các thôn buôn gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và thị trấn các huyện trong tỉnh mới có một số hộ kinh doanh cá thể và một vài doanh nghiệp mua bán, chế biến cà phê, nông sản có quy mô nhỏ vừa sử dụng pháp luật, vừa sử dụng luật tục để kinh doanh.  
Trong quá trình đưa pháp luật về lĩnh vực kinh doanh vào đời sống của người bản địa, có quan điểm cho rằng, muốn tuyên truyền việc sử dụng pháp luật trong kinh doanh cho người bản địa, trước hết cần phải xóa bỏ tư tưởng thượng tôn luật tục, nghĩa là cần xóa sạch các quy tắc mua bán trao đổi đồ vật mang tính nhỏ lẻ, manh mún trong họ bởi lẽ các quy tắc này làm cho người bản địa không thể mở ra những định hướng kinh doanh có quy mô chuyên nghiệp và đạt hiệu quả mong muốn.
Quan điểm khác lại cho rằng, cần kế thừa triệt để các quy tắc mua bán trao đổi đồ vật nhỏ của người bản địa và đề cao luồng tư tưởng thượng tôn luật tục trong quá trình tuyên truyền, bởi lẽ, khác với người dân nhập cư tìm đến người bản địa để khám phá nét văn hoá cộng đồng và tính đặc thù địa phương; điều người dân bản địa khát khao tìm kiếm, khám phá ở người miền xuôi là những nét tương đồng giữa luật tục của họ với pháp luật Nhà nước trong quy tắc sống, quy tắc làm việc và quy tắc trao đổi, mua bán hàng hoá trên thị trường. Nét đặc thù này gợi mở một con đường cho tư tưởng pháp luật kinh doanh mới đi vào đời sống của họ.
Đi sâu vào đời sống của cư dân bản địa nơi đây, ta có thể thấy quan điểm kế thừa thể hiện được tính hợp lý của nó trong thực tiễn. Công tác tuyên truyền pháp luật cho người bản địa minh chứng rằng, một tuyên truyền viên pháp luật có thể tiếp cận được với cư dân địa phương khi họ hiểu biết một cách thấu đáo tinh thần luật tục bản địa, điều đó cũng có nghĩa là, một tuyên truyền viên pháp luật về kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hoá không thể bỏ qua ngưỡng cửa luật tục địa phương để mang một tư tưởng pháp luật hoàn toàn mới lạ áp đặt cho một tập thể người vốn dĩ đã quen sống theo tập quán bản địa.
Từ quan điểm này, tuyên truyền viên pháp luật về lĩnh vực kinh doanh luôn phải theo sát hoạt động mua, bán trao đổi đồ vật của người dân bản địa, tìm hiểu quy luật vận hành của những quy tắc mua, bán trao đổi này, có sự phân tích trên cơ sở biện chứng sự tồn tại của nó từ đó tìm ra chìa khoá mở cánh cửa luật tục cho pháp luật kinh doanh vào trú ngụ và nảy mầm mới trên mảnh đất luật tục vốn sẵn có “vi chất” để mầm pháp luật tồn tại và phát triển.
Về cách thức, trong quá trình xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực kinh doanh, tuyên truyền viên phải dành quỹ thời gian xuống địa phương nơi mình trực tiếp thực hiện việc tuyên truyền gặp các già làng, trưởng buôn và gặp gỡ giao lưu với những người buôn bán hàng tạp hoá nhỏ lẻ trong khu vực, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương sở tại để tìm hiểu, sưu tầm các tập quán, thói quen mua bán, trao đổi hàng hoá, vật dụng của người dân địa phương nhằm tìm kiếm điểm giống và khác nhau giữa pháp luật và tập quán trong lĩnh vực này.
Đối với điểm giống nhau giữa pháp luật và tập quán kinh doanh, tuyên truyền viên nêu nội dung tập quán lên trước, liền sau đó nêu nội dung pháp luật cần tuyên truyền, đồng thời phân tích ưu điểm vượt trội của việc sử dụng pháp luật trong quá trình kinh doanh. Đặc biệt, cần nhấn mạnh pháp luật về kinh doanh luôn là công cụ bảo vệ cho tập quán kinh doanh tiến bộ của người bản địa tồn tại và phát triển.
