Những bất cập trong quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và các kiến nghị sửa đổi, bổ sung

01/12/2014

ThS. PHAN PHƯƠNG NAM

Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các hoạt động mua, bán, trao đổi chứng khoán. Ở thị trường này, có nhiều chủ thể tham gia với những tư cách khác nhau như tổ chức phát hành chứng khoán, nhà đầu tư, các chủ thể trung gian… nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau về vốn, lợi nhuận. Trong các quan hệ đó, sẽ có những xung đột lợi ích dẫn đến việc có những chủ thể tiến hành các hành vi xâm hại đến lợi ích của chủ thể khác. Những hành vi đó còn có thể gây nên những hệ quả tiêu cực trên TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, việc đảm bảo cho TTCK phát triển ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước. Để thực hiện trách nhiệm này, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh và xử lý đối với những hành vi vi phạm trên TTCK.
Untitled_280.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Hiện nay, các quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK được quy định trong Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/09/2013 (Nghị định 108). Văn bản này thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010 của Chính phủ (Nghị định 85) và đã cụ thể hóa một số quy định trong Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010. Nghị định 108 đã: (i) đưa ra những hình thức xử lý vi phạm đối với hành vi chào bán chứng khoán, bao gồm chào bán chứng khoán riêng lẻ, đại chúng trong nước và chào bán ra nước ngoài, điều này đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh của pháp luật so với Nghị định 85; (ii) quy định chi tiết hơn các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với từng loại hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; (iii) mức xử phạt cũng được quy định cao hơn, phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 và xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, Nghị định 108 còn có một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, các biện pháp bổ sung của Nghị định 108 nhưng chưa đầy đủ và hoàn thiện. 
Khoản 3 Điều 3 Nghị định 108 quy định nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nhưng những quy định này vẫn còn có điểm cần bàn. Đó là biện pháp: “Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán…”. Quy định của Nghị định mới đã bỏ đi phần trách nhiệm trả:“thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức chào bán chứng khoán mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc...” của tổ chức vi phạm khi thực hiện hoạt động chào bán trái quy định đã từng được quy định trong khoản 5 Điều 7 Nghị định 85.
Có người lý giải rằng, việc tổ chức vi phạm quy định hoạt động chào bán chứng khoán sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các pháp luật liên quan nên không cần phải trả thêm tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, điều này là không hợp lý, bởi lẽ đây là một thiếu sót trong hoạt động lập quy. Điều này được thể hiện rõ nét trong điểm a, khoản 4 Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 108[1]. Thiếu sót này dẫn đến mâu thuẫn trong các quy định của Nghị định 103. Vì về nguyên tắc, Điều 3 của Nghị định 108quy định về hình thức xử phạt VPHC và biện pháp khắc phục hậu quả thì các hình thức xử lý vi phạm và các biện pháp khắc phục của các hành vi vi phạm cụ thể phải tuân thủ theo quy định chung tại Điều 3. Tuy nhiên trên thực tế, điểm a, khoản 4 Điều 4 và Điều 5 của Nghị định lại ghi nhận một biện pháp khắc phục hậu quả không được nêu trong Điều 3.
Vì vậy, theo chúng tôi, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 108 thành: “Buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán; buộc thu hồi số cổ phiếu phát hành thêm; tổ chức chào bán chứng khoán trái quy định pháp luật phải chi trả thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức chào bán chứng khoán mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm bị xử phạt VPHC”.
Thứ hai, quy định về xử phạt đối với hành vi chào bán chứng khoán riêng lẻ trong Nghị định 108 là không phù hợp với pháp luật hiện hành.
Điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 108 quy định: “Thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hoặc chưa được UBCKNN thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức đăng ký” là hành vi trái pháp luật và bị xử phạt. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và Điều 8 Nghị định 58/NĐ/CP của Chính phủ ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 58) thì cơ quan quản lý chào bán chứng khoán riêng lẻ bao gồm nhiều cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước, Sở Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính…[2]. Nếu vậy, mặc dù đã đăng ký với cơ quan theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 58 nhưng tổ chức phát hành vẫn sẽ bị xử phạt nếu như cơ quan mà tổ chức phát hành đăng ký không phải là UBCKNN. Điều này là rất vô lý. Do vậy, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 108 là hoàn toàn vô lý và trái với Nghị định 58. Để giải quyết mâu thuẫn trên, có hai phương án:
(i) Bỏ hẳn Điều 8 của Nghị định 58 và sửa lại khoản 1 Điều 6 Nghị định 58 từ “tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 8 Nghị định này” thành: “tổ chức phát hành gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ tới UBCKNN” và giữ nguyên quy định của Nghị định 108.
(ii) Giữ nguyên các quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ trong Nghị định 58 và sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 108 thành: “thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không đăng ký hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức đăng ký”.
Theo chúng tôi, phương án hai sẽ khả thi và đúng tinh thần pháp luật hơn, bởi lẽ việc chào bán chứng khoán riêng lẻ là hoạt động thường được các tổ chức phát hành sử dụng để huy động vốn. Hoạt động này diễn ra rộng khắp và tính chất ảnh hưởng không quá lớn đến các nhà đầu tư và TTCK nói chung. UBCKNN còn phải quản lý rất nhiều nội dung khác của TTCK như: giao dịch chứng khoán, kinh doanh chứng khoán, chào bán chứng khoán ra công chúng… Do vậy, UBCKNN không cần phải quản lý tất cả hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ. Theo chúng tôi, đó cũng chính là lý do tại sao có quy định tại Điều 8 Nghị định 58. Với những lý do trên, chúng tôi thấy rằng, việc áp dụng phương án hai để giải quyết mâu thuẫn trên là hợp lý nhất.
Thứ ba, pháp luật quy định các biện pháp xử lý VPHC đối với những hành vi vi phạm phát sinh trong hoạt động chào bán ra công chúng, chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại Việt Nam của công ty đại chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam là chưa đầy đủ và chính xác.
Trong hoạt động chào bán chứng khoán, pháp luật đã phân chia hoạt động chào bán chứng khoán thành hai loại là chào bán chứng khoán ra công chúng[3] và chào bán chứng khoán riêng lẻ[4]. Tuy nhiên, trong quy định tại Điều 121 Luật Chứng khoán năm 2006 mới chỉ đề cập đến việc xử lý vi phạm đối với hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa đề cập đến việc xử lý vi phạm đối với hành vi chào bán chứng khoán riêng lẻ.
Điều này có thể lý giải rằng khi Luật Chứng khoán năm 2006 ra đời chưa dự liệu về hoạt động chào bán riêng lẻ nên phần quy định về xử phạt không đề cập đến xử phạt đối với hành vi chào bán chứng khoán riêng lẻ. Tuy nhiên, đến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010 thì tại khoản 6 Điều 1 Luật đã bổ sung quy định về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, nhưng Điều 121 Luật Chứng khoán năm 2006 vẫn không được sửa đổi, bổ sung để xử phạt đối với hành vi chào bán chứng khoán riêng lẻ không đúng quy định của Luật Chứng khoán. Ở lần này, chúng ta có thể kiến giải rằng tại khoản 1 Điều 10a của Luật sửa đổi, bổ sung có xác định: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan” nên Luật Chứng khoán không xử lý đối với hành vi vi phạm nói trên.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành khác không có quy định nào điều chỉnh chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng. Do vậy, Nghị định 58 cũng đã có những quy định về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ nói chung[5]. Như vậy, có thể hiểu cụm từ “các quy định khác của pháp luật có liên quan” theo Luật Chứng khoán là đề cập đến quy định của Nghị định 58. Theo Điều 3 Nghị định 58 thì đối tượng được chào bán riêng lẻ bao gồm: “1. Công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan. 2. Công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần”. Mặc dù vậy, khi đề cập về việc xử phạt đối với những hành vi vi phạm liên quan hoạt động chào bán chứng khoán thì Nghị định 108 lại chỉ quy định xử lý đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu riêng lẻ tại Việt Nam của công ty đại chúng mà không đề cập đến việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Có thể có quan điểm cho rằng, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chứng khoán mà chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quan điểm này là chưa chính xác vì: một là, trong Nghị định 58 đã có những quy định điều chỉnh về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ nói chung nên có thể xem đây cũng là một trong các nội dung điều chỉnh của pháp luật chứng khoán và TTCK; hai là, trong Nghị định 108 tại Điều 8 cũng có quy định về việc phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, việc phát hành thêm cổ phiếu chắc chắn không phải là chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và chào bán chứng khoán ra công chúng vì đã có các điều 4, 5, 6, 7 của Nghị định 108 quy định về các hoạt động này. Vậy đây chính là hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng có vi phạm và đã được Nghị định 108 điều chỉnh.