Đối với tập quán mua bán, trao đổi hàng hoá của người bản địa không phù hợp với pháp luật (như đổi ngà voi, gỗ quý, có khi là cả thuốc phiện để lấy gạo muối và vật dụng gia đình...), tuyên truyền viên pháp luật cần khéo léo, mềm dẻo và kiên trì thuyết phục người dân từ bỏ.
Thực tiễn công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thấy, việc thay đổi tập quán, thói quen mua bán, trao đổi hàng hoá trái pháp luật của người bản địa cần phải có một quá trình dài và phải bắt đầu từ việc thay đổi ý thức tập quán của họ; và thực tiễn công tác tuyên truyền pháp luật cũng đã kiểm chứng, chỉ có việc vận dụng các quy định của luật tục tiến bộ có thể thay đổi ý thức tập quán kinh doanh trái pháp luật của người dân bản địa.        
4. Một số khó khăn và giải pháp khắc phục
Việc đưa pháp luật vào đời sống của người dân bản địa trong giai đoạn hiện nay là cấp thiết nhưng không đơn giản, bởi lẽ hầu hết các buôn làng người dân tộc bản địa Tây Nguyên thường ở cách xa nhau, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều buôn nằm ở vùng sâu, vùng xa hoặc vùng rừng núi, giao thông đi lại không thuận lợi, đặc biệt vào mùa mưa. Khó khăn về kinh tế và sự cách biệt về địa lý này dẫn đến tình trạng nhiều người dân bản địa không biết tiếng Kinh, không quan tâm đến pháp luật của Nhà nước. Đâu đó trong các buôn làng tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại
Để làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân bản địa ở Tây Nguyên, Nhà nước ta cần sử dụng nhiều hình thức, nhiều phương pháp và nhiều lực lượng tuyên truyền, phối hợp hài hoà việc tuyên truyền pháp luật thực định với việc làm hình thành ý thức pháp luật cho người dân bản địa.
 Trước hết cần phải khai thác triệt để thế mạnh của lực lượng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng buôn - những người hiểu rõ hơn ai hết tập quán của người dân bản địa, biến họ trở thành hạt nhân tuyên truyền pháp luật, thành ngọn đuốc thắp sáng xua tan màn đêm của lực lượng siêu nhiên, bí hiểm trong tư tưởng của người dân bản địa. Chính họ phải là lực lượng chính khơi thông dòng tập quán cho pháp luật hoà tan vào luật tục, trở thành dòng chảy trong lành trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên.
Lực lượng cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội là lực lượng tuyên truyền pháp luật mang tính chất truyền thống. Lực lượng này yêu cầu tối thiểu phải biết tiếng dân tộc bản địa ít nhất là ở vùng mình trực tiếp làm công tác tuyên truyền. Hàng năm, lực lượng này phải đầu tư một thời gian nhất định cùng sống và làm việc với người bản địa, vừa học tập sưu tầm luật tục để vận dụng vào việc tuyên truyền pháp luật, vừa kết hợp tạo ra các mô hình kinh tế mẫu cho đồng bào dân tộc thiểu số như mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình… Đặc biệt, lực lượng tuyên truyền này phải thể hiện được tính tiên phong của công chức nhà nước, phải có sự ảnh hưởng lớn tạo nên quan điểm sống mới của người dân và phải thực sự là chỗ dựa tinh thần cho người dân.
Để có được kết quả này, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ thoả đáng cho các lực lượng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; có chế độ khen thưởng kịp thời cho những người có nhiều sáng kiến trong công tác tuyền truyền và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lợi dụng công tác tuyên truyền để bài trừ các quy định tiến bộ trong luật tục, gây ra sự kỳ thị dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Nhà nước ta./. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1(281), tháng 1/2015)


Thống kê truy cập

33940126

Tổng truy cập