Từ đó cho thấy, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ kể cả hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty chưa là công ty đại chúng cũng đã được Nghị định 108 điều chỉnh. Nhưng Nghị định 108 đã chưa quy định đầy đủ và bao quát hết các hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán chứng khoán. Đó là chưa điều chỉnh đến hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty TNHH khi chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu và bổ sung vào Nghị định 108 một điều quy định về xử phạt đối với chủ thể có những hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty TNHH khi chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với hành vi này có thể sẽ nhẹ hơn đối với vi phạm trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng vì sức ảnh hưởng của đợt chào bán, mức độ nguy hiểm của hành vi không cao bằng.
Thứ tư, các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động môi giới chứng khoán còn chưa đầy đủ. Ở đây có hai nội dung cần đề cập:
Một là, những hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định 108 là chưa bao quát hết các vi phạm trong hoạt động môi giới chứng khoán.
Khoản 1 Điều 48 Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán quy định (Thông tư 210): “Hợp đồng mở tài khoản phải có các nội dung tối thiểu theo quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư”. Như vậy, những nội dung tối thiểu được quy định trong phần Phụ lục XVI của Thông tư 210 là những nội dung mang tính bắt buộc trong hợp đồng mở tài khoản. Nếu nội dung trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán do CTCK thiết kế mà không có đầy đủ những nội dung trên thì có thể coi CTCK đã có hành vi vi phạm pháp luật, có khả năng làm xâm hại đến những quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư là khách hàng của CTCK. Theo nguyên tắc, CTCK rơi vào trường hợp này sẽ bị xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, khảo sát tất cả các quy định trong Nghị định 108, chúng tôi nhận thấy chưa có một quy định cụ thể về hành vi vi phạm nêu trên.
Xét về tính chất, hành vi này cũng là hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh của CTCK. Tuy nhiên, xét về mức độ hậu quả thì hành vi vi phạm này không quá nghiêm trọng. Do vậy, chúng tôi kiến nghị hành vi vi phạm này sẽ được xem xét trong khoản 1 Điều 21 Nghị định 108. Nên thêm vào điểm e khoản 1 Điều 21 Nghị định 108 nội dung sau: “đ) ký hợp đồng mở tài khoản không đảm bảo những nội dung tối thiểu theo quy định của pháp luật”. Quy định bổ sung này vừa không phá vỡ cấu trúc trong Nghị định 108, vừa bảo đảm tính chặt chẽ, hợp lý trong các quy định của pháp luật về hoạt động môi giới, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý thích đáng, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa nhà đầu tư là khách hàng của CTCK trong hoạt động môi giới chứng khoán.
Hai là,có những hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới như: “nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trái quy định pháp luật; mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng, nhận lệnh của khách hàng và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng không đúng quy định pháp luật; thanh toán giao dịch với người khác không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền bằng văn bản của người đứng tên tài khoản; thực hiện mua hoặc cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán” đã làm cho CTCK có phát sinh thu nhập bất hợp pháp. Nhưng trong Điều 21 Nghị định 108 lại không có đưa ra biện pháp khắc phục là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Vậy nếu CTCK có thu nhập từ các hành vi vi phạm này thì có buộc nộp lại không? Trong khi đó, rất nhiều nhóm hành vi vi phạm trong các hoạt động của các chủ thể khác sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung vào Điều 21 Nghị định 108 khoản 6 với nội dung: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm các quy định nêu trong khoản 1, 2, 3, 4 của Điều này”.
Thứ năm, các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán còn chưa đầy đủ. Trong nội dung này có các điểm hạn chế sau:
Một là, có sự mâu thuẫn trong quy định điểm c khoản 2 Điều 21 và điểm b khoản 3 Điều 21 của Nghị định 108.
Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 108 xác định hành vi vi phạm của CTCK là: “Vi phạm quy định về trách nhiệm của CTCK trong việc thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính; thực hiện hành vi bị cấm trong nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính” sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định 108 cũng quy định hành vi vi phạm của CTCK đối với: “Thỏa thuận hoặc đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lvới khách hàng đlôi kéo khách hàng tham gia giao dịchsẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Trong khi đó, hành vi “thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ” cũng là một trong các hành vi nằm trong quy định cấm CTCK được thực hiện theo Điều 57 Thông tư 210. Do vậy, cùng hành vi này, CTCK sẽ chịu đến hai mức xử phạt.
Sự mâu thuẫn trên sẽ dẫn đến hệ quả là gây khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành xử lý đối với hành vi vi phạm tương ứng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần thêm vào nội dung sau: “trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này” trong điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 108. Để từ đó, điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 108 được sửa đổi thành: “Vi phạm quy định về trách nhiệm của CTCK trong việc thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính; thực hiện hành vi bị cấm trong nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này”. Việc sửa đổi này sẽ làm cho các quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động này trở nên hợp lý và logic hơn, đảm bảo tính chặt chẽ và không có sự xáo trộn trong các quy định của pháp luật.
Hai là, trong khoản 3 Điều 45 Thông tư 210 đã ghi nhận về một trong các nguyên tắc hoạt động của CTCK trong hoạt động kinh doanh chứng khoán nói chung và hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán nói riêng là: “CTCK phải đảm bảo tách biệt về văn phòng làm việc, nhân sự, hệ thống dữ liệu, báo cáo giữa các bộ phận nghiệp vụ để đảm bảo tránh xung đột lợi ích giữa CTCK với khách hàng hoặc giữa các khách hàng với nhau. CTCK phải công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng”. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định 108 mới chỉ ghi nhận việc: “không tách biệt về trụ sở, trang thiết bị, hệ thống máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin với các tổ chức kinh tế khác; không tách biệt về cơ sở dữ liệu giữa các bộ phận nghiệp vụ tiềm ẩn xung đột lợi ích trong công ty” là hành vi vi phạm mà không nhắc đến cũng như không đề cập việc CTCK không công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng có là hành vi vi phạm hay không? Quy định trên làm phát sinh hai vấn đề:
(i) Về nguyên tắc, việc vi phạm các nguyên tắc hoạt động này cũng được coi là hành vi vi phạm của CTCK. Do vậy, tại sao hoạt động không tách biệt về trụ sở, trang thiết bị, hệ thống máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin với các tổ chức kinh tế khác; không tách biệt về cơ sở dữ liệu giữa các bộ phận nghiệp vụ tiềm ẩn xung đột lợi ích trong công ty bị coi là hành vi vi phạm. Trong khi đó, hoạt động không công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng lại không bị xem là hành vi vi phạm? Điều này là không công bằng và không logic. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị pháp luật cũng cần phải xác định việc CTCK không công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng cũng là hành vi vi phạm pháp luật và cần được xử lý.
(ii) Nếu xem xét hành vi trên là hành vi vi phạm thì thuộc nhóm hành vi nào để xử lý? Theo chúng tôi, đây cùng là nhóm hành vi vi phạm các nguyên tắc hoạt động của CTCK và mức độ vi phạm không quá nghiêm trọng, nên cần đưa vào khoản 1 Điều 21 Nghị định 108 như đối với hoạt động không tách biệt về trụ sở, trang thiết bị, hệ thống máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin với các tổ chức kinh tế khác; không tách biệt về cơ sở dữ liệu giữa các bộ phận nghiệp vụ tiềm ẩn xung đột lợi ích trong công ty.
Như vậy, điểm d khoản 1 Điều 21 Nghị định 108 cần được sửa đổi thành: “Không tách biệt về văn phòng làm việc, nhân sự, hệ thống dữ liệu, báo cáo giữa các bộ phận nghiệp vụ; không thiết lập bộ phận thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết khiếu nại của khách hàng; không công bố cho khách hàng biết trước về những xung đột lợi ích có thể phát sinh giữa CTCK người hành nghề chứng khoán và khách hàng; không công bố lợi ích của mình về chứng khoán mà mình đang sở hữu cho khách hàng đang được tư vấn về chứng khoán đó”.
Ba là, tại khoản 7 Điều 71 Luật Chứng khoán năm 2006 có xác định CTCK phải có nghĩa vụ: “mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty”. Vì vậy, về nguyên tắc, nếu CTCK vi phạm nghĩa vụ này cũng bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị chế tài. Tuy nhiên, trong quy định tại Điều 21 Nghị định 108 thì không đưa ra chế tài đối với hành vi vi phạm này. Điều đó là không đúng logic và lý luận chung.
Việc bỏ qua chế tài quy định xử phạt về hành vi này có thể xuất phát từ sự phản ứng của dư luận, báo chí, của các CTCK khi trước đây, điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định 85 đã quy định nếu CTCK: “không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty và trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên công ty chứng khoán gây ra” sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. Các phản ứng trên xuất phát từ việc chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư của CTCK, cũng như chưa có sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nào do các doanh nghiệp bảo hiểm cung ứng tương ứng với hoạt động kinh doanh của CTCK. Do vậy, nếu pháp luật quy định mà không có cơ chế cho các CTCK thực hiện hoạt động này thì việc xử phạt sẽ là vô căn cứ và bất hợp lý.  Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, lập luận trên là chưa chính xác, bởi lẽ:
(i) Cùng là các nghĩa vụ mà pháp luật quy định CTCK phải thực hiện, tuy nhiên, có những hành vi vi phạm nghĩa vụ bị xử phạt, có những hành vi vi phạm không bị xử phạt. Điều này làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
(ii) Nếu pháp luật chưa có những quy định cụ thể về cơ chế thành lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo vệ nhà đầu tư thì các cơ quan lập quy càng phải nhanh chóng nghiên cứu và ban hành để làm cơ sở cho các CTCK thực hiện.
(iii) Nếu các cơ quan lập quy viện dẫn vì chưa có quy định cụ thể về cơ chế thành lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo vệ nhà đầu tư nên chưa đưa ra chế tài xử lý vi phạm thì quyền lợi của nhà đầu tư càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi CTCK có những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
(iv) Dưới góc độ quản lý, việc không quy định nội dung xử phạt đối với hành vi trên càng tạo cơ hội cho việc chậm trễ ban hành các quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Điều này càng cản trở quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt động kinh doanh của CTCK nói riêng và pháp luật về TTCK nói chung.
Do vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung chế tài xử phạt CTCK, nếu CTCK “không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty và trích lập đầy đủ quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên công ty chứng khoán gây ra” với mức phạt ở khoản 3 Điều 21 Nghị định 108. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu và ban hành những quy định điều chỉnh về cơ chế hoạt động của Quỹ bảo vệ nhà đầu tư để có thể nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về TTCK nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của nhà đầu tư trên TTCK./.

 


[1] Điểm a, khoản 4 Điều 4 và Điều 5 của Nghị định 108/2013/NĐ-CP đều ghi nhận: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định… phải thu hồi cổ phiếu, trái phiếu đã chào bán, phát hành và phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư”.
[2] Điều 8 Nghị định 58/2012/NĐ-CP qui định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phiếu riêng lẻ (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) bao gồm:
a) Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm không phải là công ty đại chúng;
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng không phải là công ty đại chúng;
c) UBCKNN đối với trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng;
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành là công ty cổ phần chưa đại chúng không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b và c Khoản này”.
 
[3] Theo khoản 12 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 thì: “Chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:
a) Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet;
b) Chào bán chứng khoán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
c) Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định”.
[4] Theo khoản 12a Điều 6 Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì:“Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”.
[5] Xem thêm Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8  Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 24(280), tháng 12/2014)


Thống kê truy cập

33940058

Tổng truy cập